Tạp chí Sông Hương - Số 316 (T.06-15)
Dải vải chàm bịt mắt
08:25 | 16/06/2015

TỐNG NGỌC HÂN

Đường vào Sài Cang là một con dốc không có tên vì xem ra chưa có cái tên nào xứng với nó. Vừa cao, vừa dài, vừa hẹp, lại vừa quanh co gấp khúc.

Dải vải chàm bịt mắt
Minh họa: Đặng Mậu Tựu

Một bên núi cao, một bên vực sâu. Khúc trơn trượt, lầy lội, khúc phơi đá gan trâu trơ lì, khúc loi choi đá sắc. Con chim lên Sài Cang phải bay chuyền. Con ngựa lên Sài Cang phải nghỉ mấy chặng. Chân dốc là một con suối lớn, lổng chổng đá mùa khô cạn và ngàu đục gầm gào mùa mưa lũ. Đỉnh dốc là trời xanh, là mây mù, là túi gió, là chảo nắng.

Ở Sài Cang này, ông Din được xem là người nói tiếng phổ thông giỏi nhất, khôn khéo nhất rồi. Cán bộ xã thì ăn nói phải thế chứ. Trước khi làm phó trưởng công an xã, ông Din từng trải qua mấy năm làm cán bộ thôn bản.

Trường học ở Sài Cang mở ra sáu năm rồi, tuy có nhiều thầy cô vỡ mộng cõng chữ, bỏ trường, bỏ trò nhưng vẫn có bốn thầy cô kiên cường trụ lại được. Trong số ấy có cô giáo Hoàn, người mỏng manh gày guộc như cái lá lúa lại hóa dẻo dai. Cô Hoàn chủ nhiệm và đứng dạy luôn ba lớp, sáu, bảy, tám. Ba lớp dồn một cũng được hơn chục đứa. Đứa con gái lớn của ông Din năm trước bỏ dở lớp sáu của cô về lấy chồng. Cả năm liền, ông lánh mặt cô giáo. Gặp thì ngượng lắm. Hôm nay, ông vừa tụt trên rừng xuống thì gặp cô, trốn vào đâu được. Cô theo về tận nhà, nói chuyện cho có đầu có cuối. Vẫn cái chuyện tảo hôn của con Mắn và bọn trò gái ở Sài Cang. Bố mẹ Mắn đi nương. Con Mắn nhác thấy bóng cô thì lủi mất. Đứa con dâu nhà ông cũng cõng con lủi mất. Chúng còn dắt theo mấy đứa trẻ hàng xóm đủ tuổi học chữ mà không chịu đi học lủi theo vì sợ cô thấy, cô ghi tên vào sổ chiêu sinh. Thế là mình ông ngồi tiếp cô giáo trong tâm trạng vừa hoang mang, vừa phấn khích. Hoang mang vì chẳng biết cái sự nghiệp “trồng người” của cô liệu có xanh cành tốt lá? Phấn khích vì ông là người am hiểu cái lệ lấy chồng lấy vợ sớm, lên ông lên bà sớm của dân tộc ông hơn ai hết. Cái lệ này người người, nhà nhà biết và làm theo. Còn cái luật của Nhà nước thì mới mẻ, lạ tai, chẳng ai muốn biết luật cụ thể là thế nào, có ích lợi gì không.

