Tạp chí Sông Hương - Số 295 (T.09-13)
Những chiếc kéo sau cơn địa chấn
15:18 | 16/09/2013

MAI NINH

Ông ta bị giục lên xe lúc 2 giờ chiều, không kịp nói. Người đàn bà leo sau chắn ngang cửa, che mất cô gái đứng dưới đường. Giọng cô lẫn giữa tiếng người gọi nhau và trong gió lùa dưới mấy tấm tôn đập mải miết:
- Ông nhớ nằm nghỉ và thưởng thức trà nhà vua đấy.

Những chiếc kéo sau cơn địa chấn
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Xe bắt đầu lăn bánh. Ông cố dướn đầu khỏi tấm vai đầy của bà ngồi cạnh, tìm cô ta. Tấm khăn có mấy đường kim tuyến quấn cổ màu xanh ngọc ông đã quen thuộc cả tuần nay, lấp lánh trong ánh nắng hiếm hoi, đang lùi xa dần. Con đường bỏ lại xám, trống. So với sự nghiêng ngửa chóng mặt, hoang tàn hai bên thì nó trống trải phẳng phiu lạ kỳ. Tất cả những vật vã, ngổn ngang cây cối, cửa nhà, xác xe xác tàu, bảng chỉ đường chồng chất bên trái bên phải chặn đứng tầm mắt, chặn đứng cả biển. Ông càng thấy con đường vô tận. Mọi người yên lặng, vài tiếng ngáp mệt mỏi lọt qua mảnh giấy khẩu trang. Không ai nói gì về mục đích của chuyến đi, về điểm đến.

Trên xe chỉ có một bà mẹ trẻ với đứa con trai khoảng 4 tuổi ngồi đối diện với ông, ngoài ra đều đã xấp xỉ sáu mươi hay hơn nữa. Chẳng chật gì cho lắm nhưng bà bên cạnh thỉnh thoảng lại nhúc nhích như thể chiếc váy nâu đọng muối biển, mặc đã nhiều ngày khiến bà ngứa ngáy. Mỗi lần xoay người là chiếc váy sột soạt, cái giỏ vải trên đùi bà ta lại chực rơi xuống chân. Ông phải vội chụp lên và nhận thêm cái gật đầu cám ơn. Vài người trong xe bắt đầu cởi khẩu trang, ông cũng gấp lại mảnh giấy phin xanh có sợi thun đeo tai đã vàng xỉn. Nghĩ thầm mình nên vất nó đi, bẩn quá rồi, hãy dùng cái bằng vải con bé mới cho sáng nay. Ông đưa mắt tìm thùng rác trong xe. Không có. Nhưng vừa nhướng người lên để đút chiếc khẩu trang vào túi quần thì qua khung kính, núi rác khổng lồ hai bên đường lại đập vào mắt. Một thứ rác chưa từng thấy, nằm trong đó thì khó lòng ra khỏi. Những con người như ông, như cô gái, như anh bác sĩ, đang lom khom trên bãi phế thải ấy để miệt mài tìm kiếm. Nhưng tìm gì? Tìm thế nào cho ra? Ông khép mắt, tự nhủ cuộc hành trình còn dài, vừa bắt đầu thôi. Mình cần uống một cốc trà, mình cần biết bao.

*

Anh bác sĩ đã rót cho ông và cô gái một bát trà nóng cách đây hai ngày. Mi mắt anh chàng dầy khiến lần đầu gặp nhau, thấy anh nằm ngửa trên miếng ván tàu ông đã tự hỏi sao anh này có thể ngủ dưới những tia nắng trưa đâm thẳng. Rồi hai hôm sau, cũng vẫn trong thế nằm ấy giữa màn tuyết trái mùa vật vờ cùng gió. Nhưng thật ra anh ta không ngủ, anh đang nhìn trời bằng một lằn mắt mảnh như một đường bút lông nhưng rất sáng. Chẳng thế mà khi ba người họ cùng đào bới, chính anh đã nhận ra mấy nét chữ khắc li ti trên chiếc kéo của bà ngoại cô gái, dưới lớp gạch đất nhão nước biển. Anh cầm lên và cô ta đã vội giật lấy, nâng nó trong hai bàn tay, sững sờ. Ngồi trên một cột nhà gẫy, cô lấy vạt áo tỉ mẩn chùi hai lưỡi kéo bám đầy bùn cát, chỉ lộ ra một nửa nét tên Yumi của bà lão vừa đúng bảy mươi vào cái ngày sụp đổ ấy. Hai người đàn ông ngồi xuống cạnh cô. Ông già dựa lưng vào thân chiếc xe hơi chổng bánh lên trời. Một cánh cửa xe vẫn còn nguyên tấm kính, gắn miếng nilông che nắng in hình nhân vật Manga với hai con mắt xếch chiếm gần phần ba khuôn mặt, trên cái cằm nhọn hoắt. Vợ ông đã mua cuốn cuối cùng vừa phát hành, chưa kịp gửi tặng sinh nhật thằng cháu nội. Ở tiệm sách, bà cầm trên tay rồi đặt xuống, than phiền:

