Tạp chí Sông Hương - Số 29 (T.1&2-1988)
Tuổi trẻ Trung Quốc qua lăng kính văn học
09:42 | 11/04/2014

NINA BOREVSKAYA

Một chủ đề đã một thời bị cấm
Tôi lấy làm sung sướng vì lúc viếng thăm Thượng Hải tôi được tiếp xúc với nữ sĩ Wang Anyi một nhà văn có tác phẩm được đọc nhiều. Bà thuộc vào thế hệ đang ở vào những năm 30 tuổi.

Tuổi trẻ Trung Quốc qua lăng kính văn học
Nữ sĩ Wang Anyi - Ảnh: internet

Cao và dễ nhìn, Wang Anyi có dáng vẻ lịch thiệp thường có của nhiều người dân sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải. Bà nói nhanh và nhiệt tình. Với một nụ cười, bà lưu ý rằng bà không dám chắc bà có được xem là thuộc vào thế hệ những nhà văn trẻ hay không. Nhưng bà đang quan sát một cách thích thú thế hệ trẻ đang ở độ tuổi 20, đó là nhũng con người hoàn toàn khác biệt bản thân bà. Đó là một thế hệ đã chán ngán sự nghèo khổ và có những mong muốn về vật chất nhiều hơn về tinh thần. Một cách khách quan thì điều ấy thật là dễ hiểu. Nhưng nó sẽ dẫn đến cái gì?

Tôi nhớ lại điều bà Wang Anyi đã trả lời phỏng vấn tờ báo Phụ Nữ Trung Quốc, sau chuyến tham quan của bà ở nước Mỹ. Bà đã phát biểu về niềm hy vọng của nhân dân bà, "trở nên giàu có sẽ giữ lại những gì tốt đẹp của phong tục về truyền thống Trung Quốc, và xã hội sẽ không bị hủy hoại trước những sự phân hóa trong xã hội phương tây". Cái gì sẽ giúp vào việc đạt được những mơ ước ấy? Điều thiết yếu nhất, đặc biệt, đó là sự chân thật mà nhà văn đang hô hào, và tình yêu như một thực thể không thể tách rời đối với nguyên tắc nhân bản, Wang Anyi còn nói về những khó khăn trong quyền kết bạn và yêu thương mà những học sinh các lớp cuối trung học đang đối phó (và điều đó đang là một vấn đề. Một lần viếng thăm những người bạn, tôi đã hỏi một cô gái 15 tuổi tên Ling linh rằng cô đã có bạn trai chưa. Cô gái thẹn đỏ mặt và trả lời rằng đó là một việc được xem không đứng đắn). Tình cờ Wang Anyi lại là tác giả của những câu chuyện tình gây ấn tượng nhất trong những năm gần đây. Cuốn tiểu thuyết bi thảm "Mối tình trên núi Huang-shan" của bà là một chuyện tình vĩ đại đến mức vượt qua cả những giao ước thiêng liêng của việc hứa hôn. Bà cũng đã sáng tác "Chuyện tình ở một thành phố nhỏ" và tiểu thuyết ngắn "Câu chuyện mùa xuân".

Văn học Trung Quốc về tình yêu thường đưa đến một kết quả khổ đau. Điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên bởi trong nhiều năm trường đề tài ấy đã bị cấm chỉ, cả trong nghệ thuật lẫn trong đời sống. Thế hệ trẻ đã chẳng bao giờ có cảm xúc ấy. Đó là lý do cắt nghĩa tại sao cảm xúc về tình yêu của thanh niên trong những tiểu thuyết ngắn của Trung Quốc ngày nay thường tạo ra những tình huống phức tạp đầy tội lỗi, và đó cũng là một hiện tượng vừa mới được các nhà phê bình văn học đưa ra gần đây. Phân tích hai tiểu thuyết ngắn của Wang Anyi, nhà phê bình đã giảng giải "Cảm giác tội lỗi trong ý thức tổ quốc", bởi cái sự kiện rằng những tình yêu đã mở ra trong những điều kiện đặc biệt của một "khí hậu văn hóa" của Trung Quốc, trên một "mảnh đất văn hóa không thích hợp cho việc ấp ủ tình yêu".

Một vài tác phẩm hiếm hoi của những thập niên vừa qua chỉ gợi ra được những ý tứ bóng gió của một nhân vật, hay một nhân vật khác lỡ mắc vòng tình ái, những tác phẩm này miêu tả những cảm xúc tình ái đó như thể chúng phát sinh ra những nhiệm vụ chung trong cuộc đấu tranh và trong công tác của họ. Mãi đến những năm 1980, những tác phẩm như "Cánh diều và dải băng" của nhà văn tên tuổi, Bộ trưởng văn hóa Wang Meng, mới xuất hiện. Nữ anh hùng Fang Susu yêu một chàng trai trẻ, anh chàng có lẽ hơi vụng về, lại đang đợi công việc làm, nhưng được cái là thật thà và đọc nhiều. Việc hôn nhân của họ đúng là sẽ phải đợi bởi vì cô Fang chỉ mới được 24 tuổi 7 tháng, và vào cuối những năm 1970, khi những tình tiết của câu chuyện xảy ra, người ta đã thi hành một chính sách hôn nhân lớn tuổi, con gái phải 25 và con trai phải 28. Với việc ban hành một đạo luật mới vào năm 1980, độ tuổi kết hôn đã được hạ xuống ở mức 20 và 22 tuổi như người ta từng mong đợi.

