Tạp chí Sông Hương - Số 35 (T.1&2-1989)
Trò chơi nói thơ của bé Hoàng Dạ Thi
15:18 | 01/06/2015

NGUYỄN TRỌNG TẠO

Lâu nay, đọc thơ của trẻ em, tôi thường có cảm giác, hình như các em làm thơ dưới ngọn roi giáo huấn mà người lớn thường giơ lên đe nẹt trẻ con. Cho nên khi cầm trong tay tập thơ Cái chuông vú của bé Hoàng Dạ Thi “làm” từ 3 đến 5 tuổi, tôi không khỏi ngạc nhiên.

Trò chơi nói thơ của bé Hoàng Dạ Thi
Minh họa: Đinh Cường

Người xưa từng viết:

Sông nửa nghìn năm cười bật tiếng
Núi ba vạn tuổi nói nên lời.

Quả là cười thành tiếng, nói nên lời thật khó thay!

Vậy mà bé Hoàng Dạ Thi chưa đến tuổi đi học, không những “nói nên lời” mà còn “xuất khẩu thành thơ” nữa, thật là một hiện tượng kì lạ.

Cái mặt trăng
Suốt ngày đi ngủ
Suốt đêm đi chơi
Nó đi nó ngã
Xuống dưới đất này
Sáng ra
Người ta nhặt nó về làm bánh.

Đấy là bài thơ đầu tiên của Hoàng Dạ Thi mà mẹ em ghi lại được trong đêm chở em ra ga lên tàu, cái đêm mà em nhìn thấy vầng trăng lúc về sáng bị “ngã” xuống mặt đường còn đọng nước mưa. Ấy là một đêm mùa hè năm 1980, khi bé Dạ Thi vừa mới lên ba. Hoàng Dạ Thi làm thơ mà không ý thức là mình làm thơ. “Mình thì nói để mình chơi, mà hễ nghe mình nói, ông Dạ lại kêu ông Tường: Eng Tường ơi eng Tường, lấy giấy bút ra đây mau lên, con Lim (tên gọi của Thi ở nhà) hắn lại nói thơ đây rồi”. Có lần bé Dạ Thi đã “tâm sự” như vậy. Hóa ra, đây chỉ là một “trò chơi” của em.

*

Từ xa xưa, trẻ em của chúng ta có khá nhiều trò chơi trong sáng hồn nhiên và vô cùng thú vị: đánh chuyền, đánh khăng, chồng nụ chồng hoa, bịt mắt bắt dê, chơi ô ăn quan v.v… Ngày nay, trong khi người ta dạy cả trò chơi giết người cho trẻ em, thì chính Hoàng Dạ Thi lại sáng tạo ra một trò chơi thật lí thú: NÓI THƠ. “Mình nói để mình chơi”, ngẫm cho cũng chính là trò chơi nói thơ ấy.

Trò chơi của em là trò chơi nói ra những ý nghĩ, những nhận xét về thế giới gần gũi chung quanh bằng ngôn ngữ của riêng em. Em chơi nói thơ với với bố mẹ, với chị Bê Líp, với bà ngoại, cô chú, với con mèo, quả bóng, vầng trăng, cây lá. Và có khi, em chơi nói thơ một mình. Nhưng trò chơi của em không chỉ dừng lại ở sự giải trí đơn thuần. Với ngôn ngữ ngây thơ hồn nhiên nhiều lúc độc đáo đến mức “xuất thần” của em, nó còn là một sự giải thoát của tâm hồn tiềm ẩn những bí mật sâu xa.

Cũng có thể gọi trò chơi của em là trò chơi của trí tưởng tượng hoang sơ, giống như con người thời tiền sử, chưa có sự hiểu biết khoa học, người ta ngậm nước phun ra trong những điệu nhảy múa đều cầu mưa; hoặc trèo lên mái nhà bắt chước gió thổi mạnh để xua đuổi mây đi. Hơn thế nữa, người ta còn tưởng tượng ra những câu chuyện thần thoại hoang đường để cắt nghĩa các hiện tượng thần bí trong vũ trụ. Trò chơi của em là trò chơi của con người tiền sử ham hiểu biết và khao khát khám phá những bí mật trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên và con người.