- Sao bọn nhỏ bây giờ thích mấy cái trò bạo lực đến thế!

- Ừ, hay mình tìm món quà gì khác.

Bà lại cầm lên, thở dài:

- Nhưng nó bảo chỉ xin cái này.

Tuyết đã bớt dầy hơn trong đêm, vài nụ lững thững, bám vào chiếc mũ len đỏ của cô gái và trên cành anh đào đang run rẩy vỗ về một ngôi nhà gỗ đã sụp hơn nửa mái ngói. Anh bác sĩ chăm chú ngửng nhìn những ánh hồng quá tươi. Anh nhớ sáng ngày hôm ấy, mình đã mỉm cười khi bắt gặp hàng cây chớm nở hoa bên đường tới bệnh viện, và thấy an tâm cho một ngày đặc biệt bắt đầu. Còn bây giờ, mùa xuân trên cây kia đang bung ra nụ cười phản bội, chế nhạo lòng tin của anh.

Khuôn mặt xanh xao, mỏi mệt của cô gái ngồi cạnh lúc này dù gì cũng nhiều thần sắc hơn con bé Mayu 10 tuổi. Mọi người đã cố gắng chăm sóc cô nhỏ trong thời gian dài để chờ một lần ghép thận. Anh và đồng nghiệp hy vọng rất nhiều vào cuộc giải phẫu. Mayu được người chú dẫn đến bệnh viện một hôm trời u ám hơn thế này. Nụ cười của đứa bé gái khi anh đưa cho viên kẹo chanh đã xoáy một lúm tròn giữa má. Trên bàn mổ 3 năm sau, Mayu đã cố cười với anh nhưng đồng tiền không tròn nổi. Mấy ngón tay trắng xanh níu chặt vạt áo anh chỉ vài phút trước khi anh ra khỏi phòng. Trước khi đất đá chuyển mình ngay dưới sàn bệnh viện.

Cô gái đã lau xong chiếc kéo, đặt nó lên đùi. Anh lại ngó mái tóc so le của cô, bên trái lưa tưa ngắn ngang cằm còn bên phải dài gần chấm vai. Anh ước giá cô có thể nhìn cái kéo với lòng mắt long lanh của một đứa bé gái đang thích thú cắt vụn những mảnh giấy màu rực rỡ. Ngoài xa, nụ tuyết to như những bông anh đào bay trên biển xám.

*

Chiếc xe chạy vào một khu vườn rộng, cây cối bao la và không khí đầy hương thơm. Ông hít thật sâu nhưng không nghĩ ra nó thơm loại hoa lá gì. Thính giác của ông đã nghẽn. Nếu vợ ông có ở đây, bà sẽ nheo mắt, chế diễu cái mũi bít kín của chồng trước khi kể ra vanh vách các mùi hương đang lan tỏa. Giá bà cũng ở trong khu vườn hoàng đế này, bà đã biến mất rất nhanh vào cây cối. Mọi người thủng thẳng xuống xe, ai cũng mệt. Họ từ tốn đi vào tiền sảnh của dãy nhà xây thẳng góc với gian chính. Ban tiếp tân gập người chào và họ cũng cúi đầu chào lại. Ông đến ngồi trên tấm chiếu thêu, khi cầm tách trà ấm trong tay, ông nghĩ đến lời cô gái dặn với theo lúc lên xe. Hương trà thơm như nắng xuân, nhưng chỉ một hớp thôi ông đã thấy nghẹn như nuốt một thứ nước quá ngọt. Người đàn bà mập mạp đẩy chiếc túi vải lại gần cái ba - lô của ông, nghiêng sang hỏi:

- Chúng ta có được thăm viếng dinh thự nghỉ mát của hoàng gia chứ?

