Tạp chí Sông Hương - Số 27 (T.9&10-1987)
Cái giá là cuộc sống
09:55 | 17/09/2013

CHINGHIZ AIMATỐP

Dưới đây cuộc trao đổi ý kiến giữa Irina Risina, phóng viên báo Litêraturnaia Gazeta với nhà văn Ch. Aimatốp ít lâu sau Đại hội lần thứ 8 của các nhà văn Liên Xô.

Cái giá là cuộc sống
Nhà văn Chyngyz Torekulovich Aitmatov người Kyrgyzstan

... - Những nhân vật trong các tác phẩm của anh, nếu nói về mức độ phong phú và bay bổng về triết học và đạo đức của họ là muốn đạt tới sự thật phức tạp của cuộc đời, ý nghĩa của cuộc đời, cố nhiên tùy theo trình độ mọi người, dù đó là trình độ tư duy thông thái của lão nông Tôngônai trong "Cánh đồng của mẹ" hay của Tanabai trong "Vĩnh biệt Gunxarư!" được gọi là anh "mu gích triết gia". Những cái mà hồi anh viết về Eđigây, về nhận thức thế giới và nhận thức bản thân của nhân vật, tôi đã có cảm giác ở chừng mực nào đó chúng là dự báo cho một cuốn tiểu thuyết mới và xác nhận rằng ngay từ hồi ấy ở anh đã lấp ló chủ đề của cuốn tiểu thuyết ấy: "Nhân vật Buranưi Êđigây suy nghĩ rất nhiều đến ý nghĩa sự tồn tại của nhân loại... Có những người, vấn đề này gắn liền với niềm tin vào thượng đế, và đối với nhiều người trong họ thì thượng đế chẳng phải là một cái gì khác ngoài một hình thái đạo đức, lương tâm và tự ý thức. Nhưng những nhân vật của Aimatốp là những người lao động xô viết chứ không phải là những giáo dân".

- Quả thực, những âm hưởng đó đã có trong cuốn tiểu thuyết "Ngày dài hơn thế kỷ". Chúng ngân lên trong suy nghĩ của Êđigây vào lúc ông chôn cất ông bạn Cadangáp. Sau những tìm kiếm vất vả và nhọc nhằn nơi mai táng, và trước khi tiến hành lễ tang, Êđigây đã cầu xin thượng đế: "Con muốn tin rằng Người là có thực và Người ở ngay trong ý nghĩ của con. Khi con hướng tới Người để cầu nguyện, tức là trên thực tế con hướng qua Người để tới con...".

… Như ta thấy đấy, tuy Êđigây gọi đến đấng tối cao, nhưng về thực chất, ông quay lại với chính mình bởi vì chẳng có ai ngoài ông và những người đại loại như ông, có thể giải quyết được những mối nghi ngờ và lo âu của ông. Nếu có thể nói Êđigây là một nhà tư tưởng bản năng, lương dân không được trang bị về mặt triết học thì nhân vật của cuốn tiểu thuyết mới "Đoạn đầu đài" Avđi Calistratốp, đã hiến thân cho hoạt động thần học, nhưng không hiểu sao họ rất gần gũi với nhau, có lẽ là do thái độ đối với cuộc sống, lòng khát khao sự công bằng và tính thiện. Tuy hoàn toàn khác nhau, nhưng ở đây Êđigây và Avđi lại gặp nhau.

- Trong phần đầu và phần thứ hai của cuốn tiểu thuyết có một số tuyến nhân vật: Avđi Calistratốp "băng" tẩy rửa những phần tử vô chính phủ, gia đình chó sói, nhưng rõ ràng tuyến chính của anh vẫn là Avđi Calistratốp. Tôi nghĩ, hình tượng này là một sự bất ngờ ngay cả với những người đọc của anh vẫn quen với mỗi tác phẩm mới của Aimatốp không bao giờ gặp lại tác phẩm trước đó, và nổi bật lên là sự mới mẻ của đề tài và phương pháp nghệ thuật. Trong "Đoạn đầu đài" lần đầu tiên nhân vật chính của anh lại là một người Nga.

