Tạp chí Sông Hương - Số 316 (T.06-15)
Nơi hoang vu có bóng dáng con người
09:57 | 30/06/2015

NHỤY NGUYÊN

1.
Một ngày, khoảng cuối chiều sấm động, mưa, giông tố. Rồi tắt. Sáng hôm sau mặt trời vẫn dậy sớm, chói lòa. Chân trời đẫm sương. Tất thảy sinh vật ở ao phơi mình dưới thứ ánh nắng lung linh tuyệt diệu chỉ tồn tại trong chưa đầy tiếng đồng hồ.

Nơi hoang vu có bóng dáng con người
Minh họa: Nhím

Sau đó thì theo như giáo sư cóc, tia hồng ngoại sẽ chuyển sang tử ngoại dễ gây ung thư da và tác hại xấu đến cơ thể. Chính vậy mới mở mắt ả chàng hương nhảy lên một lá sen nằm dài tắm nắng. Trong lúc mệ cóc thì không hề nghe theo lời khuyên của chồng là giáo sư về môi trường & sức khỏe, cứ ngủ trong hang đến trưa trật.

Giáo sư cóc cũng ít ra ngoài. Thời đại anh-tơ-nét, ông thức dậy từ tinh sương ngồi trước máy vi tính kết nối với mọi xó xỉnh toàn cầu tiếp tục nghiên cứu công trình khoa học về tâm linh. Và thường thì khoảng gần trưa mới thấy ông ló mặt khỏi hang vươn vai, nhoáng cái lại biến vào trong, tiếp tục gõ chữ lên bàn phím bằng hai ngón trỏ.

Chính lúc giáo sư cóc ló mặt khỏi hang, rồi biến vào hang, nghĩa là chỉ cần thấy mặt ông, ở một quán cóc bắt đầu rôm chuyện.

Chàng hương: “Cái lão cóc có mụ vợ sắp đầu thai làm kiếp heo rồi, cứ ngủ toét mắt ra”.

Nhái: “Nghe nói lão ngâm cứu cái gì mà gần chục năm chưa hoàn thành, mới tài”.

Gã ếch với cái bụng to đùng, đại gia cư dân ao: “Giáo sư quái gì, bắt lão ra bửa củi xem trụ được mấy phút”.

Cả ba hích nhau cười.

Nhái: “Tao ngày xưa cũng ngồi nghiền triết học đến xanh đít đây nè. Lão ngó to xác vậy chứ đáng học trò thôi. Gớm, cứ như thời gian của lão là vàng bạc châu báu ấy”.

Chàng hương: “Thì tui trước cũng là thày giáo thể dục nhảy xa chứ thua bè kém cánh ai”.

Mụ cá quả đang chăm bầy con mới sinh dưới lớp bèo tấm cạnh bờ ao sát chân núi, trồi đầu lên ụp một cái.

- Các ông rảnh việc quá đấy.

Chợt nhiên, thật may mắn, mụ cá quả nhìn thấy tên bói cá đang náu mình rình rập ở một cây cụt ngọn trên bờ ao, mụ vội “ụp” hú gọi lũ con lập tức lặn sâu.

Mệ chàng hương luôn nhìn giáo sư cóc với ánh mắt đầy kính trọng. Nhân thể chửi chung:

- Người ta chả gì cũng là nhà ngâm cứu, còn mấy ngươi thì ê a ba chữ ăn rồi tự tôn, gieo rắc ảo tưởng cho nhau.

Nói xong mụ nhón chân “nhắt” một tia nước đái cay xè về phía chồng, bắn cả vào mặt nhái, nhảy đi.

Lão ếch to bụng cười ngất, khoát tay: “Thôi. Đi nhậu. Tao bao”.

2.