- Thưa bà, chúng ta đợi xem.

- Ông đựng gì mà nặng thế, còn giữ được nhiều thứ lắm à?

Ông định hỏi: “Mấy mươi năm đời người chỉ thu lại trong đó, vậy mà nhiều ư? Ngay cái ba - lô cũng là một nhặt nhạnh”. Nhưng thôi, cái túi vải của bà ta xem ra chẳng gom được gì mấy.

Hai ngày sau khi cô gái có được cái kéo của bà ngoại Yumi thì đến lượt anh bác sĩ. Biển ngông cuồng từ đêm tiếp tục dồi lên những ngọn sóng. Chúng đập vào bãi từng lọn lưỡi ngầu bọt. Ông đã mệt trong suốt mấy ngày cùng anh ta và ba, bốn người đàn ông khác kéo rỡ mớ xác tàu, sườn nhà, thân cây, dây điện… Họ chẳng làm được là bao vì phải dành nhiều thời giờ cho những bới tìm tỉ mẩn. Biển từng xanh mơn mởn ấy đã chồm phủ lên mảnh đất này bao nhiêu cuộn nước vũ bão. Những thân rắn đen oằn oại để lại lớp phế thải màu chì, nhão nhoẹt, đục bẩn. Tảng tường sụp mà ông đang ngồi lên sơn màu da trời, trong khi khoảng không cao trên đầu xám xịt mây. Bỗng nhiên ông buồn ngủ khủng khiếp, giương mắt ngó quanh tìm một chỗ nằm thì có tiếng người bật kêu phía xa. Nửa người trên anh ta bị che sau đống gì trắng hếu, hình như một cái tủ lạnh đổ nghiêng. Nhưng ông nhận ra ngay ống quần vàng nghệ và đuôi áo bờ-lu của anh bác sĩ thò khỏi tấm poncho màu cải úa anh đã tóm được trong sóng biển táp vào bờ. Chẳng cần đến gần, chỉ nghe tiếng “o” hay “a” gì đó hực lên là ông biết anh ta đã tìm được một vật gì xứng đáng. Ông bỗng tỉnh táo hẳn, nhỏm ngay dậy. Bộ mặt thường đăm chiêu dưới các lọn tóc dính bệt, ướt đầm của anh bác sĩ sáng lên như có ánh trời hé ra sau một vầng mây nặng chĩu rọi tới. Anh đến gần, chìa vào ngực ông một chiếc kéo đuôi dài, thanh mảnh, sáng bóng không ngờ.

- Của anh?

- Không.

-…

- Gần như thế.

Thấy ông già ngước mắt dọ hỏi, anh tiếp:

- Kéo dùng trong phòng giải phẫu.

Ông chợt áy náy, có phải chiếc kéo anh ta đang cầm trong tay ngày hôm ấy? Chắc không, bệnh viện cách xa đây mười cây số. Anh bác sĩ đã nói là mình không chủ ý tìm gì cả. Anh đã tới miền duyên hải này 3 năm trước với cái xách tay và một ba - lô trên vai, không gia đình và nhà cửa, ở trọ trong căn phòng dành cho bác sĩ nội trú của nhà thương, anh tự thấy mình chẳng có gì để mất. Ông đã mất rất nhiều, nhưng sau khi nhặt lại được chiếc kéo cắt cây và xiết lấy đầu vai vợ mình trong tấm dạ xám thì ông không còn chút ý định bới tìm gì cho mình nữa.

Iwako, đứa con của đá. Ngay từ ngày hội anh đào xa lắm, ông là gã con trai mười chín nối bước theo sau, mắt dán vào hai bàn chân mang guốc đỏ của cô gái thoăn thoắt luồn qua các bụi dược thảo và cây cầu gỗ bắc ngang hai bờ suối trong vườn cảnh thành phố, cho đến ngày nàng mặc tấm áo thêu hoa và chim phượng đứng cạnh ông làm lễ thành hôn, và ngay cả trong buổi chiều bạo chấn ấy nữa, Iwako luôn là tảng đá vững chắc của ông. Mỗi sáng dựa vai vào đó, ông nhìn mặt trời ló dần trên mặt biển với niềm tin rồi sẽ có ngày cả hai đưa nhau lên ngọn đồi cao xa kia, để ở lại đó với hoàng hôn miên viễn. Như cha mẹ ông, như cha mẹ Iwako, như đá núi.

