Tạp chí Sông Hương - Số 303 (T.05-14)
Tương đồng và dị biệt trong chủ đề truyện ngắn Jigokuhen và bi kịch Vũ Như Tô
08:56 | 23/05/2014

PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU

Có tài mà cậy chi tài (Nguyễn Du)

Tương đồng và dị biệt trong chủ đề truyện ngắn Jigokuhen và bi kịch Vũ Như Tô
Bản dịch "Địa ngục môn" của Thụ Nhân - Nhị Nùng xuất bản 1966 - Ảnh: sachxua.net

Jigokuhen (Tên gọi Jigokuhen có nghĩa là Địa ngục biến, viết tắt của tên bức họa Địa ngục biến tướng đồ. Ở Việt Nam, có một số bản dịch đặt tên là Nỗi thống khổ của địa ngục, Cổng địa ngục, Địa ngục mở ra, Địa ngục trước mắt… trong đó có bản dịch Địa ngục trước mắt được Nguyễn Nam Trân dịch mà chúng tôi sử dụng trong bài viết này. Để thống nhất về tên gọi, chúng tôi đề nghị sử dụng tên Jigokuhen cho tác phẩm) và Vũ Như Tô là hai tác phẩm thuộc hai thể loại khác nhau được viết dưới ngòi bút của hai tác giả thuộc về hai nền văn học riêng biệt, điểm chung duy nhất là nằm trong khối các nước đồng văn chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tuy vậy, điểm tương đồng của hai tác phẩm không phải ở sự tương đồng về văn hóa, mà là sự gặp gỡ của những tư tưởng lớn, cùng trăn trở về một chủ đề chung, đó là sự hy sinh cái Thiện vì cái Đẹp, cái nhân sinh vì nghệ thuật.

1. Akutagawa Ryunosuke và Nguyễn Huy Tưởng - tương đồng hay ảnh hưởng?

* Về thời điểm ra đời

Jigokuhen
có lẽ được viết theo phong cách giảng đàm, gồm 20 phần, là tác phẩm do nhà văn Nhật Bản Akutagawa sáng tác vào năm 1918. Còn bi kịchNhư Tô được Nguyễn Huy Tưởng thai nghén từ mùa hè năm 1941, đăng lần đầu trên báo Tri tân, Hà Nội năm 1943, đến 1945 thì sửa lại gần hoàn chỉnh, gần như viết lại. Vở kịch được công diễn lần đầu vào năm 1995 ở Nhà hát Tuổi Trẻ. Có thể thấy, nếu tính về thời điểm ra đời thì Vũ Như Tô được viết sau Jigokuhen hơn hai mươi năm. Nhưng khác biệt ngôn ngữ và văn hóa yêu cầu mất một thời gian nhất định một tác phẩm văn học nước ngoài mới được phổ biến ở nước ta. Đặc biệt là vào thời điểm đầu thế kỷ XX, với văn học Nhật và những nước ngoài hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Theo như danh mục tác phẩm Nhật Bản được dịch ở Việt Nam, do thạc sĩ Ngô Trà Mi thống kê và Japan Foudation công bố thì tác phẩm đầu tiên của Akutagawa được dịch ở Việt Nam là cuốn Truyện của một người đãng trí, được dịch vào năm 1966. Trong đó, Jigokuhen được dịch vào năm 2003, do Nguyễn Nam Trân dịch dưới tên Địa ngục trước mắt, đăng tải trên trang web www.chimviet.free.fr. Mặt khác, cũng như Jigokuhen lấy cảm hứng từ mạch nguồn dân gian của văn học Nhật Bản, Vũ Như Tô cũng là nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam chứ hoàn toàn không phải hư cấu. Như vậy, có thể chứng minh rằng Nguyễn Huy Tưởng chưa hề đọc tác phẩm của Akutagawa trước khi viết Vũ Như Tô, còn Jigokuhen thì ra đời trước Vũ Như Tô, sự giống nhau trong chủ đề của hai tác phẩm không phải là sự ảnh hưởng hay vay mượn.

