Tạp chí Sông Hương - Số 34 (T.11&12-1988)
Từ những truyền thuyết Pakoh
08:44 | 05/05/2015

HỒ QUỐC HÙNG

Trong kho tàng truyện cổ TÀ ÔI sưu tầm được, có một nhóm truyền thuyết di dân của người PAKOH đáng lưu ý. Không rõ vì lý do nào đó, trong quá trình biên soạn, chưa được chú ý đúng mức(1).

Từ những truyền thuyết Pakoh
Dân tộc Pa-kô - Ảnh: internet

Tiến hành sưu khảo văn hóa dân tộc ít người, một trong những yêu cầu không thể thiếu, nếu không nói đầu tiên là tìm hiểu thành phần, nguồn gốc dân tộc. Từ đó sẽ giúp ta hiểu rõ cơ sở lịch sử xã hội để tạo ra những nền "văn hóa có phong cách riêng của các dân tộc anh em trong đại gia đình dân tộc Việt Nam" (2). Tuy nhiên không phải bao giờ công việc cũng được tiến hành thuận lợi. Còn bao vấn đề rắc rối, phức tạp, đặt ra cho các ngành có liên quan trước sự phân định một số dân tộc. Và không phải không còn nhiều kiến giải thiếu thống nhất. Một thí dụ như vậy, ở đây là dân tộc PAKOH. Hiện có ý kiến cho rằng, PAKOH là một thành phần của dân tộc TÀ ÔI(3). Song gần đây lại có nhận định không thừa nhận một tộc người mang tên vậy, mà chẳng qua chỉ là tộc danh khác của TÀ ÔI mới xuất hiện vài mươi năm nay(4). Từ những nhận thức thiếu nhất quán trên, khiến cho những người làm công tác điền dã không khỏi ngạc nhiên, gợi lên những ý tưởng tò mò khi bắt gặp nét tâm lý đặc biệt của người PAKOH. Ít nhất, trong hầu hết số đồng bào PAKOH được tiếp xúc không ai không cho rằng, mình là người dưới xuôi lên. Những điều khẳng định về nguồn gốc dân tộc được đồng bào thể hiện bằng một hoài niệm sâu xa qua những truyền thuyết. Thậm chí còn được lưu lại qua hình thức tổ chức địa bàn cư trú từ những năm trước cách mạng 1945(5).

Nguồn gốc của họ ở dưới xuôi hay người kinh lên, còn là một chuyện khác. Có điều trước một "Ý thức tự giác tộc người và tên tự gọi, ngôn ngữ và những đặc điểm thành phần tâm lý"(6), ấy là một bằng chứng về sự hiện hữu của một tộc người, không thể không quan tâm. Bài viết này dưới góc độ văn học dân gian, rõ hơn là từ một bộ phận truyền thuyết, mong gợi lên đôi ý, góp phần tìm hiểu nguồn gốc dân tộc PAKOH.

Theo những công trình nghiên cứu hiện nay lịch sử hình thành một số nhóm cư dân miền tây Bình Trị Thiên, được kết luận khá thống nhất rằng: "Một số nhóm như KHƠ MÚ, BRU, TÀ ÔI, KATU v.v... mới từ Lào sang sau này"(7). Như thế, mặc nhiên người PAKOH có chung một số phận lịch sử khi được xếp chung vào dân tộc TÀ ÔI?

Kỳ thực quá trình hòa hợp, với những cơ sở xã hội, điều kiện lịch sử của nhóm người PAKOH, vẫn còn dấu hỏi đầy bí ẩn. Khảo sát các truyền thuyết di cư của người PAKOH, đằng sau những tên gọi: Nguồn gốc họ PERE (ý thức về dòng họ) hoặc nguồn gốc PAKOH (mang ý thức về dân tộc) hoặc sự tích bản La Ngà (ý thức về địa bàn cư trú) đều thấy thống nhất quy tụ về một chủ đề chính. Các truyền thuyết này không dừng ở những biến cố, sự kiện, mà chắc "có lõi sự thật" nào đó về cuộc li loạn đầy máu, nước mắt dưới thời phong kiến, hơn thế còn bao quát cả chiều dài lịch sử của một quá trình hình thành, ổn cư với tư cách là chủ nhân, cùng các cộng đồng anh em khác chung sống ở phía tây Bình Trị Thiên.

