Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-13)
Người xưa muốn nhắn nhủ gì cùng con cháu qua câu tục ngữ: “Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm”?
10:39 | 13/01/2014


NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

Người xưa muốn nhắn nhủ gì cùng con cháu qua câu tục ngữ: “Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm”?
Ảnh: internet

1.

Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm là một câu tục ngữ (TN) hết sức ý vị. Vậy mà cho mãi tới giờ, giới nghiên cứu chúng ta vẫn chưa thể nhất trí được với nhau về cái nghĩa đích thực của lời nhắn gửi này. Tại sao lại xảy ra tình trạng đáng buồn ấy? Và làm cách nào để trả lời thỏa đáng câu hỏi: ông cha ta muốn nhắn nhủ gì cùng con cháu qua câu đang xét?

2.

Trước khi trả lời mấy câu hỏi ấy, có lẽ chúng ta hãy cùng nhau đọc lại lời diễn giải từng được sách vở ở ta trích dẫn nhiều nhất: lời diễn giải của sách Kể chuyện thành ngữ, tục ngữ (1988) do GS. Hoàng Văn Hành cùng các cộng sự biên soạn rất công phu và được in đi in lại nhiều lần kể từ ngày ra mắt tới nay.

Theo sách trên, câu TN đang bàn muốn nêu rõ ba điều:

(a) “[…] phản ánh sự chênh lệch, bất bình đẳng trong quan hệ yêu thương vợ chồng. Tình cảm người phụ nữ bao giờ cũng đậm đà, đầy đặn, mặn mà như buổi chợ đương đông, bởi ngoài lí do giới tính ra, người phụ nữ còn chịu sự ràng buộc của tam tòng tứ đức. Ngược lại, tình thương yêu của người con trai đối với vợ thường nhạt nhẽo, thoáng qua, ví như nắng quái chiều hôm le lói một lát rồi tắt ngấm khi mặt trời lặn;

(b) […] phản ánh mức độ khác nhau trong tình yêu vợ chồng. Người con gái luôn luôn thương yêu chồng bằng tình yêu đậm đà, mặn mà, đầy đặn khác nào đương đông buổi chợ. Còn tình cảm của người con trai chỉ đôi lúc nhưng mãnh liệt như cái nắng quái chiều hôm vậy. Nắng quái chiều hôm tuy ngắn ngủi nhưng sức nóng, sức cháy bỏng của ánh nắng xiên khoai này thật là ghê gớm;

(c) […] nói về tính chất biểu hiện tình thương vợ chồng. Khi đã thương yêu chồng, tình cảm của người con gái được thể hiện ra bằng sự hoạt bát, vui nhộn như đương đông buổi chợ. Và người chồng chẳng khó khăn gì trong việc tìm hiểu tình cảm của vợ đối với mình. Ngược lại, chàng trai thâm trầm hơn trong tình yêu. Thậm chí, có khi tình yêu thương của chàng được thể hiện cả bằng sự cáu gắt, khắt khe, nghiệt ngã như nắng quái chiều hôm” (tr. 166).

3.

Mấy lời diễn giải kiểu “vọng văn sinh nghĩa” vừa nhắc rõ ràng rất khó thuyết phục được ai. Ấy là chưa kể lối diễn giải đó còn để lộ thêm hai điểm yếu quá lớn rất nên tránh khi diễn giải các đơn vị TN.

Thứ nhất là đã quá sa đà vào việc miêu tả dài dòng, một lối biểu đạt hết sức xa lạ đối với TN, vì TN, như tất cả chúng ta đều biết, là thể loại sáng tác dân gian chỉ chuộng đưa ra những nhận định súc tích (kiểu như Ruồi vàng; bọ chó; gió Than Uyên - Chó treo; mèo đậy - Vàng gió; đỏ mưa - Nhà gỗ xoan; quan ông nghè, v.v và v.v.) hoặc những lời nhắn nhủ cô đọng (kiểu như Chị ngã em nâng - Ăn đấu trả bồ - Ra đường hỏi già; về nhà hỏi trẻ - Yêu trẻ trẻ đến nhà; kính già già để tuổi cho - Ăn cây nào rào cây ấy, v.v. và v.v.).

