Tạp chí Sông Hương - Số 298 (T.12-13)
Hóa thân của bông hồng
15:08 | 16/12/2013

LTS: Tác giả Hoàng Trọng Định (Hoàng Nguyệt Xứ, sinh 1959) là một nhà văn xứ Huế ít người biết đến đã vĩnh viễn ra đi từ hai năm trước, sau khi chọn cho mình một lối sống cô độc và chết trong im lặng, với một cái tên ẩn dật trong giới cầm bút. Truyện ngắn của Hoàng Trọng Định có cách tổ chức hình tượng nghệ thuật độc đáo và khác biệt. Tác phẩm của anh là kiểu dạng của một truyện ngắn ý niệm được chuyên chở bằng lớp ngôn ngữ đẫm chất triết học.

Hóa thân của bông hồng
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Trước khi bệnh nặng, anh đã gửi đến Sông Hương chùm 4 truyện ngắn. Hai truyện “Những bước chân ngoài khe cửa” và “Nhân vật chính của vở kịch” đã được Sông Hương lần lượt giới thiệu trên các số báo 187, 232. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu thêm một truyện ngắn của anh, từ lai cảo.
S.H




HOÀNG TRỌNG ĐỊNH


Hóa thân của bông hồng


1.

Một người đàn bà gốc Việt - người ta có thể cảm nhận điều đó qua những đường nét đặc thù trên gương mặt nàng, và một người đàn ông phương Tây đi vào trong xóm. Họ hỏi nhà cô Phương Chi, giáo viên cấp ba ở thị xã. Phương Chi sống một mình và đang đợi ngày lấy chồng. Phương Chi là người rất đẹp, giàu lòng nhân ái và tao nhã nhưng bản tính hơi kỳ dị vì trái ngược với những người con gái khác: cô luôn cảm thấy ngượng nghịu khi biết có người khác phái yêu thương mình. Và như thế, vị hôn phu tương lai chắc chắn phải là một người không yêu thương cô - chỉ có vậy cô mới không e dè ngại ngùng để sống chung với họ trọn đời.

Phương Chi bỡ ngỡ nhìn người đàn bà.

- Chị… có phải Kiều Toan không?

- Phải, Kiều Toan! Hai mươi năm đã qua…

- Lúc chia tay, tụi mình là những cô bé mười tuổi.

Phương Chi lặng nhìn Kiều Toan. Nàng muốn ngắm phong thái của cô bé ngày xưa trong hình hài người đàn bà ba mươi tuổi… Phương Chi quên đi sự hiện diện của người đàn ông ngoại quốc.

Kiều Toan cười.

- Đây là Andrew, bạn học cùng lớp và cũng là chồng sắp cưới. Mình muốn Andrew biết về quê hương của người vợ tương lai…

Andrew khẽ cúi đầu chào Phương Chi. Là người thừa kế duy nhất của một nhà triệu phú tầm cỡ ở Mỹ, Andrew hoàn toàn không quan tâm đến công việc kinh doanh của cha. Anh chỉ có một niềm đam mê: triết lý. Luận án tiến sĩ về triết lý phương Đông của anh được đánh giá cao, nhưng trong thâm tâm, Andrew hiểu rằng tư tưởng của mình chỉ là một tiến trình biểu tượng. Đông phương vẫn còn một cái gì đó rất bí ẩn đang bị che khuất bởi chính lộ trình ngôn ngữ thời thượng đã bị công thức hóa qua chính sự tự công thức hóa thể tính ngôn ngữ. Andrew đã đến Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản, và thấy tư tưởng Đông phương hiện đại cũng hoàn toàn bị thống trị bởi tương quan nội tại của đồng nhất tính. Andrew vẫn hy vọng là mình sẽ tìm thấy một con đường…

Phương Chi không ngờ mình được gặp Kiều Toan. Niềm vui quá lớn đối với nàng. Trong cái xóm bát nháo xáo trộn đủ loại người này, nàng sống hòa nhã với bất kỳ ai nhưng hoàn toàn không đồng điệu… Nàng giống như một cái bóng, ngày đi dạy, tối đọc sách. Không có một niềm vui nào trọn vẹn, cũng như không có một nỗi buồn nào thật sâu thẳm, một lần đến và đi tràn ngập tâm tư nàng. Đôi lúc, nàng tự nghĩ, cuộc đời nàng chính xác và đều đặn như một cái đồng hồ. Và cái đồng hồ đó vẫn tiếp tục chính xác và đều đặn, để đo đếm thời gian của những đứa con nàng mai sau. Còn chồng nàng? Nàng ngượng chết cứng người đi khi có ai đó yêu thương mình. Phương Chi thường nghĩ: “Hôn nhân là một định mệnh, một tai nạn của văn hóa và văn minh nhân loại, để sống cho qua một kiếp người”. Hơn thế nữa, bên cạnh nhà Phương Chi là nhà của một người điên. Từ khi ở xóm nhỏ này, nàng chưa nghe anh ta nói một câu nào. Anh ta chỉ biết khóc và cười. Nhà của người điên là nhà của cha nuôi Kiều Toan xưa kia.

- Kiều Toan ở đây bao lâu?

- Bao lâu tùy thích. Mình quyết định mọi chuyện và Andrew chỉ có một việc là tuân lệnh.

