Tạp chí Sông Hương - Số 292 (T.06-13)
Loài hoa cỏ
09:15 | 21/06/2013

VIỆT HÙNG  

Anh đứng trên cầu thẫn thờ nhìn xuống dòng sông. Khuya lắm! Có lẽ đã qua cái mốc thời gian của một ngày cũ. Không gian im ắng. Lâu lâu mới có một tiếng xe máy từ xa vọng về.

Loài hoa cỏ
Minh họa: Nhím

Trong lòng anh, nỗi cô lẻ dày vò nhức nhối. Trăng sáng. Mặt sông cứ lấp loáng, lấp loáng... như trăm ngàn cánh tay dang chơi vơi, vùng vẫy... rồi biến dần xuống lòng sâu. Anh thốt ra một mình: “Sông ơi, hình như sông không hề chảy về đêm?”.

Dưới lòng sông, xuất hiện chiếc thuyền con. Người chèo thuyền uể oải khua mái chèo xuôi dòng. Con thuyền xa dần rồi mất hút. Anh thở dài. Mọi việc sao có thể diễn ra nhanh đến thế? Anh mơ hồ chưa định thần hết những gì vừa xảy ra.

Buổi chiều, anh phấn chấn bước vào phòng thi vấn đáp, tìm một chỗ ngồi và chờ đợi. Anh giật mình khi nghe gọi tên. Cố gắng khoan thai bước lên phía trước, anh đến bên cái bàn mà trên mặt có đặt chiếc hộp gỗ. Trong hộp, những miếng giấy xếp làm tư, ghi những câu hỏi được đánh số thứ tự bên ngoài. Anh thò tay định nhón một câu bất kỳ.

- Anh hãy chọn câu số 5 ấy!

Anh ngập ngừng ngẩng đầu. Người hỏi thi nhìn anh mắt chớp chớp. Tay anh run run lần tìm câu hỏi theo yêu cầu người hỏi thi. Anh trở về vị trí chuẩn bị. Theo yêu cầu, anh phải phân tích những yếu tố chủ quan đưa đến lòng chung thủy của nhân vật M. - nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết K.V. Anh cắn môi suy nghĩ: Như vậy phải đột phá từ bên trong tâm lý nhân vật. Không khó, nhưng... cũng chẳng dễ. Khoảng 2 phút trôi qua. Anh đặt bút viết. Những câu chữ chảy chầm chậm, đều đều, rồi tự do phóng khoáng như người nghệ sĩ đang rải những nốt nhạc đầy ngẫu hứng trên phím dương cầm. Mạch văn tăng dần tốc độ tiết tấu... cho đến ào ạt, xối xả, đẩy nhanh tới cao trào...

Anh giật mình khi nghe tiếng người nói sau lưng:

- Này, anh kia! Anh có biết mấy giờ rồi không mà còn đứng đây?

Quay đầu, anh thấy hai người lính gác cầu đang nhìn anh xăm xoi.

- Ô, chào hai anh bạn trẻ - Vừa mỉm cười, anh vừa nói - Các bạn không thấy rằng dòng sông không hề chảy về đêm, mà nó dừng lại để dang rộng cánh tay ôm ánh trăng vào lòng? Nó còm ôm ấp, vỗ về cả những ưu tư, phiền muộn của con người.

Hai người lính bấm nhau bỏ đi. Anh nghe vẳng lại tiếng họ nói:

“Lại một chàng thi sĩ thất tình”, “Một ông trí thức điên khùng vì khó ngủ”.

