Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.12-14)
Nhà thơ Lê Văn Ngăn từng viết "những bài thơ tôi chỉ sống đôi ngày" nhưng tôi nghĩ thơ ông thật sự đã sống và sống không chỉ đôi ngày
08:47 | 07/01/2015

ĐÌNH PHÚ

Nhà thơ Lê Văn Ngăn từng viết "những bài thơ tôi chỉ sống đôi ngày" nhưng tôi nghĩ thơ ông thật sự đã sống và sống không chỉ đôi ngày

1.

Sinh ra và lớn lên ở Huế nhưng nhà thơ Lê Văn Ngăn có đến hai phần ba cuộc đời sống, gắn bó với Quy Nhơn. Khi mới 20 tuổi, ông đã rời Huế vào thành phố biển xinh đẹp, mà theo chia sẻ của ông, đây là vùng đất có những con người nghĩa hiệp. Ông “nam tiến” để học Sư phạm Quy Nhơn khóa 3 (1964 - 1966). Khóa học này còn có nhạc sĩ Tôn Thất Lập.

Ông trải qua những bước ngoặt cơ duyên trong cuộc đời mình khi ở vùng đất mới. Tôi nghĩ bước ngoặt cơ duyên để lại dấu ấn đậm nét nhất là thơ với bài “Sóng vẫn đập vào eo biển” sâu lắng tình đất, tình người và nồng nàn tình yêu đất nước.

Hoàn cảnh ra đời bài thơ này khá đặc biệt, mà tôi nghĩ cho đến bây giờ ít người biết rõ. Ông sáng tác “Sóng vẫn đập vào eo biển” vào năm 1973 khi đang còn là quân tiếp vụ (lính hậu cần) của chính quyền Sài Gòn. Thời gian này ông dằn vặt nỗi đau đớn về số phận cá nhân mình, về đất nước và nó luôn nặng mang trong ông. Làm quân tiếp vụ, có những ngày ông thường phải ngồi “đếm” mình đã bán được bao nhiêu gói thuốc, hộp sữa… để ghi sổ sách. Công việc cũng chẳng có gì nặng nhọc hay nguy hiểm, vậy thì sao ông lại “mang nặng một nỗi đau đớn”? Trò chuyện thân tình với ông, tôi mới hiểu được rằng ông làm việc đó một cách chẳng đặng đừng. Trong những năm tháng cả nước cùng ra trận, ông khao khát được hòa mình vào để chống lại kẻ thù xâm lăng. Tuy vậy, khát khao và ý nguyện dấn thân của ông không thành bởi ông đã bị bắt đi lính cho chính quyền miền Nam.

Lần đầu tiên khi ông còn dạy học ở Phan Rang vào năm 1966, và lần thứ hai là năm 1973. Lần này thì không thể trốn được, nên ông buộc phải đi làm quân tiếp vụ rồi sau đó đào ngũ trở về trong sự vây ráp, bắt bớ của chính quyền miền Nam. Và thế là những trăn trở về thân phận, về đất nước đã bật lên:

     “Quê hương quê hương, nơi trái tim tôi rung động dưới bầu trời đầy sao
nơi tôi muốn nhắm mắt dưới lòng đất quen thuộc
     lòng em, không chịu dừng chân ở ngã ba rẽ về liên tỉnh
không muốn rứt mình bên này các ranh giới
     trước rào cản của kẻ thống trị, em còn muốn
     tiếng sóng nơi em bắt nhịp với còi tàu cầu Long Biên
     và những vườn hoa bưởi
     những vại nước lấm tấm bông cau
     cũng phảng phất mùi hoa gạo
     cho nên tiếng bom nổ ở miền Bắc
     dù không nói, tôi cũng biết lòng em chấn động…”.

                             (Sóng vẫn đập vào eo biển)

Ngay sau khi ra đời, “Sóng vẫn đập vào eo biển” đã được chọn đăng trên tờ Đối Diện (một tờ báo công giáo yêu nước khá phổ biến lúc bấy giờ). Bài thơ này từng bị địch tịch thu, nhưng sau đó lại được đọc trên Đài Giải phóng và đăng trên tờ Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Có lẽ nhờ sự đồng cảm về một tâm tưởng yêu nước, nên bài thơ đã có sức thuyết phục lớn, dù lúc đó không ai biết tác giả là ai, hoàn cảnh riêng như thế nào. Nhà thơ Lê Văn Ngăn kể cho tôi một kỷ niệm vui. Đó là năm 1975 ông bất ngờ nhận được 5 đồng nhuận bút của “Sóng vẫn đập vào eo biển” do Hội Nhà văn gửi. Ông bảo hồi đó 5 đồng lớn lắm. Tôi thì nghĩ nó không chỉ “lớn lắm” về mặt vật chất mà thật sự rất ý nghĩa với ông về nhiều khía cạnh khác, trong đó có sự nghiệp thơ văn.