- Sao độc đoán thế?

- Để trả thù! Andrew say mê và đeo đuổi mình đến độ mình phải chấp nhận anh ta…

2.

Đang dạo chơi trên con đường dẫn vào xóm thì trời  đổ  cơn  mưa đột ngột, Phương Chi, Kiều Toan và Andrew hối hả chạy về nhà. Người điên đang đứng trước sân. Hình như anh ta không biết trời đang mưa. Hoàn toàn cách biệt với ngoại cảnh, anh ta như một cái bóng tối tăm kỳ quặc hiện hữu một cách siêu thực giữa ánh sáng ban ngày rỡ ràng phơi bày một vẻ đẹp yêu ma mê hoặc, hân hoan tĩnh lặng… Kiều Toan đứng lại, một nỗi buồn lạ lùng đượm niềm nhung nhớ vô thức xa xăm… Hồi hôm, ngủ chung phòng với Phương Chi, Kiều Toan chợt tỉnh giấc và nghe tiếng ai cười. Nàng hỏi Phương Chi: “Ai cười thế?”. Phương Chi thở dài: “Một người hàng xóm mà mình rất chi là không hài lòng: người điên!”.

Phương Chi quay lại, nắm tay Kiều Toan lôi đi. Khi bước vào cổng nhà Phương Chi, Kiều Toan ngoái lại nhìn, người điên vẫn điềm nhiên bất động dưới mưa.

- Suốt đời anh ta chỉ biết khóc và cười thôi à?

- Ai?

- Người điên ấy.

- Đúng thế. Anh ta chỉ biết khóc và cười. Không bao giờ biết nói. Khi có tiền thì cũng uống rượu ca hát làm mình chết khiếp!

- Anh ta sống một mình ư?

- Một mình.

- Anh ta có quậy phá gì không, như những người điên vẫn thường làm ấy.

- Hoàn toàn không. Nhưng nhiều khi anh ta sang nhà mình…

- Anh ta làm gì?

- Không làm gì cả. Chỉ chăm chăm nhìn mình thế thôi.

- Cậu có sợ không?

- Mình ấy à? Mình mà sợ anh ta ư? Anh ta sợ mình thì có. Nhiều lần say rượu anh ta sang nhà rồi đăm đăm nhìn… Mình không biết phải làm sao cho anh ta đi về! Anh ta không biết nói thì đương nhiên cũng không hiểu tiếng nói của người khác. Tức điên lên, mình lấy dây trói nghiến chân tay anh ta lại rồi bắt nằm duỗi dài ra đánh cho mấy chục roi… Mình là cô giáo mà! Không nghiêm trị thì biết làm thế nào với học sinh nhác học và với người điên?

Kiều Toan bật cười.

- Cậu làm mất nhân cách người ta, tội chết!

Kiều Toan lại bật cười. Nàng vừa nói một câu mà nàng chẳng hiểu gì hết. Nàng hoàn toàn không hiểu những khái niệm mà người bình thường hiểu được một cách dễ dàng. Là một tiến sĩ triết học, luận án về sự tương liên giữa tư tưởng của Platon và Heidegger của nàng đã gây ra một tiếng vang lớn, Kiều Toan hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của khái niệm “nhân cách”. Nếu khái niệm đó có ý nghĩa bản thể luận và được khai sáng dần theo sự tiến bộ của văn hóa và văn minh, để thời hiện đại con người phủ nhận nhục hình roi vọt, thì con người xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử, từ Đông sang Tây, đều mất nhân cách hết ư? Nếu khái niệm đó là siêu nghiệm thì quan niệm của người nầy có thể không giống người kia. Nếu khái niệm đó phát sinh từ sự tổng hòa các mối quan hệ của một xã hội cụ thể, thì đứng trên nền tảng nào để phủ nhận nhục hình roi vọt - nếu nhục hình đó có giá trị. Kiều Toan nói những suy nghĩ của mình với Phương Chi.

Phương Chi cũng bật cười.

Mình không hiểu gì về triết lý. Chỉ biết rằng nhân cách là một khái niệm trừu tượng, nhưng trừu tượng chỉ là trừu tượng nhờ tính cụ thể. Nói cách khác, loài người có bao nhiêu người thì cũng có bấy nhiêu cách hiểu khác nhau về nhân cách. Mình là một cô giáo Sinh vật học nên hiểu rõ về cấu tạo của hệ thần kinh con người. Với những học sinh hỗn hào, biếng nhác, với những tên tội phạm bẩm sinh và những người điên thì, dùng roi mây kích thích những múi thần kinh nơi mông là cách trị liệu tốt nhất để điều chỉnh lại hệ thần kinh trung ương của họ, phục hồi nhân cách cho họ…

Andrew bước vào phòng khách, hai tay nâng niu một con chim nhạn bé bỏng.

- Tôi thấy nó sa vào một bụi cây. Mưa làm ướt cánh nó.

Kiều Toan nói:

- Để cho cánh khô là nó bay được thôi.

Mùa xuân đã về ở nơi nào đó xa xôi và có một phương trời đang mong chờ đôi cánh con chim nhạn nhẹ hều mây gió.

3.

Hai mươi ba năm về trước.