- Đúng Avđi là một người Nga. Nhưng tôi muốn xem ông ta một cách rộng hơn - là một giáo dân Cơ đốc mà không kể đến nguồn gốc dân tộc. Tôi giả định rằng đề cập những người đương thời của tôi mà nguồn gốc của họ gắn liền với một tôn giáo - tín ngưỡng khác với chúng ta. Trong trường hợp này, tôi thử đặt một con đường qua tôn giáo tới con người. Không phải đến với chúa trời mà đến với con người! Đối với tôi, trong các tuyến của tiểu thuyết, tuyến chính là Avđi và những tìm tòi của ông ta.

- Nhưng dù sao thì không phải ngẫu nhiên anh cũng đã chọn vài nhân vật chính - là một giáo dân Cơ đốc chứ không là một giáo dân Hồi giáo chẳng hạn.

- Đương nhiên, không phải ngẫu nhiên. Đạo Cơ đốc đã gán cho nhân vật Giêsu Crist một sứ mạng hết sức mạnh mẽ. Đạo Hồi mà nguồn gốc tôi cũng thuộc tôn giáo đó, không có một nhân vật tương tự như vậy. Môhamét không phải là một kẻ tử vì đạo. Môhamét cũng phải chịu đựng những ngày nặng nề, khổ ải, nhưng để vì lý tưởng mà đến nỗi bị căng thây lên, và vì thế đã vĩnh viễn xin thứ tội cho con người, điều đó Môhamét không có. Còn Giêsu Crist cho tôi cái cớ để nói những người cùng thời một điều gì đó thầm kín. Bởi vậy, tôi, một người vô thần, đã đụng đầu với Giêsu trên con đường sáng tác của mình. Điều đó cắt nghĩa việc lựa chọn nhân vật chính của tôi, vì Avđi Calistratop chính là người như ông vốn vậy.

- Khi đọc "Đoạn đầu đài" bất giác người ta nhớ đến Đôstôiepski: hoàng thân Muskin, Alôsa Karamadốp... Còn các nhân vật Pilát và Giêsu Nadarianin của anh buộc người ta nhớ đến Bungacốp...

- Về chuyện này, tôi biết nói sao đây! Nói chung tôi thấy dễ chịu khi được nghe điều đó, không phải vì tôi muốn được xếp một cách ngang hàng - bè bạn với các bậc tiền bối vĩ đại. Trong trường hợp này, công việc hết sức phức tạp vì tôi phải đụng chạm đến cùng một vấn đề mà trước kia các vị ấy đã tìm được cách miêu tả. Đó là những phạm trù vĩnh cữu, những vấn đề vĩnh cữu mà không chỉ riêng tôi, nhiều người sau chúng ta cũng phải đề cập. Cố nhiên tôi có nghĩ đến Bungacốp trong khía cạnh Pônti Pilát và Giêsu Nadarianin của tôi, đó cũng là cùng một nhân vật ở trong cùng một trạng huống. Nhưng tôi hy vọng rằng nếu bạn đọc chú ý quan sát sẽ thấy tôi giải quyết trạng huống ấy không phải bằng một cách khác hẳn về nguyên tắc mà là đưa vào lời thoại của Pônti và Giêsu một yếu tố hết sức quan trọng: Từ thời Bungacốp phản ảnh cuộc gặp gỡ ấy, một quãng lịch sử nhất định đã trôi qua, và chúng ta lại đang sống trong một phép đo thời gian có phần nào hơi khác. Tôi muốn đem vào một cái gì mới mẻ mà chúng ta nhận thức được hôm nay, chẳng hạn, là việc nói đến sự dễ bị tổn thương có toàn cầu cố hữu của thế giới con người. Nói chung tôi không vật nài đòi hỏi chúng ta phải trực hiểu tòa án khủng khiếp là sự tận thế hạt nhân. Nhưng chính vì nhận thức được tính hiện thực của nguy cơ đó, bắt buộc tôi thử chứng minh rằng không cần sự tận thế hoang đường, bịa đặt mà phải sợ cái chính chúng ta có thể làm ra và nó có thể trở thành một thực tế đáng sợ.

- Việc đánh giá có tính chất phê phán cuốn tiểu thuyết của anh, anh có thể nói với bạn đọc "Đoạn đầu đài" những gì mà cơ hồ được coi là tác giả có thái độ hầu như không điều hòa với tôn giáo?