***

Hai mươi mốt năm về trước, vào một tối đầu xuân tiết trời vẫn còn giá lạnh, anh cũng đứng trên cầu. Dưới lòng sông, ánh đèn trên cầu hắt xuống lung linh. Màn sương lãng đãng..., rồi nặng dần. Không gian bàng bạc như sa mù. Anh ưu tư hồi tưởng lại sự việc của những buổi chiều. Ngày ấy anh là chàng sinh viên văn khoa, lòng đầy tâm huyết với những tác phẩm văn học lãng mạn Pháp. Những buổi chiều, anh hay đem sách lên đọc ở chùa Huyền Trang để tìm sự yên tĩnh, thơ mộng. Chiều này nối chiều kia, anh mải mê đọc, say sưa ngốn những cuốn sách dày cộp. Chợt một hôm, anh ngó về góc vườn bên phải chùa, khuất sau lùm cây, có ánh mắt nhìn anh qua kẽ lá. Ánh mắt giấu vội khi gặp cái nhìn của anh. Anh quay đi, cho là việc bình thường và tiếp tục đọc. Chỉ một hồi, như không yên tâm, anh lại ngó về hướng ấy, vẫn ánh mắt giấu vội. Tự nhủ đừng để ý, anh lần giở từng trang sách. Nhưng, những con chữ cứ tít mù nhảy múa thách thức anh. Đứng dậy, anh đi về phía lùm cây. Một cô nữ sinh ngồi trên cỏ mà anh ước chừng thua mình độ ba bốn tuổi. Một cuốn sách đang mở ra, được đặt trên dùi cô gái. Cô nhìn anh bẽn lẽn. Rồi đỏ mặt cúi đầu. Gần đó, có tiếng chim ríu rít. Hít một hơi thật sâu, anh im lặng tưởng tượng trong từng tế bào, một cảm giác lao xao đang chuyển động và trôi đi biền biệt. Thời gian trôi chầm chậm, cả hai cùng lúng túng. Anh định buông một câu gì đó, nhưng lại thôi. Anh quay lưng trở lại chỗ cũ.

Buổi chiều ấy, khi xếp sách ra về, anh thầm trách mình đã không tập trung tư tưởng.

Buổi chiều sau, sự việc lặp lại y như thế. Anh cố gạt ra ngoài để tập trung vào trang sách. Nhưng, những con chữ vẫn cố tình bò đi như những chú kiến. Rồi chiều này nối chiều kia, trong khu vườn rợp mát của chùa Huyền Trang, tại hai vị trí cố định vẫn chỉ có hai người. Chẳng hẹn mà họ thường đến cách nhau một khoảng thời gian không lâu. Cô gái đến để nhìn qua kẽ lá nhiều hơn là học bài. Anh đến để đọc sách ít hơn là ngó về phía lùm cây. Một ngày, anh đánh bạo đến làm quen. Anh lúng túng hỏi han. Cô gái ngượng ngập trả lời e ấp. Dần dần, cái lúng túng cũng qua đi; sự ngượng ngập qua đi. Anh chẳng ngờ cô gái cũng quá say mê văn học. Hàng giờ liền anh ngồi giảng giải thao thao bất tuyệt. Cô lắng nghe đầy thán phục. Rồi khi hoàng hôn xuống, họ cùng đạp xe dọc những con đường ít người, về đến phố thì họ chia tay.

Những buổi chiều êm ả trôi...

Một hôm, khi ra khỏi chùa, cô gái dắt xe đi trước - anh theo sau cách vài chục mét; một người đàn ông mặc thường phục từ đâu xuất hiện không rõ, chặn anh lại:

- Này, cậu sinh viên đẹp trai! Cậu quen con nhỏ đó à?

- Dạ... quen...

- Cậu có biết nó con nhà ai không?

- Dạ... không. À... chúng em quen nhau chưa lâu.

- Nó là con của một tên Việt cộng nằm vùng.

Anh giật mình. Anh run rẩy khi nghe đến hai chữ đó. Lâu nay trên báo chí người ta coi họ là những con người khủng khiếp.

- Còn nguy hiểm hơn thế nữa cơ, cậu sinh viên ạ! Cha nó, một trí thức cộng sản, một trong những kẻ đầu têu kích động sinh viên nổi dậy tranh đấu.

Lại còn như thế nữa? Anh càng run hơn. Lâu nay trong các phong trào tranh đấu - sinh viên chặn xe cảnh sát, giương biểu ngữ phản đối chiến tranh, tới những phong trào tuyệt thực đòi trả lại tự do cho học đường... anh đều chạy theo tham gia. Nhưng, anh vẫn coi đó như một trò chơi chẳng cần biết tới mục đích. Nhiều lần sưng húp mắt vì nếm mùi lựu đạn cay cảnh sát, anh vẫn vui vẻ và cảm thấy thú vị.

