Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-15)
Đừng khóc
15:53 | 13/04/2015

LGT: Tiểu thuyết Đừng khóc (Sans pleurer) của nữ văn sĩ Pháp Lydie Salvayre vừa vinh dự được nhận giải thưởng Goncourt năm 2014, giải thưởng văn chương cao quí nhất nước Pháp nói về cuộc nội chiến đẫm máu Tây Ban Nha (1936 - 1939) thế kỷ trước với những hệ lụy nặng nề của nó.

Đừng khóc
Minh họa: Nhím

Qua rất nhiều sự kiện bi kịch của gia đình và của cả dân tộc Tây Ban Nha những năm ấy, có thể nói nhà văn đã nói lên thật sâu sắc những triết lý về tội ác của chiến tranh mà ở đây là cuộc nội chiến nói trên.
Vì khuôn khổ có hạn, chúng tôi chỉ giới thiệu ở đây, đoạn 3, đoạn kết thúc của tiểu thuyết nhưng cũng đã tóm tắt nêu rõ những sự kiện chủ yếu được mô tả trong tác phẩm này với biện pháp tài hoa của tác giả qua bản dịch của nhà văn Lê Trọng Sâm.

TCSH
 


LYDIE SALVAYRE

Đừng khóc

3.

Từ khi trở lại nước Pháp, Bernanos(1) làm việc mải mê cho lần biên tập cuối cùng cuốn tiểu thuyết “Những nghĩa trang lớn dưới bóng trăng”. Đến sinh sống ở hải cảng Taclon(2), con sư tử già này với đôi mắt sáng tinh anh ngày nào cũng cỡi mô tô đến tiệm cà phê La Rade trong nỗi nguy biến như của một người đang say rượu. Chính tại nơi này, ông đã kết thúc tập văn u ám nhất.

Ngày 16 tháng 4 năm 1938, báo Figaro(3) đã cho in một số trích đoạn. Ngày 22 tháng 4, tác phẩm xuất hiện trong các hiệu sách. Báo chí cánh hữu hoan hô. Báo chí cánh tả lại bực mình vì cho là chưa chống đối quyết liệt. Từ Madrid, Tòa giám mục Tây Ban Nha đòi kết án, cuốn sách bị liệt vào thư mục cấm của Nhà thờ La Mã vì cho rằng nó được quỷ Satan gợi ý. Simone Weil(4), nữ thạc sĩ triết học trẻ gửi đến Bernanos bức thư ca ngợi, nhà văn còn giữ mãi trong cặp cho tận ngày cuối cùng.

Không thể nào lìa bỏ những suy tư của mình về Tây Ban Nha, Bernanos càng gấp rút chuẩn bị chương trình ra đi lần nữa, đi xa, thật xa khỏi đất nước này mà theo ông, người ta đã ruồng bỏ những ý kiến của mình. Và phải đi xa châu Âu vì ông nói, châu Âu đang dần dần đi vào chế độ cực quyền. Tiếp tục sống ở đây là quá sức, không thể nào chịu nổi với ông.

Theo phong tục Pháp, sau khi đã trải qua đêm cuối với người vợ, ông cùng gia đình với José Bergamin(5) xuống tàu từ Marseille ngày 20 tháng 7. Dừng lại ở Dakar. Đi về Brazil, sau đó, hướng về Paraguay.

Sau mùa đông bi thảm 1937, Montse(6) dần lấy lại cảm giác sống. Càng suy nghĩ nhiều về José, bà đi đến kết luận là cái chết của người anh mình có thể là một cái chết tự nguyện một cách khó hiểu, một sự vĩnh biệt đầy kiêu hãnh với thế giới này từ lâu không còn là của mình nữa, một thế giới anh đã ray rứt quyết liệt vì thực ra trong chiều sâu nó không giống mình, đã không giống như bà đã tìm trong cuộc sống điều xấu xa cũng như điều tốt đẹp, điều ác cũng như điều thiện và cũng như bà đã thích ứng với nó và sau đó vui lên vì đã thích ứng được. Vì vậy, cái chết của José hiện ra với bà ít vô lý hơn. Toàn bộ sự kiện đó hoàn toàn không được chấp nhận, toàn bộ điều đó hoàn toàn phù phiếm nhưng lại ít vô lý hơn.

