Tạp chí Sông Hương - Số 35 (T.1&2-1989)
Năm rắn nói chuyện rắn
09:21 | 14/05/2015

VƯƠNG THỪA ÂN

Trong mười con giáp thì chỉ có hai cặp "họ hàng" được xếp liền với nhau là Dần - Mão và Thìn - Tỵ. Nhưng trong hai cặp đó thì lại chỉ có cặp Thìn - Tỵ là được ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày nhắc đến luôn: Rồng rắn.

Năm rắn nói chuyện rắn
Ảnh: internet

Rồng rắn - tổ hợp đó trong từ thuần Việt chỉ mang hai nghĩa: chỉ một đám người kéo đi lộn xộn hoặc chỉ những kiến trúc hội họa cầu kỳ.

Cũng một nghĩa đen "rồng rắn" nhưng tổ hợp "long xà" trong từ Hán Việt lại mang rất nhiều nghĩa bóng khác nhau: - nhân tài phi thường - chỉ chung các loài thú dữ. Khi đưa vào kết cấu tiểu đối như "long đầu xà vĩ" (đầu rồng đuôi rắn) thì ý nghĩa còn sâu sắc hơn nhiều.

Năm rồng qua rồi đến năm rắn. Chỉ nói riêng chuyện rắn thôi cũng đã nhiều. Trong văn học, hình tượng rắn thường được dùng để chỉ những thế lực độc ác, nguy hiểm: hang hùm miệng rắn, rắn khôn dấu đầu... vì thế người ta thường nhắc nhau "đánh rắn phải đánh dập đầu". Rắn còn được dùng để chỉ những thế lực ngoại xâm khi có kẻ "cõng rắn cắn gà nhà". Thật là chỉ nhờ một từ rắn mà thành ngữ đó như một mũi tên trúng hai đích: vừa lên án bọn cướp nước, vừa nguyền rủa bọn bán nước.

Mức độ độc hại của rắn có thể được giảm bớt khi ta nói "rắn đổ nọc cho lươn" để chỉ trích những kẻ lẩn tránh trách nhiệm, trút khuyết điểm cho người khác.

Từ xa xưa, hình tượng rắn đã gắn liền với các truyện cổ tích, truyền thuyết và điển cố phương đông: Thạch Sanh chém xà tinh. Rắn già rắn lột, người già người chui tuột vào săng. Viên ngọc rắn, truyền thuyết Lưu Bang chém rắn khởi nghĩa lập nên nhà Hán, rồi hình tượng Trương Phi với ngọn xà mâu - thứ binh khí có mũi nhọn, dài và uốn cong như con rắn, rồi thế trận "trường xà quyền địa" (rắn dài cuốn đất) của Khổng Minh, đã hấp dẫn bao nhiêu thế hệ.

Một câu chuyện hoang đường nói về việc "rắn báo oán", dẫn đến cái họa tru di tam tộc của Nguyễn Trãi được nhiều người biết đến, hẳn là do bọn thống trị hồi đó dựng lên để hòng che đậy phần nào cho tội ác ghê tởm của chúng mà thôi.

Rắn cũng còn là một hình tượng được nhắc đến khá nhiều trong thuyết duy tâm. Không biết do đâu mà có câu: "Khi đi gặp rắn thì may..." Kinh Thi, tập phong dao cổ đại của Trung Quốc cũng có câu: "duy hủy duy xà, nữ tử chi tường" nghĩa là mộng thấy các loài rắn thì ứng vào điềm... sinh con gái.

Xưa kia người ta xếp rắn (tất nhiên phải là loại mãng xà) mạnh vào hàng thứ ba, hơn voi, chỉ thua đại bàng và cá kình: "nhất điểu, nhì ngư, tam xà, tứ tượng". Rắn đáng sợ đến nỗi, sách truyền lại, có người đến nhà bạn chơi, cầm chén rượu lên định uống, thấy bóng cây cung treo trần vách in vào chén, tưởng là trong chén có rắn, không dám uống nữa!

Rắn là một loài bò sát không chân, điều đó ai cũng biết, vậy mà có cậu bé học mãi không thuộc, đã phải ngắt ra mà gào lên hai đoạn câu: "rắn là một loài bò, rắn là một loài bò, sát không chân, sát không chân"(!) Rắn không có chân mà đã nguy hiểm như thế thì những kẻ "vẽ rắn thêm chân" còn đáng sợ biết bao!

Thực ra thì thành ngữ vẽ rắn thêm chân (họa xà thiêm túc) vốn không mang ý nghĩa vu khống, bịa đặt như ngày nay. Theo "Chiến Quốc Sách" của Lưu Hướng đời Hán soạn ra thì xuất xứ của thành ngữ đó như sau: Một viên quan nước Sở tế thần xong, hạ chén rượu tế xuống nói với những người cùng dự rằng, hễ ai vẽ được xong con rắn trong một hồi trống thì thưởng rượu cho. Có người vẽ xong, thấy không ai kịp mình, bèn khoe: "Tôi còn vẽ được cả chân nữa". Nhưng y vẽ chưa xong bốn cái... chân rắn thì người bên cạnh vẽ xong rắn, liền quát: "vẽ rắn có chân thì không phải là rắn!". Rồi giật chén rượu uống mất. Từ đó về sau "họa xà thiêm túc", được dùng để chỉ những việc thêm thắt vụng dại.

Trò chơi "Rồng rắn lên mây" - Ảnh: internet


Vậy là trong văn học, hình tượng rắn không phải bao giờ cũng độc ác, và xấu xa, có khi nó còn lành mạnh, đẹp và đáng thương nữa: "rồng rắn lên mây, có cây núc nác"... (đồng dao) len lét như rắn mùng năm (thành ngữ tiếng Việt). Hoặc khi ta nói: "Mất chủ tướng, nghĩa quân như rắn mất đầu" thì rõ ràng "rắn" ở đây là một lực lượng chính nghĩa.

Có lẽ nhờ được ghép với "rồng" mà "rắn" nhiều khi thay đổi bản chất chăng:

"Lấy chồng thì phải theo chồng
Chồng đi đường rắn đường rồng cũng theo
" (ca dao)

Trong quan niệm xưa, họ hàng nhà rắn rất đông, đến cả thằn lằn cũng còn được coi là một loài rắn, đó cũng là một thuận lợi cho lối thơ hạn chữ rất oái oăm đương thời. Chuyện kể rằng Lê Quý Đôn hồi nhỏ có lần phạm lỗi, bị bố phạt bằng cách bắt phải làm một bài thơ mà trong mỗi câu đều phải có tên một loài rắn trong đó (tất nhiên phải là loại thơ thất ngôn bát cú với đủ niêm luật khắt khe). Hình phạt quả là khắc nghiệt đối với một cậu bé, vậy mà cậu đã vượt qua được một cách dễ dàng:

"Chẳng phải liu điu vẫn giống nhà
Rắn đầu biếng học lẽ không tha
Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ
Nay thét mai gầm rát cổ cha
Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo
Lằn lưng cam chịu vệt năm ba
Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học
Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia
".

Đủ các loài rắn độc, rắn lành, rắn to, rắn nhỏ trong đó mà bài thơ vẫn rất dí dỏm, lại thể hiện được khí phách ngang tàng. Vậy mới biết câu châm ngôn Đa-ghét-Xtan: "Trong tay người hiểu biết thì nọc rắn cũng trở thành có ích, trong tay kẻ ngu dốt thì mật ong cũng trở thành tai vạ" thật là chí lý.

Năm rắn nói chuyện rắn để cảm nhận những giá trị văn chương rồi ngẫm sự đời, cũng là một điều bổ ích và thú vị như là... uống ly rượu rắn vậy.

V.T.A
(SH35/01&02-89)






 

Các bài mới
Đồng Hới (10/06/2015)
Các bài đã đăng
Ngày thứ sáu (13/05/2015)