Tạp chí Sông Hương - Số 31 (T.5&6-1988)
Mimosa đang ngủ
07:59 | 04/09/2014

CHÂU TOÀN HIỀN

Cát bước vội những bước cuối cùng rồi dừng lại bên chiếc bục gỗ. Một cái gì đó đang bị dồn nén lại trong người anh, chỉ chờ lúc bung ra. Anh đặt cả hai tay lên tập hồ sơ trên bục, rồi quả quyết xoay người lại.

Mimosa đang ngủ
Minh họa: Bửu Chỉ

Hội trường đã đông nghẹt người loáng thoáng những khuôn mặt căng ra vì chờ đợi. Anh cảm nhận được ngay sự đồng điệu giữa anh và những người đang chờ đợi. Anh chỉ khác họ là anh đã tin rằng mình đúng, đã dám lao vào những ngày tháng căng thẳng của công việc, trong lúc cả họ, cả anh đều có thể tự dối lòng sau một ngày làm việc nhàn hạ với ý nghĩ cho rằng mình đã tận tâm tận lực. Họ đến đây chỉ vì muốn nghe ở anh những điều họ chưa làm được, để nghe điều kỳ diệu về sự trở lại của một con người.

Giọng anh bắt đầu nhỏ nhẹ, dần vang sâu giữa hội trường:

- Mùa thu năm ngoái, trên chiếc xe trắng của bệnh viện Bình Khánh...

Cô gái như hình nhân bất động, đứng ì ra giữa cơn mưa nặng hạt. Bộ đồ trắng rộng thùng thình gặp mưa dán sát vào vóc người gầy còm, làm bất chợt cô hóa thành một đứa bé, như đang dỗi hờn đứng vạ ra bên cạnh người đàn ông to lớn đang bực tức la hét... Ký ức ập về nhanh và mãnh liệt đến nỗi anh nhớ lại cả cảm giác ướt át lúc anh đội mưa chạy ra giúp người đàn ông...

***

Cát bực bội giở nhanh những trang đầu của tập hồ sơ. Các dòng chữ ngắn ngủi chỉ cho anh biết bệnh nhân tên là Nguyễn Thị Bạch Lan, cán bộ kỹ thuật của nông trường Suối Tiên. Và chấm hết. Nhưng phần còn lại thì dày cộm những tên thuốc và ngày tháng. Anh lướt nhanh qua dòng tên các bệnh viện Bạch Lan đã đến. Tất cả là ba, cô đã được ba bệnh viện lớn điều trị. Và chẳng có thay đổi nào đáng kể.

"... Những ngày đầu, các cơn kích động tâm thần thường xuất hiện khi có người lạ. Trong quá trình điều trị, các cơn kích động mất dần, bệnh nhân thường ngồi im lặng, bất động cả ngày..."

Có nghĩa là đã có thay đổi, nhưng chẳng hay ho gì. Từ cơn kích động lại rơi vào trạng thái trầm cảm. Anh chợt nhớ lại lời của bác sĩ Ngân, con người dễ nổi nóng, đã cáu gắt ầm ĩ chỉ vì Bạch Lan đứng phỗng ra giữa mưa làm anh ta ướt lây:

- Xin giao lại các anh cái tượng này đó. Còn tôi thì xin đủ. Nhưng thực ra có thể bệnh viện của tôi còn chưa đủ điều kiện. Các anh cứ thử xem. Có điều tôi xin nhắc lại đôi điều công sức của tôi - đây là một lâu đài hoang vu có lũy thành kiên cố. Mọi tấn công bằng thuốc men và vật lý đều bắt gặp cái giản đơn nhất và rắc rối nhất. Sự im lặng!

Khôi bước lên xe, anh ta còn ngoái đầu lại:

- Cố lên nhé! Chắc chắn các anh phải điên đầu lắm đấy. Không phải với cô gái ấy đâu, vì cùng lắm thì cho thuốc và dán thêm phiếu điều trị. Mà với bạn bè cô ấy kia. Họ sẽ kéo đến và hạch sách anh đủ điều.

Cuộc nói chuyện ngắn ngủi với Ngân và các bệnh án sơ sài, chẳng đem lại điều gì bổ ích. Anh đã nhận điều trị Bạch Lan đơn giản vì anh là người đầu tiên tiếp nhận cô từ tay Ngân. Lúc đó anh chẳng có ý niệm gì về con người cứ giương mắt nhìn anh như nhìn qua tấm kính trong suốt. Bây giờ anh mới biết mình đã gặp một bệnh nhân chẳng lấy gì làm thích thú. Qua ba bệnh viện lớn, không thiếu bác sĩ già dặn, vậy mà chẳng tiến triển gì cả, dĩ nhiên đâu phải dễ thắng cuộc.

Anh đi thăm bệnh ở các phòng khác một cách chóng vánh, rồi bước vào phòng Bạch Lan.

Cô ngồi trên ghế nhìn ra cửa sổ. Ngoài song sắt, những giàn hoa giấy phủ mát rượi mắt nhìn. Mùa thu chưa kịp mặc chiếc áo vàng của mình. Cả khuôn viên nho nhỏ của bệnh viện còn tràn ngập màu xanh của lá, sắc hoa cùng tiếng chim líu ríu giữa sự im lặng thanh tịnh... Anh chỉ thấy sắc lá và ánh nắng mai lấp loáng trong đôi mắt bất động của Bạch Lan. Ngồi ngay trước mặt cô, anh kiên nhẫn ngắm khuôn mặt không một nếp nhăn cảm xúc. Cô ngồi yên trên ghế, hai bàn tay nhỏ nhắn đặt trên đầu gối. Dẫu đang chìm sâu trong vũng lầy mê muội nào đó của ý thức, cô vẫn có dáng khép nép, ý tứ. Anh dừng lại ở đôi mắt của cô. Đôi mắt to, đen láy với hàng mi dài hoàn toàn phù hợp với khuôn mặt thanh tú, nhưng anh nhận thấy ngay cái thiếu sót duy nhất đã làm cô gái trở thành vật thể không linh hồn.