- Chúng tôi còn nghi con nhỏ này lên đây để chuyển truyền đơn kích động giới Phật giáo nổi loạn.

Anh suýt thốt ra: “Lại còn thế nữa? Cô gái dễ thương như vậy mà là Cộng sản?”

- Tôi khuyên cậu nên cẩn thận, nếu không muốn sớm rời khỏi học đường. Không vào tù thì cậu cũng bị tống vào quân dịch.

Người đàn ông biến đi bất ngờ như khi gã xuất hiện. Còn mình anh đứng chơ vơ với bao điều khó lý giải.

Chiều hôm sau anh không dám trở lại chùa Huyền Trang. Chiều tiếp theo cũng thế. Không còn buổi chiều thơ mộng nào nữa, trên đám cỏ mềm mại, anh say sưa kể chuyện cho cô gái nghe...

Tiếng súng dậy lên từ phía bắc thành phố, kéo anh khỏi cơn mê. Anh tĩnh trí tự hỏi có thật...? Tiếng súng lại nổi lên. Đó là hiện thực. Anh co giò chạy về đầu cầu phía nam. Có những bóng người đang đi lên cầu; anh đi giật lùi về phía bắc. Lại những tiếng súng nổ gắt hơn. Những bóng người đang tiến lại gần anh. Anh hoang mang - Chẳng lẽ lại nhảy xuống sông? Đành đứng chôn chân giữa cầu, anh nhìn trân trối. Khoảng hai chục người đội mũ tai bèo, đeo súng AK báng xếp đã đứng trước mặt anh.

- Anh là ai mà đứng đây vào giờ này? - Một người lính lên tiếng.

Anh đi giật lùi thêm hai bước, miệng ú ớ như mớ ngủ:

- Dạ không... Dạ... Dạ... thưa các ông, tôi... tôi chỉ là một chàng sinh viên nghèo hay mơ mộng. Tôi... tôi là người vô tội. Tôi không hề có chính kiến gì rõ rệt trong cuộc chiến này.

Một người lính cao to, trông còn trẻ, nhưng có vẻ là chỉ huy, bước lên:

- Hãy bình tĩnh lại đi, anh sinh viên! Chúng tôi chẳng có ác ý gì với anh đâu - Người lính giơ tay ra bắt.

- Xin tự giới thiệu, tôi cũng là một sinh viên mặc áo lính - Bằng cái vỗ vai đầy thân thiện, anh lính tiếp: Chúng tôi là đơn vị đặc nhiệm, cần vào thành phố trước các đơn vị khác. Anh thông thạo đường ngang ngõ tắt trong thành nội chứ? Nếu được, nhờ anh dẫn đường giúp chúng tôi.

- Dạ!

Anh răm rắp làm theo. Vào đến cửa Thượng Tứ, anh nghe xung quanh thành phố, tiếng súng nhất loạt nổi lên dữ dội. Người chỉ huy giục anh:

- Cố giúp chúng tôi đêm nay anh sinh viên nhé! Hãy khẩn trương không thôi không kịp. Chúng tôi phải hoàn thành nhiệm vụ trước khi các đơn vị khác vào thành phố.

Người chỉ huy bấm đèn pin soi vào một tờ giấy rồi nói:

- Dẫn chúng tôi đến đường T.N. số nhà 14.

Anh bước đi thoăn thoắt, cảnh nội thành quá quen thuộc. Những con đường vắng ngắt. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe nhà binh hối hả vụt qua. Mỗi lần như thế họ lại nép vào những gốc cây ven đường. Hình như tất cả lực lượng quân đội cộng hòa đều tập trung về các cửa ngõ ngoại ô thành phố.

- Phải nói cho anh hiểu nhiệm vụ của chúng tôi, anh sinh viên ạ! Chúng tôi được lệnh vào trước để trừng trị những tên ác ôn, chỉ điểm, phá hoại cơ sở cách mạng...

Anh miễn cưỡng tiếp tục đi. Chẳng còn cách nào khả dĩ hơn.