Dưới đây là ba dạng truyện được tóm lược vốn rải khắp vùng A Lưới, địa bàn cư trú chính của người PAKOH.

Dạng thứ nhất: Truyện kể rằng ngày trước, người PAKOH vốn sống ở đồng bằng. Bấy giờ họ nghèo đến nỗi ăn cơm phải dùng lá thay chén bát. Cứ ăn xong là vứt "chén bát" đi. Chẳng bao lâu tin đồn về một tộc người "giàu có" đến tai triều đình. Thế là nhà vua sai quân lính đến cướp đoạt của cải của những kẻ giàu có hơn mình. Bị tàn sát xua đuổi, người PAKOH đành bỏ làng ra đi. Họ kéo nhau theo dòng sông Đa-krông ngược lên núi. Thoạt đầu đoàn người dừng lại lập làng ở A Lau(8) nhưng quan quân vẫn tiếp tục truy nã họ lại chạy qua A-Đăng(9). Rồi lên Tà Rụt(10). Cứ như vậy họ chạy mãi mãi khi bị truy đuổi. Cuối cùng người PAKOH dừng lại ở vùng đất Tu Vang, A xeng bây giờ(11).

Từ đó người PAKOH sống hòa thuận với bản làng xung quanh và làm nghề lấy mật ong. Đến một ngày nọ khi cuộc sống đã khấm khá, dân làng chung nhau mua một chiếc nồi bung (có bản kể là chảo tám quai) đặt giữa làng dùng chung.

Lại nói, bầy ong từ khi có người PAKOH đến sinh sống, mỗi ngày mỗi cạn. Thế là ong chúa bèn xua quân đánh đuổi người PAKOH. Một lần nữa họ lại dắt díu nhau dạt trở lại. Chiếc nồi bung không mang theo được, về sau lún xuống gọi là Tu Vang a xeng (Hồ A Xeng).

Đến đây, người PAKOH không còn gần gũi hiểu biết nhau như trước kia. Họ đành phải phân ra từng nhóm rải đi khắp nơi.

Dạng thứ hai: Xưa kia người PAKOH sống ở đồng bằng, làm ruộng chăn nuôi như người kinh. Một ngày nọ, do bất hòa với triều đình, họ bị xua đuổi và chạy ngược lên núi. Ban đầu họ kéo lên Hòa Mỹ(12) sinh sống. Chẳng bao lâu lại bị quan quân truy đuổi tiếp, đoàn người bèn theo sông Đakrông chạy mãi lên nguồn. Đến đây, người PAKOH chia làm ba nhóm. Một số về lập làng ở ALau, một số đến ở Tà Rụt. Số còn lại kéo nhau về thung lũng sinh sống từ bấy đến nay.

Dạng thứ ba: Cách đây không lâu, người PAKOH cùng chung sống với người PAHY(13) ở xóm Mít dưới xuôi. Bấy giờ họ sống với nhau hòa thuận.

Một hôm, mưa to gió lớn, sét đánh chết trâu trong làng, người PAHY đổ cho người PAKOH giết thịt. Từ đó người PAHY thù ghét, xua đuổi người PAKOH. Thế là người PAKOH dắt nhau bỏ làng ra đi. Họ đi mãi dọc theo sông Bồ lên vùng đất hoang vu lập làng (nay là Hồng Hạ). Sau đó họ lại đi tiếp sang tận Lào sinh sống. Đã bao mùa rẫy trôi qua, số ở lại, số quay về đến nay trải đã mấy đời con cháu.

Nhìn chung, nhóm truyền thuyết trên không nhiều lắm nhưng có mặt ở khắp địa bàn cư trú của người PAKOH, từ Hồng Thủy đến Hồng Thượng. Điều đáng nói trước tiên là tính chất thô phác của các truyền thuyết. Hầu hết các truyện, thiếu hẳn không khí huyền thoại thường được tưởng tượng từ những ký ức bị khúc xạ qua nhiều chiều lịch sử vốn có trong thể loại truyền thuyết. Thay vào đó đượm một không khí lịch sử khiến cho tính chất văn sử nhập nhằng. Cũng không loại trừ rằng do tính chất đặc thù nào đấy về điều kiện giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Đặc biệt là dân tộc kinh, mà ký ức được "phục chế" từ những huyền thoại thành những chuyện mang màu sắc tươi rói lịch sử.