Đó là chiều sâu.

Trên đôi ngươi đen láy, anh thấy cả hình anh đang ngồi, méo mó, kỳ quái với khu vườn lấp loáng nắng sau lưng. Tất cả những hình ảnh đó đến mắt cô, ngưng đọng lại trên bề mặt giác mạc, nhảy múa và vĩnh viễn dừng lại. Đôi mắt không khép kín với anh, nó mở to để anh thấy suốt được tâm hồn cô trống rỗng và vô nghĩa. Cô vẫn đón nhận ánh mắt của anh không một chút phản ứng. Anh kiên nhẫn chờ đợi. Chỉ có tiếng gió xao xác giàn hoa giấy bên cửa sổ. Rồi cô chầm chậm nhướng đôi mày, những nếp nhăn nhỏ xíu xuất hiện trên vầng trán trắng mịn, và lập tức khuôn mặt cô có vẻ sinh động không ngờ. Cát buông ra câu hỏi đầu tiên:

- Cô tên gì?

Đôi môi cô hơi mấp máy, nhưng không hề thốt lên chữ "Bạch Lan" như anh mong đợi.

Anh kiên nhẫn lập lại những câu hỏi ngắn để gợi câu trả lời theo phản xạ, nhưng cô vẫn tiếp tục im lặng. Cát biết không thể cố gắng thêm nữa. Ngày đầu tiên như vậy là đủ. Anh đọc đi đọc lại tập hồ sơ của Ngân. Anh hiểu tại sao những người đi trước đã không muốn thử thách lâu hơn. Dòng chữ "tâm thần phân liệt" chạy dài trên các dòng chẩn đoán của họ. Họ không muốn kéo dài một khi chẩn đoán đã rõ ràng như vậy. Nhưng trong anh bỗng thấy một cái gì sai lạc, cồm cộm giữa chẩn đoán đó với người con gái ngồi kia, đầu nghiêng nghiêng nhìn qua cửa sổ. Suối tóc đổ trên vai hắt ánh sáng mềm mại của mùa thu sắp sửa đi qua... Anh không muốn tin người con gái đó sẽ mãi mãi ngồi giữa các bức tường xám xịt, cười vu vơ với vết vôi loang lỗ, và khóc ngớ ngẩn giữa những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời.

Anh quay về nhà, sau khi dặn cô y tá Thư theo dõi sát Bạch Lan. Suốt đêm đó anh cố nhớ lại những khuôn mặt của các bệnh nhân tâm thần phân liệt đã gặp. Ở họ có những nét thiếu hòa hợp và tự kỹ sâu sắc. Còn Bạch Lan không như thế. Đứng trước cô người ta có cảm giác đau lòng như trước một bông hoa xinh xắn bị cắt rời mạch sống, bị ép khô đi, cánh hoa héo úa, vô hồn nhưng nét thắm và hương thầm vẫn còn phảng phất chưa tàn phai.

Những ngày sau đó anh cho hạ thấp liều thuốc an thần xuống dần dần. Có thể trong chừng mực nào đó, các liều Aminazin lâu nay đã đưa Bạch Lan vào trạng thái trầm cảm. Theo dõi sau vài tuần, Thư báo cho anh biết Bạch Lan đã có những chuyển biến mới. Bạch Lan bắt dầu quen với sự có mặt thường xuyên của Thư và Cát. Ánh mắt cô bắt đầu sinh động hơn. Một hôm Thư kể cho anh nghe chuyện Bạch Lan đã giúp cô tỉa bụi hồng cạnh cửa sổ. Bạch Lan cũng tỏ vẻ xúc động khi Thư mang tặng một hoa đồng tiền xòe cánh với như cánh mặt trời. Cô nâng niu đóa hoa trên tay cả ngày. Tuy nhiên cảm xúc của cô có những dao động lớn. Có lúc cô theo Thư dạo cả buổi sáng trong vườn, có lúc chỉ một mình anh y tá Phùng có khuôn mặt hiền như đất đi qua cũng làm cô nép vào một góc phòng mặt tái xanh. Dường như sự có mặt của đàn ông, trừ Cát ra, đều làm cho cô sợ hãi. Nghiên cứu kỹ hồ sơ Bạch Lan, Cát rút ra một điều là cô đã có một thay đổi đột ngột về tâm thần. Sự rối loạn tâm thần xảy ra mạnh mẽ và nhanh chóng như vậy phải có một sang chấn tâm lý cực kỳ mạnh tác động đến. Anh hiểu mình phải nắm cho được những cái bóng lởn vởn trong đầu óc cô cho đến một hôm anh và Thư bước vào phòng Bạch Lan khi cô đang đứng bên cửa sổ nhìn chăm chú về phía khu vườn. Thư lên tiếng:

- Bạch Lan! Em làm gì đó?

Thốt nhiên Bạch Lan quay người lại một ngón tay nhỏ nhắn đưa lên môi:

- Khẽ chứ! Nó đang ngủ.

Cát bàng hoàng:

- Cái gì?

Bạch Lan thì thầm, giọng tỉnh táo lạ thường:

- Mimosa! Mimosa đang ngủ.