- Tôi cho rằng cuốn tiểu thuyết sẽ làm nảy ra nhiều ý kiến, nhiều kiến giải. Tôi đang chờ đợi một cuộc nói chuyện nghiêm túc có tính chất phê bình văn học sau khi cuốn sách được phát hành, và nếu như chị muốn, một cuộc nói chuyện triết học - Nhưng nếu chỉ xét đoán các nhà văn, các tác phẩm có hay không có thiện cảm tôn giáo, là chỉ đọc những công thức quen thuộc chứ không nhận thấy bên cạnh đó còn nhiều ý tưởng khác nói chung không sử dụng vào các mục tiêu tôn giáo, nghĩa là xem sách mà không thấy gì hết.

- Căn cứ vào các tác phẩm của anh, thì âm nhạc, ca khúc, có rất nhiều ý nghĩa đối với anh. Chính là anh đã muốn một trong những tác phẩm đầu tay của anh có cái tên là "Giai điệu", tức là nói đến âm nhạc của tình yêu, có đúng không? Khi in trên tạp chí "Nôvưi Mia", A.Tvarđốpsi đã đặt cho truyện ấy cái tên "Giamilia". Và có phải chính cuốn ấy khi in bằng tiếng Kirghidi lấy tên là "Giai điệu" không?

Trong "Đoạn đầu đài, có một trường đoạn rất quan trọng đối với kết cấu triết học của cuốn tiểu thuyết đó, ấy là lúc, trong viện bảo tàng Puskin, Avđi Calistratốp được nghe một khúc tụng ca Bungari cổ. Qua âm điệu của bài ca ông ta phát hiện ra nội dung một chuyện kể Grudia mà có lần ông ta đã được đọc, đúng hơn, đó là balad "Bộ Sáu và Thứ Bảy".

Trong các tác phẩm của anh, truyền thuyết, ngụ ngôn, cổ tích, ca từ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Phải chăng anh đã bịa ra balad đó? Hay là sự chuyển thể của một truyện cổ Grudia? sức nặng ý nghĩa của nó là như thế nào? Đoạn kết của balad, cái chết của Thứ Bảy, tôi cho là không phù hợp với đạo đức của cá nhân anh ta và của xã hội. Thứ Bảy đã không do dự khi giết Bộ Sáu, bởi vì nếu kẻ thù không đầu hàng, người ta phải tiêu diệt nó vì sự nghiệp chung, vì lý tưởng. Nhưng tại sao con người lại không chịu đựng nổi hành vi đó của mình, đối với anh ta, sự sát nhân là vô đạo đức. Và đây là một điểm rất quan trọng, những suy ngẫm của Avđi Calistratốp về những nguyên nhân đã thúc đẩy Thứ Bảy kết liễu đời mình. Hơn nữa, lại suy ngẫm đúng vào lúc tụng ca nói đến một trong những điều răn chủ yếu của Cơ đốc giáo: "Không được sát nhân".

- Có thể giải đoán như vậy được lắm. Nhưng ở đây là một phản ứng dây chuyền: Bộ Sáu đã điên cuồng chống cự, đã giết chóc. Thứ Bảy phải trừng phạt chúng vì tội đó. Nhưng phương pháp trừng phạt lại quá tàn ác. Sau khi đã giết hết chúng, Thứ Bảy phát hiện ra: là một con người thì chính y cũng phải bị giết. Thế là xảy ra cái vòng luẩn quẩn ma quái, xảy ra một thảm kịch. Đương nhiên balad đó do tôi đặt ra. Tôi đang thấp thỏm chờ xem các bạn đọc Grudia và các bạn văn của tôi có ý kiến về balad đó như thế nào, đã truyền đạt thực tế chính xác đến đâu, tuy rằng điều này không phải là thực chất của vấn đề. Bằng câu chuyện nhỏ này tôi muốn nội chiến bao giờ cũng gắn liền với thảm kịch dân tộc. Nội chiến phải xuyên qua máu, xuyên qua những đau khổ, xuyên qua những thảm kịch dân tộc mới có thể thể hiện thành âm nhạc, thành những bài ca, không chỉ có những chiến công, những trận đánh thần kỳ in đậm niềm vui chiến thắng mà ngược lại, còn bắt ta phải đau xót, mủi lòng trước các nạn nhân.

