Tạp chí Sông Hương - Số 304 (T.06-14)
Gặp người cầm bút xứ Huế - nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
15:04 | 27/06/2014

Ở tuổi 75, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân vẫn miệt mài bên chiếc máy tính để làm việc mỗi ngày. Ông luôn mang theo bên người một chiếc máy ghi âm, loại dùng bằng băng cassette, ông có thói quen ghi lại bất cứ buổi làm việc nào với các phóng viên báo, đài... Đón tôi trong con hẻm nhỏ dẫn vào ngôi nhà ở một quận gần trung tâm Sài Gòn, ông đội chiếc mũ kiểu Huế và những tiếng “răng, ni, nớ” rất Huế của ông mang lại cho tôi sự gần gũi để bắt đầu buổi trò chuyện.
                    Nhà văn ÁNH HƯỜNG (thực hiện)

Gặp người cầm bút xứ Huế - nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân
Nhà văn Ánh Hường và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - kỷ niệm sau cuộc trò chuyện của hai người cầm bút vong niên

Nhà văn Ánh Hường (NV AH): Cho đến nay, đâu là công trình nghiên cứu mà ông tâm đắc nhất?


Nhà Nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân (NNC NĐX): Sau năm 1975, sau khi về Huế, trong lúc chờ tìm phương tiện để lên Đà Lạt thăm mẹ, tôi tranh thủ đi gặp các nhân chứng và tìm tài liệu cho cuốn sách trong tương lai viết về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế (Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của Bác ở Huế, in năm 2003). Sở dĩ công việc này cần phải khẩn trương vì những người bạn cùng thời với Bác đều đã lớn tuổi. May mắn, tôi đã gặp được một số người bạn học cùng lớp hay cùng thế hệ với Bác ở trường Đông Ba và trường Quốc Học, ví dụ như ông Lê Thiện, ông Nguyễn Đạm, ông Nguyễn Phú Phu v.v. Nhờ đó, tôi có được những tư liệu sống quý giá về thời niên thiếu của Bác ở Huế. Công trình thứ hai mà tôi tâm đắc đó là: Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung (in năm 1992) sau này bổ sung tư liệu và đổi tên thành Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (2007)… Với tư cách một người cầm bút, tôi phục vụ cách mạng bằng một công trình khoa học, khám phá được một bí ẩn lịch sử đã kéo dài gần một thế kỷ qua.
 

Hân hạnh được gần gũi Thiền sư Thích Nhất Hạnh


NV AH: Vì hoàn cảnh, 15 tuổi mới được đến trường, lên đại học phải vừa học vừa đi dạy kèm, rồi lại đi kháng chiến 9 năm, nói chung là “anh học trò chân trắng”, thì cơ duyên nào ông lại quen với giáo sư Trần Văn Khê, cố nhạc sĩ Phạm Duy, thiền sư Thích Nhất Hạnh… Ông có thể lý giải về điều này?

