Tạp chí Sông Hương - Số 29 (T.1&2-1988)
Bằng chính tôi, tôi đến với cuộc đời
08:38 | 14/02/2014

BỬU CHỈ

Đã từ lâu tôi vẫn nghĩ và tin rằng: quê hương của nghệ thuật là Tự Do, và nghệ thuật đích thực phải thoát thai từ những con người sáng tạo có đầy đủ quyền làm người, cùng tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng xã hội của họ; và lớn hơn nữa là đối với con người.

Bằng chính tôi, tôi đến với cuộc đời
Họa sĩ Bửu Chỉ - Ảnh: internet

Nói đến sáng tạo là phải nói đến con người sáng tạo. Con người sáng tạo đích thực luôn luôn nuôi dưỡng ở bên trong mình một khát vọng không nguôi về cái Đẹp; vươn tới cái đẹp không ngừng. Cái đẹp hiểu theo nghĩa rộng của nó. Công việc của họ gắn liền với Iương tâm, và ý thức trách nhiệm của mình đối với cuộc đời. Nghĩa là phải tự thấy một sứ mệnh và chỉ với tự do họ mới hoàn thành được vai trò đó. Người nghệ sĩ sáng tạo trong tự do sẽ đạt đến trình độ ý thức trách nhiệm cao nhất. Không gì vô trách nhiệm hơn là "sáng tạo" bằng sự chỉ bảo, bằng sự suy nghĩ và rung cảm của kẻ khác. Dĩ nhiên, người nghệ sĩ sống trong một không gian và thời gian nào đó, sẽ phải chọn lựa cho mình một lý tưởng sống, một quan niệm đạo lý nào đó như một sự dấn thân. Nhưng tự do là điều cần yếu để cho mọi cống hiến trở nên có giá trị đích thực, chân thành, và chứa đựng đầy nỗi thiết tha phát xuất từ chính tấm lòng của mình. Vẫn biết rằng để có những tác phẩm hay đòi hỏi phải có tài năng nhưng tài năng không được giải phóng bằng tự do thì sẽ trở nên què quặt. Có thể có người sẽ cho rằng tự do sẽ mang lại những điều tốt đẹp nhưng đồng thời cũng có thể sẽ dẫn đến những hỗn loạn, những điều xấu. Tôi thì nghĩ khác, nếu ai lợi dụng tự do để gây những điều xấu, ngược lại với chân - thiện - mỹ, thì chính kẻ đó đã chống lại tự do và sẽ không còn tự do nữa khi chà đạp lên tự do của những người khác. Tôi quan niệm tự do là một trật - tự - linh - hoạt để mọi tài năng có thể phát triển đúng mức và đúng yêu cầu của thời đại. Không thể làm nghệ thuật mà lại khước từ tự do. Đó là một điều hiển nhiên.

Bây giờ, tôi thấy có không ít người làm nghệ thuật để bảo vệ uy thế và vị trí xã hội của mình, hơn là để bày tỏ tình yêu, niềm lo lắng, cách thức, và lòng ngưỡng mộ của mình đối với cuộc sống. Chủ nghĩa cơ hội sẽ tiêu diệt nghệ thuật và làm nghèo cuộc sống. Làm nghệ thuật thì không được cơ hội. Theo tôi nghĩ, nói cho cùng thì chính nghệ thuật góp phần tạo nên những nhịp thăng bng trong đời sống nội tâm của xã hội. Do đó cái hướng biểu hiện nghệ thuật không phải nhất thiết khi nào cũng cùng chiều với những biến chuyển của xã hội.

HS Bửu Chỉ tự họa


Khởi đi từ nhận thức rằng: nghệ thuật chỉ có trong tự do, nên làm nghệ thuật đó là công việc của cá th. Vì vậy, đòi hỏi sự trung thực và dũng cảm ở người sáng tạo. Điều quan trọng là người nghệ sĩ bằng chính mình đến với cuộc sống, tập thể, xã hội, chứ không phải tự làm cho mình biến dạng đi để tự đồng hóa với tập thể, với xã hội. Tự xóa mình là một hành động sống giả hình. Sống giả hình không phải là một thái độ nghệ thuật. Vả lại không thể có một nền nghệ thuật mà ở đấy mọi tác phẩm đều đồng dạng với nhau. Một xã hội nhân đạo, theo tôi là một xã hội mà ở đó mọi cá thể đều được quyền có một chân dung sống riêng của mình. Không thể nào có một xã hội người mà ở đấy mọi cá thể đều vô danh; hoặc chỉ được gọi bằng một tên. Thế giới nghệ thuật cũng vậy. Tôi vẫn tin rằng mỗi nghệ sĩ đích thực đều mang trong mình một quan niệm về trật tự, tôi gọi là Trật - Tự - Nội - Tâm. Chữ trật tự này phải được hiểu theo nghĩa rộng của nó là: Chân, Thiện, Mỹ ; và những giá trị khác... Bằng tác phẩm nghệ thuật, người nghệ sĩ xác lập trật - tự - nội - tâm của mình trước cuộc đời. Cuộc sống cũng sẽ có một trật tự riêng của nó. Qua sự đồng thanh tương ứng, qua sự đồng cảm, sự đối thoại, trật tự do nghệ thuật mang lại sẽ góp phần hoàn thiện trật tự của cuộc sống. Đó là động lực của văn hóa và văn minh.

Cũng trong dòng suy nghĩ như thế, tôi còn muốn nói một điều này: Làm nghệ thuật là người nghệ sĩ Sống. Sống là một quyền thiêng liêng của con người; điều này hiển nhiên. Do đó đừng bao giờ sợ rằng con người "sống sai"! Thật ra ai cũng mong ước về những cái tốt lành, những điều cao đẹp. Phải nói rằng: Hy vọng và thất vọng, buồn và vui, yêu và ghét, sùng kính và miệt thị, tin và không tin, bao dung và căm thù v.v... đều cần thiết và tốt cả khi tất cả điều ấy biểu hiện rằng con người còn đầy đủ tình cảm và còn khát sống. Do đó, nghệ thuật ngoài ý nghĩa là sự biểu hiện quan niệm về cái đẹp theo một góc cạnh, một bình diện nào đó; sự bày tỏ, lý giải, minh họa, tái tạo... không gian, thời gian sống của con người, nó trở thành một hệ thống đồ hình mà qua nó, và bên sau nó chúng ta tìm thấy chính hình ảnh con Người: Đời sau còn tiến lên được không là nhờ thấy, hiểu và kiểm tra lại được tất cả những gì đang phát triển trên bình diện nhân bản của xã hội chúng ta hôm nay. Nghệ thuật cho thấy tất cả điều ấy.

Nghệ thuật vì vậy, không thể là một thứ phó sản của các sinh hoạt kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật... mà tất cả những điều kiện ấy qua nghệ thuật trở thành V Đẹp. Nói cách khác, nghệ thuật có một đời sống riêng, một thế giới riêng, mục đích riêng và giá trị riêng - Mục đích tthân, giá trị tự thân - Người nghệ sĩ do đó đòi hỏi phải được sống trong thế giới của sự thật và được nuôi dưỡng bằng sự thật...

Nhìn lại thời sự văn nghệ của ta hiện nay, cửa vừa mới mở, cho dù mở muộn cũng đáng mừng. Và tôi mong rằng cửa sẽ chẳng bao giờ đóng lại, vì đóng thì chẳng lợi cho ai cả. Những vấn đề "Sau cởi trói" thì toàn là những vấn đề khó khăn hắc búa. Riêng tôi thấy có mấy vấn đề cần nói đến:

- Cần phải có một sự tự cải t tâm lý (tạm gọi như thế) của những người lãnh đạo văn nghệ và những người làm văn nghệ. Bởi trói buộc nhau đã lâu nên đã trở thành quán tính. Trói buộc nhau không phải bằng dây mà bằng quan niệm, nên đến khi "cởi trói" mới khó. Đối với những người bị trói nhưng có năng lực thì tôi tin có thể tự phục hồi dễ dàng. Những người tự trói, vì một thời họ đã tin rằng phải làm thế mới khỏi bị lạc loài ra khỏi thời đại, nghĩa là phải tự trói mới tồn tại. Chính những người này không bao giờ tin rằng cuộc đời có thể được thắp sáng, khởi đầu bằng những lương tri và lương tâm lẻ loi. Đối với những người này vấn đề sẽ trở thành khá nan giải. Còn đối với những người xưa nay quen tay trói, thì có thể do "quán tính" sẽ tiếp tục trói buộc nhau bằng chính quan niệm cởi trói.

- Xã hội loài người hiện tại là Xã hội có t chức. Xã hội ta cũng vậy. Do đó văn nghệ không thể phát triển tốt đẹp nếu không có một cơ chế tốt đẹp. Cơ chế này theo tôi phải được xây dựng trên một mẫu số chung về nghệ thuật. Đó là điểm gặp gỡ của sự nhìn nhận về chân lý nghệ thuật giữa những người lãnh đạo văn nghệ và người làm văn nghệ, chứ không phải là một sự áp đặt của một phía.

- Người ta hay đặt vấn đề làm thế nào để có đỉnh cao nghệ thuật. Theo tôi nghĩ thì hãy sống hết mình và làm việc hết mình. Trong một phút xuất hứng, xuất thần nào đó sẽ đạt đến đỉnh cao. Đừng bao giờ tự đặt trước mình những đỉnh cao trừu tượng để rồi leo trèo một cách mệt mỏi.

Nhưng trong bất kỳ tình huống nào, hoàn cảnh nào, muốn làm nghệ thuật thật sự thì phải bằng chính mình đến với cuộc đời.

B.C
(SH29/02-88)








 

Các bài mới
Một ngày xứ em (03/04/2014)
Trăng thu (11/03/2014)
Ngọc Túy Vân (05/03/2014)
Các bài đã đăng