***

Mimosa của Bạch Lan là cái Mimosa nào? Là cánh hoa vàng cao nguyên hay chỉ là một chiếc áo, chiếc mũ hợp thời trang? Tôi đã điên đầu lên vì cái tên đó. Nếu Mimosa chỉ xuất hiện trên môi cô một lần thôi thì chẳng có gì đáng nói, đằng này tôi và Thư đã nhiều lần nghe đến cái tên đó, đặc biệt những lúc Bạch Lan quay mặt ra khu vườn nho nhỏ quanh bệnh viện. Tôi đã cố tìm hiểu cái gì đã gợi cho cô cái tên ấy. Nhưng chẳng thu được gì. Lúc thì khuôn viên trống trơn, lúc thì chỉ có chú chim sâu lích chích chuyền trong cỏ. Nhiều lần tôi cố gợi các hình ảnh về vùng cao nguyên, về màu vàng của hoa Mimosa nhưng đều thất bại. Nhắc đến cái tên Mimosa trước mặt Bạch Lan bao giờ cũng gặp phản ứng. Có lúc mặt cô bỗng tái xanh đi, có lúc ôm mặt khóc, có lúc giận dữ đuổi tôi ra khỏi phòng, chỉ có Thư là còn có thể làm được việc đó khi chỉ có mình cô và Bạch Lan. Có lần khi Thư hỏi về Mimosa thì Bạch Lan nói "Em ghét nó lắm, nó là đồ lăng loàn". Rồi ôm mặt khóc không chịu nói gì thêm. Một lần khác cô nói "Mimosa không thể sống thiếu ánh sáng mặt trời. Cũng như em, thiếu ánh nắng làm màu hồng của nó phai đi". Cô nói câu đó giữa một buổi chiều mùa đông lạnh buốt với những cơn mưa dầm kéo dài hàng tuần. Tôi chỉ hiểu một điều Mimosa chưa chắc phải là cánh hoa vàng của núi đồi. Bạch Lan là người đặc biệt. Cô chịu ảnh hưởng của thôi miên nhanh chóng, nhưng ngay cả trong trạng thái thôi miên sự ám ảnh trong lòng cô cũng không có gì chế ngự nổi. Chỉ cần tôi gợi đến vấn đề về quá khứ là bỗng nhiên cô trở lại như cũ. Những buổi thôi miên làm tôi mệt lả. Quá khứ của cô có một chiếc gai chưa lần ra, động đến làm cô thêm nhức nhối.

Chẳng ai gọi một bức tượng dù tuyệt đẹp, sinh động là con người. Người ta có thể mủi lòng trước một người ăn mặc rách rưới, nhưng lại vỗ tay cười cợt khi thấy một người điên trần truồng giữa phố. Người ta chỉ chờ dịp đau ốm để đến thăm nhau, tặng quà... trong lúc bệnh viện tâm thần suốt năm tháng dài chìm trong cái im lặng và vắng vẻ u uất, mặc dù bệnh điên là bệnh người nhất của con người.

Sự gắng sức của tôi bị đánh giá như một kiểu hiếu thắng lố bịch của tuổi trẻ. Tôi chưa quên câu nói của Ngân trước lúc lên xe. Bạn bè của Bạch Lan chưa làm tôi điên đầu, nhưng các đồng nghiệp của tôi đã đẩy tôi vào sự hoang mang, nghi ngờ.

Nhưng rồi đã đến lúc câu nói của Ngân hiệu nghiệm. Từ lâu nay, nông trường Suối Tiên vẫn gởi viện phí cho Bạch Lan đều đặn hàng tháng, nhưng chưa hề có ai lên thăm. Tôi chờ đợi bè bạn của cô như chờ đợi một tia sáng le lói cho quãng đường mù mịt đang đi. Và tia sáng đó đã đến với tôi trong một chiều mưa như trút nước, đương nhiên chẳng có mặt trời nào ló ra khỏi đám mây xám xịt, ngoài chiếc LADA trắng phóng trên mặt sỏi lạo xạo. Một người đàn bà thấp nhỏ bước xuống, chúng tôi gặp nhau, trước cửa phòng Bạch Lan. Ngay từ lần gặp đầu tiên, chị Hằng - Giám đốc nông trường Suối Tiên - đã gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Nhỏ thó trong chiếc áo khoác, chị có khuôn mặt rắn rỏi, cương quyết hiếm gặp ở đàn bà. Một vết sẹo chạy dài từ trán chéo qua thái dương, vết sẹo nhăn nhúm làm đôi mắt trái xếch lên rất dữ. Trong vẻ bồn chồn, nóng nảy của chị khi hỏi thăm bệnh Bạch Lan có một nỗi thất vọng cố nén lại. Tôi ngắm chị và chợt hiểu vì sao Bạch Lan lại được đưa từ bệnh viện này đến bệnh viện khác, vì sao những người như Ngân phải đích thân chuyển cô đi, vì sao họ ngại giữ cô lại đến như vậy. Khi nhìn thấy Bạch Lan qua cửa kính, chị không cầm được nước mắt. Ngay cả khi chị khóc cũng có nét đặc biệt, những giọt nước mắt tròn trịa lăn xuống gò má sạm nắng, mắt vẫn không chớp không một tiếng nấc. Giọng chị vang lên ráo hoảnh:

- Chúng tôi hy vọng Bạch Lan sẽ còn gặp điều may, sau những bất hạnh nó phải chịu gần một năm nay. Bạch Lan là cán bộ kỹ thuật tại vườn ươm cây. Nông trường Suối Tiên là nông trường lớn, người đông, nhưng hầu hết ai cũng biết nó. Giá mà anh thấy được nó trước đây, một mình với vườn ươm giữa cái nắng khô nứt đất, bụi đỏ và gió làm người đỏ gạch, vậy mà cười nói như không. Người nhỏ nhắn xinh đẹp là thế, nhưng quanh năm chẳng thiếu mặt nó. Khó ai nghĩ thiếu tiếng cười của nó trên các luống mầm. Vậy mà bây giờ... Tôi biết nóng nảy với các anh là sai, nhưng cứ nhớ đến nó trước đây là tôi lại không bình tĩnh nổi...

