Tạp chí Sông Hương - Số 297 (T.11-13)
Khúc vĩ thanh quốc tang mùa thu
14:28 | 29/11/2013

NGUYỄN KHẮC THẠCH

Đâu phải cái gì cũng qua rồi là xong, là hết. Ra đi và sống mãi là chương trình truyền hình trực tiếp mà VTV đã thực hiện khi vị đại tướng của nhân dân đã ngủ yên trong lòng đất mẹ.

Khúc vĩ thanh quốc tang mùa thu
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong căn nhà số 30 Hoàng Diệu - Ảnh: Duy Anh

Người ta lại tiếp tục trao nhau những câu chuyện, những kỷ niệm riêng với đại tướng mà nó chỉ được lưu giữ trong từng cá nhân, từng đương sự. Đảng bộ và chính quyền Thủ đô Hà Nội (và có lẽ các thành phố lớn khác trong cả nước nữa) cũng đã đưa phương án chọn một con đường tương xứng với vị trí, tầm cỡ mang tên Đại tướng. Không chỉ có vậy, những chuyện khuất tất đâu đó rồi cũng được lịch sử và nhân dân phán xét. Ai đó đã nói chí lí Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người duy nhất đứng ngoài mọi sai lầm của lịch sử.

44 năm trước, giữa những ngày thu man mác buồn Hà Nội đã rưng rưng Đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa - (Tố Hữu) tiễn đưa một vị Anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới về cõi vĩnh hằng. Đó là Bác Hồ vô vàn kính yêu của chúng ta. Thu nay cũng vậy. Hà Nội lại cùng nhân dân cả nước và bạn bè bốn biển năm châu buồn thương vĩnh biệt vị Đại tướng của nhân dân, một trí thức minh triết, một nhà cầm quân lỗi lạc vào hàng đệ nhất của dân tộc thị hiện giữa thời đại Hồ Chí Minh. Ở thời này, nếu chỉ được chọn một người có tư tưởng với lối sống, tài năng với đạo đức xứng đáng là học trò “chân truyền” của Bác mà tên tuổi gắn với tên đất nước thì lịch sử cũng đã chọn rồi. Trên thế giới người ta đã hô vang khẩu hiệu ấy từ nửa thế kỷ trước: Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp!... Điều đó như một định đề chân lí không cần tranh luận khi nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chính các nhà sử học trên hành tinh này cũng minh định vậy. Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà có lẽ còn trở thành một thiên tài lớn nhất thế kỉ XX và một trong những thiên tài lớn nhất của các thời đại.- (Cecil Currey, nhà sử học Mỹ).

