Tạp chí Sông Hương - Số 294 (T.08-13)
Di cảo Nguyễn Khắc Viện: vai trò của khoa học xã hội & dân chủ xã hội
15:10 | 19/08/2013

TRUNG SƠN

100 NĂM NGÀY SINH BÁC SĨ NGUYỄN KHẮC VIỆN (1913 - 2013)

Di cảo Nguyễn Khắc Viện: vai trò của khoa học xã hội & dân chủ xã hội
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

Cuộc đời và những hoạt động phong phú của bác sĩ (BS) Nguyễn Khắc Viện đã được nhiều sách báo nói đến; tuy vậy, có một công việc ông đã dồn vào đó rất nhiều tâm huyết và cả sự dấn thân quyết liệt nữa, nhưng người ta thường chỉ “nghe đồn” chứ chưa hiểu tường tận. Đó là gần ba chục kiến nghị và thư mà ông đã liên tục gửi lên cấp cao Đảng và Nhà nước trong những năm từ 1976 - 1993. Quả là phải có tinh thần dấn thân quyết liệt mới làm được điều đó, vì sau khi BS Nguyễn Khắc Viện gửi hàng loạt kiến nghị “nóng bỏng” về cải cách đường lối kinh tế, mở rộng dân chủ… lên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước các kỳ Đại hội 5, 6, 7, đã có dư luận phê phán ông là “phản động”, một thời gian các bài viết của ông không báo nào dám đăng, nhiều cuộc nói chuyện của ông bị hủy bỏ… Thực ra, đây là cách “phản biện” của một trí thức, một kẻ sĩ giàu lòng yêu nước trước thời cuộc còn nhiều ngang trái mà xã hội ta chưa quen. Điều này đã được khẳng định sau khi ông được Tổng Bí thư Đỗ Mười mời gặp và nhất là sau ngày ông qua đời (10/5/1997), người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã viết: “…Đồng chí Nguyễn Khắc Viện, người đảng viên cộng sản giàu nghị lực, một nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng. Đồng chí đã góp phần công lao xứng đáng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của Tổ quốc và làm hết sức mình cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục của Việt Nam…”. Còn nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, trong một bài viết nhân kỷ niệm 10 năm ngày BS Nguyễn Khắc Viện qua đời đã viết: “…BS Nguyễn Khắc Viện sinh thời có nhiều suy nghĩ về đất nước và thời cuộc hơi khác với nhiều người cùng thời; những trăn trở của ông chưa được chia sẻ ngay tức khắc cũng là điều dễ hiểu. Cái “lỗi” của BS Nguyễn Khắc Viện - nếu dám gọi điều ấy là “lỗi” - theo tôi là ông thường có ý kiến hơi quá sớm về những vấn đề được coi là “nhạy cảm, trong khi xã hội còn triền miên trong nếp tư duy khác…”.

Mới đây, sau kỷ niệm 100 năm ngày sinh BS Nguyễn Khắc Viện (1913 - 2013), gia đình BS Nguyễn Khắc Viện đã trao cho Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 toàn bộ tác phẩm đã xuất bản, Di cảo và một số tư liệu khác của BS Nguyễn Khắc Viện để bảo quản lâu dài. Trong Di cảo của BS Nguyễn Khắc Viện có gần 30 kiến nghị nói trên.

Trong khi chưa có điều kiện xuất bản toàn bộ kiến nghị của BS Nguyễn Khắc Viện, chúng tôi giới thiệu một số kiến nghị, thư của BS Nguyễn Khắc Viện nhấn mạnh đến vai trò và tác dụng của hoạt động khoa học xã hội ở nước ta đối với sự nghiệp xây dựng đất nước, một lĩnh vực có quan hệ mật thiết với hoạt động văn hóa - văn nghệ.

*

Khoa học xã hội, một lĩnh vực có phạm vi rất rộng. Từ những bản kiến nghị của BS Nguyễn Khắc Viện, có thể nhận thấy ông tập trung làm rõ vai trò của Khoa học xã hội, mối quan hệ biện chứng giữa khoa học và dân chủ với những ý kiến như sau:

