Tạp chí Sông Hương - Số 27 (T.9&10-1987)
Đỉnh cao của lương tâm
08:25 | 26/09/2013

VAXIN BƯCỐP


IRINA RISINA thực hiện cuộc trao đổi và ghi lại trên báo Văn Học 14-5-1986.

Đỉnh cao của lương tâm
Nhà văn Vasil Bykov ở Romania năm 1944 - Ảnh: wiki

Trước lúc lên đường đi Minsk, tôi có được xem bộ phim "Vaxin Bưcốp" của V. Đasúc. Vào đầu buổi chiếu, có người hỏi Bưcốp, nếu anh là đạo diễn, bộ phim sẽ được quay như thế nào. Bưcốp trả lời "Không thể quay được, vì diễn viên... không thích hợp". Đa súc phản đối: "Nhưng đây là thể loại phim tài liệu, không cần đến nghiệp vụ diễn viên, chỉ cần thuật lại cuộc đời mình thôi". Nhà văn khăng khăng cãi lại: "Đó chính là diễn xuất, đứng trước máy và kể lại đời mình, tôi không có nghề đó…"

Quả vậy, công việc này thực là khó. Đơn giản là chúng ta không thể hình dung nổi việc Bưcốp phải đứng trước ống kính và làm các điệu bộ. Tôi có nhiều lần may mắn được làm việc với Bưcốp và vẫn hy vọng sẽ vẫn được như vậy để trò chuyện và ghi lại "những độc thoại" của anh. Bởi vậy, tôi hiểu rất rõ cả trong nói miệng lẫn trong tác phẩm, anh không cho phép mình dễ dãi, và không có chút gì văn hoa. Lúc nào anh cũng nhỏ nhẹ nhưng kiên quyết, cân nhắc từng lời và đầy tính luận chiến. Cho nên ai đó cảm thấy không hài lòng mà có càu nhàu: "Làm sao mà cứ phải từ một khó khăn đẩy thành một chuyện đổ máu như vậy..." thì y như anh không thể nói không thể viết được nữa. Bởi thế, tôi tin rằng: "một nền văn học chân chính... không bao giờ tự đặt mình vào cái giường của Prôquýt để chiều lòng các độc giả dễ dãi, nó phải hướng tới các đề tài, các vấn đề không để cho người đọc dùng nó làm liều thuốc chữa bệnh mất ngủ, mà nói chung phải là làm cho người đọc không ríp mắt lại được".

- Vaxin Vlađimirôvích, hiện nay cái gì đang làm anh vui và cái gì đang làm anh đặc biệt lo ngại?

- Mọi người vui mừng trước những chuyển biến rõ rệt trong đời sống xã hội của chúng ta. Đó là những thay đổi mọi người bấy lâu vẫn mong đợi. Cuối cùng, bây giờ chúng ta đang bắt tay vào đấu tranh một cách nghiêm túc với bọn quan liêu. Báo chí có rất nhiều bài gay gắt về đề tài này. Nhưng nỗi lo ngại vẫn là với chủ nghĩa quan liêu, bởi vì theo tôi, nó là một trong những trở ngại khó khắc phục nhất trong sự nghiệp phát triển của xã hội chúng ta. Nó là một hiện tượng có sức sống dai dẳng. Đáng chú ý, hiện nay chúng ta có thể thả sức nói về nó và được gọi sự vật đúng tên thật của nó, bởi lẽ không có công khai thì còn lâu chúng ta mới thoát khỏi cái chứng bệnh thâm căn cố đế này.

- Trong những năm chiến tranh, hình như, không có những phần tử quan liêu,..

- Thế chúng lẫn đi đâu được? Nhân dân đánh nhau với kẻ thù, chứ không đánh nhau với chúng. Vậy chúng ta đấu tranh với chúng như thế nào? Những mệnh lệnh phải được chấp hành không bàn cãi, cố nhiên, tệ quan liêu không thể bốc mùi được ở trong chiến hào vì chiến tranh là một công việc chết người. Chỉ có những người lao động dũng cảm mới có mặt ở tuyền duyên, trong các quân y viện dã chiến, còn nếu ở hậu phương là những người đứng bên các cỗ máy. Còn những tên quan liêu thì từ những năm trước chiến tranh chúng đã "đàng hoàng lắm rồi" và trong những ngày gian khổ của chiến tranh, chúng cũng không quấy rầy người ta lắm, như thế cũng đã lợi cho cái thần xác chúng. Có một thực tế là, trong số những người vẫn tự bốc thơm: "đã đi suốt cuộc chiến tranh", đôi khi có những kẻ ta phải nói thêm hộ "nhưng chưa lần nào giáp mặt với cái chết", các cựu chiến binh biết rõ ai là người như thế nào. Tất nhiên các thế hệ mới không thể hình dung nổi điều đó. Tiện đây nói thêm, cuốn tiểu thuyết mới của tôi, "Mỏ đá", là câu chuyện của các cựu chiến binh bàn về bọn quan liêu trong thời chiến và giá trị của con người là gì.