* Về sự tương đồng trong chủ đề ám ảnh của người nghệ sĩ

Bên cạnh căn cứ vào thời điểm ra đời, cũng có thể chứng minh được mối quan hệ tương đồng giữa hai tác phẩm bởi sự trùng hợp chủ đề này không phải là hiếm. Bản thân motip bán linh hồn cho quỷ dữ để thỏa ước nguyện đã rất quen thuộc trong văn học với hàng trăm tác phẩm, trong đó đặc biệt tương đồng với chủ đề vị nghệ thuật của Vũ Như Tô Jigokuhen còn có tác phẩm Bác sĩ Faustus của nhà văn được giải Nobel là Thomas Mann (người viết đã cố gắng tìm kiếm, nhưng không tìm thấy bản dịch tiếng Việt nào của tác phẩm này, ngoại trừ những tóm tắt nội dung tác phẩm) ra đời vào năm 1947. Nhạc sĩ thiên tài Adrian Leverkuhn, nhân vật chính trong tiểu thuyết của nhà văn Đức, đã bán linh hồn cho quỷ dữ để đổi lấy hai mươi bốn năm sáng tác giàu cảm hứng, thế nhưng “dưới ngòi bút của chàng chỉ hiện ra những bản nhạc của sự nhạo báng tất cả, sự hủy hoại cuồng say và sự tuyệt vọng giá lạnh…”. Nhà nghiên cứu Phạm Vĩnh Cư đã có nhận xét Vũ Như Tô của Nguyễn Huy Tưởng và Bác sĩ Faustus của Thomas Mann “như gọi nhau từ hai bờ đại dương”.

Các tác phẩm này đều là sự trăn trở khi người nghệ sĩ đứng trước khao khát được cống hiến cho cái đẹp nghệ thuật, tôn sùng nó vượt qua mọi giá trị khác, đứng trên mọi giá trị khác của sinh tồn. Tham vọng được thỏa mãn sinh ra bi kịch, nhưng hệ quả lại vô cùng bi thảm.

Có thể nói, chủ đề này là một chủ đề trăn trở của hầu hết những nhà nghệ sĩ, băn khoăn nhiều khi trở thành cuộc đấu tranh nội tâm gay gắt giữa niềm khao khát được cống hiến cho nghệ thuật và những giá trị khác của đời sống. Phải chăng cái đẹp là tất cả, hay linh hồn của nghệ thuật là cái nhân sinh? Những năm 30 của thế kỷ XX, trên văn đàn dân tộc đã nổ ra những cuộc tranh cãi gay gắt giữa các quan điểm về mục đích, bản chất của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung, nhưng suy cho cùng có ai là người chiến thắng? Bởi vì nghệ sĩ, cốt lõi của nó là hiến mình cho nghệ thuật và hy sinh tất cả cho khao khát tìm đến cái đẹp, nhưng cái đẹp và nghệ thuật ấy ở đâu nếu không phải ở chính thế giới nhân sinh của con người?

2. Jigokuhen Vũ Như Tô - tương đồng hay dị biệt?

* Biểu hiện chủ đề tương đồng
 

Trong đề tựa cho vở bi kịch năm hồi của mình, Nguyễn Huy Tưởng đã viết những lời than tưởng như đau đến xé lòng: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết./ Cầm bút chẳng qua là cùng một bệnh với Đan Thiềm.” Bệnh Đan Thiềm ấy là thứ bệnh gì, là một chứng bệnh từ trong tâm hồn, trong lý tưởng, hay là một ám ảnh đến từ bản năng của người nghệ sĩ khi đặt bút lên trang giấy trắng?

