Tạp chí Sông Hương - Số 30 (T.3&4-1988)
Xóm rau muống
08:16 | 05/06/2014

LÊ HÙNG VỌNG

Vừa đặt bàn tay lên cái nắm đấm và một thoáng nhìn vào bên trong phòng khách qua lần cửa kính, tôi chợt nhận ra là vào buổi sáng chủ nhật đẹp trời này tôi đã không hề gặp may.

Xóm rau muống
Minh họa: Bửu Chỉ

Ông giám đốc Văn Đà không sẵn sàng để tiếp tôi. Tôi hiểu ra điều ấy bằng vào y phục ông đương mặc trên người: áo sơ mi trắng ủi thẳng nếp, cà vạt hoa lủng lẳng, đầu chải mượt... Vả lại, ông cũng đang nói chuyện nữa đấy. Nhưng cũng may, tôi đã lẹ làng nép sang một bên, chắc chắn là ông Văn Đà chưa kịp nhìn thấy. Quái thật, mới chiều hôm qua đây thôi ông ghé chỗ tôi, nói rõ to, "sáng mai anh đến nhà cho tôi bàn việc nhé!"... Tôi phát bực, định quay trở về nhà, nhưng suy đi tính lại, tôi cứ đứng yên một chỗ. Có lẽ đây là lần đầu tiên ông Văn Đà sai hẹn với nhân viên, đặc biệt là với riêng tôi. Ông vốn là người chuẩn mực, thế thì chắc là ông đang bận công việc gì hệ trọng đây. Nghĩ như thế tôi cảm thấy sự bực bội vì lãng phí mất buổi sáng chủ nhật đã nguôi nguôi. Đứng thẳng người, đầu dựa vào vách, tôi lưỡng lự không biết có nên đợi gặp ông không, bởi bây giờ, về rồi lại phải đến lần nữa thì mất thì giờ quá. Xoay người qua bên trái, tôi phát hiện ra lần cửa sổ bằng kính bên trong cũng đóng. Chà! chuyện gì hệ trọng dữ ta. Bản tính tò mò trong người trổi dậy, tôi đưa tay khoát hé tấm màn cửa sổ, một li thôi, vừa đủ cho con mắt phải của tôi nhìn vào.

Dáng ngồi của ông Văn Đà thiệt lịch lãm, trông vào cái dáng ấy người ta thấy ngay ở ông cái tác phong lãnh đạo trời phú mà chẳng phải ai cũng có thể có, hoặc muốn học đòi mà có được ngay. Dáng của ông ngồi trông vừa đẹp, vừa sang, lại có vẻ oai. Cái lưng ông thẳng đuồn đuột, hơi chếch về phía trước để hai cánh tay buông một cách hờ hững cố ý xuống mặt bàn giấy đầy những sổ sách. Hai bàn tay ấy chẳng bao giờ nó ở yên một chỗ được lâu, để minh họa cho những câu diễn giải hùng hồn, nó được nâng lên, hạ xuống cho thích hợp. Có lúc hai bàn tay ấy lại tỏa rộng ra phía trước, như thế chủ nhân của nó đang ôm choàng hết cả quả địa cầu vậy. Và rồi, ô kìa! đôi tay ông lại ở yên trên bàn, nghiêm chỉnh như một cậu học trò lớp-một-cải-cách-giáo-dục.

Hình ảnh chỉnh tề của ông ở yên trong mắt tôi, áo sơ mi trắng đến mát cả mắt, cà vạt, lại có cả vét tông vắt sẵn ở thành ghế, tư thế sẵn sàng. Trời nóng như thế này mà phải đóng bộ như thế, thì quả cực hình thiệt. Nhưng mà trông đẹp quá chừng. Tôi nhìn đến sững sờ, và vẫn cứ muốn nhìn ông mãi... Nhưng rồi tư thế đứng chông chênh làm tôi mỏi, tôi xoay người nửa vòng về phía bên phải, đứng thẳng, dựa đầu vào tường. Tôi cảm thấy thoải mái, mắt tôi lim dim. Ngay lúc ấy những hình ảnh lúc tôi mới gặp ông lần lượt hiện ra trong đầu tôi. Cảm giác sung sướng dịu dàng, tôi giữ mãi hình ảnh của ông trong tâm trí... Bên tai tôi văng vẳng tiếng còi ô tô và tiếng ông Văn Đà gọi tôi...

- Tư Cò, anh Tư Cò.