Với khái niệm "tên quan liêu" tôi không muốn nói đến chức vụ mà là nói đến một thứ tâm lý nhất định có thể có ở bất cứ ai, không trừ một cương vị nào!

Những tâm hồn bằng giấy được nuôi dưỡng bằng những thông tư, chỉ thị, thì những quan điểm bàn giấy của chúng cũng lan tràn sang cả địa hạt văn học. Theo chúng, văn học phải hoạt động theo những nguyên tắc nhất định, bó tròn trong những phạm vi nhất định, còn cuộc sống muôn hình muôn vẻ ngoài ranh giới đó đều bị gạt bỏ, do đó mới có chuyện vấn đề này - không nên, vấn đề kia - không lợi, vấn đề nọ - kẻ địch rất thích, vấn đề kia - địch có thể lợi dụng.

Có lần người ta chửi rủa tôi về một cuốn nào đấy của tôi về chiến tranh là căng thẳng, gay gắt quá, thậm chí là xuyên tạc, tôi vặn lại: "Chẳng lẽ chiến tranh không có những chuyện ấy sao?". Họ liền giảng giải: "Có chứ. Có thể kể lại được và còn đáng hoan nghênh nữa. Chúng tôi còn biết có những của nợ tồi tệ hơn cả cái nhân vật Sacnô trong truyện "Người chết không biết đau" của anh nữa cơ. Nhưng vấn đề là bây giờ nhắc lại chuyện đó làm gì?" Thông thường, trong những trường hợp tương tự, có một câu hỏi truyền thống vang lên như một lệnh cấm:

- Có chuyện như vậy. Và đấy là sự thật. Nhưng viết cái đó để làm gì?!.

Và như thế là đề tài đã bị xem như là không tốt, chẳng giúp ích gì cho việc giáo dục lòng yêu nước, làm mất hứng của thanh niên v.v...

Theo tôi, lập trường của nhà văn quy lại chỉ có một điểm: nói thật. Không bao giờ sự thật lại không là chướng ngại vật cho cái không tốt, cái không đạo đức. Và không bao giờ sự thật lại bị coi là thừa trong tác phẩm nghệ thuật, mà thường là quá ít, và tiếc thay, có tác phẩm hoàn toàn không có.

Hiện nay chúng ta nói nhiều đến sự tầm thường. Có lẽ nó là kết quả trực tiếp của quan điểm quan liêu đối với sáng tác nghệ thuật. Quan điểm này nhất định sẽ đẻ ra một cách bừa bãi loại văn học - "tầm thường". Chúng ta không thiếu người có tài, không thiếu những nhà văn có tư duy nghiêm túc, am hiểu cuộc sống, nhìn đúng cái lõi của sự vật, ra sức đem văn học phục vụ cho niềm tin và lẽ phải. Song cũng không thiếu những kẻ quá ư dè dặt, chỉ lo trước hết đến sự yên thân của chúng. Chúng lái nghệ thuật vào một luồng nhất định. Chỉ cần các biên tập xuất bản chộp được trong bản thảo một điểm nào gai góc, thì cái máy nghiền quan liêu hoạt động ngay lập tức. Nó nghiền cho mềm nhão đi, cho vụn ra thành cát bụi mới thôi. Cứ thử không đồng ý với sự can thiệp đó xem, tác phẩm bị gác lại ngay. Thế nhưng với một tác phẩm vô vị, "tầm thường", chẳng đụng đến ai, chẳng chạm đến cái gì, không nêu lên được vấn đề nào, mà chỉ tạo ra một ảo tưởng dễ được chấp nhận, tức thì nó có ngay một con đường thẳng băng đầy thuận lợi, từ việc được xuất bản ngay, được phát hành nhanh chóng, đến đủ loại giải thưởng và hình thức động viên.