NNC NĐX: Do hoàn cảnh lịch sử cả thôi. Tôi đi học trễ nên phải khai trụt 6 tuổi. Tôi học băng nên không có học bạ lớp Nhất của Trường Đa Phước (Trại Mát) để đi thi Tiểu học (1954). Thầy tôi là ông Nguyễn Tri Bật (hậu duệ của cụ Nguyễn Tri Phương) đem tôi lên Trường Bồ Đề Tuệ Quang ở Đà Lạt xin một cái học bạ. Trường Tuệ Quang kiểm tra kiến thức của tôi và cấp cho tôi một học bạ mà mẹ tôi không phải đóng một đồng học phí nào. Nhờ thế tôi được đi thi và đỗ Tiểu học và cậu học sinh nông dân có cơ hội học lên đến hết Đại học. Người đầu tiên tôi gặp ở Trường Bồ Đề Tuệ Quang là tăng sĩ trẻ Thích Nhất Hạnh. Hơn 10 năm sau, tôi tham gia các Phong trào đô thị chống chiến tranh của Mỹ, bị chính quyền Sài Gòn cấm nói hai chữ “hòa bình”. Tôi hân hạnh được tổ chức giới thiệu tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của thiền sư Nhất Hạnh vừa ở Hoa Kỳ về, công khai nói lên khát vọng hòa bình. Từ đó, tôi làm thơ chống chiến tranh của Mỹ theo “trường phái” phản chiến, được nhạc sĩ Phạm Duy chọn phổ nhạc ba bài Để lại cho em, Nhân danh, Chuyện hai người lính. Nghe bài hát Để lại cho em, thầy Nhất Hạnh xúc động và viết cuốn Nói với tuổi hai mươi được tuổi trẻ lúc ấy thích lắm. Đó là cơ hội tôi được gần gũi thiền sư Nhất Hạnh và nhạc sĩ Phạm Duy để “còn theo nhau” cho đến ngày nay. Với giáo sư Trần Văn Khê thì buổi đầu lại diễn ra trong nghiên cứu về Hát bội của tôi. Năm 1965, tôi viết đề tài Hát Bội. Tôi được TS. Lê Văn Hảo - học trò của thầy Khê ở Pháp mới về Huế, cho tôi mượn luận án Tiến sĩ La Musique Vietnamienne Traditionnelle (Âm nhạc Truyền thống Việt Nam) của Trần Văn Khê để tham khảo phần Hát Bội trong đó. Qua TS. Lê Văn Hảo, tôi được liên lạc với thầy Khê. Mà thầy Khê cũng là bạn thân của nhạc sĩ Phạm Duy cho nên suốt những năm nhạc sĩ Phạm Duy chưa về nước, thầy Khê và tôi gặp nhau ở Pháp cũng như ở thành phố Hồ Chí Minh, ở Hà Nội, ở Huế đều nói chuyện về hoạt động văn hóa Việt Nam, bàn chuyện Phạm Duy nên về nước… Một điều thú vị là cả ba vị thiền sư Nhất Hạnh, nhạc sĩ Phạm Duy và GS.TS. Trần Văn Khê rất quý trọng nhau. Tôi là người học trò, là người em nhỏ được ảnh hưởng tốt của sự quý trọng ấy. Nhiều khi tôi là người làm “liên lạc” giữa ba người.

 

Với GS. Trần Văn Khê


NV AH: Nhắc đến cố nhạc sĩ Phạm Duy, nhiều người cho rằng, ông chính là người giữ nhiều tài liệu quý về cuộc đời cũng như sự nghiệp sáng tác của Phạm Duy nhất, điều đó có đúng không? Ông có thể kể thêm một vài kỷ niệm với người nhạc sĩ này?
 

Với NS Phạm Duy


NNC NĐX: Tôi không rõ trong thực tế có đúng như thế không. Nếu những gì Phạm Duy cho tôi trước năm tôi đi kháng chiến (1966) còn giữ được, thì tôi có thể nghĩ anh em nhận định về tôi như thế là đúng. Nhưng hiện nay, biết đâu có nhiều người sưu tập được nhiều tài liệu hơn tôi, quý hơn tôi nhưng họ ngại chưa công bố nên tạm dành cái “nhất” ấy cho tôi. “Tạm” được như thế cũng vui rồi. Gần năm mươi năm theo nhau (1964 - 2012) (kể cả những năm gián đoạn kẻ ở bên này, người ở bên kia, kẻ ở Việt Nam, người sang Mỹ quốc) tôi có nhiều kỷ niệm với nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi xin kể một chuyện: Cuối năm 1965, nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Để lại cho em của tôi, sau in trong tập Mười bài tâm ca, có tên Tâm ca số 5.

 


Một hôm, anh Phạm Duy ra Huế hát Tâm Ca, tôi đi trễ nên đứng trên lối đi ở cuối rạp hát với một người bạn gái. Khi nhạc sĩ hát đoạn kết thúc bài Để lại cho em (Tâm Ca số 5) “Nhưng em thương anh, thương anh, Em đón nhận gia tài, Nhưng em thương anh thương anh, Ta cùng gom sức mới, Nhưng em thương anh thương anh, em nhận lời tranh đấu, Nhưng em thương anh thương anh, Đi tìm lối thoát cho nhau”. Cả nhà hát vỗ tay vang dội. Một tay vỗ vào thùng đàn ghi-ta, một tay Phạm Duy chỉ về phía cuối rạp hát, bảo: “Các bạn đừng vỗ tay khen tôi mà nên khen tác giả bài thơ đang đứng với bạn gái ở cuối nhà hát kia kìa!” Thế là nhiều thanh niên sinh viên ùa xuống cuối rạp hát và công kênh tôi lên sân khấu trong tiếng vỗ tay vang dội. Trong đời cầm bút đấu tranh của tôi, đó là một kỷ niệm mà tôi không thể nào quên.