Lúc ấy tôi đang bì bỏm lội dưới ao rau muống, chỗ đất dụng võ của tôi, cố cắt thêm vài chục bó rau để ngày mai bà vợ tôi còn gánh ra chợ. Từ đám rau muống ấy, tôi ngẩng đầu lên để vừa trông thấy người đàn ông trung niên đứng bên cạnh chiếc xe hơi. Tôi suy nghĩ rất nhanh: một ông cán bộ có cỡ! Ngay lúc ấy cái quá khứ đìu hiu của một tên thiếu úy lính bộ binh 54 nơi tôi, cộng với nỗi ám ảnh thường xuyên của một người dân thường cư trú trong một xóm nhà xây cất bất hợp pháp, như xóm Rau Muống này, không cho phép tôi có đủ bình tĩnh để nhìn ngắm vẻ lịch sự của chiếc xe. Trái lại, tôi thót người vì sợ. Không xong rồi! Tôi linh cảm ngay tấm giấy báo tin vài ba tháng học tập bổ sung, hoặc ít nữa là cái thông báo của Ban nhà đất, buộc chúng tôi phải tức tốc dở nhà ra khỏi khu vực xóm Rau Muống trong vòng bảy mươi hai tiếng đồng hồ. Thế nhưng không. Linh cảm của tôi hoàn toàn sai. Ấy là tại cái suy nghĩ của tôi hồi đó nó u ám. Vừa lúc tôi chao chao cặp giò trong vũng nước cho trôi hết bùn, trước khi bước lên đường cái, thì ông khách lạ đã bước đến gần, ôn tồn hỏi trước.

- Có phải anh là Tư Cò, tổ trưởng dân phố?

Bây giờ tôi mới ngoái lại nhìn ông. Câu hỏi ôn tồn và cái nhìn thân mật của ông ngay lập tức xóa tan đám mây đen lo lắng trong người tôi, cùng với cái bắt tay của ông thiệt chặt, lại còn lắc lắc, giật giật như thể ông với tôi đã từng là "chiến hữu", thân thiết lắm.

- Tôi là Trần Văn Đà, hiện làm ở Công ty xuất khẩu X...

Tôi đã hoàn hồn, thảnh thơi nhìn ngắm ông Văn Đà và chiếc xe hơi Toyota deluxe màu xám tro dạng chạy vọng cổ ong ỏng sau lưng ông. "Vâng", tôi ề à trả lời. Trong lòng tôi cũng cảm thấy hãnh diện vì được một người như ông Văn Đà đến tìm gặp, mặc dầu tôi vẫn chưa biết mục đích của việc gặp gỡ ấy ra sao, lành dữ thế nào, mãi cho đến khi ông vỗ vai tôi và bắt đầu câu chuyện.

- Nghe nói ở đây các anh gặp rắc rối về chuyện đất đai, bị đuổi nhà, phải không?

Tôi hẫng đi vì câu hỏi bất ngờ của ông, một thoáng nghi ngờ và lo sợ bản năng lóe lên trong đầu. Nhưng rồi sự thân mật và ân cần của ông làm tôi yên tâm. Tôi mời ông về nhà, và bắt đầu kể hết cho ông nghe nỗi truân chuyên của dân chúng ở cái xóm nghèo này...

Một điều tôi hoàn toàn không ngờ đã xảy ra sau đó một tuần thôi, "trên" không còn gửi giấy mời họp chuyện nhà cửa cho dân trong xóm nữa. Ông "nhà đất" mặt đỏ gay cũng chỉ nghễnh ngãng đạp xe ngoài đường cái, không thèm ghé vô xóm hò hét. Rồi một buổi chiều, tôi nhớ như in, một ông cán bộ trên phường về đòi tìm cho được chính tôi, mặt hí hửng.

- Xong rồi!

- Dà, xong cái gì anh?

- Vụ nhà, đất của mấy anh như thế là coi như "êm"!

Tôi trợn mắt, ngó anh ta sửng sốt, là bởi khi quá ngạc nhiên người ta dễ trở thành mất lịch sự... Trong chốc lát cái tin sốt dẻo về việc chấm dứt đuổi nhà lan ra khắp xóm. Chủ nhân của những căn hộ trong khu vực 6, kể cả những người còn đang ở dưới ruộng rau, kéo cả sang nhà tôi. Một cuộc hội ý khẩn cấp, cả xóm nhất trí đóng góp tiền bạc, mua một món quà nhỏ, gọi là đền đáp công lao to lớn của ông Văn Đà. Nhưng ông cán bộ phường xua tay lia lịa.

- Không, cái đó đừng. Ông Giám đốc thanh liêm lắm.

Thế là dự định tốt đẹp của chúng tôi chỉ còn lại một buổi liên hoan nhỏ ngay sau đó, để chào mừng thắng lợi. Trong căn nhà chật ních của tôi lúc ấy, với những tiếng nói cười và tiếng ly tách chạm nhau, tôi ngồi yên, chỉ cười. Tôi đang suy nghĩ về ông, lòng chứa chan một tình cảm khó tả... Lúc sắc mặt tôi đã có cái màu hồng của hơi men, thì cái đầu của tôi tự dưng cũng đâm ra sáng sủa, tôi đề nghị với bà con một cách để cảm ơn ông, vừa lịch sự lại vừa đẹp mà không tốn kém. Cả xóm đồng ý, vỗ tay đôm đốp. Thế là cuối cùng, hai tuần sau, trên trang tư tờ báo tỉnh, xuất hiện một mẩu báo.

Cái mẩu "cảm tạ, tri ân" vỏn vẹn chừng mấy dòng, lại có tác dụng hơn cả món quà lớn. Sau đó, có dịp qua xóm, sau khi đi quanh một vòng xem xét, thăm bà con, ông Văn Đà ghé lại nhà tôi.