Ông lão sống một mình. Cô độc với sách, đồ cổ và hoa. Ông hoàn toàn không giao tiếp với bất kỳ ai trong xóm. Con đường vào xóm cũng phân chia hai cảnh giới khác biệt: bên tả là những cái nhà tranh, tôn lụp xụp của những người nghèo khổ; bên hữu là những ngôi nhà xinh xắn có vườn cây bao quanh… Khu vườn nhà ông lão chỉ có hoa và hoa. Ông lão rất thích hoa nhưng chỉ biết nhìn hoa chứ không biết trồng hoa. Chăm sóc khu vườn và làm những việc vặt vãnh trong nhà là phận sự của một chị làm thuê, sáng đến chiều về. Ông lão, như cái bóng không có vật thể, không động chạm đến ai và luôn tránh nhìn lũ trẻ bẩn thỉu vẫn thường tụ tập vui đùa trước cổng nhà ông, nơi mà con đường phình to ra như cái bướu để tích tụ những gì không bình thường của cơ thể.

Trong số những đứa trẻ vẫn ngày ngày hội nhập về cái bứu đường bệnh hoạn để đàn đúm quậy phá, có một cô bé sống vất vưởng nhà nầy vài ngày, nhà khác vài hôm. Không ai biết cô bé từ đâu phiêu dạt đến. Và cũng không ai bận tâm đến cuộc đời cô bé sẽ đi về đâu. Cô bé không bao giờ tham dự những trò chơi của bọn trẻ. Chỉ đứng nhìn. Với lại, bọn trẻ vẫn luôn đánh đập, chọc ghẹo và hành hạ cô bé.

Một đêm bão tố kéo đến. Mưa. Những cơn gió khủng khiếp bứng cây cối trong khu vườn nhà ông lão. Hoa lá tả tơi. Gió giật tung cánh cửa sổ của một căn phòng lớn chứa đầy sách và đồ cổ. Sáng hôm sau, khi gió bão đã qua đi và dưới ánh nắng của ban mai, ông lão bước vào phòng. Ông lão sững người kinh ngạc. Trong một cái bình sứ cổ xưa mà ông rất quý, có một cành cây xanh màu xuân xa đang khoe sắc một cái bông hồng như nhiên tươi thắm niềm rạng đông.

Ông lão là một thi sĩ. Nhưng ông muốn quên thi ca như quên một tật xấu của đời mình. Không hiểu sao bây giờ ông lại muốn sáng tác một bài thơ. Mình già nua quá rồi, ông tự nghĩ, không như thời trai trẻ để có thể xuất thần mà viết một bài thơ hay. Nhưng ông vẫn đi tìm giấy viết và viết một bài thơ rồi treo lên tường:

Tiếng cắn môi hồng trong sát na
Cổ bình sống lại một lời hoa

Ta đà thấy miền thu xa vĩnh thể
Dạt xuân xanh về mộng lý trăng tà.


Ông lão mở cổng để đi ra đường. Cô bé đang ngồi khóc. Mọi người đang tất bật với công việc, khắc phục hậu quả của cơn bão… chẳng ai ngó ngàng đến cô bé. Ông lão đến bên cô bé rồi lặng nhìn. Lòng ông trào lên một niềm thương cảm dạt dào… Khuôn mặt lấm lem vẫn không che giấu được một vẻ đẹp tinh anh lạ lùng, đôi mắt buồn sũng nước vẫn ánh lên cái nhìn trang nghiêm đầy trí tuệ. Ông lão đặt một bàn tay lên vai cô bé.

- Đứng lên con! Vào nhà với cha!

Cô bé đó là Kiều Toan.

4.

Ba năm sau, ông lão để cho Kiều Toan đi nước ngoài. Ông biết mình quá già, không thể lo liệu cho tương lai của Kiều Toan. Trong ba năm chung sống, ông thấy Kiều Toan có một trái tim rất dễ tổn thương nếu bị xúc phạm, nhưng đó là một trái tim đầy nhân ái, nhân ái hơn người. Kiều Toan có một trí nhớ kỳ lạ và thông minh xuất chúng nên ông lão đích thân dạy cho cô học bởi ông hoàn toàn không tin tưởng vào phương pháp giáo dục của bất kỳ một người nào. Có lần, xem ti vi, Kiều Toan hỏi ông: “Cha ơi, sao lại có con vật độc ác cứ ưa giết chết và ăn thịt những con vật khác?”. Ông lão biết rằng, bất kỳ câu trả lời nào cũng làm cho Kiều Toan ngộ nhận và điều đó tác hại đến tâm tư của cô sau này. Do đó, ông tìm cách làm cho Kiều Toan hiểu những giới hạn, những ranh giới của sự việc nầy và sự việc khác, xong lại chỉ cho Kiều Toan thấy những mối liên hệ của những sự việc, nguyên nhân khởi sinh của những câu hỏi, v.v… và v.v… Ông không muốn tri thức của cô bị an lập bởi những thành kiến, định kiến. Ông dịu dàng nói với Kiều Toan: “Trong thế giới động vật hoang dã, những con thú săn bắt và những con thú bị săn bắt vẫn nương tựa vào nhau để tồn tại. Người ta đã biết rằng, khi giết hết những con chim ăn thịt thì những con chim bị ăn thịt cũng chết theo… Con vật nào cũng đáng thương!”.

