Tạp chí Sông Hương - Số 295 (T.09-13)
Vai trò của Nhà nước đối với hoạt động Nhiếp ảnh
08:09 | 24/09/2013

NGUYỄN ĐỨC CHÍNH

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam (NSNAVN) được duy danh là Tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Tuy nhiên, Hội chịu trách nhiệm trong phạm vi tổ chức của mình.

Vai trò của Nhà nước đối với hoạt động Nhiếp ảnh
Ảnh: vnuspa.org

Nhìn rộng ra, Bộ VH, TT và DL - đại diện quyền lực Nhà nước - có trách nhiệm lớn hơn nhiều: quản lý, bao quát một chiến lược xây dựng và phát triển hoạt động nhiếp ảnh của toàn quốc, bao gồm nhiếp ảnh dân doanh, nhiếp ảnh văn hóa quần chúng cùng với nghệ thuật nhiếp ảnh mà đại diện là Hội NSNAVN và Hội (nghệ thuật) Nhiếp ảnh địa phương.

Bấy lâu nay, hoạt động nhiếp ảnh nước nhà cần nhiều tới tác động của Bộ chủ quản.

1. Bài học của quá khứ

Vào năm 1956, Chính phủ cho phép Bộ Văn hóa thành lập Sở Nhiếp ảnh Trung ương. Chức năng quản lý ngành dọc tới các Ty/Sở Văn hóa tỉnh thành. Đến năm 1959, Chính phủ thuyên chuyển Sở này sang VNTTX - thành Phân xã Nhiếp ảnh - nhằm phát huy thế mạnh của nhiếp ảnh là thể hiện kịp thời những đổi mới của đất nước. Bộ bàn giao cho TTX một công việc dự tính: Họp mặt - thống kê - xem xét thực lực nhiếp ảnh viên từ trung ương tới địa phương sau cuộc kháng chiến chống Pháp và để từ đấy mở lớp đào tạo mới lực lượng nhiếp ảnh cho nhu cầu phát triển xã hội. Tháng 10/1959, Phân xã Nhiếp ảnh - VNTTX mở hội nghị - lớp tập huấn một tháng cho các đối tượng như đã dự kiến. Và thành lập Phòng Nghiên cứu nhiếp ảnh, trong đó có Tổ biên dịch tài liệu chuyên môn hướng tới nội dung lý luận, phê bình (LLPB) mà từ xưa đến nay giới nhiếp ảnh Việt Nam chưa từng có; đồng thời lấy làm tài liệu mở lớp Cao đẳng nhiếp ảnh khóa 1 (1960 - 61, tuyển sinh Tú tài toàn phần). Phân xã Nhiếp ảnh - VNTTX xin phép ra Nội san Ảnh Tân Văn truyền tải tài liệu đã biên dịch được; các tài liệu gốc tiếng Nga, tiếng Đức của các học giả triết - mỹ học và nghệ thuật học, mà thế giới phương Tây chưa từng có. Nội san lưu hành trong cơ quan ảnh VNTTX, nhưng lại được giới ảnh ở Thủ đô cũng như cả nước háo hức tìm đọc. Khắp các nhóm/CLB đồng nghiệp bàn luận sôi nổi: Nhiếp ảnh là một nghệ thuật? Cơ sở nghệ thuật nhiếp ảnh? Hai dòng sáng tác? Danh hiệu nghệ sĩ, v.v. Sau đấy, một số dịch giả hoàn thiện tài liệu và in thành sách. Từ năm 1965 về sau, những người làm công việc biên dịch này hoặc thuyên chuyển công việc khác hoặc đi chiến trường. Cơ quan Hội NSNAVN có người nhiệt huyết tìm, viết về LLPB NA, nhưng đơn lẻ và tuy có một Ban LLPB NA do Ban Chấp hành Hội lập nên nhưng không có chuyên môn, nhân sự và kinh phí. Ai cũng từng nói “LLPB là ngọn đuốc dẫn đường sáng tác” nhưng thực trạng LLPB thì “thiếu vắng”, sáng tác thì lúng túng như gà mắc tóc.