- Khá lắm, anh sáng ý lắm. Tôi sẽ nâng đỡ anh!

***

Đang miên man suy nghĩ, tôi chợt giựt mình. Bậy thiệt mãi mê nhìn ngắm ông, tôi quên béng cả việc xem vị khách ấy là ai, để đến nỗi thủ trưởng Văn Đà phải thù tiếp, nói chuyện trong cung cách long trọng đến như thế. Trong đầu tôi lại thoáng qua một ý nghĩ ghen tị với vị khách đã giành quá nhiều tình cảm và sự quan tâm của ông. Tự dưng tôi bỗng nảy sinh một ác cảm bất ngờ với vị khách nhân vật quan trọng đó. Ý nghĩ ấy cọng với tính tò mò làm cho tôi phải ghé nghiêng mình bên cửa sổ. Tôi khoát nhẹ bức màn cửa, một ly thôi. Ô lạ chưa! Ông khách quí hóa kia đã biến đâu mất, như có phép thăng thiên độn thổ... Nhưng sao mọi trật tự trong phòng thì vẫn y như thế, và ông Văn Đà vẫn đang nói. Tôi biết ông đang nói, bởi môi ông liên tục mấp máy, và ông chấm câu bằng nụ cười có sẵn. Hai tay ông chém chém, dứ dứ trong không khí, ông càng nói hùng hồn hơn. Còn tôi, không thấy vị khách nào cả, tôi sung sướng đến tái tê trong ý nghĩ rằng cái đẹp ở ông Văn Đà chỉ tôi thấy, và tôi giữ. Thỏa mãn với điều ấy, tôi kéo tấm màn cửa lại y như cũ, rồi thu mình về tư thế đứng thẳng, đầu dựa ngửa vào vách, tôi lại tiếp tục suy nghĩ về những ngày mới gặp ông.

... Tôi hoàn toàn không hiểu câu ông khen "anh sáng ý lắm, tôi sẽ nâng đỡ anh" có ý nghĩa gì, cho đến hôm ông ghé lại nhà bảo tôi, "làm đơn đi, tôi giúp anh được đấy!". Tôi làm đơn theo cách ông dặn, nửa tin nửa ngờ, không dám cho ai hay. Thế nhưng rồi cái hy vọng rất mong manh kia, ai ngờ lại thành sự thực. Mãi đến khi nhận tờ quyết định vào làm việc ở Công ty xuất khẩu X... ấy, tôi vẫn cứ tưởng như mơ... Ông nội mấy đứa nhỏ ở nhà quê, nghe tin vui lên thăm, cứ nói mãi câu "ở hiền gặp lành". Tôi hiểu là ông muốn nhắc nhở cái công lao của ông ngày xưa đã vỡ lòng cho tôi bài học. Lúc ấy, vừa thi rớt chứng chỉ năm đầu tiên ở đại học, lập tức tôi nhận giấy gọi vào Thủ Đức. Cha tôi không lo nổi cho tôi tấm giấy hoãn dịch màu trắng, mà chỉ khuyên dạy tôi được có mỗi một câu, "con à, nhơn chi sơ... tức thì là không làm chuyện ác đức. Vạn bất đắc dĩ, tránh đi nghe con". Tôi lúc ấy hận đời, nhưng thấy ông bất lực cũng thương, chớ còn câu giáo huấn của ông thì tôi không hề thấm. Sau mấy tháng học Thủ Đức, chỗ ở tất nhiên của tôi, một thằng khố rách áo ôm, là trong những toán quân mệt mỏi... buổi chiều, lúc bọn lính tráng quây quần sát phạt nhau, tôi ngồi dựa gốc cây, tẩn mẩn vẽ lên nón sắt cái dấu hiệu giống như chiếc máy bay phản lực trong vòng tròn, dấu hiệu này sinh viên thế giới trong các cuộc biểu tình thời ấy hay dùng. Thằng trung sĩ truyền tin tò mò hỏi, "cái đó nghĩa lý chi vậy, thiếu úy?". Tôi không rời mắt khỏi chiếc nón, trả lời nó, "cái này có nghĩa là trong ba mươi sáu chước, tẩu là thượng sách". Lúc đó tôi hăng máu lên, quắc mắt nhìn nó, "tẩu ư thượng sách, mày rõ chưa. Tao không chịu trách nhiệm về cái chết của chúng mày và tương lai của vợ con mày". Một phút sau tên lính giữ máy mới hiểu, nó vỗ tay đôm đốp và rủ rê những đứa khác cùng vỗ tay theo...

