Tạp chí Sông Hương - Số 293 (T.07-13)
Cao Xuân Dục - nhà giáo dục nổi tiếng thời Nguyễn
15:25 | 24/07/2013

TRƯƠNG SỸ HÙNG

Là một quan chức được nhà nước bổ nhiệm sau khi thi đỗ cử nhân năm 1876; lại trải qua nhiều địa vị xã hội khác nhau, Cao Xuân Dục đã đúc kết được nhiều thức nhận về việc học hành, thi cử và bước đầu thể hiện khá rõ những quan điểm giáo dục như: trọng thực học hơn là bằng cấp, tinh giản hay mở rộng kiến thức cơ bản về quốc sử cho Nho sinh tùy theo cấp học, tiếp thu vốn cổ văn hóa gia đình nhưng có chọn lọc và đổi mới. Thực học thì kiến thức dồi dào phong phú, khi nhập thế “chăn dân trị đời” theo quan niệm Nho giáo sẽ chủ động, sáng tạo linh hoạt trong thực tiễn, ít khi bị tác động ngoại cảnh.

Cao Xuân Dục - nhà giáo dục nổi tiếng thời Nguyễn
Ðông Các Ðại Học Sĩ Cao Xuân Dục - Ảnh: caoxuan.com

Trong sách Quốc triều hương khoa lục Cao Xuân Dục đã chép: “Khoa Bính Tý Tự Đức thứ 29 (1876), khoa này lại đổi phép thi. Kỳ thứ nhất thi chế nghĩa, kỳ thứ hai thi thơ phú, kỳ thứ ba thi văn sách; bỏ văn tứ lục đến kỳ thi hội mới dùng. Riêng bài văn sách thì trước hết phải có một câu tổng mạo, kế tới liên hệ việc cổ, sau nữa mới đến đoạn lớn như thể thức phép thi cũ. Bài chế nghĩa thì những phần như: cẩn án, ám tả, truyện và chú cùng với 10 bài vấn đáp văn sách như trước đều bỏ; chỉ giữ phần trung giải, hậu giải. Kỳ phúc hạch trước đây dùng thể thơ ngũ ngôn tám vần, nay đổi dùng chiếu hoặc biểu một bài để bổ sung vào chỗ bài thi văn tứ lục.”(1) Sử dụng tư liệu rút ra từ điển chế, nhưng tư liệu đó phải gắn bó thiết thực với công việc ông thể. Khoa thi hương năm 1876 diễn ra tại 6 trường thi: Thừa Thiên, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định và Bình Định, lấy đỗ 125 người. Và “Trường Nghệ An lấy đỗ 22 người. Tham tri Nguyễn Trâm làm chủ khảo, Án sát Nguyễn Tài làm phó chủ khảo. Cao Xuân Dục (高春育) - cha con cùng thi đậu - người xã Thịnh Khánh, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Ông là cha đẻ của Cao Xuân Tiếu. Làm quan trải các chức tán lý quân thứ Đông Bắc, tuần phủ Hưng Yên, tổng đốc Nam Định - Ninh Bình. Hiện làm tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, tấn phong An Xuân nam.” Vậy là năm 34 tuổi Cao Xuân Dục mới thi đỗ cử nhân. Ông dùng từ “cha con cùng thi đỗ” là ông viết năm soạn sách Quốc triều hương khoa lục Quốc triều khoa bảng lục (1893), là khi Cao Xuân Tiếu (1866 - 1939) con trưởng của ông mới thi đỗ cử nhân khoa Tân Mão năm 1891 ở tuổi 25; rồi 4 sau năm nữa lại thi đỗ phó bảng năm Ất Mùi (1895) triều Thành Thái. Đó là một số nét chính trong bản “lý lịch tự thuật” của Cao Xuân Dục, viết theo tiêu chí sách hương khoa. Đáng chú ý hơn, trong cùng một năm 1893, hai cuốn sách ghi chép tiểu sử, danh hương các nhà khoa bảng “quốc triều nhà Nguyễn”, về cử nhân từ năm 1807 đến năm 1918 và tiến sĩ từ năm 1822 đến năm 1918 được đưa khắc in cùng thời điểm.