Xuân Diệu từng ví mình như “con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi”. Nghệ thuật dường như đến một cách bộc phát, đột ngột, không lý do. Nhưng về mặt tự nhiên mà nói, điều gây ra sự “ngứa cổ” ở loài chim, điều thôi thúc nó cất tiếng hát chính là lòng mong mỏi muốn tìm bạn tri giao, như nghệ thuật muốn tìm người sẻ chia vậy. Khi Nguyễn Huy Tưởng viết rằng bản thân chỉ như một người “cùng bệnh với Đan Thiềm”, có phải chăng đó chính cũng là một “người đồng bệnh” với Vũ Như Tô? Người cầm bút đã băn khoăn, đã trăn trở cắn rứt vì một nỗi sinh ra cái tài để làm gì nếu không phải để tạo ra cái đẹp, và cái đẹp ấy đáng để hy sinh tất cả, kể cả cái thiện chăng? Đứng trước nỗi rối ren đó, người đọc có một liên tưởng mạnh mẽ đến tác phẩm của Akutagawa, khi cái thiện bị hy sinh cho cái đẹp, khi con người sẵn sàng rơi thẳng xuống lòng địa ngục tối đen, bán đi chút nhân tính cuối cùng vì nghệ thuật. Phải chăng, hai nhà văn thuộc hai nền văn học khác biệt, với những lý tưởng sáng tác không giống nhau, lại cùng có những trăn trở ấy, như hai người “đồng bệnh”?

Cũng như trung tâm Jigokuhen là câu chuyện Yoshihide vẽ bức Địa ngục biến tướng đồ, vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng cũng xoay quanh việc Vũ Như Tô xây đài Cửu Trùng. Hai kẻ mang tài năng phi thường cùng rơi vào bi kịch trong lúc sáng tạo ra tuyệt tác bậc nhất của đời mình, của thiên hạ tự cổ chí kim. Chủ đề hai tác phẩm được thể hiện rõ nhất trong hai nhân vật này.

Vũ Như Tô từng là con người cương quyết “không thể đem tài ra làm một việc ô uế, muôn năm làm bia miệng cho người đời”. Nhưng rồi, chính bản thân Vũ Như Tô cũng khao khát được dựng lên một Cửu Trùng đài vời vợi. Biết rằng Lê Tương Dực chỉ là hôn quân, Vũ Như Tô đã tự bảo rằng: “Tài đã không được đem trọng thì đem trả trời đất…” coi đó chẳng qua chỉ là “cái nợ tài hoa”, “biết đa mang là khổ nhục nhưng không sao bỏ được”. Đồng thời, ở lớp IX hồi 1, khi đối mặt với Lê Tương Dực, lòng ghét bỏ của Vũ Như Tô đối với việc xây đài cho vua cũng rõ rệt như chính cái khao khát được xây nên tòa đài hùng vĩ ấy: “Trong suốt một năm đi trốn, tuy bị truy nã, khổ nhục trăm đường, tiện nhân cũng đã vẽ phác bản đồ Cửu Trùng đài, tính toán đâu đấy và đã ghi hết cả trong một cuốn sổ.” Thử hỏi, nếu không phải đó là cuộc đấu tranh âm thầm trong nội tâm người nghệ sĩ, thì tại sao vừa một mực phủ định, từ chối, chạy trốn để tránh xây đài, mà lại vẽ lên tòa đài ấy không chỉ trong đầu óc, trên bản phác nháp, mà còn cả tính toán chi li đâu ra đấy?

Vũ Như Tô trốn đi là tránh cho triều đình một “tội ác” (bản do Hoa Lư xuất bản in là tội đại ác), đối mặt với hôn quân bạo chúa, Vũ Như Tô không chút run sợ, sẵn sàng nhận lấy cái chết. Nhưng rồi Vũ thỏa hiệp, thỏa hiệp bởi vì một cơ hội thực hiện mộng lớn. Đó không chỉ là nghe theo lời khuyên “chấp kinh, phải tòng thuyền” của Đan Thiềm, mà bởi vì lời khuyên ấy đã mở ra cho Vũ một con đường hợp lý hóa việc xây đài, rằng Vũ sẽ “mượn” tay hôn quân để xây một kỳ quan cho nước cho non.

Trong Jirokuhen, cũng là một chuyện cũ soạn lại, nhưng Akutagawa lấy cảm hứng từ một bức tranh có thực và câu chuyện về nó trong Vũ Trị Thập Di Vật Ngữ với cảm hứng “từ thái độ quái gở của một họa sư tên gọi Ryoshu hay Yoshihide (Lương Tú), bởi vì nhân vật này tỏ ra khoái trá khi thấy nhà mình bị hỏa tai thiêu rụi”. Nếu như Nguyễn Huy Tưởng lấy cảm hứng viết về Vũ Như Tô như một nhân vật bị khinh chê trong lịch sử (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản thực lục, Quyển XV, Kỷ Nhà Lê, Tương Dực Đế viết: “Tô xuất thân là thợ, đem kỹ xảo mê hoặc vua, được lạm bổ làm đô đốc kiêm coi các sở ở công bộ”[2]) nhưng đã thay đổi vai trò của Vũ Như Tô thành một kẻ sĩ có tài có nợ, thì Akutagawa hoàn toàn xây dựng hình tượng Yoshihide như một kẻ dị hợm từ ngoại hình cho đến tính cách. Song, cho dù hình thức có khác nhau, hai nhân vật này lại có một điểm chung ngoài tài năng ưu việt hơn người, đó là khao khát được tạo nên cái đẹp, cái nghệ thuật. Suy cho cùng thì, tài năng chỉ là thứ trời cho, mà lòng trau dồi tài năng ấy, cái tâm huyết với cái đẹp, cái tham vọng với nghệ thuật mới thực sự là điều tạo nên chất nghệ sĩ cho những con người theo đuổi nghệ thuật. Có tài năng nhưng không có tâm huyết thì cũng không đóng góp cho nghệ thuật và cũng sẽ bị lịch sử lãng quên, trong khi đó Vũ Như Tô và Yoshihide, may mắn cũng là bất hạnh, mang trong mình sự đeo đuổi cái đẹp hầu như là bản năng.

Yoshihide có tài năng, nhưng là cái tài bị cho là “tà phái”, bị đồn thổi như là “đã thề ước điều gì với hồ ly tiên để đánh đổi lấy phúc lộc.” Quả thực, khả năng đó cũng không phải là không thể. Nếu Vũ Như Tô phải đối mặt với sự day dứt bởi chữ nhân trước cảnh thợ thuyền chết vì đá đổ, trước việc chém đầu những thợ bỏ trốn… thì cuộc chiến Yoshihide đối mặt trong giấc ngủ có lẽ cũng vô cùng khắc nghiệt. Yoshihide không phải kẻ sĩ, y không hề đắn đo trong việc hành hạ người khác để đạt được mục đích của mình, không hề e dè những điều mà thiên hạ kiêng kỵ, chỉ một lòng cố công tìm tòi “nhìn thấy nét đẹp nằm bên trong cái xấu”, mặc cho người đời coi y là điên rồ, ghê tởm và khinh ghét y.

Yoshihide đã sống chỉ để sáng tác, cũng như Vũ như Tô đã quên đi gia đình, vợ và con cái ở quê để ăn ngủ cùng Cửu Trùng đài, Yoshihide cũng sớm tối thức ngủ cùng những bức họa dang dở. Tham vọng tha thiết đã theo y vào cả trong giấc mơ, ám ảnh y cả ngày lẫn đêm, hóa thành địa ngục thật sự trong giấc ngủ. Lối kể chuyện của Akutagawa ám ảnh phảng phất như một câu chuyện cổ vừa mê hoặc vừa khiến người ta kinh sợ. Người đọc không thấy được những mê ảo địa ngục đã chực giằng nuốt Yoshihide như thế nào, mà hình dung những cảnh tượng khủng hoảng ấy qua con mắt của tên đệ tử buộc phải canh ngủ cho Yoshihide, những miêu tả: “khuôn mặt nhăn nheo giờ đây đã đổi thành trắng bệch, đẫm những hạt mồ hôi to, cũng như cái miệng còn sót mấy chiếc răng thưa thớt giữa đôi môi khô queo đang thở đứt đoạn”, “trong cái miệng đó có một vật gì lay qua lay lại như được ai cột vào một sợi tơ mà kéo… thì ra là cái lưỡi”... Sống trong những giấc chiêm bao như thế có khác nào sống giữa địa ngục trần gian, còn kinh khủng hơn bị trừng phạt và hành hạ trong hỏa hình địa ngục, thế nhưng Yoshihide vẫn dai dẳng bám lấy cuộc sống cùng với công việc sáng tác của mình - đó là lẽ sống của y. Y vẫn say mê, khao khát được hoàn thành bức Địa ngục biến đến nỗi… cuối cùng đã yêu cầu được hạ sát một con người, không phải bằng bàn tay y dính máu, nhưng bằng ngọn lửa mà y yêu cầu châm ngòi. Y có ngờ đâu y cũng đã châm lửa đốt chính con gái mình.

Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả của một thiên “tài mệnh tương đố” đã từng than rằng: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ Tài liền với chữ Tai một vần”. Đó là điều ám ảnh trong tâm thức mỗi nghệ sĩ, rằng nghệ thuật và đời sống dường như song hành cũng dường như đối chọi, mà khi nghệ thuật và đời sống đối chọi cũng là lúc tạo hóa ban cho người nghệ sĩ cái tài, cũng ban cho anh ta nỗi bi kịch, một nỗi “phong vận kỳ oan” vậy. Vũ Như Tô cho rằng mình xây đài vì dân vì nước, nhưng cuối cùng lại bị kết tội: “Nó đã bày vẽ ra Cửu Trùng đài, hao tiền tốn của vì nó, sưu cao thuế nặng vì nó, triều đình đổ nát, giặc giã như ong là vì nó.”, “Dịch tả cũng tại bác ấy. Đói khổ cũng tự bác ấy. Đánh đập cũng tại bác ấy, chém giết cũng do bác ấy. Tại bác ấy tuốt.” Cho đến phút cuối cùng, Vũ Như Tô vẫn nói: “Tôi sống với Cửu Trùng đài, chết cũng với Cửu Trùng đài. Tôi không thể xa Cửu Trùng đài một bước. Hồn tôi để cả đây, thì tôi chạy đi đâu?” Đối mặt với cái chết, trước quân khởi loạn, trước cảnh chém giết dấy lên dưới danh nghĩa phá bỏ Cửu Trùng đài, Vũ Như Tô vẫn không hề nhận ra, không hề hiểu được xây Cửu Trùng đài là họa tai, không hề tin rằng dân chúng có thể oán ghét Cửu Trùng đài. Đến phút cuối cùng, Vũ Như Tô vẫn tin cái đẹp là cái chính, cái nghĩa, Cửu Trùng đài là “thiên công” không thể phá bỏ. Giây phút Cửu Trung đài cháy, là giây phút mất đi mọi hy vọng và khao khát, là giây phút cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa: “Thôi thế là hết. Dẫn ta đến pháp trường.”

Còn Yoshihide, y phải đối mặt với sự trả thù hiểm ác của đức ông Horikawa, hay là đòn trừng phạt tàn nhẫn của số phận, như quả báo cho hành động và mưu đồ ác hiểm của chính mình. Nếu như Vũ Như Tô là một con người chính trực, đầy tình nghĩa với bè bạn, với tri âm, thì Agutagawa đã viết về Yoshi- hide như một con người khô khan hầu như không có trái tim, không chút thương xót dù với chính đệ tử của mình. Vậy nhưng y lại có một đứa con gái vàng ngọc, một đứa con gái mà y bảo vệ bằng mọi cách cực đoan nhất và cũng ngu dại nhất, sẵn sàng kiếm bọn côn quang đánh kẻ nào có tỏ ý săn đón con gái, cả gan chống lại lệnh của đức ông quyền lực ngang trời để cố tránh cho con mình phải làm thị nữ trong trong phủ. “Tuy vậy, ngay ở nơi Yoshihide, con người ngang ngược, bất chấp thiên hạ này, hãy còn một chút gì gọi là nhân tính, bởi vì hắn cũng biết yêu thương.” Agutagawa đã viết về Yoshihide như vậy. Toàn bộ tính người của y đã mất, hay dồn lại chỉ trong một biểu hiện duy nhất là lòng phụ tử, “một tình thương hầu như rồ dại” sẵn sàng liều chết vì con. Nhưng cũng vì thế, bi kịch của y lại càng thêm thảm khốc, khi Yoshihide quyết định đứng yên nhìn chiếc xe bốc cháy, là y đã hy sinh chút người duy nhất còn sót lại, là y đã thực sự chấp nhận bán linh hồn cho quỷ dữ. Y cần vẽ địa ngục biến tướng đồ, y đã hy sinh một mạng người, chính thân xác con gái y đã cháy trong lửa đỏ, y đã chọn nghệ thuật. Giây phút đứng trước chiếc xe bốc cháy, y không còn là một người cha mà chỉ là một người đã bán linh hồn cho quỷ dữ, một nghệ sĩ đã bán linh hồn cho quỷ dữ. Đối lập hành động đứng sững của Yoshihide là việc con khỉ Yoshihide lao vào lửa đỏ, mà động vật vốn sống bằng nhiều bản năng ham sống hơn con người, tác giả đã chỉ rõ Yoshihide giây phút đó không chỉ mất lương tri, mà còn không bằng một loài động vật có tình cảm. Ý “thiện” của y đã tiêu tan từ giây phút y yêu cầu một người chết cháy cho y chứng kiến, mà chữ “người” trong y đã theo con khỉ Yoshihide kia, cháy trong lửa đỏ. Sau khi hoàn thành Địa ngục biến tướng đồ, Yoshihide đã tự sát.

Cả cái chết của Vũ Như Tô và Yoshihide đều là cực điểm của những bi kịch, khi người nghệ sĩ đứng trước những lựa chọn, khi mà khả năng hoàn thành kiệt tác chốn nhân sinh đặt bên cạnh tính thiện và những giá trị cao cả nhất của đời sống.

* Nét dị biệt trong sự tương đồng

Bên cạnh những tương đồng rõ rệt trong chủ đề, thì sự thể hiện chủ đề ấy, cách nhìn và giải quyết của Nguyễn Huy Tưởng và Akutagawa lại có sự khác biệt, nếu không muốn nói là đối lập. Cả Vũ Như Tô và Yoshihide đều là những thiên tài trong lĩnh vực của mình, đều có khao khát cống hiến cho nghệ thuật, tham vọng tạo ra cái đẹp. Cả hai đều rơi vào bi kịch và nhận lấy những cái chết đau đớn đến tan nát linh hồn. Thế nhưng, hành động của hai nhân vật này không hoàn toàn giống nhau.

Tuy ấp ủ Cửu Trùng đài trong mộng tưởng, tuy ngày đêm khao khát được “thực hành mộng lớn” nhưng Vũ Như Tô thà chạy trốn chứ không có ý định làm đài cho vua. Bước vào tác phẩm, khi phải chọn giữa sống và xây đài cho hôn quân bạo chúa và cái chết dù tàn khốc đến mấy, Vũ Như Tô cũng sẵn sàng nhận lấy cái chết. Đan Thiềm chính là người khuyên Vũ Như Tô giữ lấy cái tài của mình, xây cho đất nước chứ không phải cho hôn quân một cái đài có thể rạng danh nước non. Vũ Như Tô có quan điểm của mình mang nghệ thuật phục vụ cho nhân dân, rồi dần dần đã thỏa hiệp với cái ác để đạt mục đích nghệ thuật cao đẹp trong lòng mình. Trong quá trình phát triển của vở kịch, Nguyễn Huy Tưởng luôn thể hiện trong Vũ Như Tô vẫn tồn tại những tình cảm tốt đẹp, chí khí cũng như nghĩa tình của một kẻ sĩ: xin vua cho thợ già về quê, chia lộc vua ban cho bạn thợ, khinh bỉ sự… Nhưng đồng thời là một Vũ Như Tô say mê Cửu Trùng đài đến quên cả gia đình, vợ con, không để tâm đến chuyện mùa màng, bão lụt, là một Vũ Như Tô sẵn sàng thả thái tử Chiêm thành nếu có đủ đá xây đài, ra lệnh chém đầu thợ bỏ trốn,… Dường như Vũ Như Tô không biết rằng trong quá trình thỏa hiệp, im lặng trước cái ác là con người đã trở thành đồng minh của cái ác. Cho đến phút cuối cùng khi bị loạn quân bắt lấy, Vũ vẫn khăng khăng muốn gặp quận công, vẫn tin rằng xây dựng Cửu Trùng đài là không hề sai trái, rằng bản thân không có tội gì…