Sau khi Kiều Toan ra đi, ông lão lại sống một mình. Nhưng không cô độc với sách, đồ cổ và hoa như xưa kia. Tình yêu đã khai mở cho ông một phương trời. Phương trời đó xa xăm qua bao nhiêu vùng biển xanh vô danh để đi đến tên gọi của một người con thương quý: Kiều Toan.

Hai năm sau.

Một buổi sáng, có hai người, một già một trẻ đến nhà ông. Người già có lẽ đã ngoài bảy mươi, còn người trẻ khoảng chừng hai mươi. Họ trông giống những tu sĩ ẩn dật hơn là những khất sĩ lang thang. Ông lão đau nặng và đang nằm trên cái đi-văng phòng khách. Ông rất mệt và khó thở nên chỉ đưa mắt nhìn hai vị khách và chẳng nói gì. Hai vị khách không mời cũng không lên tiếng. Người lớn tuổi ngồi xuống bên ông, hai tay bấm, điểm, lay, xoa bóp khắp người ông… Một khoảng thời gian trôi qua, ông lão cảm thấy người khỏe hơn và dễ chịu.

- Ông là một bác sĩ Đông y?

- Không phải, tôi là một tu sĩ.

- Sao ông có cách chữa bệnh tài thế?

- Tôi biết rất nhiều việc mà người bình thường không thể biết. Tôi tìm ông để báo cho ông biết rằng, ông phải hoàn thành một sứ mệnh cuối cùng trước khi từ giã cuộc đời này.

- Tôi không hiểu ý nghĩa của từ “sứ mệnh”. Ông có thể giải thích rõ hơn không?

- Thế này nhé, ông là người được thế giới vô hình ký thác cho nhiều việc. Và việc đầu tiên của ông là đã nuôi nấng và dạy dỗ Kiều Toan.

Ông lão kinh ngạc kêu lên:

- Sao ông có thể biết những việc đó?

Vị tu sĩ dịu dàng nói:

- Như đã nói, tôi biết rất nhiều việc mà người bình thường không thể biết, tôi còn biết rất rõ ràng cuộc đời của ông đã đổi thay tất cả kể từ khi ông bắt gặp một bông hồng trong cái bình cổ.

Rồi vị tu sĩ già đọc bài thơ của ông:

Tiếng cắn môi hồng trong sát na
Cổ bình sống lại một lời hoa

Ta đà thấy miền thu xa vĩnh thể
Dạt xuân xanh về mộng lý trăng tà.


Ông lão không còn ngạc nhiên nữa. Con người ngạc nhiên về một cái gì bí ẩn là vì chỉ mới tiếp xúc được một phần nhỏ của cái bí ẩn đó. Còn khi cái bí ẩn đó được phơi bày, lộ diện hoàn toàn thì sự ngạc nhiên biến mất. Ông lão hiểu là mình đang trực diện với một sứ giả của thế giới vô hình.

- Vậy sứ mệnh cuối cùng của tôi là làm gì?

- Ông phải giúp đỡ chàng trai yếu đuối tật nguyền này.

Ông lão đưa mắt nhìn người trẻ tuổi. Đó là một người con trai gầy ốm, xanh xao.

Ông lão chợt nhận ra một đặc tính kỳ lạ của anh ta: hoàn toàn cách biệt với ngoại cảnh. Anh ta giống như một thực - tại - vô - thể không tương liên với nhân thể của đồng loại.

Ông hỏi vị tu sĩ già:

- Tôi phải làm gì để giúp đỡ chàng trai này?

- Ông cho anh ta ở lại đây. Và làm cách nào đó để sau khi ông không còn trên đời này, anh ta vẫn có thể sinh sống… Anh ta không biết làm gì hết.

- Vâng. Tôi sẽ làm tất cả những gì ông chỉ bảo. Tôi chỉ xin ông ban cho tôi một ân huệ: được nhìn thấy tương lai của Kiều Toan.

- Mười tám năm sau, Kiều Toan sẽ trở lại… Chính bản thân tôi cũng chỉ biết được chừng đó thôi.

Vị tu sĩ già ra đi. Ông lão nhìn theo hình dáng vị tu sĩ và cảm thấy tâm tư siêu thoát như khi đứng trước một điện đài thiêng liêng mà cánh cửa che đóng niềm diễm phúc vĩnh cửu đang hé mở. Có cánh chim lượn mây xa chân trời đã triệu về bên giới hạn của những cánh hoa hồng đang bức bối tỏa hương thơm…

5.

Một buổi sáng, Kiều Toan vạch cái hàng rào cây rồi rón rén bước vào khu vườn của người điên. Khu vườn rậm rạp cây cối hoang dại, không có bàn tay người chăm sóc… Thời gian bóng hoa chồng bóng rụng rơi từ hai mươi năm về trước đã trở thành ký ức điêu linh. Kiều Toan không có gì cho quá khứ đời nàng ngoại trừ những tập thơ của người cha. Kiều Toan vừa vén cây cỏ để đi vừa khẽ hát một bài thơ:

Nghĩa một chiều thu mây đắm đuối
Em từ vĩnh cửu đến dâng hương
Ngang con sông khô bóng trăng mộng

Hoa sứ miền xuân bỗng đượm hường.