So sánh các truyền thuyết trên, có một số tình tiết đáng lưu ý:

- Trong dạng chuyện thứ ba, nguyên nhân gây nên sự ly loạn của người PAKOH mang màu sắc xã hội, khác với xung đột có tính giai cấp ở dạng một, hai.

- Dạng truyện thứ hai, cho rằng sau khi đến vùng A Lưới, người PAKOH không đi tiếp sang phía Tây Trường Sơn như dạng một và ba.

Qua những tình tiết trên của truyện, đính kết lại ta sẽ thấy mô thức chung của các truyền thuyết là:

a) Người PAKOH sống ở đồng bằng. Có thể có một địa bàn cư trú nào đó với tộc người PAHY. Về vấn đề này, tuy chưa có điều kiện kiểm chứng, nhưng qua những nghiên cứu đáng tin cậy, các địa danh xóm Mít, Hòa Mỹ, vùng đất hạ lưu quanh sông Bồ, sông Đakrông ở vùng Hương Điền, Quảng Trị hiện nay, nơi được truyện nhắc đến như là địa điểm xuất phát đầu tiên của người PAKOH, chính là quê hương xa xưa của người PAHY.

b) Do xung đột với một thế lực nào đó, người PAKOH bỏ chạy lên núi. Một số đi tiếp sang phía Tây Trường Sơn, hoặc quay trở về, hoặc ở lại lập làng sau một thời gian.

Trên nền kết cấu chung này. Các truyện phát triển theo hướng cụ thể hóa các địa danh. Tuy nhiên cũng chưa hẳn như vậy. Truyền thuyết này kể ở vùng Hồng Thượng thì cho rằng cuộc di dân theo nguồn sông Bồ qua Hồng Hạ(14), lên A Lưới, qua Lào, truyền thuyết kể ở Hồng Vân, Hồng Thủy(15) lại cho lộ trình theo sông Đakrông... Như vậy phải chăng lộ trình của cuộc thiên di diễn ra trên một vùng rộng theo nhiều hướng khác nhau, chứ đâu chỉ là vấn đề địa phương hóa các truyền thuyết. Lại cần phải đặt ra, giữa PAHY và PAKOH có liên quan gì nhau trong quá khứ như truyền thuyết có đề cập. Theo nhận định của cuốn CÁC DÂN TỘC ÍT NGƯỜI Ở BÌNH TRỊ THIÊN như đã đề cập, thì PAKOH là tên gọi mới xuất hiện vài mươi năm nay của Tà Ôi. Đành rằng PAKOH chỉ là từ phiếm xưng chứ không phải là tộc danh(16). Vậy tộc người được nhắc đến trong truyền thuyết, liệu có tên gì khác trong quá khứ.

Sách Ô CHÂU CẬN LỤC (thế kỷ XVI)(17) có nêu một số địa danh đáng ngờ. Xem mục ngọn nguồn (rừng rú) thấy đề cập đến rừng Viên Kiều, và rừng Cao Cảo. Hai địa danh này, thực ra lấy tên của hai tộc danh: Vân Kiều, Ka Tu. Bên cạnh lại có nhắc đến thổ dân Thuận Bình và Sa Bồn nào đó cư trú ở hai rừng trên. Theo nhận thức của tác giả thì đây là những cư dân mới đến ở xen kẽ với Vân Kiều và Ka Tu.

Thổ dân Sa Bồn còn gọi là Sa Bôi được biết đến trong Đại Nam Nhất Thống Chí. Châu Sa Bồn gồm có hai mường: Na Bôn (Sê-pôn) và Thượng kê (Mường Noòng). Theo chú thích của Dư địa chí thì vùng đất ấy "cũng thuộc đất nguyên Cam Lộ"(18). Thực ra địa danh này nằm tận Lào, như thế có thể xem, thổ dân Sa Bồn đã từ Lào đi sang. Thuận Bình cũng vốn là đất Cam Lộ. Đầu đời Gia Long được chia làm ba mường gồm Tám sách. Trong đó có sách Lá Mít, liệu có liên quan gì với địa danh xóm Mít được nhắc đến trong truyền thuyết.

Rõ ràng vào thế kỷ XVI, ngoài hai dân tộc bản địa: Vân Kiều, Ka Tu cư trú lâu đời ở phía tây Bình Trị Thiên, đã xuất hiện thêm hai bộ phận chưa rõ tộc danh.