Bà đã quên đi năm 1938 và tất cả những gì tiếp sau đó. Tôi cũng chưa bao giờ được biết các sách vở đã viết gì về chúng.

Bà cũng đã quên đi những sự kiện nhỏ (nhỏ đối với lịch sử và mất đi mãi mãi) và những sự kiện lớn (mà tôi có thể tìm lại được).

Bà quên trong năm 1938, những tin tức khủng khiếp đã làm đen nghịt bầu trời Tây Ban Nha và quân đội cộng hòa đã rút lui từng ngày.

Bà cũng đã quên tháng 3 năm ấy, lữ đoàn Botwin được tổ chức từ những người Do Thái tình nguyện đến từ nhiều nước đã bị giết sạch không còn một ai.

Bà quên đi thành phố to lớn bà đã trải qua mùa hè đẹp đẽ của đời mình và rõ ràng đó là mùa hè duy nhất bà đã quên đây là thành phố bị xé nát ra từng mảnh, những tấm băng rôn huy hoàng của nó đã biến thành những tấm giẻ rách, những tấm áp phích tan ra như tinh thần cư dân nơi đây.

Bà cũng đã quên vào tháng 9 năm đó, bản thỏa thuận Munich được ký kết và Daladier(7) được tung hô vì ông này đã ký vào đó, trong khi Cocteau(8) la to: “Hoan hô nền hòa bình nhục nhã!” và Bernanos thất vọng tuyên bố: “Hòa bình nhục nhã này không phải là hòa bình! Chúng ta uống cạn ở đây nỗi xấu hổ đang ứ đầy cuống cổ, đang tràn đầy mồm miệng. Một nỗi ô nhục không thể nào hàn gắn. Tất cả chúng ta sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước lịch sử!” Bà đã quên đi ngày 30 tháng tư, ngày Thủ tướng Negrin nước Pháp lập chính phủ Hòa hợp dân tộc với ý nghĩa từ nay không còn là vấn đề đánh bại mà phải đi vào thương lượng với tướng Franco(9), ông này chắc chắn sẽ gạt bỏ. Vào tháng 8 năm 1938, cuộc chiến đầy nguy hiểm lan ra gần vùng bà ở. Đó là cú trỗi dậy cuối cùng của quân đội cộng hòa. Và trong ngôi làng bà ở, trận chiến sinh tử giữa hai bên đang diễn ra quyết liệt.

Tháng 2 năm 1939, báo El Peque công bố bản thông báo chiến thắng của chính thể Franco, một công nhân chữa đường liền quyết vạch trần việc đó, mối hận thù của nhân dân hừng hực bốc cao và trở nên vô cùng điên loạn. Cuộc quay ngoắt này diễn ra vô cùng táo tợn. Và những cuộc báo thù khủng khiếp.

Juan bị hành hình và hai cậu trai giúp việc chưa đầy mười tám tuổi bị tra tấn và bị giết sau đó. Rosita và Carmen sau khi các đầu gối bị xẻ ra bằng dao cắt buộc phải lau nền nhà thờ ba năm qua không ai lui tới bằng bốn chân dưới những tràng cười thô bạo, qua nhiều đợt khạc nhổ và các câu chửi mắng của những ai hôm qua mới hùa theo mà giờ này đang la to: “Hoan hô Franco! Hoan hô Tây Ban Nha!”, cánh tay giơ cao đầy tự hào. Chàng trai Manuel bị nhốt kín không xét xử trong nhà ngục R bởi những tên vô chính phủ vùng Andalousie(10), số này đã bày cho anh ta hát những bài hát trong tù với âm điệu chọc thẳng vào tim.

Benedicion với anh chồng treo lên trong quán cà phê của mình tấm biển với dòng chữ: “Chúng tôi không bán tổ quốc mình cho người nước ngoài”.