Có một loại độc giả được thói quan liêu ra sức bồi dưỡng, chỉ ưa và chỉ quen đọc các sáng tác về những thành công hơn những khó khăn. Thứ văn chương của lớp người đọc ấy được chăm chút rất khéo nhằm tuân thủ một sự cân bằng về tâm lý: Trong cuộc đời là cái gì đầy thiếu sót, phức tạp, còn trong văn chương mọi cái đều đâu vào đấy, như tâm hồn đã cho phép. Họ được luyện cách nhìn thế giới theo con mắt của các nhân vật đại loại như trong các phim "Kỵ sĩ sao vàng", hoặc "Những người Cadắc Cuban"(1). Họ không thể chấp nhận một cách nhìn khác đối với cùng một sự vật. Họ cần gì đến cái nhìn sắc sảo đối với các vấn đề của nông thôn như các chính luận của Vaxiliép, Checnhichenkô, Strêlianưi. Có gì đáng vui mừng đâu? Còn nỗi đau thì họ không muốn. Và quả thực họ chỉ cần cưỡi ngựa xem hoa, còn đằng này Ađamôvích với Cơlimốp là "Hãy đi đến và nhìn xem".

Nhưng theo truyền thống, một nền văn học chân chính, một nền nghệ thuật chân chính bao giờ cũng có đau thương. Tôi hết sức khâm phục cuốn "Một truyện trinh thám buồn" của V.Astaphiép. Đó không phải là tiểu thuyết mà là một tiếng kêu xé lòng: "Trời ơi, biết đến bao giờ!". Ở đây, trình độ sự thật, mức độ đậm đặc của tư liệu sống rất cao. Viết tác phẩm ấy, anh đã rất dũng cảm. Bởi lẽ khi viết nó niềm hy vọng của anh vào việc được xuất bản, vào việc không bị bọn quan liêu cắt bỏ rất mỏng manh, và bởi vì sự kiên trì của nhiệt tình công dân, của nhiệt tình phê phán nhằm vào chúng, hầu như đã không còn có trong nền văn xuôi của chúng ta.

Hiện nay, có một điều đáng lo ngại là những kẻ từng nhiều năm truyền bá, gieo rắc những quan điểm trì trệ của chúng kể cả trong văn học, sau Hội nghị ủy ban Trung ương Đảng hồi tháng tư năm ngoái và sau Đại hội Đảng, chúng liền lập tức tuyên bố cần phải cải tổ, cứ y như bao lâu nay, chúng chỉ chờ đợi và lo lắng đến cải tổ mà thôi. Vì vậy, về phương diện này, tôi muốn nói: theo tôi, loại người ấy là một nguy cơ thật sự cho cải tổ, một công việc thiêng liêng, tối cần thiết. Chúng đang ráo riết thực thi một chính sách "kế toán kép", làm ngập lụt thiên hạ bằng một biển cả lời lẽ, hoàn toàn trung thành trên hình thức bao nhiêu và về thực chất thì không hành động gì bấy nhiêu. Bởi vì, nói thì chúng vẫn nói, nhưng chúng không buồn động ngón tay đẩy công việc tiến lên. Đúng hơn, chúng làm ngược lại. Sáng tác của chúng vị tất đã thay đổi về thực chất, vì văn chương của chúng là duy trì những tín điều bảo thủ, chết cứng, và đôi khi là tội lỗi. Chúng sẽ vẫn luôn luôn đứng trên lập trường đó, và vẫn mưu toan nằm lỳ vĩnh viễn trên những cương vị chúng đã chiếm lĩnh được bằng tấm phông lộng lẫy của những lời lẽ hoa mỹ.

Không phải nhà văn nào cũng có những đảm bảo về tiểu sử và đảm bảo về cuộc sống trong các sáng tác của mình. Không phải ai có thể nói rằng, tôi đã trải qua cái đó, chính mắt tôi đã nhìn thấy, bản thân tôi đã "nếm mùi". Có một bạn đọc hỏi Bưcốp, anh đã thu lượm những tài liệu chiến đấu cho các truyện viết về chiến tranh của anh như thế nào, nhà văn trả lời: "các tư liệu ấy luôn luôn nằm trong tim tôi, tôi không cần phải thu lượm".

Con đường trận mạc của Bưcốp đi đến thắng lợi, nhưng chúng ta biết, khá gian truân. Thậm chí bà mẹ đã nhận được tin người ta đã chôn cất anh sau trận đánh ở gần Kirôvôgrad. Trong số những người đã hy sinh ghi trên bia mộ ở nghĩa trang liệt sĩ thôn Bansaia-Svecnhica thuộc vùng đó, có cả tên anh. Nhưng may thay, anh đã không bị giết mà chỉ bị thương nặng. Sau khi ra khỏi bệnh viện, anh lại lên tuyến trước và lại "máu vọt ra từ trong ủng".