Vào lúc tảng sáng, người chỉ huy bấm đèn pin soi vào tờ giấy:

- Thôi nhé, cám ơn anh, chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, anh có thể ra về - Người chỉ huy nói. - Cầu mong cho anh may mắn. Hẹn ngày giải phóng, nếu như còn sống sót, may ra có thể gặp nhau.

Anh bần thần nghĩ ngợi: Liệu có ai nhìn thấy việc làm của mình trong đêm? Lấy gì đảm bảo không có sự trả thù cay nghiệt?

Anh trầm ngâm cúi đầu. Người chỉ huy như đọc được ý nghĩ của anh.

- Nếu không dám trở về, anh có thể theo chúng tôi. Đó là sự chân thành.

Sau vài phút đắn đo, anh quyết định chọn cách thứ hai. Khi mà các đơn vị giải phóng khác đang ào ạt tiến vào thành phố, thì những người lính kia đưa anh rút về hậu cứ.

Lên rừng, sau một khóa huấn luyện quân sự cấp tốc, anh được bổ sung về một đơn vị chiến đấu. Trở thành một chiến sĩ cách mạng, anh đã có chính kiến rõ rệt. Cùng với thời gian, anh dạn dĩ dần. Những trận đánh cuốn hút anh. Những thiếu thốn, bệnh tật dày vò, hành hạ anh. Thế nhưng, anh vẫn tồn tại như bao người lính khác gắng sống để trở về. Vẻ thư sinh của anh biến dần, thay vào đó là khuôn mặt khắc khổ, chai sạn. Vậy mà, đôi khi rảnh rỗi, anh lại mơ về chùa Huyền Trang.

***

Đã bước vào mùa mưa. Công sự ướt sũng. Đại đội anh chỉ còn trên ba chục người. Riêng anh, một trung đội trưởng, cũng chỉ có trong tay dăm người lính. Anh sang đây đã gần một năm để làm nhiệm vụ quốc tế. Ở đất nước xa lạ mà những địa danh dài dằng dặc, vừa khó đọc, vừa khó nhớ; anh phải đối đầu với những tên lính áo đen đầy táo tợn, man rợ. Lúc bấy giờ, đơn vị anh gần như mất hết sức chiến đấu, mà vẫn phải trấn giữ cao điểm H3; và chỉ được rút lui khi có lệnh trên.

Đã ba ngày ba đêm ngồi dưới công sự, tay anh luôn sờ cò súng. Không được ngủ, nhưng anh thường ở tâm trạng nửa mơ, nửa tỉnh. Thỉnh thoảng anh giật mình ôm súng chồm dậy. Đồng đội anh, cũng chỉ vì những khoảnh khắc nghiệt ngã, không cưỡng nổi cơn buồn ngủ, mà nhiều người đã bỏ mạng. Vẫn trong trạng thái ấy, anh đốt thời gian bằng những kỷ niệm...

Mọi việc trôi nhanh quá. Giờ đây, tay anh, bao lớp chai sần vì cầm súng.

Ngày Huế giải phóng, với bộ áo quần bộ đội, anh trở về sau 7 năm mất tích, trước những cặp mắt tròn xoe của gia đình, trong sự thán phục đến kinh ngạc của bè bạn. Anh ưỡn ngực ra như người anh hùng thực thụ. Trước đó, gia đình đã đặt bàn thờ cho anh; bạn bè nhắc đến anh bằng kỷ niệm buồn. Sau một ngày, anh lặng lẽ lên chùa Huyền Trang. Những đám cỏ mềm mại vẫn y nguyên. Anh tưởng như mới ngày qua, cô nữ sinh trung học còn ngồi đó.

Trở lại đơn vị, anh tiếp tục vào Nam. Vô đến Sài Gòn, đơn vị anh về miền Tây, rồi đến sát biên giới...