Diego còn đủ thời gian trốn đi tìm gặp lại sư đoàn 11 của quan tư trung tá Listen đang rút lui với binh lính đến biên giới Pháp. Với những lời khuyên của người chồng, mẹ tôi chia tay ngôi làng này trước lúc các cuộc trả thù quyết liệt diễn ra.

Bà ra đi sáng ngày 20 tháng 1 năm 1939, cuốc bộ với con gái Lunita trong chiếc xe ngựa bốn bánh với một vali nhỏ màu đen, bà xếp vào đấy hai tấm vải ra và những quần áo cho cô.

Minh họa: NHÍM


Khoảng mười phụ nữ và trẻ con đi theo bà. Nhóm nhỏ này bắt gặp đám đông đang chạy trốn khỏi Tây Ban Nha, đi kèm hai bên họ là binh lính sư đoàn 11 của quân đội cộng hòa. Người ta kín đáo gọi đó là cuộc rút lui. Một đoàn đàn bà, con trẻ, cụ già dài bất tận để lại sau lưng một vệt dài những thúng hành lý bị bục ra, những con la cái nằm chết duỗi bên sườn đồi, những đàn chó buộc vào nhau đang vùng vẫy trong đống bùn, những đồ vật xoàng xĩnh do cũng như người khốn khổ này mang đi vội vã, họ xem đó là những mẫu vật quí giá trong nhà nay phải vứt lại bên đường cả khi ý nghĩ quay lại nhà mình đã hoàn toàn biến khỏi đầu óc, hơn nữa, toàn bộ suy nghĩ đó đã tan đi trong tâm trí họ rồi.

Trong nhiều tuần lễ, mẹ tôi đã đi bộ từ sáng đến tối, mặc luôn chỉ một chiếc áo dài và chiếc áo vét, cả hai cứng lên vì bùn đất, giặt bằng nước suối, lau rửa bằng cỏ cây trong các hồ ao, ăn những thứ bà tìm được trên đường hoặc trong những nắm gạo các binh sĩ của Listen phát cho, bà chẳng có ý nghĩ gì khác hơn là được đặt bàn chân lên trước người khác và chăm lo cho đứa con gái nhỏ đang gắn chặt với bà trong nỗi đau dai dẳng này.

Cũng đến lúc bà bỏ luôn chiếc xe ngựa đã trở nên quá vướng víu, bà xé một đoạn vải của tấm ra buộc chặt vào đôi vai làm thành cái nôi cho Lunita đang trở thành một phần của chính bà. Và cứ vậy, bà bước tới, lúc này thấy khỏe hơn, tự tại hơn khi mang đứa con gái nhỏ sát sạt vào người mình.

Bà bị đói, bị rét, hai bắp chân sưng đau, cả toàn thân nữa. Bà ngủ mà không ngủ, toàn bộ các giác quan được báo động, chiếc áo vét cuộn thành gối, bà ngủ ngay trên chiếc giường đầy những cành cây trong các vựa lúa bỏ hoang, trong những khu vườn trống huếch và lạnh giá, đàn bà và con trẻ xếp chồng lên nhau, khi động đậy cánh tay mà không sao khỏi chạm vào những cánh tay khác, bà thiếp đi, bọc chặt trong chiếc chăn màu nâu xông lên hơi ấm từ nền nhà (mẹ tôi nói: con biết cái chăn ấy đấy, đó là cái chăn để là quần áo), đứa con gái nhỏ của bà sát vào ngực, hai thân người cuộn chặt lại như chỉ bọc trong một tấm chăn và một linh hồn. Bà nghĩ: nếu không có Lunita, ta không biết sẽ phải tiếp tục như thế nào.