Ít lâu sau khi tôi trở thành công nhân trong biên chế, xóm rau muống mọc lên thêm một ngôi nhà nữa, nó khác hẳn những ngôi nhà lối xóm về kiểu cách và bề thế. Rồi ông Văn Đà dọn đến và gửi giấy mời đồng loạt cho hai mươi bốn chủ hộ trong xóm đến ăn mừng nhà mới... Cả xóm phấn khởi kéo sang chúc mừng vị ân nhân. Dân xóm tôi rất thật tình, họ thường cụ thể hóa sự chia sẻ buồn vui với người khác bằng một thứ gì bỏ vào bì thư, không ưa quà cáp, tô vẻ phiền phức. Hôm đó tôi lại chẳng có đồng nào, đành phải còng lưng trên đám ruộng nhà suốt hai buổi chiều, để có thể đến chia vui với người tôi tôn kính bằng cái phong bì đựng năm chục bó rau muống.

Tình cảm giữa ông Văn Đà và những người hàng xóm chân lấm tay bùn thắm thiết biết bao, đẹp đẽ biết bao.

Thế nhưng sự gắn bó ấy chẳng được bao lâu, nó nới lần ra, lỏng lẽo, như thể được buộc bằng một sợi dây không có độ bền. Chỉ mấy tháng sau đó thôi, cả ông Văn Đà, bà con thân quyến, họ hàng nhà ông; cả anh em đệ tử của ông và cả thằng tôi đây nữa, thảy đều thấy rằng cái việc chung đụng giữa ông giám đốc ấy với đám tiện dân Xóm Rau Muống là chẳng hợp lý chút nào. Trông nó trái khoáy, buồn cười. Cứ như con công rực rỡ múa giữa bầy gà nhảy choi choi, như con chim sơn ca hót giữa bầy chim sẻ chỉ biết kêu chiêm chiếp. Đáng tiếc thay!

Trong sự suy sụp về quan hệ láng giềng này có lẽ tôi là người thấy rõ, và có lẽ cũng chính vì thế mà tôi cảm thấy xót xa. Tôi loay hoay cố tìm một phương cách cứu vãn tình thế, và truy tìm cho được cái nguyên nhân đã dẫn đến sự đổ vỡ ấy. Chẳng lẽ tại kiểu cách căn nhà ông Văn Đà khác với hàng xóm à? Hay tại vì trong những đêm cúp điện triền miên, bên cạnh hàng xóm tối tăm, căn nhà của ông lại hắt ra cái ánh sáng chói mắt. Hay là tại trình độ người dân xóm tôi nó kém cỏi quá, dẫn đến sự cư xử không được hay ho, làm mất lòng nhà ông. Chà! nếu ai cũng đạt như tôi đây, thì sự thể nó đâu có đến nỗi nào...! Nhưng không, tôi đã suy xét kỹ càng và tìm ra được một điều: không phải sự đổ vỡ tình cảm ấy do lỗi của ông Văn Đà khả kính, cũng không phải nó được tạo ra do phía những người hàng xóm hiền hòa, lỗi là do tại con mèo mướp nhà ông Giám đốc. Tôi không hiểu ông Văn Đà yêu thích con mèo ấy, và nuôi nó làm chi cho sinh chuyện. Ông ưa cái cảm giác êm ái, mềm mượt khi vừa đọc sách, hay ngồi xa lông tiếp những vị khách làng nhàng, vừa ve vuốt bộ lông con mèo đang lim dim ngủ. Con mèo mướp to đùng và hung hãn được ông thương, sinh ra tác oai tác quái. Đến bữa, cơm cá, thịt ê hề bày ra trước mắt, nó chỉ ngửi ngửi rồi làm lơ, bỏ đi, để rồi mấy phút sau đó, khi bữa ăn vừa xong, nó phóng mình lên mái nhà và bươn qua hàng xóm và nó bắt đầu gây hấn. Nhà hàng xóm mất thức ăn một cách vô lý. Cả mâm cơm đặt trên bàn bị hất tung và chỉ một khúc cá kho tí tẹo bị mất. Soong thịt rang để trên bếp bị húc đổ nhào xuống đất. Tệ hại hơn nữa, từng đàn gà con lần lượt biến mất... Cho đến một hôm, ông Văn Đà đi làm mới về, nỗi bực vì những chuyện vặt vãnh ở cơ quan còn chưa khuây, chợt ông nghe tiếng kêu "meo... meo" thống thiết. Chưa kịp hỏi han, con mèo mướp đã phóng lại, tố cáo với ông một tội lỗi tày trời: cái đuôi quý phái của nó đã bị chặt đứt, chỉ còn lại một mẩu lông cụt ngủn, tóe máu, ngo ngoe, trông vừa dễ sợ vừa buồn cười. Lập tức ông Văn Đà nổi cơn thịnh nộ.

- Đứa nào? Đứa nào đây?

Lúc đó bà vợ ông mới ngúng nguẩy:

- Sang bên hàng xóm quí hóa của ông mà hỏi.

- A! tiên sư nó, trêu vào ông. Được! để rồi xem.

Ông trợn mắt và dậm chân, nhưng ông không la to.