Thấy đứa cháu gái trước rất ngoan, giờ cải bác lem lẻm, ông Din tức lộn ruột. Tao là bác ruột mày mà lại là cán bộ, nói mày không nghe thì còn nói ai. Pháp luật đâu phải chuyện đùa. Pháp luật có cái lí đúng của pháp luật chứ. Không có học thì không đi đâu ra khỏi cái dốc không tên kia, rồi loanh quanh lại lấy chồng lấy vợ. Chồng chồng vợ vợ, thông gia thông vào chồng chéo, quẩn quanh có trăm nóc nhà, rối tinh rối mù. Mà thằng Vương cũng không hợp với mày. Nó mười bảy thì vẫn là tảo hôn. Chưa kể nhà nó có của, vênh váo lắm, coi người như cỏ. Mẹ dì nó ác có tiếng ở vùng này, mày chưa biết à? Chán học rồi à? Lớp học như thang ruộng quen à? Mày lí sự giỏi nhỉ? Mày làm như tao chưa qua cái tuổi mày, chưa biết cái tình yêu tanh mùi mũi dãi ấy thế nào sao? Thơ văn trong sách hay thế, đọc trăm lần chả thuộc một câu. Thằng Vương xúi một câu “Anh thương em đến chết, kệ người lớn thôi”. Thế là mày nghe luôn phải không? Được, mới học có bấy nhiêu chữ mà cãi người lớn không sót câu nào. Mày mà học thêm nữa, không chừng còn viết đơn kiện bác mày tội phá hoại hạnh phúc cũng nên. Được thôi, mày thích lấy chồng, bố mẹ mày thích lấy bạc chứ gì? Cho chúng mày lấy.

Vừa trông thấy người yêu, Vương đã lao lại, vồ lấy đôi bàn tay còn rây mực học trò của Mắn mà bồi hồi. Giọng Vương như tiếng suối gần, ào ạt, ào ạt, vội vã. Toàn những lời yêu thương, nhớ nhung. Nước mắt Mắn ứa ra. Tình thương yêu, nếu được xem như ngô lúa, vải vóc, của cải, thì Mắn có bao nhiêu của cải quý giá cũng sẽ cho anh Vương hết thôi. Người Dao vùng này không làm giỗ cho người đàn bà, nhất là đàn bà đoản mệnh. Nhưng Vương nghe bà ngoại kể, mẹ anh chết vào đúng cái ngày anh sinh ra. Ông bà nội và bố đã tính đưa anh lên rừng treo lên trạc cây cho chết vì không nuôi được khi mới lọt lòng. Cũng lúc ấy nhà bà nội anh có một cô đã đi lấy chồng bị nhà chồng giữ lấy con, đuổi về vì nghi ngờ cô bị ma rừng nhập vào. Ôm bầu sữa căng đầy và nhức nhối khi bị xa đứa con chưa đầy năm, cô đã xin được giữ anh Vương lại. Anh Vương lớn lên bằng bầu sữa của cô. Mẹ chết được một tháng thì bố anh lấy vợ mới. Anh lên hai, thì cô anh mất tích trong một lần lên chợ phiên. Nghe người bản đồn, cô bị lừa bán sang bên kia biên giới. Cuộc sống buồn bã, tủi nhục dưới sự o ép của bà mẹ dì trôi đi mười mấy năm cho đến ngày Vương đến nhờ Mắn đọc cho một bức thư lạ. Thư của cô anh, cũng là mẹ anh. Có mỗi dòng vẻn vẹn. “Thư này mẹ nhờ người viết cho, mẹ nhớ các con và Sài Cang nhiều lắm”. Thế mà anh không biết cái chữ nói gì, phải nhờ Mắn. Mắn đọc rồi thấy thương những giọt nước mắt của anh, thấy nhớ nhung đôi bàn tay sớm chai sạn của anh…

