Tạp chí Sông Hương - Số 314 (T.04-15)
“Rừng hát” - tuyển tập một đời người
08:56 | 27/04/2015

NGUYỄN VIỆT

Tuyển tập Rừng hát do Nxb. Văn học ấn hành, vừa ra mắt bạn đọc tháng 1/2015, là một công trình xuất bản văn học nghệ thuật công phu, chất lượng và rất đáng trân trọng về những tác phẩm và công trình nghiên cứu của nhạc sĩ, nhà văn, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian Minh Phương.

“Rừng hát” - tuyển tập một đời người
Ảnh: internet

Cố nhạc sĩ Minh Phương (1931 - 2011), tên thật là Trương Minh Phương, quê ở Phù Mỹ, Bình Định. Ông tham gia cách mạng từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi còn là thiếu sinh quân, làm liên lạc trong Ủy ban lâm thời Mặt trận Việt Minh tỉnh Lâm Đồng, rồi chuyển về công tác ở Chi đội 2 Giải phóng quân Nha Trang, sau đó về công tác tại Ty Thông tin tỉnh Bình Định. Vốn có năng khiếu, lòng đam mê âm nhạc và tính tích cực trong hòa nhập, vận động quần chúng, ông được điều về công tác tại Đoàn Tuyên truyền Lưu động Trung Bộ. Từ năm 1949 đến năm 1975, ông công tác và đảm đương nhiều cương vị ở nhiều đơn vị văn hóa như Đoàn Tuyên truyền xung phong tỉnh Quảng Bình, Đoàn Văn công phát động quần chúng Liên khu 4, Ty Thông tin Quảng Bình. Năm 1976 ông về công tác tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Bình Trị Thiên, làm Phó Giám đốc và làm chuyên gia văn hóa tại tỉnh Savanakhet nước bạn Lào. Sau chia tỉnh (1989), ông công tác tại Trung tâm VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế cho đến ngày nghỉ hưu (1993). Từ khi nghỉ hưu cho đến ngày mất (2011), dù tuổi cao, sức yếu, ông vẫn đi nhiều và viết nhiều ở trên nhiều lĩnh vực, cả sáng tác âm nhạc, văn học, sân khấu và nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian.

Điểm qua tiểu sử của nhạc sĩ Minh Phương, có thể thấy ông là một trong những văn nghệ sĩ lão thành, đã gắn bó và cống hiến cả cuộc đời cùng sự nghiệp cho dải đất miền Trung - Tây Nguyên nói chung và Bình Trị Thiên nói riêng.

Tuyển tập tác phẩm Rừng hát dày 1.328 trang, đã tập hợp cơ bản những sáng tác, nghiên cứu Văn học nghệ thuật trong cả cuộc đời của nhạc sĩ Minh Phương.

Tuyển tập được chia làm 4 phần:

Phần 1 có tên Giai điệu, dài 288 trang, giới thiệu 128 ca khúc mà nhạc sĩ Minh Phương đã viết trong 60 năm, từ năm 1951 đến cuối đời, năm 2011. Với số lượng ca khúc này, trong đó có nhiều ca khúc được ông sáng tác vào đầu những năm 50 của thế kỉ 20, ông xứng đáng đứng vào hàng ngũ các bậc trưởng lão trong làng sáng tác tân nhạc của Việt Nam. Các sáng tác ca khúc của nhạc sĩ Minh Phương hầu hết được ông viết từ thực tiễn cuộc sống lao động, sản xuất và chiến đấu của quân và dân ta. Một trong những thế mạnh trong sáng tác ca khúc của ông là khai thác chất liệu dân ca, dân nhạc, dân vũ của các vùng miền, đặc biệt là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, vì vậy, các ca khúc của ông không chỉ rất mộc mạc, gần gũi, mang đầy hơi thở của cuộc sống và dễ đi vào lòng người, mà còn mang đậm âm hưởng dân ca và bản sắc dân tộc. Bên cạnh những ca khúc ngợi ca lao động sản xuất, học tập, chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng hòa bình, nhạc sĩ Minh Phương viết rất nhiều bản tình ca, ca ngợi tình yêu đôi lứa, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên của quê hương đất nước. Nhiều bản tình ca của nhạc sĩ Minh Phương viết cách đây hơn 40 năm mà đến nay hát lên vẫn thấy rất mới, rất gần với giới trẻ hiện nay.