Còn Yoshihide, y hoàn toàn chủ động trong việc thực hiện những hành động quái dị và có mấy phần tàn độc, chỉ để có thể họa ra những tuyệt tác. Cách xây dựng câu chuyện trong Jigokuhen là một truyện ngắn có phần khác với nhân vật kịch được tạo nên từ hành động và lời thoại, họa sĩ Yoshihide trong tác phẩm được kể lại, dựng chân dung từ những lời đồn đại, những ý kiến có phần kỳ dị về con người quái nhân từ ngoại hình “trông thật ti tiện” ví như Saruhide - con khỉ Hide, đến tính cách “thói hư tật xấu” “coi thường tất cả những gì gọi là quy củ phép tắc”, “đầy tiền oan nghiệp chướng vì tội ngạo mạn”, bị “cho là tà phái”... Ngay từ đầu Yoshihide đã làm việc cho đức ông Horikawa, đó là lựa chọn của hắn để ở trong phủ, với quyền lực là hoạ sĩ của đức ông, là một thiên tài, y được sử dụng mọi phương tiện để đạt được mục đích cuối cùng là sáng tạo ra tuyệt tác.

Nếu như Vũ Như Tô đến cuối cùng vẫn giữ một tấm lòng trong sạch, là bi kịch của nghệ thuật xa rời quần chúng và người nghệ sĩ không hòa nhập với thời đại, không hiểu được hoàn cảnh, thì Yoshihide là kẻ chịu bi kịch của chính số kiếp y. Chỉ đến phút cuối cùng, Yoshihide mới biết người mà đức ông Hori- kawa thiêu sống cho y vẽ chính là đứa con gái mà y yêu “với một tình thương hầu như rồ dại”. Nhưng không phải vì vậy mà tội ác nằm hoàn toàn ở sự ti tiện của đức ông, chính Yoshihide cũng đã góp một tay trói chính đứa con mình vào chiếc xe khi y yêu cầu cần một người thí mạng, chính y cũng đã góp phần châm lửa đốt cháy chiếc xe bằng việc chỉ đứng nhìn nó bốc cháy.

Sự khác biệt trong cách xử lý kết cục mỗi tác phẩm, tuy đều bi đát đến cùng cực, đã cho thấy sự dị biệt trong lối suy nghĩ và quan niệm của hai tác giả. Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn xã hội chủ nghĩa, không chỉ vậy, từ đầu đến cuối, ông là một tác giả viết với tâm thức vì xã hội và vì con người. Trong khi đó, quan niệm suốt đời của Akutagawa là “nghệ thuật trên hết”, cho đến cuối đời ông mới có chút dao động vì sự bộc phát của khuynh hướng nghệ thuật vị nhân sinh. Nguyễn Huy Tưởng đã để Cửu Trùng đài bốc cháy và Vũ Như Tô chết theo đài, cái chết không còn cần được miêu tả vì nó là tất yếu, người nghệ sĩ đã chết từ trong hồn khi tác phẩm để đời bị hủy hoại. Agutagawa đã cho Yoshihide tự sát, nhưng trước đó y đã hoàn thành Địa ngục biến tướng đồ, bức họa mà, từ đầu tác phẩm đã được nhắc đến như của gia bảo của gia đình đức ông Horikawa. Tuyệt tác của Yoshihide vẫn còn, và sẽ còn được lưu giữ qua thời gian. Vũ Như Tô chết trong sự khinh miệt của quân phản loạn, sự oán ghét của toàn dân, kể cả tri âm tri kỷ của Vũ là Đan Thiềm cũng đã chết trước cả Vũ. Cửu Trùng đài bị thiêu cháy trong sự hoan hỷ vô cùng của muôn người, không ai tiếc nhớ, không ai thương cảm cho Vũ Như Tô vào giây phút Vũ chết đi. Đến Nguyễn Huy Tưởng cũng chỉ có thể cất tiếng than ai phải ta chẳng biết, để lại một đề tựa khó hiểu mờ mịt “đài Cửu Trùng không thành, nên mừng hay nên tiếc?” Còn Yoshihide, trước y bị người đời ghét bỏ, thì sau khi hoàn thành bức họa tuyệt tác thì hai chữ “thần diệu” đã xóa sạch mọi tội danh của y, khiến cho dù người vốn ghét bỏ y cũng phải “xúc động đến lặng người.” Địa ngục thiêu đốt trước mắt và ngay từ trong tâm can, sự méo mó của nhân tính và cái chết của linh hồn đã dồn ra đầu ngòi bút, khổ ải của hỏa ngục đã luyện nên một kiệt tác. Sự thay đổi thái độ của con người đối với Yoshihide và nghệ thuật của y phải chăng là một sự nghiệt ngã ngấm ngầm trong cách nhìn của Akutagawa đối với tài năng? Ngay khi chiếc xe bị thiêu rụi, tác giả đã miêu tả xung quanh người họa sĩ như “mới vừa được Đức Phật khai nhãn mở mắt cho”, với một vầng hào quang chói lọi khiến người khác nín thở, kẻ mưu ác như đức ông Horikagawa phải tái mặt, mép sùi bọt, hai tay ghịt lấy ống quần, kéo từng hơi thở khò khè… Đó là giây phút chiến thắng ư, hay cái thiện bị triệt tiêu hoàn toàn trong con người Yoshihide đến mức chính kẻ độc ác và man trá như Horikagawa cũng phải khiếp sợ? Giết chết con gái mình, thiêu cháy cả lương tâm mình, trái khoáy của số phận chỉ đến thế mà thôi.

