Tạp chí Sông Hương - Số 294 (T.08-13)
Ngọn lửa hoàng hôn
14:27 | 26/08/2013

MAI KHẮC ỨNG
            Tùy bút

Từ Luân Đôn máy bay của hãng hàng không British Airways đưa chúng tôi sang Boston vào chiều ngày 10 tháng 9 năm 2001. C. David Thomas, Giám đốc trường Mỹ thuật Đông Dương bên Mỹ đón chúng tôi về nhà riêng tại 20 Welster Court Neuton Centre.

Ngọn lửa hoàng hôn
Tượng nữ thần Tự do ở Mỹ - Ảnh: wiki

Vừa bước vào sân cỏ tôi đã đối mặt với một chiếc xe xích lô Hà Nội trước bậc thềm. Ngước mắt lên lại thấy thêm lá cờ ngũ hành đang gọi gió. “Đồng hương”. Tôi buột miệng nói khẽ với mình. Hai cái “đồng hương” ấy xóa ngay sự bở ngỡ bởi lần đầu tôi được đặt chân lên xứ Tân Thế Giới ở mạn tây bán cầu này.

Nhà của một họa sĩ hạng ngang làm bằng gỗ. Hai tầng. Ban công cũng gỗ. Tường dày dễ chừng đến 0,50m. Ấy là tôi nhìn bên mép cửa. Lúc đầu tưởng là nhà xây. Gõ nhẹ nghe bộp bộp như mõ. Thì ra là những tấm ván ghép lại rồi dán một loại giấy lên. Hàng mã. Đất nước này giàu có là phải. Mối mọt không. Ruồi nhặng không. Chỉ mấy loài đó thôi, ở quê tôi đủ làm cho con người điêu đứng.

Cơm nước xong, C. David trao cho chúng tôi chương trình tổng quát của ba mươi ngày lang thang trên đất Mỹ. Massachusetts, NewYork, Geor- gia, Tennessee, California. Xuống cánh tại Boston. Xuất cánh từ SanDi- ego. Không thêm, không bớt. Ford Foundation đãi chúng tôi đến thế là đã quá hậu. Thêm bớt với ai đây. C. David chỉ là người được ủy quyền thừa hành tổ chức thực hiện. Ân tình nặng trong suốt chuyến đi. Ân tình nặng cho đến hôm nay đã ngấm đủ mười năm tôi ngồi bên bàn, nhớ ơn Ford Foundation nên gõ.

Chương trình tham quan hai điểm đầu là Trung tâm Thương mại và tượng thần Tự do ở NewYork vào sáng 11 tháng 9. Cái mong đến Mỹ để được chiêm ngưỡng tháp đôi cao bởi tầm người và ngắm tượng thần Tự do, khát vọng bởi lòng nhân loại. Tôi háo hức từ lâu. Tôi thèm khát từ lâu. Dễ chừng từ khi biết làm người. Thần Tự do đứng trên đất Mỹ rọi xa khắp năm châu. Ai mà không háo hức.

Jean Thomas (họa sĩ phu nhân) chuẩn bị điểm tâm khá rườm rà. Và, nhờ cái rườm rà ấy, chúng tôi chưa ra khỏi nhà đã nhìn thấy tai họa thương tâm.

“Bọn giết người bắt máy bay chở khách đâm vào NewYork”. Màn hình mở. Hai cái máy bay lầm lì lao đầu vào hai tòa tháp. Khói bùng lên. Lửa bốc cao. Những mãnh vở. Những con người. Bung ra giữa không gian vẽ nên nỗi đau nhân thế cùng với sự ghê tởm và căm giận khắp hoàn cầu.

Hai tòa tháp là nơi đến và nơi đi của cộng đồng nhân loại bị bọn khủng bố phá. Quê hương sinh thành của tuyên ngôn về quyền sống, quyền bình đẳng, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc đang bị xúc phạm.