... Tôi đứng yên đầu dựa vào tường, mắt lim dim, cố tưởng ra dáng hình, khuôn mặt của ông lúc giận dữ ấy, nhưng tôi không thể nào hình dung ra được. Bởi có bao giờ ông xuất hiện trước mặt lính tráng chúng tôi trong tư thế không thoải mái ấy đâu. Chịu, tôi không thể tưởng ra được một chân dung ông Văn Đà như thế. Thế là tôi lại nghiêng người về phía bên trái, nhẹ tay khoát hé tấm màn cửa sổ... Hoàn toàn không. Ông Văn Đà không hề giận dữ. Trí tưởng tượng đã đánh lừa tôi. Tôi sẽ không tin nó nữa, trước mắt tôi vẫn là một ông giám đốc thận trọng và đỉnh đạc, nói một mình không hề ngắc ngứ. Nhìn ông nói say sưa, tôi không hiểu ông đã có cái thú diễn đạt tư tưởng một mình từ bao giờ,

... Phận sự của một công nhân tổ bảo vệ tôi làm nghiêm túc lắm, bởi vì tôi vốn ghét những chuyện mánh mung vặt vãnh mà "nhơn chi sơ" không có. Bỗng đâu có lệnh đòi tôi vào gặp giám đốc. Tôi hoang mang, vừa bước đi vừa lo lắng, chẳng biết lành dữ thế nào. Vừa ngồi xuống ghế, ông chìa ra trước mặt tôi tờ quyết định, vừa nói, "chiếu theo đề nghị của phòng tổ chức, tôi cử anh làm tổ trưởng bảo vệ, thay anh M. bị kỷ luật". Tôi như thể vừa trên trời rơi xuống, sững sờ. Một phút sau tôi mới định thần trở lại.

Từ ngày trở thành công nhân tổ bảo vệ, ngoài cái đặc điểm là không mánh mung vụn vặt, tôi chưa có gì nổi bật. Chắc có lẽ phòng tổ chức tin tưởng vào cái bộ dạng dữ tợn, tướng tá dềnh dàng cùng với bộ râu mép xanh rì, rậm rạp của tôi... Đến lúc bắt tay chúc tôi hoàn thành nhiệm vụ mới nặng nề cao cả, ông Văn Đà còn nhắc tôi không được lơ là công tác dân phòng tôi đảm nhận ở địa phương.

Ai ngờ, trong cái xóm nhỏ này, tôi lại phát hiện một mối tình! Tuy nhiên, tôi gọi hiện tượng ấy nôm na là tình yêu, chẳng biết ngoài đời người ta có thỏa thuận với tôi không, vì ở đây phản ứng hình như mới xảy ra từ một phía, chưa có sự đáp ứng của phía bên kia - giống như ở trước tòa vậy, nghĩa là bên "nguyên", bên "bị"... Chuyện là như thế này, lâu nay tôi thấy thấp thoáng ở mái hiên căn nhà anh bạn phế binh bên cạnh nhà tôi, bóng dáng cô Lài, con gái ông Văn Đà. Tôi biết chắc nhà ông chẳng ai ăn rau muống, cũng chẳng nuôi heo. Như thế tôi đã có thể kết luận về nguyên nhân sự có mặt của cô Lài bên ấy: Thằng Sanh.

Thằng Sanh, con đầu anh bạn tôi, học thiệt giỏi nhưng cái ông lính ngụy bố nó, đi chân gỗ, lại cứ đứng dứ dứ ngay chỗ cổng trường đại học, dứt khoát không cho nó vào. Sau đúng ba năm lều chỏng thằng Sanh đã trở về với đám ruộng rau. Nó không giận bố, nhưng tính nết sinh ra lầm lỳ, ngang bướng. Tôi thương thằng Sanh bởi hắn cắt rau muống thiệt giỏi, cần cù; tôi cũng thương tiếng đàn của hắn lúc xế chiều chơi Classic thiệt ngọt, thương cái tính gai ngạnh của hắn và thương cả cái nhìn nghễnh ngãng, lơ là của hắn trên trang vở cô bạn nhỏ tên Lài.

Cô con gái rượu của ông Văn Đà tên Lài ấy, ngày đi làm, buổi tối có đi học thêm ngoại ngữ, bài khó quá nên chiều chiều cô lại phải mang tập vở xuống nhà thằng Sanh học hỏi thêm. Việc ấy làm anh bạn phế binh vốn dáng đứng trước cuộc đời đã khập khiễng, đâm lo. Một buổi chiều thằng Sanh đi cắt rau về tôi gọi giật hắn lại, thăm dò.

- Vụ đó mày tính sao, Sanh?

- Dà! anh cho em xin hai chữ "bình yên".

Tôi hiểu nghĩa "bình yên" đối với thằng gai ngạnh như hắn.