1. Khoa học xã hội chịu sự lãnh đạo của Đảng, nhưng phải có hoạt động độc lập, chủ động, đi trước, vì xã hội rất phức tạp, không đơn giản như xưa, không thể từ vài nguyên lý rồi suy diễn ra một cách chủ quan. Khoa học xã hội phải điều tra nghiên cứu những vấn đề cơ bản, vạch ra xã hội hiện nay có những mâu thuẫn gì chủ yếu, thứ yếu, nguyên nhân, tương quan giữa các yếu tố như thế nào, nguyện vọng tâm tư thường xuyên biến động của các tầng lớp nhân dân. Dùng phương pháp khoa học chính xác đúc kết, phản ánh cho lãnh đạo tình hình thực tế (có thể trái với nhận định của lãnh đạo), đề xuất với lãnh đạo xây dựng đường lối chủ trương. Khi đã có chủ trương, lại tiếp tục điều tra nghiên cứu để thấy được tác động của chủ trương về các mặt như thế nào, tình hình mới biến động ra sao, đề xuất với Đảng có chủ trương điều chỉnh cần thiết.

2. Lâu nay, Đảng chưa xác định được vai trò của khoa học xã hội như vậy, bản thân cơ quan khoa học xã hội chưa làm đúng vai trò này, mà chỉ thụ động, đi sau, minh họa đường lối chủ trương, phục vụ nhiệm vụ chính trị một cách máy móc, cụ thể, nhất thời. Đó là nguyên nhân đưa đến tình trạng đường lối chủ trương được xây dựng theo suy nghĩ chủ quan, thoát ly thực tế, có nhiều sai lầm, lại không được kịp thời phát hiện, uốn nắn, để sai lầm kéo dài, đến khi đổ vỡ mới thấy thì đã quá muộn.

3. Giữa khoa học với dân chủ, có mối quan hệ biện chứng.

Có dân chủ mới có khoa học. Ý nghĩ chủ quan có ăn khớp với thực tế hay không? Đúng hay sai phải có khoa học chứng minh, không quyền thế nào ép buộc được. Mọi ý kiến phải được kiểm nghiệm qua thực tế và trao đổi với người khác. Trong khoa học, không ai trên ai dưới. Lấy mệnh lệnh giải quyết vấn đề khoa học là kiềm chế sự phát triển của khoa học.

4. Cán bộ ta không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, mà đi thẳng vào nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin, chưa biết cách vận dụng khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nên phương pháp tư tưởng thường là dựa vào nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin và một số kinh nghiệm mà suy diễn ra rồi kết luận và khăng khăng là chân lý, không đi con đường khoa học thật sự: xuất phát từ thực tế khách quan, vận dụng duy vật biện chứng, điều tra phân tích, đề xuất giả thuyết, có thái độ nghi vấn, tìm cách đối chiếu ý nghĩ với thực tế, trở lại thực tế và trao đổi với người khác để kiểm nghiệm. Do phương pháp tư tưởng thường là chủ quan, cho rằng điều suy nghĩ của mình là chân lý rồi, ai có ý kiến khác thì cho là lạc hậu, phản động, nên giữa xu hướng không tưởng và độc đoán gia trưởng có mối quan hệ hữu cơ.

5. Người có óc khoa học hay thắc mắc, hay nêu vấn đề mới, lúc mọi người đều bằng lòng, nêu vấn đề mới rồi lại đề xuất cái mới, buộc phải xáo trộn tổ chức, đụng đến chỗ đứng, chỗ ngồi của người này người khác. Do đó, người cán bộ có óc khoa học thường rất dễ xung đột với cán bộ lãnh đạo quan liêu.

6. Lâu nay dư luận chỉ thầm thì, rỉ tai ở vỉa hè, không được công khai bày tỏ trên các phương tiện mê-đi-a. Ai có ý kiến khác thường bị “chụp mũ”, nên không phát huy được trí tuệ tập thể.

Vì xã hội vừa phức tạp, vừa biến động, nên để tránh chủ quan, phiến diện, lãnh đạo cần nghe 3 tiếng chuông:

- Thông tin của bộ máy: Tuy bộ máy có hệ thống, có phương tiện, nhưng do tính chất không độc lập nên thiếu khách quan, thường đưa những thông tin phù hợp với ý muốn của “trên” để vừa lòng “trên”, dễ thăng quan tiến chức.

- Dư luận thường phản ánh phản ứng của quần chúng là người thực hiện chủ trương hoặc chịu đựng hậu quả của chủ trương.

- Khoa học xã hội thường có chiều sâu, phát hiện ra điều mà kinh nghiệm bình thường hoặc suy luận suông không cho thấy được.