1 - Coi trọng việc học hành, lấy thực học làm căn bản, Cao Xuân Dục cũng thấy rằng, việc nêu gương, ghi tính danh những người đỗ đạt cao và nhất là người làm nên công trạng là hết sức cần thiết. Trong bài tựa Quốc triều khoa bảng lục ông viết: “Khoảng đầu niên hiệu Tự Đức, vua định những người trúng thi hội chia làm hai hạng: chính trúng cách và phó trúng cách, đều được dự thi đình. Bài thi đình, đích thân vua xem xét quyết định, rồi chia ra thứ tự, lấy đỗ chánh hoặc phó. Mỗi khoa lấy nhiều nhất là mười bảy mười tám người, ít nhất là mười một mười hai người. Chánh trúng cách thì đề tên vào bảng mầu vàng, phó trúng cách thì đề tên vào bảng mầu đỏ, rồi treo cả lên trên lầu Phu Văn trước cửa Ngọ Môn. Phân biệt chánh với phó như thế, để tỏ ý khuyến khích cho nhân tài phấn khởi.

Những ai đã trúng khoa thi này thì sĩ phu cho là vinh, thiên hạ lấy làm báu, và ai cũng biết danh và khí là rất quý. Song những sự mong mỏi cho nhau, khuyến khích cho nhau của các vị đại khoa, để sao cho khỏi phụ với khoa mình, có phải chỉ lấy văn chương mà kể chánh với phó đâu” (…) “Các vị đỗ tiến sĩ, tuy chưa có lục chép tên, song đã khắc tên trên bia đá, còn các vị phó bảng thì chưa có vậy. Đã không có tên trong bia đá, mà lại không chép vào lục thì chẳng hóa ra các vị đỗ hội khoa lại sơ lược hơn các vị đỗ hương khoa sao?”

Tôi để tâm việc này đã lâu, thường sưu tầm dò hỏi có được chút ít, nhân những khi rảnh việc công ở tỉnh Sơn Tây, may chép xong cuốn Hương lục, liền cho thợ khắc in với cả cuốn Hội lục này luôn thể. Mỗi khoa bao nhiêu vị trúng chánh bảng bao nhiêu vị trúng phó bảng thảy đều chép họ tên. Một là để tỏ cái ý cổ động khuyến khích nhân tài của triều đình, hai là để thể theo lòng thận trọng danh và khí của triều đình; muốn cùng cả thiên hạ đều trọng những bậc nhân tài, lại cùng thiên hạ quý danh và khí. Từ nay về sau, mỗi khoa có bao nhiêu vị đại khoa sẽ biên chép theo để làm tài liệu cho những ai muốn khảo cứu về khoa Giáp Ất rất thịnh của triều vua ta.”(2) Như vậy, ngay từ khi bắt tay soạn thảo hai cuốn sách đầu tay, Cao Xuân Dục đã xác định rõ mục đích sử dụng là dùng để nêu gương khuyến học cho người đời, sản thư lập ngôn để bổ sung những danh tác mới cho nền quốc học Việt Nam. Khảo xét thư tịch cổ, được đọc sách của tiền nhân, Cao Xuân Dục thấy được những khiếm khuyết của tác giả tiền bối, và từ đó ông tự lượng khả năng, xem xét nhu cầu của đời sống văn hóa giáo dục mà tự giác soạn sách về khoa bảng đương triều. Quả thật, nếu trong kho tàng tài liệu Hán Nôm Việt Nam không có Quốc triều hương khoa lục thì bước sang thế kỷ XX, nhất là chưa đầy 20 năm sau, kỳ thi chữ Hán cuối cùng năm 1918 trong lịch sử giáo dục Việt Nam, chấm dứt việc học hành, thi cử bằng chữ Hán, thì lấy đâu chứng cớ xác thực mà làm cứ liệu nghiên cứu tra khảo về các vị Nho sĩ đã thi đỗ ở bậc phó bảng và cử nhân. Còn Quốc triều khoa bảng lục khi xuất hiện danh thư thì chính tác giả của nó cũng biết rằng các tính danh, sinh quán của các vị tiến sĩ đã được triều chính cho khắc tên vào bia đá; nhưng “trăm năm bia đá thì mòn”. Soạn giả Cao Xuân Dục hiểu rõ hơn ai hết nên vẫn soạn sách truyền đời, thêm một phương tiện quảng bá tinh thần hiếu học của người Việt Nam. Vả lại không phải ai muốn tra cứu, tìm hiểu về tiền nhân cũng có thể vào kinh đô để xem văn bia được. Có học vấn đã đành, nhưng còn khoảng cách, thời gian, lộ phí biết tính sao trong nhiều hoàn cảnh cụ thể! Nắm vững việc quan yếu này, Cao Xuân Dục đã tiên phong trong triều Nguyễn, biên soạn thành sách cho tiện dụng.

