Tạp chí Sông Hương - Số 28 (T.11&12-1987)
Trang thơ Phùng Quán
15:49 | 07/02/2014

LTS: Phùng Quán sinh năm 1932, quê xã Thủy Dương thành phố Huế, gia nhập Vệ Quốc đoàn năm 13 tuổi (1-1946) làm liên lạc, chiến sĩ trinh sát trung đoàn 101.

Trang thơ Phùng Quán
Ảnh: internet

Các tác phẩm chính của anh :
- Vượt Côn Đảo : tiểu thuyết, 1954.
- Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, trường ca.
- Thạch Sanh cháu Bác Hồ, truyện thiếu nhi, 1956.
- Cuộc đời một đôi dép cao su, truyện vừa, 1956.
- Em gái nhỏ và chim bồ câu, truyện thơ, 1956.
Thời gian 1956, một số bài thơ tâm huyết của anh như Chống tham ô lãng phí, Lời mẹ dặn… đã gánh chịu sự đả kích và phê phán nặng nề.
- Như con cò vàng trong cổ tích, tập truyện, 1987.
- Tuổi thơ dữ dội, tiểu thuyết 3 tập, Nhà xuất bản Thuận Hóa.
Từ 1957, đến 1987 dưới gần một chục bút danh khác nhau, anh đã có rất nhiều cuốn sách do các nhà xuất bản Văn Hóa, Kim Đồng,Thanh niên, Phụ Nữ... xuất bản. Nhiều tác phẩm của anh đã được dịch tại Liên Xô - Trung Quốc... Và năm 1970, trong cuộc thi viết về Lê Nin do hãng APN (Liên Xô) tổ chức, anh đã đoạt giải nhất với truyện ngắn Như con cò vàng trong cổ tích dưới cái tên Vũ Quang Khải.
Anh viết nhiều thể loại, nhưng với anh thơ mới là tất cả. "Thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi", "Có những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy".
Sông Hương xin giới thiệu với bạn đọc mấy bài của anh.




PHÙNG QUÁN

Đêm Nghi Tàm đọc Đỗ Phủ cho vợ nghe

Ngoài trời trăng như tuyết
Trắng lạnh đến thấu xương
Trong nhà vách trống toang
Gió ra vào thoả thích

Hồ khuya sương tĩnh mịch
Trộn nước lẫn cùng trời
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi

Tựa lưng ghế cành ổi
Vai khoác áo bông sờn
Tôi ngồi đọc Đỗ Phủ
Vợ vừa nghe vừa đan

Đỗ Phủ tự Tử Mỹ
Thường xưng già Thiếu Lăng
Sinh ở miền đất Củng
Cách ta hơn ngàn năm

Thơ viết chừng vạn trang
Chín nghìn trang thất lạc
Người đời sau thu nhặt
Còn được hơn ngàn bài

Chỉ hơn ngàn bài thôi
Nỗi đau đã Thái Sơn
Nếu còn đủ vạn trang
Trái đất này e chật!

Thơ ai như thơ ông
Lặng im mà gầm thét
Trang trang đều xé lòng
Câu câu đều đẫm huyết

Thơ ai như thơ ông
Mỗi chữ đều như róc
Từ xương thịt cuộc đời
Từ bi thương phẫn uất

Thơ ai như thơ ông
Kể chuyện mái nhà tốc
Vác củi làm chuồng gà…
Đọc lên trào nước mắt!

Giữa tuyết trong đò con
Đỗ Phủ nằm chết đói
Đắp mặt áo bông sờn
Kéo hoài không kín gối.

Ngàn năm nay sông Tương
Sóng còn nức nở mãi
Khóc chuyện áo bông sờn
Đắp mặt thơ chết đói!

Giật mình trên tay vợ
Bỗng nảy một hạt sương
Hạt nữa rồi hạt nữa
Tôi nghẹn dừng giữa trang.

Kéo áo bông che vai
Ngồi lặng nghe sương rơi
Con dế chân bờ dậu
Nỉ non hoài không thôi!

Vụng về… tôi dỗ vợ:
Em ơi đừng buồn nữa
Qua rồi chuyện ngàn năm
Bao nhiêu nước sông Tương

Miệng nói nhưng lòng nghĩ:
Ôi thân phận nhà thơ
Khác nào thép không rỉ
Ngàn năm cũng thế thôi!

Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!

