Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.3-15)
Nghiêng mình qua “Núi mây say”
15:00 | 25/04/2015

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
                        Tùy bút

Mối cảm giao với Túy Vân khởi sự từ sự tạo sinh của đất trời trong lớp lớp mây trắng chảy tràn, tuyết tô cho ngọn núi mệnh danh thắng cảnh thiền kinh Cố đô.

Nghiêng mình qua “Núi mây say”
Ảnh: internet

Mang cái tâm thức của kẻ hành hương, ta bước đi bằng bước chân của người tịnh khiết đương dẫm chân lên địa vực của ngọn linh sơn trấn biển. Bàn chân ấy lạc lên núi mây, qua những bậc cấp thoai thoải dọc sườn xanh, Túy Vân cổ kính hiện lên trong sương khói.

Cuộc núi Túy Vân đẹp hiếm có trên toàn dải duyên hải đất Thuận Hóa. Tăng chúng từ lâu đã đến đây khai sơn trấn nhậm một vùng trời nước bằng tiếng chuông thanh. Núi có dáng dấp tròn trịa, cây cối phủ xanh cô tịch bên đầm phá nên được một số tăng nhân chọn làm nơi khai sơn dựng tự làm nơi cầu phúc cho dân. Niên đại những ngôi chùa sớm nhất được lập thì không nghe nhắc tới, mãi đến năm 1692, chùa được chúa Nguyễn Phúc Chu cho tu sửa làm nơi hóa duyên cho tôi chúng gần xa. Thánh Duyên cổ tự tồn tại thêm gần trăm năm nữa thì lâm vào cảnh hoang tàn do chiến tranh loạn lạc suốt mấy chục năm, hết Trịnh Nguyễn phân tranh lại đến cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Phải gần nửa thế kỉ sau, năm 1825, vua Minh Mạng kinh lí qua đây thấy thắng tích hoang tàn cảm động mới cho xây lại với lời dụ khẩn thiết tri bia kí bên góc chùa: “Năm ngoái ta từng đi qua, nghĩ rằng danh sơn thắng tích không thể để mất đi, huống hồ nơi đây lại chính là do Hoàng tổ ta cho xây dựng nên để cầu phước cho con cháu và tôi dân”. Năm 1836, nhà vua lại cho “đại trùng kiến” chùa và làm 4 bài thơ vịnh cảnh, từ đó Túy Vân trở thành một quốc tự, án trấn một vùng trời nước mênh mông.

Núi lúc trước được các chúa Nguyễn đặt tên là Mỹ Am, sau vua Minh Mạng cho đổi tên núi từ Mỹ Am thành Túy Hoa. Vua Thiệu Trị lên ngôi vì kiêng tên mẹ (Hồ Thị Hoa) nên đổi tên là Túy Vân cho đến bây giờ. Vị vua thi nhân Thiệu Trị đã để lại bài thơ “Vân Sơn thắng tích”, bình Túy Vân là Đệ Cửu cảnh trong thần kinh nhị thập cảnh. Một áng thơ trữ tình, ngợi ca vẻ đẹp của ngọn núi thiêng “Cầu long ẩn phúc liệt lân tuân” (Rồng thiêng ẩn phục vây chầu xung quanh). Bài thơ thất ngôn bát cú với những câu tuyệt như:

Tuệ phong chung độ u lâm hưởng,
Không vũ hương la pháp hải tân.
(Tiếng chuông vọng tới rừng xanh
Màn hương mưa phủ pháp lành biển khơi).


Đại hồng chung trên Thánh Duyên cổ tự là ngọn gió âm đưa minh tâm đến chúng sanh, khai thị cả chốn rừng xanh u tịch. Giữa tiết trời mưa phủ giăng khắp chốn già lam, pháp màu nhuộm trong tâm tưởng thi nhân vốn ngự cung vàng để phóng bút vẽ nên bức tranh Túy Vân trong như cõi tịnh. Gót trần bước lên những bậc đá rêu xanh, hai bên cây xanh che lối, mây bay trên đầu, mây vờn quanh núi, mây họa đông phong, mây dìu gót bước. Bụi bặm trần gian theo gió mây trôi tuột cả ra bể Đông hồ hải nhịp sóng dâng. Chân dẫm lên những cụm bông độc mộc cuối mùa xanh biếc, lẻ loi nằm bên bậc đá, chạm vào thông điệp vô thường sau mùi hương tao khiết của cái chết hoa.

Ta đứng trong Đại Hùng bảo điện 3 gian 2 chái, làm theo kiểu cách Cung điện Huế, lặng yên nghe tiếng kinh mõ u trầm bên một chú tiểu đương công phu sáng. Màn hương trầm phủ khắp đại điện, bay theo những lời kinh xông thấm cái căn tín chực nẩy mầm xanh bồ đề. Đại điện thờ Tam thế Phật, tượng Thập Điện Diêm Vương và đặc biệt là bộ Thập bát La Hán bằng đồng nhỏ. Chính vua Minh Mạng đã cho đúc bộ tượng Thập bát La Hán bằng đồng với những nét điêu khắc tuyệt đỉnh của nghệ thuật đúc đồng vào thế kỷ XIX, và nay là một bộ tác phẩm quý báu trong kho tàng bảo vật quốc gia. Lòng ngưỡng vọng người chí lớn, đức lớn, đấng minh quân kinh bang tế thế như Minh Mạng việc gì cũng thành công nghiệp lưu danh muôn thuở.

Tiếng kinh đều đặn chuốc vào tâm lăn tăn sóng của ta, cái vị cảm của một ta - tha nhân lưu đày trong chính mình, không vượt thoát khỏi giới hạn của kẻ lụy trần. Nhưng tha nhân lâu lắm không nghĩ và không biết mình bị lưu đày trong chính tha nhân. Tha nhân cười, tha nhân say, tha nhân ôm riết vòng đời trong hoa, trong rượu và những cuộc lữ mòn lở núi non.