Đó là công việc của bậc thầy, còn thầy có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, luôn yêu thương, giáo hóa học trò ra sao thì thầy Cao Xuân Dục đã thể hiện khá chi tiết, tế nhị trong thực tế. Đánh giá cao những bài thi đạt kết quả cao của học trò, ngay cả khi Cao Xuân Dục còn đang nặng gánh tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, ông vẫn canh cánh trong đầu những suy ngẫm về công tác giáo dục đào tạo. Với ý tưởng chọn lọc, khắc in những bài văn hay để làm mẫu, lưu truyền hậu thế, Cao Xuân Dục viết tấu lên vua mà rằng: “Tri thức cho ba đời không thể bỏ qua văn chương mà đánh giá con người cụ thể. Muốn so văn chương của trăm nhà phải lấy trường quy để làm tiêu chuẩn. Đó là lý do cần phải ghi chép lại những bài văn mẫu đã được chấm trúng tuyển ở trường thi. Khảo cứu các kỳ thi hương, thi hội của nhà Minh, Thanh; những bài văn trúng thức của tứ trường đều được cho khắc in (…). Như thế càng nghiệm thấy những bài văn mẫu trúng tuyển ở trường thi cần phải được ghi chép lại.”(3). Ngày 27 tháng 7 năm 1891, nha kinh lược có công văn phúc đáp, đánh giá cao đề xuất sáng suốt của Cao Xuân Dục: “Qua những điều trình bày trong tờ sớ thì thấy bút mực nồng hậu, lời lẽ thấu đáo. Trong tình hình chưa được yên hiện thời, quý ngài còn phải bận rộn với nhiều việc giao thiệp bộn bề mà vẫn lo lắng cho nền văn học như thế, thiết nghĩ đây cũng là một phương cách để tô điểm cho nền thái bình; nên chuẩn y.”(4) Nếu chỉ thống kê sơ bộ những bản tấu, sớ, bài diễn thuyết về các biện pháp cụ thể trong quá trình vận dụng đổi mới và luôn điều chỉnh những hoạt động về giáo dục đào tạo; trong khoảng 20 năm, Cao Xuân Dục đã có 24 văn bản, được xếp trong Long Cương văn tập.

2 - Trong cuộc sống thường nhật, Cao Xuân Dục luôn luôn có ý thức giáo dục, chăm chút những mầm non tri thức, hướng tới vun đắp những sĩ tử tương lai, đề cao mục đích “học, học nữa học mãi”. Thật cảm động đến chừng nào khi ta được biết, Cao Xuân Dục từng băn khoăn, khảo thí một số trường hợp không phải vì học tài thi phận mà bị khuyết tên trên bảng vàng. Ai cũng biết rằng, vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, chính phủ Nam triều đã và đang bị suy thoái nghiêm trọng. Thực dân Pháp ra sức đàn áp các cuộc khởi nghĩa nông dân và thẳng tay trừng trị những nhà Nho yêu nước. Do vậy, trong giáo dục đào tạo, hướng đến tuyển dụng nhân lực cho các cơ quan hành chính các cấp của nhà nước bảo hộ cũng không muốn những người có đức, thực tài mà có tư tưởng yêu nước chống Pháp xâm lược được đỗ đạt và bổ nhiệm. Năm 1895 Nguyễn Sinh Sắc (1862 - 1939) thân sinh nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc (1890 - 1969) vào Huế thi Hội không đủ điểm đỗ có lẽ cũng không nằm ngoài “số phận” kiểu này. Trước khi vào dự cuộc thi năm 1895, Nguyễn Sinh Sắc đã tá túc tại nhà ông Cao Xuân Dục. Và khi ấy, nhận thấy Nguyễn Sinh Sắc có e ngại cảm phiền; Cao Xuân Tiếu đã nói với bạn: “Anh cứ tự nhiên, thầy tôi là bạn của ông Tú Đường ở Hoàng Trù. Những học sinh nghèo ở Nghệ An có chí hướng học hành thầy tôi còn cho học điền, còn giúp phương tiện vào kinh theo đòi bút nghiên, huống chi anh là con rể ông Tú Đường!”(3) Cao Xuân Dục lúc ấy đương chức Toản tu Quốc sử quán, ông biết năng lực thực tài của Nho sinh Nguyễn Sinh Sắc nên có ý không tin vào kết quả điểm thi. Rất vui vì Cao Xuân Tiếu cùng thi đã được ghi tên, nhưng vẫn trăn trở vì đâu có trường hợp Nguyễn Sinh Sắc - người bạn của con ông - mà chính ông biết rõ sức học lại bị loại. Dù có quyền thế trong bộ máy tổ chức thi cử và đề xuất tuyển dụng, nhưng ông cũng không thể tự ý mình mà định đoạt được. Cũng không phải vì vị kỷ tình riêng, mặc dù Cao Xuân Dục đã quá thuộc hoàn cảnh nghèo khổ của gia đình ông Hoàng Xuân Đường - cha vợ và cũng là thầy dạy của Nguyễn Sinh Sắc - nhưng “khổ luyện thành tài” để nuôi chí lớn làm việc ích lợi xã hội lại là một chuyện khác. Kết hợp với ý kiến giúp bạn của con trai Cao Xuân Tiếu - ông Cao Xuân Dục đã từng chu cấp tiền bạc cho Nguyễn Sinh Sắc “lều chõng trẩy kinh”, nay lại can thiệp trực tiếp với quan tế tửu quốc tử giám Khiếu Năng Tĩnh, cho Nguyễn Sinh Sắc được vào tu học tại kinh đô, để chờ đến kỳ thi sau thi lại.

