Tạp chí Sông Hương - Số 32 (T.7&8-1988)
Về công việc trùng tu di tích ở Huế
16:34 | 27/11/2014

LTS: Ông Pie Pisa (Pierre Pichard) là kiến trúc sư, chuyên gia nghiên cứu trùng tu di tích cổ của Unesco. Ông dã đến Huế 2 lần (lần thứ nhất vào năm 1978, ở lại 3 tuần làm bản tường trình dài về hiện trạng di tích Huế cho Unesco; lần thứ hai vào năm 1985). Bài dưới dây do kiến trúc sư Nguyễn Trọng Huấn lược ghi ý kiến của ông phát biểu trong dịp đến Huế năm 1978. Đầu đề do chúng tôi đặt.
S.H

Về công việc trùng tu di tích ở Huế
Ảnh: internet

PIERRE PICHARD


Tầm quan trọng của các di tích Huế vượt ra khỏi phạm vi địa phương - Nó biểu hiện một chuỗi dài phát triển của chế độ phong kiến vào thời kỳ thoái hóa. Có lẽ phải coi rằng các di tích Huế không chỉ tiêu biểu cho triều Nguyễn mà còn biểu hiện của một quá trình phát triển lâu dài của phong kiến Việt Nam, đồng thời có những nét rất khác với kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ.

Ở ngoại thành Huế, lăng tẩm Nguyễn là những trạng thái của một quá trình tiến hóa lâu dài của loại hình kiến trúc lăng tẩm phong kiến Việt Nam. Với tôi, một người nước ngoài, tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy những ông vua nổi tiếng chuyên chế lại có thể cho xây dựng những công trình đầy chất thơ và đáng vui là ngày nay những công trình ấy đã trở thành tài sản của nhân dân.

Ở Huế, hệ thống di tích rất gắn bó với đời sống thành phố. Điều này rất khác với những điều mà tôi thấy ở các nơi khác của châu Á.

Một hiện tượng ở châu Á là người ta thường bỏ hoang phế các kinh đô cũ, Angko, Mỹ Sơn, Pagan (Miến Điện) v.v... trở thành những công trình chết trong cảnh hoang vu. Đến thăm một kinh đô cũ hoang tàn không thể hình dung được đời sống ngày xưa ở đây.

Hiện tượng thứ hai ở châu Á là nơi kinh đô cũ mọc lên một thành phố hiện đại mà kinh đô cũ chỉ còn là một góc nhỏ bé, như Bangkok chẳng hạn. Đây cũng là trường hợp của Tokyo và một số thành phố hiện đại của châu Âu công nghiệp. Thành phố mới bóp nghẹt đời sống của kinh đô cổ kính và trở thành một thể không thuần nhất trong quá trình phát triển.

Điều đặc sắc là Huế đã thoát khỏi hiện tượng trên và đã phát triển một cách hài hòa giữa thành phố hiện đại và cổ kính. Hiện tượng này là hiếm có trên toàn thế giới, chỉ có Luangphabang là có thể so sánh được nhưng không bằng.

Ngày nay, khái niệm về di tích lịch sử đã thay đổi: Kiến trúc lịch sử không còn là những công trình đơn lẻ, ở đây muốn thay đổi gì cũng được. Kiến trúc lịch sử phải được đặt trong một toàn cảnh, nếu không, sẽ phạm phải nhiều sai lầm trong việc giữ gìn di tích đó. Ví dụ: Paris đã phạm nhiều sai lầm trong việc kiến thiết thành phố. Những con đường nhỏ dành cho lừa, ngựa đi quanh các di tích lịch sử đã bị mở thành những đại lộ rộng rãi, làm hư hỏng cả các di tích (đúng quá! như Văn Miếu, như Voi phục của ta vậy). Những sai lầm ấy dẫn đến những ảnh hưởng không thể sửa chữa được! Một trong những đe dọa có ảnh hưởng đến đời sống di tích là sự phát triển của hệ thống giao thông hiện đại. Bên những đại lộ thênh thang tấp nập, kiến trúc di tích trở nên lẻ loi, trơ trọi. Hiện tượng này có thể thấy rõ ở Băngkok. Những kênh đào xưa kia thuyền bè xuôi ngược, cây cối xanh tươi đã bị lấp, phá để mở giao thông lớn, các di tích cổ xưa giờ đây trần trụi bên những đại lộ mênh mông.

Sau những sai lầm trên, giờ đây người ta đang tìm cách sửa chữa. Ở châu Âu, người ta trồng cây và thiết lập đường đi bộ quanh các di tích. Cái may mắn của Huế là đã tránh được sai lầm đó. Tôi nghĩ, toàn bộ khu vực kinh thành nên có giải pháp bảo vệ để giữ được tính thuần nhất của nó. Trong làm việc với các nhà quy hoạch Huế, tôi thấy có những dự án rất hấp dẫn như chọn sông Hương làm trục trung tâm cho thành phố tương lai. Ý kiến trồng cây xây dựng công viên dọc hai bờ sông Hương ngăn thành phố làm hai, khu cổ kính trên bờ tả ngạn là hợp lý. Một ý kiến hay khác là xây dựng những khu phố hiện đại trên vùng đồi dọc sông Hương, phía Bắc lăng Tự Đức.

Trong quy hoạch đó, theo tôi, những trục giao thông lớn chỉ nên cho đi vòng quanh thành phố vì phạm vi di tích Huế hẹp, chỉ vừa tầm cho người đi bộ và đi xe đạp mà thôi. Và phải cố gắng tránh đừng cho quốc lộ và tỉnh lộ đi qua thành phố, tránh cho thành phố những nhiễm loạn giao thông không cần thiết. Cửa thành Huế nhỏ hẹp, nên nghĩ cách sử dụng hợp lý, đừng phá rộng ra, nên phân loại để sử dụng cổng thành và tôn trọng quy tắc đường một chiều.

Khi nói không cho giao thông lớn qua thành phố có nghĩa là để cho khu vực kinh thành trở thành thành phố chết. Không nên biến các di tích lịch sử thành những nhà bảo tàng mà cần làm cho nó có một sinh mệnh sống động. Các loại hoạt động khu vực kinh thành nên khuyến khích là hoạt động văn hóa và thủ công mỹ nghệ.

Chúng tôi đã thống nhất với các nhà quy hoạch là các hoạt động văn hóa trong khuôn khổ kinh thành không phải chỉ dành cho người dân Huế mà còn cho khách du lịch, vì có nhiều công trình đã hỏng, tạo nên những lỗ trống cần được lấp đầy bằng những công trình văn hóa như ý kiến rất hay là xây dựng một nhà hát ngoài trời trong Đại Nội. Điều đó sẽ làm cho hoạt động của hệ thống di tích trở nên sống động hơn. Phải nghĩ đến rất nhiều sinh hoạt văn hóa khác nhau như sáng kiến dùng Thái Bình lâu làm nơi ngâm thơ, nghiên cứu của các "cụ đồ" cũ, khu Tử cấm thành làm nơi trưng bày, triển lãm chim, hoa. Không nên dùng di tích làm nhà ở.

Tôi nghĩ nên sử dụng các khu vực kinh thành vào chức năng văn hóa. Người ta cho biết trong kinh thành hiện có tám vạn dân(*) đang thiếu các công trình văn hóa để sử dụng và không phải chỉ phục vụ người dân song khu vực kinh thành mà các dịp lễ lạt, còn sử dụng cho toàn thành phố và khách du lịch.

Việc phát triển tiểu thủ công, mỹ nghệ là rất hay, nếu có thể giúp cho khách du lịch tìm hiểu quá trình hoạt động của một ngành nghề thủ công, mỹ nghệ. Ví dụ khi phát triển ngành dệt, cần tạo trong kinh thành những vườn dâu cho khách du lịch thấy được quá trình hình thành một tấm lụa chứ không phải chỉ cho xem một tấm lụa. Như vậy, quá trình hình thành và phát triển kinh tế thủ công nghiệp làm cho đời sống thành phố trở nên sống động hơn.

Tôi nghĩ rằng phù hợp với Huế hơn cả là công nghiệp nhẹ.

Sẽ là một điều khôn ngoan nếu phát triển công nghiệp trong phạm vi toàn tỉnh chứ không phải chỉ quanh thành phố Huế mà thôi. Chúng ta nên lưu ý quá trình công nghiệp hóa của châu Âu rất tai hại khi tập trung quá lớn ở thành phố mà bỏ quên nông thôn. Ở Huế, ngành công nghiệp nhẹ có thể phát triển dễ dàng khi phân tán trong các khu dân cư khác nhau.

Thế kỷ XIX, đầu thời kỳ công nghiệp hóa, việc sử dụng nhiều loại chất đốt gây ô nhiễm, cần xây dựng những khu công nghiệp riêng biệt là cần thiết. Ngày nay điện khí hóa cho phép bố trí công nghiệp trong các khu dân cư thuận tiện hơn. Ở Huế, cần phân bố các xí nghiệp công nghiệp nhẹ sao cho hài hòa, hợp lý trong các khu dân cư của thành phố. Đặc biệt cần quan tâm thích đáng đừng để giòng sông bị ô nhiễm vì công nghiệp.

Giờ xin nói về công việc cụ thể của UNESCO giao trong việc nghiên cứu để trùng tu, tôn tạo các di tích Huế.

Đây là những di tích lịch sử được xây dựng theo kỹ thuật truyền thống cần được bảo tồn trong lâu dài và tình trạng hoang phế hiện nay, chắc chắn là do ba mươi năm chiến tranh cản trở và trực tiếp tàn phá.

Sau khi nhất trí về vị trí rất quan trọng của toàn bộ di tích, cần có xếp hạng ưu tiên.

Phải thấy rằng kẻ thù chính hiện nay là mưa. Mưa làm hỏng kết cấu các công trình, do đó việc đầu tiên là lợp lại tất cả. Đây là một công việc nặng nề và rất lâu dài vì có khoảng 20.000 m2 mái.

Tôi cũng biết rằng nước Việt Nam vừa ra khỏi hai cuộc chiến tranh lớn, có nhiều việc phải lo, vì vậy về mặt này nên kêu gọi UNESCO và các nước khác giúp đỡ (một việc mà chúng ta đang làm). Sau khi làm việc ở đây xong, tôi sẽ nộp UNESCO một báo cáo về hiện trạng di tích Huế và yêu cầu trùng tu, tôn tạo. Nên biết rằng quyền hạn của UNESCO rất hạn chế, báo cáo sẽ gửi đi nhiều nước kêu gọi giúp đỡ. Một điều tích cực là tôi sẽ báo cáo: Người Việt Nam không chờ đợi mà đã bắt đầu công việc của mình với một cơ quan đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Nhưng rõ ràng công việc sẽ rất nặng nề và lâu dài nên cơ quan bảo tồn cần có một lực lượng kỹ thuật mạnh để nghiên cứu, tính toán.

Khi nói đến ưu tiên một là lợp lại các di tích, đẻ ra vấn đề phải xây dựng các xí nghiệp gạch ngói, đặc biệt, những vật liệu không có trên thị trường. Trong lúc chờ đợi có thể dùng lại ngói cũ, nhưng chắc chắn là không đủ (chỉ có thể thu hồi được 40-60%) và những vật liệu tạm thời chất dẻo mà tôi sẽ gợi ý trong báo cáo. Có lẽ với những chất lợp tạm như vậy sẽ không đẹp mắt, nhân dân Huế trong vài năm tới chắc sẽ không vui, nhưng chúng ta không có cách nào khác khi cần phải cứu vãn đồng thời toàn bộ các công trình. Tôi nghĩ, ngành văn hóa cần có biện pháp giải thích cho nhân dân vì di tích Huế nhiều và có tầm cỡ quốc gia, việc trùng tu phải được tiến hành trong lâu dài. Nhân dân Huế chắc là sốt ruột nhưng nếu đi vào hoàn chỉnh ngay từng công trình, các công trình khác sẽ bị phó mặc cho mưa gió. Những việc đã làm: trùng tu Ngọ môn, Tả vu là rất quan trọng nhưng xin đừng quên nhiệm vụ bảo vệ, cứu vãn những công trình khác chưa kịp trùng tu.

Một điều nên chú ý: Việc trùng tu di tích Huế cần phù hợp với Hiến chương trùng tu Venise đã được quốc tế công nhận.

Cách đây một trăm năm mươi năm khi bắt đầu quan tâm đến trùng tu di tích, người ta đã phạm phải những sai lầm có tính nguyên tắc, tìm lại dạng nguyên thủy của các công trình mà gạt bỏ đi những đóng góp của các đời sau.

Nếu làm như vậy thì Huế sẽ làm lại các công trình của mình trong thời Gia Long và bỏ đi những gì đã được đóng góp thêm vào của các đời vua khác.

Ngày nay người ta tôn trọng một nguyên tắc: Tôn trọng bước phát triển của các thời sau.

Ở Huế cái thêm thắt của thời Khải Định có lai tạp kiến trúc thực dân Pháp nhưng nó cho thấy bước phát triển của cả một quá trình.

Như vậy nguyên tắc đầu tiên là:

- Tôn trọng quá trình phát triển lịch sử của di tích.

Một nguyên tắc khác:

- Tôn trọng tuổi tác của di tích:

Phải cho người ta thấy được vẻ cổ kính của công trình chứ không phải là một công trình mới xây dựng. Công trình trùng tu như mới là một nguy hiểm vì nó gây ấn tượng là giả tạo, thiếu trung thực.

Nguy hiểm thứ hai là những phần không được trùng tu tạo nên mâu thuẫn vì quá tương phản như dẫn chứng ở cửa Hiến Nhơn. Nếu có quan điểm:

"Di tích lịch sử như một người già đau yếu, cần cho khỏe lại chứ không phải cho trẻ ra vì như vậy khác nào nhuộm tóc cho một ông già?!"

Một nguyên tắc nữa:

- Tính kín đáo của công trình. Phải dùng lại các vật liệu cũ để phục hồi công trình.

Sứ mệnh của những người làm công việc bảo tồn di tích là để cho các thế hệ mai sau còn nhận ra bộ mặt đích thực của công trình. Tôi muốn lấy một ví dụ: Các nhà khảo cổ thế kỷ XIX đi phá phách các công trình để lấy các tác phẩm đẹp về trưng bày làm trở ngại cho các nhà khảo cổ thế hệ sau. Các nhà khảo cổ ngày nay lại phải thu nhặt những hiện vật nhỏ nhất để phục hồi lại không khí nguyên trạng của công trình một cách rất vất vả.

Như vậy, công việc hiện làm phải rất khoa học, mọi thay đổi đều phải lập hồ sơ để sau này theo dõi, nghiên cứu.

Một đặc điểm nữa của bảo tồn, trùng tu là làm sao cho người đời sau có thể tháo dỡ, làm lại. Đừng dùng bê tông thay gỗ, đừng tạo nên những cứng nhắc, cố định, không thể thay đổi.

Điều tôi vừa nói vô cùng quan trọng đối với kiến trúc Việt Nam là những công trình có thể tháo dỡ dễ dàng. Có thể dùng cồn dán hiện đại ở một số bộ phận nhưng đừng dùng ở các mộng lắp để sau này không tháo được.

Chắc chắn là công việc trùng tu di tích phải tiến hành trong nhiều năm nên hết sức cần thiết phải có sự hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với nhiều nước cùng thực hiện. Công việc sẽ lâu dài và tốn kém vì không giống với việc xây dựng các công trình mới. Các vua Nguyễn khi xây dựng đã không tiếc tiền, dùng những vật liệu tốt nhất, những người thợ giỏi nhất, ngày nay chúng ta muốn trùng tu cũng không được tiếc tiền. Phải khẳng định rằng nếu có tốn kém cũng là cần thiết vì ngày nay nó đã trở thành tài sản của nhân dân.

Như vậy là phải nghĩ đến việc chi tiêu lâu dài, liên tục vì di tích có một cuộc sống lâu dài, tạo nên những công trình làm phong phú thêm phong cảnh, đồng thời sẽ mang lại những hiệu quả kinh tế to lớn.

Tôi tha thiết mong rằng Huế sẽ giữ được cái ưu thế có những công trình cổ kính của nghệ thuật và văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa lâu dài.

Đại Nội, 18-4-1978
NGUYỄN TRỌNG HUẤN ghi
(SH32/08-88)


---------------------
(*) Số liệu thống kê 1978 - NTH






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùa ở Huế (19/11/2014)