Trong các truyện viết về chiến tranh, dù nhân vật là lính hay là du kích, Bưcốp đều có sử dụng đến "một trang chiến đấu" của mình. Cứ như trong bài hát của B. Ocutgiava vậy: "Tôi đụng đến một sợi trong số phận của mình...".

Qua cuốn "Tín hiệu của tai họa" vừa được giải thưởng chính của quốc gia - giải Lênin, lần đầu tiên Bưcốp được giới thiệu như một tác giả của văn xuôi "chiến tranh" lẫn văn xuôi "làng quê". Giới phê bình khẳng định trong cuốn truyện đó, văn xuôi "chiến tranh" và "làng quê" là các nhánh khác nhau trên một thân cây đặc biệt vững chãi trong nền văn học đương đại của chúng ta. Các nhánh đó chẳng những gắn liền với nhau mà còn cùng lớn mạnh. Ở đây những biến cố của chiến tranh được kể lại thông qua số phận của các làng quê, còn chiến tranh thì lại được khảo nghiệm bằng những sự biến đã xảy ra ở các làng quê trong những thập kỷ trước. Khi ta lưu ý đến một điểm trong tiểu sử của Bưcốp - sinh năm 1924 trong một gia đình nông dân ở Vitépsina - thì có thể giả định được rằng trong truyện "Tín hiệu của tai họa", tác giả đã sử dụng đến ký ức của bản thân về làng quê ấy, trong những năm 30 những người dân làng Usachinê của anh đã sống như thế nào để đến những năm chiến tranh, làng trở thành một khu du kích kiên cường.

- Rõ ràng có một chân lý phổ biến là con người sinh ra từ tuổi thơ của mình. Tuổi thơ của tôi trôi qua một làng quê nghèo khổ của Bêlarútxi, trùng hợp với thời kỳ tập thể hóa, với những năm những bước ngoặt giông bão trong cuộc sống của người nông dân. Những sự biến đó không chỉ diễn ra trước mắt, mà nó còn thấm vào tâm hồn trẻ. Và như ta đã biết, những ký ức thời thơ ấu sống rất lâu, đến suốt đời. Quá trình tập thể hóa ở vùng chúng tôi có nét giống nhiều nơi khác trong nước. Tuy thế mỗi vùng có đặc thù và cụ thể riêng. Ví dụ, chắc hẳn vùng chúng tôi có khác với vùng sông Đông êm đềm, và các vùng khác nữa.

Nói chung ở quê tôi không có tầng lớp culắc. Nhưng lệnh trên là phải xóa bỏ culắc. Việc phân chia "lũ hút máu đồng bào" theo dấu hiệu ruộng đất không thể làm được vì mọi người có rất ít ruộng đất. Tuy nhiên, trong làng vẫn tìm được ba anh "cu lắc". Những anh này cũng nghèo khổ như mọi người khác trong làng. Người ta tụ tập cốt cán họp hành thâu đêm suốt sáng, suy nghĩ nát óc, không biết nên chọn ai. Nhưng sau rồi cũng tìm ra được một anh không phải con bò cái mà có những một con rưỡi - bò mẹ và bê con. Anh này liền bị ghi vào danh sách cu lắc cần phải xóa bỏ.

Anh thứ hai bị ghi vào danh sách đó là về dấu hiệu thuê mướn nhân công: thời gian mùa màng anh ta phải nhờ cả bà con họ hàng xa đến giúp. Anh thứ ba cũng bị vì một tội gì đó, chẳng hạn có những một ngựa mẹ và một ngựa con.

Hồi đó, tôi đang học lớp hai, tôi có một thằng bạn, con gia đình thuộc diện cu lắc phải xóa bỏ. Gia đình nhà nó phải cuốn xới đi nơi khác. Nó ba hoa: "Gia đình tớ sẽ được đi một chuyến thật xa!" Tôi đâm ra ghen với nó: "Cớ sao bố tôi lại không phải là cu lắc bị xóa bỏ? Để cho tôi cũng được đi một chuyến thật xa đến một nơi nào đó". Tôi còn nhớ một chuyện nữa. Phải nộp hạt giống cho nông trang để gieo hạt. Mặc dù đã thành lập ban kiểm tra đi đến từng hộ vơ sạch thóc giống nhưng vẫn không đủ, thế là một nghi vấn đặt ra, nông dân không chịu nộp hết và đã giấu bớt đi. Để cho các hạt cốc giấu diếm đó không thể biến thành bột, các vị nha lại ở làng đã đập vỡ hết cối xay đá làng của các gia đình. Tôi còn nhớ việc họ đập cối nhà tôi. Họ đập vỡ tan thớt trên, và quăng các mảnh vào bụi tầm na. Bố tôi làm một cái vành đai, đêm đến ông chắp các mảnh cối lại, xay xay nghiền nghiền cái gì đó, sáng ra ông lại tháo đai rỡ cối, ném các mảnh vào bụi tầm na như cũ. Ban ngày, các vị nha lại đi tuần khắp làng xem xét các mảnh cối vỡ có còn nằm nguyên tại chỗ hay không.