***

Lúc tôi vén hé tấm màn cửa sổ lên lần nữa, xem thử ông Văn Đà đã sắp sửa chấm dứt bài diễn văn độc đáo ấy chưa, thì tôi lại phát hiện rằng không phải ông đang nói giữa thinh không. Ngay trước mặt ông, cách cái bàn giấy, khoảng mét rưỡi, một tấm gương to treo trên cái giá gỗ. Như thế nghĩa là trong mắt của ông cũng có bóng người, vâng, bóng dáng của chính ông. Và đấy, ông đang hoa tay, nhíu mày thuyết phục cái nhân vật trong gương ấy. Tôi nhìn ông sững sờ, còn ông thì trân trân nhìn vào cái bóng... Cái nhìn của ông sao kỳ lạ quá, vừa như thắm thiết, như mơn trớn, lại ánh lên một nét thỏa mãn. Tôi đoán ra vị thủ trưởng của tôi có cái khoái cảm khi làm việc ấy. Hóa ra đến một lứa tuổi nào đó, ở một vị trí nào đó người ta thích ngắm bóng mình. Hay đó chỉ là thói quen xa xỉ bất thường?...

... Ngay buổi tối con mèo mướp bị cắt đuôi, bà Văn Đà đã có phản ứng: Đương lúc chương trình kịch đến hồi gay cấn, bà ở nhà trên bước xuống, tắt phụt cái ti vi, "Thôi xin mời bà con đi chỗ khác xem, tôi không hơi sức đâu dọn dẹp hoài". Vừa nói, bà vừa xua hai tay như đuổi gà. Tiện tay bà tắt luôn ngọn đèn, lối ra cửa ngõ tối um. Hàng xóm tiếc rẻ, lục đục kéo nhau về. Chưa ra tới ngõ, đã văng ra tiếng rủa.

- Đ.mẹ, để xem có thằng nào giàu ba họ!

Thằng nhóc con tôi về nhà, thuật lại câu chuyện, nó giữ nguyên cả mấy câu chửi, và tôi có cảm giác như vừa nhai một quả dái mít chát ngòm, ngắc ngứ... Bà Văn Đà không ăn phải dái mít như tôi, bà hân hoan khóa ngay cổng lại, bật đèn trong đèn ngoài sáng trưng, rồi bà lại mở ti vi oang oang. Đêm cúp điện, nhà bà sáng rực lên như một hòn đảo rực rỡ giữa một đại dương tăm tối. Gặp xem kịch hay, bà cười ha hả, tiếng cười hắt ra tận ngoài đường. Bỗng, - ầm, xoảng... xoảng...

Một, hai, ba viên đá rơi ngay vào nóc nhà, có tiếng ngói vỡ lách cách phụ họa. Bà Văn Đà chợt hiểu, và bà bật dậy.

- Ối trời ơi, chúng nó phá nhà tôi.

Ngay lúc đó ông Văn Đà xuất hiện, ông với tay tắt cái ti vi, rồi ông mắng té tát vào mặt bà về cái thói lu loa. Đoạn ông bảo đốt đèn dầu lên cho ông làm việc, và tự tay ông kéo chiếc cầu dao, để ông cũng được tối tăm như những người hàng xóm. Đêm lại đi vào yên tĩnh...

Đành rằng chỉ đi một vòng quanh xóm là tôi có thể phát hiện được ngay thủ phạm trong số những kẻ đang thọc tay vào túi. Tôi không hề sợ nhưng tôi biết rằng tôi không thể nào làm được việc đó, bởi lẽ... Người ta nói rằng rau nào sinh sâu ấy. Như rau mùng tơi đẻ ra sâu mùng tơi. Con sâu rau dền núp dưới lá rau dền, chứ con sâu rau muống đời nào nó sang chơi ở ngọn lá khoai lang. Cũng như tinh hoa của vùng Hoa Quả Sơn đẻ ra thằng cha Tôn Ngộ Không lanh chanh, xí xọn. Như bùn lầy của xóm Rau Muống hình thành cái tính cái nết của thằng Tư Cò tôi đấy... và cái bộ râu khí thế của tôi, mỗi lần tôi nhâm nhi trong cuộc nhậu, nó cong cớn duyên dáng thế, mỗi lần tôi quắc mắt, nạt nộ mấy thằng nhóc trong xóm trốn học ăn cắp tiền mẹ mua thuốc hút, bộ râu nó nháy nhó, ủng hộ khuôn mặt tôi triệt để biết bao. Ấy thế mà khi tôi sắp sửa bắt nó nháy nhó trên mép để cho tôi trình bày cái công chuyện được gửi gắm kia, thì nó lại cứng đờ, ngượng ngập và sống sượng. Hễ tôi định phát biểu về việc ấy là các cơ môi nó không chịu vận động, nằm im. Và tôi đành bất lực, tôi chưa nói được chuyện gì cho ra trò.

Điều duy nhất mà tôi nghĩ chúng sẽ đồng tình để tôi nói với ông ấy, là tiếng đàn của thằng Sanh mỗi buổi chiều nghe thiệt ngọt, và mái tóc cô Lài xỏa trên trang vở đẹp quá chừng, đẹp đến nỗi thằng Sanh phải ngó lơ đi chỗ khác. Nhưng tôi sợ rằng ông đâu có thì giờ để nghe những chuyện tủn mủn đó, đầu óc ông bao giờ cũng đầy ắp những chuyện trọng đại.

