Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-14)
Ngày xuân đọc Kim Quý
09:15 | 17/04/2014

HÀ KHÁNH LINH

Người xưa nói: Cung kiếm là tâm, là cánh tay vươn dài của võ sĩ; Bút là tâm nối dài của Văn Sĩ. Khi đọc tập truyện ngắn UẨN KHUẤT của Kim Quý, tôi nghĩ phải chăng khi không thể tiếp tục hóa thân thành những nhân vật trên sân khấu, nghệ sĩ ưu tú Kim Quý đã cầm bút để tiếp tục thể hiện những khát vọng cao đẹp của mình.

Ngày xuân đọc Kim Quý

135 trang sách với hai mươi truyện ngắn (Nxb. Hội Nhà văn, 2012), Kim Quý đã tỏ ra chững chạc và có tay nghề. Truyện của Kim Quý đề cập nhiều lãnh vực của cuộc sống xã hội đương đại và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, đặc biệt là mảng đề tài nghệ thuật sân khấu. Những trang văn đầy ắp tình đời, tình người, ngồn ngộn những sự kiện và nhân vật sân khấu với cuộc đời được Kim Quý khắc họa tỉa gọt rất khéo léo, rất sinh động, rất chân thật và đầy biểu cảm. “Nếu biết trước nghề diễn viên sân khấu cực khổ thế này thì tớ đã chọn nghề khác như họa sĩ, viết văn chẳng hạn. Một mình một bút, ngày mai chết, hôm nay vẫn viết được. Càng già viết càng hay, đâu như mình mới ba mươi lăm tuổi đã phải giải nghệ. Cha ông nói: Thầy già, con hát trẻ, không sai” (T.11). Lời của nhân vật nói lên tâm trạng của những “con hát” phải rời sân khấu ở tuổi mà tài năng vừa chạm đến đỉnh cao, sắc đẹp cũng vừa độ chín - người nghệ sĩ tự tin khẳng định vị trí của mình trong xã hội, giữa cuộc đời, trong lòng khán thính giả. Tất nhiên cũng có một số nghệ sĩ có điều kiện tiếp tục sự nghiệp của mình cho đến phút cuối của cuộc đời. Số đông nghệ sĩ khi rời sân khấu cảm thấy hụt hẫng và bị dòng đời cuốn đi, theo nhiều ngã rẽ, nhiều khúc ngoặt khác nhau, họ luôn mang theo ký ức về những vai diễn của mình, vì “mỗi vai diễn mới là một sự khám phá tận cùng nỗi đau và hạnh phúc của nhân vật” (T.16). Những con người đã trót lỡ mang lấy nghiệp - coi sân khấu như thánh đường. Họ chỉ có một cuộc đời, nhưng họ đã hóa thân sống rất nhiều cuộc đời với muôn vàn số phận khác nhau. Họ khóc cười, yêu ghét, hờn giận, cay đắng, tủi hờn, đau khổ và hạnh phúc… “Sân khấu là máu thịt, là đời sống tâm linh, là thánh đường của chúng tôi - những tu sĩ chuyên tâm không lấm bụi trần” (T.113). Tuy vậy, “những tu sĩ không lấm bụi trần” nầy khi còn ở “thánh đường sân khấu” cũng gặp rất nhiều khó khăn, mà nếu nội lực không đủ thâm hậu thì rất khó thắng vượt! Một trong những khó khăn đó nhiều khi chỉ là sự hâm mộ thái quá từ phía khán thính giả. Những nhân vật nữ trong truyện là những nghệ sĩ tài hoa xinh đẹp hầu hết đều gặp phải vấn nạn - những người nam hâm mộ rồi đem lòng yêu, yêu điên cuồng, yêu quay quắt. Vấn đề càng gay gắt hơn khi những nữ diễn viên nầy đã xây dựng gia đình. Gay gắt hơn một cấp độ nữa khi người hâm mộ, người yêu điên cuồng, yêu quay ắt kia là bạn diễn! “Cho em được ôm chị một lần trong đời thực chị nhé (…). Đêm ấy tôi không ngủ, một thứ tình cảm gần như là tình yêu đang trỗi dậy trong trái tim non nớt của Đức và lòng tôi cũng thấy xốn xang (…). Những tình cảm tinh khiết được chắt lọc trong cuộc đời chúng tôi dành hết cho vai diễn” (T.113). Và cuối cùng là bi kịch của đời nghệ sĩ - có lẽ lớn hơn cả những bi kịch trong các vở diễn cộng lại - là khi khán giả thờ thơ với sân khấu! Những vở diễn mang tính nghệ thuật cao, đầy chất thi ca đành phải xếp lại! Vì miếng cơm manh áo nên một số nghệ sĩ đã tự biến mình thành những người thợ diễn gây cười, gây khóc, rẻ rúng, gượng gạo và dung tục!...

Trái tim tôi quằn quại. Lòng tin bị phản bội, thánh đường tôi tôn thờ không còn nữa. Tôi mất phương hướng, tôi gục ngã…” (T.118).

Một đề tài nữa, tuy không mới nhưng chưa bao giờ cũ - bởi vì chưa bao giờ khai thác hết ngọn nguồn, đó là LÒNG MẸ. Từ trong kháng chiến cứu nước cho đến những ngày hòa bình xây dựng đất nước, người mẹ Việt Nam suốt một đời thức khuya dậy sớm tần tảo chắt chiu dành dụm, lặng lẽ chịu đựng muôn vàn gian khổ hy sinh nuôi con khôn lớn, nhưng thời nay thói bất hiếu không còn là một bộ phận cá biệt; những chàng trai cô gái ích kỷ chưa bao giờ nghĩ cho mẹ một lần! Vậy nên nước mắt mẹ đêm đêm vẫn chan ướt mặt - “Sống cùng nhau nhưng càng ngày ta càng cảm thấy mình thừa thãi, xa lạ trong chính ngôi nhà của mình (…). Làm sao quên nơi ta đặt cược cả cuộc đời với bao niềm tin, tình yêu, hy vọng…” (T.85). Thói vô cảm tàn nhẫn đối với đấng sinh thành có lúc còn dấn thêm một bước nữa là tước đoạt cả điều kiện sống tối thiểu cuối cùng của mẹ! “Bà sống trong thiếu thốn, bệnh tật với trái tim tan nát. Con trai bà không còn biết xấu hổ, không còn biết yêu thương” (Nỗi đau người mẹ - T.90). Tuy nhiên còn đâu đó trong tận cùng sâu thẳm của trái tim nhân loại sự biết xấu hổ, biết ân hận, dù đã muộn. “Mẹ ơi đừng tha thứ cho con. Con không xứng đáng, không xứng đáng! (…). Ta không còn mẹ, không còn mẹ nữa! Chẳng có nỗi đau nào lớn hơn!...” (T.124).

Những thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước, khán giả đã quen thân với một Kim Quý tài hoa xinh đẹp trên sân khấu kịch nói, giờ đây độc giả gặp một Kim Quý - nhà văn trẻ đang hăm hở vào nghề với bút lực dồi dào và nghiêm cẩn. Thành công của nghệ sĩ Kim Quý trước đây trong nghệ thuật biểu diễn cũng như trên lãnh vực sáng tác hiện nay, không thể không nhắc đến đạo diễn nghệ sĩ nhân dân Xuân Đàm - người bạn đời mà Kim Quý luôn coi là người anh cả, người con út được cưng chiều nhất, người tình trong mộng, và là người thầy.

H.K.L
(SDB12/03-14)







 

Các bài mới
Trôi (29/04/2014)
Các bài đã đăng