Tạp chí Sông Hương - Số 31 (T.5&6-1988)
Ký sự về một ngọn đèn đã tắt
10:37 | 11/08/2014

THÁI BÁ TÂN

1
Ở công ty S.B, khi được hỏi ai là điển hình tốt của công nhân đèn biển những năm gần đây, mọi người nhất trí nêu tên Nguyễn Thiếu Sơn, đảo trưởng đảo đèn Hòn mực. Sau đây là một số ý kiến nhận xét về anh ta.

Ký sự về một ngọn đèn đã tắt
Minh họa: Bửu Chỉ

Giám đốc công ty:

Một anh chàng tuyệt diệu! "Người hùng" của chúng tôi đấy. Năm năm liền chiến sĩ thi đua. Không phải nhiệm vụ của mình, nhưng cậu ấy tình nguyện ra đảo và ở liền một mạch đến tận bây giờ. Cũng trong chừng ấy năm, chưa để xảy ra sự cố nào, đặc biệt không bao giờ kêu ca khó khăn, không bao giờ xin về đất liền! Một anh chàng ít lời, khiêm tốn, thông minh, có ý thức kỉ luật tốt. Thế mà trước thuộc loại "có vấn đề" cơ đấy. Thế nào nhà báo cũng phải ra Hòn Mực thăm cậu ấy và nếu có thể, xin viết cho một bài kha khá vào. Chúng tôi muốn mọi người hiểu hơn nữa cái nghề gian khổ thầm lặng này. Vả lại cũng cần nêu gương cho lớp trẻ noi theo, chứ nói thật, chúng quen sung sướng trong đất liền, ra đảo chưa ấm chỗ đã đòi về.

Thư kí công đoàn:

Hiếm có trường hợp nào như cậu Sơn - năm năm liền không đi phép lần nào. Có vẻ cậu ấy không muốn rời đảo đi đâu cả, dù chỉ ít ngày. Cũng chẳng có nhu cầu tiếp xúc với ai. Người ta kể với tôi rằng cậu ta thường cho đứa bạn cùng nhà đèn về đất liền, có khi đến cả tháng. Còn lại một mình, cậu ta đảm nhiệm hết mọi việc. Tất nhiên như thế là vi phạm nguyên tắc, là mạo hiểm, nhưng dù sao theo tôi, phải là người thực sự yêu nghề mới xử sự như VẬY. À mà sáu tháng đầu năm này Công đoàn Tổng cục Ðường biển lại có giấy khen cho Nhà đèn Hòn Mực, khi nào đi các anh nhắc tôi gửi cho cậu ấy.

Một công nhân, bạn cũ của Sơn:

Em thì em nghĩ mọi chuyện không đơn giản như thế. Sống với nhau nhiều, em biết. Ðúng là nó "an tâm công tác" như người ta nói, và năm năm không nghỉ phép lần nào, không kêu ca, không đòi về đất liền. Nhưng thử hỏi vì sao? Nhất là trước kia nó từng hiếu động, ham hiểu biết và ưa giao tiếp. Chính vì thế mà bao lần mang vạ vào thân, để rồi không hiểu sao cuối cùng tình nguyện ra đảo rồi ở rịt ngoài ấy. Nếu có dịp, anh thử tìm hiểu xem.

Một thủy thủ trên tàu VS.735, chuyên tiếp tế cho các đảo đèn khu vực phía Bắc:

Sơn Hòn Mực ấy à? Một thằng hâm tỉ độ.

2

Những tìm hiểu thêm khi đi trên tầu VS.735.

Nguyễn Thiếu Sơn quê ở Thái Bình, 32 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ và hiện không còn ai thân thích. Hết phổ thông, được chọn sang Rostok, Cộng hòa Dân chủ Ðức, học trung cấp kĩ thuật ba năm, ngành sửa chữa máy tàu biển. Sau đó ở lại làm việc tại nước bạn bốn năm nữa là bẩy. Về nước được phân công tác ở công ty S.B, theo chuyên môn đã học là sửa chữa máy thủy.