Sự gần gũi với con người tiền sử, chính là bản chất trẻ thơ của con người ngày nay. Trong trò chơi của Hoàng Dạ Thi, chúng ta gặp lại cái tâm hồn thơ trẻ sơ khai mà con người thời văn minh dường như lắm lúc đã lãng quên.

*

Mẹ! Đấy là tiếng gọi đầu tiên của tuổi thơ, tiếng gọi về cội nguồn thăm thẳm. Đói, gọi mẹ. Khát, gọi mẹ. Thích thú, sợ hãi, buồn vui… đều gọi mẹ. Nhưng khác với nhiều trẻ em làm thơ, mỗi lần gọi đến mẹ là Hoàng Dạ Thi nhớ ngay đến cái bầu vú huyền diệu, cái bầu vú cội nguồn:

Bà mẹ này có
Cái vú rất ngon

Đây là “Cái vú ngon ngọt - Không cần bỏ đường”. Và trí tưởng tượng của em mang lại những phát hiện thật độc đáo:

Cái vú nhiều màu
Ở trong giấc mơ
Cái vú chảy sữa ra
Ở trên trang sách
Trang sách đọc cái vú

Thật là kinh ngạc khi ta nghe từ đôi môi mọng đỏ còn thơm mùi sữa mẹ, phát ra những lời: “Cái vú cỏ non - Cái vú chân trời”. Nhưng rồi ta thấy hoàn toàn hợp lí khi nghe em nó về “Cái chuông vú” của mẹ có liên quan đến cái chuông “kreng” của người bán kem, thường ngày vẫn đi qua nỗi thèm thuồng của em:

Hai cái vú của mẹ là hai cái chuông
Con sờ vào
Nó kêu: Kreng, kreng, kreng…

Và cái trò chơi hồn nhiên đã thức dậy trong em thật ngộ:

Con mượn hai cái chuông vú
Con đi bán kem

Chưa hết. Trò chơi của bé Dạ Thi kết thúc thật thông minh và cũng thật bất ngờ:

Ai nghe tiếng chuông vú cũng đi đến mua
Kem vú ngọt lắm
Kreng, kreng, kreng…

Có lúc, Hoàng Dạ Thi hỏi rồi tự trả lời. “Ngày xưa con Lim ở đâu?” Câu hỏi bình thường như một câu hỏi của trẻ em về cội nguồn của bông hoa, cây trái. Và em cũng tự hỏi để “mình chơi” cho vui. Nhưng câu trả lời của em khiến ta hết sức ngạc nhiên. Trẻ em không thích trả lời là ngày xưa mình ở trong bụng mẹ. Có một linh cảm đặc biệt nào đó khiến câu trả lời của em chệch hẳn đi. Ngây thơ và hồn nhiên, nhưng đọc lên, ta bỗng bần thần ngẫm ngợi:

Ngày xưa con Lim ở đâu?
Để cho cái vú đi tìm

Phải chăng, cái vú cội nguồn mãi mãi đi tìm đứa con đã cai sữa?

Sự hướng về người mẹ, hướng bề cội nguồn của trẻ thơ như có một ma lực kì lạ, một tôn giáo bẩm sinh. Ngay cả trong trò chơi ngộ nghĩnh của em, vẫn thể hiện một tình cảm thương yêu trân trọng vô cùng đối với người mẹ - cội nguồn:

Mẹ là cái bánh mà không ăn được
Ta để ta cúng mãi hoài.

*

Thi nhân xưa từng khóc thương người vợ quá cố bằng những câu thơ rứt ruột: “Đập cổ kính ra tìm thấy bóng - Xếp tàn y lại để dành hơi”. Hoàng Dạ Thi thương nhớ ba khi ba em vắng nhà lâu, và em cũng đã khóc. Nhưng lí do để em khóc thật lạ lùng:

Con ôm cái áo
Con ngửi toàn mùi vải
Không có mùi thịt của ba
Nên con khóc.