- Cuốn tiểu thuyết có nhan đề "Đoạn đầu đài". Thế nhưng, tôi lại được nghe nói đến một tên khác, chắc là nhan đề ban đầu "VÒNG LUẨN QUẨN" và ngay trong truyện ta cũng gặp "dư âm" của nó: "... Tôi định… đưa ra một cuộc đời khác hẳn, từ ngày xưa vẫn xoay vần trong biển trầm luân và KIẾP LUÂN HỒI..." "…một sợi chỉ xuyên qua mọi VÒNG LUẨN QUẨN của thời gian đi tới số phận của nó". Vì sao anh lại đổi tên tác phẩm? Mà với anh thì tên sách bao giờ cũng rất quan trọng.

- Quả thực tôi đã định - ý định đó vẫn còn - viết một cuốn tiểu thuyết lớn mang tính tổng hợp: "VÒNG LUẨN QUẨN", trong đó có câu chuyện của Avđi Calistratốp, câu chuyện gia đình chó sói và nhiều thứ khác nữa. Việc thể hiện ý đồ là liên kết các tuyến chủ đề khác nhau, các thời đại khác nhau thành một tổng thể duy nhất, té ra rất phức tạp. Sau khi nhận ra tôi đã bỏ sức vào công việc này quá lâu, tôi quyết định viết riêng chuyện Avđi. Tôi không định biến câu chuyện thành một cuốn tiểu thuyết mà chỉ nghĩ sẽ là một truyện vừa, nhưng nó đã tự phát triển.

Còn tên gọi "Đoạn đầu đài", tôi có cảm giác bắt nguồn từ nội dung tiểu thuyết. Đoạn đầu đài, không phải chỉ là một cái bục để hành quyết, một chỗ để hành hình. Con người trong suốt đời mình bằng cách này hay cách khác cũng phải đứng trước đoạn đầu đài. Đôi khi người ta đã bước lên nó, dĩ nhiên, cái phần xác vẫn còn sống, và cũng đôi khi người ta không phải bước lên nó. Trong trường hợp này tên sách nói về cái giá phải trả cho đoạn đầu đài, khi bước lên nó, và nếu không theo ý nghĩa đó thì trong ý nghĩa con đường của nỗi thống khổ đi đến chỗ chịu phép Thánh.

- Cuốn tiểu thuyết mở đầu bằng những âm điệu bi ai, thấm sâu trong từng trang sách về những trận huyết chiến trên thảo nguyên gai góc độc đáo, về câu chuyện của gia đình chó sói. Đối với các bạn đọc, việc ảnh hưởng tới thế giới tự nhiên, tới các hình tượng động vật không phải là chuyện mới: con ngựa nước kiệu Gunxarưi, con lạc đà Caranar, và bây giờ là các con sói Anbara và Tasechainar, được viết với một sức truyền cảm và sức mạnh tâm lý kỳ lạ.

- Phônclo Kirghiđi đầy rẫy loài vật vì đó là phônclo của những người chăn súc vật. Và đứng bên người anh hùng, nhất thiết phải có con ngựa của anh ta. Trong trường ca "Manasa" vĩ đại, có "những khúc" tâm lý vĩ đại gắn liền với con ngựa, ví như, khi kể về các cuộc đua ngựa - cái gì đã xảy ra trong tâm hồn con người trong những khoảnh khắc ấy, những khát vọng nào sôi sục trong lòng họ và những xung đột điên rồ nào đã xảy ra giữa mọi người. Ở chúng tôi có bản anh hùng ca "Cốtdốtdás" rất xưa và rất kỳ lạ. Nó xuất hiện từ thời con người, loài vật và thiên nhiên vẫn sống lẫn lộn, chưa tách khỏi nhau. Tôi đã sử dụng một môtíp của nó trong "Vĩnh biệt Gunxarưi". Thiên anh hùng ca đó kể chuyện anh thợ săn trẻ Cốtdốtdás chuyên đi săn xa, người đã nuôi nấng toàn bộ lạc bằng những con dê rừng săn được. Một lần, có một con dê cái thọt chân lông xám đến van lạy anh xin đừng giết nó và đừng giết con dê đực già lông xám, bởi vì ngoài chúng ra, không còn ai để nối tiếp nòi giống. Nhưng con dê đực lông xám đã bất cần trong việc nén lòng tự ái lại, mà còn nói nếu anh không để chúng yên, anh sẽ phải chịu một hình phạt khủng khiếp. Anh thợ săn vừa cười vừa nói: "Thế thì mày làm gì được tao?", và anh giết luôn con dê đực già. Con dê cái lông xám tuy thọt chân vẫn chạy thoát. Nhưng khi anh đuổi gần kịp nó, thì anh rơi xuống một vách đá thẳng đứng, dưới không lên trên không xuống được. "Đấy là hình phạt cho mày", con dê cái nói rồi bỏ đi.