Bỏ qua khoa Mậu Tuất (1898), chẳng mấy lúc lại đến kỳ thi năm Tân Sửu (1901), kết quả chấm thi lần thứ hai vẫn vắng tên Nguyễn Sinh Sắc trên bảng. Thế là đã rõ, điều bán tín bán nghi vì bài thi có chứa đựng những điều u uất trước cảnh nước mất nhà tan, mà chính phủ đương thời không cưỡng lại được nên dù Nguyễn Sinh Sắc có thi lại bao lần nữa chắc cũng chẳng được “lấy đỗ.” Lần này thì Cao Xuân Dục không thể kiên nhẫn thêm vì Nguyễn Sinh Sắc tuổi đã cao, hơn nữa, ông biết rõ là Nguyễn Sinh Sắc không phải là người hám danh lợi. Tình thế nguy nan của đất nước dưới ách đô hộ của thực dân Pháp đã và đang dấy lên một cao trào cách mạng đòi hỏi thoát vòng nô lệ; dân chúng thì chỉ muốn nghe hiệu lệnh yêu nước của những người đỗ đạt, nên Nguyễn Sinh Sắc cũng chỉ muốn có cái chứng chỉ học vị để tiện dụng trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, đặng góp phần phò vua lấy lại non sông. Vì thế Cao Xuân Dục với tư cách chánh chủ khảo đã đề nghị phúc tra lại bài thi của bốn người là Lê Ngải, Nguyễn Đình Hiến, Hoàng Đại Bỉnh và Nguyễn Sinh Huy (tên cũ là Nguyễn Sinh Sắc) “giao hội đồng bộ xét lại để lấy thêm, đều được chuẩn vào điện thí.”(5) Đặc biệt “khoa này quan chủ khảo Cao Xuân Dục tâu xin cho những người trúng phó bảng cũng được cấp áo mũ và ngựa trạm khi vinh quy, vua chuẩn định. Việc này sau thành lệ.”(6)

Thấm thoát đã 10 năm, biết bao thay đổi với gia đình Nguyễn Sinh Sắc. Người vợ yêu thương tần tảo Hoàng Thị Loan qua đời đầu năm 1901, lúc cậu bé Nguyễn Sinh Cung mới 11 tuổi đã mồ côi mẹ và mất đứa em trai mới được hơn tháng tuổi, khi cha về quê xây đắp mộ ông bà.(7) Và bảy năm sau, sau khi quan phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bị bãi chức tri huyện Bình Khê, Nguyễn Tất Thành 17 tuổi ra đi tìm đường cứu nước. Trong vòng đời, con người từ tuổi lên 5 đến 15 là tuổi lớn nhanh, hiếu động và nhận biết nhạy cảm mọi hiện tượng xã hội. Ở đây là tuổi thơ Nguyễn Tất Thành đã sớm nhiễm tinh thần nhân đạo, cách giáo dục tinh thần yêu nước và đào luyện chí lớn cứu dân cứu nước trực tiếp từ gia đình Cao Xuân Dục ngay tại kinh thành Huế. Vốn liếng tinh thần sơ khởi ấy khiến cho Nguyễn Tất Thành trưởng thành nhanh chóng, không ngừng nâng cao kiến thức thực học tự nguyện, tự nắm bắt thực tế, bồi bổ cho mình những tri thức đa dạng, phong phú.