Tôi không có ý định đem so sánh thơ Dạ Thi với thơ thi nhân xưa, mà chỉ muốn nói rằng, tâm hồn em ẩn chứa khá sâu sắc những cung bậc của tình cảm con người. Yêu thương, căm giận, vui buồn, sướng, khổ… hiện lên thật đa dạng trong những bài thơ hồn nhiên trong sáng của em. Thương bà ngoại răng đen “suốt ngay đi chợ”, sung sướng khi được ở với hai người cả mẹ và ba, vui vì thấy chú A Lềnh hút thuốc lào “Cái miệng chú đặt vào - Cái ống kêu kêu kêu”, buồn vì quả bóng bay bị tan vỡ, v.v… Tâm hồn em đa cảm và biết phân biệt thiện ác, tốt xấu rạch ròi:

Mây đen là mây độc ác
Mây trắng là mây hiền lành
Mây đen nhốt trăng lại
Mây trắng thả trăng ra…

Nhưng dễ nhận thấy ở em là bản tính tinh nghịch và giàu liên tưởng. Dưới mắt em, những sự vật quá quen thuộc bỗng trở thành mới lạ như lần đầu tiên ta được thấy. Ngọn thông “xanh như que cà - rem đang non”, bầu trời như cái áo “có nhiều hạt cúc sao”, ngọn núi “như cái mũ của dòng sông Hương”, cái mặt nhựa “biết khóc biết cười” và “biết cái mặt nhựa”, con gà con thỏ “thay Lim vẽ cỏ - Lim đi đến ngay”, tóc mẹ như những sợi khói bay lên, và “phiếu bé ngoan của gió - là những ngọn lá vàng”, v.v… Cái bản tính tinh nghịch và giàu liên tưởng của em khiến cho trò chơi nói thơ trở nên hấp dẫn và lôi cuốn, nó làm cho người nghe luôn ngạc nhiên và nở những nụ cười yêu mến, thán phục. Trò chơi thông minh và hóm hỉnh của em mở cửa bao điều bí mật mà chúng ta chưa hề biết tới:

Có một người đen nhẻm
Đứng suốt đêm bên bếp lò
Đó là cánh cửa bếp

Hoặc là:

Chị Líp đội cái đầu cho con mèo
Chị Líp có cái đầu mèo nhỏ xíu
Con mèo có cái đầu to nặng nề
Con mèo đi thương nhớ
Cái mặt con mèo nơi xa…

Và đây nữa:

Ai cũng có một con mắt người một con mắt vật
Còn của Lim thì có một con mắt rắn một con mắt của Lim

*

Đọc Hoàng Dạ Thi, thỉnh thoảng nỗi hoài nghi vẫn bảng lảng trong đầu tôi. Có vài ba bài thơ nghe như giọng của người lớn. Nỗi buồn của em sao đôi lúc giống như nỗi buồn của người từng trải?” Cái đời này không có gì ở trong đó cả” - Hoàng Dạ Thi đã có lần thốt lên như vậy.

Tôi gặp bố mẹ em, và được biết nhiều chuyện về em.

Hoàng Dạ Thi sinh ngày 6 tháng 8 năm 1977. Em mới lên ba, mẹ em đã phải gửi em cho bà nội ở Sài Gòn để theo học trường Viết văn ở Hà Nội. Em sống xa bố mẹ luôn. Mấy năm liền, khi sống với bà nội, khi theo ba ra Huế, khi lại ở Hà Nội cùng mẹ. Có lúc hai chị em đi nhặt lá, nhặt than cho bà nội nấu cơm, em bị ba đánh oan vì tưởng em nghịch bẩn. Có lúc em sống buồn rầu giữa cảnh ba mẹ giận nhau… Phải chăng, đây là nguồn gốc của sợ đau đớn, là “kinh nghiệm sống của những năm buồn bã” như người ta vẫn thường nói? Và vì vậy, trò chơi của em đôi lúc mang nặng nỗi buồn và sự khát khao giải thoát.

Mẹ và chị Líp đi chợ
Ông Tường đi cơ quan
Lim ở nhà một mình
Có con chuồn chuồn kim
Xuống chở Lim bay lên trời

Thơ em có những từ ngữ của người lớn. Đó là những từ em nghe lạ tai, nó ám ảnh em, rồi nó hồn nhiên nhập vào trò chơi nói thơ của em:

Có một người đau dây thần kinh
Quằn quại im lặng mà không biết
Đó là cây đàn ghita.

Tại sao cây đàn ghita lại đau dây thần kinh? Em tiết lộ, có một con gián bò trên dây đàn:

Con Lim buồn ngủ
Hắn làm bài thơ Ngáy
Hắn làm rất hay
Toàn những câu giống nhau.

