Tạp chí Sông Hương - Số 312 (T.02-15)
Miên man bên dòng Ô Lâu
15:12 | 02/03/2015

LÊ TẤN QUỲNH
         Tản văn

Tôi cứ như đang trôi đi trong cái khoảng không gian xanh mờ ảo. Vậy là lần này chúng tôi đã trở lại Phước Tích bằng cái nắng của một ngày ngồ ngộ nhân gian, khi từng trận gió đang mướt dần trên mỗi vách tường rêu phong cũ kỹ.

Miên man bên dòng Ô Lâu
Dòng Ô Lâu hiền hòa bên làng cổ Phước Tích - Ảnh: thanhnien

Những mái ngói nâu trầm thấp thoáng sau bóng cây như bỗng òa lên những khoảng khắc bí mật đầy nỗi cuốn hút. Dọc con đường làng lát gạch khang trang và sạch sẽ chạy dọc bên sông, từng bước chân như từng bước đẩy đưa chúng tôi hoài niệm về một giấc mơ huyễn hoặc nằm ẩn mình trong một góc đâu đó của cuộc đời. Không ồn ào. Không bận rộn. Cả một ngôi làng cổ như một cánh cung xanh cứ bình yên sau bạt ngàn du dương tiếng lá, sau những tiếng chim trong và ngọt, cứ tinh khiết như một buổi sớm mai long lanh chẳng có gì vướng bận. Và tất cả rồi chỉ là một nỗi say sưa lan tỏa mãnh liệt, níu chúng tôi đi trong man mác của mùa.

Ngôi làng có tuổi đời khoảng 500 năm ấy bây giờ vẫn toát lên nét cổ kính ngày nào phía sau những rặng chè tàu ngăn ngắt cắt tỉa gọn gàng, sau những bến sông xinh xắn với những đêm trăng mụ mị giờ cũng đã bớt đi vẻ hoang dại cỏ lau, sau những ngôi vườn rợp bóng mát của cây nào là đa là thị là me là vả, và những ngôi nhà rường cũ kỹ vẫn là chứng nhân cho biết bao nhiêu thăng trầm của một đời người. Theo lịch sử, trong đợt di dân lần thứ hai từ miền bắc vào vùng Thuận - Quảng này, các bậc tiền nhân đã chọn được cho mình một địa thế sông nước hữu tình đến kỳ lạ. Làng rộng khoảng hơn 30ha và 17ha để ở, được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu lắng đọng phù sa bồi đắp. Trải dài khoảng 30km từ thượng nguồn đến phá Tam Giang, dòng sông Ô Lâu có nhiều đoạn uốn lượn mềm mại như lụa và có thể nói đoạn sông đẹp nhất là đoạn chảy qua địa phận làng Phước Tích. Ở đây con sông cứ muốn chảy chậm lại như một nỗi nâng niu êm đềm, như một nỗi khát khao được trải mình tĩnh lặng mà phản chiếu hết cái màu xanh nôn nao da diết của những hàng tre cao vút. Và con sông hiền hòa cứ đi qua làng trong cuộc trôi mải miết của thời gian đang lãng đãng biết bao niềm nhớ.