Anh giật mình khỏi cơn mơ màng, cả trận địa im ắng. Sao lạ thế nhỉ? Anh chồm dậy, nhìn sang các công sự khác. Không còn ai. Chẳng lẽ họ rút lui mà bỏ rơi anh? Không, chắc chắn có hiệu lệnh mà anh không nghe thấy. Anh dõi mắt sang hướng khác. Trời ơi, những tên lính áo đen đi rất ngang nhiên về phía trận địa. Năm thằng chia thành hai tốp chỉ còn cách anh mấy chục mét. Xa hơn, khoảng năm trăm mét, lố nhố nhiều tên khác. Nhìn về phía cửa rừng, anh ước tính: hai trăm mét. Không kịp nữa rồi! Anh nghĩ đến cái chết. Anh nằm úp xuống công sự, trong tư thế hơi nghiêng. Súng AK báng xếp để dưới bụng. Chờ đợi... Anh hé mắt nhìn. Hai tên lính đã đứng trên công sự và đang ngơ ngác. Có lẽ chúng không hiểu vì sao lại có một xác chết nằm lại. Anh nghĩ: Lấy gì đảm bảo chúng không cho cái “xác chết” chết thêm lần nữa. Nhanh như sóc, anh chồm dậy, ở hoàn cảnh ấy chắc ai cũng phải làm thế. Hơn nữa, một người lính thiện chiến như anh? Tằng - tằng - tằng..., loạt đạn ngắn gọn lia vào chân chúng. Hai tên lính, đổ sập xuống. Anh ngóc lên khỏi công sự. Ba tên còn lại cách anh trên chục mét vừa kịp nằm xuống song chúng cũng ngơ ngác chưa hiểu đạn phát ra từ đâu. Chồm lên, bằng sự chuẩn xác, anh lia hết số đạn còn lại về phía chúng; rồi co giò chạy thục mạng. Bọn đi sau đã phát hiện ra. Những loạt đạn đuổi theo anh như gió rít bên tai. Anh chạy ngoắt ngoéo chữ chi. Mười - chín... ba - hai - một, những bước chân cuối cùng đưa anh tới cánh rừng. Anh chạy vòng vèo qua những gốc cây khộp. Tiếng súng xa dần, rồi mất hẳn. Nửa đêm hôm ấy, anh tìm về được hậu cứ của trung đoàn trong tâm trạng rã rời, áo quần tả tơi, người tươm đầy máu.

Sau sự kiện ấy, đại đội trưởng của anh bị kỷ luật cách chức, hạ cấp bậc, mặc dù anh ta đưa ra đủ lý lẽ để bảo toàn quân số ít ỏi, không còn sức chiến đấu. Riêng anh, thành tích dũng cảm được tuyên dương lên tận quân đoàn.

Với thành tích này, anh được về nước sớm hơn dự định. Anh xin chuyển ngành, được chấp thuận... Chợt một ngày, anh thấy mình trống rỗng: Sao không có một nghiệp vụ gì? Anh quyết định trở lại trường đại học sau nhiều năm rời bỏ, tìm về cái mơ ước mà hơn 20 năm bị lãng quên.

***

Ba mươi phút chuẩn bị đã qua, anh viết kín mấy trang giấy. Lại giật mình khi nghe gọi tên. Vơ vội mấy tờ giấy, anh lên ngồi đối diện với người hỏi thi. Người giáo viên lại nhìn anh, mắt chớp chớp. Trên bàn, một tờ giấy trắng tinh.

- Tôi biết anh là người có tâm huyết với văn học. - Người giáo viên nói - tuy còn là sinh viên mà anh đã có một số tác phẩm được chú ý.

Anh im lặng, cúi đầu.

- Tôi còn biết anh là người từng trải, dày dặn vốn sống. Nếu tôi không nhầm, trong chiến tranh có lần anh suýt được phong anh hùng.

Anh vẫn cúi đầu, im lặng.

- Anh có hy vọng rằng, sẽ làm được những điều mà người ta mong đợi ở những người cầm bút như anh?

Vâng, tôi cũng... hy vọng.

- Anh suy nghĩ gì về những điều anh đã từng trải trong cuộc sống?

Người giáo viên lật một quyển sách, mà ở giữa có một bông hoa cỏ đã ép rất cẩn thận.

- Anh biết loài hoa này chứ (?!) Tên nó là gì?

Anh nhìn người giáo viên trân trối. Người nữ giáo viên cũng nhìn anh, chớp chớp mắt..., đợi chờ.