Người Mỹ quặn đau bởi quá bất ngờ. Tôi nhức nhối bởi ngoài sức tưởng tượng. Thế mà tất cả dường như hết sức bình tĩnh. Màn hình tivi nhắc lại nhiều lần như thể để mọi người nhìn cho thật rõ tội ác man rợ nhất trong lịch sử loài người, nhìn cho rõ để chung sức chung lòng mà tiêu diệt mọi cái ác trên thế gian này.

Làm người, từ khi biết thế nào là tôn giáo, tôi vốn thần phục, trân trọng đạo Hồi bổng nhiên kinh tởm bọn nhân danh nó. Căm thù nước Mỹ hay hàm ơn nước Mỹ. Ghét nước Mỹ hay yêu nước Mỹ là quyền của mỗi người. Nhưng lợi dụng sự thân thiện để lấy dân lành giết hại dân lành thì như vậy là vô đạo.

Nhân loại quằn quại trước mắt tôi khi hai tòa tháp NewYork sụm dần và bị xóa sổ. Công trình tài năng, trí tuệ tiêu. Khói lửa và sự tan tác hằn giữa không trung ám ảnh trong ký ức loài người thì không giới hạn.

Thế là nơi mơ ước đến, tôi đang đến nhưng không thành. Thìa cà phê sáng tại 20 Welster Court Neuton Centre nhỡ đưa vào miệng như pha bằng nước mắt chính mình. Đắng mà mặn không làm sao nuốt được. Tôi và chúng tôi chung bàn trong buổi sáng đó đều rưng rưng nước mắt.

Ba ngày sau, như chương trình đã xếp, chúng tôi xuống Atlanta thủ phủ Georgia. Thế là thần Tự do chưa thấu vào tâm khảm tôi.

“Đến Atlanta mà không nhìn thấy Stone Moutain coi như chưa đến”.

Nguyễn Thượng Hà đón chúng tôi rồi nói thế.

Ừ thì đến.
 

Stone Mountain - Ảnh: wiki


Stone Mountain chỉ là một viên sỏi “mồ côi” cao khoảng 180m dài khoảng 500m nằm giữa bình nguyên xanh từ lâu trong tâm tưởng của cư dân Creek và Cherokee (người da đỏ bản địa) là nơi thắp sáng ngọn lửa lúc hoàng hôn.

Thì ra, hễ khi mặt trời lặn sang phía Thái Bình Dương, vạn vật quanh viên sỏi đều chìm vào bóng tối huyền ảo thì cao trên đỉnh núi vẫn lung linh một thoáng tà huy lóe sáng giữa không trung.

Người xưa chưa biết được sự cong của mặt đất nên coi đó là ngọn lửa hoàng hôn.

Và, chính nơi từng thắp sáng ngọn lửa hoàng hôn ấy hiện thời là tượng đài ba nhân vật huyền thoại đã đi vào quá khứ 150 năm.

Đó là:

Jefferson Davis, Tổng thống Hợp bang.

Robert E. Lee, Tổng chỉ huy chiến hữu Hợp bang.

Thomas Jackson, bức tường đá (Stonewall).

Hỏi ra mới biết họ là ba trong số bảy nhân vật đứng về một phía của cuộc nội chiến Mỹ 1861 - 1865 và đã thua trận.

Báo chí và chính sử Mỹ, quy cho họ là những kẻ đã chống lại chủ trương tiến bộ của Abraham Lincoln, Tổng thống Liên bang về giải phóng nô lệ và thống nhất Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
 

Ảnh: wiki


Nếu quả vậy thì tội của họ nặng lắm. Cớ chi lại có tượng đài cao trên đỉnh núi. Ba người ngồi trên lưng ngựa uy nghi lẫm liệt, mắt nhìn thẳng về hướng Bắc. Ba con ngựa chưa chùng dây cương chồn chân chực lao về phía trước.