Lãnh đạo biết lắng nghe 3 tiếng chuông này sẽ phát huy óc suy nghĩ sáng tạo của quần chúng. Chính sách đưa ra có thể đúng hoặc sai. Không ai có thể đề xuất chủ trương bao giờ cũng đúng. Thực tế chứng minh không nhất thiết ý “trên” và ý tập thể bao giờ cũng đúng. Phải tranh luận công khai giữa những ý kiến khác nhau, làm cho việc trao đổi rộng rãi, công khai trở thành một điều rất bình thường trong sinh hoạt xã hội. Nếu chính sách đúng, quần chúng hiểu rõ, đồng tình, thực hiện nhanh chóng. Nếu sai, kịp thời điều chỉnh.

Cần có quy chế cho dư luận và khoa học, thực hiện chế độ làm chủ của quần chúng đối với phương tiện thông tin tuyên truyền, cho mọi người được bình luận về chủ trương, chính sách. Như vậy, trình độ của cán bộ và nhân dân sẽ được nâng cao, và nhân dân sẽ gắn bó với chế độ hơn.

7. Cần bồi dưỡng cho cán bộ về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, không phải là nguyên lý chung chung, mà là bồi dưỡng cách suy nghĩ và làm việc theo phương pháp khoa học: biết đặt vấn đề, biết nghi vấn, biết điều tra nghiên cứu thực tế, phân biệt giả thuyết chủ quan với thực tế khách quan, biết cách kiểm nghiệm.

Chúng ta có thể đọc thấy những điểm chủ yếu ở trên trong nhiều kiến nghị của BS Nguyễn Khắc Viện. Sau đây, xin trích nguyên văn kiến nghị gửi đến Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam từ tháng 8/1978, ngay sau khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng xã hội mới:

“… Một nguyên nhân nữa làm cho lãnh đạo không nắm được tình hình một cách chính xác là tình trạng quá yếu của khoa học xã hội nước ta. Lãnh đạo như một người thầy thuốc chữa bệnh, ngoài việc bản thân khám xét, phải được những phòng xét nghiệm cao biết chụp phim thử máu kết quả ra sao, rồi tổng hợp các thông tin lại mới chẩn đoán và chữa bệnh. Phòng xét nghiệm của lãnh đạo chính trị là các cơ quan khoa học xã hội.

Hiện nay bộ phận này rất yếu vì mấy lý do:

- Hoặc tìm những đề tài vô thưởng vô phạt, hoặc chỉ minh họa đường lối nghị quyết, lời phát biểu của lãnh đạo hơn là nghiên cứu để thực sự phục vụ lãnh đạo. Lãnh đạo xem công trình nghiên cứu chỉ tìm lại tiếng vang trở lại của ý kiến mình, chứ không tìm ra một phát hiện gì giúp cho lãnh đạo. Khoa học xã hội chỉ có ích khi phát hiện được vấn đề, điều tra phân tích, đóng góp tư liệu cho sự lãnh đạo chính trị; nếu chỉ minh họa giải thích đường lối thì không cần, vì đã có cơ quan khác làm việc ấy. Khoa học xã hội đi sau chính trị khi nhằm phục vụ những mục tiêu lớn trong đường lối chính trị, nhưng mặt khác phải đi trước chính trị trong việc nghiên cứu cụ thể. Như hiểu cho được ý đồ của kiến trúc sư để hướng công việc tìm tòi vật liệu của mình, nhưng trong việc tìm tòi ấy bản thân phải độc lập sáng tạo. Buộc khoa học xã hội quá chặt vào việc phục vụ chính trị trước mắt, không cho nó độc lập, biến các cơ quan phụ trách thành những chậu hoa làm cảnh.

Khoa học xã hội có nhiệm vụ vạch ra được xã hội hiện nay có những mâu thuẫn gì chủ yếu, thứ yếu, nguyên nhân, tương quan, yếu tố như thế nào. Công trình nghiên cứu không phải để in thành báo thành sách phổ biến rộng, nhưng để giúp cho lãnh đạo và những người nghiên cứu khác. Lúc phát hiện ra những vấn đề, tất phải đụng chạm với những người và cơ quan hữu trách, rất dễ bị dìm đi. Phải có quy chế, chính sách bảo vệ những người nghiên cứu, đề xuất, phát hiện vấn đề, bằng không xã hội cứ im lìm cho đến lúc nhiều sự việc đổ vỡ. Kinh Dịch có câu: Tôi giết vua, con giết cha, không phải một sớm một chiều mà xảy ra, nguyên do có từ lâu, chỉ vì những người lo biện công việc không biết lo sớm thôi. Không nên để cho sự việc đổ vỡ rồi mới tìm cách nghiên cứu các vấn đề…”.