Không dự đám cưới của cháu gái mà ông Din say mèm. Say cứng cả miệng vào không nói ra lời. Vợ ông phải đốt lá thảo quả xông vào mũi, lấy đá nung nóng chườm vào gan bàn chân. Cái người, cứ rượu vào là lạnh toát hết cả. Giận quá đây mà. Cứ một mùa xuân, Sài Cang lại có đến năm, sáu đám tảo hôn. Xã gọi lên, phạt trăm nghìn cho đúng quy định rồi lại cho về. Nhiều người bảo, chẳng thà cho nó lấy chồng sớm, còn hơn là lêu lổng rồi bị người ta lừa bán đi, mất mấy chục đồng bạc như chơi. Có nhà, con gái mới mười sáu, mười bảy, chưa có người đến hỏi đã sốt sắng kéo nhau tự bỏ bản mà đi, nghe nói làm vợ khắp đàn ông thiên hạ lấy tiền nuôi mồm. Mất con gái là mất bạc, bố mẹ đứng ngồi đều nhục, chỉ mong con sống đâu chết đâu cũng được, đừng có vác mặt về bản mà xấu mặt với họ hàng. Gả được chồng cho con sớm sủa hơn người là việc mừng. Mười ba mà có ai hỏi cũng gả tạm được rồi. Còn sau đấy, chúng mày muốn mưa, muốn nắng thế nào cũng mặc. Như con Phấy nhà bên cạnh kia, cũng mười lăm tuổi lấy chồng. Đêm, con thơ khóc, thằng chồng đang tuổi ăn tuổi ngủ bực mình, đạp cho mấy phát. Hai mẹ con lăn xuống đất. Đạp một lần quen ngay. Bây giờ, ngay cả ban ngày, hễ con khóc là mẹ ăn đòn. Ai bảo không biết dỗ con? Có dạo, nó làm thế nào mà con Phấy ngã, sảy cái thai ba tháng. Giờ thì không phải lo kế hoạch gì nữa. Cứ chửa là sảy, người xanh như dải rêu suối. Đấy. Gương đấy không soi, đi soi chậu nước rác. Mà nó soi gương ông chứ gương ai? Ông hai đứa đã lấy chồng lấy vợ, tảo hôn cả hai.

Rừng Sài Cang, cuối xuân, cây cỏ xanh rờn rợn. Cái sắc xanh như người đàn bà đương sức, cứ ưỡn cái ngực hừng hực, phây phây vào lưng núi mà mài mà miết. Núi cũng phải rợn rạo đổ mồ hôi. Khác hẳn với xuân sắc của đất trời, khuôn mặt của Mắn như chiếc lá úa. Mắt thì rười rượi buồn, môi thì nhợt nhạt, luôn mím chặt. Cả ngày quần quật làm việc liền tay vẫn bị mẹ chồng chửi, Mắn không cất lời. Hôm đi trạm xá khám, y tá bảo cái thai đã năm tháng, không được khỏe, cô phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, làm ít thôi. Trạm xá cách trường học một cái dốc cao như sợi khói bò lên trời. Ở Sài Cang, nhìn đâu cũng chỉ thấy dốc là dốc. Trường học ở cao, muốn có chữ phải leo dốc. Trạm xá ở cao, muốn biết bệnh và chữa bệnh cũng phải trèo dốc. Ủy ban xã càng cao, muốn xin xỏ, đề nghị gì cũng phải bò dốc. Nghe tiếng trống trường, lòng Mắn nao nao, rạo rực. Tự nhiên thấy nhớ thế không biết. Bước chân như con thú quen lối, Mắn nôn nóng vượt dốc… Nhưng, Mắn sợ gặp cô Hoàn lắm. Nhớ cô mà lại sợ gặp cô. Kia rồi, khoảng nắng chói lọi giữa sân trường, nơi có những cái ô nhỏ vẽ bằng phấn cho bọn con gái nhảy, nơi có những cái hố tròn nhẵn do con quay của bọn con trai xoáy xuống. Và kia, cô giáo Hoàn đang quay xuống lớp giảng bài. Mắn chỉ đứng nghe một tý cho đỡ nhớ thôi. Mắn dựa lưng vào cây mận già trước cửa phòng họp mà thở. Mắn như thở bằng bụng. Cái bụng cứ phập phồng như quả bóng bị dìm trong chum nước.

