Tạp chí Sông Hương - Số 305 (T.07-14)
Đôi cánh mặt trời
15:47 | 22/07/2014

LÊ THỊ KIM SƠN

(Cho những điều hạnh ngộ ngắn ngủi)

Đôi cánh mặt trời
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

1. Mẹ hãy bay đi, con sẽ rũ lại đôi cánh xưa ẩm thấp để mẹ dang ra đón đường gió mặt trời. Mẹ lặng im, cái lặng im không vô hồn như những ngày qua ẩm thấp, mà dãn rộng ra ánh sáng tự hào. Bay, cái ngôn từ suốt một thời tuổi trẻ, mẹ mộng mơ trên những tầng không, những câu thơ lồng lộng gió, những mơ ước ngập tràn ánh sáng, những niềm vui khô dại thuở ban đầu, cả những mối tình chưa thành hình sâu lắng nhưng đủ đọng thành giọt trong ký ức ngày dài.

2. Cái gác xép, cái gác mà ngày xưa mẹ hay nép mình vào đó để đắm mình trong những câu chuyện, những vần thơ đã phủ kín bụi, mẹ khóc cho quãng thời gian đã qua, khóc cho những giấc mơ đã khép. Có rất nhiều quyển truyện mẹ đã đọc, có rất nhiều quyển sách mẹ chưa kịp đọc đều được mẹ nâng niu cất giữ như báu vật, đó là thiên đường riêng của mẹ trong ngôi nhà nặng nề mẹ chọn, đó là nơi cả bố con, cả con không được chạm đến, đó là nơi lưu giữ trận đòn đến giờ con vẫn nhớ khi đặt chân vào, khi vẽ vội ông mặt trời vào một quyển sách của mẹ, trận đòn của mẹ không làm con sợ bằng nước mắt của mẹ. Những giọt nước mắt mà khiến một đứa trẻ lên năm của con thấy rúm ró vì sự tuyệt vọng, vì bất lực, vì đau khổ chan chứa trong đó. Con lặng lẽ nhìn mẹ như một chiếc bóng trong nhà mà không thể hiểu, không thể chạm tới bởi mẹ luôn bận rộn với chiếc bàn may, với chiếc bếp dầu, với những lem nhem con gây ra, với những cơn say mệt nhoài của ba. Mọi thứ trong nhà mình diễn ra rời rạc, lạ lùng và chông chênh đến nguy hiểm vậy mà không hiểu tại sao nó lại tồn tại rất lâu, rất thản nhiên qua thời gian như không hề tồn tại.

Những vần thơ con gõ ra rời rạc nhưng vang tiếng trong đêm sâu thẳm, chẳng điều gì tồn tại trong đợt cảm xúc bất thường này, những câu chữ rơi ra con chỉ nhặt lấy, xâu chuỗi lại thành dòng, bay lên, bay lên bất chợt.

3. Biết làm sao được với những lỡ làng thời con gái, biết làm sao được với ám ảnh thời gian, biết làm sao được với đôi cánh một thời cũ kĩ. Mẹ đã xếp lại những ước mơ, xếp lại đôi cánh mộng tưởng để đối đầu với cuộc sống ảm đạm thời tem phiếu, những dòng thơ xếp lại, những “hội chợ phù hoa” tắt lịm mặc cho trong lòng mẹ “đỉnh gió hú”, mẹ lạc nhịp thơ với bố, lạc nhịp thơ với những đứa con khát sữa quấy khóc, lạc nhịp thơ với cuộc sống hàng ngày. Mẹ xếp lại hay vô tình quên mất những dòng thơ thời con gái ngập tràn, cái giá sách một thời chắt chiu ấp ủ và nâng niu, mẹ không có thời gian sờ lại, để “Trăm năm cô đơn” lăn lóc, để “trà hoa nữ” lặng ngắt mùi hương. Có thể nào trong những đêm mưa gió, mẹ cất qua một gánh lo toan, rướn mình lên không trung nạt nộ để tìm lại cho mình cuồng nộ, nhưng cơn say của ba, tiếng khóc của con lại ngăn mẹ lại. Mẹ lại biết mình là đàn bà, lại biết là đôi cánh của mẹ không thể dùng đến nữa, đôi chân mẹ đã tự quấn vào bản năng của người mẹ, của người vợ bao đời im lặng, sẽ là như thế, nhưng con thì phải khác, con phải bay xa về phía mặt trời, dù cho đó có là đôi cánh của Icarus** đi chăng nữa thì con cũng sẽ không phải day dứt như mẹ.