3 - Quan tâm thường xuyên đến việc học hành, thi cử của con cháu ruột thịt trong nhà, trong họ cũng thể hiện nhất quán tư tưởng giáo dục của nhà giáo, quan chức Cao Xuân Dục. Hẳn rằng khi cầm bút ghi tên những người là con cháu họ Cao đã từng noi gương cha ông mà thi đỗ trong Quốc triều hương khoa lục Quốc triều khoa bảng lục Cao Xuân Dục phải vui mừng và tự hào lắm, cho dù ông vẫn giữ được cách viết kín đáo. Giữ đúng tiêu chí ghi chép như mọi người, ông ghi: “Cao Xuân Tiếu (高春肖) hàm trước tác, lĩnh chức giáo thụ phủ Diễn Châu; quán xã Thịnh Mỹ, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An; con trai cử nhân Cao Xuân Dục, hàm Đông các; anh các cử nhân Cao Xuân Xang, Cao Xuân Thụ; cha cử nhân Cao Xuân Tảo; sinh năm Bính Dần (1866), 30 tuổi, trúng cử nhân khoa Tân Mão (1891), hiện hàm thượng thư, sung sử quán toản tu. Trong số các con đẻ của Cao Xuân Dục, chỉ có Cao Xuân Tiếu thi đỗ tiến sĩ còn hai người nữa là Cao Xuân Thụ, Cao Xuân Xang và cháu nội Cao Xuân Tảo - con phó bảng Cao Xuân Tiếu - đều là Ấm sinh thi đỗ cử nhân.

Với những người con gái của mình, Cao Xuân Dục cũng quan tâm chu đáo đến việc học hành thi lễ, mặc cho quan niệm trọng nam khinh nữ vẫn đang phổ biến trong xã hội đương thời. Quan tâm động viên những Nho sinh có năng khiếu tài giỏi, Cao Xuân Dục lúc nào cũng sẵn sàng tạo mọi điều kiện có thể, giúp rập thêm cho họ nhập thế giúp dân cứu nước. Cao Thị Bích là con gái đầu lòng của ông Cao Xuân Dục được gả cho Đặng Văn Thụy, một Nho sinh học giỏi, chăm ngoan lao động ở quê nhà; vừa dùi mài kinh sử vừa kiếm kế sinh nhai, nuôi mẹ ốm yếu. Cao Xuân Dục đã đưa Thụy vào Huế nuôi cho ăn học thành tài, lại còn chu cấp cho mẹ anh ở quê. Sau khi Đặng Văn Thụy thi đỗ đình nguyên tiến sĩ, Cao Xuân Dục cùng con rể lớn làm thầy dạy cho hoàng tử Vĩnh San; lên ngôi vua Duy Tân ( ) từ 1907 tới 1916 thì bị Pháp truất vị.

Trong số những người con gái của Cao Xuân Dục có Cao Ngọc Anh (1878 - 1970) “là bào muội hiệp tá Cao Xuân Tiếu. Cao Ngọc Anh đã trở thành một tác gia có tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Nhà sử học Trần Trọng Kim cảm nhận sau khi đọc tác phẩm Khuê sầu thi thảo đã viết: “Bà Cao Ngọc Anh là một nhà nữ thi sĩ từ trước, xem những bài thơ Hán văn và Việt văn của bà, tôi lại nhớ đến Bà Huyện Thanh Quan thuở xưa, cùng một giọng điệu, cùng một khẩu khí, nhưng thơ của bà thi sĩ họ Cao lại đầy đủ, văn từ sung thiệm, ý tứ bóng bẩy và nhẹ nhàng, đọc lên ai nghe cũng thích.”(8)

Năm 1900, Cao Xuân Dục có người con gái út vừa tròn 18 tuổi; ông toan gả làm vợ kế cho Nguyễn Sinh Sắc vì thương Sắc có tài, đang gặp vận hạn, nhưng không thành. Chắc chắn không phải vì quá lo cho con gái lớn theo lẽ thường tình, Cao Xuân Dục lúc nào cũng hướng tới tạo những điều kiện tốt nhất việc bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, mong sao những thế hệ tương lai có nhiều người tài danh đỗ đạt. Tư tưởng giáo dục của Cao Xuân Dục thể hiện tinh thần dân chủ ngay trong quan hệ gia đình, mặc cho thiên hạ vẫn đang còn bảo thủ, trọng nam khinh nữ.

4 - Ở vị trí quan chức bậc cao trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Cao Xuân Dục luôn trăn trở suy nghĩ sao cho học trò các cấp có sách tham khảo tốt nhất cho hai môn kinh, sử. Không phải ngẫu nhiên mà hai công trình biên soạn đầu tiên của Cao Xuân Dục lại là những sách công cụ tra cứu về những bậc khoa bảng, thi đỗ từ cử nhân đến tiến sĩ ở cả hai bậc. Không chỉ cấp thời lúc đó mà hai cuốn sách Quốc triều hương khoa lụcQuốc triều khoa bảng lục mãi mãi có giá trị thực tiễn đối với nền quốc học Nho giáo nói riêng và đối với những chặng đường lịch sử của ngành giáo dục nói chung.