Như vậy là cái ngõ cụt sinh thái cũng đã từng hiện lên trong tư duy con người cổ đại. Cố nhiên, có thể có nhiều cách giải thích thiên anh hùng ca này. Cách của tôi là: ngay từ thời cổ đại, con người đã tự dè chừng trước thái độ mất trí đối với thiên nhiên, nói riêng là việc săn bắn thú vật, cho dù là vì nhu cầu sinh sống đi nữa. Ngay từ thuở đó, con người đã lưu ý đến những khía cạnh của những vấn đề sinh thái mà ngày nay chúng ta đang lo ngại.

Do đó cội nguồn của thái độ đam mê vô độ của tôi đối với thế giới loài vật là có gốc rễ trong phônclo dân tộc Kirghiđi.

- Trong các tác phẩm trước đây của anh, Tanabai và con ngựa Gunxarưi của anh ta, Êđigây và con lạc đà Caranar của bác ta, nếu có thể nói được rằng, có sự thân thiết về tâm hồn và sự gần gũi về số phận, nên không thể tách họ ra được. Đằng này, trong "Đoạn đầu đài", những con sói lại được đề cao hơn con người, vượt lên trên cả cái thói bất lương của con người. Ví như trong đoạn vào lúc có cuộc lùng ráp người Saigác trong thảo nguyên MÔIUNCUMSKI: "… Trong cảnh im lặng thần bí đó, con sói cái Acbara hiện ra với bộ mặt của con người. Nó hiện ra quá gần và thật là dễ sợ vì bộ mặt ấy chính xác quá, nên làm cho nó cũng đâm ra phát hoảng...".

- Thú chỉ nhìn thấy thú thôi.

- Hơn nữa, Acbara là một thú ăn thịt người.

Con thú - người đó quả là đáng sợ. Trong tiểu thuyết, dường như gia đình sói đứng ở giữa hai thế giới người. Một phía là hành tinh con người thể hiện ở Avđi, với thái độ nhân văn của ông ta đối với mọi sinh vật. Phía kia là hành tinh của lũ người không thuộc giống người. Tôi đã nhìn thấy sự tương phản này ngay từ đầu. Nó còn được nhấn mạnh trong cảnh ở viện bảo tàng Puskin.

- Nó chạy suốt cuốn tiểu thuyết. Cả trong phần ba, gia đình chó sói, lịch sử bi thảm của chúng cũng ở giữa hai thế giới, gắn liền với câu chuyện của hai gia đình, của hai loại người đối lập gia đình anh chăn cừu Bôstôn Urcunchiép và kẻ thù của anh Badarbai Nôigutốp. Họ là những đối cực, cũng như Avđi Calistratốp Grisan - tên thủ lãnh cần sa, kẻ đã xoay linh hồn của đám trẻ vào niềm tin của nó: "Trên đời này, mọi cái đều mua được, mọi cái đều bán được", "Tiền là tất cả".

- Vì sao các vấn đề của thanh niên, lại làm anh lo lắng đến vậy?

- Theo tôi, hiện nay những vấn đề ấy hết sức gay gắt. Tôi nhớ đến thời sinh viên của mình. Chúng tôi hồi đó vừa mới trải qua chiến tranh, vừa mới tĩnh trí lại, có quá nhiều yếu tố khó khăn, phức tạp, nhưng trong tâm hồn trai trẻ của chúng tôi, có lúc ngờ nghệch, ấu trĩ, sống sục sôi tinh thần tập thể hóa, và tình đoàn kết quốc tế. Có thể chiến tranh - mối tai họa chung đã giúp chúng tôi điều đó.

- Vấn đề ấy anh đã trình bày rất hay trong tác phẩm "Sếu đầu mùa" của anh.

- Còn bây giờ tôi không muốn mình là một thanh niên.

- Vì tuổi tác...

- Đương nhiên, vì tuổi tác. Mặc dù chẳng ai có thể cho tôi được, nhưng tôi vẫn không muốn làm một chàng trai trẻ. Đứng giữa đám thanh niên ngày nay tôi thấy bất tiện thế nào ấy.