Đến đây thì tôi sực nhớ ra. ông Văn Đà đang bận bao nhiêu việc. Sắp tới đây ông lại sắp phải tiếp mấy ông truyền hình. Người ta đã mời ông lên ti vi. Thảo nào mà ông giám đốc nhà ta chẳng diễn thuyết một mình! Sự việc đơn giản thế mà đến bây giờ mới nghĩ ra: Công ty Lolamex của chúng tôi, sau một vụ phá rừng, làm ăn thắng lợi, nộp lãi cho tỉnh nhà hàng mấy chục triệu bạc. Ông truyền hình nghe tiếng đến thăm, và mời ông Giám đốc phổ biến kinh nghiệm làm ăn trên màn ảnh nhỏ...

Tôi lại vén hờ tấm màn cửa sổ, chỏ mắt nhìn vào. Ông Văn Đà đang hăng tiết, nói thật hùng hồn. Chà! cứ nhìn vào cái miệng ông mấp máy, tôi cũng đoán biết là ông đang phát biểu về kế hoạch làm ăn của năm 1990 sắp tới: Về lông: Nâng giá mua lông vịt, lông ngỗng. Tiêu diệt các loại nhím, thỏ và lợn rừng để thu hết, lột sạch lông của chúng. Săn bắt, bắn chim công, trĩ, vẹt để thu lông nguyên bộ. Nghiên cứu kế hoạch mua cừu của nước bạn Mông Cổ, Liên Xô về xén lông bán cho Anh, Pháp Úc... Về lá: Tăng diện tích đất trồng sả, bạc hà... Đúng là một kế hoạch làm ăn tuyệt vời, sáng tạo...

Nhưng hẳn trong bộ óc kỳ vĩ của ông không còn một ngóc ngách nhỏ nhoi nào để ông ngắm nghía mái tóc đẹp đẽ và nghe tiếng đàn của thằng Sanh, ông đã lắc đầu, "Không được đâu con à! Thằng đó nhà trường họ còn chê. Mà ba thì nay người ta đang định cơ cấu vào...", và cô Lài òa lên khóc… Sau đó cô ấy sang tìm tôi, cầu cứu, cứ y như tôi là người xưa đã ban cho cô Tấm bộ quần áo đẹp và bầy chim về nhặt thóc... Tất nhiên là tôi chẳng có chi mang cho cô cả, cũng không thể làm một việc gì giúp đỡ cô gái tội nghiệp ngoài một câu an ủi. Tôi chỉ còn hy vọng sau cùng, đó là thái độ của thằng Sanh. Điều tôi không ngờ đến lại xảy ra. Thằng Sanh phong phanh nghe được điều ông Văn Đà nói. Nó suy nghĩ đến bỏ ăn, và thái độ của nó lạ lắm... Buổi chiều khi cô Lài sang tìm gặp, thằng Sanh hình như đã phạm sai lầm: nó đã dại dột nhìn vào mắt cô... và cô gái nhỏ gục đầu vào ngực nó, khóc như mưa...

Sau đó thằng Sanh yêu đời hẳn ra. Buổi chiều nó thường rời mảnh ruộng sớm hơn, tắm táp cẩn thận, dùng cả xà phòng luých gội đầu... Ông già nó với tôi ngồi bên này lai rai, nghe tiếng đàn của nó ngọt lịm, bất giác ông nhìn xuống cái quá khứ còn để lại dấu vết trên cái chân gỗ và thở dài...

Tôi sung sướng lắm, tôi hát cho ông bạn phế binh nghe, và tôi còn múa nữa. Bởi tôi tưởng chung quanh tôi, con người đã trở lại bản chất hiền lành, ưa hội hè của cái thuở ban sơ xa lắc...

Chỉ còn con mèo mướp là vẫn không chịu chừa cái thói côn đồ. Sau mấy phen bị xử lý, nó đâm ra khôn, cọng với sự cảnh giác thường xuyên của loài động vật ăn thịt sống, nó đã thành cáo, thành tinh, biến hóa khôn lường. Một hôm nó đến viếng nhà tôi, không may nó bị tôi tóm được, cho vào cũi. Tôi bỏ cả công việc, chắp tay đằng sau lưng, đi quanh cái cũi ấy, trừng mắt nhìn nó. Tôi vốn ghét cay ghét đắng cái mặt thật mặt giả của nó, ghét cái thói hung đồ lẫn cái nết uể oải, quí phái giả vờ của nó bên cạnh ông chủ. Tôi nhìn sững nó, nhìn vào cái nguyên nhân mọi tai họa của cái xóm nghèo. Giá mà đừng có nó, thì tình cảm giữa ông giám đốc và bà con xóm Rau Muống đâu có trở thành tồi tệ, và tôi cũng đâu phải rơi vào tình thế khó xử. Tôi ước ao cho con mèo ấy chết quách, chết ngay, chết bất đắc kỳ tử. Tôi vái trời cho nó rớt xuống ao rau muống mà chết, cầu cho lưỡi búa của những ông sấm ông sét nào đó quật nó đi... Rồi tôi bắt nó ra khỏi cũi, xách nó lên bằng một tay, tôi định quất cho nó mấy đùi, nhưng vừa nghe tiếng "meo, meo" thảm thiết thì con người "chi sơ" trong tôi đã ngăn tôi lại... Tôi dứ dứ cái nắm đấm vào mặt nó, dọa dẫm rồi sau đó thả nó ra, không hề hành hung bởi tôi cũng sợ bứt dây động rừng. Nó chẳng thèm ngoái lại cám ơn tôi, nguẩy cái đuôi cụt, phóng lên mái nhà..