Trong nền văn học miêu tả tầng lớp thanh niên có học thức và những vấn đề được gọi là "khó cải tạo" của họ, tình yêu cũng khô cằn và đau khổ. Trong suốt buổi nói chuyện, Lưu Xứng Vũ lưu ý rằng, chỉ ra cái khoảng cách lớn lao giữa thanh niên thành phố và thanh niên ở nông thôn với những sự khác biệt hoàn toàn về tiêu chuẩn đời sống, sự giáo dục và quan điểm xã hội là một việc làm tuy dễ nhưng vô cùng thiết yếu. Vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, khi thanh niên từ nhiều lãnh vực xã hội hoàn toàn khác nhau bị đẩy về sống ở những làng mạc xa xôi, ở đó họ đã đối mặt với những thanh niên của một lãnh vực mà hiếm khi họ có dịp gặp gỡ. Sự chung đụng này đã dẫn đến những cuộc xung đột thảm khốc.

Những nét tương đối tiêu biểu của số phận những người dân này đã được miêu tả trong câu chuyện của Kong Jiesheng, "Một nữ công nhân bình thường", về He Dan, một bà mẹ chưa từng được kết hôn, và trong câu chuyện của Quin trong bộ phim "Dưới chân cầu", bộ phim này đã được chiếu ở Liên Xô và được người xem tán thưởng. Những khó khăn của cuộc sống đã đẩy đưa He Dan, cô gái gia đình nông dân, gặp gỡ con trai một nhà phẫu thuật tiếng tăm. Anh thanh niên nầy lại dùng những phương cách chính đáng và cả xảo quyệt để sớm được trở về thành phố và vào đại học. Cô gái ấy, bởi cảm thấy mình không có quyền phá hỏng đời anh (sinh viên Trung Quốc không được phép kết hôn trước khi tốt nghiệp), đã không cho anh ta hay rằng cô đã mang thai, và nếu không nhờ tình cờ gặp lại trên đường phố mấy năm sau đó, thì hẳn anh ta không biết rằng mình đã có một đứa con trai.

Tiêu biểu cho nền văn học những năm 1980 là hoàn cảnh trớ trêu do hậu quả của chính sách đẩy người dân về các làng mạc xa xôi gây ra. Trong cuốn tiểu thuyết "Thành phố cách vời không xa lắm" của nhà văn được giải thưởng, Tie Ning, nhà báo tài năng lên Su Huaiwei ý thức được trách nhiệm về mặt đạo đức đối với vợ, người đã kết bạn với anh trong những quãng đời gian khổ, lúc anh đang "cải tạo" trong làng. Nhưng cũng trong lúc đó, anh ta cảm thấy tâm hồn mình gần gũi với một nữ bác sĩ trẻ tên là Yeu Nanni. Câu chuyện đặt ra một cách giải quyết cho hoàn cảnh ấy. Cuộc sống bất ổn của những con người bị đưa về nông thôn và vị trí xã hội thấp kém của họ (rất nhiều người trong đó là con của những người đã bị xử lý trong "cách mạng văn hóa" đưa đến một biến cố xã hội khác: Không kể đến những người mẹ chưa được kết hôn, có cả một số lớn những cô gái lỡ thì, khi những thanh niên này trở về thành phố sau quá trình "cải tạo". Báo chí Trung Quốc đã viết về họ, và cái bóng dáng đau khổ của họ sẽ vẫn còn ám ảnh nền văn học hiện thời nữa.

Theo kết quả cuộc điều tra năm 1982, 43% phụ nữ Bắc Kinh độ tuổi 30 - 34 sống độc thân và 35,70% phụ nữ độ tuổi 35 - 39 cũng ở trong tình trạng ấy. Đại bộ phận trong số đó là trí thức, sinh viên đã tốt nghiệp, giáo viên và kỹ sư. Nhưng có điều lạ là phần đông số người sống độc thân ở độ tuổi 30 - 39 lại là đàn ông (đến 95%, và ở một số tỉnh, con số lên đến 99,8%). Có nhiều nguyên nhân, kinh tế, xã hội, và những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này.

Lại xảy ra một nghịch lý nữa. Nhiều thanh niên sau khi trở về thành phố lại tự mình cảm thấy bơ vơ. Họ chẳng còn cái cảm giác đó là quê nhà của họ nữa. Như nhân vật chính trong truyện ngắn "Cánh diều và dải băng" đã nói "thành phố của ước mơ đã lừa dối chúng ta". Nhìn lại quãng đường khổ nhục đã qua, tất cả những ảo tưởng và mơ ước của cuộc đời cô đã được đền bù bằng một sự thất vọng, và Fang Susu đã cay đắng hỏi: "Tôi đã phải đi qua tất cả những chặng đường đó để cuối cùng trở thành một ả hầu bàn à?" (đó là công việc duy nhất mà cô ta tìm được)...

LÊ HÙNG VỌNG
Trích dịch tạp chí Thời Mới 11-87
(SH29/02-88)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Một ngày xứ em (03/04/2014)
Trăng thu (11/03/2014)
Ngọc Túy Vân (05/03/2014)