Có lẽ không cần nói gì thêm vì không phải không còn gì để nói mà chính sinh thời Đại tướng, ông cũng không muốn người ta nói nhiều về mình. Ông thuộc hàng Thánh nhân chi đạo, vi nhi bất tranh (bậc thánh nhân chỉ làm, không muốn tranh gì với ai). Đấy là phẩm chất hay thuộc tính trân quý nhất ở những bậc trí giả thức thời biết “hành” và biết “nhẫn” như ông. Thanh gươm có thể làm nên lịch sử nhưng chính nó lại khó tránh khỏi bi kịch của lịch sử. Người ta ví ông với Nguyễn Trãi thời Lê sơ. Dù trong hoàn cảnh nào, tấm lòng vì dân, vì nước của các ông cũng vành vạnh như trăng sao (Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo - Lê Thánh Tông). Người dân cũng cảm ứng được điều đó qua băng tần giao cảm năng lượng sóng. Ngày nay, các nhà khoa học đã chứng minh được sự giao cảm đó qua những thí nghiệm chính xác bởi thiết bị máy móc tân kì. Với cây cối hay với nước mà trước nay nhầm tưởng là những vật vô tri giác đều nằm trong cấu trúc của cơ chế vạn vật đồng nhất thể. Đã có những thiền sư ẩn tu nơi rừng sâu, lòng bi mẫn bao dung vô lượng trong họ phát sóng tương tác gây cảm hóa, quy phục cả hổ báo khỉ chồn. Chúng không những không hại mà đôi khi còn hái lượm thức ăn rừng cho sư. Sự sống là năng lượng. Năng lượng tồn tại dưới dạng vi tế trong con người cũng như loài vật là từ nguyên tử đến nhỏ hơn (hạt cơ bản). Từ trường và điện trường giữa chúng “giao cảm” với nhau và “camera” tàng thức thu lại. Từ “kho” vô thức đó mà ý thức nhận biết dần qua “cổng thông tin” trực giác. Qua đó để nói rằng, hiệu ứng giao cảm là có cơ sở khoa học. Ngươi nhìn Chúa bằng con mắt nào thì Chúa sẽ nhìn lại ngươi bằng con mắt đó. Ai đối với dân thế nào thì dân cũng đều tự biết, không cần vận động tuyên truyền. Điều này lí giải được tại sao đã bốn năm ngày rồi mà cảnh tượng người dân tứ xứ đổ về xếp hàng dài hàng cây số để được viếng vị Đại tướng của mình vẫn còn đông. Có những người chỉ đi được trong ngày không kịp vào trước linh sàng đành đứng ngoài cổng ôm mặt vái lạy rồi thút thít ra về! Lại có người tuổi cao sức yếu xếp hàng lâu bị ngất phải đưa viện cấp cứu. Vừa hồi tỉnh, liền vùng dậy để đi vào hàng ngũ. Ban Tổ chức cảm động đã đặc cách cho người ấy đi cửa phụ vào viếng sớm. Những việc thiện nguyện gây hiệu ứng khắp phố phường Hà Nội. Từ tiếp tế thức ăn nước uống đến thuốc thang, đến ô dù che mưa nắng, đến lời ca tiếng đàn đưa tiễn…Nhiều người đã khóc. Có lẽ Hà Nội thu này ít mưa nên nước mắt nhiều hơn! Sau 44 năm tang Bác, nay Hà Nội lại chứng kiến một Quốc tang mang tầm quốc tế như vậy. Đâu phải chính trị gia, nguyên thủ quốc gia hay ông to bà lớn nào cũng được dân tiếc thương khi về chín suối? Thời nào ở đâu cũng vậy. Bên bờ sông Kiến Giang Lệ Thủy quê hương Đại tướng, ông Ngô Đình Diệm cũng làm Tổng thống phía bờ kia và từng lê máy chém đi đàn áp dân, nên dân oán ghét. Ông bị chết thật bi thảm vốn là quả báo hiện tiền. Trong khi đó, vị Đại tướng của nhân dân nay lại trở về với đất lành, đất thiêng, thanh tĩnh tại Vũng Chùa - Đảo Yến để cái tôi hoàn lại đất trời/ Trả tôi mặt mũi muôn đời chưa sinh. Đó là câu thơ tạc trên Đại hồng chung do bà Đặng Bích Hà, phu nhân Đại tướng cùng các phật tử thành tâm chú tạo năm 2010. Có lẽ vị Đại tướng của chúng ta, muốn tìm lại bản lai diện mục của mình như các thiền nhân sau một cuộc hồng trần phiêu linh trận mạc, mà nơi đó ông đã để lại tiếng thơm muôn đời cho hậu thế.