 

Với NS Phạm Duy thời hát Tâm Ca (1966)


NV AH: Sinh viên Huế thành lập Đoàn Sinh viên Quyết tử trong hoàn cảnh nào? Với cương vị Trưởng Đoàn Sinh viên Quyết tử, xin ông kể một số kỷ niệm liên quan đến giai đoạn này?

NNC NĐX: Từ năm 1965, quân đội Mỹ đổ bộ lên chiếm đóng thành phố Huế, Bộ Chỉ huy của họ đóng ở khách sạn Thuận Hóa ngay trên đường Duy Tân ở trung tâm thành phố, sát cạnh trường Đại học Huế. Họ đặt rào kẽm bùng nhùng biến một đoạn đường Duy Tân (nay là đường Hùng Vương) ở phía Nam cầu Trường Tiền thành một vùng cấm địa. Vẻ đẹp cổ kính của Cố đô Việt Nam giống như bộ mặt của một cô gái đẹp bị cào cấu rướm máu, người dân Huế cảm thấy nhức nhối trong tim. Đầu tháng 4/1966, giữa lúc chúng tôi đang thảo luận kế hoạch hành động phối hợp với thành phố Đà Nẵng chống Mỹ - Thiệu - Kỳ thì có ý kiến phải giải phóng con đường Duy Tân trước để cảnh cáo Mỹ. Thế là anh em có mặt ở Giảng đường C (Morin cũ) kéo nhau ra đường Duy Tân. Một cuộc tháo gỡ, đập phá, lôi kéo diễn ra rất nhộn nhịp. Lính Mỹ rút hết vào khách sạn Thuận Hóa, súng AR15 cầm lăm lăm trong tay, đạn lên nòng, mũi súng chĩa thẳng vào chúng tôi. Không kềm, không búa, không một phương tiện lót tay, với lòng căm thù giặc và đôi bàn tay thư sinh, sau hơn nửa tiếng hành động, toàn bộ đường Duy Tân được giải phóng. Xe cộ từ Đà Nẵng ra, bấy lâu nay phải chạy vòng vo, bây giờ được chạy thẳng một lèo vào thành phố. Anh em tài xế và hành khách trên xe thích thú không ngớt reo hò hoan hô sinh viên. Buổi trưa hôm ấy, chúng tôi cứ đi đi lại lại trên đoạn đường mới giải phóng với một tâm trạng phấn khởi vô cùng. Sau chiến thắng ấy, sinh viên tranh đấu nảy ra ý kiến không thể lấy đôi bàn tay thư sinh mà có thể phối hợp với Đà Nẵng chống Mỹ - Thiệu - Kỳ được cho nên sinh viên cần vũ trang. Anh em bầu tôi phụ trách tìm phương tiện vũ trang. Sau đó, chúng tôi được lực lượng quân đội VNCH ở Huế chống chính phủ Sài Gòn giúp huấn luyện quân sự cho sinh viên tại quân trường Văn Thánh. Học quân sự xong, trước khi vào Đà Nẵng, lực lượng sinh viên vũ trang lấy tên là Đoàn Sinh viên Quyết tử và bầu tôi làm Đoàn trưởng.

NV AH: Trong một bài phát biểu tại Hội thảo “Sáng tác văn học về đề tài lịch sử” ở Hội Nhà văn tổ chức tại Hà Nội, ông có đưa ra ý kiến nhà văn ngày nay thiếu tài liệu chính xác về lịch sử để có thể khai thác mảng đề tài này một cách phong phú, hấp dẫn. Theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng này và khơi nguồn cảm hứng để đưa đề tài lịch sử vào văn chương?

