Tạp chí Sông Hương - Số 299 (T.01-14)
Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương
16:32 | 17/01/2014

Nếu một ai đó đã đọc Rừng, đàn bà, điên loạn của Jacques Dournes hẳn sẽ không thể nào quên được cái cảm giác mình bị lôi tuột vào thế giới huyễn mộng của rừng, vào những huyền thoại về rừng. Và cũng không thể nào không ám ảnh bởi những con người khởi đi từ rừng, sống với rừng và biến mất trong rừng.

Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương

Rừng đối với người Tây Nguyên, trong con mắt của Jacques Dournes thì đó không còn chỉ là không gian hiện hữu thuần túy mà rừng là cõi mộng mơ, là khởi thủy, nơi vô thủy vô chung của những huyền thoại không rõ hình thù bao bọc con người, nuôi dưỡng con người để họ vượt lên trên đời sống trần trụi thường nhật.

Một lần nữa qua lăng kính của nhà nhân học Jacques Dournes, thế giới huyền bí của người Jörai ở Đông Dương lại mở ra trước mắt chúng ta. Từ thông tin của nhà xuất bản, chúng ta biết rằng, năm 1977, ở tuổi 55, nhà nhân học Jacques Dournes cho xuất bản Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Gia Rai Đông Dương (Pötao: Une théorie du pouvoir chez les Jörai sud-indochinois, Paris, Flammarion). Đây là bản phát hành của luận án tiến sĩ cấp nhà nước (thèse d’état) của ông nhan đề ‘Pötao: những bậc thầy của các nguyên tố, nghiên cứu nhân học chính trị ởngười Gia Rai’ (‘Pötao, les maỵtres des éléments, étude d’anthropologie politique chez les Jörai’), được ông bảo vệ ở trường Sorbonne ngày 23 tháng 6 năm 1973, dưới sự hướng dẫn của Georges Condominas và có Claude Lésvi-Strauss là thành viên của hội đồng. Pötao là công trình nghiên cứu của ông về chính trị của người Gia Rai, cho đến nay vẫn là nghiên cứu sâu duy nhất về sự vận hành của quyền lực giữa những tộc người khác nhau ở khu vực Tây Nguyên.

Với vai trò là một nhà truyền giáo, Dournes đến với người Tây Nguyên như một định mệnh, ông không thể nào thoát ra khỏi được sự huyễn hoặc của rừng, của những câu chuyện đầy lôi cuốn về văn hóa của người Jörai. Tác phẩm mang dấu ấn của lý thuyết nhân học cấu trúc, là nơi từ đó cuộc sống xã hội, thể chế chính trị và văn hóa được mở ra một cách nghiêm xác qua những lý giải và những bằng chứng công phu, đa dạng.

Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương không phải là một tác phẩm dễ nắm bắt. Dournes đã dẫn dắt người đọc đi từ bên ngoài để xoáy sâu vào những cơ tầng bên trong. Nó chứa đựng những yếu tố hết sức phức tạp và khó hiểu về cách thức tổ chức xã hội của người Jörai. Trong đó là sự trộn lẫn giữa văn hóa dân gian, những huyền thoại thực thực hư hư về khởi thủy tiền nhân, và với những bằng chứng lịch sử mà người hiện đại có được về cuộc sống của người Jörai.

Đọc Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương để thấy được, ngày nay chúng ta đã đánh mất những gì. Sự mất mát về văn hóa Tây Nguyên trước sự xâm lấn của văn minh hiện đại là vô cùng to lớn. Khi con người đánh mất huyền thoại cũng là khi họ tự đánh mất chính mình. Hay nói đúng hơn là tự đánh mất thế giới huyễn mộng, mơ tưởng của mình. Bởi theo Jung thì kẻ nào nói được với những hình tượng nguyên sơ thì kẻ ấy nói được với cả ngàn giọng nói.

 

Không gian văn học đương đại (phê bình vấn đề và hiện tượng văn học), tác giả Đoàn Ánh Dương, Nxb. Phụ Nữ ấn hành năm 2013. Trong cái nhìn của Mai Anh Tuấn thì đấy là một công trình được “khởi từ trách nhiệm”. Dựa trên kiến văn về những lý thuyết phê bình khá mới mẻ ở Việt Nam như: Thi pháp học, Tự sự học, Hậu thực dân... lối viết phê bình của Đoàn Ánh Dương đã tránh được lối phê bình cảm tính thường thấy. Đọc Không gian văn học đương đại để thấy được sự tác động to lớn của xã hội đối với thực tiễn sáng tác văn chương. Không khoan nhượng, không né tránh, không đi vào sự tung hô thái quá, luôn nhìn thẳng vào vấn đề, khẳng định đúng những giá trị thực sự trong văn chương đương đại Việt Nam, lấy khoa học làm căn nền... là những điều có trong công trình của nhà phê bình văn học đầy hứa hẹn này.

Thơ miên di (Nxb. Hội Nhà văn, 2013), tác giả miên di. Đọc thơ miên di người đọc luôn phải đối mặt với những câu chữ mang tính chất cà rỡn, bông đùa. Nhưng sự cà rỡn đó lại đi ra từ sự làm chủ ngôn ngữ và cách phối hợp hình ảnh tài hoa của nhà thơ. Tiếng cười trong thơ miên di là tiếng cười trong tiếng khóc, là tiếng cười về sự truy vấn của hiện hữu, của giới hạn, của những áp chế và đó cũng là tiếng cười của con người khi đối mặt với những đổ vỡ, đối mặt với một quái trạng mà từ khi con người sinh ra đã bị ném vào đó rồi trở thành một kẻ liên can và nhập cuộc.

Sông Hương
(SH299/01-14)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Trở về (16/01/2014)