Kiều Toan chợt bắt gặp người điên đứng bất động bên một cây bông hồng - có lẽ là cây bông hồng duy nhất còn lại sau hai mươi năm. Người điên cũng trông thấy nàng. Anh ra bước lùi lại.

Kiều Toan mỉm cười để biểu lộ thiện cảm, nàng dịu dàng nói:

- Đừng sợ! Tôi không làm gì anh đâu.

Người điên đứng lại đưa mắt nhìn Kiều Toan. Kiều Toan nhìn thẳng vào đôi mắt anh ta, trong một thoáng Kiều Toan hiểu ngay là người đứng đối diện nàng hoàn toàn không mất trí. Trái lại Kiều Toan có cảm tưởng rằng anh ta đọc được những ý nghĩ thầm kín của nàng.

- Tôi đã từng ở đây, hai mươi năm về trước. Anh cho phép tôi vào thăm nhà chứ? Tôi chỉ muốn sống lại với những gì mà tôi đã sống…

- Cô là chủ nhân ở đây. Và cũng là chủ nhân của tôi. Mười tám năm qua tôi ở đây là chỉ để đợi chờ ngày cô trở lại. Cô đừng ngạc nhiên. Tôi sẽ kể cho cô nghe về một giấc mơ của chính cô, và cô sẽ hiểu.

6.

Vòng tay người cha siết lại, giữ chặt cô bé. Cô bé vùng vẫy cố thoát khỏi vòng tay cha… Cô bé gào lên: “Mẹ! Mẹ! Mẹ! Mẹ đừng đi! Mẹ đừng đi!”. Người đàn bà đứng sững rồi quay lại nhìn. Bà có nhìn thấy cô bé? Bà có nhìn thấy những niềm đau từ vô hạn đã đúc kết nên hình hài của một kiếp người, mà bà là nguyên nhân để nó có mặt trên cuộc đời này? Bà nhìn thấy, bởi lẽ một niềm tuyệt vọng lớn lao bùng vỡ đôi mắt… Nhưng, bà cũng nhìn thấy một cái khác, khủng khiếp hơn, đó là cái chết. Cái chết là tình yêu. Tình nhân của bà đứng yên, sững sờ, lặng nhìn ba người: cô bé, người cha và người yêu mình. Anh không dám động đậy. Đây là một giấc mơ, anh tự nghĩ. Mình không tự sinh ra mình trên cuộc đời, cũng như một người đang ngủ không thể muốn có một giấc mơ như thế nào thì có, anh lại nghĩ, chỉ một tiếng động vô nghĩa của mình cũng làm cho giấc mơ thêm bươm rách… Người đàn bà bước đến đứng sát bên người đàn ông đang ôm cô bé, nàng nhìn cái valy mà nàng đã để bên cạnh hai cha con.

- Tôi phải đi vào cõi chết của tôi. Còn ông? Ông cũng phải đi vào cõi chết của riêng ông. Chúng ta đã cùng chung sự sống nhưng không cùng chung cái chết. Trong cái valy này có một số tiền đủ để ông nuôi con đến ngày lớn khôn.

Người đàn ông im lặng, không nhìn người đàn bà, không nhìn ai, vòng tay vẫn ôm cô bé. Người đàn bà cúi xuống, hôn cô bé, hôn khắp người cô bé, hôn một cách tuyệt vọng… Cô bé đưa hai tay nắm chặt áo mẹ. Người đàn bà bật khóc gỡ tay con, đứng dậy và quay mặt, bước tới nắm tay tình nhân rồi vội vã ra đi… Nàng không bao giờ dám quay mặt lại một lần nữa.

Cô bé thét lên, vùng thoát khỏi bàn tay cha, lao theo mẹ… Cô bé vấp phải một cái gì đó và té xuống, đầu đập mạnh trên mặt đất.

Có một phương trời rất xanh, xanh vô cùng, xanh vĩnh viễn. Ở cuối phương trời, có một pho tượng khổng lồ màu vàng, hào quang lung linh...

*

Cô bé tỉnh dậy. Thì ra cô bé nằm mơ. Mẹ cô bé ra đi đã lâu rồi. Cô bé không còn nhớ… Cha cô bé đang ngồi bất động. Cô bé bước đến bên cha, vòng tay ôm cha.

Căn nhà ở trong một vùng núi rừng hoang vu. Người cha, trừ một việc duy nhất là cho con ăn uống - còn bản thân ông thì dường như chẳng ăn uống gì, vẫn thường ngồi bất động và mong ước. Ông ước mong có một người nào đó đến đây và đem con ông đi… Ông muốn chết khi được ôm con trong vòng tay, nhưng ông hiểu điều đó không thể xảy ra. Bởi lẽ nếu như thế, con ông cũng sẽ chết. Rồi có một người đàn ông đến nhà hai cha con. Đó là một người thợ đãi vàng. Người cha nói:

- Tôi xin cảm ơn ông về một việc mà tôi sẽ nhờ ông. Xin ông đem con tôi về dưới kia, về với cuộc sống… Và nhờ ai nuôi nấng nó. Kia là cái valy bên trong có một số tiền đủ để nuôi nó lớn khôn.

- Tại sao ông không nuôi con ông?

- Tôi không còn sống được bao lâu nữa.