Ở bãi đất hoang, sáng sớm đẹp trời đó, một chú ốc sên bò lên ngọn cây dại, nhìn khắp. Ngay chính bản thân ốc cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Vỏ bóng loáng chưa vết sứt, những đường vân màu sậm nổi lên như được đánh bằng sơn mài; hai râu vươn xa, vểnh lên, lóng lánh dưới thứ ánh sáng dịu lọc qua màn sương trắng. Ốc sên thấy cái ao, chính nơi trước đây định cư. Trận lụt năm ngoái đã bốc nó dạt qua bên này. Bây giờ ốc sên mới hiểu cụm từ thế giới rộng lớn dẫu nó mới thoát khỏi cái ao nhỏ bé đó thôi, chưa bò được một phần tỉ của thế giới.

Đang miên man hồi tưởng, chợt... ốc sên co râu, thụt cổ. Chết rồi. Không kịp nữa. Cậu bé giơ tay bắt ốc sên bỏ vào tô sắt tróc sơn. Đi. Một đoạn ngắn, ốc sên rơi. Cậu bé cúi nhặt, sắp lại vào tô, sao thấy thừa ra mấy con. Cậu thôi không nhặt ba con ốc sên, đứng dậy bước.

Thở phào. Ốc sên nhắm mắt, không thèm để ý đến hai đồng loại vừa thoát nạn với mình dập nát còn nằm im thít, thầm ước: Lạy bốn phương... lạy thánh thần... giá con thoát kiếp ốc sên, được làm người như cậu bé...

Ngay lúc đó, ngay lúc lời khấn thành tâm thành ý, lời khấn “tận hiến” ấy thoát ra, một vị Thánh ngang qua…

Ốc sên nghe rõ từng lời: “Trong thế giới động vật xưa nay ta chưa hề nghe một lời khấn nguyện muốn được mang kiếp người như ngươi. Vậy, ta cho một cơ hội. Nếu ngươi bò được tới cái ao bên kia mà vẫn nguyên vẹn hình hài, thì sẽ nhận được thân người...”.

Mồ hôi túa ra cả ngoài vỏ, ốc sên mừng khôn xiết. Lại lo vô hạn. Từ đây đến ao kia, không những qua bãi hoang nhiều cây dại mà còn phải vượt con đường gần bờ ao. Chừng ấy khó khăn để đổi lấy kiếp người, nếu được phép, hẳn chín chín phần trăm trong loài con ốc sên cũng quyết bò.

3.

Cậu bé bưng tô ốc sên về làm thức ăn cho đàn vịt. Cậu là một đứa trẻ mồ côi, không biết gốc gác mẹ cha, không còn nhớ từ nhỏ mình lớn lên như thế nào. Cậu chỉ biết bây giờ sống nhờ vào đôi vợ chồng. Bầy vịt no nê mỗi đêm, đẻ trứng mỗi sáng là một trong nhiều công việc cậu phải hoàn thành.

Tối đó trời nổi giông. Mưa. Sấm sét. Cậu thu dọn tất cả sản vật phơi khô. Trước lúc cơn giông trút nước, cậu bé đã đưa mọi thứ cần tránh nước vào nhà, một cố gắng ngoài sức vóc còm cõi của cậu.

Bắt đầu là cơn sốt nhẹ. Mệt. Cậu bé lên giường nằm. Vợ chồng nọ gọi cậu dậy ăn cơm. Lần đầu tiên từ chối, cậu nằm vật vã, nóng rực, không dám kêu van; lịm đi, và chợt tỉnh khi có ánh chớp xuyên qua mái nhà sáng quắc. Dường như từng mảng tuổi thơ đang được tia chớp hình con thoi chắp vá, đưa cậu trở về với những gì tưởng đã vỡ vụn thành cát bay mù trời.

Mưa ồ ồ. Nước lênh láng. Gió vẫn rít gào. Không còn tia chớp nào cắt xé bầu trời… Trong bóng tối, lạ thay, cậu bé thấy những thiên thần đập cánh nâng mình lên đài sen xuyên màn đêm vút cao để rồi lộ ra tầng trời rực rỡ sắc màu và ngào ngạt hương.

4.