2. Ngày nay ai, ở đâu có thể và phải làm LLPB NA?

Phần Hội, thì vừa nói không có chuyên môn, nhân sự, kinh phí. Hội đã phong 6 hội viên mang tước hiệu “Nhà Nghiên cứu Lý luận Phê bình nhiếp ảnh” nhưng không tổ chức họ ngồi lại với nhau, làm việc. Nếu khéo léo tập hợp họ, đặt hàng LLPB NA, họ có thể làm được một số việc. Các trường đại học có khoa/lớp nhiếp ảnh đào tạo cử nhân NA nhưng người dạy còn phải thỉnh giảng thì lấy đâu năng lực nghiên cứu LLPB.

Đương nhiên phải trông chờ vào cơ quan của Nhà nước như VNTTX đã làm ngày trước (hiện nay, TTXVN không còn chức năng này nữa).

3. Việc đến tay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Thiển nghĩ, Bộ phải có chương trình cho hoạt động LLPB của nghệ thuật này:

a/ NTNA VN trong gia đình VHNT VN nhưng có sự thiệt thòi: thua chị kém em. Không có Vụ, Viện nào giúp nghiên cứu, chỉ đạo.

b/ LLPB NA nhất thiết phải là một khoa học, học thuật. Lý luận với những nội hàm dẫn giải bản chất nghệ thuật của nhiếp ảnh, sự hình thành tác phẩm, các thể loại/thể tài ảnh, quy luật tạo hình cùng với nghiên cứu những vấn đề thực tiễn nảy sinh về phương pháp thể hiện/sáng tác, về trào lưu, trường phái và phong cách. Phê bình là bộ môn độc lập, các nhà nhiếp ảnh phải thấu hiểu “Phê bình nghệ thuật là sự vận động của mỹ học”; với kiến thức triết học và mỹ học đương đại vận dụng vào ảnh phẩm. Và, trước hết, Lịch sử nhiếp ảnh là kiến thức nền của NTNA.

Những đặc thù của NTNA (cũng như bất cứ bộ môn VHNT nào cũng có đặc thù): Một nghệ thuật thị giác phải dùng phương tiện “cái máy ảnh”, phải chụp được cái nhìn thấy tại chỗ và ở thì hiện tại, người chụp phải dấn thân với lối ứng tác cực kỳ mẫn cảm, v.v.

Thấm nhuần lại định nghĩa của Lênin: “Nhiếp ảnh là nghệ thuật chính luận hình tượng” (NTNA số 8, tháng 11-12/1968) và tư tưởng Hồ Chí Minh “Hãy quay máy ra ngoài kia mà chụp nhân dân”.

c/ Muốn vậy, cần tổng kết những giá trị mà NTNA đã làm được từ CMT8 và qua hai cuộc kháng chiến giữ nước - là chủ yếu - rồi mới đến từ ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Nâng lên thành bài học truyền thống (NTNA và sứ mệnh lịch sử, giới NA và chủ nghĩa yêu nước dấn thân, ý nghĩa một nghệ thuật dân tộc và cách mạng, một sắc thái Việt Nam trong ngôn ngữ văn hóa nhân loại,…).

Ngày nay, bên cạnh một NTNA chuyên nghiệp đã có những tác phẩm để đời, đang xã hội hóa thành phong trào “Mọi người, mọi lúc chụp được ảnh” thì sẽ chỉ ra một định hướng phát triển cho từng ngành nhánh.