Người đãi vàng đưa tay bồng cô bé. Vòng tay cô bé ôm chặt cha. Người đãi vàng gỡ tay cô bé ra, đứng lên, bước tới cầm cái valy… Cô bé la hét và vùng vẫy dữ dội. Một vật gì đó va vào đầu cô bé… Có một phương trời rất xanh, xanh vô cùng, xanh vĩnh viễn… Ở lưng chừng đâu đó giữa phương trời, có một pho tượng to lớn màu vàng, hào quang lung linh.

*

Kiều Toan tỉnh dậy. Nàng đã nằm mơ. Hai giấc mơ chồng vào nhau: giấc mơ trong giấc mơ: tỉnh giấc mơ này là bắt đầu vào trong một giấc mơ khác.

Kiều Toan và Andrew đang nằm giữa một căn phòng. Cả hai người đều bị trói tay chân. Một người đàn ông và một người đàn bà đang đứng nhìn Kiều Toan và Andrew.

Người đàn ông nói:

- Andrew, cha mày từ chối trả tiền chuộc, do đó mầy và con đàn bà của mầy phải chết.

Kiều Toan kêu lên:

- Vì đồng tiền mà hai người dám gây tội ác tày trời ư?

Người đàn bà nói:

- Không có cái gì gọi là tội ác. Thậm chí không có cả con người. Chỉ có tiền, tiền, tiền và tiền.

Người đàn bà đâm dao vào ngực Andrew. Kiều Toan thét lên. Người đàn ông cầm dao đâm Kiều Toan. Sự va chạm của hung khí và thân xác làm cho nàng có cảm tưởng như một chiếc xe tốc hành một trăm cây số một giờ lao vào một chùm bông tuyết trắng.

Có một phương trời rất xanh, xanh vô cùng, xanh vĩnh viễn… xa xa theo hướng phương trời đó, có một pho tượng to lớn màu vàng, hào quang lung linh.

*

Kiều Toan tỉnh dậy. Nàng đã nằm mơ. Ba giấc mơ chồng vào nhau: giấc mơ trong giấc mơ trong giấc mơ: tỉnh giấc mơ kia là bắt đầu vào trong một giấc mơ nọ, tỉnh giấc mơ nọ là bắt đầu vào giấc mơ này…

Kiều Toan và Andrew đang ở trên một chiếc du thuyền màu trắng. Nàng không biết biển xanh đang trôi hay chiếc du thuyền đang trôi, chỉ thấy sóng biếc xanh khơi xa bạc đầu tung tỏa bọt trắng.

Tại sao mình yêu Andrew? Kiều Toan tự hỏi. Mình yêu Andrew vì biết chàng quá đau khổ vì mình. Chỉ có thế. Mình chỉ yêu sự đau khổ. Mình sẽ làm gì cho đời mình? Và cho An- drew? Những công ty  cha  Andrew để lại, những biệt thự cùng khắp thế giới, những buổi dạ hội và rồi những đứa con… tất cả có ý nghĩa gì đối với mình? Không! Không! Không! Một tiếng không tuyệt đối. Mình thà làm một con mọt sách chết già trong thư viện để gặm nhấm tất cả những cuốn sách vô nghĩa, còn hơn là chấp nhận một cuộc đời như thế. Nghĩ đến đây, Kiều Toan mỉm cười và đưa mắt nhìn Andrew. Andrew cũng mỉm cười và đưa tay cho nàng. Họ nắm tay nhau. Bỗng một tiếng động dữ dội vang lên. Chiếc du thuyền va phải một tảng đá ngầm và vỡ tan ra. Sóng dạt Kiều Toan xa khỏi Andrew. Chỉ còn sóng và nước. Kiều Toan cố bơi, bơi, bơi và bơi…

Có một phương trời rất xanh, xanh vô cùng, xanh vĩnh viễn… Trong một khoảng cách chừng vài chục tầm tay, theo hướng phương trời đó, có một pho tượng to lớn màu vàng, hào quang lung linh.

*

Kiều Toan tỉnh dậy. Nàng đã nằm mơ. Bốn giấc mơ chồng vào nhau: giấc mơ trong giấc mơ trong giấc mơ: tỉnh giấc mơ kia là bắt đầu vào trong một giấc mơ nọ, tỉnh giấc mơ nọ là bắt đầu vào giấc mơ này, tỉnh giấc mơ này là bắt đầu vào trong giấc mơ khác…

Và bây giờ? Kiều Toan không biết là mình đã về với thực tại hay vẫn còn ở trong một giấc mộng khác nữa. Nàng nhìn lên, phía trên là linh tượng Thế Tôn đang thuyết pháp. Kiều Toan nhớ lại. Sáng nay, nàng và Andrew đi vào khuôn viên Bodhgaya. Khi nhìn thấy linh tượng của Thế Tôn, như có một niềm thương cảm từ vĩnh cửu dạt về hiện tại, dịu dàng mơn man trái tim nàng đang khắc khoải một niềm đau siêu hình và vô hình, làm nàng quỳ xuống và bật ra tiếng khóc… Rồi bốn giấc mơ kỳ dị chồng lên nhau - tỉnh dậy trong mơ, chứ không phải tỉnh dậy là về với thực tại - đến với nàng trong tư thế đó. Như vậy, bây giờ Kiều Toan đã về với thực tại. Còn Andrew? Andrew đi đâu?