Tôi hỏi chị, bắt đầu đi vào vấn đề chính:

- Thế cô ấy đã phát bệnh trong tình trạng nào?

Chị trầm ngâm một lát rồi trả lời:

- Ngay đến bây giờ tôi vẫn thắc mắc về chuyện ấy. Buổi chiều nó vẫn bình thường, đột nhiên sáng mai chẳng còn nhận ra ai cả, cười cười khóc khóc.

- Vậy trong sinh hoạt cô ấy có gì bất thường hay không?

Chị trợn mắt:

- Anh muốn hỏi nó trước đây có hay phát rồ không chứ gì? chuyện ấy không có đâu.

Rồi chị dịu giọng:

- Anh biết không, nó còn trẻ, hồn nhiên vô tư lắm. Chưa yêu ai nên anh chẳng lo chuyện nó thất tình đâu. Nó rất yêu loài cây trinh nữ. Thứ cây dại chẳng ai để ý, vậy mà nó đem ví với nó, mọc hoang dại chẳng cần ai nuôi, biết xấu hổ khi có người khác chạm vào, lại có gai để sẵn sàng cho kẻ lếu láo một bài học. Bạn bè nó cũng có kẻ dễ dãi trong chuyện tình cảm, nó hay bảo tụi mày nên bắt chước cây trinh nữ, con gái phải biết khép nép, đến nỗi tụi bạn nó phải cáu lên. Tôi kể anh nghe chuyện này vì duy chỉ có đó là cái tính bất thường cố chấp đặc biệt của nó thôi.

Chị nhìn đồng hồ, nói nhanh:

- Tôi bận lắm, có việc phải đi gấp. Gặp anh tôi yên tâm hơn đôi chút, chúng tôi đặt hy vọng cuối cùng vào anh đó.

Tôi có hỏi thăm khi chị bước lên xe: - Thế trong đêm trước hôm phát bệnh, cô ấy có đi đâu không?

Chị ngẩn người ra một giây, rồi lắc đầu quả quyết.

- Không! Nó ở nhà cả đêm hôm đó. Đêm đó mưa lớn mà. Người ở cùng nó đi vắng, nên nó phải giữ nhà.

Tôi buông ra câu hỏi quyết định, từ nãy giờ tôi vẫn chưa dám hỏi vì e hy vọng duy nhất của mình bị tiêu tan:

- Cô ấy có lần nào nói đến cái từ Mimosa hay không? Có lần nào cô ấy đi vùng cao nguyên chưa?

Chị đã lên xe, đôi mắt qua khung cửa thoáng nét diễu cợt:

- Hai năm nay nó chưa đi phép lần nào. Suối Tiên là quê hương cô ấy. Còn Mimosa ư? Đó, nó đang nằm ngay dưới chân anh. Vì nó và cô ấy gắn liền nhau như bóng với hình nên bạn bè còn gọi nó là Lan Mimosa.

Tôi nhìn xuống chân và đứng lặng người. Đầu óc xoay cuồng. Tiếng nổ máy xe và lời chào của chị Hằng léo nhéo bên tai. Dưới chân tôi, một bụi cây dại với những bông tròn như viền bi nhỏ, màu hồng phơn phớt tím. Bụi cây hoang dại quen thuộc cho đến nỗi người ta đã quên đi sự có mặt của nó phủ đầy trên lối đi của bệnh viện..."

Cát ngừng nói, đưa tay xuống bục nâng lên một chậu nhỏ lòa xòa những nhánh dài bò tỏa ra. Những bông hoa tím hồng, nhỏ nhoi giữa đám lá xanh e thẹn cứ cụp lại khi bàn tay Cát chạm đến. Mọi người ngỡ ngàng nhìn thứ cây dại tầm thường ấy trong lúc giọng Cát lại vang lên, đều đều và rõ ràng:

- Đây là cây Trinh Nữ, cũng là cây Ngủ Ngày cũng là cây Xấu Hổ. Tên khoa học là Mimosa, đầy đủ hơn là Mimosa pudica.

***

Anh ngồi ngắm hàng giờ những bông hoa tròn trịa, màu tím hồng phai đi trong mùa mưa, có chỗ lốm đốm trắng, anh đưa tay sờ nhẹ vào tán lá, những cánh lá vội vàng khép lại, như những hàng mi dài cụp lại trên đôi mắt ngái ngủ. Loài cây quen thuộc với anh biết bao nhiêu, lúc anh còn là thằng bé chân trần chạy qua đường làng lỗ chỗ chân trâu. Bọn anh đã từng đánh đố nhau, nín thở ngắt một đóa hoa nhỏ và không làm cây khép lá. Bao giờ bọn anh cũng thất bại. Những chiếc lá nhạy cảm hơn bàn tay khéo léo của anh. Như có linh hồn, chúng nhởn nhơ xòe rộng trong cơn gió. Vậy mà một ngón tay anh vừa chạm khẽ, những hàng mi dài đã vội khép im im thin thít, chỉ đến khi chú bé đi khỏi lá mới mở ra cười với nắng.

Lớn lên, anh quên đi loài cây thời niên thiếu, mặc dù nó đã bao lần dập nát dưới chân anh. Và cái tên thực sự của nó cũng bị người ta quên đi, nhường lại cho loài Mimosa cao lớn, rực rỡ hoa vàng.