Cũng trong khoảng thời gian trước 1975, bài thơ “Đất của những người bất phục” mà ông sáng tác cũng tạo được tiếng vang. Bài thơ này cũng được đăng trên tờ Đối Diện, sau đó đăng trên tờ Thống Nhất của Ủy ban Mặt trận lúc bấy giờ. Hòng tìm cách ngăn chặn sức lan tỏa của bài thơ, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ đã đưa tác giả ra tòa án binh xử vắng mặt, tuyên phạt 1 đồng danh dự và cấm phát hành vĩnh viễn.

2.

Sau ngày nước nhà thống nhất, nhà thơ Lê Văn Ngăn về công tác ở Đài Phát thanh Bình Trị Thiên, rồi Đài Truyền thanh Huế. Có lẽ không hợp duyên lắm nên chừng được 3 năm, ông trở vào Bình Định làm phóng viên ở Hội Văn nghệ cho đến ngày nghỉ hưu với chức vụ Phó Chủ tịch Hội. Với Quy Nhơn, như đã nói, bước ngoặt cơ duyên để lại dấu ấn đậm nét nhất của ông là thơ. Nhưng bước ngoặt để lại dấu ấn đặc biệt nhất của ông, có lẽ là người con gái xinh đẹp của “Đất võ Trời văn” bây giờ là mẹ của hai người con trai đã trưởng thành của ông. Là người đồng hương, cùng gốc Huế với ông, tôi cũng có nhiều năm gắn bó thân thuộc với nhà thơ Lê Văn Ngăn nơi phố biển Quy Nhơn. Cơ duyên đó bắt nguồn từ nhà thơ - nhà báo Thái Ngọc San, người bạn thân thiết của nhà thơ Lê Văn Ngăn. Bác San đã mất nhưng mãi trong tâm trí tôi, bác vẫn luôn là một người vô cùng đáng kính, người thật sự đã bắc cầu cho tôi bước vào nghề báo.

Hồi đó mới ra trường, đang cù bơ cù bất, bác San đã cho tôi theo trong những chuyến công tác, hay mỗi ngày được lên nhà riêng ở gần nhà thờ Phủ Cam (Huế) để gõ máy tính các bài báo mà bác viết tay. Với tôi thật sự đó là một niềm may mắn, may mắn hơn rất nhiều những đứa bạn cùng thời, để rồi sau đó chính thức trở thành phóng viên Báo Thanh Niên. Khi tôi vào Quy Nhơn, bác San đã giới thiệu và gửi gắm tôi với nhà thơ Lê Văn Ngăn.

Nhắc đến bác San trong bài viết này, không chỉ nói lên lòng biết ơn sâu sắc của tôi, mà còn phần nào để nói về sự chung thủy của nhà thơ Lê Văn Ngăn với những người bạn. Ông nói mình có nhiều bạn trong cả nước. Sau này để ý tôi biết nhiều người bạn ông còn sống, điều kiện khấm khá đã không mấy còn mặn mà lắm với ông. Có lẽ cũng vì ông chọn cho mình cách sống lặng lẽ, âm thầm. Vậy nhưng ông luôn khắc ghi trong lòng mình những kỷ niệm gắn bó với tất cả bạn bè một cách nhẹ nhàng và đằm thắm…

3.

Trong những ngày này, nhà thơ Lê Văn Ngăn vẫn đang âm thầm “chiến đấu” với bệnh tật. Bệnh của ông thuộc diện nan y nhưng trước bạn bè, tôi thấy ông thật sự cũng rất âm thầm. Trở về Quy Nhơn từ bệnh viện, ông ít đi đến những địa chỉ quen thuộc để uống cà phê hay đánh cờ tướng với bằng hữu như trước đây. Bia rượu thì tuyệt nhiên ông không đụng đến giọt nào nữa. Ông bảo sợ gặp lại những người thân quen rồi thăm hỏi nhiều quá đến bệnh tật làm ông sợ. Có lẽ ông sợ đến một ngày ông không thể tự trả lời được những câu hỏi ấy. Tôi mạo muội nói ra điều này, vì khi đọc tiểu thuyết “Thầy Gotama và 8000 đệ tử” của bác sĩ Trần Như Luận, ông đã thật lòng chia sẻ về điều đó rồi: “Những ngày nằm viện tôi thường nghĩ về sự chết. Vì thế, trong 66 chương của bộ tiểu thuyết 2 tập, dày gần 1.200 trang, tôi chú ý đọc chương 39 với tựa đề “Suy nghiệm về thân phận”.

Nhà thơ Lê Văn Ngăn thường thích nói về “những người quen lặng lẽ hy sinh”. Ông thích nói như thế hoàn toàn không phải tự tâng bốc ông lên. Tôi luôn thấy ông hiển hiện một sự chân tình với tất cả mọi người, dẫu người đó nay đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Một trong “những người quen lặng lẽ hy sinh” có tác giả Trường ca hòa bình - Ngô Kha. Trong những năm tháng học ở Trường Quốc học Huế, ông may mắn được học thầy Ngô Kha (nhà thơ, liệt sĩ) hai môn Công dân và Việt văn. Trường này hàng năm thường tổ chức thi thơ. Thầy Ngô Kha là trưởng ban giám khảo. Ông kể: “Có lần đang ngồi trong lớp học giờ Sinh vật của Giáo sư Bính, thầy Kha đến gặp Giáo sư Bính rồi nói: “Thầy cho phép tôi được gặp trò Lê Văn Ngăn”. Tôi đi ra thì thầy Kha rạng rỡ nói ngay: “Toa được giải nhất. Nghe thầy thông báo như thế, tôi rất cảm động”. Mối thâm tình thầy trò bắt đầu từ đó. Họ thường rủ nhau đi uống cà phê, chuyện trò thân mật, chia sẻ những trăn trở riêng tư, cùng gắn bó thân thiết với Thái Ngọc San và những người bạn khác ở Huế…

Những ngày tháng 5 nóng bỏng trên biển Đông, nhà thơ Lê Văn Ngăn vào Sài Gòn tái khám về căn bệnh hiểm nghèo của mình. Tôi đến thăm tại nhà con trai ông ở Quận 12, dù không được khỏe lắm, nhưng ông vẫn hỏi thăm về vụ giàn khoan của Trung Quốc lấn chiếm ở thềm lục địa Việt Nam. Ông bảo, bác sĩ khẳng định bệnh của ông “đã rất OK” nhưng trông ông không còn khỏe mạnh như trước đây. Ngồi nói chuyện một lúc ông đã phải đi ngả lưng.

4.

Thật ít có nhà thơ nào như Lê Văn Ngăn. Mãi đến năm 65 tuổi, ông mới lần đầu in công khai duy nhất một tập thơ “Viết dưới bóng quê nhà” giới thiệu những bài thơ ông sáng tác khi sống ở Quy Nhơn từ sau năm 1978. Những bài thơ viết trước đó đều in lậu trong hai tập “Trên đồng bằng” và “Vào một thời im bóng” trước 1975. Thơ trong hai tập này giờ bài còn bài mất, ngay cả bài “Đất của những người bất phục” ông cũng không còn lưu giữ trong tay. Ông bảo bây giờ nhiều bài đã thất lạc rồi. Có lúc cũng cố kiếm tìm nhưng rồi nghĩ lại cứ cho nó trôi đi như sông vậy thôi. Mình có làm công tác thủy lợi đâu mà chặn dòng nó!

Như Hàn Mặc Tử đã từng nói: “Cái đời tôi, tôi cũng không cần nữa, huống gì cái danh!”, ông dường như không cầu cạnh danh tiếng trong văn chương bởi có lẽ, theo ông, nó không đáng gì giữa mênh mông cuộc đời này. Tôi nghĩ, với ông, nếu bị tước mất thơ, ông sẽ còn những người bạn. Ông thừa nhận đôi khi cũng thấy lòng trống trải vì “Những đêm khuya tôi nằm lắng nghe tiếng chân đoàn quân xâm lược vọng về từ các miền dầu mỏ” (Thời gian).

Nhà thơ Lê Văn Ngăn từng viết “những bài thơ tôi chỉ sống đôi ngày” nhưng tôi nghĩ thơ ông thật sự đã sống và sống không chỉ đôi ngày!

Đ.P   
(SDB15/12-14)

>>
Lê Văn Ngăn, thi ca là tín ngưỡng của một người - PHẠM TẤN HẦU giới thiệu
Thơ Lê Văn Ngăn - Tiếng hót của loài Dạ Oanh - LÊ HUỲNH LÂM
Lê Văn Ngăn "Viết dưới bóng quê nhà" - BỬU Ý
Lê Văn Ngăn Nhà thơ không bao giờ lớn tiếng - NGÔ THẾ OANH
LÊ VĂN NGĂN: Ký ức về một vẻ thuần khiết - VƯƠNG KIỀU





 

Các bài mới
Dĩa rau khoai (15/01/2015)
Các bài đã đăng
Sự mầu nhiệm (06/01/2015)