Tạp chí Sông Hương - Số 311 (T.01-15)
Chuyên đề SÁNG TẠO TRẺ HUẾ - NĂNG LƯỢNG VÀ DỰ PHÓNG
09:02 | 16/01/2015

Dăm năm trở lại đây, lực lượng văn nghệ sĩ trẻ ở Huế đã cho thấy nội lực dồi dào trong sáng tác, tạo nên dấu ấn trong dòng chảy văn học nghệ thuật Cố đô. Nhiều tác phẩm có tiếng vang, vượt khỏi biên giới Huế, tạo nên sự tương tác đồng đẳng với những trung tâm nghệ thuật lớn của đất nước.

Chuyên đề SÁNG TẠO TRẺ HUẾ - NĂNG LƯỢNG VÀ DỰ PHÓNG

Chốn thiền kinh vốn trầm mặc ưu tư, và rồi luồng gió sáng tạo đầy năng lượng thổi đến, tất cả như òa vỡ trong nhịp điệu phá cách rộn ràng. Điều dễ nhận thấy là trẻ Huế đã hội nhập năng động với thế giới, tiếp cận những khuynh hướng sáng tạo mới, vận dụng khá nhuần nhị để tạo nên giá trị nhân văn. Dấu ấn nghệ thuật đương đại thấm đẫm trong nhiều tác phẩm.

Thế giới hội họa với sức bật đầy ngẫu hứng, bung phá những sắc màu, có lúc là “khiêu khích”, “bội ước” nhất định với người xem; đòi hỏi phía đối tượng tiếp nhận cần thêm nền tảng lý thuyết về những trường phái mà giới trẻ Huế đang thể hiện. Cũng như ở mảng văn học, có lối viết đòi hỏi độc giả, các nhà phê bình cần đọc tác phẩm theo hệ thống và hơn nữa không thể vội vàng “kết luận” bởi dẫu sao họ vẫn đang là người trẻ với con đường khá dài phía trước. Cùng với âm nhạc, văn học và mỹ thuật đã góp mặt ở nhiều hoạt động cộng đồng như các cuộc triển lãm, dịp lễ, trong các kỳ Festival Huế. Một cuộc “trỗi dậy thầm lặng”, là những ngọn sóng nghệ thuật tâm thức cuộn trào khó cưỡng. Sự khác lạ đầy ngẫu hứng, sự tung tẩy tưởng vô tình vô thức song vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp - đó là điều đáng ghi nhận.

Và đó cũng là lý do Sông Hương thực hiện Chuyên đề dành riêng cho sáng tạo trẻ Huế. Tiếc là trong Chuyên đề này, có những chủ đề thiết thực, như đóng góp của kiến trúc trẻ với đô thị Huế, do đề tài rộng cần thời gian nghiên cứu…; cũng như văn học dân gian, là lĩnh vực cần chuyên sâu hơn so với sáng tác thuần túy, do vậy nên dù đã gợi mở, song giới trẻ ở các chuyên ngành đó còn e ngại chưa muốn xuất hiện. Còn về tác phẩm nghiên cứu, Sông Hương do số trang có hạn lại chưa thể đăng tải trong cùng số báo này. Bên cạnh đó, còn nhiều gương mặt tiêu biểu trong 8 Hội chuyên ngành thuộc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế chúng tôi cũng chưa có dịp đề cập, rất mong nhận được sự cảm thông.

Nếu nhìn vào số lượng, chất lượng các tác phẩm và giải thưởng mà văn nghệ sĩ trẻ Huế đã gặt hái, chúng ta hoàn toàn tin tưởng về một thế hệ kế cận lớp trước vốn nhiều những cây đa cây đề của văn học nghệ thuật nước nhà. Tuy nhiên, để những bước đi vững chãi hơn, giới trẻ Huế cũng phải “bước qua” những hạn chế, ví dụ một số tác giả hơi vội trong tiếp cận với thế giới phẳng, chưa tiêu hóa hết năng lượng để lộ ra những dấu vết người trước đã qua…

Họ là ai? Họ đang viết gì? Rồi họ sẽ đi về đâu? Rất nhiều những câu hỏi đặt ra có thể tìm thấy những câu trả lời trong chuyên đề này. Nhưng như đã nói, sẽ vẫn chưa trọn vẹn để trả lời các câu hỏi một cách đầy đủ. Hy vọng trong thời gian tới, Sông Hương sẽ có điều kiện mở hướng đi sâu hơn vào từng lĩnh vực để thấy được tầm nhìn của sáng tạo trẻ Huế dự phóng năng lượng vào tương lai.

SÔNG HƯƠNG
(SH311/01-15)





 

Các bài mới
Chiếc áo (02/02/2015)
Hồng hoang biển (29/01/2015)
Các bài đã đăng