Chưa đầy 1 năm sau, tháng 2 năm 1979, trong kiến nghị gửi đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, ông lại viết:

“… Hiện nay chúng ta mới quan tâm đến khoa học kỹ thuật tự nhiên, khoa học xã hội chưa có vị trí thích đáng. Trong 20 năm qua khoa học xã hội chỉ làm công việc minh họa đường lối chính sách, chạy theo những nhiệm vụ trước mắt, cho nên mang tính chất thực dụng và rút cục không giúp ích gì cho lãnh đạo cả. Bây giờ quay về ngành nào cũng không có những “chuyên gia” được đào tạo và được quyền nghiên cứu lâu năm về những đề tài nhất định để làm tham mưu cho lãnh đạo…

Khoa học xã hội phải chịu sự lãnh đạo của Đảng, phục vụ đường lối của Đảng, nhưng không thể phát triển nếu chỉ thu mình phục vụ các chính sách trước mắt, nếu không có hoạt động độc lập. Người công tác khoa học phải nói, đúng hơn là có nhiệm vụ nói với lãnh đạo: “Theo tôi nghiên cứu với những phương pháp riêng của môn học chúng tôi, tình hình trong lãnh vực này, địa phương nọ có những vấn đề sau...”; kết luận này có thể trái hẳn nhận định của lãnh đạo hay của cấp ủy, lãnh đạo cần tham khảo để có những quyết định thích hợp.

Hiện nay ai có ý kiến khác của lãnh đạo hoặc của cơ quan chuyên trách mà nói ra thường bị chụp mũ, và trên gặp dưới thì thường đả thông nhiều hơn là nghe. Xã hội ngày nay rất phức tạp không như trước nữa, không thể nắm một vài nguyên lý rồi ngồi suy diễn ra, phải có nhiều điều tra thực tế, tập hợp lại, dùng nhiều phương pháp khoa học đúc kết lại...

Có thể nói là có một cuộc khủng hoảng trong khoa học xã hội hiện nay nếu không gỡ ra, thì toàn bộ xã hội sẽ sống trong một không khí trầm lặng, rút cục đến sáng kiến sáng tạo trong khoa học tự nhiên rồi cũng chịu ảnh hưởng. Mà lãnh đạo cũng thiếu mất một cánh tay đắc lực…”.


Đến tháng 1 tháng 1980, trong tham luận tại Hội nghị Ủy ban Khoa học Xã hội, BS Nguyễn Khắc Viện lại nhấn mạnh đến vị trí của khoa học xã hội:

“… Chúng ta đang đi từ một xã hội đơn giản lên một xã hội phức tạp. Xã hội còn đơn giản thì chỉ cần phương hướng đường lối đúng, từ đó những người có kinh nghiệm và khả năng suy luận tốt cũng đủ sức lãnh đạo và quản lý. Câu “sĩ kiêm bách nghệ” xuất phát từ đó. Trong một xã hội phức tạp, có phương hướng đường lối đúng chưa đủ, thực tế khách quan phức tạp đòi hỏi một sự điều tra nghiên cứu chính xác trong nhiều lĩnh vực và có tập hợp rất nhiều tư liệu cụ thể mới đề ra được những chủ trương đúng…

Quan hệ giữa khoa học xã hội và lãnh đạo chính trị tương tự với quan hệ giữa khoa sinh học, nghiên cứu những quy luật của sinh vật với y học có nhiệm vụ chữa bệnh, phòng bệnh. Nhà sinh học có những nghiên cứu cơ bản về sự sống, có khi tưởng chừng xa vời với việc chữa bệnh, nhưng rút cục lại phục vụ rất đắc lực cho y học. Sinh học không thể chạy theo y học từng bước một.

Khoa học xã hội cũng không thể bám lấy nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn một cách máy móc, quá chặt chẽ. Một cuộc nghiên cứu khoa học có thể kéo dài hàng chục năm, trong khi nhiệm vụ chính trị cụ thể có thể thay đổi rất nhanh.

Khoa học phục vụ chính trị một cách cơ bản chứ không thể phục vụ từng bước một. Muốn cho khoa học thực sự phục vụ chính trị, thì phải để nó đi trước, nghĩa là các nhà chính trị sử dụng kết quả của khoa học để xây dựng đường lối chủ trương chứ không phải ngược lại…”.


