Tạp chí Sông Hương - Số 294 (T.08-13)
Về hai người Việt cộng tác sớm nhất cho tập san BAVH: Nguyễn Đình Hòe và Đào Thái Hanh
15:27 | 30/08/2013

TRẦN VĂN DŨNG

Tập san BAVH là một trong các tạp chí khoa học có giá trị nhất Đông Dương thời đó chuyên viết về các vấn đề văn hóa, lịch sử, địa lý, nghệ thuật, tôn giáo, phong tục, mỹ thuật, ngôn ngữ, dân tộc học... hay nói một cách tổng quát là văn hóa cung đình, văn hóa bác học và văn hóa dân gian.

Về hai người Việt cộng tác sớm nhất cho tập san BAVH: Nguyễn Đình Hòe và Đào Thái Hanh
Cụ Đào Thái Hanh (1871-1916) - Ảnh: gactholoc.net

Tập san đã được xuất bản đều đặn trong 30 năm, mỗi năm 4 số, ra được 122 tập và bị đình bản vào năm 1944 do các biến động chính trị xã hội thời bấy giờ. Hiện nay, Tập san BAVH đã trở thành một nguồn tư liệu rất phong phú nghiên cứu về Huế và có khi đi xa hơn trong phạm vi cả nước.

Rất nhiều các nhân sĩ, trí thức của Huế và Pháp đã cộng tác, viết bài cho Tập san như cụ Nguyễn Đình Hòe, Đào Thái Hanh, Đào Duy Anh, Thượng thư Tôn Thất Hân, họa sĩ Tôn Thất Sa; Linh mục Pirey, Chapuis, Morineau… Với tư cách là thành viên sáng lập và cộng tác sớm nhất cho Tập san này ngay từ khi thành lập thì phải nhắc đến cụ Nguyễn Đình Hòe và cụ Đào Thái Hanh vào năm 1914. Cả hai cụ đều là một trong các cây bút chính viết nhiều bài về Huế của Tập san giá trị này.
 

Cụ Nguyễn Đình Hòe (1866-1942)

Cụ Nguyễn Đình Hòe sinh năm 1866 tại làng Thọ Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nguyên quán làng Hiền Lương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Cụ là “một nhà Hán học giỏi Pháp văn đầu tiên ở Huế. Cụ từng làm phiên dịch tiếng Pháp cho triều đình Huế trước năm 1885. Cụ là một trong những giáo viên người Việt đầu tiên của trường Quốc Học hồi cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX”1. Từ năm 1901 - 1911, Nguyễn Đình Hòe làm Giám đốc kiêm giáo sư Trường Sư phạm Pháp Việt, kế tiếp làm phó hiệu trưởng Trường Hậu bổ Huế (1911 - 1917). Đến năm 1923 giữ chức Thượng thư bộ Lễ sung Cơ mật viện Đại thần, Thái tử Thiếu bảo, rồi về hưu năm 1935. Cụ mất năm Nhâm Ngọ (1942) tại Huế, thọ 76 tuổi.

Nguyễn Đình Hòe là một trong những hội viên thường trực của Hội “Những người bạn Cố đô Huế”. Cụ có nhiều chuyên đề nghiên cứu về văn hóa lịch sử Huế có giá trị đăng trên Tập san BAVH như: Note sur les pins du Nam Giao (Esplanade des sacrifices) (Chi chú về những cây thông ở Nam Giao); La pa- gode de l!éléphant qui barrit (Miếu Voi Ré); Eùnumération des pagodes et lieux de culte de Hué (Liệt kê đền miếu và các nơi thờ tự ở Huế) (cộng tác với Bác sĩ A. Sallet); Le Huê Nam Diên (Điện Huệ Nam); Notes sur les cendres des Tây Sơn dans la prison du Khám Đường (Ghi chú về các tro di cốt Tây Sơn trong Khám Đường); Histoire de I’Ecole dé Hâu Bô de Hué (Lịch sử trường Hậu bổ ở Huế); Quelques renseignements sur les familles de Chaigneau et de Vanier (Vài tư liệu về gia đình Chaigneau và Vannier); Les Barques royales et mandari- nales dans le vieux Hue (Thuyền ngự và thuyền quan thời Huế xưa); La pagode de Diệu Đế (Chùa Diệu Đế); Quelques coins de la Citadelle de Hué (Một vài nơi ở Kinh thành Huế). Các công trình nghiên cứu này xưa nay được giới trí thức đánh giá cao. Nếu không có sự biên khảo có tầm vóc lớn như thế, thì giới nghiên cứu chúng ta ngày nay sẽ rất khó trong việc đi tìm tư liệu lịch sử đối với văn hóa lịch sử Huế xưa.

Cụ Đào Thái Hanh, sinh ngày 24/02/1871, tại làng An Tịch, tổng An Hội, huyện An Xuyên, phủ Tân Thành (nay thuộc xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp). Từ nhỏ, Đào Thái Hanh được cha dạy cho chữ Hán, rồi được học chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp. Năm 1889, Đào Thái Hanh ra làm Chánh Thủ bộ, chuyên lo giấy tờ, sổ sách tại làng An Tịch. Cũng năm này ông thi đỗ và được bổ làm Giáo tập dạy chữ Nho. Kể từ năm 1891 đến năm 1894, ông được chuyển làm Thư ký Sở Thương chánh Sài Gòn, rồi Thông sự địa hạt ở Bạc Liêu, có lúc là Giáo tập của trường tỉnh tại đây; chuyển xuống Cà Mau làm Thông sự, rồi xuống làng Tân Huyên làm Hương hộ, Hương quản trong tổng Quản Long… Cuối năm 1894, Đào Thái Hanh ra miền Trung làm Ký lục thí sai nhì hạng thuộc Tòa sứ Trung Kỳ, tùng sự tại Bình Định. Cũng từ đây, Đào Thái Hanh chính thức bước vào hoạn lộ, trở thành vị quan cao cấp… ngạch Nhà nước An Nam và là hội viên Hội “Những người bạn Cố đô Huế”, cộng tác viên cần cù cho Tập san BAVH. Cụ Đào Thái Hanh làm Tuần phủ tỉnh Quảng Trị từ năm 1915, rồi mất tại chức vào năm sau (ngày 06/01/1916), được truy phong là Lễ Bộ Thượng Thư. Cụ đã để lại nhiều bài nghiên cứu hấp dẫn về các vị nữ thần; làm tăng thêm nét cổ kính của Cố đô Huế một màu sắc huyền hoặc biểu thị lòng tin vào thần linh của người dân vùng Huế xưa: Histoire de la déesse Thiên-y-a-na (Lịch sử nữ thần Thiên Y A Na); La déesse Liễu Hạnh (Nữ thần Liễu Hạnh); Histoire de la déesse Thái Dương Phu Nhơn (Chuyện Thánh mẫu Thái Dương phu nhân); Histoire de la déesse Kỳ Thạch Phù Nhơn (Sự tích của nữ thần Kỳ Thạch phu nhơn). Và cụ đã viết những trang sử đẹp về cuộc đời của ngài Phan Thanh Giản, một gương mặt lớn của lịch sử Việt Nam: Son Excellence Phan Thanh Giản, Ministre de l!Annam (1796 - 1867) (Ngài Phan Thanh Giản - Thượng thứ An Nam [1796-1867]).

Qua những gì trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng, học giả Nguyễn Đình Hòe và Đào Thái Hanh đã để lại cho chúng ta ngày nay nhiều công trình nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế có giá trị. Và qua đó, ở đây, chúng ta một lần nữa khẳng định rằng, cụ Nguyễn Đình Hòe và Đào Thái Hanh là hai cộng tác sớm nhất cho Tập san BAVH ngay từ khi thành lập vào năm 1914.

T.V.D
(SH294/08-13)


.............................................
1. Nguyễn Đắc Xuân (1990), “Gia Hội khu phố cổ tuyệt vời ở Huế”, Tạp chí Sông Hương, số 130 (tháng 12).







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ Liana Margescu (30/08/2013)
Cỏ dại (30/08/2013)
Ký ức mong manh (29/08/2013)