Mặc dù cũng phải trải qua công việc quản lý hành chính mấy năm, nhưng dường như những năm tháng đó đối với ông chỉ là thời điểm thực tế cần thiết; cần thiết để nắm bắt thêm những đòi hỏi phức tạp của cuộc sống. Từ những hiểu biết cặn kẽ ấy, Cao Xuân Dục sẽ tham bác thêm nhiều tài liệu giáo khoa khác của chương trình giáo dục Nho học, rồi ông tích góp những điều tinh túy nhất, soạn sách tham khảo mới cho phù hợp với mô hình giáo dục đương đại. Lệ ngôn trong sách Nhân thế tu tri chỉ rõ: “Sách lấy các lời chép việc đã làm trong kinh, sử, tử, tập, phàm những điều thiết yếu có quan hệ đến nhật dụng của nhân sinh, bởi vậy đặt tên sách là Người đời nên biết; trong đó hoặc toàn dẫn, hoặc trích dẫn, cốt yếu thấy được đại ý, thấy được thực sự.” Tháng 12 năm 1899 Nguyễn Thân viết lời phụng tấu dâng sách để vua Thành Thái ngự phê, đã nói rõ ý nghĩa của việc soạn sách:

“Cao Xuân Dục được giao chuyên trách việc soạn sách Nhân thế tu tri đã được chuẩn y. Nay sử quán xin dâng sách mẫu đã soạn xong.

Bề tôi trộm nghĩ, sách này in có thể truyền đọc rộng rãi, cung tiến 5 bộ, giao thư các 10 bộ, ban cấp cho trong ngoài hoàng thân, người in và trường Quốc Tử Giám ở kinh đô. Các nha học chính từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, học xá các phủ huyện, mỗi nơi một bộ (…) giúp mọi người biết mà làm; học tập mà tính thành, con người và lời nói đều hóa tốt. Đây cũng là khâu khiến lòng người được trung chính, phong tục được giữ gìn.”(9) Từ nhận thức khách quan đó của quan đại thần Nguyễn Thân, rõ ràng bộ sách trích lục, biên khảo Nhân thế tu tri của Cao Xuân Dục đã đáp ứng nhu cầu đòi hỏi cấp thiết trong công tác giáo dục đào tạo như thế nào. Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, sách là công cụ quan trọng giúp cho việc học trong mọi nơi mọi lúc, mọi cấp học. Từ rừng sách triết học, Hán học, cổ văn, thơ, từ của Trung Quốc, Cao Xuân Dục đã tìm đọc, trích tuyển và bình phẩm, tóm lược ngắn gọn, lấy tinh thần cơ bản làm trọng soạn thành một tài liệu tham khảo hữu ích không chỉ cho các Nho sinh, mà mọi tầng lớp xã hội có nhu cầu tự học đều có thể đọc hiểu.