Cách xử sự của tôi chắc là không được hay, vì sau đó nó vẫn tiếp tục đi rong… Cho đến một buổi tối trời, người ta lại nghe tiếng nó kêu la thống thiết, và sau đó, con mèo mướp ấy phóng như bay về nhà. Một điều lạ mà tôi chưa từng thấy, con mèo chảy máu ròng ròng, lỗ tai bên trái của nó không còn nữa...

Tuyệt đối không hề có sự ồn ào khi ông Văn Đà hay chuyện ấy. Có lẽ ông đã coi đó là chuyện tất nhiên, cũng có thể ông đang bận lo toan những chuyện trọng đại khác. Chỉ có hai kẻ đau buồn đó là Tư Cò tôi đây và cô gái tội nghiệp tên Lài. Tôi buồn vì chính lúc ấy tôi mới vỡ lẽ ra, dưới cái bề ngoài lặng lẽ, tôi đang bị tước mất dần những điều đang gìn giữ. Và cũng như tôi, giấc mơ yên lành của cô Lài làm sao thành đạt được... Mấy tuần sau đó, đích thân ông Văn Đà đã sắp xếp chuyến cô con gái của ông về nhận công tác ở một tỉnh xa lắc phía Nam...

Tôi vẫn đứng y như thế phía ngoài phòng khách nhà ông, đầu dựa ngửa vào tường, mắt lim dim, tư thế của một người đợi chuyến tàu thường xuyên đến trễ. Tôi cũng không biết có nên tiếp tục đứng ở đây, suy nghĩ về chuyện con mèo mướp và ngắm nhìn vẻ đỉnh đạc của ông Văn Đà nữa hay không. Cơ sự này e mất luôn buổi sáng. Nửa giờ đã trôi qua và hai chân tôi đã mỏi nhừ như đã đi bộ suốt mấy ngày. Không hiểu bài nói chuyện của ông đã đến hồi kết thúc chưa nhỉ? Tôi lại xoay người về phía bên trái, vén hé tấm màn cửa sổ. Kìa! Ông giám đốc đang trịnh trọng gật đầu chào rồi đưa cả hai tay lên, ông vỗ tay nhè nhẹ. Như thế là xong. Bỗng nhiên tôi đâm lo lắng như thể mới gặp ông lần đầu, và tôi cảm thấy lúng túng vì sự xuất hiệu hớ hênh của mình. Tôi xoay qua bên phải, lại xoay qua bên trái... Ông Văn Đà xô ghế lui đằng sau. Tôi luống cuống xoay người lại tư thế bình thường, dựa vào vách, chuẩn bị giáp mặt, trả lời ông, tim tôi nện thình thịch.

Cánh cửa lớn mở ra, ông Văn Đà xuất hiện, mồ hôi lấm tấm trên trán. Chiếc cà vạt ông đeo gặp gió, bay lất phất. Ông nhìn tôi, và lạ chưa, phút đó tôi lại không thể nhìn vào mặt ông. Ánh mắt tôi chiếu xuống phần dưới con người ông, phía dưới chiếc sơ mi trắng ủi thẳng và chiếc cà vạt hoa. Ở đó, trời ơi! Tôi không thể nào tin ở mắt mình nữa. Trên đôi dép Nhật, ông không vướng bận gì cả: Hai cái bắp chân khẳng khiu với những sợi lông đen ngòm, xoắn tít như những con sâu róm. Tôi trố mắt nhìn cái sự lạ lùng ấy và ông trố mắt nhìn vẻ mất lịch sự của tôi. Một phút trôi qua, hai mắt tôi vẫn không rời chỗ ấy, để đường hoàng hướng lên phía trên được. Tôi đâm hoảng sợ với cái nhìn của mình, và tôi bắt đầu bước thụt lùi. Một bước, hai bước, mắt tôi vẫn không thể rời cái phần nửa cơ thể động-vật-cao-cấp ấy, cái đôi chân khẳng khiu với những sợi lông dài, xoắn tít như những con sâu róm. Tôi bỗng đưa hai tay lên thủ thế, và mắt nhìn vẫn không hề rời chỗ. Tôi tiếp tục bước thụt lùi, năm, bảy, mấy bước thì không nhớ nữa. Đến khoảng bước thứ mười, thì tôi dứt được ánh mắt mình ra, tôi quay ngoắt người lại và bắt đầu chạy. Tôi chạy thục mạng ra khỏi cổng và phóng như điên trên con đường xóm.

L.H.V.
20-7-87
(SH30/04-88)






 

Các bài mới
Phòng tối (01/07/2014)
Các bài đã đăng
300 năm Phú Xuân (29/05/2014)