Đến Phủ Biên Tạp Lục (thế kỷ XVIII)(19) Lê Quý Đôn miêu tả kỹ hơn "từ phường Mai Hoa theo đầu nguồn sông nhỏ đi về bên hữu để lên các sách man dân Tôi Ôi, lại đi về bản tả để đến dân man Ba Hy". Thế là sau hai thế kỷ, trên vùng đất cư trú lâu đời của Vân Kiều, Ka Tu có thêm hai thành viên được "khai sinh" với tộc danh rõ ràng. Căn cứ vào nhiều tài liệu cho biết, khả năng thổ dân Sa Bồn chính là Tà Ôi (Tôi Ôi), Còn thổ dân Thuận Bình được đề cập trong Ô Châu Cận Lục lại không thấy nhắc đến ở Phủ Biên Tạp Lục. Có nghĩa là nó đã lẫn vào một trong hai nhóm trên. Như đã đề cập, các truyền thuyết đậm màu sắc lịch sử. Thế nhưng riêng đối với dạng 1, đã lộ ra dấu nối khá rõ của hai phong cách. Giai đoạn đầu cuộc ly loạn với sự kiện, lộ trình xẩy ra, có gì không bắt khớp với không khí từ Tu Vang A Xeng trở về, mang đầy màu sắc huyền thoại như: ong đuổi người, chảo lún thành hồ.

Từ đặc điểm thiếu nhất quán này về phong cách, khiến chúng tôi nghĩ rằng, đây là một sự lắp ghép ngẫu nhiên, kết quả sự đồng hóa giữa hai bộ phận dân tộc do hai nguyên nhân lịch sử đẩy đến gặp nhau tại vùng đất A Lưới. Xét về mặt thời gian mà nói, cái lô gích của sự kiện bị ong đuổi, phải xẩy ra sau khi chạy từ dưới xuôi lên. Do đó không có lý gì để cho rằng thời gian đủ cho trí tưởng tượng nhào nặn ký ức trước.

Tính chất mới mẻ này khá phổ biến đối với những dân tộc định cư muộn ở dọc Trường Sơn của Tổ quốc. Mô tip từ một hợp thể (cùng một dân tộc) chia ra từng nhóm nhỏ sau một sự kiện lịch sử, xã hội nào đấy của truyền thuyết trên, có dáng dấp như một số truyện các dân tộc phía nam Trường Sơn. Truyền thuyết nguồn gốc các dân tộc Tây nguyên kể rằng: sau nạn Hồng Thủy, con cháu của hai anh em Bok SơGơ lạc nhau. Thương anh em bị lạc, người con lớn đánh chiêng gọi về. Từ đấy để tránh sự loạn lạc, họ cùng nhau làm nhà ở chung. Khi nhà gần xong, bỗng trời đất gầm thét, mưa to bão lớn. Sau mấy hôm họ không hiểu nhau nữa. Rồi buồn bực ôm nhau khóc, từ giã mỗi người đi mỗi ngả(20).

Ở đây không bàn đến tính bi kịch của nhân loại trước sự tan vỡ gia đình lớn (cùng huyết tộc). Nhưng dù có ý thức lý giải nguồn gốc các dân tộc, mô tip này vẫn ra đời muộn hơn mô tip quả bầu vốn có từ rất xưa, phổ biến khắp các dân tộc ở Đông Nam á. Ngay cùng một địa bàn cư trú với PAKOH, dân tộc Vân Kiều định cư sớm hơn, cái "lý lịch" của mình cũng được lưu giữ trong truyền thuyết chứa đựng mô tip quả bầu. Sự phân hóa các dân tộc trong mô tip của bầu mang một ý niệm lớn: nguồn gốc dân tộc, là sự thống nhất của các dân tộc trên cùng một lãnh thổ, chịu sự chi phối của nền văn hóa dân tộc, được hun đúc từ thời xa xưa. Còn ở đây, sự phân hóa mang tính chất cục bộ, là sự tách chia nhóm nhỏ của một tộc người theo ý niệm dòng họ mà thôi. Thông qua hệ thống sự tích các dòng họ của PAKOH, thấy có nhiều truyện lẫn vào các truyền thuyết di dân như đã nêu.