Người trong bản đồn ác, con trai mấy tháng tuổi của Mắn đã bị ma nhập. Từ lúc ra khỏi bụng mẹ đến giờ nó cứ khóc thét lên như bị ai bấm véo. Da dẻ nhăn nheo như da ông già, đã thế, lúc đỏ tấy lên, lúc lại bợt bạt. Bệnh gì mà mắt nó vàng như mắt khỉ. Bế vào buồng tối thì im mà bế ra mặt trời thì nó nhăn mặt khóc. Chỉ có ma mới thích bóng tối. Muốn đi khám bác sĩ mà mẹ chồng Mắn không cho đi. Bà tự lên rừng lấy thuốc cho. Thuốc của bà vừa đắng, vừa nhớt. Mắn uống, thằng bé bú vào càng khóc to, khóc đến sưng mắt, tím tái mặt mày. Rồi bà đón thầy về cúng. Cúng mấy lần rồi không khỏi, thằng bé càng khóc to. Triệu Tá Sìn mấy lần giằng lấy thằng bé định quật vào gốc cây. Ông gầm lên “đẻ đứa khác thôi, không thể nào chịu đựng được nữa”. Mắn ôm con ru rú trong buồng tối. Nhưng con đã mấy tháng, ôm ấp nhau, lấy gì ăn. Theo mẹ ra nương, thằng bé cứ ngửa mặt lên trời, khóc ngằn ngặt. Mắn bàn với chồng mang con lên bệnh viện khám bác sĩ. Sau cả một ngày khám xét kĩ lưỡng, bác sĩ bảo thằng bé mắc chứng bạch tạng bẩm sinh. Bệnh này khiến cho da thằng bé bị tấy đỏ lên như dị ứng, thị lực suy giảm, rất sợ ánh sáng mặt trời. Bệnh này theo người ta cả đời chứ không chữa được. Trời ơi, lại có thứ bệnh quái quỷ này nữa sao? Bệnh viện mà không chữa được thì chỉ là bệnh ma thôi.

Lúc đi nương, Mắn dùng dải vải xé ra từ vạt áo chàm cũ bịt lên mắt thằng bé. Dần thành quen, ở nhà Mắn cũng bịt vải lên mắt con khiến thằng bé không mù cũng như mù. Một hôm, đứa bạn gái học cùng lớp ngày trước của Mắn đến báo tin. Trong trận mưa lớn vừa rồi cô Hoàn và một cô giáo nữa vượt suối Hung trở về trường đã bất ngờ bị lũ quét ập đến cuốn đi. Vừa sáng nay mới vớt được xác một người. Vẫn chưa thấy cô Hoàn. Mắn choáng váng, hối hận vì chưa xin lỗi cô một câu. Tại sao lại là cô? Cô giáo đã ở Sài Cang lâu nhất, đã thuộc bụng dạ con suối này nhất? Mắn bỗng thấy mình là đứa con gái năm tuổi của cô Hoàn. Đứa con vừa mất cha trong một vụ tai nạn xây dựng, giờ lại mất mẹ. Mắn khóc ngất đi…

Thấy cả hai mẹ con Mắn xanh xao vàng vọt, ốm yếu, người nóng như than, lại liên tục mê sảng, Vương đành chạy về cầu cứu bố mẹ vợ. Bố mẹ vợ cũng chẳng phải là thánh thần. Thôi thì lễ lạt của người ta, mình đã nhận, bây giờ nhà nó dửng dưng, la- nh nhạt, nhà mình phải có trách nhiệm với con cháu chứ. Lần này e phải mời thầy cúng tận ngoài xứ Mường Tiên về thôi. Nghe nói thầy Lý Phúc Tinh tài ba nhất vùng. Bùa phép của thầy chỉ thua có Bàn Tổ thôi. Để mời được Lý Phúc Tinh về cúng cho, phải ba chục đồng bạc, mấy dê, mấy lợn và nhiều rượu. Bố mẹ vợ Vương nghĩ đến bạc cả tóc, mờ cả mắt. Số bạc ấy, dê lợn ấy, vừa bằng cái khoản lễ lạt hồi thằng Vương đem sang hỏi con Mắn rồi.