Đối với chương trình đào tạo bắt buộc, tuy có tiếp thu và nâng cao mô hình giáo dục đào tạo của Trung Quốc từ thời độc lập tự chủ; nhưng đối với môn sử truyện thì sử Đại Việt đã được quan tâm biên soạn và chính thức đưa vào giảng dạy, thi cử từ đầu thiên niên kỷ. Đặc biệt quốc sử quán triều Nguyễn đã tiếp thu truyền thống vẻ vang của các thời Đinh - Lý - Trần - Lê mà soát xét, biên tập lại sử cũ tập thành Khâm định Việt sử thông giám cương mục. Điểm vượt trội là những bộ sử chuyên đề về triều Nguyễn dường như trọn vẹn, chi tiết đến từng vụ việc đương thời, như Đại Nam thực lục, Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam liệt truyện… những trang sách tầm cỡ quốc gia hiếm có trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, với những bộ chính sử lớn đó, Nho sinh và đa phần Nho sĩ bình dân không thể tiếp cận một cách dễ dàng. Vả lại nhu cầu thực học, nắm bắt những kiến thức cơ bản của sử học Việt Nam cần có những cuốn sách tóm lược, số lượng in và số trang tiệm cận mới tạo được cơ hội dễ tìm đọc và phổ cập trong ôn luyện thi cử. Nắm vững nguyên lý ấy, Cao Xuân Dục đã biên soạn hai cuốn Quốc triều sử toát yếu Đại Nam dư địa chí ước biên. Viết lời mở đầu Quốc triều sử toát yếu; sau khi nhắc lại ý của vua Tự Đức trong Dụ chỉ sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Cao Xuân Dục nói rõ mục đích soạn sách: “Ngày nay phép học đổi mới đặc cách cho đặt cục tu thư, thực là có ý mong đợi. Kính thấy ý chí đổi mới của hoàng thượng ta muốn làm cho người trong nước phải hiểu công việc của nước nhà, trở thành môn học phổ thông. Như vậy thì muốn đạt tới quốc thể thì sử nước mình, sử triều đại mình chẳng là tiên phong là nền móng hay sao! Nay xin trích chọn những sự kiện lớn, có quan hệ tới dân sinh, sự đổi thay về chính trị, các quan lại hiền ngu, việc khai thác lãnh thổ cùng những sự kiện bang giao, ghi chép từng việc một, kính ghi nhan đề là Quốc triều sử toát yếu. Còn như muốn đọc đầy đủ, muốn hiểu toàn diện thì đã có bộ Thực lục ngày nay rồi. ”(10) Thực lục mà Cao Xuân Dục nhắc đến là bộ quốc sử đồ sộ của triều Nguyễn Đại Nam thực lục (tiền biên 12 quyển và chính biên, có 6 kỷ gồm 370 quyển). Tham bác hàng vạn trang sách như vậy, với sự tài tình khéo léo của chủ biên Cao Xuân Dục để chắt lọc lấy 1/40 nội dung đưa vào sách Quốc triều sử toát yếu hẳn rằng đội ngũ cộng tác viên của ông cũng thống nhất ý chí đến mức nào.

Công trình tóm tắt thứ hai có liên quan trực tiếp đến giáo dục lịch sử là Đại Nam dư địa chí ước biên (1908). Sách này căn cứ theo Đại Nam nhất thống chí được Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn từ đầu niên hiệu Tự Đức (1848 - 1883) và đến năm Thành Thái có lệnh trung tu. Ngày 8 tháng 12 năm Duy Tân thứ ba, các quan tổng tài, toản tu tâu trình với vua là đã hoàn thành. Như vậy khi chỉ đạo biên soạn Đại Nam dư địa chí ước biên Cao Xuân Dục và các soạn giả đã tham khảo tất cả ba dạng văn bản mà trong đó bản thứ ba, đã và đang hoàn chỉnh có sự tham gia hiệu chỉnh của ông cùng các cộng tác viên. Điều này Cao Xuân Dục đã chỉ rõ trong Phàm lệ: “Đại Nam nhất thống chí số quyển rất nhiều (gồm 17 quyển, hơn 20 mục)”(11), ghi chép rất rộng, nay chỉ chọn những điều thiết yếu ghi lại, đặt tên là Đại Nam dư địa chí ước biên, để cho ngắn gọn và dễ nhớ. Song, bản thân Cao Xuân Dục là chủ biên, là thầy dạy đã từng trải quan chức trong bộ máy hành chính nên ông có nhiều ghi nhận mới sát thực theo nguyên tắc: “Vốn là sách địa dư, ghi chép diên cách, hình thế, khí hậu, núi sông, thổ sản, cổ tích, đều phân loại mục ghi chép, có phụ chép phong tục, nhân vật. Trong đó viết về ngọn núi nào thì trích ghi phủ huyện liền kề, ghi nhân vật nào thì chép rõ nhân vật sau trước.”(12) Sách Đại Nam nhất thống chí có sự biên soạn chỉnh lý của Cao Xuân Dục có ghi lại rằng, “Hùng Vương thứ 16 cùng công chúa Man Đề đi ngao du sơn thủy có ngự thuyền Long Chu tại Thập lục sơn. Trước cảnh trí thiên nhiên đẹp như một bức tranh cẩm tú, ngài nảy ra ý định chọn Hoàng Xá, nơi có “tả thanh long, hữu bạch hổ” làm đất đóng đô.”

Nhìn lại thân thế và sự nghiệp của người thầy - trải quan chức từ tri huyện đến đại thần, dù khi ba cùng ăn ở với nhân quần ở mọi chốn thôn quê, hay khi mũ cao áo dài nơi cung vua triều chính, lúc nào và ở đâu Cao Xuân Dục cũng luôn hướng tới suy nghĩ, thực hành, tự tay và chỉ đạo viết sách tham khảo, bổ trợ trực tiếp cho sách giáo khoa nằm trong chương trình. Nơi quan trường thì giữ công bằng, cứu cánh cho Nho sinh thực tài đức hạnh, nơi làm tổng đốc thì được dân yêu mến nể trọng, ghi nhớ công ơn.