Một điều đáng kể nữa trong phần sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Minh Phương, đó là 2 bài hát Lý thả diều Lý Vọng cảnh do ông sáng tác và gọi là Dân ca thể nghiệm. Có thể nói: Đây là một đề xuất rất táo bạo của nhạc sĩ Minh Phương. Ông đã sử dụng hai câu ca dao để viết nên hai bài hát mới trên cơ sở sử dụng chất liệu âm nhạc dân tộc với hy vọng nếu nó được yêu thích và truyền bá rộng rãi, lâu dần nó sẽ trở thành dân ca. Bây giờ còn quá sớm để có thể đánh giá những thể nghiệm này của ông, nhưng trong thực tiễn của đời sống VHNT hiện nay, trước sự phát triển ồ ạt khó kiểm soát của âm nhạc mới và trào lưu âm nhạc ngoại nhập, nhiều bài bản dân ca của nhiều vùng miền trên đất nước ta đã bị quên lãng đến thất truyền, nhiều bài bản dân ca khác đang bị mai một dần… thì bên cạnh công tác sưu tầm, chỉnh lý, bảo tồn, gìn giữ các vốn quý trong dân ca, dân nhạc, dân vũ, việc tiếp tục viết thêm những bài bản mới trên cơ sở chất liệu âm nhạc dân tộc như những ca khúc Dân ca thể nghiệm của nhạc sĩ Minh Phương cũng là một cách để bảo tồn và nối tiếp sự trường tồn của bản sắc dân tộc.

Phần 2 mang tên Bên cánh màn nhung, dài 856 trang, giới thiệu 80 kịch bản sân khấu, gồm kịch nói, ca kịch, ca cảnh, kịch bản thông tin và tiểu phẩm, trong đó có cả các kịch bản, ca cảnh, tiểu phẩm viết cho thiếu nhi. Các kịch bản sân khấu thuộc nhiều thể loại của nhạc sĩ Minh Phương đề cập đến nhiều đề tài và được thể hiện ở nhiều loại hình chính kịch, kịch tâm lý xã hội, kịch bản thông tin tuyên truyền, kịch vui, kịch châm biếm, đả kích… trong đó có nhiều vở kịch mang tầm tư tưởng lớn về truyền thống cách mạng cả trong chiến đấu cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nhiều vở có tính triết lý cuộc đời sâu sắc; nhiều vở là chuyện đời nhân nghĩa vô cùng cảm động; nhiều vở là bài học về nhân cách; nhiều vở có tính phê phán, đả kích thói hư tật xấu, cửa quyền, tham nhũng v.v. Bên cạnh các vở kịch dài, kịch ngắn, kịch vui, kịch châm biếm đả kích, nhạc sĩ Minh Phương còn viết nhiều kịch bản thông tin tuyên truyền, nhiều vở ca kịch, ca cảnh sử dụng cả nhạc mới lẫn các làn điệu dân ca, các điệu hò, vè. Đặc biệt, vở kịch Mưa rừng của ông đã đạt giải thưởng lớn của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, và được Nhà xuất bản Giáo dục tuyển chọn in vào sách Phụ lục văn học trích giảng lớp 9 phổ thông từ năm 1978.

Đọc các kịch bản sân khấu của nhạc sĩ Minh Phương mới thấm thía tình yêu sâu sắc của ông đối với con người, đối với cuộc sống, đối với quê hương, đất nước, và sự trân quý của ông đối với các giá trị truyền thống của dân tộc, đặc biệt là về đạo đức, lòng nhân ái, độ lượng, vị tha và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Văn là người, vì vậy có thể thấy phần “Bên cánh màn nhung” của Tuyển tập “Rừng hát” đã thể hiện đậm nét cốt cách trung thực, thẳng thắn, tâm hồn đa cảm và tấm lòng nhân hậu, đầy tình thương yêu đối với con người và thiên nhiên của nhạc sĩ Minh Phương. Đồng thời, với số lượng tác phẩm sân khấu đồ sộ ấy, nhạc sĩ Minh Phương xứng đáng là một nhà biên kịch và đạo diễn sân khấu tài năng, và thực tế, ông đã có một vị thế đáng trân trọng trong Hội Nghệ sĩ sân khấu Trung ương, địa phương và trong lòng khán thính giả yêu Sân khấu kịch nói và ca kịch.

Phần 3 mang tên Muôn sắc, dài 149 trang, giới thiệu 8 tác phẩm, gồm những công trình nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý về dân ca, dân nhạc, dân vũ các vùng miền thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhất là của các dân tộc thiểu số ở tỉnh Bình Trị Thiên trước đây và Thừa Thiên Huế sau này. Đặc biệt công trình nghiên cứu mang tên Dư âm tình rừng của ông đã giới thiệu chi tiết 16 loại nhạc cụ dân tộc của đồng bào các dân tộc Tà Ôi, Pakoh, Cơ Tu ở A Lưới và Nam Đông (Thừa Thiên Huế), là một công trình nghiên cứu rất công phu với đủ tư liệu, hình ảnh, bài bản minh họa và các phụ bản về nguồn gốc, xuất xứ, truyền thuyết, truyện cổ tích của các dân tộc. Bên cạnh công trình nghiên cứu về các nhạc cụ dân tộc, thì công trình nghiên cứu về các bài bản, làn điệu dân ca và hò, vè của Quảng Bình (viết chung với nhạc sĩ Quách Mộng Lân) cũng là một công trình nghiên cứu dân ca rất công phu, mặc dù tác giả đặt tên công trình rất khiêm tốn là Vài nét về dân ca Quảng Bình.