Nhưng đó là chuyện đã qua. Đối với anh bây giờ, Mimosa không phải là hoang tưởng trong tri thức mù mịt của Bạch Lan. Có nghĩa là lập luận của anh đã đúng bước đầu. Bạch Lan chỉ là một trường hợp loạn thần phản ứng, một sang chấn tâm lý cực kỳ mạnh đã tác động đến cô trong thời gian một đêm ngắn ngủi. Điều khủng khiếp đến với cô trong đêm ấy không một bạn bè chứng kiến đã đẩy cô vào trạng thái rối loạn tâm thần, thay đổi toàn bộ thói quen. Từ chuyện xem Mimosa như một biểu tượng cho người con gái. Bản thân, cô lại ghét bỏ cho "nó là đồ lăng loàn". Một thói quen đã thay bằng một định kiến trái ngược. Điều gì trong cái đêm ấy đã gây nên sự biến đổi dữ dội ấy?

Anh bứng một gốc Mimosa vào chậu. Một buổi chiều thầm lặng của khu bệnh viện, anh bước vào phòng Bạch Lan. Buổi thôi miên được anh chuẩn bị chu đáo. Phòng kéo màn tối, chỉ một ánh đèn duy nhất ở cuối phòng hắt ánh sáng qua loa chụp. Bạch Lan nằm trên giường, khuôn mặt bình thản không một nếp nhăn suy tư. Giọng anh đều đều, chậm rãi, kéo dài từng chữ nghe thoang thoảng như hơi thở:

"Toàn... thân... yên... tĩnh

Tâm... thần... thư... thái..."

Toàn thân anh căng thẳng tột độ, tâm trí tập trung vào ý chí muốn chế ngự, khép con người trước mắt vào ý nghĩ của mình.

Từng lời, từng tiếng một tan loãng vào cái yên lặng đặc quánh. Khi đã đánh giá Bạch Lan bắt đầu chịu tác dụng thôi miên, anh đi vào mục đích:

- Hãy ngồi dậy! Hãy xoay người nhìn vào tôi.

Cô ngồi dậy, chậm rãi đối diện với Cát.

Anh biết đã đến lúc quyết định, nhưng anh không hấp tấp. Từng lời, từng chữ anh dìu cô từ từ trở lại quá khứ xuyên qua màn sương mù của ký ức, thật nhẹ nhàng và ý tứ tránh các xúc động mạnh.

- Thời gian trôi qua như gió thoảng. Những đại thụ hùng vĩ ngày nào còn là mầm non bé tí. Nông trường Suối Tiên, những buổi trưa bụi đỏ tung bay... Vườn ươm cây với những chồi non tách mầm nhô lên từ lòng đất Suối... Tiên...

Có cái gì đó đang đến trong đôi mắt Bạch Lan, như sự trở lại của tia sáng chói qua lớp mây mờ làm đôi mắt cô sinh động hơn.

- Những cô gái nô đùa bên suối, e thẹn cười sau đám lá xanh. Như những trinh nữ, người con gái phải biết xấu hổ, phải biết giữ mình. Như những bụi Mimosa, chiếc lá khép vội dưới bàn tay người lạ.

Bạch Lan có sự thay đổi thấy rõ. Đôi tay trên đầu gối run run. Cát buông ra một mệnh lệnh:

- Nhìn lên bàn!

Bạch Lan đưa mắt hướng về phía chiếc bàn thấp, nơi đặt bụi Mimosa lòa xòa thân lá, những chiếc lá xòe rộng như đôi mắt ai mở to vô tư.

- Hãy nhìn những cánh Mimosa! Cô đã từng yêu thích nó phải không Lan

Mimosa! Tại sao cô không nâng niu nó như trước? Tại sao?

Bạch Lan hét lên người run bắn, giọng hổn hển pha những tiếng nấc:

- Không! Nó không còn là trinh nữ. Nó đã thần phục hắn. Tôi cũng không còn là nó, không còn là trinh nữ.

Giọng cô lắp bắp, tiếng được tiếng mất. Cát hiểu anh không khai thác nhanh thì mọi việc sẽ đổ vỡ hết. Anh hỏi gấp:

- Trong đêm mưa cô ở nhà một mình, cô và Mimosa đã gặp chuyện gì?

Bạch Lan đưa tay ôm mặt, giọng đầy sợ hãi xúc động.

- Không phải tại Mimosa! Nhưng nó đã phản lại tôi. Hắn... thằng Quang... tôi không chịu thua hắn. Nhưng tại sao nó lại chịu thần phục... Trời ơi! Làm sao tôi có thể chống lại hắn. Hắn... hắn là người duy nhất Mimosa không hề biết xấu hổ.

Cô buông tay ra, mắt trợn trừng nhìn bụi Mimosa, vẻ hoảng loạn bộc lộ tột độ:

- Hắn đến... sờ vào nó. Những chiếc lá không khép. Nó không khép. Hắn bảo dưới bàn tay hắn tôi và nó không thể phản kháng, không được chống lại. Nó đã thần phục. Chỉ còn tôi. Trời ơi... Làm sao tôi chống lại hắn...

Những tiếng sau cùng vấp nhau, tắc trong thổn thức, chỉ còn nghe cô nức nở. Đột nhiên cô ngừng khóc, bước lại bên bàn, tay đưa ra sờ nhẹ lên một cành trinh nữ. Chiếc lá khép lại đột ngột. Bàn tay cô ngừng lại trên không, rồi rơi xuống bất lực:

- Không một ai, không một ai ngoài hắn có thể làm nó vâng lời, kể cả tôi. Chỉ một mình hắn...