Đương nhiên, cung cách quản trị của những kẻ chấp hành mù quáng như thế đã đẻ ra sự thù hằn lẫn nhau. Mà những kẻ đó chẳng phải ai xa lạ, từ nơi nào khác đến, mà lại là những người cùng làng. Giữa những người cùng một thế hệ, cùng sinh ra và cùng ăn đời ở kiếp với nhau trong một làng bỗng nảy ra một sự đàn áp. Bỗng dưng làng xóm bị xé ra, bị chia rẽ ra, con người không còn quí trọng lẫn nhau một cách hồn nhiên nữa, mà trở nên thù hằn nhau một cách tinh tế, vì cớ gì những bần nông này lại dùng bạo lực đối với những bần nông kia? Thêm vào đó, cần phải nói rằng, hận thù đó không chỉ ở những người bị lăng nhục, mà ở cả những kẻ đi lăng nhục, vì nếu không thực hiện được kế hoạch, chúng cũng chết, sẽ ghét bỏ. Sự phân hóa trước chiến tranh ấy dẫn đến chỗ bộ phận nhân dân này chống lại bộ phận nhân dân kia. Dĩ nhiên, bọn phát-xít đã triệt để lợi dụng điều đó. Một người nào đấy làm cảnh sát cho chúng, như bây giờ tôi còn nhớ, chẳng qua chỉ để làm cái việc tính sổ những thù hằn riêng của mình mà thôi. Còn chủ nghĩa phát-xít là gì, nó sẽ tác yêu tác quái ra sao, lúc ấy nhiều người không hình dung nổi. Về sau này, việc đó càng trở nên rõ ràng, khi "nền trật tự mới" được thiết lập ở khắp nơi.

- Trong một cuộc hội nghị bạn đọc, trả lời câu hỏi cái gì là cội nguồn cho đề tài trong các truyện của anh, anh có nói: đó là nguyện vọng muốn thể hiện một tư tưởng nào đó ăn sâu vào ý thức. Vậy liệu có thể nói, trong "Mỏ đá", tư tưởng ấy là ý nghĩ về giá trị của cuộc sống?

- Chủ nghĩa anh hùng, bổn phận, trách nhiệm, sự quên mình... Thường thường, khi phân tích các truyện của tôi, các nhà phê bình chú ý đến những nghiên cứu tâm lý trong đó. Chính những khái niệm đạo đức nói trên rất quan trọng trong chiến tranh và chắc hẳn cả trong cuộc sống thời bình nữa. Trong "Mỏ đá" tôi muốn đẩy cái nhìn xa hơn một chút, với những giá trị căn bản của sự tồn tại của loài người.

Cái giá trị vĩnh cữu quan trọng nhất có lẽ là cuộc sống của con người, phải luôn luôn nhớ đến điều này. Ngày nay càng phải nhớ đến nhiều hơn vì đã xuất hiện một nguy cơ hủy diệt loài người, tuy trong truyện tôi không có một chương riêng, nhưng tôi nghĩ, mô tip chủ đề ấy có, nó thấm sâu trong từng dòng.

- Cuộc đời của Xêmôn Xêmênốp, một nhân vật khác trong truyện của anh còn bi kịch hơn Aghêép. Trong phim "Kiểm tra dọc đường" của A. Gherman, trung úy Ladarép cũng rơi vào một tình huống như của Xêmênốp, sau khi biết mình phạm lỗi đã hy sinh anh dũng. Nếu Ladarép không hy sinh, sau này anh ta sẽ sống ra sao? Có lẽ cũng như Xêmênốp, rất khó khăn...

