Tạp chí Sông Hương - Số 307 (T.09-14)
Tôi về với những ngày xưa cũ
09:59 | 26/09/2014

LTS: Bài văn dưới đây nhận được điểm tuyệt đối, đứng nhất vòng sơ loại cuộc thi Cây bút tuổi hồng 2014 (dành cho học sinh từ 7 đến 16 tuổi trên toàn quốc). Nguyễn Trương Khánh Thi đã nhìn ngược về những tháng ngày mình chưa trải qua, nhưng đó là những rung cảm thật sự, mở ra chiều tưởng tượng phong phú về một tương lai rất gần.

Tôi về với những ngày xưa cũ
Ảnh: internet

NGUYỄN TRƯƠNG KHÁNH THI  

Tôi về với những ngày xưa cũ


Chưa tới ga, ngồi trên tàu tôi đã ngửi thấy cái vị đời bon chen và rộn ràng. Bao nhiêu năm qua, Huế của tôi vẫn hiền thế, vẫn dịu dàng thế làm tôi nhớ đến khoảng thời gian tà áo dài mình tung bay mọi nẻo đường…

Bước xuống, chân chạm vào đất sau hơn một ngày chề ê mỏi mệt trên tàu hỏa. Đập vào mắt tôi bấy giờ là sân ga Huế quen thuộc, nơi hồi bé tôi vẫn lên những chuyến tàu để vô quê nội. Còn nhớ cách đây tám năm, tôi đến đây với một chuyến đi xa trước mắt. Năm ấy, tôi đậu đại học báo chí ở Sài Gòn và cũng kể từ đó, tôi cũng phải tập quen cách sống ở một nơi khác quê hương. Học xong, tôi xin được việc trong một tòa soạn báo. Tất nhiên, tôi đâu phải đi ròng tám năm, hè tôi về chơi vài bữa rồi lại đi… Nhưng bây giờ khác, tôi về luôn với Huế, sau những chia li tận mấy năm liền tôi đã quyết định chuyển công tác. Tôi về để báo với quê hương, tôi ở đây chứ không phải là khách trọ như tám năm qua nữa.

Tiếng các chú lái xe ôm kêu kêu, vẫy vẫy, những chiếc taxi đậu quanh ga đợi khách bấm còi inh ỏi. Tôi không nói trước với mẹ rằng hôm nay sẽ về, lẽ ra phải là tuần sau nhưng vì kế hoạch chuyển công tác được chấp thuận sớm hơn dự định. Không ai đón tôi, tôi cũng chẳng muốn đi xe ôm hay taxi. Mỉm nhẹ môi, điều tôi muốn nhất bây giờ là gì nhỉ? Tôi kéo va li và đi bộ dọc đường bờ sông sáng sớm sau ngần ấy năm không hề thay đổi. Duy nhất có đoạn hồi tôi cấp ba, cầu Bến Ngự được sửa sang lại và từ đó đến giờ, vẫn cái cổ kính của dòng sông… Gió mát quá, tôi không kịp tóm lấy chiếc mũ đang bay về phía dưới cầu. Tôi tiếp tục trên con đường đi, qua những hàng cây mình nhớ da diết lúc còn ở Sài Gòn, tôi nhớ những ngày lao động cấp hai, lớp tôi tập trung làm sạch khúc cầu này… thế mà giờ đã quá xa về một phương trời. Mấy đứa bạn cấp hai có nhớ tôi không? Huế lại gợi cho tôi về chúng, mười mấy năm qua tôi cũng không liên lạc được nhiều người. Học rồi lại thi, học xong đại học cứ ngỡ nhẹ nhõm nhưng ra đời công việc lại mệt mỏi vô cùng. Tôi đã trải qua nhiều cảm giác mới lạ khi là một kẻ độc thân ở tòa soạn báo trong Sài Gòn, tôi viết miết về tình yêu hạnh phúc, về sự tuyệt vời của những người độc thân vui tính và… về Huế - quê tôi. Tôi thức đêm, trưa không ngủ đến nỗi nghiện mất cà phê đen, uống hoài cũng quen. Ở trong hối hả và bận rộn đến nỗi mỗi ngày của tôi tính đến tỉ lệ ngày bình yên là rất ít. Nhưng không lúc nào trong đầu tôi không nghĩ đến quê hương, bạn bè và gia đình. Tôi nhớ cái món cơm hến thuở trước, đã bao lâu rồi tôi chưa được nếm? Ở gần nơi tôi làm việc có khu ở của người Huế, họ bán cơm hến Huế nhưng tôi lại luôn thấy tất cả đều thuộc về Sài Gòn. Hến cũng là hến trong Nam chứ không được vớt từ những khúc sông ở Huế. Đôi lúc ngồi ăn lỡ vài ba câu so sánh làm người ta thấy mình sến sẩm, xấu hổ thật! Tôi đi bộ đến cầu Trường Tiền, giờ đây nó đẹp quá! Mấy dạo hè tôi về chưa kịp ngắm kĩ sự thay đổi của nó. Hồi trước, cứ cuối tuần nào cũng ra đây ăn cóc, xoài, ổi mà bây giờ các quán hàng rong đã dẹp, ôi những ngày bình yên! Tôi nhìn thời thiếu nữ trẻ trung đang xa dần trên những cành phượng vĩ đỏ rực, cái loài hoa lãng mạn và nồng nàn một thời tôi được nhận từ các chàng nam sinh. Tuổi học trò đẹp đến thế mà chỉ khi ở Huế tôi mới nhớ được những kỉ niệm đã qua và những tháng ngày đã cũ. Ở trong ấy, tôi có nghĩ ra nhưng sao hoài không nhớ. Chỉ mang máng một kỉ niệm màu trắng phe phất quanh những bộn bề lo âu và những lo toan cho cuộc đời sắp tới. Về đây, tôi thả mình trong dòng nước trôi êm dưới dòng sông kia, mơ hồ và lặng thinh đầy hứa hẹn một khoảng trời yên ả. Nhìn phía các dãy ghế đá, các cặp tình nhân tay trong tay hạnh phúc trọn vẹn… mới nhớ sao mình vẫn chưa có người yêu? Hồi trước cũng khá nhiều nhưng bây giờ thì ngán quá, cô đơn hoài cũng mệt mà cũng sướng. Huế có đông đúc mấy ta cũng sẽ tìm thấy một vài chỗ đang cô quạnh đấy thôi, huống gì lòng người đầy mông lung và suy ngẫm lại có lúc chán chường và chỉ muốn một mình trên mọi nẻo đường? Tôi biết mình sinh ra để sống và yêu thương nhưng bây giờ với tôi yêu một ai đó thật khó và để có niềm tin trong cái thời đại này cũng mệt mỏi vô cùng. Tôi ngồi đến trưa mà không biết đã trưa. Đứng trước dòng sông quê hương lòng mình không thể nói dối, bao nhiêu cảm xúc cứ ùa ra và tan theo gió… bỗng suy nghĩ thật nhiều và nhiều mấy cũng thấy không đủ. Chợt đói bụng, tôi men theo con đường giờ đã rộng ra nhiều để tìm một quán ăn nhanh. Một lúc mới chợt nhận ra những tiệm chụp ảnh, tiệm bán băng đĩa đã dẹp tự bao giờ. Lòng bỗng hối tiếc, cái hồi đi chụp ảnh với ba và đi mua đĩa game với anh trai, hồi ấy ở đây lúc nào cũng đông con nít. Và như nhớ lại, tôi liếc qua công viên thiếu nhi và chợt đắm mình trong cái già cỗi đầy lưu luyến. Té ra mình đã lớn thế này, chính mình cũng thay đổi… huống gì? Chẳng thể ngồi vừa chiếc tàu con sâu cũ kĩ đến không còn. Nơi tôi thường hướng ra con đường màu xanh kia, nơi cha chậm rãi bước đi với những nụ cười nhẹ như chiếc lá rơi… Có lẽ tôi về đây vì một lí do gì? Hay vì Sài Gòn quá rộn đến không đáp ứng được nỗi buồn của tôi khi tỉ lệ lên đến ba trăm ngày mỗi năm, sáu mươi ngày còn lại là vu vơ, ngẩn ngơ đâu đâu và năm ngày kia thì không nhớ gì… Đó là lí do vì sao tôi không uống rượu mà gió thổi quá cũng thấy say. Tôi say với tất cả những cảm xúc mơ mộng lạ đời, một chiếc lá rơi cũng thấy buồn, một hạt mưa lăn trên má cũng thấy mình như bị bỏ rơi. Vì thế mà theo phước phần số phận tôi phải trở về nơi sống hợp nhất với mình. Bởi lẽ tôi và Huế… chúng tôi có gì đó không được phép tách rời. Cũng như cây rong vốn ở nước lâu đâu thể cắm trên cạn? Và râu đàn ông cắm lên má đàn bà được sao? Tôi cười khì, ngốc nghếch và trẻ con. Nhưng lúc sau lại nhận ra mình không phải trẻ con nữa, ôi chán! Muốn tưởng tượng tí cũng không được… Và một hồi tôi cũng nhận ra thêm một điều đó là đói bụng mà vẫn chưa được ăn… mau quên đến thế là cùng! Quán Bà Đỏ, người Huế có ai là không biết? Tôi từng là khách quen ở đó, vì tính tôi đã nghiện thứ gì là ăn mãi, làm mãi cho chán thì thôi, và tôi cũng đã ớn một thời gian dài ơi là dài. Nhưng ở Sài Gòn ngần ấy năm, thèm khiếp! Giờ bước vào quán, đã được tân trang và mở rộng hơn xưa rất nhiều. Tôi nhìn mãi để tìm bà Đỏ mà quên mất tôi lớn thế này thì bà cũng đã già đi nhiều. Bà bây giờ nghỉ ngơi ở nhà còn chị con gái lớn thì quản lại tiệm bánh, tôi nhớ chị vì hồi bé chúng tôi thường trò chuyện. Nhưng giờ mọi thứ đã khác, thôi thì tôi như kẻ lạ qua đường ghé vào ăn. Vốn biết mình cũng chỉ là một trong cả ngàn khách hàng đã từng ghé. Ngồi vào chiếc bàn trắng có lọ hoa nhỏ xinh, mỗi thứ bánh tôi kêu một dĩa. Người ngoài cứ tưởng tôi ăn khỏe lắm cơ nhưng vì tôi quá nhớ cái mùi vị tôm cứ đấm bùm bụp vào lỗ mũi. Người ta dọn ra cho tôi, bây giờ họ bóc sẵn chứ không gói như xưa nữa. Ờ! Tiện quá nhưng mà mất đi một công đoạn cũng hơi bối rối, chán chán. Tôi bắt đầu bữa trưa của mình với biết bao con người trong kí ức cũ đã ngồi đây cùng tôi chợt ùa về, tôi bỗng cười một mình, vu vơ tự kể cho mình một câu chuyện thầm nhắn nhủ những ngày xưa đã xa đến tận chân trời. Chỉ còn những miếng bánh thơm ngon là ở đây! Thôi thì cứ ăn thôi… liệu bao giờ mới từ bỏ được thói quen cứ tưởng nhớ đến kỉ niệm? cứ để việc này xen vào việc kia? Ôi chán quá đi thôi! Ngồi ăn một mình chả khác gì lái xe một mình đến một đất nước chỉ có một mình và sống một mình… Chặp thấy mấy người quanh cứ nhìn chằm chằm, thì ra nãy giờ mình lầm bầm một mình. Xấu hổ quá! Ăn mau ăn nhanh, nhiều vậy mà ăn hết… rồi nhanh chóng tính tiền và rời khỏi.

Bước ra đường, cái chỏng chơ quay trở lại. Lần này tôi quyết định kêu một chiếc taxi, đi bộ không nổi nữa! À mà bây giờ giống nước ngoài ghê, không cần gọi, vẫy tay là taxi tới, hay thiệt! Tôi chống nạnh thật ngầu và búng tay tách tách. Thế mà nó không tới với tôi, nó qua chỗ người kế bên thể như cái tướng gọi xe của tôi có hơi điên. Thế là tôi thử lại, cười nhẹ nhàng hết cỡ, vẫy tay đầy tin yêu: “tắc xi… tắc xiiiii…” và có tận hai chiếc đến đậu đó… vui ghê! Tôi bước lên chiếc màu đỏ, màu yêu thích của tôi - cho hên. Nhờ tài xế chở đến một nơi gọi là nơi ngôi nhà của người thân từng cùng nhà với tôi… nơi có ba, có cậu út và ông ngoại. Chỉ muốn thắp nén hương nói rằng: “Con đã về nơi con thuộc về…!” và nhờ người tài xế đợi cho một tí khi bản thân đang vùng vẫy trong những cơn đau của ngày hôm qua, khi tiếng gọi một gia đình đầy đủ và yên ấm ngày xưa bỗng trở về… Tôi lau nước mắt và bước ra khỏi khu nghĩa trang, trong lòng bỗng thấy hối hả và thèm cà phê đến lạ. Những bước chân tôi như chợt được chắp thêm đôi cánh… tôi trở lại bờ sông và tìm một quán cà phê. Có lẽ những quán cà phê quen ngày ấy đã thay tên? Hay người chủ đã tìm thấy một điều gì quyến rũ và sâu thẳm hơn màu đen của cà phê trong những sớm nhạt nhòa? Cuối cùng cũng có một quán. Tầm cái giờ này lại có ít người ngồi nhâm nhi một tách, nên tôi cũng dễ dàng tìm được chỗ ngồi mình muốn. Tôi kêu một li cà phê đen. Tính ngồi hối cho cà phê mau chảy xuống mà quên giờ này người ta toàn dùng loại cà phê có sẵn. Thôi thì có ý nghĩa ngang nửa ngày xưa cũng được! Tôi cầm tách cà phê lên mũi và nhắm mắt tận hưởng hương vị của người lớn. Cái hương vị đêm sâu thẳm và dịu dàng đến hung dữ… Mỗi lúc buồn bực tôi thường thế này, cảm xúc lẫn lộn nhiều nơi mà không biết tóm về sao cho gọn. Mà không hiểu sao càng lớn lại càng làm bạn với nỗi buồn thế này. Tưởng như nếu nỗi buồn là một thứ tài sản hay đá quý thì tôi sẽ là người giàu nhất Huế. Tôi mỉm người ngu ngốc với ý nghĩ vừa thoáng qua, và chợt để ý tới vị trí một người con trai đang ngồi bên kia. Anh ta thẫn thờ… trông lặng im hơn cả dòng nước đang trôi theo thời gian. Tôi bỗng bắt gặp hình ảnh của bản thân tám năm về trước. Đứng trước cầu Sài Gòn khác nhiều lắm mà cứ im im nghĩ đến quê hương mình, tự nhiên tôi thấy mình thật nhỏ bé biết bao. Bất kì một ai bắt chuyện cũng đều là người khổng lồ, hài thật! Và cũng hôm ấy, một bàn tay người lạ đặt lên tay tôi cốc cà phê còn nóng hổi. Đó là anh bạn học cùng khoa, đã để ý đến sự rụt rè trong những ngày đầu của cô gái Huế: “Nó là tốt nhất mỗi khi căng thẳng”, kèm theo một nụ cười rất Sài Gòn. Tôi đã biết ơn vô cùng vì sự giúp đỡ của người bạn, vì nhờ thế mà tôi nghiện cà phê… Tôi bỗng bật cười thành tiếng… Và rồi… đưa mắt nhìn đi nơi khác, trời đã xế chiều từ lúc nào không hay, những cánh cò đã theo nhau từng đàn bay về nơi bầu trời có màu đỏ. Màu đỏ rực lên những gì tin tưởng và hạnh phúc của tôi, liệu nó có xa xôi đến tận chân trời? Tôi chợt cảm thấy bình yên và nhẹ nhõm, cái phút giây hồi sáng bước ra khỏi ga như dội lại những nụ cười. Tôi đứng dậy, trả tiền, chạy đến chỗ người con trai kia, nhìn vào ly trà đã nguội của anh và vội tặng anh một ly cà phê nóng: “Nó là tốt nhất mỗi khi căng thẳng”, kèm theo nụ cười gái Huế duyên dáng… Rồi tôi chào anh, kéo vali ra khỏi quán cà phê chiều mà không kịp để ý anh có chào lại... Tiếp tục gọi một chiếc taxi, nhưng lần này đầy vội vã khẩn cầu. Tôi leo vội lên xe, đọc địa chỉ nhà cho người tài xế và cũng vội móc điện thoại ra khỏi túi xách. Ngồi trên xe, bấm số điện thoại chung thủy với mình đến trọn đời… cười to nhất có thể: “Mẹ yêu ơi, con về rồi đây. Năm phút nữa con sẽ thấu nhà, kêu cả anh về đợi đón cục cưng, mẹ nhé!” Mẹ chọc hoài: “Ai thèm đón con cơ chứ?” rồi từ trong điện thoại, giọng bà ngoại dấu yêu đầy nhớ nhung cười vọng ra.

“Ôi! Mẹ à! Bà của cháu ơi! Nghe giọng hai người là con biết, con đã ở đây - nơi yêu dấu nhất trên đời mình rồi. Còn gì bình yên hơn khi dược về nhà, nằm trên chiếc giường của con ngày ấy, rang đậu cùng ngoại, đi mua sắm cùng mẹ và “anh trai nói nhiều” suốt ngày nhờ vả sai vặt con?”

Trong niềm vui sắp thấu nhà ấy… có một cuộc điện thoại. À! Tôi nghe máy với niềm hân hoan, đầu kia bỗng một giọng bác già nào đó quen:

- Mai bắt đầu tới Tạp chí Sông Hương làm việc đấy nhé.

Cuộc đời kể từ lúc 27 tuổi của tôi đã bắt đầu… khi tôi biết, về nhà là tôi đã tìm được niềm vui. Yêu Huế - nhà của tôi.

N.T.K.T
(SH307/09-14)






 

Các bài mới
Nếu...! (26/09/2014)
Các bài đã đăng
Đêm về sáng (25/09/2014)