Tạp chí Sông Hương - Số 27 (T.9&10-1987)
Kỷ niệm Nga
09:32 | 12/09/2013

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG

Người bạn gái Nga đầu tiên tôi quen ở Mátxcơva là Anna Platônôpna, một cô gái có bộ tóc đen nhánh xõa lên đôi vai tròn kiểu tóc thề, đôi mày đen vẽ nhánh cong trên gương mặt lúc nào cũng tỏa ra cái chất trong sáng của tâm hồn, nói tiếng Việt thành thạo với giọng mũi thoảng nhẹ thực dễ thương.

Kỷ niệm Nga
Lăng Lênin trên Quảng trường Đỏ, Moskva - Ảnh: wiki

Hôm ấy, người phiên dịch của đoàn chúng tôi bận việc phải vắng mặt, và Anna đã giúp chúng tôi mấy hôm, tự xem như người nhà: Chính Anna là phát thanh viên chương trình tiếng Việt của đài Mátxcơva. Tôi đã thân thiết với giọng nói của cô rất lâu trong những đêm chiến khu ở miền Nam, ai ngờ được gặp cô ở đây, trong khách sạn Lêningrat cổ xưa trước quảng trường Kômxômôn. Ngay từ phút đầu tiên gặp Anna, tôi đã cảm nhận ra một nét gì rất là Việt Nam nơi gương mặt đẹp một cách nhân hậu của cô: quả đúng thế, mẹ Anna là một bà má Bến Tre, vẫn sống ở quê miền Nam sau thời kỳ tập kết, bố cô là một người lính Nga đã từng chiến đấu trong hàng ngũ Vệ quốc và đã về nước sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Nhiều đồng chí trong đoàn đều đã biết đến gia đình Việt - Nga nổi tiếng của Anna, nhưng với tôi lúc đó, như lần đầu tiên khám phá, tôi xúc động đến lặng người về điều kỳ diệu của lịch sử giữa hai dân tộc, chính điều kỳ diệu ấy đã đưa tôi đến đây để gặp một cô gái Mátxcơva có quê mẹ ở tận miền Nam Đồng Khởi. Đêm cuối cùng trước khi tôi rời Liên Xô, Anna đưa tôi đi chơi qua các đường phố Mátxcơva xanh huyền ảo trong màu tuyết.

- Anh Tường thích món quà kỷ niệm nào, Anna muốn tặng anh...

- Cám ơn Anna...

- "Cám-ơn-có" hay là "cám ơn không"?

- À thì có... Tôi rất thích một bộ ảnh về hoa lila. Thứ hoa dại ấy mà...

- Có thể tìm thấy dễ dàng thôi.

Cô đưa cho tôi đến một hiệu sách ở góc phố, tự tay chọn một bộ ảnh hoa theo ý tôi: đủ tất cả các mầu hoa lila của đồng cỏ nước Nga. Anna nói với tôi một câu thật là anh em:

- Còn ít quá. Anh Tường thấy thích cái gì khác nữa không? Anna có đủ khả năng tài chính đây mà...

- Không phải ít đâu, Anna. Tôi cảm thấy là nhiều, rất nhiều nữa đấy.

- Tại sao anh Tường lại thích hoa lila?

- Tôi không biết. Hình như có một phần tuổi trẻ của tôi đã lang thang đi tìm những bông hoa này, nơi những cánh đồng châu Âu chưa bao giờ đặt chân tới.

Những kỷ niệm Nga như vậy đầy ắp trong ký ức của tôi, qua những chuyến đi. Tôi đã đi thăm đất nước Liên Xô hai lần, và có mấy lần khác trong những chuyến đi và về, ghé lại Matxcơva năm ba ngày. Tháng năm vẫn làm người ta quên đi nhiều biến cố đã trải qua trong đời. Nhưng trí nhớ của tôi vẫn tỏ ra minh mẫn khác thường để giữ riêng những kỷ niệm về đất nước xa xôi ấy, như thể rằng phía bên kia những biên giới lại là một mảnh đất mà tôi đã sinh ra.