Có ra gì tuổi trẻ, với nỗi mệt nhọc không tên nhưng mỗi ngày bà vẫn tiếp tục đặt đôi chân mình trước người khác. TIẾN LÊN! Toàn bộ tinh thần bà chỉ tập trung vào một việc tìm mọi phương cách để tồn tại, để bổ nhào xuống đất hoặc nhảy vào một cái hố khi những máy bay phát xít kéo đến, mặt bà cạ vào nền đất và đứa con bên mình đang run lên vì khiếp hãi, bà ngạt thở đến mức muốn khóc to lên với đứa con mà bà đang lẩm nhẩm: “Đừng khóc cún ơi! Đừng khóc bé yêu! Đừng khóc con gái yêu ơi!”. Bà đứng lên, người bám đầy đất và tự hỏi: nếu ta có được cách gì để chịu đựng nỗi đau tận thế này thay cho con gái bé nhỏ của ta không?

Nhưng mẹ tôi lúc ấy mới mười bảy tuổi với nỗi lòng ham muốn sống. Vậy là bà đã đi từ nhiều ngày này sang nhiều ngày khác, đứa con nhỏ địu bên lưng đi đến phía chân trời sau dãy núi bên kia bà cho là tốt đẹp hơn. Bà đã đi ngày này qua ngày khác trong một cảnh tượng đầy nhà cửa vôi gạch bị đổ nát và đến biên giới vùng Perthus(11) ngày 23 tháng 2 năm 1939. Bà ở lại mười lăm ngày trong trại tập trung Argelès-sur-Mer trong những điều kiện tồi tàn mọi người đều biết, sau đó bị đưa tới trại giam Mauzac, ở đó, bà đã gặp lại Diego, cha tôi.

Qua bao lần tái đi tái lại, cuối cùng bà bị mắc kẹt trong một ngôi làng vùng Lanquedoc(11), ở đó bà phải học một ngôn ngữ mới, phải chịu đựng một số lần bị nhục mạ, bà còn học thêm những phương cách mới để sống và để xử sự mà không khóc.

Đến nay, bà vẫn ở đó.

Ngày 24 tháng tư năm 1939, Đức Cha tối cao - Đức Giáo hoàng Pie XII đọc bản tuyên bố sau khi được bầu:

“VỚI NIỀM VUI VÔ HẠN, TÔI HƯỚNG VỀ CÁC ÔNG BÀ, NHỮNG NGƯỜI CON THÂN YÊU CỦA NỀN CÔNG GIÁO RẤT MỰC TÂY BAN NHA ĐỂ ĐƯỢC GIÃI BÀY NHỮNG LỜI KHEN NGỢI CỦA RIÊNG TÔI VÌ LẼ ĐÂY LÀ SỰ HIẾN TẶNG CỦA HÒA BÌNH VÀ THẮNG LỢI MÀ ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ VINH DANH CHỦ NGHĨA ANH HÙNG TRONG ĐỨC TIN VÀ LÒNG KÍNH CHÚA THƯƠNG NGƯỜI CỦA CÁC ÔNG BÀ”.

Ngày 8 tháng 1 năm 2011. Mẹ tôi ngồi nghỉ trên chiếc ghế phô-tơi lớn màu xanh của mình gần cửa sổ hướng ra sân trường. Nhắc lại câu chuyện mùa hè huy hoàng trước đây làm bà mệt. Niềm vui được nói lên những chuyện đó cũng làm bà mệt.

Qua nhiều hồi ức của bà, mẹ tôi đã lưu giữ những điều tốt đẹp nhất, nóng bỏng như là một vết thương, tất cả các ký ức khác đều bị mờ đi (có một số ngoại trừ trong đó có chuyện ra đời của tôi). Toàn bộ gánh ký ức nặng nề đó bị mờ đi. Bảy mươi năm của một mùa đông vô tận trong ngôi làng vùng Lanquedoc(12) bị mờ đi và không bao giờ bị câm lặng. Vì tôi còn một số chứng bệnh đang bao vây - có thể là về mặt y học - hay là bởi vì chúng không được quan tâm đến, giả thuyết này làm tôi bối rối nhất.