Có lẽ, chính chúng ta đã có lỗi về những gì đã xảy ra với đám thanh niên măng sữa trong một bộ phận của xã hội. Trong điều kiện phải làm việc thiện thì ai nói gì cũng mặc, chúng ta cũng sẽ không từ. Ở nước chúng ta không có người đói ăn, ăn mày và kẻ vô gia cư, nhưng ở nước ta lại thiếu kinh phí cho sự giáo dục đạo đức. Việc trong con người thiếu một trình độ văn hóa phát triển cao sẽ dẫn đến thói chạy theo tiêu dùng, thói sùng bái vật chất. Khi mà nhân tố vật chất được đặt lên hàng đầu cũng là lúc tiềm năng tinh thần đã tụt xuống đến số không.

Ở đây, tôi cho rằng gia đình cũng có lỗi trong một mức độ đáng kể, còn nhà trường nặng hơn. Theo tôi, nhà trường không theo kịp với những đòi hỏi ngày càng tăng của thời đại, và chúng ta đã cảm thấy những mâu thuẫn đó. Mới đây tôi có hàn huyên với một người thấm nhuần tư tưởng cải tổ, không phải về những cái chúng ta đang làm, mà là về những cái khác, sâu sắc hơn, triệt để hơn, mạnh mẽ hơn để thực sự biến nhà trường thành cái lò của sự phát triển cân đối và toàn diện, của học vấn và đào tạo. Khi vừa đúng hai ba tuổi đã phải bắt đầu cho con em tiếp xúc với những công việc lao động vừa sức, phải cho con trẻ tiếp xúc với âm nhạc, văn học, hội họa sớm hơn nữa. Tôi cho rằng tổ chức thành nhóm sẽ ít hiệu quả hơn là đến với con trẻ bằng một phương pháp cá nhân.

- Ai sẽ phải trả những chi phí đó?

- Không nên tiết kiệm đối với học vấn của nhân dân. Đơn giản là sẽ rất không tốt. Những lớp học chật ních, thì dù cho có những giáo viên tuyệt vời đi nữa vẫn có ảnh hưởng tiêu cực đối với lượng tri thức của học sinh, cả về chất lượng đạo đức cũng vậy. Khi mà chúng ta nhờ cậy một giáo viên dạy dỗ cho nửa trăm con trẻ, thì điều đó, đâu là giáo dục, mà là đã bất kính đối với ông thầy.

Ở đại hội Đảng cộng sản Kirghidi tôi đã nói lên sự báo động đó, qua ví dụ trường số 5, trường đầu đàn của thành phố Phrunde. Tôi đã nói rằng cả ủy ban Kế hoạch của nước cộng hòa, cả Bộ Giáo dục, cả Thành ủy Phrunde lẫn các ban tương ứng của ủy ban trung ương Đảng, có đến hàng nhiều chục năm ròng vẫn không thể giải quyết được những vấn đề của trường đó và các trường khác, trong đó số lượng học sinh ngày càng tăng lên mà vẫn ổn thỏa, còn vách tường ngăn lớp và ngân sách thì vẫn như cũ. Xã hội cần phải tự thấy trong vấn đề đó có cái gì giảm sút nghiêm trọng, nhưng sẵn sàng chịu chi cho giáo dục, thì lúc đó chúng ta mới có thể thực tế nói đến tiến bộ khoa học kỹ thuật, lúc đó mới xuất hiện nhiều tài năng, nhiều trí tuệ có tiềm năng tinh thần và đạo đức cao.

Còn đoàn Cômxômôn, theo tôi, phải suy nghĩ về bản thân. Đoàn cực kỳ hủ lậu, không ai còn cảm thấy tinh thần kỳ diệu, tinh thần động viên, tập hợp và chiến đấu của Đoàn nữa. Tôi cho rằng Đoàn cần phải được cải tổ để tác động có hiệu quả đến thanh niên. Đoàn phải đóng một vai trò trong cuộc sống của thanh niên như thời chúng ta còn trẻ. Còn thế hệ chúng tôi thì chân thành gọi thanh niên của mình là tuổi Đoàn viên. Điều đó không phải là một lời nói suông.

Món hàng nghệ thuật thông dụng làm mê muội người, đó cũng là một hành động không lương thiện.