Ốc sên bò đến mép đường mòn vào tầm trưa. Nghỉ lấy hơi. Phía trước, chặng đường quan trọng nhất, đích là bờ ao. Ốc sên cố gắng kiếm ăn đầy bụng, liếm vài giọt nước vương dưới tán lá dại. Bằng mọi cách, sau trọn đêm phải qua bên kia đường mòn, trước lúc hàng trăm đôi chân khỉ rầm rập ngang qua.

Ốc sên bò nhịp đầu tiên trên hành trình thoát kiếp. Cứ như ốc sên leo lên một đỉnh núi, mà nếu nhìn xuống sẽ chóng mặt, rợn ngợp, ngã… Quá khuya, ốc sên vượt được hơn nửa chặng đường. Niềm hy vọng qua bên kia trước lúc mờ sáng, trước lúc bầy khỉ xuống núi đã vực dậy chút sức tàn của ốc sên. Cũng có thể, ốc sên sẽ gục quỵ, chết lụi trước lúc cán đích. Ốc sên bò được chặng đường mà có lẽ tới già cũng không đi đâu dài bằng ngần ấy.

Hơi muộn, cuối cùng bầy khỉ cũng trở về. Ốc sên rùng mình, râu chìa ra định hướng. Sao lại có tiếng khỉ vào chừng khuya khoắt này. Ốc sên nghĩ mình quá mệt nghe nhầm tiếng loài nào đó bên ao kia vọng qua? Không. Tiếng khỉ. Rất nhỏ, rất gần. Ốc sên run bần bật, rướn mình lao đi, nhưng thực tế là không tiến thêm được tí nào. Có một con khỉ bị thương, và hai con khỉ đang dìu con bị thương tiến về phía ốc sên. Lạy bốn phương thánh thần, xin cho con tai qua nạn khỏi… “Rụp” - một bàn chân khỉ giẫm lên...

Con khỉ kêu rí, nhảy lò cò vài nhịp rồi thả mình xuống lòng đường. Nó đã giẫm lên ốc sên; vỏ không những đâm xuyên mình ốc sên tắt thở mà còn đâm vào lòng chân khỉ. Một con khỉ lành không thể dìu hai con khỉ bị thương lên núi. Tiếng hú của khỉ vang lên gọi bầy từng hồi thao thiết.

5.

Thần thức ốc sên là tà sát đất, tưởng mình đã thành người, thoáng chốc sau mới nhìn lại sự việc xảy ra. Rõ ràng [thần thức] ốc sên chưa có hình hài của người. Rõ ràng ốc sên chưa qua được chặng đường giao ước để có thể làm người. Trong bóng tối, ốc sên thấy mình bơ vơ, cô quạnh, lạnh và sợ. Nếu biết thế này trước đó đừng khấn nguyện ao ước điều gì, chắc giờ vẫn là một chú ốc sên ẩn dưới um tùm cây dại. Giờ biết trú ngụ nơi đâu?

Ốc sên nghe tiếng của vị Thánh: “Ngươi vậy là chưa thể siêu thoát thành người. Ta vẫn mong có một điều kỳ diệu xảy đến...”.

Ốc sên nhìn quanh, không thấy ai.

Tiếng nói kia lại vang lên: “Bây giờ ta chỉ giúp thần thức ngươi có một nơi trú ngụ tạm thời, khỏi bơ vơ lạc lối”.

Một luồng gió cuốn thần thức ốc sên tới bờ ao “nhét” vào một hòn đá cuội hình tròn, nhỏ, mỏng, sù sì.

Lúc ấy gần sáng, ốc sên (bây giờ là hòn đá cuội) đang quằn quại bởi cơn đói và khát. Hòn đá cuội chỉ cần lăn mình đoạn ngắn là có sương ở ngọn cây cạnh bờ ao, từ đó cũng có thể kiếm được chút thức ăn. Ngặt nỗi, cố gắng lắm hòn đá cũng chỉ “rùng mình” chứ không nhích được phân nào.