Em ơi, nếu Đỗ Phủ
Vai khoác áo lông cừu
Bụng no đến muốn mửa
Viết sao nổi câu thơ
Ngàn năm cháy như lửa:

Cửa son rượu thịt ôi
Ngoài đường xương chết buốt

Em ơi, nếu Tử Mỹ
Nhà ở rộng mười gian
Rào sắt với cổng son
Thềm cao đá hoa lát
Chắc ông không thể làm

Mưa thu mái nhà tốc
Em ơi, nếu Thiếu Lăng
Cặp kè vợ béo nứt
Một bước là ngựa xe
Đứng đi quân hầu chật
Đời nào ông lắng nghe
Tiếng gào và tiếng nấc

Bà cụ xóm Thạch Hào
Gái quê tân hôn biệt…

Đã đi với nhân dân
Thì thơ không thể khác
Dân máu lệ khốn cùng
Thơ chết áo đắp mặt!
Chính vì thế em ơi
Nhân loại ngàn năm qua
Máu chảy như sông xiết
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải viết:
Những
Hành qua Bành Nha
Vô gia Thuỳ Lão biệt…
Cũng là để cho Thơ
Sẽ không còn phải chết
Giữa tuyết, trong đò con…
Đắp mặt áo bông sờn.

Đừng buồn nữa em ơi
Chuyện ngàn năm… ngàn năm.

                                    Hồ Tây 1969


Tôi chỉ viết trên giấy có kẻ giòng

Từ ngày mới tập viết
Nay gần trọn đời văn
Số chữ tôi đã viết
Có thể phủ kín cồn Giã Viên…
Một niềm yêu tôi không đổi thay
Một niềm tin tôi không thay đổi:
Viết trên giấy có kẻ giòng.

Là nhà văn
Tôi đã viết suốt ba mươi năm
Là chiến sĩ
Tôi là xạ thủ cấp kiện tướng trung đoàn
Tôi có thể viết như bắn
Trên giấy không kẻ giòng
Nhưng tôi vẫn viết trên giấy có kẻ giòng
Như cái thuở vỡ lòng tập viết

Với nhiều người
Giấy không kẻ giòng dễ viết đẹp
Nhưng với tôi
Không có gì đẹp hơn
Viết ngay và viết thẳng.

Là nhà văn
Tôi yêu tha thiết
Sự ngay thẳng tột cùng
Ngay thẳng thủy chung
Của mỗi giòng chữ viết.

Nhưng là nhà văn và xạ thủ
Tôi biết
Khó vô cùng bắn trăm phát trúng cả trăm
Và càng khó hơn
Viết trọn một đời văn
Giòng đầu thẳng ngay như giòng cuối

Khi bàn tay đã đuối
Khi tấm lòng đã mỏi
Khi con mắt bớt trong
Khi dũng khí đã nguội

Trang giấy có kẻ giòng
Giúp các bé vỡ lòng
Và nâng đỡ các nhà văn
Viết ngay và viết thẳng
Ngay thẳng thủy chung
Từ giòng đầu đến giòng cuối!

                        Hồ Tịnh Tâm 1984


Tạ

Ngày ra trận
Tóc tôi còn để chỏm
Nay trở về
Đầu đã hoa râm…
Sau cuộc trường chinh ba mươi năm
Quỳ rạp trán xuống đất làng
Con tạ…
Con tạ đất làng quê
Thấm đẫm máu bao anh hùng đã khuất
Không ngọn cỏ nào không long lanh nước mắt
Không lá cây nào không mặn chát gian lao!

Con tạ ơn cha
Đã yêu đằm thắm mẹ con
Con tạ ơn mẹ
Đã sinh con đúng lúc
Con tạ trời
Tạ đất
Đã mưa thuận gió hoà đêm mẹ lên giường sinh
Con tạ bà mụ vườn
Tạ lưỡi liềm cùn cắt rốn
Đã đỡ con ra đời
Vẹn toàn, sung sức…
Con tạ
Manh chiếu rách con nằm

Con tạ
Bát cơm nghèo mẹ con ăn
Con tạ
Câu dân ca mẹ con hát….
Tất cả thành sữa ngọt
Nuôi con ngày trứng nước…
Để hôm nay con được sống
Được lớn khôn…
Được chiến đấu hết mình
Vì tự do của Tổ Quốc
Được ca hát hết mình
Tổ Quốc thành thơ!

            Làng nội Thủy Dương 1985

(SH28/12-87)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chiến tranh (03/12/2013)