Thầy Lý Phúc Tinh hăng hái cúng suốt một ngày một đêm. Lễ lạt, thịt rượu, tiền vàng, hình nhân bày biện tràn lan. Tiếng hô trừ ma, đuổi tà rầm rầm cả một vùng. Bà con trong bản kéo đến nhà Triệu Tá Sìn xem đông cứng. Lâu lắm rồi, kể từ ngày xã có cái trạm xá đến giờ mới có đám cúng to thế. Thằng con bảy tháng của Mắn bị lột trần để nằm trên chiếu, trước mặt thầy. Thầy dùng nước lã tưới lên người nó. Thầy nhìn mặt nó đăm đăm rồi phán. “Theo như người của ta báo về. Thằng bé này không phải là máu mủ nhà họ Triệu nên không được tổ tiên họ Triệu chấp nhận, gây khó dễ, sinh ra ốm đau, để lâu có thể mất mạng”. Người nhà chồng Mắn đổ xô mọi ánh mắt vào Mắn. Bố mẹ Mắn ngã ngửa trên chiếu. Bất chấp mọi quy định. Vương quỳ xuống chân thầy cúng cất tiếng bênh vực vợ. Thầy Lý Phúc Tinh cầm ba nén hương cháy dở soi lên mặt Vương rồi lại soi qua mặt ông Sìn. Thầy phán. “Đúng là thằng bé thuộc máu mủ của con. Nhưng chính con không phải là con ruột của Triệu Tá Sìn đây…”.

Đám cúng chợt im bặt. Thằng bé đuội đi. Bị dội nước lạnh vào người mấy lần, nó lên cơn sốt. Mắn đưa mắt nhìn quanh. Thầy cúng có vẻ đã mệt, cúng lẩm rẩm thôi. Bố mẹ cô đã dời đám cúng từ lúc nào. Vương đã bỏ chạy đi đâu trong nỗi tận cùng cho- áng váng. Mẹ chồng Mắn choi choi trên chiếu, mắt đang nhìn xoáy vào bố chồng cô. Tiếng bà như tiếng gió rít qua rừng nứa. “Ông quăng thóc đãi béo gà rừng rồi. Lại còn bỏ tiền của ra cấp sắc, cưới vợ cho nó, rồi cúng bái, thuốc thang ngày đêm. Cút hết đi cái lũ gà rừng. Chúng mày chết được cho chết hết cả đi”.

Triệu Tá Sìn vằn mắt lên như con thú bị khiêu khích. Thằng Vương không phải con ông thì là con thằng nào? Hồi mới sinh nó, mẹ nó chết, ông nghe họ hàng sui xiểm này nọ, xuýt nữa nó đã không được làm người. Giờ nó đã có vợ có con thế này. Mà ngoài nó ra, ông cũng có đứa nào là con trai đâu. Quay sang mẹ chồng Mắn, ông gầm lên. “Mày im ngay, không khiến mày nói. Sao mày không đẻ lấy một đứa như thằng Vương đi. Gà rừng hay không, tao nuôi nó từ trong trứng thì nó cũng là con tao. Mày hành hạ nó từng ấy năm chưa bõ hay sao?”.

Mắn ôm con lết vào buồng, chốt chặt cửa và thiếp đi trong mệt mỏi rã rời. Trong mộng mị, Mắn thấy cô giáo Hoàn cầm tay kéo Mắn vào một căn phòng lớn, sáng trưng. Đó không phải là lớp học mà là một phòng bệnh, ở đó có rất nhiều nữ bác sĩ trẻ, mặc đồ trắng tinh, sạch sẽ…

Mắn tỉnh dậy trong buồng tối. Đám cúng đã tan rồi. Thầy cúng đã mang xôi thịt và rút về. Mọi người trong nhà mỗi người một chỗ. Không thấy Vương đâu. Sờ tay sang trán con, thằng bé nóng hầm hập. Đặt tay lên bụng con, bụng nó tròn căng. Nó thở phì phò. Mắn vùng dậy, cô sửa soạn quần áo và địu con lên lưng. Trời lơ mơ sáng. Mắn lặng lẽ cõng con đi.