Chỉ trong một nháy mắt, rùng mình nghiêng đảo, quay như hòn bi trong chiếc đĩa xoáy thôi, Iwako đã bị cây táo bất thần trốc rễ, đè xấp trên mặt đất lung lay. Cái kéo sắt to nặng, Iwako đang dang hai cánh tay dập lại để cắt mấy cành lá sâu ăn, rơi gác lên đùi. Ông đã đặt anh thợ ở làng bên rèn cái kéo ấy khi hai vợ chồng dọn về vùng biển này. Iwako nằm xấp, không nhìn thấy căn nhà họ mới sơn lại các cánh cửa xanh vừa tan tành trên mặt đất. Một trong những cánh cửa vụt tới, rớt trên vại nước mưa. Nhiều miếng sành ghim thẳng vào chân, ông khuỵu xuống với cái gàu đang múc nước để tưới bụi hoa bươm bướm tím. Nhưng vợ ông là người của đá, bà thản nhiên hít thở hơi đất còn ấm vào 3 giờ chiều, kiên nhẫn chờ đợi ông cuống quýt khập khiễng đứng dậy, cố sức đẩy cây táo sang bên và lật bà trở lại. Iwako mở mắt, mấy nếp gấp ở đuôi mắt mỉm cười, bàn tay nổi những lằn gân xanh chạm vào ống chân ông, đầy máu. Hôm sau, người ta giúp ông đem bà đến một sân trường, họ đắp lên bà một mảnh khăn dạ xám. Ông ôm vai vợ, ôm tảng đá đã từ chối thiên chức của mình. Ba ngày sau, ông đi theo người ta - Iwako và những người khác, trong đó có cô gái và bà ngoại Yumi - đến mảnh đất còn trống trong nghĩa trang.

Tất cả đã đi ra, ngoài một người còn nghiêng xuống ngôi mộ mới đắp. Bấy giờ ông mới để ý mái tóc bên dài bên ngắn tua tủa của cô gái chưa quen. Cả hai cùng bước khỏi vùng đất không tiếng người để rơi vào một không gian tịch rỗng khác. Sau khi đã ăn hết miếng bánh bột gạo và củ cải muối ông đưa cho, cô gái bỗng cất tiếng, giọng cô khào khào như tiếng chim biển trong mưa:

- Hôm ấy Yumi đã định đi Tokyo nộp bản thảo “Cơn bão cuối”.

- Yumi?

- Nhưng cháu cản đừng đi. Yumi ôm mộng văn sĩ mãi chưa thành. Cháu bảo thích Yumi mở tiệm cắt tóc nghệ thuật và dạy múa hơn viết văn.

- …Cắt tóc nghệ thuật?

Cô gái vụt đứng dậy lắc lắc đầu. Mấy ngón tay di di giữa trán như thể muốn gạt bỏ khỏi đầu một ý nghĩ đen. Cô bước về phía biển, tấm bảng tiệm bán máy móc điện tử nằm dưới chân kêu lập bập. Nhưng chỉ phút giây đã quay trở lại, tay hất mấy sợi tóc xòa trước mắt ra sau.

- Bà ngoại Yumi có đôi bàn tay tuyệt đẹp, ông biết không. Bàn tay ấy lôi hai cái chân cháu ngoại ra khỏi bụng mẹ trước cái đầu của nó, vào nửa đêm trời bão, cây kêu răng rắc quanh nhà. Rồi cũng bàn tay ấy đã rửa sạch, lau chùi những vệt máu trước khi mặc áo liệm cho con gái sáng hôm sau.

Ông chưa kịp nói, cô đã nằm xuống tấm tôn, hai đầu gối co lên ngực, lôi cổ chiếc áo len lên tới cằm và kéo vạt xuống tận mông. Một đàn chim yến trốn biệt mùa xuân cho đến bây giờ chợt bay ngang, vẽ mấy đường cong mềm mại rồi vút đi, thả những tiếng kêu chiu chíu. Khi cô thức dậy mặt trời đã lặn hẳn, biển tím thẫm. Không một ánh đèn của những con tàu xa. Tất cả đã bỏ đi, đã lịm chết sau cơn đại cuồng của sóng.