Một chút băn khoăn dấy lên. Một chút thôi thúc tò mò. Tôi nhủ mình. Không hẳn thế hay không hoàn toàn hẳn thế. Suy tư rồi tần ngần đếm bước bên mép hồ nhìn từng cột nước phun lên sáng trắng như những đài hoa bạch ngọc dưới chân Stone Mountain cũng có nghĩa là dưới chân tượng đài, tôi sửng sờ bắt gặp mấy dòng chữ khắc vào một tấm đá trải phẳng giữa lòng đường:

“Vậy đó con trai của cha. Khi mây mù và bóng đen kéo đến trong cuộc tranh đấu cho cuộc đời, đừng do dự khi đứng ở vị trí của con: Hãy giữ niềm tin để hoàn thành sứ mạng của mình”. Robert E. Lee

Bia không dựng mà trải dưới chân người đời. Lịch sử nội chiến đã đi qua một thế kỷ rưỡi. Hàng triệu người đã đi qua tấm bia đá nằm ngửa giữa lòng đường. Nhưng mấy ai nghĩ khác về nguyên nhân nội chiến! “Hãy giữ niềm tin để hoàn thành sứ mạng của mình”. Hai cha con cùng ra trận lẽ nào chỉ để chống lại chủ trương giải phóng ngót bốn triệu nô lệ như chính sử nước Mỹ đã ghi mà có lẽ còn điều gì cao cả hơn. Ngày đó và nhiều năm về sau, nô lệ chưa phải là điều gì to tát ở xã hội Mỹ. Vả lại, giữa thế kỷ XIX, vị trí người nô lệ chưa trở thành mục tiêu nhân văn như ta tưởng, chưa thôi thúc đến nỗi phải đổ máu. Bởi, nô lệ vẫn tồn tại cả Bắc lẫn Nam cho đến những năm cuối thế kỷ đó. Như vậy có nghĩa là nô lệ chưa phải là nguyên nhân chính của bất hòa làm nên nội chiến. Hơn nữa, chủ trương giải phóng nô lệ mà Abraham Lincoln, Tổng thống Liên bang tuyên bố không phải diễn ra trước ngày khởi sự đánh nhau mà vào cuối năm 1862, khi cuộc chiến đã đi gần một nửa thời gian của nó. Lẽ nào nguyên nhân nằm sau hệ quả.

Robert E. Lee, một người từng hô hào giải phóng nô lệ, từ chối cương vị Tổng chỉ huy quân đội Liên bang để rời miền Bắc về miền Nam chiến đấu bên cạnh Jefferson Davis và Thomas Jackson chỉ vì lý tưởng tuyên ngôn lừng danh ngày 04 tháng 7 năm 1776 khai sinh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ rằng: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng”. Thực tế, qua hai năm đụng độ Bắc - Nam Abra- ham Lincoln nhận thấy quân đội Liên bang của ông mỗi ngày một nao núng, phân tâm và Thủ đô Washing- ton có lúc đã bị uy hiếp, mới vội vả tuyên bố chủ trương giải phóng nô lệ. Phải chăng, điều đó như là một biện pháp cứu nguy rồi về sau người ta quy thành nguyên nhân nội chiến để che đi một cái lý do khác đáng xấu hổ hơn. Duy trì hay xóa bỏ chế độ nô lệ là cái cớ cho bên thắng mượn mà rửa mặt đó thôi.

Sau ngày giành được độc lập từ tay Vương quốc Anh sự cân bằng thể chế xã hội giữa các tiểu bang như là một nhu cầu cân bằng thế lực trong Quốc hội. Có nhìn thấy cả chuỗi phát triển Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mới nhìn thấy đầu nguồn của nguyên nhân nội chiến. Bởi sự cân bằng ấy luôn luôn bị lệch. Thỏa hiệp Missouri ra đời năm 1820 khi mỗi bên theo chế độ tự do hoặc chế độ nô lệ đều có 11 tiểu bang lấy vĩ tuyến 36,30 làm giới hạn tạm yên thì ba mươi năm sau, chiến tranh biên giới với Mexico xảy ra. Phía nam có thêm 8 tiểu bang mới thì tương quan Bắc - Nam lại không ổn. Trong thời buổi đó 13 tiểu bang phía bắc luôn luôn tự coi mình là “khai quốc công thần” như những con chim đầu đàn trong cuộc chiến tranh giành độc lập, thường xử sự với các tiểu bang phía nam y như Vương quốc Anh cư xử với các thuộc địa Bắc Mỹ trước đó. Tính kẻ cả thực dân như chính quốc muốn coi phía nam chỉ là thị trường cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm. Hạn chế kìm hãm miền Nam giao thương xuất nhập khẩu như một chủ trương thầm lặng.