Trong tình hình hội nhập thế giới, ngoài loại hình truyền thống/chuyên nghiệp (trách nhiệm phản ánh tức thì những vấn đề lịch sử của dân tộc và nhân loại) đang biến tấu thành những loại hình nghiệp dư/tài tử chắp ghép, “phi máy ảnh” như thế nào? Điều gì đáng tiếp thu, điều gì đáng phản biện và né tránh? Ngược lại, NAVN có thể đóng góp xứng đáng như thế nào vào kho tàng văn hóa thế giới?

d/ Việc “nhốt chung, làm cái đuôi” của “Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm” như hiện nay là chưa thỏa đáng. Các vị lãnh đạo Cục đang quản lý NTNA bằng kiến thức hội họa. Việc chỉ đạo, tổ chức cuộc thi “Ảnh Ý tưởng” năm 2012 là hướng đến một trào lưu “ảnh mô phỏng đời sống như tranh vẽ”.

Trước nữa, việc thực hành tuyển tập sách “Ảnh Việt Nam Thế kỷ XX” (xuất bản năm 2006) là một nỗ lực lớn nhưng bộc lộ những khiếm khuyết về nhiếp ảnh. Để chuẩn bị làm sách, Cục tổ chức hội nghị lấy ý kiến giới chuyên nghiệp ảnh ở hai thành phố, Hà Nội và Hồ Chí Minh với chủ định chọn tác phẩm từ Huy chương đồng trở lên. Người viết này phát biểu: tuyển ảnh VN phải nhìn vào lịch sử của dân tộc VN TKXX (Một thế kỷ nóng bỏng lửa đấu tranh, đổi đời của dân tộc từ đêm dài nô lệ bước lên đài độc lập tự do: nửa đầu TK là thuộc địa Pháp trong tranh đấu và dìm trong bể máu, trải qua 30 năm kháng chiến khốc liệt để được hòa bình, thống nhất vào 25 năm cuối). Và, từ bao giờ NAVN có thể chế thưởng huy chương? (đến năm 1975, chỉ ở chế độ Sài Gòn có thể chế này vào những năm 1960; TPHCM có thể chế này vào năm 1980 và Hội NSNAVN bắt đầu sau đấy 3 năm). Người viết đã cung cấp sách tuyển ảnh tựa đề “Nhiếp ảnh nước Thụy Sĩ từ năm 1839 đến ngày nay” với hàng nghìn ảnh phẩm đủ thể loại, xu hướng để giúp Ban Biên tập tham khảo. Người viết đề nghị Cục nên mời mỗi nhà NA chọn cho 3 hoặc 5 ảnh phẩm tiêu biểu của mình để BTC rộng tay sử dụng. Về sau, Cục đã nghe lời khuyên, bỏ chuẩn huy chương. Khi in thành sách, thì: Không có ảnh phẩm 45 năm đầu TK, không có ảnh Cách mạng Tháng 8 và Lễ Độc lập năm 1945, ảnh danh nhân - anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh cùng những oanh liệt Việt Nam qua 30 năm chiến tranh giữ nước đã mờ nhạt trước số lượng ảnh tài tử quá nhiều trong 25 năm cuối thế kỷ. Thật ra cũng phải thông cảm: Ban Biên tập sách chỉ có thể sử dụng ảnh được gửi đến; không có ai am hiểu và sưu tầm giúp đỡ. Tuy nhiên có thể sắp xếp làm nổi bật ảnh “Cách mạng và chiến tranh” (tên cuộc Hội thảo khoa học năm 1999) theo trật tự thời gian, được nhấn mạnh để tô đậm lịch sử. Ảnh phẩm giai đoạn sau sắp xếp theo chủ đề với vị trí hợp lý, v.v. Nâng lên quan điểm thì vẫn là phải nhìn ra bản chất nhiếp ảnh, hiểu biết về ảnh chuyên nghiệp và ảnh tài tử.

Chúng tôi mong mỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dành nhiều sự quan tâm cho chiến lược phát triển văn hóa NAVN.

N.Đ.C
(SH295/09-13)






 

Các bài mới
Tình biển (30/09/2013)
Về với biển (26/09/2013)
Các bài đã đăng
Kẻ báo hiệu (23/09/2013)
Cô Tô không xa (18/09/2013)