Về công ty chưa bao lâu, Sơn đã nổi tiếng một anh chàng lập dị. Thực ra ở anh mọi cái đều bình thường, kể cả cách ăn mặc lẫn cư xử. Tuy nhiên người ta vẫn thấy có cái gì đấy vừa chương chướng vừa buồn cười. Có lẽ đó là sự thơ ngây cả tin và tính thật thà quá mức, nhiều khi khiến người khác thấy bất tiện. Anh đơn giản hóa mọi chuyện, nghĩ ai cũng như mình nên quá cởi mở, thoải mái, quá thẳng thắn mà không chịu chú ý tới những mối quan hệ phức tạp và rất tế nhị của cuộc sống quanh mình.

Anh là người thông minh, có trình độ chuyên môn giỏi, luôn làm việc hăng hái - quá ư hăng hái - và thường hoàn thành việc được giao nhanh và tốt đến mức ai cũng phải ngạc nhiên. Dễ hình dung anh nổi bật thế nào giữa một tập thể xưa nay vốn trì trệ như phân xưởng nơi anh đang công tác. Sự đời vẫn thế, nếu cả tập thể cùng lười biếng, gian dối thì chẳng sao, ai cũng là người tốt, nhưng có anh chăm chỉ, tử tế xuất hiện thì tình hình lại khác. Có cái để so sánh, sự lười biếng, giả dối trở nên dễ nhận thấy. Vậy thì thằng mới ấy là kẻ thách thức, là tên phá bĩnh và cần phải loại trừ.

Lúc đầu mọi người lặng lẽ quan sát, không khen cũng chẳng chê, nghĩ tay này chẳng mấy mà "xịt" như nhiều lính mới hung hăng trước đó, rồi sẽ tự hòa vào cái không khí chung ở đây và trở thành như họ.

Tuy nhiên thực tế không diễn ra theo hướng ấy. Sơn tỏ ra là người có bản lĩnh. Anh vẫn giữ được phong cách làm việc như những ngày mới đến. Hơn thế, còn bắt đầu công khai phê phán tình trạng kỉ luật lỏng lẻo và những điều bất hợp lí trong quá trình sản xuất của phân xưởng. Những ý kiến anh nêu đều đúng, nhưng phần vì do cách phê bình quá căng, phần vì người bị phê tự ái không chịu tiếp thu, nên dần dần anh rơi vào thế cô lập, một mình chọi cả tập thể. Anh không nao núng, thậm chí còn thích sự cô đơn kiêu hãnh của mình. Mọi người khó chịu nhưng chẳng làm gì được, vì anh làm việc tốt, không có gì để bắt bẻ, cho đến một hôm...

Ðây là lần va chạm lớn đầu tiên. Sơ kết sáu tháng đầu năm, Sơn kiên quyết không nhận danh hiệu Lao động Tiên tiến, nói mình chỉ làm việc bình thường và nhất định từ chối món tiền thưởng phân xưởng "Hoàn thành vượt mức kế hoạch". Theo anh, thực ra phân xưởng không những không vượt, mà còn chưa đạt kế hoạch được giao.

Lần này, vì uy tín và quyền lợi của cả phân xưởng bị đe dọa, ai cũng nhao lên phản đối quyết liệt. Họ kết anh đủ các thứ tội, tìm đủ cách, cả cứng lẫn mềm, cố thuyết phục nhưng anh không nhân nhượng. Lần đầu tiên, sự làm ăn dối trá bị công khai vạch trần bằng những con số không cãi vào đâu được.