Hôm anh bác sĩ tìm được chiếc kéo ẩn giữa chiếc tủ lạnh và cái thùng nhựa, cô gái bảo phải ăn mừng. Họ cùng đi về dãy nhà tạm trú cho nạn nhân vô cư, tìm một góc nhỏ và mở ra hai hộp nui lạnh, anh bác sĩ xin được bình trà nóng. Đến nửa đêm trời đổ tuyết, ông nhìn màn sáng trắng lờ nhờ hắt hiu ngoài cửa sổ, rồi ngó lại chàng thanh niên và cô gái trẻ nằm bên. Tuy còn con trai, con dâu và thằng cháu ở bờ núi bình an bên kia, nhưng bỗng ông thấy mình mồ côi cô độc không khác gì cô gái và anh bác sĩ. Iwako đang xén cành táo sâu, bà ngoại Yumi mới tỉa chưa được nửa mái tóc cho cháu gái. Cả hai đều đang làm một động tác nằm trong đời sống, rồi đột nhiên họ rơi vào lỗ phân tâm, quay tít mù, tối đen, mất hút. Ông không kịp từ vại nước chạy đến lôi vợ ra trước khi thân cây nhào xuống. Cô gái chẳng chụp được bàn tay bà ngoại vẫn cầm cái kéo cắt tóc, để níu bà lại lúc con rồng biển chồm vào, ngốn ngấu hớp ra khơi.

Người tiếp tân đem đến hai đĩa bánh đậu đỏ. Bà ngồi cạnh lùi ra dọn chỗ. Ông vội cầm ba - lô để lên lòng, đầu cái kéo cất trong đó đâm vào đùi. Nhưng chẳng phải các thớ thịt giữa chân mà là ruột ông đau nhói. Người đàn bà nhìn ông nhíu mày, lập lại câu đã hỏi:

- Sao thế? Gì mà nặng thế?

*

Một buổi chiều, lúc đợt tuyết cuối của năm đã thực sự chấm dứt, mặt trời xuống ngang mặt biển hắt lên ánh tím hoang dại. Họ cùng ngồi ngắm hoàng hôn, cùng nhìn ra dềnh nước yên lặng, loang loáng mênh mông. Lũ hải âu đã thản nhiên về đậu đó đây trên bãi phế thải, chẳng còn quác lên những tiếng kêu thất thanh, hãi sợ đất trời đảo lộn. Họ, ông già, anh bác sĩ, cô gái và có thêm dăm người nữa đã ngồi với nhau. Họ chưa di tản, còn ở lì lại đây, nhưng vì cũng chẳng biết tìm gì hay là không còn gì để tìm cho chính mình nữa nên họ theo cô gái, ông già và anh bác sĩ lục bới, mò mẫm trong cái hiện trường vô tri vô thanh này. Biết đâu còn một tiếng kêu, một hơi thở, một nhịp tim đập nào đó. Biết đâu còn một cái gì có ý nghĩa cho sự tồn tại của họ. Và biết đâu, bỗng nhiên họ lại có niềm vui khi gặp được những chiếc kéo giữa hỗn mang đổ nát ấy. Khi cầm trên tay, chúng không còn là biểu tượng của cắt chia, phân xén, khoét tỉa, chúng là sự thân thiết dịu dàng của đời sống trước cái ngày hôm ấy. Chúng cũng là sự ngấm ngầm chia sẻ giữa họ về một đời sống vẫn tiếp diễn. Chẳng lẽ đời sống chỉ hiện hữu trước cơn địa chấn và đỉnh cuồng của đại dương.

Và hôm sau, ở cách đấy hơn bốn ngàn cây số tôi thấy, trong bản tin thời sự, những con người đang loay hoay cúi tìm như thế, bên cạnh mấy chiếc xe xúc xe cẩu đang xục lên tất cả thứ gì chúng bốc được. Một trong số họ đã đưa ra trước ống kính chiếc rổ đựng những cái kéo nhỏ to, mũi thẳng mũi cong, đầu tròn đầu nhọn khác nhau. Rồi người ấy quay lưng, cầm rổ trở về với mấy người bạn. Tất cả sững lại, những mảnh giấy báo cắt xén chồng chéo lên nhau. Một bức tranh giấy dán hỗn độn hình thể và màu sắc. Không tên, không tác giả.

Bretagne, tháng 7/2011, mưa
M.N
(SH295/09-13)






 

Các bài mới
Tình biển (30/09/2013)
Về với biển (26/09/2013)
Các bài đã đăng