Hình ảnh mới nhất còn làm tôi xúc động là cuộc gặp gỡ ở Xôphia - 1984, tôi tham gia đoàn nhà văn Việt Nam đi dự cuộc gặp gỡ quốc tế các nhà văn lần thứ V tại thủ đô Bungari. Buổi tối đầu tiên tại Cung Đại hội, trong phòng khách còn thưa thớt với một vài đoàn đại biểu đến sớm, tôi thấy các anh Chế Lan Viên và Phan Tứ đang đứng nói chuyện với một nhà văn Liên Xô qua phiên dịch bằng tiếng Pháp, nhìn tấm biển tên trên túi áo, tôi biết đó là Anđrây Vanhexinxky. Khác với vóc người cao dong dỏng của Eptusencô, Anđrây tầm thước hơn với đôi vai rộng và chắc nịch, trán phẳng dưới mái tóc cắt ngắn khiến khuôn mặt có vẻ Hy Lạp.

Lúc đó, Anđrây đang nói chuyện với anh Chế về tình hình Việt Nam hiện nay. Qua cái dáng nói sôi động của Anđrây với bàn tay trái tựa sâu vào sau hông vòng qua bên trong vạt áo vét, và bàn tay phải luôn luôn thao tác theo lời nói, tôi thấy rằng Anđrây đang diễn đạt không chỉ là những suy nghĩ mà là một thái độ... "Dù tình hình thế giới đang đặt ra những vấn đề mới, tôi cho rằng đó không phải là một cái cớ để người ta quên đi cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam", Anđrây nói, ngón tay trỏ gỏ gỏ vào trán vẻ nổi giận. Anh Phan Tứ giới thiệu tôi với Anđrây. Tôi bắt tay anh, nói nhanh:

- Rất vui sướng được gặp anh ở đây, anh Anđrây Vanhexenxky. Tôi nhớ, có lần Eptusenkô nói rằng Vanhexenxky là nhà thơ Xô viết lớn nhất hiện nay.

- Eptusenkô cũng sẽ đến đây trong chuyến bay ngày mai - Anđrây nói lãng ra một chút. Rồi bỗng nhiên anh nắm lấy vai tôi:

- Chúng ta đã gặp nhau một lần, anh nhớ không?

- Tôi đọc anh nhiều, nhưng quả nhiên bây giờ mới được gặp nhau - lần đầu, anh Anđrây!

Tôi tưởng thế là xong, không ngờ Anđrây vẫn quả quyết:

- Hãy nhớ lại đi, đây không phải là lần đầu tiên.

Tôi cho rằng do được giới thiệu là tôi ở Huế, chắc Anđrây đã nhầm tôi với Tô Nhuận Vỹ, vừa đi dự hội nghị nhà văn trẻ Á Phi, cách đây mấy năm. Nhưng Anđrây lại đọc luôn một cái tên phụ nữ Nga nào đó, và hỏi tôi:

- Cái tên đó có gợi lại cho anh một điều gì không?

Quả là tôi không có thói quen nhớ tên nhiều người trong những cuộc gặp gỡ thoáng qua và không gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi khẽ nhún vai, Anđrây chính xác một cách không ngờ:

- Đó là tên người phụ nữ đã làm phiên dịch cho các anh.

Tôi thấy hơi tự ái về sự lúng lúng của mình, và có lẽ vì vậy, trí nhớ của tôi bắt đầu tự tháo gỡ bằng phản ứng tự động vốn có của nó. Tôi chợt nhớ lại bài thơ "Lênin" của Vanhexenxky, bài thơ mà tôi đã rất chăm chú về sự kiện kỳ lạ chứa đựng ở trong đó, viết về cây tùng Sêkêya khổng lồ ở Caliphoocnia. Tôi hỏi Anđrây:

- Cách đây chừng mười năm, anh có sang Mỹ phải không?

- Đúng như thế.

Như được ấn đúng nút bấm, ký ức của tôi linh hoạt hẳn lên, và ngay tức khắc, tôi đã nhận ra, nói đúng hơn là đã đoán ra Anđrây là ai. Tôi nói luôn một hơi, vui mừng vì tôi đã không nhầm lẫn Anđrây với bất cứ một người nào khác:

- Như thế là chúng ta đã gặp nhau lần đầu tiên tại Hội nhà văn Liên Xô, vào tháng chạp năm 1974. Anh Anđrây Vanhexenxky, những ý kiến của anh trong cuộc gặp gỡ ấy đã làm tôi xúc động rất sâu xa, tôi thử nhắc lại để anh xem tôi nhớ có đúng không. Hôm ấy anh đã nói như thế này: "Lúc hiệp định Pari được ký kết thì tôi đang ở Mỹ. Nhiều người Mỹ hỏi tôi rằng tại sao Mỹ không thắng ở Việt Nam? Tôi trả lời: Mỹ không bao giờ thắng được Việt Nam; tôi đã đến Việt Nam nên tôi biết rõ điều ấy. Bởi vì Việt Nam có sức đoàn kết của nhân dân, còn Mỹ thì chỉ có vũ khí. Ở Mỹ tôi đã đến thăm một gia đình có con trai chết ở Việt Nam, và người mẹ đã khóc. Sau chiến tranh thế giới, tôi đã lau nước mắt cho bao nhiêu bà mẹ Liên Xô đã khóc con như vậy, nhưng với gia đình Mỹ này, tôi chỉ im lặng không biết ăn nói làm sao với họ, và gia đình họ cũng không có gì để nói với tôi". Anh đã nói như thế, có phải không anh Anđrây?

Vanhexenxky sôi nổi hẳn lên:

- Đúng như vậy. Và tôi còn đi biểu tình cùng với những người Mỹ tiến bộ để chào mừng chiến thắng của Việt Nam, thậm chí còn đánh nhau với bọn ném đá. Tôi chỉ thẳng vào mặt những người ấy, nói rằng: "Các anh sẽ thất bại hoàn toàn ở Việt Nam".

- Anh Anđrây - tôi nói tiếp - hôm ấy anh ngồi ở xa, tôi không nhìn rõ mặt, và tôi không nhớ là người ta đã giới thiệu tên anh trong cuộc chuyện trò. Nhưng anh thấy đấy, tôi vẫn nhận ra được anh, và không quên những gì anh đã nói cách đây mười năm...

- Và tôi thì nhận ra anh ngay, chỉ trong một phút! - Vanhexenxky ngắt lời tôi.

Lúc này tôi mới nhìn thấy các bạn Pháp đã đến đứng quanh đấy từ lúc nào, có các nhà văn Pie Gamara, Andrê Xtil và Ruben Mêlix... Vanhexenxky thân mật vẫy tay chào, và vẫn tiếp tục chuyện trò riêng với tôi, bằng một thứ tiếng Anh chậm rãi mà cả hai đều hiểu nhau được:

- Chúng tôi tự hào đã đứng bên cạnh Việt Nam. Cuộc chiến đấu của Việt Nam mãi mãi in dấu một triết học lớn đối với nhân loại. Sáng mai trong tham luận của tôi, tôi sẽ nhắc lại điều đó. Về các anh!

Trong cuốn sổ tay của tôi, vẫn còn bức chân dung tự họa của A. Vanhexenxky vẽ tặng tôi lúc cùng đứng trong thang máy, nét biếm họa rất ngỗ. Tôi nhớ, khi vẽ đến cái mũi dô ra một cách cường điệu, Anđrây ngừng lại, dùng cán bút bi chỉ chỉ vào mũi mình, cười...