Nhà rường cổ Phước Tích


“Đặc sản” của Phước Tích không thể không nhắc đến chính là những ngôi nhà rường. Làng ngày xưa có sự hiện diện của hàng trăm ngôi nhà rường, nhưng hiện giờ chỉ còn lại trên dưới 30 ngôi với kiểu kiến trúc độc đáo, có tuổi thọ hàng trăm năm và tập trung nhiều nhất ở xóm Đình với 20 ngôi nhà rường. Và ở đó, mỗi ngôi nhà đều gắn liền với lịch sử của một họ tộc. Ở làng cổ Phước Tích, hầu như nhà nào cũng còn lưu giữ được một vài cổ vật, đồ gia bảo quý giá bằng gốm, gỗ có từ nhiều thế kỷ trước, có nhiều gia đình đang lưu giữ những bộ tràng kỷ hơn 100 tuổi. Khác với các kiến trúc làng cổ ở miền Bắc, những ngôi nhà ở làng cổ Phước Tích không bị bao bọc bởi các tường gạch xung quanh mà hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên thơ mộng. Bao quanh ngôi nhà, những gốc vả to xù xì rợp bóng che kín cả góc vườn tạo nên sự bình dị, thâm trầm như chính tính cách của người dân nơi đây vậy. Những ngôi nhà rường ở Phước Tích hiện vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn nét chạm khắc tinh xảo, hoa văn họa tiết được trang trí tinh tế trên khung gỗ, trường kỷ, hoành phi, câu đối... Cũng chính vì vậy mà làng đã được Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng “Di tích Quốc gia”.

Cứ thế, chúng tôi mê mải đắm mình trong những khoảnh sân lát gạch mòn sờn, những bức bình phong đẹp như bức cổ họa và hơn hết cả, là một không gian làng cổ huyền ảo, để rồi lắng mình trong thoang thoảng mùi hương cau dịu nhẹ và say sưa ngắm những làn khói bếp như mơ bay lên từ những ô cửa sổ nhỏ vẫn vững vàng với thời gian qua bao thăng trầm của chiến tranh, của mưa nắng. Yên tĩnh quá. Mênh mông quá. Dường như con người đã thành một thứ ký ức kỳ lạ để rồi mỗi người như lại thấy được mình, thấy được cái nguồn cội sâu xa trong một câu chuyện cổ tích đóng kén. Đẹp. Và man mác...

Phước Tích còn nổi tiếng với làng nghề gốm cổ truyền. Nghề gốm ở Phước Tích đã có bề dày hơn 500 năm tuổi. Gốm Phước Tích từng là một thương hiệu nổi tiếng khắp miền Trung. Không chỉ sản xuất dưới dạng các loại gia dụng như trách, chậu, om, niêu, ấm, tộ, cối tiêu, bình vôi, chum, ghè, thạp, thống… gốm Phước Tích còn được trưng dụng trong hoàng cung triều Nguyễn với om ngự (chuyên dùng để nấu cơm cho vua) và nhiều cổ vật tinh xảo một thời đến nay vẫn còn được lưu giữ. Nghề truyền thống độc đáo này không chỉ nuôi sống bao thế hệ con dân của làng, mà còn góp phần làm giàu cho cuộc sống quê hương, tạo nên một nét riêng của làng cổ Phước Tích. Sản phẩm hồi ấy làm ra đến đâu, tiêu thụ đến đó. Buôn bán tấp nập trên bờ dưới sông, ghe thuyền từ Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và Nam Bộ đều đến đây để mua đồ gốm. Ngày nay nghề gốm ở Phước Tích đang được tỉnh Thừa Thiên Huế và một số tổ chức quốc tế quan tâm đầu tư phục dựng và đang dần hồi sinh dưới bàn tay của các nghệ nhân trong làng…

Một ngày trở lại với làng cổ Phước Tích, tôi lại như được sống trong cái không gian mộng mị đến nao lòng. Cái màu xanh bất tận của một làng quê khe khẽ nép mình bên nỗi hoài niệm của cuộc đời như đẩy tôi đi mãi trong thế giới của những cuộc rêu rong bất tận. Phước Tích hôm nay đã có nhiều đổi thay nhưng những hồn cốt cổ xưa vẫn y nguyên, vẫn là nỗi niềm đau đáu ở mỗi bước chân của con người suốt dọc hành trình ngụ ngôn của bầy thạch sùng mải ngắm trăng khuya. Vẻ đẹp hiền hòa, nhân hậu của làng quê thấm đẫm chất nhân văn này như một lời ru mật ngọt khiến ta như hoài ở giữa một cơn say.

L.T.Q
(SH312/02-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hạnh phúc (25/02/2015)