Tình hình hoạt động khoa học xã hội hiện nay đã có không ít tiến bộ, nhưng vấn đề BS Nguyễn Khắc Viện nêu ra hơn ba chục năm trước chưa hẳn đã được giải quyết triệt để, hạn chế rất nhiều tác dụng của các nhà khoa học xã hội. Cũng cần nói thêm, do khoa học xã hội đụng chạm đến nhiều mặt trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa…, nên trong nhiều tác phẩm của BS Nguyễn Khắc Viện đã công bố và trong các kiến nghị gửi Trung ương trực tiếp đề cập các vấn đề chính trị, tuy không nêu những ý kiến cụ thể về vai trò, tình hình hoạt động của khoa học xã hội, nhưng cũng có nhiều ý kiến sắc sảo, mạnh bạo mà người nghiên cứu về khoa học xã hội rất nên tham khảo. Ví như trong tác phẩm “Bàn về đạo Nho”, có đoạn ông viết:

“Lòng yêu nước, những hiểu biết về khoa học, tiếp xúc với nhân dân tiến bộ Pháp, dễ dàng dẫn tôi đến chủ nghĩa Mác. Nhưng dù sao vẫn thấy thiếu hụt một chút gì đấy, thỏa mãn mới 90 - 95% thôi. Về sau mới hiểu là thiếu hụt phần “đạo lý”…

Gần hơn, và gắn với những vấn đề có thể gọi lànóng hiện nay, trong kiến nghị cuối cùng của BS Nguyễn Khắc Viện viết tháng 10/1993 góp ý kiến cho Hội nghị Đại biểu Toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII của Đảng, BS Nguyễn Khắc Viện đã viết:

“… Nhận thức rõ về tư bản:

- Tính năng động, thức khuya dậy sớm, luôn luôn tìm tòi, lo toan.

- Hùng mạnh, các công ty siêu quốc gia ngày nay mạnh hơn nhiều quốc gia.

- Khôn khéo, có nhiều kinh nghiệm.

Đây là một đối thủ đáng gờm, không dễ gì thắng được.

Đặc điểm chủ yếu của nó, theo các học giả phương Tây: chụp giật được gì là làm, bóc lột được ai chịu cho bóc lột, lừa đảo, mua chuộc, giết hại… đều không từ một hành động nào, nếu… - Nếu không vấp phải một trở lực mạnh hơn họ, có nguy cơ gây cho họ những hậu quả nặng nề - Họ là những con người thực tế, không bao giờ cuồng tín liều mạng, gặp sức mạnh tạm lùi, nhượng bộ, rồi mưu mô bày keo khác.

Có sức mạnh chặn tay, trói tay họ lại thì họ trở nên “văn minh”: Họ sẽ tôn trọng pháp luật, quyền lợi của công nhân, nhân quyền, môi trường…

Tư bản phương Tây đã dần dần trở nên văn minh sau 200 năm đấu tranh mãnh liệt của nhân dân các nước Âu Mỹ.

Nhưng ở nơi nào, lúc nào nhân dân một nước buông tay không đấu tranh, họ nhanh chóng quay trở lại bản chất của họ.

Tư bản hiện ở nước ta, nhân dân ta chưa nhận ra mặt nó, chưa đứng lên tìm cách trói tay - trói tay, chứ không phải tiêu diệt.

Chưa hình thành được một Mặt Trận rộng rãi hùng mạnh làm đối trọng.

Xây dựng cho được Mặt Trận ấy là nhiệm vụ hàng đầu của giai đoạn hiện nay.

Trước kia, cơ sở của Mặt Trận là kháng chiến chống đế quốc xâm lược.

Nay phải tuyên bố mở một cuộc kháng chiến mới, chống tư bản man rợ, buộc nó trở thành tư bản văn minh.

Mặt Trận này bao gồm nhiều tầng lớp nhân dân, kể cả những nhà tư bản văn minh. Mặt Trận cũng liên hệ chặt chẽ với bè bạn khắp các nước, cùng chống tư bản man rợ trên quy mô hoàn cầu”.


Sau hai mươi năm, đọc lại ý kiến trên đây vẫn thấy nóng hổi tính thời sự, nóng hổi tinh thần phản biện quyết liệt của một kẻ sĩ tràn đầy tình yêu nước dù đã ở tuổi “bát thập” gần đất xa trời, tuy rằng không hẳn những điều ông nêu lên đã được mọi người chấp thuận.

T.S
(Tư liệu trong bài trích từ “Di cảo” của BS Nguyễn Khắc Viện)
(SH294/08-13)






 

Các bài mới
Thơ Liana Margescu (30/08/2013)
Cỏ dại (30/08/2013)
Ký ức mong manh (29/08/2013)
Các bài đã đăng