Tiếng cô gào lên mỗi lúc một rõ giữa cái yên lặng trầm uất của bệnh viện Tâm Thần. Cát hiểu mình nên ngừng lại ở đây.

Anh đã thu được kết quả ngoài sự mong đợi. Không còn nghi ngờ gì nữa, cái bóng đen ám ảnh cô đang hiện dần lên rõ nét. Cái bóng ấy đến với cô trong khoảnh khắc, xáo trộn toàn bộ tâm thần và chế ngự cô không phút nào buông tha. Cái bóng đó tên là Quang, dẫu sao vẫn là bóng mờ anh chưa hề nhìn thấy rõ trọn vẹn con người hắn. Đoạn đường anh đi đã đến đoạn cuối, muốn chấm dứt anh còn phải đi những bước cuối cùng. Nông trường Suối Tiên là điểm cuối của cuộc hành trình và anh quả quyết bước.

Chuyến xe khủng khiếp chở anh đến nông trường dằn những cái xóc ê ẩm cả người. Và kia rồi, nông trường của bụi đỏ, nắng và gió. Nhưng chưa hết cái nắng và bụi đỏ chợt qua đi, nhường lại cho mưa dầm dề và lớp bùn đỏ ối bám lấy chân anh. Tất cả nhọc nhằn đó đã bù đắp lại cho anh hai cái may lớn. Cái may mắn thứ nhất đến với anh ngay trước cửa vào nông trường bằng sự ngạc nhiên và mừng rỡ của chị Hằng khi chạy qua mưa đón anh vào phòng khách ấm cúng. Cái may thứ hai lớn hơn nhiều, anh đã nhìn rõ được cái bóng mờ lởn vởn trong tâm trí Bạch Lan. Hắn là Lê Việt Quang, bác sĩ của Nông trường. Nông trường Suối Tiên - nơi cà phê, đậu phụng, dứa, cao su bạt ngàn - có hơn mấy nghìn nhân công, trạm y tế tại đây qui mô khá lớn, nhưng cơ cấu cán bộ chuyên môn thì chẳng bao nhiêu. Rất đơn giản vì đất đen, bụi đỏ và ếch nhái không lôi cuốn nổi những người đã quen với thành phố náo nhiệt. Quang là một trường hợp đặc biệt. Chính hắn đã tự động xin về đây, làm mọi người rất ngạc nhiên - và tất nhiên vô cùng mừng rỡ. Nhưng chẳng bao lâu ai nấy đều vỡ lẽ. Trong một buổi trực ở bệnh viện trước, hắn say rượu túy lúy, dẫn đến một bệnh nhân chết trong phòng cấp cứu. Biết dù có được che đậy cũng khó tránh kỷ luật, hắn đâm đơn về đây, như một chỗ nương náu nhất thời. Chuyện kỷ luật vừa mới nguôi ngoai, hắn đã ngấy nông trường đến tận cổ. Chút lưu luyến còn giữ hắn lại là Bạch Lan. Sự từng trải của hắn bị thiêu đốt trước vẻ hồn nhiên vô tư của Bạch Lan, hắn theo đuổi cô đến điên cuồng, chiều chuộng cô đủ thứ nhưng chẳng đi đến đâu. Khó có thể hiểu được trong lòng cô gái nhỏ nhắn đó nghĩ gì khi mỗi lần bị hắn theo riết quá cô lại cười khanh khách chỉ vào các bụi trinh nữ tràn lan khắp nơi "đấy, anh xem! Cây dại còn biết giữ gìn như vậy, thử hỏi làm sao em dám nhận lời đi với anh kia chứ!" Câu nói đó không phải chỉ dành cho mỗi mình hắn, mà với tất cả những chàng trai theo đuổi làm cô bực mình không chỉ một lần, mà nhiều lần hắn đã bị cô trêu chọc "anh thấy nó xấu hổ kia kìa! Anh mà bảo nó nghe thì em mới vâng lời!" Đó là câu từ chối không hề làm ai giận, vì cô thường biến sự thất vọng của các chàng trai thành sự bông đùa, chẳng làm ai bẽ mặt. Riêng hắn thì sau những lần như vậy, hắn chẳng nói một lời, đôi chân dí trên đám hoa dại cho đến lúc chúng chỉ còn là đám hoa tan nát. Bẵng đi một thời gian mọi người không thấy hắn đến vườn ươm của Bạch Lan nữa. Một tuần sau khi Bạch Lan phát bệnh, hắn bỏ nhiệm sở về thành phố. Mọi người không ngạc nhiên, vì từ lâu nay những lá đơn xin chuyển nơi công tác của hắn đã làm đầy những hồ sơ không được xét. Hắn ra đi vào một sáng sớm, không người đưa tiễn, cái bóng mờ cũng tan loãng luôn từ đó.

Cát ở lại nông trường ba ngày. Câu chuyện trên anh thu được từ trên luống cày của anh chàng lái xe ủi vui tính, từ miệng của chị cấp dưỡng, từ những người trong vườn ươm cây, và của cả chị Hằng. Anh đến nhà cô, ngôi nhà vách gỗ nằm giữa khu vườn nhỏ ngập tràn hương sắc đủ loại hoa. Anh đã gặp chị Sương, người ở cùng nhà với Bạch Lan nghe chị kể về cái đêm ấy, cái đêm Bạch Lan một mình với cái bóng khủng khiếp đẩy cô vào nỗi tuyệt vọng cùng cực của một niềm tin bị sụp đổ, vào thác lũ của những ám ảnh kế tiếp nhau không dứt. Cái bóng ấy đã để lại trên sân nhà những đầu lọc thuốc lá đắt tiền của người sành điệu ăn chơi. Nhưng điều ấy chị Sương nghĩ nói ra để làm gì, cả chuyện những bông hoa Mimosa không hiểu từ đâu đến, bị ai ném dưới chân bàn. Anh đã hỏi, đã lắng nghe và trầm ngâm đứng lặng hàng giờ giữa căn phòng Bạch Lan, mắt ngắm ngọn đèn tọa đăng trơ vơ giữa phòng, tâm trí dần dần hiện ra một câu chuyện đã xảy ra tại đây gần một năm về trước, một câu chuyện chính xác như thế, hoặc có thể khác đi nhưng cốt lõi của nó nhất định đã từng tràn xuống căn phòng này...

***

Ngoài trời mưa mỗi lúc nặng hạt.

Trong cái tĩnh mịch thanh vắng của vùng quê, nghe tiếng mưa rơi dù sao cũng là điều dễ chịu. Bạch Lan lắng nghe tiếng mưa rơi hồi lâu, dần dần trong lòng cô chỉ còn lại sự ấm áp. Trang sách trên tay dừng lại nửa chừng, chợt cô nghe tiếng mưa thay đổi đột ngột. Có những tiếng lộp bộp như mưa rơi trên lá chuối, nhưng cái lá chuối ấy đang tiến về phía cửa nhà cô.

"Có người đến" cô nghĩ thầm, nhớ đến chị Sương và lười biếng giở tiếp trang sách. Cửa mở, bóng người cao lớn hiện ra, màu áo choàng đen làm căn phòng chật trở nên chật chội, ướt át. Cô ngước mắt nhìn và cau mày khi nhận ra Quang. Cô chẳng mấy thích có người đến phá vỡ buổi tối yên tĩnh, nhất là Quang, người đối lập tính tình với cô như nước với lửa. Hắn đặt áo mưa vào góc phòng, tiến đến bên bàn và kiểu cách đưa tay ra. Bạch Lan thu mình vào cái vỏ bông đùa cố hữu:

- Có nên chăng khi nắm lấy một bàn tay ướt lạnh đến thế kia!

Hắn bỏ tay xuống, tự nhiên kéo ghế ngồi châm thuốc hút, khuôn mặt thoáng nhăn lại qua màn khói:

- Dù sao em cũng là người đặc biệt, dẫu hơi chua cay nhưng khó có thể tìm được người xinh đẹp và thông minh hơn em.

Bạch Lan thả cuốn sách, hai tay ôm lấy cằm:

- Anh cũng là người đặc biệt, lội bộ trong mưa chỉ để nhắc lại những câu nói quen thuộc.

Hắn ngồi yên. Bạch Lan nhìn khuôn mặt hắn và hơi rùng mình. Hắn ngồi trước mặt cô, đôi mắt dưới hàng mày rậm ánh lên lạnh lùng không hề chớp. "Hệt như mắt rắn" cô nghĩ thầm. Và vì tính bướng bỉnh, cô không thèm quay đi nơi khác. Hắn cất tiếng, giọng đều đều chậm rãi, lẫn trong tiếng mưa rơi:

- Tại sao Lan ghét tôi đến thế? Vì tôi lố bịch ư? Hay vì cuộc sống ở đây lôi cuốn hơn những điều tôi hứa hẹn? Cô hãy nghe tiếng mưa. Mưa rơi trên luống đất của cô ngọt lịm và mát rượi, còn lòng tôi chỉ cảm nhận được nỗi cô đơn và lạnh lẽo. Chúng ta mỗi người có một âm điệu riêng trong cuộc sống. Sao cô chẳng thấy thời gian trôi qua, tuổi trẻ và sắc đẹp của cô ra đi như dòng nhựa thoát khỏi thân cây tươi tốt, cây sẽ gục ngã vùi dưới đất đen, như cuộc đời cô vùi xuống quá khứ cho sự thành công của kẻ khác. Hiện tại của cô cũng chỉ là con số không tròn trĩnh, nhỏ bé chưa bị đất cát vùi lấp, vô nghĩa đến nỗi những kẻ ngồi trên LADA trắng phóng qua cũng chẳng nhớ mình đã từng tựa trên cái gì...

Càng nói, giọng hắn càng nhỏ nhẹ, êm ái tựa hồ như đang nói về một chuyện gì đó, không liên quan đến một ai cả. Bạch Lan bỗng thấy có cảm giác là lạ trái ngược. Rõ ràng cô đang nghe và hiểu hết cái giọng điệu thường ngày cô rất ghét, vậy mà bây giờ cô hoàn toàn không có cảm giác chống đối lại. Dường như nhịp điệu đều đều của lời hắn và tiếng mưa rơi dần ăn nhập vào hồn cô. Từng lời, từng lời gõ vào tâm trí cô đều đặn và êm ái như tiếng ru:

- Tôi khát khao em. Em đừng chống đối, hãy nghĩ đến cuộc sống chỉ cần sự mềm mại và thỏa hiệp. Hãy đến nằm trong vòng tay tôi để nghe tuổi trẻ và sắc đẹp của em nói rằng chúng cần được hưởng thụ...

Bạch Lan cảm thấy một màn sương mù mỏng manh nhưng rất dai bọc lấy tâm trí mình. Cô vẫn nghe hắn nói và không phản kháng, tựa hồ hắn đang nói với một ai đó. Chỉ có điểm tự vệ bản năng đàn bà còn thức tỉnh nhắc nhở với cô "nguy hiểm lắm, nguy hiểm lắm". Cô gượng thốt lên câu nói quen thuộc, gần như là phản xạ:

- Anh đừng quên tôi không bao giờ nghe lời anh đâu. Những cánh lá Mimosa cũng biết khép lại khi anh chạm vào.