*

Những đợt triều dâng cao ào ạt rồi lại trở về với mặt nước lăn tăn. Về mặt rung động vật lí, lòng người đâu khác gì sóng nước. Từ cái chung bao la trùng điệp ấy, tôi trở về với tư cách giọt nước lăn tăn của riêng mình. Sau Quốc tang, tôi có thể lên tàu về quê luôn nhưng tôi đã rơi vào chuyến tàu bị kẹt lụt trên đường. Sau khi nằm chờ từ 6 giờ sáng đến 18 giờ chiều thì tàu SE19 của chúng tôi được lệnh dồn khách qua SE3 để lấp hết chỗ trống bên đó tránh lãng phí cho Nhà nước. Tất cả khách đi vé nằm qua tàu mới không còn chỗ ngả lưng đều phải ráng ngồi. Tôi cũng trong số đó. Chúng tôi lại tiếp tục ngồi chờ từ 18 giờ đêm 16 đến gần 6 giờ sáng 17 tàu mới chuyển bánh. Vào ga Đồng Hới, tàu dừng đón khách mới. Tôi và một số người khác mất luôn chỗ ngồi. Điều tôi nêu ra ở đây không phải nói sự tắc trách của nhà tàu, cũng không phải nói sự thiệt thòi của khách. Không một ai kêu ca phàn nàn chứ chưa đến mức nói thắc mắc kiện cáo. Vì sao vậy? Giản đơn thôi nhưng có lẽ chỉ những người “trong cuộc” mới hiểu được điều này. Vùng lụt mà tàu đi qua trông thật tang thương. Lại là quê hương Quảng Bình. Từ ga Đồng Lê, nơi con tàu đã nằm trọn một ngày đêm, nhìn thẳng ra biển là Vũng Chùa - Đảo Yến, vị Đại tướng của nhân dân cũng vừa nằm đấy. Sự thông cảm sẻ chia, sự đoàn kết bao dung trong con người Việt Nam là tiềm năng quý báu và kì diệu. Chỉ những khi gian khó hoạn nạn hay những lúc mất mát đau thương lớn thì điều đó mới được bộc lộ chân thành. Cũng như câu tục ngữ Nhà nghèo mới biết con hiếu, nước loạn mới biết tôi trung. Có thể nói đây là chuyến tàu đi trong sự “cộng hưởng lòng dân” đối với vị Đại tướng của họ.

Rời ga, tôi lại gặp những người thân thiết. Dù mở đầu bằng câu chuyện gì rồi cũng quay lại với vấn đề thời sự đang là. Có người còn tỏ ra hoan hỉ khi nói thấy con trai tôi (Nguyễn Khắc Thành) xuất hiện đôi lần trên ti vi trong các chương trình âm nhạc tưởng niệm Đại tướng. Quả vậy, sau chuyến đi công diễn dài ngày ở Nhật về, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam liền bắt tay vào tập một số tác phẩm nhằm ứng phó trong dịp Quốc tang. Ngoài ra, Thành còn tham gia tứ tấu đàn dây trong chương trình ra đi và sống mãi truyền hình trực tiếp đêm 13 tháng 10. Thật xúc động khi bản Serenade của Schubert mà Đại tướng hằng yêu thích được tấu lên với giai điệu vừa réo rắt êm đềm, vừa não nùng thanh thoát. Tôi nghe trong phức cảm chạnh lòng xen hãnh diện. Tôi nhớ mùa thu năm 1969. Hồi đó tôi còn học ở trường Nghiệp vụ Kế hoạch Trung ương. Hình như cả trường chỉ mình tôi biết chơi đàn violin. Ngày Bác Hồ ra đi, tôi đã ôm đàn đánh bài Hồn tử sĩ tiễn biệt Người trong các buổi tang lễ do trường, lớp tổ chức. Về trình độ thì tôi quá nhỏ nhoi so với Thành bây giờ nhưng về tính chất thì chúng tôi là một. Tôi còn có đứa cháu đích tôn cũng theo bố nó học đàn. Không biết mai sau, đến lượt cháu, nó có còn được vinh dự như cha ông. Lại được cầm đàn trong những sự kiện trọng đại của đất nước. Còn ai không? Như Bác Hồ vĩ đại của dân tộc? Như Đại tướng anh hùng của nhân dân?

N.K.T
(SH297/11-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Cái bể nước (29/11/2013)
Cõi Đạm Tiên (25/11/2013)
Về Huế (25/11/2013)