Tạp chí Sông Hương - Số 310 (T.12-14)
Chị Hoài
07:56 | 19/12/2014

TRẦN THÚC HÀ

Khi về đến mảnh đất quê hương, điều trước tiên là tôi đi tìm chị. Chị Hoài của tôi! Chao ôi, cả chục năm ở nước ngoài, học hành công tác không phút giây nào tôi không nghĩ đến chị.

Chị Hoài
Minh họa: Nhím

Có những lúc lòng tôi như lửa đốt, tôi muốn như con chim bay về bên chị, để được chị vuốt ve, an ủi như một đêm thời bom đạn giặc Mỹ mà tôi cảm thấy cái chết đang đến với tôi. Bây giờ chị ở đâu? Em mong gặp chị biết chừng nào!

Thị xã nhỏ bé ngày ấy giờ đã chuyển lên thành phố. Nhà nhiều tầng, đường ngang lối dọc thênh thang mới lạ, tôi biết tìm chị ở đâu? Mảnh đất xưa nền cũ không còn dấu vết. Hỏi ai, ai cũng lạ lùng ngơ ngác, không biết. Bao nhiêu năm xa cách, hết chiến tranh rồi hòa bình, đến những cuộc xáo trộn đất đai, tôi không được tin tức gì về chị. Nhưng tôi tin một con người như chị, dù chiến tranh ác liệt đến đâu, hoàn cảnh nào cũng không sao khuất phục được chị.

Chưa tìm được chị ở phố phường, tôi vội vã về mảnh đất nơi để lại trong hồn tôi điều thiêng liêng quý giá vô tận. Ký ức trào dâng. Trước chiến tranh chống Mỹ, chúng tôi tốt nghiệp cấp ba nhưng không được đi đại học. Ngày ấy tốt nghiệp cấp ba, có lý lịch tốt là được gọi vào đại học, được nhà nước chu cấp toàn bộ học phí ăn ở chứ không như sau này phải thi cử. Chị có số phận éo le, cha chị đi lang thang phiêu bạt nơi nào từ năm 1954 không ai biết. Tôi rõ ràng hơn: Bố tôi phản bội cách mạng, làm sĩ quan trong quân đội Sài Gòn. Chiến tranh phá hoại, Mỹ hủy diệt thị xã nhỏ bé của chúng tôi. Dân chúng di tản đến những khu đồi núi thấp. Có đợt tuyển một đại đội thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại địa phương, chị cắt tóc ngắn, dẹp nghề may cùng tôi xin vào đại đội thanh niên xung phong của địa phương. Chị ở một trung đội nữ, tôi ở trung đội nam. Đại đội chúng tôi có nhiệm vụ rà phá bom mìn bảo vệ một đoạn đường từ một bến cảng cho đến một bến phà chừng bảy tám cây số trên cung đường ác liệt nhất ở Quảng Bình. Đại đội trưởng là một cán bộ kỹ thuật ty giao thông về chỉ huy đơn vị, anh chưa đến ba mươi tuổi, là một thanh niên cường tráng, trong bom đạn không sợ hy sinh nhưng xử sự hơi cực đoan, đem lòng yêu chị. Chị đẹp, mắt đen láy dịu dàng, môi hồng da trắng. Thường ngày đi học về qua rặng dừa xanh, bên dòng Nhật Lệ xanh biếc, tấm thân thon thả của chị, mái tóc bay bay trông chị như một nàng tiên rực rỡ giữa cảnh trời sắc nước. Trong đổ nát của quê hương, sự tàn ác của chiến tranh và nỗi cô đơn của thân phận, chị chân thành yêu người đội trưởng quả cảm mà chị thấy xứng đáng người con trai trong thời chiến. Bấy giờ chị hai hai tuổi.

Câu chuyện buồn xảy ra với chị là ngày ấy tôi cảm thấy mình sắp chết, bởi dạo đó, bom Mỹ đánh phá vô cùng ác liệt vào đoạn đường đơn vị chúng tôi phụ trách. Ngày còn đi học chị xem tôi như em. Tôi kém chị bốn tuổi, học sau chị hai lớp, nhà cùng cạnh ngõ phố. Lúc hai chị em không được vào đại học chị em chúng tôi càng thân thiết gần gũi hơn vì cùng chung cảnh ngộ. Khi vào đại đội thanh niên xung chị luôn chăm sóc tôi, giờ rảnh rỗi, không tiếng bom chị giặt áo quần hay khâu vá cho tôi. Đôi lúc chị để dành cho tôi miếng lương khô. Chị em chúng tôi thường động viên nhau đừng để các bạn xem mình là tay yếu chân mềm, không được thua kém ai bất kỳ trong công việc gì. Vào đêm Chúa Giáng sinh, bom đạn ngừng nổ. Ngay chiều hôm đó, tôi gặp chị. Thấy tôi, chị kêu lên: “Mặt em sao tái nhợt thế, em ốm à?” Tôi đáp: “Không!” Tôi nói rất khẽ: “Em có chuyện hệ trọng lắm. Đêm nay hết phiên gác, chị ra phía đồi kia em nói.” Đêm đó, gió khô, se lạnh, trời trong, đầy sao, chị em chúng tôi ngồi xuống bên một bờ cây chị lo lắng hỏi: “Chuyện gì vậy em?” Không dám nhìn chị, tôi nói: “Sau đợt ngừng bắn này Mỹ sẽ đánh phá ác liệt hơn, em sẽ chết!” Chị nắm tay tôi bảo: “Em nghĩ vớ vẩn. Cái chết đâu dễ dàng cứ theo như trong ý nghĩ của mình.” Tôi nói: “Em có linh cảm như vậy!” Chị lại nói: “Tâm trạng em đang hoang mang.” Tôi níu lấy tay chị: “Không chị ơi! Tuần qua, bốn đứa trong đơn vị đã ngã xuống. Bây giờ sẽ đến em. Chị đừng nghĩ xấu về em.” Chị đáp: “Chưa bao giờ.” Chị nói thêm dù hoàn cảnh nào cũng phải hy vọng mà vươn lên! Chị hỏi: “Em có điều gì muốn nói với chị?” Tôi đáp: “Dạ có! Chị biết đấy, cả thời kì đi học cho tận đến bây giờ, có đứa con gái nào dám làm quen với em. Mà em, em chưa hề biết được một bàn tay âu yếm, một làn môi nóng bỏng của một người con gái. Chết đi, em tiếc nuối lắm chị ơi! Chị hãy thương em. Hãy tha thứ cho em.” Tôi nói một thôi không kịp thở, e sợ ngưng nghỉ giây lát sẽ mãi mãi tôi không có đủ can đảm để nói nữa. Tôi rút bàn tay ra khỏi bàn tay chị và úp mặt xuống hai đầu gối, vai run lên. Cổ tắc nghẹn, tôi nói đứt quãng: “Chị cho em… hôn chị.” Phút giây ấy nước mắt tôi trào ra. Lặng đi một lúc, đôi bàn tay chị dịu dàng vuốt trên tóc tôi, chị nâng mặt tôi dậy rồi ghé sát vào môi tôi. Nước mắt của chị em tôi đầm đìa trào xuống miệng mằn mặn - vị mằn mặn lẫn ngọt ngào lần đầu tiên tôi biết đến mà cả cuộc đời tôi không bao giờ quên. Suốt đêm hôm ấy chị nhìn những vì sao sáng nhấp nháy trên nền trời đêm xanh thẩm cất lên những bài hát chị yêu thích bài ca hy vọng, xa khơi… vỗ về ru tôi như ru một đứa em thơ của chị. Tôi không ngủ, nhưng hồn tôi lâng lâng bay bổng trong tình thương dịu ngọt của con thơ với mẹ, của người chị với đứa em giữa bầu trời bao la không một ánh chớp, không một tiếng bom. Những gì tang tóc của chiến tranh, cái chết ám ảnh như là quá khứ xa xôi mà chẳng qua đó chỉ là một giấc mơ dữ.

Hôm sau, có ai đó báo cho đại đội trưởng. Lập tức chị bị gọi lên hầm chỉ huy. Người đội trưởng hờn tức, mặt sắt lại: hủ hóa, kẻ phản bội và đay nghiến nhục mạ chị những lời chị chưa từng nghe, đến mức vài hôm sau chị như một cái xác không hồn, đôi mắt trũng sâu đầy đau đớn. Đại đội trưởng không thèm nhìn mặt chị từ đó. Tủi nhục, không biết kêu đâu cho hết oan ức chị định tự sát bằng một gói thuốc nổ. Nhưng may quá, thầy giáo dạy văn của chúng tôi trên đường đi chấm thi, tạt vào thăm chúng tôi. Thầy trò gặp nhau mừng rỡ. Thầy dặn chúng tôi phải dũng cảm trong nhiệm vụ, đùm bọc nhau qua cơn khói lửa để xứng đáng học trò yêu của thầy. Chị khóc tức tưởi…

Đinh ninh với định mệnh mình sẽ chết và sống trong con mắt của nhiều người, mình là con một kẻ thù, tha hóa, tôi không biết sợ cái chết. Pháo cấp tập từ tàu biển bắn vào tôi cũng không xuống hầm. Trong khói bom chưa tan tôi đã vác xẻng lên mặt đường san lấp. Thế mà tôi không chết. Tôi bắt đầu hối hận về cái chết mà tôi linh cảm để xin được hôn chị, đã gây nên đau khổ cho chị. Tôi bị dày vò, nghĩ đến một lúc nào đó chị cho tôi là một kẻ đê tiện.

Sau đấy vài hôm, đơn vị chúng tôi nhận được một mệnh lệnh khẩn cấp: Đánh thông ngã ba sông Nhật Lệ, đoạn sáng nay máy bay Mỹ vừa ném xuống một loạt sáu quả bom nổ chậm - chưa xác định được tính chất cách nổ - để chiều nay một đoàn thuyền tải thương vượt qua. Đơn vị chỉ cần ba người cảm tử thay nhau mở đường. Một trung úy kỹ sư công binh của binh trạm nói rất ngắn: “Phá loại bom này chỉ có hy sinh.” Mười lăm đội viên giơ tay tình nguyện. Không hiểu sao lúc này tôi lại chần chừ. Tôi không muốn chết. Cuối cùng thì tôi cũng giơ cánh tay thứ mười sáu. Đành phải chỉ định trong số tình nguyện. Mặt đội trưởng liếc rất sắc về phía tôi. Tôi được chỉ định số một trong ba người đi làm nhiệm vụ.

Chiều hôm ấy tôi cùng với trung úy công binh trên một chiếc thuyền gắn máy lao vào vùng bom nổ chậm dưới lòng sông. Hơn hai tiếng đồng hồ, lần lượt bốn quả bom bị phá. Cứ sau một cột nước vọt cao, thấy thuyền chúng tôi còn lướt trên sông là trên bờ reo lên mừng rỡ, cổ vũ. Tôi thấy rõ chị cùng các bạn mang theo băng cấp cứu chạy theo thuyền chúng tôi vẫy tay lia lịa. Còn quả thứ năm và thứ sáu chưa tìm ra vị trí. Mặt trời đã sà xuống núi. Kỹ sư công binh mãi mới tìm ra tọa độ quả thứ năm. Chúng tôi ném xuống đấy hai gói thuốc nổ nhưng mặt nước vẫn yên lặng. Ném liên tục ba lần như vậy vẫn không có hiệu quả. Chúng tôi dùng dây sắt để tạo từ trường gây nổ. Thuyền vừa bơi về phía trước vừa kéo dây. Bất chợt phía đằng mũi, quả bom thứ sáu nổ mà chúng tôi chưa tìm ra. Cột nước tung cao, hất bổng con thuyền lên theo. Khi rơi giữa không trung, tôi còn kịp nghe tiếng thét thất thanh của chị gọi tên tôi chìm đi trong tiếng nổ của quả bom thứ năm. Đó là thời gian cuối cùng của chị em tôi.  

Tôi lặng lẽ ngồi xuống mảnh đất đêm ấy... Mảnh đất vùng đồi đầy sỏi đá, cây sim, cây chàm bây giờ cũng như hồi ấy không cao quá đầu gối.

Có lẽ không có em bé chăn bò đi qua, không biết tôi ngồi đấy cho đến bao giờ. Nhờ em tôi biết dân xóm đồi kia mười lăm năm trước gốc gác thị xã, vì chiến tranh mà họ sơ tán lên đấy, họ không được trở lại phố phường nữa, giờ họ dựa vào đồi núi, rừng rú để sống qua ngày đoạn tháng. Tôi đi về phía ấy mong tìm ra chị.

May mắn thay tôi gặp được một bà già đã ngoài sáu mươi tuổi, là bà con xa với chị. Bà đang dọn cơm chiều: ít cơm với xoong canh bầu nấu tép khô. Bà kể lại tôi nghe, sau chiến tranh đơn vị thanh niên xung phong giải tán. Nhiều người được sắp xếp công này việc nọ. Riêng chị dư luận lăng nhăng trong thời chiến nên người ta ngại. Rồi mẹ chị chết bệnh chị về ở với bà. Ngày ngày lên đồi theo các sườn núi chị chặt lá chàm lá chổi về cho hợp tác nấu dầu lấy công điểm. Được vài năm, bỗng một hôm chị đến ngã ba sông, nơi tôi bị thủy lôi nhấn chìm, đốt nén hương, ngồi khóc rồi trở về nói với bà xin đi tu để được yên tĩnh cõi lòng. Có hỏi chị cũng không nói gì thêm, nhưng bà biết hết. Không thành đôi với anh đội trưởng, chị có yêu một anh bộ đội lúc đơn vị chị được điều vào trong Nam, phía Tây Trị Thiên. Hứa hẹn sau chiến tranh họ sẽ cưới nhau. Khi tìm hiểu kĩ về gia đình thành phần không rõ ràng, với lại nghe đâu trong chiến tranh chị có nhiều quan hệ bất chính, anh bộ đội không quay lại. Anh ta đã cưới vợ, làm việc trong thành phố. Bà buông một tiếng thở dài:

- Đời con gái hụt một bước chân đã khổ, đằng này hai ba chốn cũng không thành, nó vào chùa tôi không cản.

Đêm ở vùng đồi, trời sao vời vợi, bốn không gian chìm trong tiếng chim lẻ đôi khoắc khoải, thấp thoáng một ánh đèn trong xóm núi, tâm hồn tôi ùa lên một nỗi buồn vô tận, một nỗi xót xa mất mát cho cuộc đời của chị. Tôi tự vấn lương tâm: Phải chăng mọi bất hạnh về đời tư của chị là do tính ích kỷ, hèn nhát của tôi mà gây nên. Phải chăng không có nụ hôn độ lượng hôm đó thì đời chị tôi đâu đến nỗi này. Chị ơi! Tại em tất cả. Chị hãy tha thứ cho em. Em hối hận biết chừng nào!

Tôi tìm về nơi chị tu hành.

Tôi đinh ninh rằng đó là một ngôi chùa thâm nghiêm, có hòa thượng, các chú tiểu ngày ngày quét lá đa, đọc kinh kệ. Không! Nơi chị tu hành là một ngôi nhà lá trong một vườn nhỏ, cây ăn quả rợp bóng, phía trước nhà, có ao thả sen, nuôi cá. Trong ngôi nhà ấy, gian giữa thờ Phật và để kinh kệ. Người tiếp tôi là bác nông dân bị tật, một chân teo tóp, ngồi bên gốc mít, vót nan đan rổ rá, làm quạt bán. Bác bảo Thượng tọa năm nay đã tám mươi tuổi, đang đi thăm hỏi một người bị ốm làng bên. Trước đây Thượng tọa trụ trì chùa Linh Duyên. Bom Mỹ làm sập chùa, Thượng tọa thỉnh Phật về ngôi nhà này. Chị đã tìm đến đây quy y. Được vài năm chị xin hoàn tục. Cách đó mấy hôm, có gia đình đằng trước xóm, cuốc vườn, không may gặp phải bom bi, người mẹ gục xuống chết. Một tay chị khâm liệm người xấu số. Hai đứa bé mồ côi bố từ trước vì bệnh. Chúng níu lấy tay chị mà khóc. Suốt mấy đêm liền chị không ngủ, người hao gầy, tiếng kinh kệ không trôi chảy. Thượng tọa hỏi chị, chị thành thật thưa lòng chị không yên. Chị muốn xin hoàn tục, làm mẹ hai đứa trẻ mới lên mười ba. Chị xin Phật tổ, xin Thượng tọa lượng xá, đã nấp bóng cửa thiềng mà tu không trọn kiếp. Thượng tọa trầm ngâm lần tràng hạt. Chuyện đau lòng ấy nhà chùa không thể yên. Nhưng liệu sức mình, với mảnh vườn con, ít chiếc rổ rá của người sãi già không đủ nuôi hai đứa trẻ. Thượng tọa thỉnh một tiếng chuông, nói với chị: Vậy con đã giác ngộ đạo của Phật là cứu nhân độ thế. Con làm sáng lòng từ bi của Đức Thích Ca. Nhà chùa cho chị ít tiền. Chị đưa hai đứa bé về nơi thành phố.

Tôi biết tìm chị ở đâu. Giữa phố phường có hàng trăm đường, ai cũng xa lạ, biết hỏi ai, tìm đâu? Nghĩ mãi, tôi tìm đến phòng giáo dục, tôi tin họ biết thầy cũ của chúng tôi, dù thầy có về hưu. Và nhất định thầy biết chị ở đâu, bởi vì, bao giờ thầy dạy văn của chúng tôi cũng quan tâm hết mực đến các học trò của thầy. Quả thật, thầy đã về hưu. Thầy ở ngoại ô trong ngôi nhà vừa thanh tịnh, vừa giáp đường phố, thuận lợi cho việc giao lưu. Tôi xưng tên làm cho thầy sững sờ đến rơi quyển sách đang đọc:

- Em đã… rồi cơ mà?

- Dạ.

Tôi kể lại thầy nghe khi thủy lôi nổ, tôi bị thương rất nặng, nhưng may mắn thay chiếc phao bằng mấy ống nứa không hỏng. Nước cuốn tôi ra biển, tôi được một chiếc tàu Hải quân vớt. Đến khi tốt nghiệp học viện quân sự ở nước ngoài, tôi mới biết rõ những gì xảy ra và nhận luôn tin cha tôi hy sinh anh dũng cho Tổ quốc. Đấy là khi thiếu tá thuyền trưởng chiếc tàu đã vớt tôi, nhận ra tôi qua khuôn mặt cùng tấm giấy chứng minh trong ngực áo tôi. Ông với cha tôi tốt nghiệp một khóa sĩ quan. Cha tôi vào Nam dưới cái lốt kẻ phản bội để hoạt động tình báo Hải quân. Ông là một đầu mối, nhận thông tin của cha tôi và tổ chức đặc công đánh vào các cảng của chính quyền Sài Gòn. Vì vậy, cấp trên bí mật chuyển tôi đến bệnh viện rồi cho ra nước ngoài học. Học xong, tôi tình nguyện đến một nước bạn công tác thời gian dài. Bây giờ mới trở về quê hương. Thầy giáo reo lên sung sướng: “Ôi, Bình, chuyện của em như là huyền thoại!”

Tôi hỏi thăm về chị. Đang vui, tôi thấy nét mặt của thầy trở nên buồn bã, ngậm ngùi. Thầy an ủi tôi: “Cứng rắn lên em!”

Linh cảm mất mát ập đến, tôi như rơi từ vực thẳm, tim thắt lại, tôi run run gục vào thầy, thầy kể tiếp: chị dẫn hai đứa trẻ đến nhà thầy, xin ở một gian bên, mở quán khâu vá, hai đứa nhỏ bán kem. Được hơn năm, một hôm mấy đứa nhỏ đi làm hết, đã chín giờ sáng không thấy chị dậy, ngồi bên máy may như mọi khi. Trước đó mấy hôm thầy đã thấy sắc mặt chị nhợt nhạt, công việc uể oải. Linh tính không hay báo cho thầy. Thầy chạy sang. Trời ơi! Trên giường khuôn mặt chị tái xanh, chân tay nhão ra, đôi mắt cạn kiệt sinh khí, chị mới ngoài ba sáu trông như một bà già sáu mươi. Chị nói không ra lời: “Gần đây sức khỏe em yếu lắm.” Thầy bối rối định đưa chị đi cấp cứu, thì chị gắng gượng tiếp: “Em không qua khỏi đâu. Khi em biết mình nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, không chữa được. Em muốn những ngày cuối cùng của bệnh tật được thư thái tâm hồn, em đã lên chùa… Em đã làm phiền thầy nhiều lắm. Giờ em lại nhờ thầy: Sắp đến giỗ hàng năm của Bình, thầy nhắc mấy đứa nhỏ đến bờ sông đốt cho Bình nén hương.”

Tôi khóc. Thầy ôm tôi như một đứa trẻ. Để vơi bớt nỗi xúc động đau đớn của tôi, thầy trầm lặng nói: “Bát nhang của Hoài thầy thờ kia. Mộ để trên đồi. Chốc nữa, các cháu về chúng ta cùng đi viếng.  

Trên đồi cao tôi thắp nén hương trên mộ chị. Từ trong ngực tôi dội lên tiếng nấc: Chị Hoài ơi! Em đã về bên chị đây chị ơi!

T.T.H  
(SH310/12-14)





 

Các bài mới
Đàn bà đêm (30/12/2014)
Các bài đã đăng