Tạp chí Sông Hương - Số 312 (T.02-15)
Phận làng soi mặt bên sông
07:44 | 06/03/2015

NHỤY NGUYÊN 
          Bút ký

Lần ngồi bên bờ sông lại thẫn thờ nhớ dải đất biền thênh thang lúa chiêm, nhộn nhịp người dân chèo đò gặt hái.

Phận làng soi mặt bên sông
Minh họa: Thảo Nguyên

Tiếng bẹ gỗ đập nước vang cả lòng sông, tiếng cười nói râm ran. Những đứa trẻ cưỡi trâu lùa xuống tắm khi mặt trời loang đỏ. Và rồi hoàng hôn chìm dần, chỉ còn tiếng người văng vẳng, đôi lúc giọng rõ đến từng âm tiết lọt vào tai, sống dậy cả một vùng ký ức bùn lầy kham khổ. Rồi có lần ngồi thưởng trà ở một ngôi chùa cổ, trước cổng là dòng sông, mãi nhìn con đò lặng lờ trôi vào bến, những gồng gánh các mệ các o lần lượt căng chằng đôi dóng nhịp nhàng lên chợ. Bác đò lại chèo qua bên kia đợi vài người lên chợ trễ. Ngụm trà ngòn ngọt, sương tan dần, nhìn ra bỗng như dòng sông nghiêng đổ vào chùa. Một cảm giác huyền nhiệm mơ màng, và cũng mau chóng tan đi lúc nắng vàng nhấp nhóa mặt sông. Trà nhạt rồi, vẫn như còn ai đó gọi Ca Cút đò ơi.

Nhớ cái quán lụp xụp, trời râm ran mưa. Ngồi nhìn về phía sông những người đàn bà vẫn đội cát từ lòng thuyền lên bờ bước qua một tấm ván nhịp nhàng. Không thể nhận ra mặt, chỉ thấy khuôn hình đen đúa đang bị mưa lấp; mưa thấm vào cát khiến cái thúng trên đầu nặng trĩu, cảm tưởng như chiều thân thể của họ thấp dần, mất hút trong cõi mưa. Rong ruổi theo từng nhánh sông dạo cơn bão vừa đi qua một ngôi làng. Hàng phi lao gãy đổ. Nhiều con thuyền úp mặt bên triền cát. Sóng đã lặng. Những gia đình ngồi quây trên mái thuyền ăn bữa cơm không rõ là buổi sáng hay trưa. Đằng kia hai vợ chồng giặt đồ, tát nước từ lòng thuyền, soạn lưới. Thật tiếc không có máy ảnh ghi lại không gian êm đềm dưới ánh nắng vàng sau bão, trời trong, mây từng cụm, những con người với cuộc sống yên lành đang quên đi mất mát. Xa ngoài kia, người mẹ từ trên thuyền lớn trao đứa trẻ sơ sinh cho chị ở dưới con thuyền nhỏ. Mình nó một tay chèo đò, một tay cẩn thận bồng em, gần đến bờ chiếc chèo được xếp lại, hai tay ôm chặt em hơn như vật báu sợ rơi vỡ mất. Khuôn mặt ấy toát lên vẻ đẹp hồn nhiên, mà sắc lạnh giữa ngổn ngang cuộc thiên nhiên tàn phá.

Nhớ những cánh đồng bao la đã mọc lên phố, nơi ngày xưa gạo de vẫn được trồng tiến vua cùng với một loại cá như câu ca “Gạo de An Cựu cá rô bầu Choàng”. Dọc theo sông vừa đi vừa ngẫm ngợi về tuyến lưu thông đường thủy với dòng nước trong veo, nhớ đến hệ thống sông đào thời Nguyễn chằng chịt, làng này nối làng khác. Bia chép về cầu Khánh Ninh (do vua làm) có đoạn cho thấy tầm quan trọng của sông đối với cuộc sống: “Ngự Hà bắt đầu từ Vũ Khố về phía đông ra khỏi Kinh thành, thông với sông Hộ thành, nhưng phía trên dòng không thông. Cứ nghĩ rằng sông ấy, công tư đi lại có lợi cho người ta rất lớn, nếu trên dòng không thông thì đi về phía tây không thuận tiện. Vả lại, nước không nối tiếp với đầu nguồn thì ngưng tụ nhơ bẩn, không thể cung cấp cho quân đội nhân dân dùng ăn uống”. Mỗi vụ mùa người dân thường dùng ghe thuyền chuyên chở; hò đối đáp vang lên trong những đêm trăng như một nhu cầu tất yếu vơi nỗi nhọc nhằn. Rồi đường bộ được mở mang, bao kênh mương vắng dần thuyền bè qua lại. Sông Hương chia nước vào nhiều sông nhỏ phục vụ nhà nông, phần giảm tải lượng nước mỗi mùa lũ về. Nào Bến Ngự, Đông Ba, Đập Đá, sông phình ra ở Cồn Hến, nước vào đập La Ỷ về Phú Vang, nước xuôi Phú Thứ, Thuận An… Sông An Cựu “nối vào” sông Lợi Nông; sông ở làng Thanh Thủy Chánh bắt nguồn từ Đập Đá; những con sông hẹp dần tắc dần nguồn nước. Dọc theo sông Lợi Nông, nhiều đoạn bị lấn vào nguyên cả ngôi nhà, thắt lại như một khúc ruột đau! Vẫn còn đó bến nước, trước là nơi giặt giũ, tắm rửa, nơi lũ trẻ nhảy ùm vùng vẫy, là nơi các mệ các chị ngồi nhổ từng sợi tóc bạc tóc sâu kể nhiều câu chuyện cổ, là nơi mấy ông già chơi cờ hóng mát, chiều lại có thêm cút rượu lai rai chuyện đồng quê. Mà nay dòng nước xanh lợt đen ngòm, nước nguồn đổ về không đủ mạnh rửa trôi. Thương nhất những con thuyền đắm. Có lúc thấy một mảnh gỗ chéo mặt sông, hình dung ra cái dáng mảnh mai của con thuyền một ngày chìm dần rồi không ai nhớ nữa, nó nằm lặng dưới kia và mục rã.

Mỗi bến nước với bụi tre cao vút, có cây cổ thụ tỏa bóng, đời này qua đời khác. Có lần gặp một cây mưng ngoài ruộng, ra xem mới hay vốn nó trước nằm bên bến nước, nay đứng đó làm chứng cho một đoạn sông đã chết! Những cây lộc vừng vẫn còn nhiều bên bờ sông, xõa chuỗi hoa vương gợi cảm giác êm đềm. Ở nhiều ngôi làng lộc vừng mọc thành rừng, là tài sản chung và chỉ bán mỗi khi làng đồng ý, ai chặt trộm sẽ phải lên đình lãnh tội chịu phạt nghiêm khắc. Cũng có đoạn kênh tắc nghẽn như ở thôn Lê Xá Tây, ứ nước tràn lan thành đầm hồ rộng lớn, ở đấy bãi lau trắng hồng phất phơ giữa nắng ngút ngàn ảo ảnh. Lâu lâu cạnh đường làng lại bắt gặp một cây bàng lá chuyển màu đỏ ói gieo xuống lòng thuyền trĩu nặng ưu tư.

Chợt nghĩ giá như mọi nhánh sông, mọi kênh mương ở các làng được khơi thông, sẽ giảm ngập úng thành phố, và hệ thống đường thủy đó trở thành tuyến du lịch làng quê hấp dẫn. Phong tục tập quán, dấu ấn tâm linh, những đền miếu tín ngưỡng ẩn sâu trong nhiều ngôi làng sẽ được khám phá. Nhưng dường như ước mong ấy xa vời. Nhiều lắm những đoạn sông không còn chảy nữa. Loài lục bình bao năm trời ken dày dòng chảy. Nhớ ngày xưa ở mỗi đoạn sông đều có người xuống vớt bèo nách lưng về băm cho heo bò ăn. Còn giờ heo ăn cám tăng trưởng, bèo chen chúc đẻ kết thành phiến, mưa lớn cũng không đủ sức lùa đi. Rơm toóc ít sử dụng, người ta cũng mang đổ xuống sông lâu ngày thối nước. Lại nhớ ngày nhà gom từng bó rơm chất thành đụn, mùa đông lạnh giá không có rau thì rút cho trâu bò ăn dần, rồi rải trên nền ràn cho chúng nằm. Có gia đình làm hẳn một nhà rơm, mùa đông nằm trên đó ấm lăn cù. Bây giờ rơm rạ đốt đầy đồng, nghĩ mà tiếc mà nhớ con cúi bằng nắm tay thuở nhỏ thường qua hàng xóm xin cục than bỏ vào thổi lên bụm lửa…

Làng xưa, những đàn trâu mỗi trưa vẫn nằm dưới bóng râm dọc theo con đường ven sông gió lộng. Nhớ ngôi làng cạnh sông có con hói đã khô, trâu bò mang bụng cỏ từ đồng về nằm kềnh xuống đó hiền từ, trẻ con dùng rơm đánh sừng đen nhánh. Có lần chứng kiến con trâu chui vào rồi đứng như vậy suốt buổi không cách gì tiến lùi được giữa rừng gai cây mai dương phong tỏa. Loài cây này trở thành vấn nạn của những thửa ruộng ven sông. Bao nhiêu năm rồi người dân và cả các ban ngành về môi trường thực vật bó tay; cũng như chúng ta từng phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ ốc bưu vàng. Cây mai dương mọc nhờ nước, đến lúc trổ hoa, hoa rụng xuống và cứ theo dòng nước vừa trôi vừa mọc. Giả như trong một mảnh ruộng, ai có công tát cạn nước, bứng gốc, hoặc hễ nó lên mầm là chặt, mai dương không có cơ hội trổ hoa sống sót. Nhưng ai làm nổi. Bây giờ về các ngôi làng bên sông, dọc kênh mương, ven ruộng nước đâu cũng thấy mai dương, nhiều nơi thành lùm rộng lớn. Thương người nông dân đã bớt đi nỗi cày bừa nặng nhọc, vẫn giấc mơ về những thửa đất màu mỡ, những cánh đồng trĩu lúa, những đàn gia súc không dịch bệnh, những đàn cá tung tăng theo về nhánh sông quê…

Sông Lợi Nông song song với sông Như Ý, cuộc đồng hành này không dài lắm. Thử men theo con đường dọc bên sông để lần đến cuối dòng, nhưng địa hình nhiều nơi chia cắt, nhiều đoạn sông hòa vào cánh đồng không còn nhận ra dáng hình. Thử tìm trên bản đồ điện tử, sông An Cựu nhỏ dần rồi nhọn như mũi tên, như ngôi sao băng vụt tắt giữa trời đêm. Sông Lợi Nông biến mất ở cánh đồng Thủy Châu. Sông Như Ý hiện lên vạch màu xanh nhỏ như sợi cước mong manh, cũng mất hút. Có thể internet chưa cập nhật kịp lúc đó. Cũng có thể nó là loại định vị từ không trung nên gặp đoạn dài chỉ một màu xanh của bèo thì tưởng bờ bãi… Hàng cây số lục bình ken đặc, ngỡ có thể bước trên đó được. Đi xa hơn gặp sông Đại Giang, con sông lớn theo cách nhìn dân gian. Cầu Phú Thứ bắc ngang, nhìn biển đề chiều dài ước được sông rộng vài trăm mét. Ngay bên cầu chợt phát hiện tấm bảng xi măng lỗ chỗ, nay đã trở thành một phần của bức tường nhà, vẫn còn đọc được dòng chữ Đê Thủy Tân làm từ năm 1973 dài 6km. Một phần con đê đang làm lại, tên Tân Lương (ghép giữa hai xã Thủy Lương và Thủy Tân). Cứ men theo con đê là đến làng Hòa Phong, từ đây sông chảy về cống Truồi rồi đổ về đầm Cầu Hai. Làng Hòa Phong nhìn qua như cô lập giữa sông nước, nghe bảo đã nhiều mùa lụt nước dâng tràn đê. Một đoạn sông dài ven làng được tận dụng nuôi cá lồng. Trèo lên một cống nước cạnh bờ đê nhìn buổi chiều đang xuống, nắng nhuộm những lồng cá màu xanh, sẫm, nâu, ửng lên tuyệt đẹp. Xa hơn, người dân làm vó gần sông. Một người đàn bà ngồi trên chồ gồng mình đạp tời níu vó. Chị gài tời tụt xuống con thuyền chèo ra dỡ vó, không thấy cá lại chèo thuyền trở lại leo lên chồ, thật thấm cảnh con người nhỏ nhoi giữa cuộc mưu sinh.

Xuôi theo sông nước, qua những ngôi làng nhỏ êm đềm sẽ mang lại cho ta cảm giác được trở về ký ức trong veo nhất giữa dòng xoáy cuộc đời cuồn cuộn. Những câu chuyện bên sông vang xa mang theo linh hồn của cội nguồn bờ bãi. Từng nghe kể về một thiếu nữ thôn quê xuôi theo con nước trở thành phu nhân. Cô gái xuân xanh nhan sắc Trương Thị Được quê ở Thuận An, nay thuộc làng Thai Dương hạ, một hôm ngồi giặt đồ bên bến nước sông quê đã lọt vào mắt một vị quan lớn. Quan hạ mình thăm hỏi, đưa chuyện ngỏ lời, rồi rước kiệu về làm vợ hai. Cô gái sống êm đềm trong ngôi làng Nguyệt Biều nhiều cây trái, sinh ba trai một gái. Bức ảnh của bà đầu đội mũ quan âm ước tuổi ngoài tám mươi, vẫn sắc nét quý phái vương quyền. Hồi xưa chụp được pô ảnh lưu lại thật không dễ; năm lụt 99 đã trôi mất. May sao một người lạ thấy nó nằm ở trên cành cây gần bến nước, gia chủ hay tin liền tới thỉnh về lại. Nơi thờ là từ đường của Chưởng doanh quận công Nguyễn Phúc Mão (con thứ ba của chúa Nguyễn Phúc Khoát). Lật giở gia phả, người chồng của cô gái Trương Thị Được hồi nào là vị quan Tôn Thất Hiền, cháu nội của Nguyễn Phúc Mão, có công phò vua Hàm Nghi.

Con kênh trước ngôi từ đường trồng sen bạt ngàn nay khô cạn, loài hoa dại bời bời mọc chen chúc như vệt nhớ về quãng đời của một cô dâu đã thôi chân lấm tay bùn và đôi gót hồng như màu sen giữa hạ. Bên kia con hói là làng Lương Quán có con sông trôi qua trước mặt, mới có câu ca “Nguyệt Biều, Lương Quán bao xa/ cách nhau con hói phân ra hai làng”. Lần về quê quán của người con dâu Nguyệt Biều. Làng Thai Dương hạ từ xưa nghề chính là đánh bắt cá. Khoảng năm 1980 nhiều người dân qua nước ngoài mưu sinh, dăm năm sau họ bắt đầu có tiền gửi về cho gia đình, cuộc sống đổi thay hẳn. Tiếng là dân biển song cá mú ở chợ không rẻ. Người làm ra sản phẩm chẳng bao nhiêu, người mua thì nhiều; cây cầu Tam Giang cũng tạo cơ hội cho người từ trên phố về mua hải sản. Có những loại như cá nâu, ốc lông hiếm hoi, họ làm dành ăn trong nhà hoặc thiết đãi bè bạn chứ không bán. Cái tên làng Thai Dương nghe du dương tương truyền là tên một nữ thần, khiến nhớ đến người con gái ngồi ở bến nước xưa một ngày đẹp trời nhẹ nhàng thanh thoát như một chiếc lá trong phút lơ đễnh trôi theo dòng thơm rồi an bài số phận. 

Sông Hương đoạn qua thôn Lại Ân nước lặng lờ, có lẽ là một trong những nơi rộng nhất. Làng Sình còn khá nguyên vẹn nét quê kiểng thân thương. Con đường mòn ven sông nhỏ hẹp. Hàng tre rụng dày lá khô vào cuối thu, tiếp đến là bãi bờ nhiều cây hoang thoai thoải, bến nước đậu vài con thuyền thô mộc. Từ lâu thương hiệu tranh làng Sình đã vang tiếng khắp vùng, lan ra cả nước ngoài. Đã có một cuộc hội thảo gần đây so sánh tranh dân gian của Việt và Thái Lan, rốt cuộc tranh Việt chiếm được cảm tình hơn vì nó nhuần nhị chất phác nhưng thấm sâu vào tâm thức con người từ bình dân cho đến giới thượng lưu. Tranh làng Sình bây giờ chủ yếu phục vụ tín ngưỡng, gồm có tranh trò chơi, tranh phản ánh cuộc sống sản xuất dân dã, tranh lục sơn, lục thủy. Tranh lục thủy có cá chép, tôm, rồng,… dành cho người bám sông nước, trước lúc xuất phát ra khơi đánh cá, họ cúng rồi đốt thả theo sông, cầu bình an, không sóng to gió lớn, thuận buồm xuôi gió và trở về với thật nhiều tôm cá. Lễ cầu ngư thường có nhiều nhất loại tranh này. Ba năm được tổ chức một lần, con dân xa xứ cũng trở về quê vui hội, thăm viếng bà con tình làng nghĩa xóm. Lễ kèm thêm phần hội đua ghe trên phá và nhiều trò dân gian. Xong thì tiệc rượu thết đãi. Chiều cung nghinh, rước, diễu hành Thành hoàng khắp làng. Có năm sóng đập sạt lở và làm bay nhà Đèn (Hải Đăng) vào sâu 300m. Đền thờ cá ông qua nhiều đợt bị xâm thực cũng đã biến mất. Ngôi mả nằm phía sau, người dân gọi nơi này là Đất Ngư. Các vị cao niên kể, ngày đó con cá ông này nặng phải 4 tấn, dài hơn chục mét bị dạt sâu vào bờ; các cột buồm ở hàng ngàn chiếc ghe được huy động ra néo dây vào cả làng chung vai gánh cá ông đi…

Những câu chuyện theo dòng sông chảy vào tâm thức in bóng lên thời gian. Đã từng ở lại nhiều ngày bên một ngôi làng cổ, vẫn mong lần quay về cuốc bộ trên những nẻo đường nhiều mảnh gốm. Đêm nằm trên chiếc phản gỗ bóng láng phảng phất mùi thiên cổ, nôốc máy nổ đanh trên mặt sông vẫn không át được tiếng mọt nghiền trong từng thớ gỗ. Rồi ký ức lại đưa ta về một buổi trưa ngồi trên ngôi nhà chồ giữa phá mênh mang. Ngọn gió hiu hiu khiến giấc ngủ dạt về như ai tạm nhón đi cõi hồn phiêu lãng…

N.N  
(SH312/02-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Hạnh phúc (25/02/2015)