Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-14)
KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QĐNDVN (22/12/1944 - 22/12/2014)
09:35 | 19/12/2014

Giải phóng quân Huế với phong trào Nam tiến 

PHẠM HỮU THU

KỶ NIỆM 70 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QĐNDVN (22/12/1944 - 22/12/2014)

Đêm 22 rạng ngày 23/9/1945, được sự giúp sức của quân Anh, quân đội Pháp đã nổ súng ở Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với cả nước, Huế đã kịp thời chi viện cho Sài Gòn và sau đó, khi chiến tranh lan rộng, cho cả Nam bộ. Phong trào ấy có tên gọi là Nam tiến.

Tiến về Sài Gòn

Sài Gòn lúc này được chia làm 4 mặt trận để tiến hành chiến thuật của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ: “Trong đánh ngoài vây”. Không chỉ vây quân sự mà còn phong tỏa cả kinh tế. Nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy. Nhiều kho tàng của quân giặc bị đốt phá, nhân dân đình công, bãi thị làm cho quân địch khốn đốn.

Trước tình thế đó, cựu ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam kỳ, đại tá Pháp là Jean Cédile phải nhờ thiếu tướng Anh Douglas D.Gracey, Tổng chỉ huy lực lượng quân Anh làm nhiệm vụ giải giáp quân Nhật tại Nam Đông Dương làm trung gian đề nghị hưu chiến và thương thuyết với lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam bộ. Thừa biết Pháp hòa hoãn để chờ viện binh nhưng lãnh đạo Nam bộ tương kế tựu kế, chấp nhận kéo dài thời gian nhằm củng cố lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Mục tiêu của ta là đòi Pháp phải tôn trọng nền độc lập tự do mà nhân dân ta vừa giành được. Còn Pháp thì chỉ đưa ra các tuyên bố vu vơ như đòi Việt Nam phải thi hành nội dung mà Chính phủ Lâm thời Cộng hòa Pháp do tướng Charles. de Gaulle tuyên bố ngày 24/3/1945: “Liên bang Đông Dương sẽ cùng với nước Pháp và một số nước khác của cộng đồng, hợp thành Liên hiệp Pháp, mà những quyền lợi đối ngoại sẽ được nước Pháp là đại diện. Xứ Đông Dương, nằm trong Liên hiệp Pháp sẽ được hưởng một nền tự do riêng của nó”.

Ngày 2/10/1945 hai bên gặp nhau. Trong khi đang thương thuyết thì ngày 3/10/1945, 10.000 quân Pháp (1 trung đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn cơ giới, 1 đội thủy quân) do Đại tướng Philippe Leclerc chỉ huy đổ bộ xuống Sài Gòn. Ngày 9/10/1945, Pháp - Anh ký thỏa hiệp tại Luân Đôn xác định Anh hoàn toàn ủng hộ Pháp trong việc cai trị toàn Đông Dương dưới vĩ tuyến 16! Cuộc thương thuyết diễn ra trong vòng 1 tuần nhưng không mang lại kết quả.

Cuộc kháng chiến tiếp tục.

Trong khi đó, để trợ giúp quân Pháp, tướng Gracey đã buộc Thống chế Terauchi đưa quân Nhật tham chiến.

Trước việc Anh dùng quân đội Nhật tấn công lực lượng Việt Nam, tướng Mac Arthur của Mỹ phản ứng: “Nếu có gì đó làm máu tôi sôi lên thì đó là việc tôi thấy các nước Đồng Minh của chúng ta ở Đông Dương và Java sử dụng quân Nhật để đàn áp các dân tộc nhỏ bé này mà chúng ta đã hứa giải phóng. Đó là một sự phản bội kinh tởm nhất.” Sau 2 tuần bị quân ta bao vây, cuối cùng lực lượng của Anh, Pháp, Nhật đã phá vỡ cuộc phong tỏa Sài Gòn.

Giải phóng quân Huế xuất quân

Cuộc hành quân vào Nam của lực lượng giải phóng quân (GPQ) Huế diễn ra đến nay đã gần 70 năm. Người còn sống, ít nhất cũng đã trên 90 tuổi, và ông Nguyễn Cửu Châu (hiện trú ở đường Nhật Lệ - Huế) là một trong số đó. Mặc dù giấy tờ ghi sinh năm 1926 nhưng trên thực tế ông Nguyễn Cửu Châu, năm 2014 này đã 92 tuổi.