Mắn cõng con đi theo sự mách bảo của cô Hoàn trong giấc mơ đêm qua. Đến phố huyện thì trời đã tối mò. Phố xá nối với bệnh viện bằng con dốc cao tựa thang bắc lên trời. Đã đến cửa nhà trời, con trai Mắn sắp lả đi mà bác sĩ trực lại bảo sáng hôm sau mới khám. Mắn cứ cõng con, đứng ì ra đấy và mở dải vải chàm bịt mắt ra. Thằng bé choáng bóng điện, khóc nấc lên mấy tiếng yếu ớt. Bác sĩ động lòng, đưa thằng bé vào phòng khám. Sau đó họ chuyển nó đến phòng cấp cứu. Thằng bé phải thở bình ô xy. Các bác sĩ sau khi bàn bạc thì nói thằng bé bị viêm gan B mãn tính đã chuyển sang xơ gan, bệnh đã nặng lại kèm theo viêm phổi do nhiễm lạnh. Gan nó sưng to choán hết khoang bụng, đè vào tim, phổi gây ra khó thở. Sau khi tiêm kháng sinh, bác sĩ chọc một lỗ vào bụng thằng bé để dẫn ra ngoài một thứ nước dịch vàng vàng, hồng hồng như máu loãng. Dăm hôm sau, những lúc tự thở được và bú được, thằng bé được Mắn địu lên lưng. Hai mẹ con tha thẩn quanh quẩn dọc hành lang bệnh viện. Người nhà không có ai bên cạnh, tiền không còn nghìn nào. Tay Mắn cầm cái chai nhựa nối với sợi dây dẫn lòng thòng chui ra từ bụng con. Mắn dè dặt hỏi cô bác sĩ trẻ đang xem ti vi trong một cái phòng nhỏ. “Bác sĩ ơi, bệnh của con cháu bao giờ khỏi ạ?”. Bác sĩ trả lời ngay, giọng quan tâm. “May ra thì khỏi. Nhưng mất nhiều tiền lắm. Mắn không thể đứng ỳ ra được nữa. Mắn run rẩy lấy dải vải chàm cũ ra, làm một việc quen thuộc, bịt mắt thằng bé lại. Tay cô nắm chặt cái chai nhựa, như để bấu víu vào đó mà vững lòng cõng con ra khỏi cổng bệnh viện. Từ bệnh viện xuống phố, con dốc giờ giống như một cái hố sâu hút. Mắn cắn răng, chân bấm chặt xuống đất mà bước. Đồng hành với cô là một bình minh không có ánh mặt trời. Hơi thở gấp gáp, nóng hổi của đứa con nhỏ dội vào lưng Mắn, ngấm qua da thịt, lọt vào tim gan, như một lời oán trách.

Con đường về Sài Cang càng đi càng dài. Mắn có cảm giác lưng mình đang lạnh đi, mắt cô như hoa lên. Mắn lâng lâng bước theo một cái bóng áo trắng phía trước mặt mà cô có cảm giác người đó là cô giáo Hoàn, nhưng vì đói, khát, mệt mỏi và còn vì xấu hổ mà cô không thể cất tiếng gọi. Mẹ con Mắn đi mãi, đi rất lâu, như thể đã về gần Sài Cang lắm rồi. Cuối cùng cô Hoàn dừng lại bên bờ suối, cô quay lại nhìn Mắn như muốn cho Mắn tự quyết định chọn lấy một con đường. Gương mặt cô nhòa nhạt rồi chợt biến mất như thể vừa chìm xuống lòng suối lũ. Mắn toan bước xuống theo thì có một bàn tay âm ấm nắm lấy tay Mắn dắt đi theo hướng khác. Một lối đi rất nhỏ bên ven suối dẫn vào ngôi nhà lợp mái cỏ đơn sơ. Mắn ngồi xuống chiếc ghế nhỏ. Thằng bé được gỡ ra khỏi địu đặt xuống giường. Một ông già tóc trắng như cước, gương mặt quen quen cứ thoăn thoắt ẩn hiện. Mắn chỉ biết có thế, đến thế thôi.