Vì danh dự và niềm tự hào xứ sở 13 thuộc địa đã đứng lên làm cuộc chiến tranh giải phóng giữa thế kỷ XVIII và có lẽ cũng từ tinh thần tự chủ như thế, các tiểu bang phía nam mới buộc lòng cho ra đời Hợp bang vào giữa thế kỷ XIX.

Robert E. Lee bỏ cương vị Tổng Tư lệnh Liên bang từ phía bắc về nam chiến đấu bên cạnh Jefferson Davis rồi thanh thản hạ vũ khí đầu hàng tướng Ulysses S. Grant, từng là bạn chiến đấu thủy chung của mình trong cuộc chiến tranh giải phóng.

Tôi sai lầm hay đúng đắn, thì Đức Chúa Trời sẽ phán xử. Loài người không được xét xử tôi. Miền Nam chỉ được lựa chọn giữa sự hủy diệt hay là sự lệ thuộc đê hèn hơn cái chết. Tôi không lấy làm hổ thẹn vì dự tính bắt cóc một người đã tạo ra nhiều bất hạnh riêng cho miền Nam”.

Không bắt cóc được thì ám sát. Joln Wikes Booth uất ức, manh động vì động cơ cá nhân hay vì một lẽ gì lớn hơn. Ngoài Joln Wikes Booth còn ai bất bình như vậy không? Thiết nghĩ việc này thuộc về các nhà sử học nước Mỹ, thuộc về ngành lịch sử nước Mỹ. Tôi xía vào một chút khi lặng ngắm tượng đài trên ngọn lửa hoàng hôn Stone Mountain là để chiêm ngưỡng tác phẩm điêu khắc được người đời coi như là kỳ quan thứ 8 của nhân loại với sự ái mộ cái tâm, cái tình, cái tài của Hiệp hội Đoàn kết những người con gái của Chính phủ Hợp bang (UDC), của gia đình Venable chủ sở hữu đã hiến tặng vách núi nơi có ngọn lửa hoàng hôn, của các nhà điêu khắc Gutzon Borglum (thực hiện từ năm 1916 đến năm 1924), Augustus Luke- man (từ năm 1925 đến năm 1928) và Roy Faulkner (làm mới từ năm 1958 đến năm 1970) và của Hiệp hội đài tưởng niệm Núi Đá (Stone Mountain Memorial Association).

Kể từ năm 1912, khi bà Helen, thành viên của UDC đề xuất xây dựng tượng đài nơi có ngọn lửa hoàng hôn đến năm 1972 trải qua sáu thập kỷ (đâu phải một ngày) với ba lần thay đổi nghệ nhân điêu khắc và phương pháp tạo tác (đâu phải một người) mới hoàn thành mỹ mãn. Nếu không là kỳ quan thì cũng là kỳ công đáng trân trọng.

Đúng hay sai lịch sử đã an bài. Tượng đài cao trên đỉnh núi như thể đã bước vào cõi vĩnh hằng. Ngọn lửa lúc hoàng hôn nhắc lại một ngày sáng nắng.

M.K.Ư
(SH294/08-13)







 

Các bài mới
Thơ Liana Margescu (30/08/2013)
Cỏ dại (30/08/2013)
Ký ức mong manh (29/08/2013)
Các bài đã đăng
Mãi mãi mùa thu (20/08/2013)