Từ lâu, tôi vẫn muốn viết về số phận một con người đã phải trải qua mọi tầng của địa ngục chiến tranh. Chẳng hạn, chiến đấu ngoài mặt trận, bị bắt làm tù binh, để thoát khỏi cảnh đó đã ghi tên vào đội cảnh sát, phải làm những hành động chống lại chúng ta, cuối cùng thì thoát được về phía mình và lại bị người mình nghi ngờ: nhưng anh ta đã trải qua hết và đã chịu đựng hết. Những con người như Xêmênốp ấy, cực kỳ bi kịch. Khi nhớ lại thời kỳ chiến tranh, tôi thấy lúc đó con người chẳng đáng giá là bao, hoàn cảnh thì lại có giá trị hơn nhiều. Ađamôvich đã viết một điều hết sức thật: người nào cũng chỉ có quyền chết thôi, quyền đó là thuộc về anh ta. Còn nếu muốn sống, anh ta không còn là của mình nữa. Nhưng con người về bản chất là ham sống. Đó là một phẩm chất bẩm sinh, rất tự nhiên của mọi sinh vật. Phát-xít đã lợi dụng ngay điều đó. Hỏi thấy con người muốn sống, lập tức nó bày ra điều kiện phải trả giá. Trong "những kẻ đi bình định" Ađamôvich đã chứng minh điều này một cách tuyệt vời.

- Nhưng trong "Tín hiệu của tai họa" anh cũng đã chứng minh. Còn trong "Mỏ đá", bên cạnh các chiến sĩ hoạt động bí mật Vôncốp Kiliacốp, Môlôcôvích thì cũng có những tên phản bội Đrốpđencô, Côvéscô. Và Aghêép thì cố phán đoán vì sao con người ta lại đi theo con đường phản bội...

- Sự phản bội, nói chung là một đề tài thú vị của nghệ thuật. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, vấn đề hợp tác với địch là rất nghiêm trọng. Điều rất quan trọng là phải hiểu cặn kẽ kẻ thù, chủ nghĩa phát-xít Đức là như thế nào, nhưng cũng không kém phần quan trọng hơn là phải tìm hiểu cái gì đã xảy ra với những kẻ hôm qua là người cùng làng, là láng giềng, đôi khi là người thân thích nữa, vậy mà ngay những tháng đầu khi quân Hitle đến đã ra phục vụ chúng, làm cảnh sát. Bằng hình thức nghệ thuật, tôi muốn phân tích, tại sao lại xảy ra chuyện đó, vạch ra cội rễ của con đường phản bội, lai lịch của sự đổ vỡ về đạo đức xã hội. Trong các tác phẩm của tôi, tôi đều suy ngẫm về vấn đề này nhưng nhiều hơn cả, dĩ nhiên là trong "Tín hiệu của tai họa" và "Mỏ đá".

Giới phê bình thường nhận xét rằng văn xuôi của V. Bưcốp nổi bật lên là sự quan tâm cao độ đến những vấn đề của nhân loại, là chủ nghĩa tối đa trong việc giải quyết các vấn đề đạo đức, là tin tưởng mạnh bạo và kiên quyết không biết sợ trước các "vấn đề cuối cùng", là có khả năng thâm nhập sâu vào bản chất triết học và tinh thần của những tình thế cực kỳ phức tạp, để rút ra "một bài học" nào đó. Tất cả những ý kiến đó cũng là đặc trưng cho "Mỏ đá".

Bây giờ khi nói đến ý nghĩa nhân tố con người trong cuộc sống của chúng ta là nói đến lực lượng quyết định trong sáng tạo, trong đổi mới hiện thực, tức là nói đến quan điểm và tinh thần tư tưởng, cơ sở của lương tri và lòng ngay thẳng. Trong thời buổi rối rắm và đầy lo âu của chúng ta, nếu muốn sống một cách xứng đáng còn phụ thuộc vào nhiều điều. Chung quy lại chính khoa học sống một cách xứng đáng lại quyết định sự bảo tồn cuộc sống trên trái đất. Sống theo lương tâm không dễ chút nào. Nhưng con người chỉ có thể là con người, là loài người chỉ có thể là chính nó với điều kiện lương tâm con người phải ở tầm cao, và chỉ như thế mới có thể chiến thắng được sự mất trí hạt nhân.

DƯƠNG HỒNG NGỌC dịch
(SH27/10-87)

-------------------
(1) Tên những bộ phim điển hình về "tô hồng" hiện thực (Chú thích của N.N.)







 

Các bài mới
Paven (08/10/2013)
Các bài đã đăng
Kỷ niệm Nga (12/09/2013)
Lòng nhân từ (10/09/2013)