- Về vấn đề này Raspuchin cũng có nói rằng, nếu Puskin phải nghe không phải là những chuyện cổ tích và ca khúc của Arina Rốđnônốpna mà lại là những bài hát của các ca kỹ thời thượng thì ắt hẳn không còn là Puskin, mà là một tên Đăngtét. Điều đó, dĩ nhiên, là một sự ngọa dụ, một cách cường điệu luận chiến sắc sảo của một nhà văn quan tâm đến đời sống tinh thần của thế hệ trẻ hiện nay. Và đúng hơn, vấn đề không chỉ và không hẳn là ở ca khúc của một ca sỹ, mà còn là ở chỗ một cái biển cả mênh mông những sự nhảm nhí nâng lên thành những bài hát rẻ tiền, tầm thường chỉ có thể gây ra một sự cám dỗ, một sự xao lãng, một sự tiêu khiển lặp đầy những giờ nhàn cư của thanh niên, chứ không có khả năng thu hút thanh niên vào những công tác tinh thần, làm nảy sinh "những tình cảm tốt lành".

- Lại còn vì giải trí mà đem trưng ra các phim hung bạo của phương Tây với những pha đuổi bắt, và những cảnh giết, giết đi, giết mãi! Người lớn có thể có thái độ phê phán đối với các phim đó. Nhưng trẻ em, thiếu niên là những người thiếu kinh nghiệm, dễ dãi, sẽ chộp lấy một cách máy móc, sẽ ngốn lấy ngốn để và bắt chước.

Không ai thay được chúng ta dạy bảo thanh niên của chúng ta, và xây dựng các tâm hồn non trẻ. Không được tỏ ra khoan dung với hy vọng rằng không có gì đáng sợ xảy ra cả: bây giờ chúng hung bạo, nhẫn tâm, kiêu ngạo đấy, nhưng khi lớn lên chúng sẽ tự sửa chữa, và chúng ta sửa chữa chúng. Chúng ta không sửa chữa được. Khó sửa chữa lắm. Và gia đình là, nếu chúng ta đem lại cho họ một nền học vấn trung học phổ cập, thì điều đó sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề. Sự giả định như vậy, chí ít cũng là ngây thơ. Ngược lại trình độ học thức càng cao, thì khó khăn và phức tạp trong công tác dạy dỗ càng lớn, mà cần phải tinh vi hơn trong phương pháp, biện pháp, và càng phải tế nhị hơn, linh hoạt hơn.

- Anh đã bố cục như thế nào, bằng những hiện thực nào, sự kiện nào khi xếp đặt tuyến cần sa của tiểu thuyết?

- Tôi lưu ý tới chủ đề này, đương nhiên không phải chuyện tình cờ. Lá thư cay đắng của bà mẹ có hai đứa con trai nghiện ma túy mới đăng gần đây trên báo Văn Học thêm một khẳng định sự tồn tại của vấn đề bức thiết này. Đã nhiều năm dài, chúng ta tự giấu diếm tai họa của chúng ta, và việc tôi lo lắng đến vấn đề là chuyện tự nhiên: Vì sao cái tật bệnh đó lại nảy sinh trong một bộ phận thanh niên của chúng ta, chúng tồn tại nhờ những nguyên nhân nào, gia đình hay bản thân đã tạo ra cái khả năng cho phép có cái hiện tượng tật nguyền ấy trong xã hội chúng ta? Từ đâu và nó đã lén lút xâm nhập vào chúng ta thế nào? Vì sao không một thiết chế xã hội nào giải thích cho các tâm hồn non trẻ về con đường tai hại đó?

Nhưng với chúng, chúng ta cần phải suy nghĩ và phải giải đáp trước chính mình.

Một lần, tôi ra đón xe lửa tại một nhà ga thảo nguyên khá xa xôi. Tàu chậm mất mấy giờ. Tôi đành lang thang không biết chúi vào đâu, thì một cảnh sát, chắc là nhận ra tôi, mời tôi vào ngồi nghỉ trong đồn của anh. Khi bước vào phòng làm việc, tôi ngạc nhiên thấy trong một góc phòng mấy thằng bé bị nhốt trong cái cũi sắt. Chúng bị giữ trong một chuyến tàu hàng vì đã mang theo cần sa ma túy. Ở một góc phòng khác là những tang chứng vật chất: ba lô, túi xách, va ly đựng các cần sa đó. Tôi đâm ở người ra. Giúp chúng thì tôi không thể làm được, vì sự việc đã lọt vào vòng tư pháp mất rồi. Bức thư của bà mẹ vô phúc trên báo Văn Học, lại bắt tôi phải quay lại với những điều tôi đang suy nghĩ lúc đó, về cái gì sẽ tiếp theo dù dưới hình thức một bài báo, nhưng nhất thiết phải viết: đúng, chúng đã vi phạm luật pháp và đáng phải xử phạt, nhưng chúng cần phải cứu giúp, nhất thiết chúng ta phải làm việc đó, chúng cần phải được điều trị, phải tìm bằng được phương pháp chữa chạy cho chúng khỏi bệnh.