6.

Cậu bé tỉnh dậy không nghĩ đến bất cứ việc gì, chỉ quan tâm đến giấc ngủ còn thiếu. Cậu vớ tấm chăn cáu bẩn, co mình lại. “Rầm”! Người đàn bà cầm cây gậy đánh vào giường, mặt đen đúa dữ tợn.

- Giờ này còn dám ngủ à. Đi bắt ốc sên cho vịt mau!

Cậu bé lập tức nhỏn khỏi giường. Ngoài kia vừng mặt trời đỏ úa nhô lên khỏi mái chùa trên đỉnh núi. Cậu thẫn thờ, cũng chưa biết nên về hướng nào bắt loài ốc sên. Cậu bé đi gần tới ao dưới chân núi thì dừng lại. Uể oải. Cơn buồn ngủ vẫn còn lảng vảng. Cậu muốn ngủ hơn là suy nghĩ về những gì đã diễn ra.

Cậu ngả lưng, thấy có ông sư đang xuống núi. Cậu ngồi dậy, nhìn.

Một con bói cá từ ngọn cây lao vút xuống mặt ao như mũi tên, chao cú ngoạn mục trở lên với con cá quặp mỏ. Trở lại đậu chỗ cũ, nó phật cánh giữ thăng bằng rồi ngước cổ nuốt con cá nhỏ, xong thì lắc mình, xếp cánh đứng im như tượng. Hành động của bói cá vô tình lọt vào tầm mắt cậu bé, dứt cậu khỏi cơn buồn ngủ. Cậu lén bò lại góc ao, chếch với ngọn cây bói cá náu mình một góc sáu mươi độ; cậu quờ tay trên mặt đất, gặp hòn đá cuội hình tròn, mỏng, sù sì, rất gọn. Nghiêng người, tay cậu bé sải dài phía sau, mắt hướng thẳng đường ngắm về phía bói cá...

Ông sư vội tới sát.

- Con không nên làm như vậy.

Nét mặt cậu bé bất bình, chỉ tay về phía con bói cá.

- Con không nên dùng hòn đá cuội đó cố ý sát hại bất cứ con gì.

Cậu bé lắc đầu không hiểu.

Sư cũng khẽ lắc đầu.

- Nếu con đi theo ta, lớn lên chút nữa con sẽ hiểu. Có những câu chuyện người lớn kể ra hay con vô tình nghe được, đọc được ở đâu đó, con không hiểu mà người lớn như ta cũng không biết giải thích thế nào. Ví dụ ta nói hòn đá con định ném kia cũng biết suy nghĩ, chắc chắc con không hiểu đúng không?

Cậu bé lắc đầu, nhưng là sự xác nhận điều sư nói.

- Và nếu ta nói: trong hòn đá kia có một linh hồn, con cũng không tin đúng không?

Cậu bé như muốn nói: Con không tin! Và cậu nghiêng người, tay sải dài phía sau, mắt hướng thẳng đường ngắm về phía con bói cá...

7.

Mặt trời chan hòa ánh sáng trên mặt ao. Như thường lệ, ả chàng hương nằm dài trên chiếc lá sen quen thuộc đã chuyển màu héo úa, phơi nắng dưỡng da.

Đã nhiều lần bị cảnh báo bởi những vệt nước đái cay xè vào mặt, lão chàng hương vẫn tụ tập nhóm bạn gồm nhái sọc, ếch to bụng và mấy tên tép riu phiếm luận, sau đó nếu không vượt bờ ao du hí pích níc cũng rủ nhau tới quán ở góc ao nhậu nhẹt.

Mệ cóc vẫn cái thói ngủ lì, mặc mặt trời đè đến bệch người ra, mặc ông chồng là giáo sư trăm lần khuyên bảo về tác hại của việc ăn khuya ngủ ngày. Trái với quy luật tâm sinh lý thường niên, sáng nay giáo sư cóc mặc áo cổ rộng, ra trước hang và không quay vào làm việc, hướng về mặt trời tập thể dục.