***

Chuyến trở về lần ấy ghé lại Mátxcơva, chúng tôi được mời đi ăn cơm tối tại Câu lạc bộ Hội Nhà văn Liên Xô, cùng đi với cô Irina Đaviđôva cán bộ đối ngoại của Hội, và anh Marian Tkasốp. Đây là quán ăn dành riêng cho các nhà văn ở Mátxcơva, nổi tiếng với giá rẻ, và nhất là với những món ăn truyền thống Nga, khó tìm thấy trong thực đơn của những khách sạn hiện đại. Bữa tối ấy, cô Irina - một cô gái rất đẹp với hàm răng đều trắng bóng lấp lánh dưới cái mũi nhỏ xinh xắn kiểu người Nga đãi chúng tôi món cá ướp muối mà nghe nói trước Cách mạng tháng Mười vẫn còn là món ăn độc quyền của gia đình một lãnh chúa ở Mátxcơva; cùng với canh nấm đen, thứ nấm hái trong rừng vào mùa đông mà những nông dân ngoại thành vẫn cung cấp riêng cho bếp của câu lạc bộ. Gần mười ngày sống trong nắng ấm của nước Bungari đang giữa mùa thu vàng chói lọi, chúng tôi đến Mátxcơva trong khí hậu lạnh buốt của tuyết đầu mùa. Chính là bữa ăn tối ấy ở câu lạc bộ, với món canh nấm bốc hơi nghi ngút và rượu Vôtka, với cái bàn ăn năm người, chủ và khách đều nói tiếng Việt bằng những âm sắc khác nhau ở một nơi mà tôi chỉ nghe rì rầm toàn tiếng Nga; vâng, chính là vừa đặt chân đến nơi đây, tôi đã bắt gặp ngay cái nét nội tâm ấy của Mátxcơva, tràn ngập không khí ấm áp tình người. Câu lạc bộ Hội nhà văn Liên Xô đặt trong tòa nhà cổ xưa vốn là lâu đài của gia đình Rôxtôp đã được L.Tônxtôi mô tả rất chi tiết trong "Chiến tranh và Hòa bình". Phòng ăn này là phòng khiêu vũ của lâu đài, các cầu thang bằng gỗ kia vốn trước là chỗ ngồi của dàn nhạc. Anh Phan Tứ (tôi có cảm tưởng rằng anh là con người kỳ lạ, biết và làm tháo vát hết mọi chuyện trên đời) còn chỉ cho tôi xem một cái cửa sổ nhỏ ở trên gác, bảo rằng đó là nơi mà cô bé Natasa đã lẻn ra khỏi lâu đài ban đêm để tìm đến nơi hẹn hò, anh chàng đánh xe ngựa chờ sẵn ở góc phố ngoài kia, con phố mà bây giờ tôi đang nhìn thấy nườm nượp những vệt đèn đỏ ô tô nối đuôi nhau. Bên ngoài câu lạc bộ, ngay trước sân các tòa nhà của Hội nhà văn, tôi nhìn thấy cái dáng đồ sộ của pho tượng Tônxtôi ngồi trầm tư trong bụi tuyết, và một con quạ đậu trên vai - chắc đó là con quạ đầu tiên vừa bay từ phương Bắc đến. Quạ Mátxcơva vào mùa đông là quạ từ Lêningrat di cư đến, còn quạ của chính Matxcơva thì đã bay về Đusanbê, tôi nhớ ở một cuốn sách du lịch nào đó người ta nói như vậy. Ngay trong căn phòng này của câu lạc bộ Hội nhà văn Liên Xô, buổi chiều ấm áp ấy, tôi cảm thấy một niềm ngưỡng mộ hết sức sâu xa về cái vẻ đẹp nầy của tâm hồn Nga: người ta vẫn sống vừa bằng những thông tin mới nhất của các hành tinh từ những trạm bay vũ trụ, vừa bằng những di sản văn hóa để lại từ nghìn năm, và cả hai đều được kết hợp nhẹ nhàng thành một giá trị tinh thần nhất quán, giống như những món ăn hàng ngày.

Trưa hôm sau, anh Marian Tkasốp mời chúng tôi ăn cơm tại nhà riêng, bữa ăn do chính tay anh và cô Irina nấu nướng. Nâng cốc mừng "nhà mới" anh Marian tìm cách "khiêu khích" anh Chế Lan Viên:

- Thế nào, ông xem cái nhà mới của tôi liệu có sánh nổi với cái nhà của ông hay không? (anh Chế cũng có một cái nhà riêng, tạm gọi là "mới").