4. Đôi cánh của con không có màu trắng sáng của thiên thần, không trong trẻo như ban mai tuổi mười tám, nó mang nặng cái nhìn của người đàn bà ưu tư, trầm cảm, mặc cảm với sự bèo bọt, mặc cảm với sự vụn vặt của người đàn bà. Nó châm chích vào cuộc sống, vỗ ào ạt vào cuộc sống những vần thơ đen lộng lẫy như đôi cánh của ác quỷ, con muốn rứt mình ra khỏi những lo sợ về một phận đen đủi. Trong biển đêm hun hút, con lội chân trần để cảm nhận mình là hạt cát nhỏ, có thể mất hút, có thể tan biến vào đêm, vào hàng ngàn con sóng. Đáng ra con không nên chọn cho mình mối duyên với đám câu chữ, đáng ra con nên thoát khỏi cái bóng lầm lũi của mẹ trong ngôi nhà, con lạc lõng với chính mình. Đôi cánh màu đen không đưa con lên tới thiên đường, nhưng cũng không để con rớt sâu dưới đáy địa ngục, mà chỉ lửng lơ, lướt qua mọi niềm đau, mọi niềm hạnh phúc một cách hờ hững và vô cảm. Nỗi đau không chạm đất, niềm vui không chạm đất, mơ ước không chạm đất mà cũng không thể với tới bầu trời, không thể chạm tay vào vì sao vô định nào thì làm sao con có thể không ray rứt?

5. Đời người được mấy chốc con nhỉ, mẹ chẳng kịp biết thời gian nào đã qua, mẹ không biết niềm mơ ước của mình đã trôi tuột đi đâu mất cho đến ngày nhìn thấy dòng thơ con, tự do như đôi cánh, đăm đắm những niềm đau kì lạ, mẹ bất ngờ nhìn lại mình. Nhìn lại mái tóc đã bạc màu, mẹ đã sáu mươi mất rồi, còn bay đi đâu được nữa, nhìn lại hình dáng thay đổi bởi thời gian, bởi dấu hiệu làm mẹ, bởi những suy nghĩ vụn vặt đã đánh dấu lên khuôn mặt mẹ những nếp nhăn đến chính mẹ cũng phải giật mình. Còn dòng thơ, những dòng thơ đã mất vào cái ngày mẹ đốt cho trời, mẹ đốt cho mẹ chấm dứt bay bổng, cho đôi chân mẹ chạm vào đất, chạm vào niềm đau của người phụ nữ chỉ biết trốn trong xó bếp làm nội trợ. Làm sao mẹ dám nhìn vào khoảng thời gian của chính mình để khóc được đây? Những câu thơ thời mẹ đã cũ, đã xếp cánh trong lòng mẹ rồi, những giỏ hoa cho mẹ cái ánh nhìn tươi tỉnh cũng đang héo tàn rồi, nhưng chồi non đang lên, và con đang thay mẹ đi tiếp cái kiếp đa mang của người đàn bà có thấm chút chữ nghĩa vần vò, để con cũng đang quanh quẩn trong chính mình không bứt phá ra được.

6. “Đàn ông làm bằng đất, đàn bà làm bằng nước. Người đàn ông bằng đất yêu người đàn bà bằng nước, nước và đất trộn lẫn với nhau, đàn ông nhờ cái thuần khiết của nước mà trở nên sạch hơn, người phụ nữ, thì ngược lại, bị trộn lẫn với đất nên bị vấy bẩn”*. Có phải vậy không mẹ? Có phải vậy không mà người ấy nhẹ nhàng đi qua con đến một làn nước khác để gột rửa cho mình, để mặc con với những dòng thơ trầm cảm, với nỗi chông chênh không ngờ, với bàn tay chới với cần được ủ ấm khi về đêm. Làm sao với sự vấy bẩn của đất? Con không thể tự mình gột sạch mà lại chìm sâu hơn trong vũng bùn của nỗi nhớ. Những làn khói mơ màng nhắc con đến một ai đó, một số mệnh cũng mơ màng như chính con. Không đủ miền thương để có thể khóc cho những cánh hoa khi tàn cuộc, cũng không đủ miền yêu để có thể thốt lên lời níu kéo hay hối tiếc, con chỉ có sự kiêu hãnh cô độc, con chỉ nhớ đến cái gác chất đầy những quyển sách ố vàng con chỉ có thể đem sự yếu đuối của một người đàn bà về đó rồi khóc. Câu và chữ lộn xộn rơi nhòe trang giấy, những triền miên mất ngủ, để những ngày buồn thắt lại khi thấy con cũng tự hành mình thành một chiếc bóng như mẹ.