Cái đẹp đạt được quá mạnh mẽ, cảm hóa và làm mọi định kiến phải sụp đổ, khiến người ta phải tôn sùng, phải cảm khái, nhưng cái đẹp ấy sinh ra nhờ cái chết của lẽ thiện thì xứng đáng hay không? Kết quả bức họa còn mãi, nhưng nắm xương tàn của Yoshihide thì “nay vẫn nằm đâu đó dưới nền nhà cũ nhưng ngay cái mốc con bằng đá ghi dấu lại thì vài chục năm sau đó, với mưa to gió lớn đã đổ nát, rêu phong, khiến không còn ai biết ngôi mộ kia là của ai và xưa kia đã làm gì.” Chính tạo hóa đã xóa xổ y, dù ông trời đã để Địa ngục biến tướng đồ tồn tại.

Cho dù là ai còn ai mất, cho dù cái đẹp chỉ đến trong thoáng chốc rồi tàn rụi hay đạt đến vĩnh cửu trường tồn, thì cái giá phải trả không bao giờ là rẻ. “Ôi khô khan! Ôi gay gắt! Nhưng đừng vội tủi. Sức sống tràn từ ải Bắc đến đồng Nam.” Agutagawa có cách xử lý kết cục của mình, Nguyễn Huy Tưởng cũng có lựa chọn số phận riêng cho tác phẩm.

Lời kết

Tuy rằng Vũ Như Tô Jigokuhen tồn tại những dị biệt và đối lập, nhưng bản thân hai tác phẩm đều là những tác phẩm kinh điển. Không thể nói Nguyễn Huy Tưởng sai hay Akutagawa sai, cũng không xác định ai hơn ai, nhưng bằng cách thể hiện và quan điểm của riêng mình, hai nhà văn đã thể hiện sâu sắc bi kịch của người nghệ sĩ, nỗi ray rứt và cuộc đấu tranh trong tâm hồn và lý tưởng của mỗi người làm nghệ thuật. Liệu ai đúng ai sai có còn quan trọng. Cái giá của cái đẹp là quá lớn, nhưng nó mãi mãi là khao khát của người nghệ sĩ. Mà bản thân nỗi khao khát ấy, nó đã là một cái đẹp, mạnh mẽ, dữ dội, đầy sức hủy diệt nhưng cũng đủ đắm say lòng người.

P.P.U.C
(SH303/05-14)








 

Các bài mới
Người nơi khác (26/05/2014)
Các bài đã đăng