Mắn tỉnh giấc. Cụ Hin ân cần cúi xuống, đặt vào tay Mắn một bắp ngô nếp nóng hổi. Bên cạnh cô, thằng bé đang ngọ ngoạy. Chắc nó đói. Mắn để bắp ngô xuống giường, nghiêng người, vén áo. Nếu không có tiếng thằng bé khát sữa mút vú mẹ choàm choạp và cảm giác ngực mình đang tê đi thì Mắn nghĩ mình đang nằm mơ. Cụ Hin rỉ rả. “Cháu bé uống thuốc rồi. Còn nước còn tát. Con cũng ăn mau đi để uống thuốc. Bệnh của cháu bé là do lây từ con. Bệnh viêm gan của con đã rất nặng. Rừng Sài Cang này có nhiều cây thuốc quý có thể chữa khỏi những căn bệnh nguy hiểm. May mà ta kịp thời phát hiện ra con. Nếu không, nước suối dữ thế kia làm sao mà qua được”. Nước mắt mặn mòi quyện vào vị ngọt của ngô nếp đầu mùa làm cho Mắn tỉnh táo hẳn. Thế là cụ Hin đã chọn cho mẹ con cô một con đường sống trong lúc cô hoàn toàn tuyệt vọng. Thế ra, ông tiên nhân hậu trong những truyện cổ tích mà cô Hoàn kể, chính là cụ Hin đây. Cụ Hin là người Kinh duy nhất sống ở bờ suối Hum. Đất này vẫn thuộc Sài Cang thì phải. Mắn nghe nói cụ sống bằng nghề thuốc nam và nhân giống thảo dược quý của vùng núi này. Người Dao tin thầy cúng nhiều chứ có ai tin cụ Hin đâu, vì cụ sống lập dị lắm. Cụ ở một mình, làm ăn một mình, vui buồn một mình. Lúc rảnh rỗi, cụ bày bàn cờ ra và chơi một mình.

Vợ thầy Lý Phúc Tinh hỏi chồng. “Sao ông biết thằng Vương không phải con nhà họ Triệu?”. Thầy gắt. “ Sao trăng gì, cái mặt bố con cậu Vương có giống ông Sìn đâu mà”.

Vương chạy lên đỉnh dốc. Loài hoa gì đó bung những cánh hoa xanh và thơm đến ngạt thở. Vương chạy xuống chân dốc. Suối Hung gầm gào giận dữ. Nước đỏ như máu từ những vết lở lói trên núi vẫn đang cuồn cuộn đổ xuống. Đã bao nhiêu lượt lên xuống con dốc không tên này rồi mà không thấy vợ con đâu. Trời vẫn mây đen vần vũ. Đám người đi tìm vớt xác cô giáo Hoàn còn chầu chực dọc bờ suối chưa về. Không tìm thấy cô Hoàn thì đừng hòng dụ được trẻ con đến lớp học nữa. Từ ngày rừng bị phá làm thủy điện, con nước ác hẳn. Lúc nước không về, cây cối, hoa màu khô khát. Khi nó về, nó hung hãn thế đấy. Nó muốn giết hết, nhấn chìm hết, quét sạch hết. Không tìm thấy vợ con thì Vương cũng chỉ còn nước lao đầu xuống suối mà chết…

Xâm xẩm tối hôm ấy, nước suối rút hết, rút kiệt như người ta nghiêng thùng mà gạn nước đi. Ở một khúc suối, cách Sài Cang cả chục cây số, người ta tìm thấy xác một người đàn bà đã trương phình, mắc trong một khe đá. Trên vai người này vẫn đeo một cái ba lô. Cái ba lô đựng đầy sách vở. Sách vở cũng trương nước. Những con chữ bị đuối nước, nhợt nhạt, nhòe nhoẹt, chẳng ai đọc được. Dù chẳng đọc được, người ta vẫn đinh ninh đó là chữ của cô giáo Hoàn.