Như nhiều trai tráng khác, sau cách mạng tháng Tám - 1945, từ một học sinh của Trường Khải Định - Huế, ông Nguyễn Cửu Châu đã cùng bạn bè, trong đó có ông Dũng Chi, sau này là Thiếu tướng “xếp bút nghiên” xin gia nhập GPQ Huế.

Nếu so với “Nóp và giáo mang vai” của dân quân Nam bộ, thì những chiến sĩ của GPQ Huế “hoành tráng” hơn nhiều. Thường mỗi phân đội trưởng, theo ông Nguyễn Cửu Châu được trang bị một khẩu carbin, còn binh lính như ông, mỗi người được phát một khẩu súng trường hiệu Mousqueton hay Indochinois cùng 2 kẹp đạn và 2 quả lựu đạn. Quân trang là áo quần sọt của lính Tây. Số vũ khí, quân trang này chủ yếu được lấy từ các kho ở Chín Hầm hay ở Mang Cá của Pháp.

Ông Nguyễn Cửu Châu cho biết:

- Sau chừng một tháng tập luyện, cuối tháng 9/1945, đơn vị của tôi do anh Đoàn Huyên làm Trung đội trưởng và Trung đội I do anh Phan Hạo làm Trung đội trưởng được lệnh Nam tiến.

Theo hồi ký của Đại tá Phan Hạo:

- Không có người chỉ huy chung, Hạo và Đoàn Huyên cùng bàn. Trung đội I đi trước Trung đội III, hàng ngũ chỉnh tề, cờ đỏ sao vàng phấp phới, anh em vừa đi vừa hát từ trường Quốc Học lên ga Huế.

Đến nơi thì được lệnh báo là lên tàu, hai trung đội phải xếp hàng trên sân ga chào xã giao các chỉ huy tiểu đoàn quân Tưởng vào Đà Nẵng tước vũ khí quân Nhật. Hai trung đội nghiêm chỉnh chấp hành.

... Sau đó mấy phút, tên phiên dịch người Hoa xấc xược báo cho Hạo là các trung đội giải phóng quân phải xuống xe lửa chớ không được đi chung với quân Tàu vào Đà Nẵng. Nước nhà vừa độc lập, hai trung đội GPQ Thuận Hóa là biểu tượng của cả lực lượng vũ trang cách mạng trong tỉnh đi chi viện cho Nam bộ, ở ngay đất Huế, thế thì sao hai trung đội đã ở trên tàu lại phải lui xuống? Còn gì là thể diện quốc gia, là nhuệ khí ban đầu đi Nam tiến?

Hai trung đội trưởng hội ý và ra lệnh cho cả hai trung đội sẵn sàng chiến đấu.

Một giờ căng thẳng trôi qua. Người trưởng ga Huế đến nói riêng với hai trung đội trưởng: “Tôi đã chuẩn bị một đầu tàu kéo riêng những toa các anh đi trước”.

Số đồng bào đi tiễn quân ta vui mừng, tấp nập mang quà bánh cho các chiến sĩ lên đường. Khí thế hừng hực, mọi người gào to bằng “bao chiến sĩ anh hùng, lạnh lùng vung gươm ra sa trường...”.

Theo tài liệu của Chi đội 3 GPQ Nam tiến, thì trưa ngày 28/9/1945 đoàn tàu chở đơn vị từ Bắc vào đã dừng lại ở ga Huế.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh ra tận sân ga thăm hỏi, động viên binh sĩ và tặng cho đoàn một thanh kiếm, tượng trưng cho sức mạnh đội quân quyết tâm đánh giặc, bảo vệ đất nước. Cùng ra đón, có hàng nghìn người gồm già, trẻ gái, trai. Các mẹ, các chị, các nữ sinh Trường Đồng Khánh mặc áo dài dẫn bộ đội GPQ về nghỉ ở Trường Khải Định - Quốc Học và tự nguyện ở lại phục vụ cơm nước.

Ông Thân Trọng Ninh nhớ lại:Một đoàn lính người dân tộc thiểu số, gọi là “khách” mới đến. Họ xem ra chưa quen với cuộc sống đồng bằng nên trên khuôn mặt luôn đượm vẻ buồn nhớ núi rừng”.