Chỉ còn lại trong nỗi nhớ của bà là trong mùa hè năm 1936 đó, khi cuộc sống, khi tình yêu đang sung sướng ôm choàng bà, mùa hè đó bà có ấn tượng được sống hoàn hảo và hòa đồng với mọi người, mùa hè đó với tuổi trẻ sung mãn như Pasolini(13) đã nói. Và với hình bóng đó, bà đang sống những ngày còn lại, mùa hè ấy, tôi đoán chừng, bà nhìn về quá khứ bà đã sống được điểm trang, tôi đoán chừng bà đã tái tạo lại câu chuyện để chống lại tốt hơn những nuối tiếc của mình, nhất là để làm cho tôi được thích thú hơn mùa hè rạng rỡ đó mà tôi đã chắc chắn ghi vào những dòng viết và những cuốn sách của tôi được thành công cũng vì lẽ đó.

Mùa hè rạng rỡ của mẹ tôi, cái năm bi thảm của Bernanos mà kỷ niệm còn lại mãi trong ký ức bà như có một con dao đang giúp mở to đôi mắt: đây là hai màn kịch cùng một câu chuyện, hai sự từng trải từ mấy tháng qua đã đi vào trong những đêm ngày của tôi mà chầm chậm chầm chậm chúng đang thấm.

Khoảng sân chơi nơi ngôi trường mẹ tôi đang quan sát sau cửa sổ trong một niềm vui rất trong lành, lũ trẻ của bà vừa mới tan đi, chẳng còn một đứa.

Và đột nhiên, một sự im lặng rất sâu lắng hiện về.

Mẹ tôi quay lại phía tôi.

- Con yêu của mẹ, con cho mẹ một ly rượu anít. Điều này làm củng cố thêm đạo đức con ạ. Mẹ hỏi con: từ đạo đức này thuộc giống đực hay giống cái?

Người ta nói nó thuộc giống đực. Le moral: Tinh thần.

Lydie của mẹ, một ly anít. Với thời gian đang phi mã, đây là một sự đề phòng, nó không phải là dư thừa nếu ta dám nói như vậy với con.

Lê Trọng Sâm dịch.
(SDB16/03-15)

-------------
Những chú thích dưới đây do người dịch ghi thêm để bạn  đọc dễ hình dung câu chuyện.

(1) Georges Bernanos, nhà văn Pháp (1888 - 1945). Năm  1936, sang Tây Ban Nha chứng kiến tại chỗ cuộc nội chiến  và viết tiểu thuyết “Những nghĩa trang lớn dưới ánh trăng”.
(2) Hai cảng miền đông nam Pháp.
(3) Tờ báo chính trị châm biếm nổi tiếng Pháp, ra đời 1884.
(4) Nhà triết học nữ Pháp (1909 - 1943), nghiên cứu và có  nhiều tác phẩm đấu tranh cho công bằng xã hội.
(5) Anh ruột của bà Montse, tác giả.
(6) Montse  (hoặc  Montsera),  mẹ  của  tác  giả,  sinh  14/3/1921.
(7) Chính trị gia Pháp (1884 - 1972). Thủ tướng Pháp 1933  - 1934, ký bản thỏa thuận Munich năm 1938 không tuyên bố  chiến tranh với nước Đức, bị Tây Ban Nha và châu Âu phản  đối.
(8) Nhà văn Pháp (1889 - 1963) viết nhiều tiểu thuyết và  vở kịch về cuộc nội chiến Tây Ban Nha.
(9) Tướng  lĩnh, chính trị gia Tây Ban Nha (1892 - 1975)  đứng  đầu  phong  trào  quốc  gia  năm  1936.  Sau  nội  chiến,  thành lập chính phủ độc tài ở Tây Ban Nha, liên kết với Hitler.
(10) Vùng tự trị phía sau Tây Ban Nha, cạnh Pháp.
(11) Con đèo trên biên giới Pháp - Tây Ban Nha.
(12) Tỉnh vùng đông nam Pháp, gần thành phố Toulouse.
(13) Nhà văn, nhà làm phim Ý (1912 - 1975).







 

Các bài mới
Chiều Huế tím (23/04/2015)
Mười Cents (16/04/2015)
Bến xuân (16/04/2015)
Các bài đã đăng