Khó khăn lắm ông Din mới dám đối diện với vợ chồng người em trai. Ông buồn bã kể về câu chuyện của mười tám năm trước, về mối tình bị cự tuyệt vì nghèo. Về người con gái mình yêu bị gả cho người khác, về giọt máu của mình thành con người khác. Về nỗi ân hận giày vò ông suốt bao năm. Bây giờ anh lại lấy em. Như thế là phạm pháp, là có tội với tổ tiên. Chính ông làm nên tội chỉ vì chút sĩ diện cán bộ, nói ra thì sợ xấu hổ, sợ con mình bị đày đọa. Người em trai nghe đến đó thì nổi đóa. “Dào ôi, bác nhiều chữ nên rắc rối quá. Chúng nó tự nguyện lấy nhau chứ có ép uổng gì đâu. Bản ta, bản trên, bản dưới, cũng đầy dẫy chuyện ấy. Cháu lấy cô còn được nữa là anh với em”. Em dâu phụ họa theo. “Phải đấy, thằng Vương với con Mắn cùng máu thì càng thương nhau chứ sao. Anh em trai làm thông gia với nhau thì tốt quá rồi còn gì. Đợi mẹ con cái Mắn khỏi bệnh đã, rồi hai nhà chung lợn, chung rượu vào, ăn mừng thôi”. “Nhưng cái bệnh của con trai chúng nó là do…” Ông Din cứng mồm lại, không thể nói rõ hơn được. Ông bước lui, lưng tìm cái cột nhà mà dựa. Cây cột như không chạm xuống đất, cứ đung đưa chao đảo. Trước mắt ông, một bầy bướm lượn ong vờn điên đảo. Hình như tất cả mọi người, ai cũng có một dải vải chàm bịt ngang mắt như thằng con của Mắn. Hình như có cả một đám trẻ con lau nhau đang ngơ ngác xếp hàng chờ tổ chức từ thiện phát quà. Một người trong tổ từ thiện nói. “Chết thật, tỉ lệ bạch ta- ng bẩm sinh của trẻ em Sài Cang ở mức báo động rồi. Lúc đầu mình cứ tưởng chúng là trẻ lai. Nạn hôn nhân cận huyết vô cùng nguy hiểm cho giống nòi…”.

Ông Din nghe nói đến giống nòi thì thấy người nhoi nhói như bị ong đốt. Nọc độc chạy khắp người, người nóng rực lên, mồ hôi vã ra. Ông lột phăng cái áo chàm đang mặc, xé ra làm nhiều dải nhỏ, phát cho mỗi đứa trẻ một mảnh. Hình như lũ trẻ cứ đông dần lên thì phải. Ông mải miết xé đến lúc trên người không còn mảnh vải nào cả. Người ông trần trụi chẳng khác gì thằng con của Mắn trong đám cúng. Hình như sau khi bịt mắt, bọn trẻ tinh tường hơn thì phải. Chúng nhao lên tranh giành nhau quà của nhà từ thiện. Tiếng chí chóe, la khóc vang dậy cả một vùng. Chợt nhớ, trên tay mình còn một dải vải chàm. Ông cũng bịt mắt vào và nghĩ, may ra đầu óc mình tỉnh táo hơn chăng?

T.N.H
(SH316/06-15)

 





 

Các bài mới
Các bài đã đăng