NNC NĐX: Việc sáng tác văn học đề tài lịch sử không phải là mới mẻ gì. Ở các nước như Pháp, Mỹ đã hình thành từ lâu. Lịch sử của họ được soạn thảo một cách khoa học, về các sự kiện lịch sử, về các mặt trong đời sống của cha ông xưa được nghiên cứu một cách chính xác, đầy đủ, rõ ràng. Vì thế, muốn sáng tác văn học đề tài lịch sử, nhà văn phải tự đi nghiên cứu… Mà có mấy nhà văn dám bỏ thời gian sáng tác để đi làm công việc của nhà sử học đâu? Do đó, các nhà văn Việt Nam ngại viết đề tài lịch sử. Một số người viết truyện lịch sử nhưng không nghiên cứu lịch sử, lấy trí óc tưởng tượng ra lịch sử của nhân vật chứ không phải lịch sử thật. Cái lịch sử tưởng tượng đó làm người đọc rất buồn cười. Trong khi trong lịch sử Việt Nam có quá nhiều câu chuyện có thể làm thành cốt truyện hay, ý nghĩa thì không mấy người khai thác. Tôi là một nhà văn xuất thân từ kháng chiến, vì mê nghiên cứu lịch sử nhà Nguyễn mà được người đọc xem như một nhà sử học. Nghiên cứu lịch sử, xã hội Xứ Đàng Trong trải qua 9 đời chúa, 13 đời vua Nguyễn, tôi thấy có vô số câu chuyện có thể viết thành trường thiên tiểu thuyết, truyện phim hàng trăm tập. Khi biết sự thật đó thì tuổi đã lớn, thời gian còn lại không cho phép, nên tôi chỉ viết tóm lược thành các câu chuyện nhỏ in thành sách xuất bản và tái bản nhiều lần như Chuyện các ông hoàng triều Nguyễn, Chuyện nội cung chín đời chúa, Chuyện nội cung các vua… Còn chuyện “làm thế nào để khắc phục tình trạng này và khơi nguồn cảm hứng để đưa đề tài lịch sử vào văn chương”, tôi xin hẹn sẽ trả lời một cách đầy đủ trong một bài trả lời phỏng vấn khác.

NV AH: Bên cạnh việc khai thác văn học đề tài lịch sử, điện ảnh Việt Nam trong những năm qua cũng không ngừng khai thác mảng đề tài này. Là một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đánh giá thế nào về những bộ phim lịch sử của Việt Nam?

NNC NĐX: Tôi không có nhiều thời gian nên ít xem phim. Tuy nhiên, các phim lịch sử thì tôi rất quan tâm. Có người nói, ở Việt Nam chưa có sử thật. Những gì hiện nay đang gọi là sử ấy thiếu chính xác. Nhà viết kịch bản dựa vào những cuốn sử sai ấy viết thành kịch bản phim thì làm sao cuốn phim ấy có giá trị được. Ví dụ như bộ phim Hẹn gặp lại Sài Gòn vô cùng tốn kém nhưng cuối cùng phải bỏ vào ngăn kéo. Đó là chưa đề cập đến việc duyệt kịch bản. Kịch bản hay đến mấy mà không hợp quan điểm của bộ phận duyệt thì cũng đút vào ngăn kéo thôi. Những cuốn phim phản ảnh lịch sử hiện đại, lịch sử gần thì nhiều đạo diễn Việt Nam tỏ ra rất xuất sắc. Ví dụ như các phim Cô gái trên sông, Bao giờ cho đến tháng mười, Mùa ổi, Đừng đốt, v.v. đều là phim lịch sử gần mà hay lắm. Ở Việt Nam ta chưa có phim trường, tất cả đều phải phục chế, phục dựng vô cùng tốn kém. Mà điện ảnh là một ngành công nghiệp. Làm phim phải có lời, phải có thu nhập cao... Nhưng phim cổ trang Việt Nam làm ra bán cho ai? Tóm lại trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, phim ảnh đề tài lịch sử, phim cổ trang chưa đáp ứng được yêu cầu của người xem Việt Nam và không hy vọng tìm được một phép mầu trong tương lai gần.