7. Mẹ không thể khuyên can con, con gái. Bởi đơn giản, mẹ cũng đã sống trong day dứt của chính mình. Mẹ còn chưa thể thanh thản trong suy nghĩ của mình thì làm sao mẹ có thể cho con lời khuyên, nếu mẹ có thể áp đặt cho con một cuộc sống như chị Hai thì chắc gì con đã không hạnh phúc? Suy cho cùng đàn bà vẫn là đàn bà, vẫn khao khát một tình yêu, vẫn cần một bờ vai để che chở, vẫn tầm thường những vụn vặt lo toan không thể cất qua một bên được. Chiếc áo lông giờ đã biến mất, làm sao để chân con có thể chạm vào đời thường mà không lo nghĩ được đây?

8. Những tình yêu lần lượt qua, đâu phải con không cảm xúc? Đâu phải con không xót xa cho mình, cho ánh nhìn của mẹ, đâu phải con không tiếc nuối cho chính mình. Cái gác xép nơi mẹ dành cho góc nhỏ tâm hồn mơ mộng của mẹ, giờ được con lưu giữ, rúc sâu mình vào đó, trút những dòng phiền muộn đa đoan mà không ai chạm tới. Con thấy một phần mẹ trong con khắc khoải, con muốn thoát ra. Phía cuối con đường là ánh sáng, là bóng đêm hay là hố bùn lầy lội, con không biết, nhưng con sẽ tiếp bước, sẽ cố gắng tìm đến cuối con đường. Đôi chân con vô định, dật dờ không niềm vui dù vẫn biết đây là con đường mình chọn. Những nơi con qua, gắn lại những bức ảnh kỉ niệm, nắn nót đề nét chữ nghiêng yếu đuối nhưng gai góc, gửi về cho mẹ và cho một ai đó để có thể yên tâm trong thoáng chốc. Những cột mốc thời gian vẫn đều đặn trôi, trong lòng mẹ con vẫn vậy, nhưng trong lòng một ai đó con còn vậy không hay đã mất hút rồi. Không phải con đang kiểm nghiệm, mà thực sự là con đang trốn chạy hiện thực, con vẫn chưa dám dừng lại.

9. Cái ám ảnh chính mình không phải là những bước đi đầu tiên nhất, mà chính là điểm dừng chân cuối cùng. Con người ta không dám bước đi tiếp vì người ta hoảng loạn không thấy được cái kết của mình, sợ không thấy được giấc mơ mà mình tô vẽ lên những màu son đỏ lòe, đỏ đến mức những gì chân thực nhất đang hiện hữu ngay cạnh bên mình cũng trở nên vô hình trước nỗi thất vọng đó. Mẹ cũng từng như vậy, cũng từng quên mất con đường mình đi, để trôi dạt ra xa khỏi chính gia đình của mình, lay lắt như chiếc bóng. Nhưng đến ngày mẹ soi bóng lại chính mẹ qua con, mẹ thấy rằng mẹ không phải hối tiếc nhiều đến thế, hạnh phúc ở gần mẹ nhất có khi không phải là bố, không phải là con mà chính là cái gia đình mẹ đã bỏ lửng. Thiên chức vốn có của người phụ nữ sẽ giúp con nhận ra, điều đơn giản nhất của những cuộc tìm tòi là còn có ai đó đợi chờ và mong nhớ đến mình. Và bay đi đến khi nào con muốn, mẹ, ba và gia đình nhỏ này sẽ vẫn đợi ngày con tìm về đúng những miền thương.

L.T.K.S
(SH305/07-14)

------------------------------
* Hồng lâu mộng - Tào Tuyết Cần
** Đôi cánh của Icarus (Thần thoại Hy Lạp).





 

Các bài mới
Trang thơ Du An (04/08/2014)
Quê tôi (28/07/2014)
Các bài đã đăng