Ngày nay có dịp đến thăm quần thể di tích và thắng cảnh chùa Thầy - động Hoàng Xá còn gọi là núi Tượng Lương, thuộc địa phận xã Hoàng Ngô huyện Quốc Oai (Hà Nội), người đời sẽ được gặp lại hình ảnh thượng quan Cao Xuân Dục thật đẹp đẽ, uy nghi trong tâm tưởng người dân lương thiện. Trước cửa động là hồ sen rộng có tên là Giếng Cả. Cửa chính động hướng Đông Nam. Chiều rộng khoảng hai mươi mét. Ngày nắng ánh mặt trời chiếu sáng toàn động theo cả hai hướng tây và bắc, ánh sáng xuyên vào khoảng trống thông với tầng lộ thiên với vòm động cao gần 100m khiến cho nhiều nhũ đá, muôn hình muôn vẻ tỏa ánh lung linh huyền ảo. Trước cửa chính có một khoảng khá bằng phẳng, tương truyền là bãi giữ voi còn có tên gọi là Bãi Đầm. Lòng hang rộng dần, có thể chứa được hàng ngàn người. Trên vách lớn nhất của động có tạc tượng thờ Cao Xuân Dục mặc triều phục theo nghi thức, đầu đội mũ cánh chuồn, vẻ mặt nghiêm nghị, như lúc nào cũng đăm chiêu suy ngẫm việc đời. Quãng thời gian Cao Xuân Dục về làm tri phủ Quốc Oai tuy không dài nhưng ông đã truyền bá tinh thần yêu nước, ý chí quật cường và truyền thống hiếu học cho nhân dân Bắc Hà; và ở thời điểm đương chức tại phủ Quốc Oai, ông vẫn giữ tư cách thanh liêm nên được đông đảo nhân dân tin yêu. Sau khi ông mất, dân Quốc Oai tự giác tạc tượng thờ Cao Xuân Dục ở giữa động Hoàng.

Trên vách đá đối diện được bào nhẵn, có khắc những bài thơ do các quan đời sau ghi lại về Cao Xuân Dục, ví như:

Năm Tân Hợi, tháng ba Nam lịch
Rượu với đàn một phách lên non
Cao nhân người khuất tượng còn
Ngàn thu nước lũ vẫn còn đá trơ
Gương nhật ngyệt sớm trưa xế bóng
Tháp trần lang ngồi hóng gió mây
Gặp tiên một buổi hôm nay
Mà lòng đã chắc những ngày một hai

            (Trần Trọng Tiết - tri phủ Quốc Oai cảm tác).

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, rồi 9 năm kháng chiến, 30 năm chống Mỹ, dù bận đến mấy, dân làng gần xa vẫn thường đến động Hoàng Xá viếng thăm thắp hương tưởng nhớ vị đại quan đức độ nhân từ. Sau khi thống nhất đất nước (1975), con cháu Cao Xuân Dục từ các miền Trung, Nam, Bắc, từ khắp các miền hải ngoại… mỗi dịp giỗ, Tết, đều tụ tập về đây kêu cầu vong linh, truy niệm ông. Song dù nhìn nhận Cao Xuân Dục ở góc độ nào thì vai trò vị trí nổi bật nhất của ông vẫn là nhà giáo dục học lớn thời Nguyễn, luôn có tư tưởng đổi mới và sáng tạo.

T.S.H
(SH293/07-13)

.............................................
(1) (2) Quốc triều khoa bảng lục, Nxb Văn học, H, 2001.
(3) (4) Cao Xuân Dục - Long Cương văn tập, Nxb Lao động, H, 2012.
(5) Quốc triều khoa bảng lục, Nxb Văn học, H, 2001.
(6) Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế, Nxb. Văn học, H, 2008.
(7) Quốc triều hương khoa lục, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.
(8) Cao Ngọc Anh - Khuê sầu thi thảo, Nxb Văn hóa Thông tin, H, 2002.
(9) (12) Cao Xuân Dục - Nhân thế tu tri, Nxb Văn học, H, 2001.
(10) Cao Xuân Dục - Quốc triều sử toát yếu, Nxb Văn học, H, 2002.
(11) Cao Xuân Dục - Đại Nam dư địa chí ước biên, Nxb Văn học, H, 2003.








 

Các bài mới
Cây Đời (04/08/2013)
Các bài đã đăng