Ngoài ra, ở phần Muôn sắc này còn đăng một số bài viết và truyện ngắn xuất phát từ những kỉ niệm thực tiễn đầy sinh động của nhạc sĩ Minh Phương ở những vùng chiến sự trên đường Trường Sơn - Đường mòn Hồ Chí Minh thời kháng chiến chống Mỹ. Có những truyện ngắn hết sức cảm động về cuộc sống lạc quan, tinh thần chiến đấu kiên cường và sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ lái xe và nữ Thanh niên Xung phong trên tuyến đường huyền thoại này. Ở cuối phần Muôn sắc còn đăng một loạt bài viết ngắn là những mẩu chuyện kể về những kỉ niệm đi làm công tác vận động, tuyên truyền của chính tác giả cùng các đồng nghiệp trong Đội Tuyên truyền xung phong thuộc Ty Văn hóa Quảng Bình thời kháng chiến chống Pháp. Với lối viết giản dị, chân thực và dí dỏm, những mẩu chuyện ngắn này cũng phác họa nên một bức tranh thật đẹp và thú vị về những người làm công tác vận động, tuyên truyền dưới thời kháng chiến chống Pháp, không chỉ rất vất vả, gian lao mà còn cả không ít đổ máu, hy sinh, nhưng họ luôn sống rất lạc quan và yêu đời.

Qua các công trình nghiên cứu, sưu tầm về dân ca và các nhạc cụ dân tộc của nhạc sĩ Minh Phương, có thể thấy sự nghiêm túc và công phu của ông trong công tác nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số, đặc biệt là phần sưu tầm và nghiên cứu các bài bản dân ca cùng các loại nhạc cụ dân tộc của các dân tộc thiểu số ở Bình Trị Thiên. Đây cũng là một phần đóng góp đáng kể của ông vào kho tàng văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và Bình Trị Thiên nói riêng.

Phần 4 của Tuyển tập Rừng hát mang tên Những điều cảm nhận, dài 35 trang, tập hợp 12 bài viết của các tác giả là những nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, nhà nghiên cứu về các tác phẩm, công trình âm nhạc, văn học, sân khấu, nghiên cứu, sưu tầm của nhạc sĩ Minh Phương. Đây là những bài viết không chỉ đơn thuần chuyên môn nghiêm túc với những ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng các tác phẩm, công trình của nhạc sĩ Minh Phương, mà còn thể hiện tình cảm trân trọng, thương quý đối với nhân cách, đạo đức nghề nghiệp và tài năng của người nghệ sĩ đáng kính: Nhạc sĩ, nhà biên kịch, nhà nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian Trương Minh Phương.

Tuy tập hợp chưa thật đầy đủ, Tuyển tập Rừng hát vẫn là một công trình xuất bản phẩm Văn hóa nghệ thuật khá đồ sộ và công phu, được tuyển chọn in ấn từ nỗ lực của gia đình nhạc sĩ Minh Phương và Nhà xuất bản Văn học để giới thiệu đến bạn đọc nói chung và giới văn nghệ sĩ nói riêng những sáng tác và nghiên cứu tiêu biểu nhất trên các lĩnh vực sáng tác âm nhạc, văn học, sân khấu và nghiên cứu văn hóa văn nghệ dân gian của nhạc sĩ Minh Phương. Hơn 30 giải thưởng của Trung ương, địa phương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cùng nhiều Huân chương, Huy chương, Kỉ niệm chương của Nhà nước và các Bộ, ban, ngành là những ghi nhận xứng đáng về những đóng góp, cống hiến của nhạc sĩ Minh Phương vào sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật, văn nghệ quần chúng ở cả nước nói chung và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Bình Trị Thiên nói riêng. Nhưng giải thưởng lớn nhất đối với ông là sự trân trọng và yêu quý của bạn bè, đồng nghiệp và đông đảo quần chúng yêu âm nhạc, sân khấu và văn hóa văn nghệ dân gian.

N.V  
(SH314/04-15)


 




 

Các bài mới
Ơ tề (05/05/2015)
Các bài đã đăng
Linh huyệt (23/04/2015)