Ếch bụng to: “Xem kìa, lão cóc ngồi trước máy vi tính lắm phát rồ giờ ra loăng quăng kìa”.

Chàng hương: “Chuyến này chắc lại có cơn đại hồng thủy nữa đây. Hoặc là trời sắp sập nên lão mới bỏ việc nghiên cứu tâm linh gì đó ra thể dục”.

Nhái: “Có khi nào lão giả bộ thể dục để ngắm nàng hương trên lá sen?”

Chàng hương: “Lão ấy thì ngắm nghía ai với cặp kính dày cộp”.

Ếch đại gia vỗ vỗ tay vào cái bụng tướng: “Hôm qua tao gặp mụ cóc ở hiệu chăm sóc sắc đẹp, nghe bảo lão đang nghiên cứu về Sự sống sau cái chết cơ đấy.

- Đồ điên! Đã chết rồi còn sự sống cái khỉ gió.

- Lão này không khéo phải chở tới bác sĩ tâm thần mất.

- Ôi giời làng nước ơi... - tiếng mệ cá quả ré lên - cứu nhà tôi với làng nước ơi!

Cả bọn nhìn về phía góc ao bên kia. Mệ cá quả giang vây đập náo loạn: “Thằng bói cá độc ác nuốt con tôi rồi làng nước ơi. Thằng bói cá... độc ác... ơi làng nước... cứu con tôi!”.

Nhái sọc nhổm đít khỏi ghế, vươn người nâng ly: “Cụng nào! Mặc. Mụ có hàng ngàn đứa con, thằng bói cá có nuốt vài chục cũng làm gì mà rộn ràng lên thế”.

Ếch đại gia: “Năm ngoái vợ tao mới đẻ bụng trứng hàng tỉ quả, chưa kịp nở con nào rắn đã nuốt sạch, biết kêu ai!”

- Biết kêu ai!

Chàng hương: “Coi kìa coi kìa, lão cóc quay vào ngâm cứu xem sau khi chết lão sẽ sống ra sao rồi kìa...”.

“Phụp!”

Hòn đá cuội rơi ngay cạnh quán của con dâu mụ cóc, nước bắn lên bàn nhậu. Tất cả lặng phắc nhìn. Mụ cá quả đang kêu trời tự nhiên cũng lặn. Một sự im lặng kiểu mặc niệm chào cờ lan khắp mặt ao.

8. Kết dành cho trẻ em

Ao cạn ráo. Cứ như hòn đá cuội chạm nước liền nở ra một khối bông lớn hút kiệt nước. Cũng không hề thấy bóng dáng của bất kỳ loài nào trong ao. Ven bờ, hang hốc toang hoang, nhiều ngõ còn ngoác ra thể như bàn tay người khổng lồ móc vào.

Thằng bé mấy ngày liền không kiếm ra ốc sên cho vịt, bị đánh, liền trèo lên núi xin sư cho ở chùa.

Riêng nhà của giáo sư cóc vẫn cửa đóng then cài. Bên ngoài còn dán mảnh giấy: “Ai thấy ốc sên ở đâu vui lòng cấp báo đến số điện thoại...”.

9. Kết dành cho người lớn     

Vợ chồng chăn vịt dự tính ngày tốt để thụ thai - sinh con...

Với camera gắn phía ngoài, giáo sư cóc nắm được tường tận mọi sự việc xảy ra. Chính lúc hòn đá cuội rơi tõm xuống nước, giáo sư ngẩn ra ngẫm nghĩ, rồi viết tiếp vào công trình nghiên cứu về tâm linh: “Vào đúng giờ g, tại điểm x nơi ao z thuộc chân đồi y, một linh hồn bung ra từ hòn đá cuội khi cậu bé mồ côi dùng ném con bói cá trên ngọn cây. Nhiều khả năng cho thấy nó sẽ được luân chuyển thành người”.

N.N
(SH316/06-15)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng