Tạp chí Sông Hương - Số 34 (T.11&12-1988)
Tiểu thuyết trước thềm thế kỷ 21
16:01 | 30/03/2015

LISANDRO OTERO

Cách đây mấy tháng ở Thủ đô Buenos Aires (Argentina) một hội nghị các nhà văn quốc tế đã được tổ chức, để thảo luận về đề tài tiểu thuyết sẽ ra sao vào thế kỷ hai mươi mốt sắp sửa đến.

Tiểu thuyết trước thềm thế kỷ 21
Tiểu thuyết châu Mỹ La tinh và văn học thế giới - Ảnh: internet

Tất cả chúng ta đều hiểu rằng vô tuyến truyền hình đang dành được khán giả và khi có người nghe nói đến tựa đề của một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, họ sẽ trả lời, tôi không đọc cuốn sách ấy nhưng tôi đã xem cuốn phim. Thế thì vào thế kỷ tới có còn ai đọc tiểu thuyết nữa không?

Năm mươi sáu nhà văn, phần lớn thuộc các nước châu Mỹ La Tinh đã tham dự hội nghị quan trọng này, trong số những nhà văn ấy có các khuôn mặt tên tuổi như Artuto Uslar Pietri thuộc Venezuela; José Emilio Pacheco ở Mehico; các nhà văn Argentina: Ernesto Sáboto, Abel Posse, Alfredo Roggiano và Abrerlado Castillo, các nhà văn Tây Ban Nha: Juan Luis Cebrián và Felix Grande; nhà văn Puerto Rico-Luis Rafael Sanchej; nhà văn Bella Jozef từ Braxin; nhà văn Nestor Taboada Teran từ Bolivia, nhà văn Armonia Sommers từ Uraguay.

Một nhà văn bậc thầy trong làng văn tiểu thuyết Mỹ La Tinh, Uslar-Pietri, đã phát biểu rằng kích thước vũ trụ của mỗi nhà văn cũng bằng từ vựng của nhà văn ấy bởi vì những khiếm khuyết của cảm giác đã trao quyền lực cho chữ nghĩa. Uslar đã phát triển một luận đề về tiểu thuyết như một thể loại văn chương. Lối văn tường thuật gồm mọi thứ: lịch sử, thực tế, kinh nghiệm, tưởng tượng, và cùng với những thể loại khác như thơ ca và văn chính luận. Nó trở thành chất sống và không chối bỏ được. Mỗi nhà văn khi bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết là đang tạo nên một thể loại mới, mà theo nhà văn ấy, là điều đảm bảo đời sống lâu dài cho tiểu thuyết.

Tôi xin trình bày ý kiến riêng của tôi tóm tắt như sau: câu hỏi đầu tiên phải tự đặt ra cho chúng ta là, đâu là giá trị của tiểu thuyết? Và như thế, với tác phẩm, với một mớ lộn xộn tình tiết, với trực giác và ảo vọng của mình, nhà văn ấy đang tìm kiếm cái gì? Umberti Eco, để cố gắng trả lời câu hỏi này, cho rằng đó là chuyện làm vui cho độc giả. Những người khác lại nhìn nhận rằng họ đang nỗ lực vươn đến một cái gì đó bất tử.

Có người cố gắng xây dựng một thế giới và đóng góp vào cái vốn trí thức của loài người. Cũng có người muốn tạo ra một kích thước khác hẳn với những chuyện hoang đường và thiết kế một vũ trụ hợp lý, thực như là chính hiện thực vậy. Lại có người cố gắng tạo ra một kích thước mới bằng chữ nghĩa, xác thật như thời gian và bền vững như ý muốn tồn tại.

Đặt ra ngoài những ý đồ của tác giả, chúng ta đang phải đối đầu với sự thách thức của hệ thống thông tin đại chúng, của các loại phim ảnh và chúng ta phải chấp nhận sự đương đầu ấy với một phẩm cách đường hoàng.

Thời đại minh họa đã dẫn đến cuộc cách mạng giáo dục. Sự ra đời của máy in, của loại giấy in rẻ tiền, sự phát triển của nền giáo dục bậc cao và sự phát triển của các trường đại học đã thực hiện một cuộc giải phóng từ gốc rễ các lực lượng đã ảnh hưởng đến các loại truyện ngắn đăng từng kỳ, cùng sự bành trướng và phong phú của tiểu thuyết.

Để xác định rằng khoa học kỹ thuật học đã được mở rộng, chúng ta đã chứng kiến điều mà Marshall Meluhan đã gọi là sự bành trướng của năng lực và tốc độ của cảm giác. Không một loại hình nào thay thế loại hình đến trước, khi nó xuất hiện. Điện ảnh không loại trừ sân khấu, cũng như vô tuyến truyền hình không phủ nhận điện ảnh, cũng như các máy video không lấn át được vô tuyến truyền hình. Nhạc kịch không thể thay thế Opera, cũng như nhiếp ảnh không thể đặt hội họa trước một sự bế tắc. Vô tuyến truyền thanh không loại bỏ được những cuộc diễn thuyết và những buổi hòa nhạc, và các loại báo chí cũng không dẹp được các nhà xuất bản. Mỗi sự đối đầu đòi hỏi việc cải thiện thể loại có trước đó, những thể loại ấy chấp nhận sự mâu thuẫn và được tổng kết bằng tình trạng hiệu lực của cả hai loại ấy.

Meluhan đã trích dẫn Lamartine và lời tiên đoán của ông vào năm 1830, rằng báo chí sẽ chấm hết nền văn hóa được phổ biến nhờ những cuốn sách. Khác xa lời tiên tri, tiểu thuyết đã bắt đầu một thời kỳ phát triển. Tương tự như thế, một điều gì đó sẽ xảy ra trong thời đại của chúng ta nếu như các nhà văn đương đầu với sự thách đố đó một cách thông minh.

Những loại ngôn ngữ mới sẽ quyết định bản chất của tiểu thuyết thế kỷ 21. Nghệ thuật luôn luôn là một sự tái tạo. Nó là một thứ nghi lễ tràn lan đưa đến sự hiểu biết toàn diện hơn về con người và môi trường chung quanh họ. Rõ ràng là Jhakespeane thích thú hơn trong việc kiếm sống bằng cách làm cho khán giả của ông tự thưởng thức lấy họ, cũng như Lope De Vaga trước thềm của thế kỷ Hoàng kim Tây Ban Nha, hay Balzac với những tác phẩm định kỳ của ông.

Những trò giải trí nhất thời không thể nào sánh được với phim ảnh mà cũng không thể tiếp tục phô bày những gì hiển nhiên. Cũng như phát minh về sự phân ly ánh sáng đã thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa ấn tượng, cũng như việc nghiên cứu hình học đã giúp Cezaune phá hủy nền hội họa kinh viện. Những ngôn ngữ mới đang biện minh cho những gì mà tiểu thuyết hiện nay có thể hoặc không thể làm được.

Chữ nghĩa phải phục vụ những gì không thể lường thấy được, khai quật những gì đã bị chôn vùi và mài dũa cho những gì chưa có hình dáng. Đó là cách duy nhất để tiểu thuyết có thể đương đầu nổi với cuộc tấn công của các loại hình nghệ thuật hình ảnh. Tiểu thuyết của thế kỷ 21 sẽ phải đương đầu với sự thách đố ấy bằng cách nói lên được những gì sau tấm gương mà không cần biết chính tấm gương ấy phản ánh điều gì.

L.H.V
(Theo báo Granma 8/88)

(SH34/12-88)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng