Tạp chí Sông Hương - Số 313 (T.03-15)
Những giấc mơ văn học
17:09 | 02/04/2015

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Khi mới học cấp 2, tôi đã thấy trong tủ sách nhà tôi có hai cuốn Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan và Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân do một người dượng mua về từ Sài Gòn.

Những giấc mơ văn học
GS TS Huỳnh Như Phương - Ảnh: internet

Cuốn đầu do Nxb. Thăng Long tái bản năm 1960, được đóng bìa dày thành một bộ sách 5 tập. Cuốn sau là bản in lại của Nxb. Hoa Tiên năm 1968. Những hiểu biết ban đầu của tôi về văn học hiện đại là từ hai cuốn sách đó. Nhưng hồi đó tôi chưa đọc hai cuốn sách một cách hệ thống - đọc một mạch, “trọn gói” từ đầu đến cuối. Tôi chỉ đọc từng chương, từng bài, đọc nhảy cóc; ở trường thầy giáo nhắc đến nhà văn, nhà thơ nào thì về nhà lật tìm chương viết về người đó, như đọc một từ điển về các nhà văn. Một lần, nhân có người nói Quảng Ngãi quê tôi sinh ra nhiều tướng lĩnh hơn là văn nhân, tôi mới lục tìm trong hai cuốn sách đó, thì thấy rằng trong 79 tác giả được Vũ Ngọc Phan nhắc đến và 46 thi nhân được Hoài Thanh và Hoài Chân vinh danh, chỉ vỏn vẹn ba người quê Quảng Ngãi: Tế Hanh, Bích Khê và Nguyễn Vỹ.

Về sau này, tôi đọc trong một bài viết, Tế Hanh kể rằng Quảng Ngãi có ba dòng sông bắt đầu bằng chữ “Trà”, tính từ Nam ra Bắc: Trà Câu, Trà Khúc, Trà Bồng. Sông Trà Câu nằm trên địa phận huyện Đức Phổ, chảy qua làng Tân Phong của nhà thơ Nguyễn Vỹ rồi xuống cửa biển Mỹ Á. Sông Trà Khúc chảy ngang thành phố tỉnh lỵ, ở giữa hai huyện Sơn Tịnh và Tư Nghĩa, đổ ra cửa Cổ Lũy, gần thị trấn Thu Xà của nhà thơ Bích Khê. Còn sông Trà Bồng chảy đến huyện Bình Sơn thì tách dòng làm đôi ôm lấy làng Đông Yên của Tế Hanh như ôm một hòn đảo nhỏ trước khi xuôi về cửa Sa Cần.

Ba nhà thơ cùng sinh ra từ một “vẻ buồn tỉnh lỵ”, lớn lên bên những dòng sông khác nhau, bị ném vào trong bão táp của lịch sử, đã chịu những số phận khác nhau. Bích Khê mang nội lực cách tân trong một cơ thể ốm yếu và những chuyến tàu hóng gió trên sông Trà Khúc không cứu nổi nhà thơ ra khỏi căn bệnh lao phổi, chỉ kịp nhìn lá cờ đỏ phất phới ngoài đường một ngày khởi nghĩa. Tế Hanh chân thành, bình dị, lại nhờ cái nền chất liệu hiện thực mà đi xa cùng với cách mạng, tuy cuối đời sống trong cảnh mù lòa. Nguyễn Vỹ oái oăm hơn, cao ngạo từ thời làm thơ Gửi Trương Tửu, khiến Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan khen chê đủ điều, rồi bị chà xát trong làng văn, làng báo Sài Gòn, để nay còn được những bài thơ tìm tòi về hình thức và một bộ tiểu thuyết sử thi tuy giá trị nghệ thuật không cao nhưng vẫn là chứng từ cho số phận con người trong những biến động lịch sử: Tuấn, chàng trai nước Việt.

Tuổi thơ tôi đã gặp gỡ ba khuôn mặt văn nhân đó trong giấc mơ văn chương thời thơ ấu: đất quê mình khô cằn, người quê mình chân chất, liệu có sản sinh ra được những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng hay không. Ngoài ba tác giả kể trên, tôi lục tìm trong sách báo, thấy có năm ba tao nhân mặc khách gốc Quảng Ngãi, nhưng người đã mất, kẻ lưu lạc nơi xứ khác mới thành sự nghiệp. Rồi tôi tự hỏi vậy ai sẽ tả lại thành thơ mười cảnh đẹp quê mình và ai sẽ kể lại những nỗi đau khổ gần như bất tận của người dân nơi đây.

Địa chí văn hóa tỉnh Quảng Ngãi bây giờ dành chỗ trang trọng cho những văn nhân ấy và mặc dù họ là nhà văn Việt Nam, họ vẫn mang chất giọng miền Trung một thời không quay lại. Sinh ra bên những dòng sông miền Trung, họ đã mang giấc mơ xứ sở trong tiếng nói nghệ thuật và đem giấc mơ đó đến mọi miền đất nước.

Trong thời đại toàn cầu hóa, người ta đang nói đến hội nhập văn hóa, đến văn học thế giới; vậy mà nay nói chuyện văn học địa phương thì xem chừng như hơi bị lạc hậu, cổ lỗ chăng? Thế nhưng nghĩ kỹ thì thấy có những giá trị văn học toàn nhân loại lại xuất phát từ cái nôi của một vùng đất, một quê hương bé nhỏ. Trăm năm cô đơn của Gabriel Garcia Marquez tái hiện làng Macondo hẻo lánh như một sản phẩm hư cấu nghệ thuật được xây dựng từ chất liệu làng quê Atacarata của tác giả. Tuổi thơ của Pablo Neruda gắn liền với những cánh đồng và những khu rừng ở Temulco, miền cực nam Chi- lê và ông nói: “Temulco là cái phong cảnh của tôi, là nét chính yếu của thơ tôi”. Còn Quê hương tan rã của Chinua Achebe thì được khơi nguồn cảm hứng từ làng Ogidi ở vùng hạ lưu sông Niger, nơi bộ lạc Ibo sinh sống, cũng là nơi nhà văn chào đời.

Nước Việt Nam của chúng ta là một dải đất hẹp kéo dài từ “từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”, từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước (Tố Hữu). Tình cảm thống nhất đất nước không bao giờ phai nhạt, trong trái tim người đi trên con đường thiên lý vẫn mang theo tâm tình từ miền Bắc: “Tôi theo người vượt quan san, vẽ lối mòn gìn giữ quê hương ngăn đường giặc Hán”, như Phạm Duy viết trong trường ca Con đường cái quan.

Nhưng tính thống nhất đó không xóa nhòa hay bào mòn tính đa dạng của văn hóa vùng miền. Trong văn học, tác phẩm của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Đoàn Giỏi… ở miền Nam khác với tác phẩm của Võ Hồng, Quách Tấn, Nguyễn Văn Xuân… ở miền Trung; với tác phẩm của Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Bùi Ngọc Tấn… ở miền Bắc không chỉ về nội dung thể hiện mà cả về phong cách kể chuyện, ngôn ngữ và giọng điệu. Họ làm nên một tài sản tinh thần vô giá của nhân dân. Nhân dân tự hào về giới trí thức sáng tạo của mình, những người cũng biết chăm vườn tưới cây, cũng ăn bắp ngô và khoai lang, nhưng biết cách nói lên nỗi đau và niềm thao thức của đồng bào chung quanh đang sống trong tình cảnh vất vả và lắm khi bất hạnh. Để được vậy, những tài năng đó cần có những khoảng không gian rộng lớn cho sáng tạo, cần được thấu hiểu và lắng nghe trong cái môi trường văn hóa nhiều khi chật hẹp của họ. Mặt khác, bản thân họ cũng phải tự mình vượt qua những rào cản về tâm lý, nhất là tâm lý tỉnh lẻ, để từ chỗ đứng của mình mà suy tưởng và tái hiện về những vần đề lớn lao của đất nước và con người. Để mượn cách nói của Miguel Torga, nhà văn Bồ Đào Nha, văn học thế giới chính là văn học địa phương không có những bức tường.

Đọc Chiếc cầu trên sông Drina của Ivo Andritch qua bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, tôi khâm phục tài năng của nhà văn, qua câu chuyện và số phận của một cây cầu, đã tái hiện bao nhiêu chuyện về nhân tình thế thái và số phận con người ở đất nước Nam Tư những năm tháng đã xa. Tôi từng mơ ước có một Ivo Andritch của Việt Nam. Đất nước ta từ Bắc vô Nam cũng có vô số những cây cầu bắc qua những dòng sông, kênh rạch, mà cây cầu nổi tiếng nhất có tên là Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Nơi đó đã trở thành vết cắt, vết thương của dân tộc. Nhiều nhà văn, nhà thơ đã đưa cầu Hiền Lương và sông Bến Hải vào tác phẩm, như hình ảnh của một chiến tuyến. Nguyễn Tuân viết rất hay về “sông tuyến”, nhưng nhà văn vẫn không đứng cao hơn môi trường chính trị của ông, chỉ thấy khát vọng của dân tộc mà chưa nhìn thấu những vết thương sâu hoáy trong lòng người kinh qua một cuộc chiến tranh khủng khiếp. Chiến tranh đã tạo ra những nhà văn viết dưới hầm, cùng với những độc giả đọc sách dưới hầm. Bao nhiêu tài năng dang dở.

Bây giờ cầu lại bắc qua. Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình (Tố Hữu). Ta đã gặp mình gần 40 năm. Trên bàn thờ của nhiều bà mẹ Việt Nam, tấm ảnh của hai đứa con hai bên chiến tuyến được chưng cạnh nhau trước cùng một bát hương. Các nhà văn Việt Nam đã chìa tay ra với Tim O’Brien, Wayne Karlin, Kevin Bowen… Mong chờ văn học thực sự trở thành nhịp cầu hòa giải và hòa hợp.

Khi nhà văn Mạc Ngôn được giải thưởng Nobel văn học năm 2012, một số người Việt Nam cảm thấy giải thưởng danh giá vốn ở quá xa tầm tay với này như có vẻ gần lại. Đó không phải là vì đánh giá thấp nhà văn ấy hay vì quá tự tin rằng văn học Việt Nam cũng sánh ngang với văn học Trung Quốc. Thật ra, chung quy là vì con đường mà Mạc Ngôn đi đến giải Nobel cũng có nhiều điểm tương đồng với con đường mà một số nhà văn Việt Nam đã trải qua, thậm chí còn không khốc liệt bằng. Chất liệu thực tế mà Mạc Ngôn đưa vào tiểu thuyết không thể nói là dữ dội hơn những gì các nhà văn Việt Nam đã trải nghiệm. Khuynh hướng nghệ thuật hiện thực huyền ảo mà Mạc Ngôn chịu ảnh hưởng rõ rệt cũng không thể nói là mới mẻ và được tiếp thu nhuần nhị.

Dù sao đó là chuyện của những người làm giải. Điều khiến chúng ta suy nghĩ là con đường mà văn học Việt Nam còn phải đi để vươn tới đỉnh cao.

Chúng ta hãy thử tưởng tượng xem, nếu vài ba mươi năm hay nửa thế kỷ sau, một nhà văn Việt Nam đoạt giải thưởng Nobel, người đó sẽ nói gì khi nhận giải? Người đó sẽ nói về vẻ đẹp của tâm hồn dân tộc mình như Y. Kawabata nói về vẻ đẹp của tâm hồn Nhật Bản? Người đó sẽ nói về nỗi cô đơn châu Á như G. G. Marquez nói về nỗi cô đơn châu Mỹ la-tinh? Người đó sẽ nói về nỗi đau khổ của một dân tộc trải qua mấy cuộc chiến tranh, bao nhiêu người đã ngã xuống để có hòa bình mà rồi vẫn không thôi bị kẻ ác rình rập ngoài biên giới và hải đảo? Người đó sẽ nói về những giằng xé của đất nước khi tiếp xúc với một nền văn minh xa lạ và phải chấp nhận những sự trả giá nhiều khi rất đắt trên con đường hiện đại hóa? Hay người đó sẽ nói về tiếng Việt, một ngôn ngữ kỳ diệu, mượn cách ký âm Tây phương mà lưu giữ tinh hoa dân tộc, qua số phận của tiếng Việt mà nhìn thấy số phận đất nước?

Có thể không một dự đoán nào đúng cả. Vì 30, 40, 50 năm nữa, người Việt Nam đứng nói ở Hàn Lâm viện Thụy Điển sẽ mang một tâm tình khác hẳn chúng ta bây giờ. Có thể những điều làm chúng ta băn khoăn, lo âu hiện nay không còn là mối bận tâm của người ấy.

Cũng như chúng ta ngày nay, tâm tình, suy nghĩ hẳn nhiên là không giống với những con người ba, bốn thập niên trước. Biết bao nhiêu nước đã chảy qua cầu. Giả sử như cái máy vi tính được phát minh sớm hơn nửa thế kỷ, thì có thể lịch sử đã khác đi một chút.

Tuy nhiên, mỗi người chúng ta, dù là viết văn hay làm thơ, dạy học hay viết báo, cũng chỉ có một thời để sống. Ta không thể sống cái thời đã qua. Ta cũng khó mà đón trước cái thời sẽ đến để nói với bạn đọc ở giữa thế kỷ 21 những điều chính họ mong đợi.

Trong Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi (Hoàng Thu Uyên - tức Phạm Công Thiện - dịch, Nxb. An Tiêm, 1969), Rainer Maria Rilke khuyên nhà thơ trẻ Kappus đừng đọc sách phê bình và mỹ học, nhưng mười lá thư của ông thực chất là một loại phê bình và mỹ học đặc sắc. Ông viết: “Nếu thế gian đầy rẫy những sự khủng khiếp thì những sự khủng khiếp ấy chính là của chúng ta; nếu thế gian đầy rẫy những hố thẳm thì những hố thẳm này thuộc về chúng ta; nếu có những mối hiểm họa đang dàn trải trước mắt chúng ta thì chúng ta phải cố gắng yêu những hiểm họa ấy”.

Sách Các nhà văn giải Nobel do Đoàn Tử Huyến chủ biên (Nxb. Giáo dục, 2006) nói về Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao như những dấu chỉ và niềm hy vọng của một nền văn học đỉnh cao. Nhưng tất cả họ đều đã chết. Họ đã làm xong nghĩa vụ của ngòi bút. Chúng ta không còn có thể dựa dẫm vào thế giá của họ. Những nhà văn hôm nay đứng trước những hố thẳm khác, những hiểm họa khác, có thứ là sản phẩm của hoàn cảnh, có thứ là sản phẩm của chính mình. “Yêu” hiểm họa là một cách nói. Chúng ta không thể nhắm mắt trước hiểm họa, mà phải đương đầu với nó hay ít nhất tìm cách hóa giải nó bằng con đường của nghệ thuật.

Trong một lần tiếp xúc với bạn đọc thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Robert Olen Butler, tác giả tập truyện ngắn Hương thơm từ miền núi lạ, có nói: “Nhà văn là người sớm nhạy cảm với những bất trắc của xã hội và tìm một cách diễn đạt khả xúc về nỗi bất an, lo lắng, dằn vặt đó. Trước một thế giới tan vỡ hay có nguy cơ tan vỡ, nhà văn nhặt nhạnh những mảnh vỡ để tái tạo lại chính nó, đồng thời kích hoạt những dây đàn cảm xúc của con người. Vì vậy xã hội càng bất an, càng cần đến văn học”.

Văn học từ một làng quê đi ra đất nước, thành tiếng nói nghệ thuật hóa giải đau thương của dân tộc, rồi từ dân tộc đi tìm sự đồng cảm của nhân loại, đó là con đường của một giấc mơ. Thế kỷ 21 đã qua đi hơn một thập niên nhưng con đường của văn học Việt Nam vẫn còn dang dở. Những khuynh hướng nghệ thuật, dù trung tâm hay ngoại biên, đều dang dở. Những tài năng cũng dang dở. Nỗi khao khát một nền văn học đỉnh cao vẫn chưa được thỏa nguyện.

Nhưng chính vì vậy mà nó có sức hấp dẫn. Đó là sức hấp dẫn của những giấc mơ. Dù giấc mơ vẫn còn là giấc mơ.

H.N.P  
(SH313/03-15)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng
... 108, 108, ... (24/03/2015)