Tạp chí Sông Hương - Số 33 (T.9&10-1988)
Tin nhận từ Matxcơva
10:28 | 12/12/2014

VĨNH THƯ

Trích ý kiến trao đổi về tình hình đổi mới công tác văn học nghệ thuật giữa đoàn cán bộ lãnh đạo văn hóa văn nghệ Việt Nam nghiên cứu học tập tại AOH (Viện hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc TW Đảng cộng sản Liên Xô) với Ban thư ký và một số nhà văn Liên Xô.

Tin nhận từ Matxcơva
Đón tiếp các nhà văn Việt Nam tại trụ sở Ban Chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô. - Ảnh: Trần Công Tấn (baomoi.com)

Bazuđin, Tổng biên tập Tạp chí nổi tiếng "Tình hữu nghị giữa các dân tộc", Phó tổng thư ký Hội nhà văn Liên Xô nói: bây giờ biên tập viên, nhà văn của chúng tôi có thể gặp gỡ thoải mái bạn đọc và không bị bất cứ hàng rào quan liêu nào ngăn cản. 2 - 3 năm nữa chúng tôi sẽ lấp được khoảng trống mà vì lý do này hay lý do khác đã có trong quá khứ (của nền văn học). Mở đầu các số tạp chí năm nay của chúng tôi không phải là các tiểu thuyết, trường ca, truyện ngắn hay thơ trữ tình mà bằng các phiếm luận, bút ký...

Sự cải tổ kinh tế bây giờ vẫn chưa động đến lĩnh vực văn học, ví dụ thái độ đối xử với kết quả lao động sáng tạo. Nó liên quan tới quyền tác giả mà hiện nay chưa hoàn thiện, liên quan tới lãnh vực xuất bản, tạp chí. Ở một nông trang nếu lãi một triệu rưỡi rúp trong một năm thì tha hồ cho họ nâng cao đời sống của 500 - 600 người. Còn chỗ tôi 36 biên tập viên mỗi năm nộp lãi cho Nhà nước 22 triệu rúp nhưng tôi không có một đồng xu, tôi không có tiền để tiếp khách, kể cả các bạn Việt Nam, không có tiền để lo thêm việc mai táng cho một cộng tác viên vừa mất chính bằng tiền của tòa soạn làm ra!. Ở đây chủ nghĩa quan liêu có một sức sống dai dẳng. Hội nhà văn có đưa một số đề xuất lên Trung ương Đảng nhưng những kiến nghị ấy liên quan tới bộ Tài chính, ủy ban lao động Nhà nước.., vấp phải bức tường vững chắc của chủ nghĩa quan liêu! Bức tường ấy hình thành mấy chục năm rồi. Nhưng chúng tôi đã chiến thắng phát xít thì chúng tôi sẽ thắng trận này.

Glatcôp - ủy viên Hội đồng văn học Việt Nam - Lào - Campuchia cho biết, một trong những biểu hiện cải tổ là việc thành lập Ban văn học Việt Nam - Lào - Căm Pu Chia. Đáng tiếc là việc đầu tiên của chúng tôi là đánh điện của chúng tôi là đánh điện chia buồn nhà văn lão thành Nguyễn Tuân qua đời. Một điều đáng tiếc nữa là chỉ qua báo Văn Nghệ bạn đọc Việt Nam mới biết sự ra đời của cái ban này. Hai ngày nữa chúng tôi sẽ họp tổng kết công tác năm qua.

Lăcsin, Phó tổng biên tập tạp chí "Ngọn Cờ", cho biết tạp chí đã có số lượng xuất bản 1 triệu, số lượng lớn đến mức nguy hiểm vì "càng leo cao thì càng ngã đau"! Nó là một dấu hiệu rõ ràng của công cuộc cải tổ trong lĩnh vực tinh thần. Cuộc sống văn hóa đã thay đổi nhiều trong hai năm qua. Hội Nhà văn như một Bộ lớn. Trong thời cải tổ. Bộ vẫn giữ một vai trò nhưng quan trọng là thành tích các nông trang nông trường. Ngành chế tạo máy phát triển nhờ các xí nghiệp hơn là nhờ Bộ. Trong đời sống văn hóa, các nông trang nông trường đó là các tạp chí, các tờ báo. Tôi cho rằng nếu phải so sánh văn học với một ngành sản xuất vật chất nào đó thì thích hợp nhất là so sánh với ngành nông nghiệp. Bởi vì, trong hoạt động sáng tạo Văn hóa nghệ thuật, những thành quả của nó liên quan nhiều tới thời tiết, khí hậu. Hiện giờ, thời tiết trong văn học là thời tiết tốt. Không có mưa gió, không có tuyết rơi, không có thiên tai nào. Các tòa soạn đang chuẩn bị đất để gieo hạt vụ tới. Trong đời sống văn học, có những phản ứng như phản ứng hạt nhân : một tác phẩm có giá trị ra đời sẽ gây nên giây chuyền bùng nổ. Đó là sự xuất hiện các tác phẩm của Attamôva, Bulgakov Platônôp, Rưbacôp, Granhin, Đuzinxep…

Trả lời câu hỏi về lý luận hiện thực, Xã hội chủ nghĩa của giáo sư Nguyễn Văn Hạnh và tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Trọng, Bazuđin cho rằng lãnh vực phê bình lý luận trước đây như những ngành phục vụ, gần đây mới đi vào nghiên cứu. Tiếp đó, nhà văn chuyên viết truyện viễn tưởng Pápnốp nhận xét, văn học viễn tưởng chưa được ai đánh giá. Qua tình hình Bulgakov rõ ràng người ta hiểu về hiện thực xã hội chủ nghĩa quá chật hẹp. Thợ cả và Margarita thiên tài vậy mà mới ra mắt bạn đọc. Và, dòng văn học viễn tưởng thực tế đã tiêu diệt ở Liên Xô. Nó mới được phục hồi sau đại hội XX (khi đã phóng con tàu vũ trụ). Những tác phẩm ấy không những bị coi là phi hiện thực mà còn bị coi là chống Xô Viết. Tôi không biết cái sơ đồ được vẽ ra về hiện thực Xã hội chủ nghĩa còn tồn tại bao lâu nữa. Trong lúc Tứ thơ Ngũ kinh ở Trung Hoa đã tồn tại mấy nghìn năm và người ta còn dùng nó để bói nữa! Vì trong đó đã nói tới cả quy luật của Nhà nước, xã hội... Nhà nữ phê bình có uy tín Uvanôva khẳng định : đúng, trong lý luận văn học, chúng tôi đã mắc phải nhiều điều không đúng và lý luận hiện thực xã hội chủ nghĩa có những điều không đúng lắm. Không có một khoa học nào được xây dựng trên một cơ sở giả dối. Nếu lý luận này lại được xây dựng trên cơ sở một chân dung không chính xác của nền văn học Xô Viết; nếu người ta vứt đi Paternăc, Platônôp, Bulgakôp… thì bức tranh đó sẽ là bức tranh gì? Và hiện nay tranh luận vấn đề gì cũng động chạm tới vấn đề Stalin. Đó cũng là ranh giới cải tổ hay không cải tổ. Nói đến chủ nghĩa Stalin là chúng ta nói đến một quan điểm mệnh lệnh, có thể ra lệnh cho tất cả, kể cả lĩnh vực cá tính con người. Thái độ sống không tôn trọng cá tính con người là tai họa nhất nằm trong chủ nghĩa Stalin.

Trả lời câu hỏi của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về sự thay đổi của cơ quan lãnh đạo Hội nhà văn Liên Xô và vở kịch Đi nữa, đi nữa của Satơrôp đang gây tranh luận lớn ở Liên Xô (vở kịch đặt lại một số vấn đề và một số nhân vật lịch sử chung quanh sự kiện Cách mạng tháng Mười, ở cả hai trận tuyến. Riêng nhân vật được đề cao và khẳng định mạnh mẽ nhất trong vở kịch là Lênin được các tác giả, và đạo diễn, đã thêm những hành động và lời nói không thực có trong đời sống để nói rõ quan điểm của mình), Lăcsin trả lời : Tạp chí chúng tôi đăng Đi nữa, đi mãi có nghĩa là chúng tôi đề xuất với bạn đọc. Tôi, với tư cách một nhà phê bình, có cho tác phẩm này là kiệt tác không, thì hoàn toàn không. Điều ấy cũng không có nghĩa là những điều mô tả trong tác phẩm này hoàn toàn phụ thuộc vào lịch sử. Nhưng, với tư cách như một phán đoán về Cách mạng tháng Mười thì tác phẩm ấy có quyền tồn tại. Các ý kiến phản đối ở các báo, tạp chí khác chưa thuyết phục được chúng tôi. Chúng tôi nhận được mấy trăm thư bạn đọc về vở kịch. Trong số thứ năm vừa ra mắt có thể đọc một số thư này. Chúng tôi trung thực về tỷ lệ ủng hộ lẫn phản đối (trong thông tin). Có điều, các thư phản đối thường nặc danh, còn nếu có tên phần nhiều không có sức thuyết phục.

Về câu hỏi 2 : công tác cải tổ ở Hội nhà văn, thì các đồng chí cứ nhìn một số vị trí trong Ban thư ký đã gặp phải rồi cuộc gặp gỡ này để kịp tới một cuộc khác đã đủ biết tình hình! Hiện nay đã trao quyền cho tờ báo, điều đó tốt. Nhưng, điều lệ Hội nhà văn vừa được thông qua ở đại hội lần thứ 8 đã không còn thích hợp (đã bàn việc hoàn chỉnh điều lệ này trong cuộc họp Ban chấp hành mới đây). Còn nhiều vấn đề chưa giải quyết và giải quyết quá chậm chạp.

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ thay mặt Tòa soạn và bạn đọc tạp chí Sông Hương cảm ơn Bazuđin và Manian Skarôp, chủ tịch Ủy ban văn học Việt Nam - Lào  -  Căm Pu Chia, đã gởi thư cho độc giả Sông

Hương (đăng trong số 27) và phát biểu: Tôi vừa nghe Viện sĩ Abankin cố vấn kinh tế của đồng chí Gorbachov trình bày về tình hình cải tổ. Viện sĩ cho biết, công cuộc cải tổ đang ở một thời điểm quyết liệt, vấn đề "ai thắng ai" đang đặt ra (dĩ nhiên đó là sự quyết liệt để đi tới). Những con số 6, 7 thậm chí 10-15 năm đã được nhắc tới khi nói về thời gian để thấy rõ kết quả trên các mặt cải tổ. Nhưng Bazuđin lại cho rằng "2-3 năm nữa chúng tôi sẽ lấp được khoảng trống" Và Lăcsin lại khẳng định "hiện giờ thời tiết trong văn học nghệ thuật là thời tiết tốt. Không có mưa gió, không có tuyết rơi, không có thiên tai nào". Nên hiểu phát biểu của Bazuđin và Lăcsin thế nào, một thông báo vui vẻ hay là một tình hình đáng lo ngại?

Lăcsin (lại Lăcsin được "ủy nhiệm") trả lời sau một tháng suy nghĩ : cho đến bây giờ chúng tôi cũng chưa hiểu hết chiều sâu giai đoạn chúng tôi đang sống. Tôi nhớ những năm 60 cũng có cải cách kinh tế nhưng không thành công. Tôi nhớ các báo lúc ấy cũng không dám dùng từ cải cách vì có vẻ quyết liệt quá. Nhưng bây giờ chúng tôi không những dùng từ cải cách mà còn dùng từ cách mạng. Một cuộc cách mạng đoạn tuyệt với tất cả những gì kéo trì đất nước chúng tôi. Trong lịch sử chưa hề có một cuộc cách mạng nào không có sự mạo hiểm bên trong không gây nên sự chống đối bên trong. Mặc dầu đó chỉ là đấu tranh với chính bản thân mình và với cái cũ : Chủ nghĩa lạc quan của tôi có một nền tảng là, 30 năm hoạt động văn học, đây là lần đầu tiên có điều kiện bên ngoài bảo đảm cho những hoạt động sáng tạo lành mạnh. Vấn đề là bây giờ chúng ta phải biết khai thác nó như thế nào.

V.T
(Gửi từ Matxcơva)
(SH33/10-88)





 

Các bài mới
Pháo thủ (05/02/2015)
Hương lúa (27/01/2015)
Các bài đã đăng