Tạp chí Sông Hương - Số 30 (T.3&4-1988)
Chân dung nhà văn Pêru Mario Vargas Llosa
15:03 | 27/05/2014

LUIS SUARDIAZ

Cách dây một phần tư thế kỷ, nhà văn Pê Ru, Mario Vargas Llosa (Mario Vacgác Luxa) đã khơi dậy lòng nhiệt tình của đọc giả và các nhà phê bình bằng tác phẩm lừng lẫy "Thành phố và bầy chó".

Chân dung nhà văn Pêru Mario Vargas Llosa
Nhà văn Vargas Llosa (Nôbel văn học 2010) vào năm 1982 - Ảnh: wiki

Vào thời điểm đó ông đã phát biểu ủng hộ cách mạng Cu Ba và sự nghiệp chính nghĩa ở các nước Châu Mỹ La tinh khác, nhưng luôn luôn ông giữ khoảng cách của mình và không bao giờ ông để mất phong thái quý phái đĩnh đạc.

Tuy nhiên, sự tiếp cận của ông với giai cấp bị bóc lột không kéo dài quá năm năm. Lúc tên tuổi nhà văn của ông trở thành nổi bật, thì sự nghi ngờ của ông đối với phong trào giải phóng dân tộc, với những cuộc đấu tranh của quần chúng và với chủ nghĩa xã hội cũng phát triển. Nhiều người còn nhớ bức thư trang trọng mà bà Haydée Santamaria đã viết vào ngày 14 tháng 5 năm 1971, trong bức thư bà đã bóc trần thái độ của Vargas Llosa như vào dịp ông nhận giải thưởng Romule Gallego vào năm 1967. Từ sau dịp ấy lập trường của ông đã trở thành đồng nhất hơn, ông đã lột bỏ lớp vỏ bọc cánh tả đã được ông ngụy trang một cách kém cỏi. Một lần ở Mêhicô ông đã tuyên bố rằng, không có mô hình chủ nghĩa xã hội nào hoàn chỉnh hơn Israel. Một lần khác ông cho rằng ở Cu Ba các nhà văn bị cưỡng bách phải tự tố giác mình về "Sự xử dụng một cách hoang tưởng những phương pháp trái với các giá trị nhân bản". Trong những bài diễn văn, phỏng vấn và trong các cuộc hội nghị nhà văn này đã bày tỏ ác cảm của mình đối với Liên Xô và các nước đang trên đường tiến lên chủ nghĩa xã hội. Thật sự dưới lớp mặt nạ nhà văn độc lập của ông, thật chẳng có chi khó cho chúng ta khám phá cái mặt thật của một con người đã tự mình liên kết với bọn phản động quốc tế và dĩ nhiên, với cả với những thế lực phản động trong đất nước của nhà văn ấy.

Pê ru đã phải ủng hộ cho thái độ khoa trương của Vargas Llosa trong đời sống quần chúng. Không những với tư thế của một nhà báo, một nhà văn, mà còn như một nhà hoạt động, một kẻ lãnh đạo những hội đồng đã đem lại những kết quả đáng tiếc. Hãy lấy ủy ban điều tra cái chết của 8 nhà báo ở thành phố Uchuraccay làm thí dụ. Các luật sư biện hộ cho các bị cáo và bên nguyên cáo trong phiên tòa đau khổ ấy đã đồng thanh xác nhận rằng cái ủy ban (điều tra) do nhà văn tên tuổi ấy lãnh đạo "thay vì rọi thêm ánh sáng vào các sự kiện, lại đã cản trở sự phán xét của công lý". Đó không phải là kết quả của một hành động vô tư bằng cách giải thích những chứng cứ nhắm vào các viên chỉ huy quân sự quyền lực có ngay trước mắt mình, Vargas hy vọng "đưa một chính quyền không được lòng dân ra khỏi một trường hợp khó khăn", đó là theo Belaude Terry, một viên chức hành chánh bạn ông ta.

Nhưng rồi Vargas vẫn tiếp tục phá các kỷ lục do ông ta lập ra. Nhà nước của ông dự định quốc hữu hóa hệ thống tài chính bao gồm 10 ngân hàng, 17 công ty bảo hiểm và 6 viện tài chính, đó là một kế hoạch giành được sự ủng hộ của các nhà lập pháp và của ngay cả các thế lực cánh tả nữa. Thế nhưng nhà văn đáng kính và giàu có kia đã xuống đường bảo vệ các ông chủ nhà băng bởi vì, theo ông, hạn chế sức mạnh của ngân hàng là tấn công vào sự tự do phát triển.

Tình cờ tôi đã đến Lima vào giữa tháng tám, lúc đó tôi đã được chứng kiến những cuộc biểu tình của các đa số trong các đảng phái chính trị, để ủng hộ chương trình quốc hữu hóa. Đó là một diễn đàn chính trị lớn, với một số người phê phán những lĩnh vực khác nhau của chính quyền Alan Garcia. Rồi một đêm tôi đã xem một đoàn diễu hành gồm những người sung túc, có các ban nhạc và dụng cụ gây tiếng đi kèm, đang trên đường đến quảng trường San Martin. Họ đã được Vargas triệu tập để đi bảo vệ sự tự do đang bị lâm nguy của những ông chủ ngân hàng. Không ai có thể tưởng tượng được cách đây 25 năm, tác giả của cuốn "Thành phố và bầy chó" có thể trào lên một sân thượng, cầm tay những tên phản động nhất, dưới cơn mưa bất tận của những hoa giấy (confetti) và những lá cờ hiệu nhiều màu, la hét om sòm để bảo vệ đồng đô la đầy mãnh lực.

Thế nhưng sự thật còn trần trụi ra như thế nữa, trong một bài diễn văn chống lại những cố gắng của Mitterand nhằm hạn chế quyền lực của các ngân hàng tư, và đó là lý do, ông ta nói, mà nước Pháp đã trừng phạt Mitterand bằng cách không bỏ phiếu cho ông. Ông ta còn tố cáo Mêhicô (cũng về những vấn đề với các ngân hàng tư) là duy trì một hệ thống thối nát nhất ở Châu Mỹ La tinh. Ông ta còn viện dẫn đến một đồng chí thân cận của mình, nhà văn Mêhicô cực kỳ phản động Octavio Paz, nhà văn này đã miêu tả nhà nước Mêhicô như một "Ông ngáo ộp nhân từ", điều đó đã làm rối trí những người đã đến quảng trường để nghe bài diễn văn được các ông chủ ngân hàng trả công. Điều được che dấu đã trở thành cụ thể: Vargas đã công khai thực hiện ý đồ trở thành nhà lãnh đạo đất nước ngay khi điều kiện cho phép. Như một ứng cử viên của một đảng phái cánh hữu phản động nhất, ông ta không trông mong vào những người bị bóc lột, mà chỉ mong đợi vào những thành phần quý phái với thu nhập tài chính cao. Ông ta không bảo vệ cho sự tự do của nhân dân mà lại bảo vệ cho sự tự do của những người quyền lực.

Châu Mỹ của chúng ta là quê hương lớn của những người trí thức đã đặt quyền lợi của dân tộc trên những tham vọng của cá nhân, trong công cuộc đấu tranh, những người trai trẻ như Luis và Sergio Saiz, Leoned Rugama và Javier Heraud, những người đã viết vào lịch sử bằng chính máu của mình đó là điều làm cho tấm gương của họ trở thành bất tử. Mario Vargas Llosa thì biết cách viết với một thủ thuật có hiệu quả, điều đó không biện giải được gì, mà chỉ làm cho những hành vi phản động của ông trở thành dễ hiểu hơn.

Trong một bức thư, Puente Leyva đã nói: "phân tích đến cùng chính trị là một cái gì phức tạp hơn là việc viết một cuốn sách". Đó là một sự thật, nhưng tự mình vứt bỏ cho được sự hợm hĩnh và những tham vọng quá lớn và tự đặt mình một cách chân thực trong việc phục vụ nhân dân là điều còn khó hơn. ValleJo, một người có quan điểm chống lại Vargas, đã tố cáo cái bộ máy đáng kinh tởm ở đất nước ông và với sự phản kháng mãnh liệt. Ông đã nhắc nhở quần chúng rằng dưới chủ nghĩa tư bản, "để làm một người dân nghèo cũng phải tốn kém nhiều tiền", rằng đồng tiền cuộn tròn trong tay các nhà quý phái tai to mặt lớn, mà trước hết là các ông chủ nhà băng. Sự kiện ngày nay ở Pêru đã có một phong trào hạn chế những đặc quyền đó, hầu như đã làm cho Vargas Llosa xót xa, điều đó làm cho ông ta mất đi vai trò tiên phong trong việc bảo vệ nhân quyền, để trở thành một kẻ bênh vực cho bọn bóc lột mất hết tính người, dưới cơn mưa những bông hoa giấy và những lá cờ hiệu hão huyền vậy.

LÊ HÙNG VỌNG dịch
(Báo Grammar, ngày 20-11-87)
(SH30/04-88)


---------------------------
Bài báo này có tựa đề nguyên văn là "Bài múa thoát y của Mario Vargas Llosa".

(*) Mario Vargas Llosa sinh năm 1936 đoạt giải thưởng quốc tế Romule Gallego năm 31 tuổi, tác phẩm: Thành phố và bầy chó (1963), Cuộc chuyện trò ở Sotidran (1968), Đại úy ĐanTêkhôn và đại đội từ thiện (1973), Dì Hulia và nhà văn quèn (1977).







 

Các bài mới
Phòng tối (01/07/2014)
Xóm rau muống (05/06/2014)
Các bài đã đăng