Sơn không là người thích chơi trội, cũng không có động cơ cá nhân nào, đơn giản chỉ muốn đấu tranh vì lẽ phải. Anh viết đơn báo cáo tất cả lên công ty. Một thời gian sau càng thất vọng hơn khi thấy phân xưởng vẫn được công nhận vượt kế hoạch, và tất cả trừ anh đều Lao động Tiên tiến và lĩnh thưởng.

Sau vụ này, tình hình phân xưởng vẫn y nguyên. Thay cho thái độ không khen, không chê trước kia, bây giờ người ta bắt đầu để ý những điều nhỏ nhặt nhất ở anh để bới móc. Dễ nhất là đầu tóc và cách ăn mặc. Không thể nói tóc anh quá dài, nhưng trong một cuộc họp nó vẫn bị đem ra phê bình. Anh nhíu trán ngồi nghe, sau không những không cắt ngắn, mà còn cố tình để dài hơn. Kết quả là tóc anh dài thật, dài lút gáy, đến mức một lần bị công an bắt vào đồn cắt trắng nửa đầu. Hôm sau và suốt cả tháng tiếp theo, anh đến phân xưởng với cái đầu bị cắt trọc một nửa ấy, ai khuyên can thế nào cũng không chịu chữa lại. Khi giám đốc công ty nhắc nhở, anh nói: "Ðể tóc thế nào là quyền của tôi. Bị xúc phạm một cách thô bạo, tôi phải để mọi người thấy rõ điều ấy".

Ðợt sơ kết sáu tháng tiếp theo phân xưởng lại vượt kế hoạch, chia thưởng, và Sơn lại từ chối không nhận, sau khi chứng minh chính xác rằng cái vượt kế hoạch ấy chẳng qua là trò ảo thuật của ông quản đốc. Nghĩa là chuyện cũ lặp lại, nhưng lần này anh làm căng. Anh đến văn phòng lãnh đạo công ty, đảng ủy cơ quan, rồi làm ầm lên ở những nơi đó. Người ta lắng nghe anh, tuy không thật chăm chú lắm, và hứa sẽ cho điều tra lại. Trước khi chia tay, họ dành hơn nửa tiếng đồng hồ nhắc anh về tác phong sinh hoạt, về sự khiêm tốn và đoàn kết nội bộ.

Mấy ngày sau, nghe tin phân xưởng vẫn được công nhận vượt kế hoạch, Sơn bỏ không đi làm suốt cả tuần. Lúc trở lại, anh hờ hững nhận quyết định cảnh cáo toàn công ty vì tội tự ý nghỉ việc. Ðang sẵn buồn bực do trục trặc với người yêu, ngay hôm ấy anh viết đơn xin ra đảo làm công nhân gác đèn biển, một việc luôn thiếu người và xưa nay chưa có ai tình nguyện...

3

Hòn Mực là một đảo đá nhỏ nhưng khá cao ở xa ngoài biển, nằm trên luồng tàu chạy vào cảng Cửa Ông. Khi tàu VS.735 chở chúng tôi từ đảo Long Châu đến, trời đã ngả về chiều. Gió thổi mạnh, sóng lớn, có lẽ phải đến cấp năm, cấp sáu - ở đây mùa này bao giờ sóng cũng lớn.

Khác với các nhà đèn khác thường đoán ngày giờ tàu từ đất liền, ra đứng chờ sẵn từ trước, nhà đèn Hòn Mực này tỏ ra thờ ơ. Tàu chúng tôi kéo còi mấy lần mới thấy một bóng người chui ra khỏi ngôi nhà chuồng chim chênh vênh trên vách đá. Người ấy thong thả tuột xuống theo chiếc thang sắt thẳng đứng, rồi bơi về phía chúng tôi bằng chiếc thuyền nan nhỏ.

- Mày lại cho thằng Ba vào đất liền rồi hả Sơn?

Ông trưởng trạm hỏi, khi chiếc thuyền nan áp vào thành tàu. Ông một ông già nhỏ bé, da đen xạm, nghe nói từng coi đèn ở đảo hơn ba mươi năm. Lần này ông đi kiểm tra khắp một lượt các nhà đèn dưới quyền ông phụ trách. Cùng đi với ông còn một người nữa là thợ chữa máy nổ, nhưng nếu cần chữa luôn cả máy vô tuyến điện.

- Hắn bảo ở nhà có việc quan trọng...

- Lâu chưa?

- Tuần trước.

- Thế sau hắn ra bằng cách nào?

- Chắc đi nhờ tàu Hải quân.

Ông trưởng trạm thở dài rồi buông một câu ông đã nói nhiều lần nhưng không tin lắm vào hiệu quả của nó:

- Cậu phải liều liệu đấy, chứ thế là không ổn ÐÂU. Ở đây một mình, nhỡ cậu ốm chết, ai chịu trách nhiệm? Thôi, - ông hạ giọng, - cậu cho tớ và anh nhà báo này vào trước, rồi đón ông máy nổ và mấy thứ đồ tiếp tế.

Một giờ sau, khi kiểm tra hết mọi việc không thấy có vấn đề gì, ông trưởng trạm giao đồ tiếp tế cho Sơn và Ba (vắng mặt), thông báo sơ qua tình hình công ty. Rồi bất chợt đặt mạnh cốc nước xuống bàn, ông nói:

- Thôi, Hòn Mực thế là được. Bây giờ tranh thủ còn sớm đi luôn ra Cô Tô. Anh nhà báo thấy thế nào? - Ông quay sang tôi. - Ngoài ấy sóng lớn đấy. Nhà đèn Cô Tô lại không có thuyền con ra đón như ở đây. Phải bơi vào bờ, hai trăm mét, không ngại chứ? Hay ở đây một hôm, mai chúng tôi quay lại đón đi Móng Cái luôn thể?

Tôi không sợ sóng lớn, không ngại bơi hai trăm mét, nhưng đã đồng ý ở lại Hòn Mực. Tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về Sơn.

*

Phải nói ngay từ đầu tôi có ác cảm với con người này, dù trong thâm tâm rất muốn ngược lại. Ở anh ta có cái gì đấy vừa lạnh lùng, vừa khinh khỉnh khiêu khích. Người anh ta dong dỏng, quần áo nghiêm chỉnh, là điều ít thấy ở dân đèn biển. Khuôn mặt có thể nói ưa nhìn, nếu không kể đôi mắt mệt mỏi nhiều khi bỗng ánh lên những tia hằn học.

- Tôi không thích những người làm văn, viết báo như anh. - Ðó là câu đầu tiên anh ta nói khi chỉ còn hai người.

- Vì sao?

- Vì các anh nói dối không biết ngượng.

- Có thể cụ thể hơn được không?

Sơn lặng lẽ nhìn tôi từ đầu đến chân, rồi nhếch mép không chút thân thiện:

- Riêng việc anh vờ không biết đủ chứng tỏ anh đang nói dối. - Hình như cảm thấy mình quá lời, anh ta hạ giọng nói tiếp, chân đá vào gói sách báo ông trưởng trạm vừa mang ra còn để ngổn ngang giữa nền nhà cùng mấy quả bí đỏ: - Ra đây yên tĩnh, anh đọc lại cái mớ này sẽ rõ.

Tôi tự ái, muốn đập lại vài câu thật đau, nhưng rồi nghĩ thế nào lại thôi, và bỏ đi rửa ráy. Sơn cũng lẳng lặng xách bộ đồ nghề leo lên đỉnh núi, nơi có ngọn đèn cùng chiếc máy phát điện chạy bằng sức gió.

Ngôi nhà lợp ngói hiện Sơn đang ở được xây trên một chỗ tương đối bằng phẳng ở lưng chừng núi, diện tích khoảng ba mươi mét vuông, gồm nhà ở, sân, bếp và độ hai mét vuông được phủ đất chở từ đất liền ra để trồng rau sam. Ra ngoài giới hạn ba mươi mét ấy, hoặc là rơi xuống biển, hoặc va đầu vào vách đá dựng đứng.

Tôi đưa mắt nhìn một lượt khắp nhà. Có hai chiếc giường. Một chiếc không chiếu, không màn, chỏng chơ mấy cái xoong đen nhẻm. Giữa nhà là chiếc bàn vuông gỗ mọt với hai chiếc ghế, trên bàn có chiếc đèn dầu, chiếc điếu cày, bàn cờ tướng đang đánh dở và một bộ tú lơ-khơ đã quá nhàu nát. Trong một góc tường treo hai khẩu súng trường, chiếc bản đồ ngả vàng và chiếc đài bán dẫn chắc hết pin từ lâu. Ngay phía dưới, trên chiếc hòm gỗ không khóa là chồng sách lộn xộn, có cả mấy cuốn bìa cứng khá dày, tôi đoán là sách kĩ thuật bằng tiếng Ðức.

Ở đất liền, người ta kể với tôi rằng năm 1955, mải rút chạy khỏi Việt Nam, người Pháp quên không tiếp tế cho đảo Hòn Mực và do vậy để ông già coi đèn chết đói. Khi ta ra tiếp quản thì xác ông đã thối rữa nằm trên sàn xi măng. Nghe nói bây giờ gặp hôm trời ẩm, nền nhà lại nổi lên hình người ông già, đủ cả đầu và tay chân. Lúc này, nhớ lại chuyện ấy, bất giác tôi cúi xuống nhìn, nhưng không thấy gì.

Không còn chỗ nào khác, tôi đặt chiếc túi du lịch khá mốt mới mua xuống chiếc gường không màn, không chiếu, cùng một hàng với mấy chiếc xoong bẩn. Bốn giờ chiều, chúng tôi ăn tối, không ai nói với ai câu nào.

Ðây là bữa cơm đầu tiên tôi ăn với công nhân đèn biển trên đảo. Sự kham khổ của nó khiến tôi sửng sốt, dù tôi từng nếm mùi bếp ăn sinh viên những ngày thiếu thốn nhất.

Ðặt trên tờ báo cũ nhàu nát là một bát nước muối màu vàng nhạt (do muối bẩn), một đĩa rau sam luộc hái từ ô đất hai mét vuông nói trên, một xoong canh lõng bõng mấy miếng bí đỏ vừa chở từ đất liền ra, và nồi cơm gạo hẩm bốc mùi sặc sụa. Hay anh ta định thử thách hoặc tỏ thái độ với tôi? Không, sau này đi các đảo khác, tôi hỏi và biết đời sống những người coi đèn bao giờ cũng kham khổ như vậy. Một tháng mới có một lần tàu từ đất liền ra, chủ yếu mang sách báo, tiền lương, gạo và ít rau xanh, thi thoảng thêm đôi cân cá khô. Gạo và nước ngọt thuộc "hàng chiến lược", phải dự trữ ít nhất đủ dùng mấy tháng, nên quanh năm anh em luôn ăn gạo hẩm.

Ăn xong, tôi thong thả mở túi lấy ra tờ giấy khen người ta nhờ mang cho Sơn. Anh ta cầm lấy, ngắm nghía nhìn nó với nụ cười giễu cợt rồi vứt xuống đất. Lát sau anh ra bếp mang vào siêu nước sôi méo mó, đen xịt đang phả hơi phì phì, rồi thản nhiên đặt lên tờ giấy khen sặc sỡ với những dòng chữ nắn nót.

- Anh thật quá đáng! - Không chịu thêm được nữa, tôi lên tiếng.

Sơn im lặng hồi lâu với vẻ khiêu khích. Cuối cùng anh ta nhìn thẳng vào mắt tôi, đáp dằn từng tiếng:

- Cũng như mọi người cả thôi! Các lần trước tôi dành chúng vào những việc còn tệ hơn nhiều.