Thứ hai, có lẽ GS. Hoàng Văn Hành cùng các cộng sự đã nhầm khi coi câu TN này là câu so sánh (tức Gái thương chồng NHƯ đương đông buổi chợ; trai thương vợ NHƯ nắng quái chiều hôm), bất chấp một sự thật là trong câu chẳng hề có một từ NHƯ nào và câu cũng chẳng hề có một dấu hiệu hình thức tường minh hoặc ẩn mặc nào đòi hỏi chúng ta phải diễn giải như thế.

Lời diễn giải chẳng mấy sát sao đó, đến lượt mình, còn đẩy tác giả tới chỗ phải phạm thêm một sơ suất nữa: buộc tác giả phải xử lý hai cụm từ “đương đông buổi chợ” và “nắng quái chiều hôm” như là hai bộ phận chỉ phương thức/mức độ của động từ “THƯƠNG” trong câu. Do đã lỡ xử lý thế rồi, nên các tác giả đành gán cho hai cụm này nhiều nội dung mà nó chẳng hề có và cũng khó lòng có thể có được cho dù xuất hiện trong bất cứ ngôn cảnh nào.

Sự khiên cưỡng quá lộ liễu ấy như thầm nhắc chúng ta: hãy tránh đi theo con đường mà các tác giả đã đi. Tức là nên tránh coi câu đang xét như là câu so sánh, mà hãy xử lý nó như là câu tỉnh lược (rút gọn), một lối diễn đạt còn thông dụng trong TN hơn cả so sánh gấp hàng trăm, hàng trăm lần.

Và một khi đã xử lý như thế rồi thì câu có lẽ sẽ được viết lại như sau:

“Gái thương chồng [thì hãy cư xử như thế nào để có thể bày tỏ được tấm lòng yêu thương ấy ngay cả khi] đương đông buổi chợ (tức đang lúc buôn may bán đắt); trai thương vợ [thì hãy cư xử như thế nào để có thể bày tỏ được tấm lòng yêu thương ấy ngay cả trong cái] nắng quái ác lúc xế chiều”.

Đến lúc này thì phần việc cần làm chắc hẳn chỉ còn là: đi tìm hai biểu thức ngôn từ [linguistic expression] súc tích nhưng vẫn đủ để diễn đạt thỏa đáng các phần đã bị lược bỏ kia. Do đề tài của câu là nói về tình yêu giữa vợ với chồng nên biểu thức ngôn từ đắc địa hơn cả chắc hẳn phải là: “HÃY HẾT LÒNG CÙNG CHỒNG/HÃY HẾT LÒNG CÙNG VỢ”.

Bây giờ ta thử thay hai biểu thức vừa đưa ra vào mấy chỗ bị rút gọn bên trên, và hãy kiểm nghiệm lại xem câu có còn đúng ngữ pháp nữa không và, nhất là, có còn giữ nguyên được cái nghĩa vốn có.

Kết quả thu được từ phép thử này tỏ ra rất đáng khích lệ: “Đã thương chồng thì người vợ HÃY HẾT LÒNG CÙNG CHỒNG ngay cả khi buổi chợ còn đang đông đúc [tức còn đang có cơ buôn may bán đắt]; đã thương vợ thì người chồng HÃY HẾT LÒNG CÙNG VỢ ngay cả khi đang phải khốn khổ với cái nắng quái ác lúc xế chiều”.

Từ những gì vừa trình bày, chắc hẳn chúng ta đã có thể đi đến nhận định: hai biểu thức ngôn từ vừa đề nghị trên đây chắc hẳn là những điều mà ông cha ta muốn nhắn gửi cùng con cháu mai sau. Nói cách khác, ông cha ta muốn nhắn nhủ cùng chúng ta rằng: đã thực lòng yêu nhau thì hãy hết lòng cùng nhau ngay cả khi khó có cơ may bày tỏ được tấm lòng yêu thương thắm thiết ấy.

N.Đ.D
(SDB11/12-13)








 

Các bài mới
Men mưa Huế (17/01/2014)
Mẹ tôi (13/01/2014)
Tùy bút cho H (13/01/2014)
Các bài đã đăng
Mẫu đơn (10/01/2014)
Hồ Nhớ (07/01/2014)