Suy cho cùng, những truyền thuyết di dân theo kiểu này cũng là một dạng anh hùng ca, nhằm phản ánh quá trình đấu tranh, bảo vệ sự sống còn của một bộ tộc. Có lẽ trước khi được thần thoại hóa, nó phải xuất phát từ những sự kiện sôi động như thế. Điều đó cho thấy có những truyền thuyết chỉ ở dạng mầm mống sơ khai, chưa có điều kiện để nhào nặn thành những hình tượng sống động. Và do vậy nó vẫn gần với lịch sử truyền miệng hơn.

Từ một nhận thức trên, có thể nói bộ phận truyền thuyết của PAKOH cho ta thấy, dù mơ hồ một quá trình thiên di lên miền ngược, mà số phận của mỗi nhóm diễn ra không đều trong quá trình gặp gỡ, đồng hóa với những nhóm dân tộc khác cùng ngữ hệ Môn Khơ Me cư trú ở miền Tây Bình Trị Thiên. Đấy cũng là bối cảnh lịch sử của các cộng đồng nhỏ hợp thành cộng đồng lớn hơn, đủ sức chống chọi với nhiên nhiên với ngoại xâm, xu thế lịch sử tất yếu như một lẽ sống còn được ngấm vào máu thịt của cả dân tộc Việt Nam. Đó cũng là biểu hiện đặc trưng, cho sự phân bố cư dân miền Tây Trường Sơn của Tổ quốc nói chung. Biết bao trầm luân lịch sử đã đẩy những tộc người từ dưới xuôi lên, từ trên xuống tụ lại ở Tây Nguyên.

Để kết luận vấn đề này, chúng tôi nghĩ rằng, sức sống của dân tộc còn được biểu hiện ngay trong ý thức tộc người, về nguồn gốc, về lịch sử và văn hóa đối với những dân tộc ít người làm sáng tỏ nguồn gốc dân tộc bằng con đường nào đấy là việc cần thiết, có ý nghĩa tích cực trong việc khẳng định bản sắc văn hóa, sự đóng góp của mỗi dân tộc, cũng như góp phần xây dựng nền văn hóa dân tộc đa dạng, thống nhất.

H.Q.H.
(SH34/12-88)

---------------
(1) Tư liệu khoa văn sử Trường Đại học Tổng hợp Huế.

(2) Báo cáo chính trị của BCHTW Đảng tại ĐHĐB toàn quốc lần 4 NXBST - Hà Nội -1977 tr.62-63.

(3) Sổ tay về các dân tộc ở Việt Nam - NXB KHXH-1983 (tr.95)

(4) Truyện cổ Tà Ôi - Sở VHTT- 1985 trang 7.

(5) Theo đồng chí Hồ Nguyên, Thường vụ huyện ủy A Lưới, ngày trước một số làng của PAKOH được giới hạn theo chiều ngang từ đông sang Tây. Hình thức đó trong một địa bàn cư trú bao hàm một ý niệm từ miền xuôi lên miền ngược - đây là một nhận định của chúng tôi.

(6) V.I.KOJLOV - Về khái niệm cộng đồng tộc người, "Dân tộc học Xô Viết" số 21968 (trang 11)

(7) Sổ tay về các dân tộc ở Việt Nam - sách đã dẫn (trang 10)

(8)(9)(10) Địa danh thuộc A Lưới Bình Trị Thiên.

(11) Địa danh thuộc tỉnh Xa-pha-na khét - Lào

(12) Địa danh thuộc Hương Điền - Bình Trị Thiên

(13) Theo sổ tay các dân tộc Việt Nam, Pahy được xem là một nhóm của Tà ôi - sách đã dẫn (trang 95). Trên thực tế, nhóm Pahy được xác minh là từ dưới xuôi lên. Hiện vẫn có người ghép với Vân Kiều.

(14) (15) Tên một số xã huyện A Lưới - Bình Trị Thiên.

(16) Pakoh có nghĩa là phía núi (Người Pakoh-người phía núi)

(17) Ô Châu Cận Lục - Dương Văn An thế kỷ 16 - văn hóa Á châu xuất bản (trang 17 - 18).

(18) Mục chú thích (19) (trang 634) - Dư địa chí - Nguyễn Trãi toàn tập - NXB KHXH Hà Nội - 1986.

(19) Phủ Biên Tạp Lục - Lê Quý Đôn - Thế kỷ 18 - NXB KHXH - Hà Nội 1977 (trang 109).

(20) Tây Nguyên NXB VH- Hà Nội 1980 (trang 58-59).





 

Các bài mới
Các bài đã đăng