- Nhưng vì sao? Ðây là phần thưởng, là sự đánh giá của tập thể, là...

- Là sự giả dối đểu cáng và trắng trợn! Tôi không tin những tờ giấy loại này. Tôi không tin những lời các anh nói. Không tin bất kì ai.

- Nhưng chẳng phải mọi người vẫn tốt với anh đấy sao? Họ đánh giá cao việc anh làm, họ thưởng tiền và giấy khen cho anh! - Tôi cũng cao giọng.

- Chính vì thế mà tôi càng kinh tởm họ. Ðó là việc làm đạo đức giả. Trước kia, một thời tôi từng ngu ngốc tin vào những điều nhảm nhí ấy. Nhưng nay thì đừng hòng! Ðừng hòng!

Sơn ném hai chữ cuối cùng ấy vào mặt tôi, với tất cả sự giận dữ bị đè nén lâu nay. Như để ra hiệu chấm dứt câu chuyện, anh ta cầm chiếc bát và đôi đũa của mình, đứng dậy:

- Ở đây có lệ ăn xong, bát người nào, người ấy rửa.

- Thế đĩa và xoong nồi thì sao? - Tôi châm chọc.

Anh ta không đáp, chỉ lẳng lặng đi ra bể nước.

Sau đó, suốt mấy giờ liền tôi và Sơn không ai nói thêm câu nào. Sơn ngồi đánh cờ một mình trong nhà, còn tôi mang sách ra hiên đọc.

Buổi tối, tôi quyết định đi ngủ sớm. Thấy tôi loay hoay sửa soạn giường chiếu, vẫn không thèm ngoái đầu lại, Sơn nói:

- Nếu lười dọn xoong nồi trên gường thì có thể trải chiếu xuống đất mà nằm. Trên chỗ ông già ngày xưa chết ấy! - Anh ta đập mạnh quân cờ xuống bàn. - Chẳng có gì đáng sợ. Không phải hôm nào hình ông ấy cũng hiện lên đâu. Mà có hiện cũng chẳng sao, đúng thế không, ông nhà văn?

Lại châm chọc! Tôi nghiêm mặt nhìn thẳng vào mắt anh ta, cố kìm giận để không buột ra một lời nào đáng tiếc. Sơn vẫn lì lợm không chịu né tránh của nhìn của tôi. Khuôn mặt trẻ, có thể nói đẹp trai của anh ta vênh lên một cách khó chịu. Trong đôi mắt sâu, lạnh lùng và hằn học ấy không còn dấu vết một con người khác hẳn như tôi được biết. Anh ta đã thành kẻ hằn học, cực đoan và luôn sẵn sàng bùng nổ.

Tuy nhiên, ẩn sâu phía trong cái vẻ ngoài khó chịu, giả tạo và ít nhiều bị đẩy lên quá mức kia, tôi vẫn nhận thấy ở Sơn cái gì đó khác hẳn, một nỗi đau nhức nhối thầm kín, một sự thèm khát được trở lại cuộc sống bình thường, được tin vào những điều tốt đẹp như một thời trước kia từng tin.

Bỗng tôi thấy thương hơn giận. Ðể anh ta không nghĩ mình hèn nhát, tôi lặng lẽ quét nền nhà, trải chiếu, tìm cách mắc chiếc màn cá nhân bao giờ tôi cũng mang theo mỗi lần đi công tác, rồi chui vào nằm đúng chỗ Sơn gợi ý, nơi ông già gác đèn biển ngày xưa đã chết.

Sơn im lặng đánh cờ một mình. Dù rất mệt, tôi trằn trọc mãi vẫn không sao ngủ được. Những ý nghĩ rời rạc, hãi hùng cứ bám chặt lấy tôi. Ðâu đó phía dưới, tiếng sóng vỗ vào vách núi dựng đứng nghe đều đều, dữ dội, nhiều khi to như tràng pháo ngân dài. Cuối cùng tôi cũng thiếp đi, nhưng nửa đêm lại chợt thức giấc.

Chiếc đèn dầu vẫn leo lét cháy trên bàn cờ đặt trên giường Sơn, tuy nhiên tôi không thấy anh ta với dáng ngồi quen thuộc bên cạnh. Tôi đưa mắt nhìn quanh. Anh ta đang đứng trong góc phòng, tay mân mê khẩu súng trường mới được lau sạch bóng. "Hắn định làm gì thế nhỉ?"- tôi lo lắng tự hỏi, sống lưng bỗng thấy lành lạnh. Tôi những muốn kêu to hay vùng dậy bỏ chạy, nhưng sực nhớ mình đang ở đâu, đành tiếp tục nằm im giả vờ đang ngủ say. Thật may, một lúc sau, ngắm nghía chán khẩu súng, Sơn treo nó lên tường, rồi leo lên giường với ván cờ bỏ dở.

Anh ta ngồi bất động, đầu ngoẹo sang một bên, một tay chống cằm, tay kia luôn giữ quân cờ bên đen hoặc bên trắng tùy lúc. Cứ thế mình chống lại chính mình, anh ta ngồi hết giờ này đến giờ khác, ngày này đến ngày khác, năm này đến năm khác.

Cảm thấy ngột ngạt khó thở, tôi quyết định dậy, leo lên chòi đèn ngồi một chốc cho mát. Thật lạ lùng, như đọc được ý nghĩ người khác, thấy tôi chui ra khỏi màn, vẫn không quay đầu lại, anh ta nói:

- Ði ủng vào, đường lên trên kia nhiều rắn lắm đấy!

Tôi lặng lẽ tìm ủng rồi đi ra ngoài. Năm phút sau, men theo vách núi, tôi đã lên đến chòi đèn, khoan khoái đứng tựa vào chiếc lan can bằng sắt sơn trắng bao quanh. Ngọn đèn hải đăng cực mạnh vẫn từ từ quay, chiếu ra bốn phía những luồng ánh sáng dài, khi tắt, khi đỏ do được che bởi những miếng kim loại cách nhau đều đặn.

Ban đêm biển thật đẹp. Trời đầy sao. Trăng mới mọc nhưng còn bị che khuất sau một trong vô vàn những ngọn núi nhỏ giữa vịnh. Mặt biển tối đen, lốm đốm những ngọn đèn xanh của các con thuyền đánh cá. Chắc từ đó, hàng trăm con mắt đang hướng về Hòn Mực quen thuộc. Ngọn hải đăng vẫn sáng, nghĩa là tất cả vẫn bình thường. Những người đi biển nhìn nó để định hướng, có thể yên tâm cho tàu thuyền đi lại mà không sợ bị va đá ngầm hay mắc cạn.

Từ xa, một chiếc tàu lớn như tòa nhà nhiều tầng rực ánh sáng từ từ tiến vào cảng Cửa Ông để ăn than. Ðược Hòn Mực chỉ đường, nó vững tin lao lên phía trước.

Bất chợt, tôi bỗng muốn đánh tín hiệu cấp cứu, muốn kêu to, kêu lên thật to với người thuyền trưởng con tàu kia, với những chiếc thuyền đánh cá, với công ty S.B trong đất liền, với tất cả mọi người, rằng ở đây ngọn đèn hải đăng vẫn sáng, nhưng một ngọn đèn khác còn quan trọng hơn nhiều, ngọn đèn chiếu sáng cho nó, ngọn đèn trong trái tim người coi đèn đã tắt và đang cần được nhanh chóng thắp lại! S.O.S!

Quảng Ninh - Ðà Lạt, 22. 4. 1987
T.B.T
(SH31/06-88)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Với Thạch Lam (06/08/2014)