- Tại sao phần tiếp của "Đoạn đầu đài" không in trên tạp chí "Nôvưimia" số tháng Bảy, mà lại là số tháng Tám? Khi nào thì phần ba của tiểu thuyết xuất hiện?

- Những vấn đề ấy nhiều người đã hỏi tôi. Tôi đọc không kịp bản dập thử đúng lúc tạp chí lên khuôn. Bởi vậy phần hai của tiểu thuyết phải chuyển sang số tháng Tám, còn trong số tháng chín thì tiểu thuyết phải đăng trọn.

- Anh Chinghiz Tôrếchlôbich, có thể tìm hiểu lúc này anh đang đọc cái gì được không?

- Tôi đang bận bịu với "Đoạn đầu đài" cho nên lúc này không thể đọc một số sách mà tôi rất muốn đọc. Tôi vừa mới bắt đầu đọc cuốn sách mới của A. Ađamôvích: "Không gì quan trọng hơn". Và mặc dù phụ đề của nó có viết: "Những vấn đề đương đại của văn xuôi chiến tranh", thì ngay mới vài trang tôi vừa kịp đọc, đã có thể nhận xét là: dải tần của sách vô cùng rộng - không chỉ những vấn đề cấp bách của văn xuôi chiến tranh mà là toàn bộ tư tưởng nghệ thuật, toàn bộ nền văn học của chúng ta và không chỉ văn học, mà cả cuộc sống nữa. Không nghi ngờ gì nữa, cái tâm hồn gọi là Ales Adamôvích đó một lần nữa bắt tôi phải suy nghĩ, phải đau khổ, và sẽ lôi cuốn tôi đi qua những thống khổ, những thử thách, để tới một cái gì chân, thiện. Đây là điều tôi không còn một chút nghi hoặc: anh đã là như vậy, và chỉ là như tôi đã tiếp nhận. Trong cuốn sách mới này, anh trò chuyện về đạo đức học, và tính đạo đức, về cái mà ngày hôm nay không còn con đường nào khác: ngoài chủ nghĩa nhân văn.

Giờ đây chúng ta đang đấu tranh chống quan niệm nhân văn phi xã hội, nhưng mặt khác, trong thời đại hạt nhân treo lơ lững trên đầu nhân loại, trên sự văn minh hóa một nguy cơ hiện thực làm cho chúng biến mất - thì ý niệm của chúng ta về chủ nghĩa nhân văn cũng rộng rãi hơn trước đây. Chúng ta đang thử tìm một quan điểm phổ biến cho những vấn đề toàn nhân loại giờ đây, khi thế giới đã đạt tới trình độ một trạng thái kỹ thuật như vậy, và trình độ mâu thuẫn đến thế, khi nhân loại trong quan hệ đạo đức đã không theo kịp những thành tựu mà nó đã tạo ra được nhờ lý trí và bàn tay của chính mình, thì một điều cực kỳ quan trọng, làm sao văn học và nghệ thuật - bằng các phương tiện của chính mình tác động tối đa đến con người, văn học và nghệ thuật nói với con người rằng không có những chính kiến nào, mục tiêu nào, nhiệm vụ nào có giá bằng cuộc sống của nhân loại. Cần phải nhắc đi nhắc lại mãi mãi một điều răn toàn nhân loại cho tất cả mọi người là chỉ có hòa bình và không có gì khác nữa!

Cuộc tòa đàm do IRINA RISINA thực hiện và ghi lại đăng trên báo Văn Học ngày 13 tháng tám 1986.

(VŨ HỒNG HÀ dịch)
(SH27/10-87)






 

Các bài mới
Paven (08/10/2013)
Các bài đã đăng
Kỷ niệm Nga (12/09/2013)
Lòng nhân từ (10/09/2013)