Mưa phùn tỉ tê buông xuống hiên chùa. Ta nhìn mưa sa mù cả khoảng lối vào, nơi mới đây thôi ta đặt chân đến bên tiếng kinh, ta bước qua không gian khác đầy ánh sáng vi diệu và nhìn lại con đường ta đi mịt mùng, ảm đạm. Ta nghĩ đến lời Phật nói đến shunyata - nghĩa là trống rỗng tuyệt đối. Không cái gì xảy ra ở đó, không ai tới, không ai đi, không ai can dự. Tâm ta quay trở về với tự tánh, là mặt nước phẳng lặng, trong veo, không gợn, không xô bồ, không. Ta trống rỗng, có thật sự trống rỗng, như một li nước vừa đem đổ đi. Nếu ta trống rỗng, ta đã đoạn diệt được khổ đau, phiền não. Đôi chân sẽ đặt lên áng mây lành, những giỏ hoa trời về đậu bàn tay. Kim thời gian khi ấy sẽ ngừng lại ở số không. Và đến ta cũng không còn thấy ta nữa. Một cái ta sai biệt hay một cái ta chân bản đã dừng lại đó, ngắm nhìn mưa pháp thấm nhuần một phần đời bươn chải.

*

Hơi lạnh lập đông trùm lên ta thứ men say cóng buốt tịch liêu. Một mình thảnh thơi bước giữa núi, chân dưới đất, hồn treo mây. Chợt nhớ tới hai câu trong bài thơ “Thánh Duyên tự chiêm lễ” (Dự lễ chùa Thánh Duyên) của vua Minh Mạng:

Tùng quan hoa tiếu khách,
Thạch kính điểu nghênh nhân.
(Cổng rợp bóng tùng mừng bước khách
Đường đá rộn tiếng chim đón người)

(Nguyễn Phước Hải Trung dịch)

Nghiêng mình nhìn ngọn đông phong luồn qua tóc hàng thông cổ thụ, bất lực trước thiết mộc hiên ngang ngẩng đầu sơn trấn mấy trăm năm. Tóc thông xanh biếc dựng những bông mây trên cành. Chim chóc ẩn tàng trên đám lá xanh lảnh lót hót lên những tiếng đồng vọng làm vương víu cả con đường đá xanh thơm hương độc mộc. Sau cành thông già, tháp Điều Ngự cổ kính nhô lên xa xa như một ngọn đuốc hồng giữa màu xanh mơ màng.

Người xưa bảo, lên Túy Vân không thể không một lần leo lên tháp Điều Ngự. Đây là điểm cao nhất núi, tha hồ ngắm gió trời lồng lộng vun mây xây thành đắp khói. Tháp có hình khối tứ giác, cao ba tầng, ba mặt trổ thông cửa, một mặt xây kín. Trên đỉnh tháp Điều ngự xưa có dựng trụ đồng đặt Pháp luân chuyển động theo gió, có cả chuông lắc để khi gió thổi âm thanh có thể vang vọng ra xa. Cái tên Điều Ngự nghĩa là điều phục và chế ngự bản ngã, trong kinh văn nói đến bậc điều ngự trượng phu, ý chỉ người có công phu tu hành, điều phục tâm trần. Từ đó dẫn đến sự thờ phụng trong ba tầng tháp, đều thờ các vị Phật - Thánh đại diện ba coi trời - dương thế - âm thế gắn với trạng tính điều ngự đó, ví như: tầng trên cùng của tháp, xưa thờ Trung Thiên Điều Ngự Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, tầng giữa thờ Nhân gian Điều Ngự Phước Bị Quần sanh Vạn Thiện Chí tôn và tầng dưới thờ Địa phủ Điều Ngự Minh Sát Sâm Nghiêm Diện La chủ tể. Ngày nay, sự thờ phụng đó không còn nữa, tháp chỉ thờ một số tượng Phật nhỏ ở tầng dưới cùng.

Trong nắng chiều loang đổ, những gam màu non nước quyện vào nhau thành một bức tranh sơn thủy. Những cánh chim di bay về, bóng chao nghiêng cửa Tư Dung, tạc cả vào Cầu Hai phẳng lặng tình rồi tan biến vào màu xanh đại ngàn Bạch Mã. Bên tháp Điều Ngự, một nhánh thông già vươn thẳng trời xanh in lên dáng nước non màu lục cổ bản của cội nguồn thơ. Ta đâu hiểu nỗi thông thao thiết trăm năm cô lẻ trên chốn tịnh trần thanh dã trời nước mênh mông.

Túy Vân, ta cứ ước ao mãi một lần thưởng trà đối ẩm trong Sảng đình giữa mùa trăng chín. Dưới ánh bạc dịu dàng phả tan trên mặt nước, ta uống thanh tao dâng lên chứa chan chén tang bồng hòa sắc nguyệt đương rơi nhẹ trên những tán thông. Nay, ta được chén mây về trong mắt là một ân huệ ấm nồng trên cuộc lữ đông. Túy Vân, ta tỉnh thức một phần huệ trong mình, như bắt gặp trăng báu cất chứa trong bình lưu ly. Túy Vân, ta nhặt thanh tịnh đầy bình rồi cùng neo mái chèo của mây theo vào núi xa. Mai về phố thị, chân ta bước mà lòng vẫn còn say mây trắng thuở nào trên ngọn linh sơn tuyết trinh trấn hải.

L.V.T.G  
(SDB16/03-15)






 

Các bài đã đăng
Chiều Huế tím (23/04/2015)
Mười Cents (16/04/2015)
Bến xuân (16/04/2015)