Hai mươi mốt năm về trước, có một buổi chiều, khi ngồi bên nhau trên đám cỏ mềm mại ở chùa Huyền Trang, cô nữ sinh trung học cũng hái một bông hoa như thế để hỏi anh tên nó là gì. Ngày ấy anh cũng lúng túng với tình huống hơi bất ngờ. Anh không dám trả lời, vì không hiểu cô gái muốn nói gì.

- Nó là hoa... bâng khuâng. - Cô gái vừa nói vừa nhìn anh âu yếm.

Hôm đó, khi trở về nhà, anh thầm cảm phục sự thông minh của cô gái. Anh định bụng để một chiều khác, sẽ nói với cô rằng: “Đúng, nó mang cái tên đúng như nó, loài hoa luôn e ấp bên đám cỏ mềm mại, lại luôn vươn lên tràn đầy sức sống, dẫu có bị loài người dẫm đạp. Nó còn bâng khuâng như nỗi lòng của anh, của em...”. Nhưng tiếc thay, cái buổi chiều ấy đã không bao giờ có, bởi sự hèn nhát của anh. Nhưng tình yêu thì phải mãi trắng ngần, nó cần sự hy sinh không nghĩ đến bản thân.

- Sao..., anh không biết ư?

Anh giật mình ngẩng đầu. Người nữ giáo viên vẫn nhìn anh chờ đợi. Anh thảng thốt. Nỗi ám ảnh từ những sự việc của hai mươi mốt năm về trước càng cắn xé tâm can anh.

- Anh không thể trả lời ư?

Anh lại cúi đầu. Áo anh ướt đẫm mồ hôi. Không khí im lặng, căng thẳng. Liệu anh có biết rằng, bông hoa ấy đã được ép chặt trong sách từ hai mươi mốt năm trước để chờ ngày hôm nay.

- Nó là loài... hoa cỏ. - Anh trả lời dè dặt.

- Đơn giản thế thôi? Chẳng còn cái tên nào hay hơn?

- Cỏ mãi mãi chỉ là cỏ. - Anh lại trả lời.

- Đúng, nó còn đau lòng khi bị ngắt, dẫu bàn tay ấy có êm ái bao nhiêu, dẫu có được cắm vào những bình hoa đẹp biết chừng nào, nó vẫn chỉ thích trở về e ấp bên đám cỏ mềm mại; mỉm cười trong gió, dẫu có bị loài người giẫm đạp.

- Tôi sợ anh không làm được cái mà người ta đang chờ ở anh. Anh có thể về chỗ, và để lại cho tôi những gì anh chuẩn bị lúc nãy.

Anh uể oải đứng lên. Bước đi ba bước, sực nhớ, anh quay lại:

- Xin lỗi cô giáo, nhưng... tôi đã trả lời cái gì trong bài đâu?

- Không, anh trả lời rồi đấy! Nhiều nữa là khác.

Anh ra khỏi phòng thi trong tâm trạng hoảng loạn. Bước chân anh vô phương, vô hướng. Chừng ba mươi phút sau, anh lại giật mình... Anh tìm đường trở về phòng thi. Người giáo viên vẫn ngồi im chỗ cũ, trước mặt vẫn một tờ giấy trắng.

- Thưa cô, tôi có thể được biết, liệu tôi có đạt điểm?

- Tất nhiên anh sẽ được điểm cao, bởi tôi đã đọc hết những gì anh chuẩn bị trên giấy.

Người giáo viên cúi đầu không nói gì nữa; trước mặt vẫn một tờ giấy trắng mà anh nhìn thấy có hai giọt nước vừa lăn xuống.

***

Anh vẫn đứng im trên cầu. Khuya lắm! Trăng vẫn sáng. Mặt sông vẫn lấp loáng như trăm ngàn cánh tay đang chơi vơi, vùng vẫy. Anh lại thốt ra: “Sông ơi, sao sông vô tư thế, dòng sông không hề chảy về đêm, mà luôn dang rộng cánh tay để ôm ánh trăng vào lòng?”.

V.H  
(SH292/06-13)






 

Các bài mới
Lưỡi đêm (16/07/2013)
Linh hồn biển (01/07/2013)
Mộng ban đầu (01/07/2013)
Người mẹ (28/06/2013)
Các bài đã đăng