Mắt hắn bỗng sáng rực. Hắn đã chờ giây phút này quá lâu rồi, cái giây phút hắn xoa dịu được nỗi thèm khát và lòng hận thù day dứt vì tự ái bị xúc phạm. Ham muốn man rợ, mãnh liệt của ý nghĩa diệt kẻ thù bằng chính vũ khí của nó làm hắn sôi sục. Như trong cơn mơ, tay hắn từ từ nâng một bụi Mimosa lòa xòa trong một chậu nhỏ đặt lên bàn. Những chiếc lá xanh mở rộng như đôi mắt tròn xoe nhìn Bạch Lan chào hỏi. Cô hồi tỉnh đôi chút:

- Đúng, đấy là cây trinh nữ. Nó sẽ không bao giờ nghe lời anh đâu.

Giọng hắn nhẹ như hơi thở:

- Dưới bàn tay tôi, Mimosa sẽ không khép nữa. Em hãy nằm yên như những cành lá này chỉ khuất phục mỗi mình tôi.

Hắn đặt tay lên những chiếc lá. Phiến lá trơ ra không khép. Hắn lay động mạnh, các cành lá vẫn trơ ra, bất động trước đôi mắt mở to kinh hoàng của Bạch Lan.

- Hãy nằm yên, hãy mềm đi như một nhánh cỏ. Em không thể cưỡng lại được đâu. Hãy ngoan ngoãn như nó, hãy chỉ cho tôi biết sự dịu ngọt của đàn bà.

Mắt cô vẫn mở, vẫn thấy rõ những ngón tay hắn tàn nhẫn ngắt bỏ các bông hoa tím hồng, dày vò ngọn cây, nhưng những chiếc lá vẫn xòe rộng chịu đựng. Có một cái gì đó đang vỡ ra trong cô, sụp đổ tan tành không gượng lại được. Đầu óc cô chìm dần vào khối sương mù đặc quánh, hỗn loạn, tất cả dường như đang thiếp đi, chỉ có một vài điểm còn thức tỉnh, nhưng những điểm đó lại gào thét nói với cô rằng hắn nói đúng. Rằng cô phải chịu khuất phục trước hắn mà không thể chống cự.

Bóng hắn nhô lên, che khuất cả ngọn đèn giữa phòng. Cái bóng ấy tiến lại phía cô, dần dần lớn lên che lấp cả, chỉ còn trong đầu óc cô những điểm luôn miệng kêu gào hắn đúng, hắn đúng...

***

Mọi người lặng thinh, xúc động ngắm bụi cây dại thứ hai Cát vừa mang ra. Vẫn là cây trinh nữ bình thường như mọi cây khác, với những chiếc lá chưa khép. Anh nâng những nhánh dài lên cho mọi người thấy rõ, rồi sờ lên mặt lá. Những chiếc lá vẫn xòa rộng, không khép. Anh ngắt những bông hoa tím hồng, cành lá vẫn bất động. Giọng nói của anh lại vang lên át cả tiếng ồn ào bất chợt lao xao cả hội trường:

- Đây là một cây Mimosa đang ngủ, đúng như vậy! Nó đang chìm trong một giấc mê. Tôi đã đặt nó vào trong một bình chứa đầy hơi ê-te có một điều ít ai chú ý là ê-te có dụng gây mê lên cả thực vật, và Mimosa đã mê đi trong giấc ngủ sâu và nặng nề, không còn các phản ứng sinh hóa, không còn phản ứng cụp lá lại khi có lực bên ngoài tác động vào. Trong các buổi thôi miên vừa qua, tôi đã dùng phương pháp này - và có thể cũng là phương pháp Lê Việt Quang đã sử dụng - để ám thị cho Bạch Lan xóa bỏ các định kiến bệnh lý. Tôi đã cho cô ta thấy trực tiếp Mimosa thiếp đi trong giấc mê, như những cơn mê mà chính con người cũng không thể cưỡng lại được. Tôi đã sờ vào lá, Bạch Lan đã sờ vào lá - và cành Mimosa vẫn mở rộng dưới bàn tay chúng tôi. Kết quả của những lần ám thị và sự hồi phục của tư duy trong thời gian qua đã giúp cô dần dần thoát khỏi cơn loạn thần phản ứng. Và chỉ có sự tỉnh táo, sáng suốt trong chính con người mình mới là điều cốt yếu, thay vì đi dựa vào những biểu tượng vô tri...

Anh còn muốn nói về những đêm dài trằn trọc, những điều còn nặng trĩu trong lòng anh, nhưng một tia nắng đập vào cửa kính khép hờ lóe lên trong mắt làm anh ngừng lời. Đàng kia nơi cuối hội trường, một cô gái nhỏ nhắn đứng tựa lưng vào tường đang ngước mắt nhìn lên bục. Chẳng ai để ý đến cô cả, ngoại trừ anh đang bỡ ngỡ nhìn xuống. Bắt gặp đôi mắt của anh, khuôn mặt cô đỏ ửng lên.

Hội trường vẫn chìm trong yên lặng.

Có ai đó đẩy cửa sổ, và mùa xuân theo gió ùa vào phòng, tiếp tục thổi vào lòng mọi người những điều kỳ diệu chưa hiểu hết của cuộc sống. Và trên bục những cành Mimosa cũng bừng tỉnh sau giấc mê dài, những đôi mắt lá lại hấp háy, khép mở cợt đùa với gió xuân.

Huế 22-11-1987
C.T.H.
(SH31/06-88)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Với Thạch Lam (06/08/2014)