Anh Chế lắc đầu, nụ cười rất hóm:

- Còn thua tôi cái vườn. Vườn của tôi oai lắm.

Marian gật gật, giọng vẫn tỉnh khô:

- Đúng, đúng... Cái vườn của ông nổi tiếng lắm. Nghe nói ông định trồng toàn hoa giấy!

Nhà anh Marian chỉ có mấy phòng nhỏ, khiêm tốn, nhưng đầy ắp văn hóa Việt Nam: sách vở, các đồ chơi dân gian, những đồ cổ nhỏ, và các loại nhạc cụ truyền thống treo đầy tường, như là một bảo tàng dân tộc Việt Nam ở Matxcơva. Trên bàn ăn, nhiều chai mang đủ thứ quốc tịch: nước mắm Triều Tiên, rượu Pháp, rượu nho Angiêri, chính anh lại dùng riêng một chai Nàng Hương. Chưa hết. Anh đứng dậy mở tủ bếp lấy ra một cái lọ Nga cổ, mở nắp ra thì té ra toàn... ớt bột. Anh vừa cho ớt vào món cá mòi, vừa chậc lưỡi: "ớt Liên Xô không cay, ớt cay chỉ có ở Ôđetxa. Tôi đã quen dùng ớt khô từ Hà Nội gởi sang".

Marian Tkasốp là một nhà văn Nga nổi tiếng chuyên dịch văn học Việt Nam cổ điển và hiện đại, sáng tác và nghiên cứu về Việt Nam, mọi nhà văn Việt Nam đều biết anh. Cách đây ba năm, anh đã đến thăm Huế, tôi đưa anh đi chơi khắp nơi. Anh chăm chú nghe mọi điều, nhưng nét mặt không biểu lộ gì; tôi cứ nghĩ là anh vừa đi Ấn Độ về, có lẽ thấy Huế không có gì lạ. Mãi trong bữa chiêu đãi tạm biệt ở khách sạn Hương Giang, phát biểu với các đồng chí lãnh đạo ở địa phương, có cả anh Trần Hoàn, Ma­rian Tkasốp mới nói ra những suy nghĩ của anh về thành phố Huế:

- Tôi đã đi gần khắp mười nước cộng hòa của Liên Xô, nhiều thành phố khác nhau của Châu Á kể cả Ấn Độ và Nhật Bản. Kết quả là đến đây, tôi thấy Huế không hề lặp lại bất cứ thành phố nào tôi đã đến, cái vẻ của Huế không để nó trùng lặp với mọi đô thị khác trong kinh nghiệm riêng của tôi. Tôi nghĩ rằng sức mạnh của thành phố này không phải chỗ sản xuất nông nghiệp hoặc công nghiệp. Giống như thành phố Cambritgiơ của nước Anh, ở đấy thậm chí người ta không tìm thấy một ống khói nhà máy nào cả; nhưng chính lại là nơi đã sản sinh ra bao nhiêu nhà bác học, bao nhiêu nhà văn. Tôi cho rằng thành phố này của các đồng chí phải là như vậy. Huế sẽ được phát triển thành một trung tâm trí thức, của khoa học, của văn học và nghệ thuật...

Ngồi tại nhà riêng của anh ở đây trong cái khí hậu sâu thẳm của văn hóa Việt Nam tỏa ra khắp các gian phòng, nhớ lại lời anh nói năm trước, tôi mới hiểu tại sao giữa lòng Matxcơva, Marian Tkasốp lại có thể biết tiểu thuyết về Nguyễn Trãi. Khác với những người chỉ yêu mà không cần hiểu, M. Tkasốp đã hiểu Việt Nam đến nguồn cội và vì thế, đã yêu đến nguồn cội. Tìm hiểu và yêu mến vẻ đẹp văn hóa của các dân tộc bằng tất cả trí tuệ và sức lao động không mệt mỏi, đó là chủ nghĩa nhân bản lớn nhất ở nơi những con người hiện đại, mà tôi luôn luôn tìm thấy ở Marian Tkasốp một tấm gương sán lạn.