 - Tại răng con lại nói: “Toàn những câu giống nhau?”  Mẹ em hỏi.

- Mẹ không thấy người ta ngáy à? Dạ Thi hỏi lại mẹ.

- Người ta ngáy răng?

Hoàng Dạ Thi nhại tiếng ngáy, trả lời mẹ:

- Người ta ta ngáy khừ, khừ, khừ, khừ…

Người lớn sẽ không hiểu được những ý nghĩa ngây thơ đa nghĩa của trẻ em, nếu không thực sự tìm hiểu, khám phá những bí mật ẩn chứa trong đầu óc non trẻ của chúng, đặc biệt là ở những trẻ em mẫn cảm, thông minh, ham hiểu biết và muốn khám phá thế giới xa lạ chung quanh. Hoàng Dạ Thi là một trường hợp, một hiện tượng khá đặc biệt, không dễ gì lí giải một cách rõ ràng được. Hai bài thơ sau đây của em (không chọn in trong tập CÁI CHUÔNG VÚ), phần nào giúp chúng ta hiểu thêm tâm hồn và khả năng hiếm có của em:

1. CÁI HÔN

Cái hôn của mẹ chỉ dành cho con
Cái hôn của mẹ nhà nước đã quản lí
Cái hôn của mẹ chỉ dành cho ông Tường
Một ngày
Mẹ nói với ông Tường:
Để em đi bán cái hôn cũ
Em mua cho anh cái hôn mới
Nhưng ông Tường lại nói:
Không, không đừng bán
Mình không thích cái hôn mới
Mình chỉ thích cái hôn cũ thôi.
 

2. CÁI BÓNG

Ông Tường mượn bóng của ông Dạ để đi chơi
Ông đi ra ngoài đường
Ai gặp ông cũng nói
Ê, ê, ông Tường mượn bóng của ông Dạ
Ông Tường xấu hổ đi về nhà
Trả bóng cho ông Dạ
Ông không có bóng
Mà chỉ có bóng của cái nốt ruồi ông thôi.

Có người bảo, Hoàng Dạ Thi nói thơ như có “ma nhập” là vậy.

*

Thơ của Hoàng Dạ Thi đã được tặng Giải thưởng đặc biệt của Nhà văn hóa thiếu nhi thành phố Huế, đã được giới thiệu trên nhiều tờ báo, tạp chí trong nước và nước ngoài trước khi in thành tập. Trung tâm thiếu nhi quốc tế NGỌN CỜ HÒA BÌNH (Drapeau de la Paix) Bungari hàng năm vẫn đều đặn gửi quà biếu cho em với tư cách là một cộng tác viên thơ. Nhưng từ khi lên sáu tuổi, từ khi cắp sách tới trường, Hoàng Dạ Thi cũng từ biệt trò chơi NÓI THƠ của mình. Em học giỏi môn văn. Hai năm liền là học sinh giỏi văn của thành phố. Em viết truyện cổ tích và say vẽ tranh. Truyện được đăng báo. Tranh được giải thưởng tranh thiếu nhi Huế…

Tôi hỏi vì sao mấy năm nay em không làm thơ nữa, Hoàng Dạ Thi hồn nhiên trả lời:

 - Làm thơ mà cứ phỏng vấn, phỏng vấn… Làm thơ chi cho khổ!

Không thể đoán trước là rồi đây em có tiếp tục làm thơ nữa hay không. Sự phát triển năng khiếu ở mỗi người thường có những bước ngoặt khó lường. Với Hoàng Dạ Thi, sự thực là sau khi đã nói được hơn 100 bài thơ (do mẹ em ghi lại), dường như em cũng không còn chú ý mấy đến nó nữa…

Nhưng, những bài thơ tuổi nhi đồng của em để lại thật đáng quý. Tập thơ của em mang tới cho người đọc chưa hết bất ngờ này đã tới ngạc nhiên khác. Nó giống cái khối vuông rubích trên tay, mà mỗi người với khả năng của mình, sẽ có thể tìm thấy bao niềm hứng thú khác nhau.

N.T.T
Huế, 8 - 6 - 1987
(SH35/01&02-89)







 

Các bài mới
Đồng Hới (10/06/2015)
Các bài đã đăng
Ngày thứ sáu (13/05/2015)