Trời vô biên xanh, rất xanh, xanh vô cùng, xanh vĩnh viễn… Một vầng hào quang màu vàng nhạt, dịu dàng trong suốt, cao rộng mênh mông tỏa ra từ linh tượng Thế Tôn. Chỉ có một mình Kiều Toan thấy vầng hào quang đó.

7.

Tôi khoác cái xách lên vai rồi mở cửa. Đêm đã khuya. Một trời sao lấp lánh.  Mảnh  trăng  non  ánh  nguyệt khuyết phương trời Tây ảo hoặc. Tôi không muốn gặp lại Kiều Toan. Để cho Kiều Toan tin chắc nàng là hóa thân, tôi đã kể cho nàng nghe về những giấc mơ của chính nàng - thế giới vô hình đã cho tôi biết về những giấc mơ đó. Sứ mệnh của Kiều Toan là đem Phật giáo vào trong lòng Tây phương để cứu nhân loại. Andrew sẽ là một trợ thủ đắc lực cho Kiều Toan. Andrew cũng có khả năng giúp quê hương tôi, trong chừng mực nào đó hàn gắn những vết thương sâu thẳm mà đoàn quân viễn chinh Mỹ đã để lại. Lịch sử phải sang trang, trang sử mới của nhân loại phải bắt đầu từ một khởi nguyên:

Phật giáo và lý tưởng xã hội chủ nghĩa phải đi liền nhau để đem sự giải thoát và sự bình đẳng đến cho con người trên mặt đất đau thương này. Để đi về viễn tượng tươi sáng đó, con đường đương nhiên là gian nan. Nhưng Kiều Toan là hóa thân, thế giới vô hình sẽ gia hộ cho nàng. Kiều Toan còn một sứ mệnh nữa, tuy là phụ nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là phá tan một tổ chức gọi là liên minh các tập đoàn tài phiệt xuyên quốc gia để thống trị thế giới bằng quyền lực bóng tối - quyền lực ở bên ngoài hiến pháp và pháp luật của tất cả mọi đất nước - mà ở Việt Nam có một người đại diện. Người này là một nhà tư bản lớn, đã thao túng nhiều cán bộ là những đảng viên thoái hóa biến chất. Kiều Toan là hóa thân. Nàng có thể làm bất cứ việc gì.

Còn tôi? Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình: nói lại với Kiều Toan những gì mà thế giới Linh Thần đã ký thác. Để hoàn thành nhiệm vụ này, nghĩa là để giao tiếp với thần linh, tôi phải trì giữ nhiều giới cấm khó khăn, chẳng hạn như không được có quan hệ với nữ nhân. Bây giờ, tôi hoàn toàn tự do, muốn làm gì thì làm. Tôi sẽ làm gì cho cuộc đời còn lại của mình? Tôi chưa từng thấy biển. Chỉ biết biển xanh và đại dương qua những cuốn sách mà cha Kiều Toan để lại. Tôi sẽ đến một thị trấn nào đó bên bờ biển, làm hầu bàn cho một bà chủ quán xinh đẹp và khắc nghiệt…

Có một cuốn sách kể chuyện một người đàn ông vì không thể trả được một món nợ nên bị bà chủ quán bắt phải làm đầy tớ suốt đời, anh ta thường xuyên bị nhục hình roi vọt và đêm đêm phải chịu xiềng xích hai chân để không thể bỏ trốn, niềm đau và nỗi khổ của anh ta là vô cùng tận. Bi kịch muôn đời của con người vẫn là: khi tự do thì thích được làm nô lệ, còn khi bị làm nô lệ thì thích tự do.

*

Bây giờ thì tôi biết chắc rằng, tôi là hóa thân. Trừ hóa thân của Thế Tôn là đấng vô thượng, hóa thân nào cũng đau buồn thê thảm.

Bài thơ nào của cha tôi cũng chất chứa một nỗi buồn đau kỳ dị.

Chưa kịp nở loài hoa kia đã héo
Hóa thân buồn đau lệ thấm hai môi
Tình duy nhất chưa cầm tay đã trả…
Duy nhất vì thần mộng thắm tên Người.


Sao cha không chết trong vòng tay con? Đó là điều không thể có, phải không cha? Sao anh bỏ trốn? Anh muốn tránh mặt tôi? Anh chưa kể về cái chết của cha tôi! Anh mở mắt được nhìn thấy biển… Một người như  anh  làm  sao  có  thể  sống  một mình mưu sinh bươn chải trên cuộc đời này? Tôi phải làm gì đối với tên tài phiệt? Tôi phải trở thành tình nhân của hắn, thâu thập những chứng cớ tội ác của hắn, đưa hắn ra trước vành móng ngựa. Thật khủng khiếp! Liên minh các tập đoàn tài phiệt xuyên quốc gia để thống trị thế giới bằng quyền lực bóng tối! Tôi có thâu phục được hắn không? Tôi tin rằng, tôi sẽ thâu phục bất cứ người đàn ông nào trên thế gian này - nếu muốn. Đây là biệt thự của hắn. Nên dàn dựng một cuộc gặp gỡ hay trực diện? Tôi nhớ một câu thơ của cha tôi:

Từ vô hạn em về đây trực diện
Cửa thiên trì bưng kín một giấc mơ
Tinh hoa của hoa hồng khi tương đối
Xuân xanh xa thiên hạ bến xa bờ…


*

Nếu Kiều Toan bảo tôi chết, tôi sẽ chết. Tại sao Kiều Toan có những quyền lực như thế? Tôi vẫn luôn thắc mắc về việc đó. Còn bây giờ thì tôi biết chắc rằng, Kiều Toan là hóa thân. Chỉ có hóa thân mới có những quyền lực siêu nhiên, phi phàm… Trong khuôn viên Bodhgaya, dưới linh tượng Thế Tôn, Kiều Toan đã kể lại cho tôi về những giấc mơ thần mộng của nàng. Người láng giềng của Phương Chi đã kể lại những cơn thần mộng của Kiều Toan cho chính Kiều Toan nghe. Hai lời kể giống y như nhau, không sai một chi tiết nhỏ nào. Làm sao anh ta biết được, nếu thần linh không cho anh ta biết? Kiều Toan không biết rằng: tôi yêu Kiều Toan đến nỗi tôi để trong gót giày Kiều Toan một máy thu âm cực nhỏ để ghi lại tất cả những cuộc trò chuyện của nàng - vì tôi yêu tất cả những gì liên quan đến nàng. Tôi đã thuê người dịch tất cả những cuộc song thoại giữa nàng và người láng giềng của Phương Chi ra Anh ngữ.

Tôi đã tìm thấy ý nghĩa của kiếp người phù sinh. Tôi đã vượt ra khỏi tương quan nội tại của đồng nhất tính của những tiến trình biểu tượng của tư tưởng. Tôi đã nhìn thấy mầu nhiệm vô biên… Phải đưa Phật giáo và lý tưởng xã hội chủ nghĩa vào trong lòng Tây phương và toàn thể thế giới. Con đường vào nhà cha Kiều Toan bên tả vẫn những ngôi nhà lụp xụp và bên hữu vẫn là những ngôi nhà xinh xắn có vườn hoa. Phải đem hoa, đặc biệt là hoa hồng thắm biểu tượng cho tình yêu và sự sống đến với mọi nhà. Tôi sẽ làm việc đó cho Kiều Toan, và việc làm đó cũng là để chuộc lại một phần nào những lỗi lầm mà đất nước tôi đã gây ra cho quê hương nàng.

Tôi đang bay trên đại dương. Mây trắng cũng đang bay. Xanh mênh mông là trời xanh và xanh bao la là biển xanh. Vài giờ nữa là tôi sẽ gặp cha tôi. Tôi sẽ thay ông quản trị việc kinh doanh. Phải có thật nhiều tiền. Càng nhiều càng tốt! Phải có tiền để đặt nền móng cho điện đài lý tưởng mà Kiều Toan, tôi và bao nhiêu người nữa đã, đang và sẽ tôn tạo.

Xin Thế Tôn phù hộ cho chúng con.

*

Bằng mọi giá tôi phải tìm thấy người điên - Kiều Toan đã yêu cầu tôi làm việc này. Theo ý kiến của Kiều Toan, tôi đã nhờ chính quyền địa phương làm giấy xác nhận anh ta là người điên, phải chịu sự quản lý và người quản lý là tôi. Cơ khổ! Suốt một đời không xa lánh được sự hiện hữu của người điên, thì bây giờ người điên lại càng trở thành thực hữu đối với tôi - là người quản lý. Theo Kiều Toan thì người điên trốn ở một thị trấn nào đó bên bờ biển. Tôi hỏi tại sao biết thì Kiều Toan trả lời là, anh ta yêu biển. Điên mà cũng yêu biển yêu cái này cái nọ ư? Kiều Toan đã thuê mấy chục người đi tìm anh ta. Nếu có thông tin gì là họ báo ngay cho tôi. Còn tôi thì đang lặn lội trong cát bụi của cái thị trấn miền biển này. Trong cái xách tay của tôi có hai sợi dây xích và hai ổ khóa. Một khi bắt gặp người điên tôi xích tay chân anh ta lại rồi thuê xe chở về. Tôi sẽ dùng roi mây để chữa bệnh điên cho anh ta. Tôi đã nói với Kiều Toan: “Với những học sinh hỗn hào và biếng nhác, với những tên tội phạm bẩm sinh và với những người điên thì, dùng roi mây để kích thích những múi thần kinh nơi mông là cách trị liệu tốt nhất để điều chỉnh hệ thần kinh trung ương của họ, phục hồi nhân cách cho họ!”

Có ai đó ngồi một mình bên bờ biển. Đúng là anh ta - người điên. Tôi đứng sau lưng người điên, yên lặng. Anh ta có chống cự khi bị tôi bắt? Anh ta quay lại và nhìn thấy tôi. Mắt anh ta biểu lộ sự sợ hãi. Nhưng anh ta không bỏ chạy. Tôi lấy sợi dây xích ra để xem anh ta có phản ứng như thế nào? Anh ra đưa hai tay cho tôi. Như vậy, anh ta cũng có một tí hiểu biết và chấp nhận… Tôi xích hai tay người điên lại rồi ra hiệu cho anh ta bước đi.

Phải gọi điện cho Kiều Toan.

H.T.Đ
(SH298/12-13)







 

Các bài mới