Tôi đặt chân lên đất nước Liên Xô lần đầu tiên vào mùa đông năm 1973, lúc đó tôi đi dự tháng đoàn kết Á Phi của nước Cộng hòa dân chủ Đức. Đoàn chỉ hai người, và tôi phải dừng lại Mátxcơva ba hôm để đồng chí Trưởng đoàn của tôi từ Bình Nhưỡng sang cùng đi. Tôi vừa từ chiến trường miền Nam sang đây, Mátxcơva đối với tôi tràn đầy sức kêu gọi náo nức không tả xiết. Đại sứ quán Cộng hòa Miền Nam lúc đó thật vắng vẻ, cán bộ đều bận vào việc đưa đón những đoàn khách chính thức, nên tôi đành quanh quẩn nằm chờ. Cuối cùng, chiếu cố tâm trạng nóng bỏng của tôi, sứ quán chỉ giải quyết cho tôi một nguyện vọng bức thiết nhất, bằng cách trích ra một đồng chí cán bộ, trong vài tiếng đồng hồ đưa tôi đến viếng lăng Lê-nin.
 

Dòng người vào viếng lăng Lê-nin ở Matxcơva - Ảnh: internet


Từ sứ quán ở trong một khu phố vắng, chúng tôi đến Hồng Trường bằng xe buýt, tôi còn nhớ là tuyến xe buýt mang số 4. Quang cảnh Hồng Trường lần đầu tiên đập vào mắt tôi bằng một hình ảnh kỳ lạ: trên mặt đất mênh mông tuyết trắng xóa, một đoàn người dài dằng dặc, nhích lên từng bước nhỏ đến hầu như đứng yên, để tiến dần tới nơi Lênin yên nghỉ. Tôi dồn hết mấy đồng rúp phụ cấp vãng lai ít ỏi của sứ quán để mua bông hoa cẩm chướng màu đỏ tươi, và đến xếp hàng vào cuối dòng người để nhích dần lên theo gót người trước. Vì phải đứng lâu trong tuyết với trang phục quá sơ sài, người tôi bắt đầu rét run lên cầm cập. Người đứng trước tôi quay lại nhìn, và thấy huy hiệu Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam trên áo tôi, người ấy thụt lùi để nhường chỗ cho tôi lên phía trước. Nghe động, người trước nữa quay lại nhìn, cũng như thế, tôi lại được nhường chỗ; và như trong một phản ứng dây chuyền, tôi cứ tiếp tục được đẩy lên, đẩy lên mãi, cuối cùng tôi đã nhanh chóng vượt qua dòng người đủ các màu da để đến nghiêng mình trước di hài của Lênin vĩ đại. Kỷ niệm đầu tiên của tôi về Mátxcơva đã xảy ra như vậy, và mãi mãi vẫn là kỷ niệm sâu xa nhất đối với tôi, trong quan hệ có thể có của một con người với thế giới.

Tôi còn trở lại thăm hoặc đi ngang qua Hồng Trường nhiều lần trong những lần đến Matxcơva sau này. Và bao giờ cũng như bao giờ, tôi vẫn nhìn thấy dòng người kỳ lạ ấy; những người già, những cặp vợ chồng mang lễ phục ngày cưới, đủ các sắc phục và màu da, lặng lẽ và thành kính nhích lên từng bước để tiến đến nơi Lênin yên nghỉ; cảnh tượng ấy vẫn y nguyên như cũ, đến nỗi tôi có cảm tưởng rằng dòng người ấy vẫn chưa hề ra về kể từ hôm đầu tiên tôi đến xếp hàng đứng sau lưng họ. Nhìn ra thế giới đầy biến động, tôi lại thấy hiển hiện ra cái dòng người ấy giống như một con đường đầy màu sắc băng qua Hồng Trường. Và tôi lại thấy vững lòng trong niềm tin của mình: Vâng, tôi tin rằng con đường đã được khẳng định để đi tới tương lai của nhân loại.

Huế, tháng 4 năm 1987
H.P.N.T.
(SH27/10-87)







 

Các bài mới
Paven (08/10/2013)
Các bài đã đăng
Lòng nhân từ (10/09/2013)