NV AH: Với kho sách đồ sộ hiện có, nhưng được biết, ba cô con gái lại không ai theo nghiệp nghiên cứu như ông, ông có dự tính gì với số tài sản đó?

NNC NĐX: May mắn tôi có người rể đầu là một kiến trúc sư rất quan tâm đến văn hóa, lịch sử. Anh ta đã bàn với tôi sẽ sắp xếp và xây dựng kho sách Gác Thọ Lộc thành một thư viện nho nhỏ để phục vụ bạn đọc sau này. Trong tương lai xa thì có thể đưa vào Thư viện Huế học, Thư viện của một học viện Phật giáo nào đó hoặc một Ngân hàng sách ở Huế như tôi đã có lần viết trên báo Lao Động cách đây 15 năm.

NV AH: Vừa làm thơ, viết văn và nghiên cứu lịch sử, ngoài ra, ông còn là người hướng dẫn du lịch, một nhà hoạt động từ thiện, hẳn thời gian làm việc của ông rất chặt?

NNC NĐX: Vâng. Đến nay, mỗi ngày tôi phải làm việc 4 buổi mới hết việc. Sáng sớm (3g30 đến 6g), buổi mai (8g đến 11g30), buổi chiều (14g đến 17g), buổi tối (20g đến 22g). May mắn là cuối đời, tôi được đổi máy đánh chữ qua Computer, tin học đã giúp tôi làm việc hiệu quả gấp nhiều lần so với hồi gõ máy đánh chữ. Làm được những việc trên là nhờ tôi thấy “được làm những việc ấy” là hạnh phúc. Đối với một người già cầm bút thường có 3 thứ quý: tiền bạc, thời gian và sức khỏe. Với tôi, tiền bạc có thể xin con cái, vay ngân hàng, bạn bè cho, nhưng thời gian và sức khỏe thì rất hạn chế không vay ai được và cũng không có ai cho. Do đó đối với tôi bây giờ việc sử dụng thời gian phải kỹ hơn một bà mẹ nghèo sử dụng tiền đi chợ hằng ngày. Việc gì động đến sức khỏe tôi sợ lắm!

NV AH: Xem trang web gactholoc.net của ông, biết ông đang mất thì giờ cho việc sưu tập sắp xếp lại cho có hệ thống các bài viết, nghiên cứu của mình. Trong số đó, xin ông cho biết vấn đề gì ông đang quan tâm nhất?

NNC NĐX: Đúng như thế. Các bài viết đã hai ba chục năm rồi, bây giờ mỗi lần độc giả - đặc biệt là các nhà báo trẻ, các bạn sinh viên khoa học nhân văn, hỏi, tôi phải tìm lại quá mất thì giờ nên tôi phải sưu tập, thuê người nhập, sắp xếp lại cho có hệ thống và đưa lên trang Web gactholoc. net của tôi để phục vụ độc giả và cho con cháu sau này. Hiện tại tôi còn phải tập trung cho đề tài “Xây dựng Huế thành thành phố nhân văn để Việt Nam có một Cố đô văn vật”. Ý tưởng theo đuổi đề tài nầy xuất phát từ năm 2009, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 48 - KL/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Xây dựng thành phố nhân văn là gìn giữ môi trường cảnh quan, xây dựng con người đạo đức có khả năng đem hạnh phúc đến cho người chung quanh, cho khách du lịch. Huế - thành phố nhân văn lấy thế mạnh bền vững của Huế để phát triển. Không rõ đề tài của tôi sẽ được Nhà nước chấp nhận đến đâu. Nhưng cho đến nay được báo chí hưởng ứng, nhất là báo chí ở Thừa Thiên Huế và báo Đại Biểu Nhân Dân của Quốc hội khuyến khích, tôi rất hào hứng dành nhiều thời gian viết cho đề tài này.

NV AH: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

(SH304/06-14)







 

Các bài mới
Sử thi biển (30/06/2014)
Các bài đã đăng
Lời khuyên (24/06/2014)