Những lính “khách” đó, phần lớn quê ở Cao Bằng. Tháng 8/1945, được lệnh tiến về Hà Nội phối hợp cùng các lực lượng bảo vệ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập hôm 2/9/1945 ở quảng trường Ba Đình.

Để đối phó với âm mưu thực dân Pháp dựa vào quân Anh đánh chiếm Nam bộ, lập chính phủ “Nam kỳ tự trị”, đội quân Việt Bắc được giao nhiệm vụ đặc biệt là tiến về Nam.

Ngày 10/9/1945, sau khi tiếp nhận Trung đội Hà Nội, đơn vị đặc biệt ấy tề tựu về ga Hàng Cỏ theo tàu để hành quân về Thanh Hóa và dừng chân tại đây chừng nửa tháng để luyện tập và nhận thêm quân, mãi đến khi thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, đoàn mới Nam tiến.

Trước khi đến Huế, tàu còn dừng lại ở Vinh để nhận thêm quân; đồng thời tổ chức 3 Trung đội mới gia nhập của Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An thành một đại đội do ông Thắng Lợi làm Đại đội trưởng.

Sau khi đón quân ở Huế, rạng sáng ngày 29/9/1945, tàu đến Quảng Ngãi đón Đại đội Lê Trung Đình.

Trong thời gian ở Quảng Ngãi, UBND Trung bộ quyết định tổ chức 2 trung đội của GPQ Huế thành 1 đại đội do ông Đoàn Huyên làm Đại đội trưởng và sáp nhập vào Chi đội 3 Nam tiến do ông Mông Phúc Thơ (Lương Văn Khâm, dân tộc Nùng, hy sinh năm 1946 tại Phan Thiết) làm Chi đội trưởng; ông Nam Long (Đoàn Văn Ưu, dân tộc Tày, sau này là Trung tướng, thời chống Mỹ từng là Phó Tư lệnh Quân khu Trị - Thiên) làm Chính trị viên. Chi đội lúc này có 3 đại đội và thường gọi theo tên Đại đội trưởng, gồm: Đại đội Hồng An, Đại đội Thắng Lợi và Đại đội Đoàn Huyên.

Đến Phan Thiết, Chi đội 3 chia làm hai bộ phận: một bộ phận hành quân bằng ô tô, do Nam Long chỉ huy đi trước vào Biên Hòa. Bộ phận còn lại do Mông Phúc Thơ chỉ huy theo tàu vào Thủ Đức, phối hợp tổ chức lực lượng bao vây, đánh chặn không cho quân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, nhất là ra hướng đông Sài Gòn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá về Chi đội 3 Nam tiến như sau:

Chi đội 3 là một trong những chi đội mạnh đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân.

Đây là chi đội đầu tiên được điều động về Thủ đô, tham gia bảo vệ thành quả Cách mạng tháng Tám và ngày lễ Độc lập.

Ngày 23/9/1945, giặc Pháp gây hấn ở Nam bộ thì ngày 26/9 là chi đội đầu tiên theo chủ trương khẩn trương và tích cực chi viện cuộc kháng chiến của đồng bào Nam bộ, được lệnh lên đường Nam tiến.

Cán bộ và chiến sĩ bao gồm thanh niên các dân tộc ở chiến khu Việt Bắc, được bổ sung những chiến sĩ ưu tú ngay ở Hà Nội và liên tiếp được tăng thêm sức mạnh chiến đấu với sự tham gia của thanh niên nông dân, công nhân, học sinh của Quân giải phóng các tỉnh miền Trung.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Thơ, đồng chí Nam Long, Chi đội đã sớm có mặt tại mặt trận Sài Gòn, đánh địch ở cầu Bình Lợi, ở Xuân Lộc và đã có những cuộc chiến đấu anh dũng và thắng lợi trên đường hành quân tại Phan Thiết, Phan Rang, Nha Trang, Buôn Ma Thuột.

Ý nghĩa lớn lao của Chi đội 3 xung phong Nam tiến là quyết tâm chi viện Nam bộ của Bác, của Đảng, là tinh thần ruột thịt Nam Bắc của Giải phóng quân, có mặt trên mặt trận Nam bộ và miền Nam Trung bộ ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến
”.

Mặt trận phía đông Sài Gòn

Chi đội 3 Nam tiến hiện diện ở Mặt trận đông Sài Gòn cũng là lúc cuộc hưu chiến giữa ta và Pháp tan vỡ.
 

Thiếu tướng Đoàn Huyên - Ảnh: Internet

Theo hồi ký của Giáo sư, Thiếu tướng Đoàn Huyên và Đại tá Phan Hạo sau khi đến Thủ Đức, Đại đội của Đoàn Huyên được điều về phía bắc cầu Bình Lợi nhằm ngăn quân Anh - Ấn (lúc này còn là thuộc địa của Anh) từ bên kia cầu tấn công sang.

Bình Lợi lúc đó là chiếc cầu quay bằng sắt vắt qua sông Sài Gòn, giáp ranh giữa hai quận Bình Thạnh - Thủ Đức. Thời ấy cầu dành cho cả đường xe lửa và đường bộ, cách ga Sài Gòn 12km. Theo ông Nguyễn Cửu Châu cùng các cựu binh của Chi đội 3 Nam tiến kể lại, tại đây, lúc này quân ta tập trung khá đông, ngoài lực lượng du kích địa phương còn có lực lượng Bình Xuyên, Đại đội du kích Ba Tơ của Quảng Ngãi. Riêng các đơn vị của Chi đội 3 được bố trí như sau: dọc theo đường vào thành phố Sài Gòn, ở phía trái là Đại đội Thắng Lợi, phía phải là Đại đội Đoàn Huyên, còn phía sau là Đại đội Hồng An.

Ngày 10/10/1945, sau khi quân ta bất ngờ chiếm bốt gác  ở phía bắc cầu Bình Lợi, sáng  hôm sau, địch tổ chức chiếm lại. Địch dùng đại liên gắn trên xe tăng bắn yểm trợ cho bộ binh của chúng tiến sang. Đại đội Đoàn Huyên dùng trung liên đánh trả. Địch rút chạy. Quân của Đại đội Thắng Lợi truy kích. Sau khi đốt bốt gác ở phía nam cầu, Đại đội Thắng Lợi được lệnh trở về vị trí cũ.

Đúng như dự kiến, hôm sau (13/10), quân Anh - Ấn huy động thêm quân Nhật, quân Pháp trở lại ở phía bờ nam. Tại đây chúng dùng cối 60 và 81 ly, súng phóng lựu (tromblon VB), kể cả đại liên, trung liên bắn sang và sau đó cho quân tiến qua cầu. Trên sông Sài Gòn, địch cho 3 ca nô đến phối hợp nhưng bị quân ta bắn cháy. Đợi địch di chuyển chừng 100 mét, Đại đội Đoàn Huyên nổ súng. Bị ta đánh chặn, quân Anh - Ấn không dám phát triển sâu thêm vào phía đông cầu Bình Lợi nên chúng buộc quân Nhật đánh uy hiếp quân ta từ phía sau để hỗ trợ. Lúc này, từ Phan Thiết đến Thủ Đức, Nhật có khoảng 3.600 quân, trong khi lực lượng của ta chưa tới 1/3 so với chúng; để tránh đụng độ, ta chủ động rút về Xuân Lộc. Do Đại đội trưởng Đoàn Huyên phải ra Phan Thiết chữa bệnh nên Phan Hạo được chỉ định làm Đại đội trưởng.

Chiến đấu ở Xuân Lộc hơn 10 ngày, chiều 30/10/1945, quân ta quyết định rút ra Phan Thiết. Đầu tháng 11/1945, Phan Thiết trở thành nơi hội quân của các cánh từ Nam ra, từ Bắc vào.

Ngày 9/11/1945, theo lệnh của quân Anh, một tiểu đoàn lính Nhật đổ bộ bãi Thương Chánh, Phan Thiết để thực thi nhiệm vụ tước vũ khí của quân ta “theo lệnh của Bộ chỉ huy Đồng Minh”. Và sáng 11/10, cuộc chiến đấu ở mặt trận Phan Thiết diễn ra. Trung đội trưởng Bửu Túc, 2 chiến sĩ Tôn Thất Điệp, Võ Thanh Phiếm của Đại đội Phan Hạo hy sinh.

Sau hội nghị Bình An ở Hàm Thuận, Đại đội Phan Hạo được điều về Chi đội Bình Thuận do ông Mông Phúc Thơ làm Chi đội trưởng; 2 đại đội còn lại của Chi đội 3 do ông Nam Long làm Chi đội trưởng được điều ra tăng viện cho Phan Rang - Ninh Thuận. Tại mặt trận này, Đại đội trưởng Thắng Lợi hy sinh. Cuối cùng, sau nhiều ngày bao vây và tấn công, ngày 24/11/1945 quân ta chiếm được Tòa Công sứ. Phan Rang trở thành thị xã đầu tiên của mặt trận miền Nam được giải phóng, góp phần buộc quân Nhật phải rút khỏi Phan Thiết ngày 12/12/1945, làm thất bại âm mưu của quân Anh sử dụng binh lính Nhật tiếp tay cho quân Pháp nhanh chóng chiếm đóng trở lại các tỉnh Nam Trung bộ.

Ngày 27/11/1945, sau khi được chỉ định làm Khu phó Khu VI, ông Nam Long đã đưa Chi đội từ Phan Rang ra Nha Trang.

Hội quân ở mặt trận Nha Trang

Trong khi ở Nam bộ đang đương đầu với giặc Pháp, thì ngày 6 và 10/10/1945 Pháp dùng thiết giáp hạm Richelieu đổ 1.000 quân vào Nha Trang phối hợp với lực lượng tại chỗ chiếm lại thành phố này. Bộ chỉ huy Pháp đặt kế hoạch đánh chiếm sớm Nha Trang để làm bàn đạp mở rộng tấn công ra các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, do vậy phải điều động lực lượng quân sự từ Bắc và Trung Trung bộ vào tăng cường cho các tỉnh cực Nam Trung bộ.


Theo hồi ký của Đại tá Lâm Quang Minh (Lâm Quang Yên): ngày 19/10/1945, Trung đội của ông được lệnh cùng 2 trung đội của Nguyễn Trung Lập và Võ Quang Hồ lên đường Nam tiến và ông được chỉ định làm Đại đội trưởng.

Theo ông Lâm Quang Minh thì đây là đợt thứ tư, Huế gửi quân chi viện cho miền Nam. Qua đối chiếu tư liệu do các cựu học sinh của Trường Thanh niên Tiền tuyến - nòng cốt của lực lượng GPQ Huế cung cấp: Huế đã gửi 12 phân đội (tương đương trung đội) Nam tiến, 3 phân đội Tây tiến, nghĩa là rút hơn một nửa lực lượng GPQ của Huế lúc bấy giờ để chi viện cho các chiến trường nhằm đánh trả quân Pháp.

Trong 12 Phân đội GPQ Huế tiến vào Nam, nếu căn cứ vào tư liệu do cuốn “Trường Thanh niên Tiền tuyến Huế - 1945 - một hiện tượng lịch sử” thì đến bây giờ chúng tôi mới thống kê được như sau:

Đợt 1: Trung đội 5 của Phan Khôi.

Đợt 2: Trung đội 1 của Phan Hạo; Trung đội 3 của Đoàn Huyên.

Đợt 3: Trung đội của Nguyễn Thế Lâm; Trung đội của Phan Nhĩ; Trung đội của Võ Ngân; Trung đội 13 của Nguyễn Tuyên.

Đợt 4: Trung đội 4 của Lâm Quang Minh, Trung đội 14 của Nguyễn Trung Lập và Trung đội 15 của Võ Quang Hồ.

Tổng cộng: 12 Phân đội.

Tuy nhiên, theo chúng tôi con số trên là chưa đầy đủ, bởi chúng ta biết, cùng thời điểm đó, ông Cao Văn Khánh (sau này là trung tướng) dẫn một đại đội GPQ Huế Nam tiến. Nơi đại đội tác chiến là Bình Định và cuối năm 1945, Cao Văn Khánh trở thành Khu trưởng Khu V kéo dài từ Phú Yên đến Bình Thuận; (Chính ủy là ông Trần Lương, tức tướng Trần Nam Trung, Bộ trưởng Quốc phòng của Chính phủ CHMNVN thời chống Mỹ).

Phải chăng, chiến thắng ở đèo Phượng Hoàng ngày 27/9/1945 phục kích bắt sống toàn bộ 18 xe chở binh sĩ Nhật, thu 240 súng từ Tây Nguyên theo đường 21 về Ninh Hòa - Khánh Hòa là do đại đội Nam tiến của Cao Văn Khánh thực hiện?

Nếu một đại đội thời ấy tương đương với 3 trung đội thì có thể trong phong trào Nam tiến 1945, GPQ Huế đã có 15 phân đội tham gia chiến đấu ở Nam bộ và Nam Trung bộ.

Cùng với đại đội của Nguyễn Thế Lâm, đại đội của ông Lê Quang Minh “đã nếm trải những giây phút hiểm nguy khi đánh trận đầu ngày 23/10/1945 tại Nha Trang với những vũ khí ít ỏi, thô sơ và chưa có một chút kinh nghiệm trận mạc”. Mặt trận Nha Trang mở màn vào lúc 3 giờ sáng ngày 23 tháng 10 năm 1945, đúng một tháng sau ngày nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Lệnh tấn công được phát ra từ một khối thuốc nổ lớn đặt bên ngoài hầm xe lửa số 1. Khu vực nhà ga xe lửa, nhà đèn, khu Bình Tân... đều bị tấn công.

Mặt trận Nha Trang lúc này đặt dưới sự chỉ huy của ông Trần Công Khanh (chỉ huy trưởng), ông Nguyễn Thế Lâm (chỉ huy phó), ông Hà Văn Lâu (tham mưu trưởng) và ông Nguyễn Mô (chính trị viên). Nhưng theo nhà văn Trần Công Tấn: “Ban chỉ huy được thành lập do Trần Chí Hiền (người Huế chỉ huy, đến đầu tháng 12/1945 do bị tai nạn ô tô nên ra Huế điều trị; năm 1946 phụ trách Tỉnh đội Dân quân Thừa Thiên), làm Chỉ huy trưởng; Hà Văn Lâu, chỉ huy phó (tháng 12/1945 thay ông Trần Chí Hiền làm chỉ huy trưởng); Nguyễn Mô (Bùi Định) làm chính trị viên; Nguyễn Thế Lâm làm Tham mưu trưởng. Ban chỉ huy mặt trận Nha Trang đóng tại Phú Vinh.” (Trích từ trang 75 cuốn “Hà Văn Lâu - Người đi từ bến làng Sình”. Nxb. Phụ nữ, 2004).

Ngoài quân và dân Khánh Hòa, mặt trận Nha Trang còn có sự chi viện của các đoàn quân Nam tiến, mà trong đó Huế vinh dự đã cử 2 đại đội sát cánh chiến đấu ròng rã 101 ngày, đêm nhằm bao vây, tấn công quân Pháp (23/10/1945 - 2/2/1946); cùng có mặt trong đoàn ấy là những nữ sinh Huế như các bà: Lệ Tùng, Ngọc Toản, Lê Minh Dư, Lê Thị Hảo tham gia làm công tác cứu thương và cả thiếu niên tuổi chỉ 12, 13 như Trần Công Tấn làm liên lạc viên. Những cán bộ, chiến sĩ của GPQ Huế Nam tiến thời ấy có nhiều người trở thành tướng lĩnh của QĐND như: Trung tướng Cao Văn Khánh, Thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm, Thiếu tướng Đoàn Huyên, Thiếu tướng Võ Quang Hồ.

Mặt trận Nha Trang, được sự chi viện của cả nước hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Trung ương giao phó.

Nhân ngày kỷ niệm quân đội ta tròn 1 tuổi, ngày 22/12/1945, Bác Hồ gửi thư khen các chiến sĩ mặt trận miền Nam, các chiến sĩ mặt trận Nha Trang: “Chính phủ Dân chủ Cộng hòa Việt Nam rất khen ngợi chiến sĩ các mặt trận miền Nam, đặc biệt là chiến sĩ ở Nha Trang và Trà Vinh đã làm gương anh dũng cho toàn quốc.

Tổ quốc biết ơn các bạn.
Toàn thể đồng bào noi gương các bạn
.

P.H.T  
(SDB15/12-14)






 

Các bài mới
Dĩa rau khoai (15/01/2015)