Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.6-15)
Hỏa tâm
15:11 | 24/07/2015

BẠCH LÊ QUANG
        Kính tặng TNS

người áo đen
hành xác bên mảnh trăng huyền
gió thông reo ngợi ca chàng thi sỹ
ném thẻ bài
ném cả cuộc đời hiến tặng giấc mơ
                          (HDL)

Hỏa tâm
Minh họa: Nhím

1.

Hàn sĩ Khumorati quyết định đốt ngôi miếu thiêng thờ bạo chúa RiTô trong một đêm trời chuyển gió mưa vần vũ. Chàng dự tính đốt nó bằng giấy, lần lượt, từ từ. Loại giấy Thạch Anh thơm bóng, quyến rũ như mùi đàn bà đẹp mà ngày xưa, thủa lầm lạc, chàng đã dùng nó để viết những lời ngợi ca RiTô.

Bấy giờ, Khumorati nhận ra RiTô tội ít hơn chàng. Đường đến vinh quang của RiTô máu chảy thành sông, xương chất thành núi. Có người thấy, nhiều người thấy. Nhưng giấy Thạch Anh của chàng, sự lầm lạc đồng trinh vô nhiễm của Khumorati đã biến sông thành dải lụa bạc thắt đáy lưng ong quanh vòng eo gợi cảm của nàng SaTê mắt vạc, đã hầm nhừ núi xương thành vị ngọt đôi môi trong một buổi chiều phương Nam mây phủ.

Đêm trời chuyển gió mưa, trong cơn động kinh hào sảng thứ nhất của kẻ cầm bút Khumorati, chàng đã lang thang suốt đêm. Mưa như roi trời cuồng nộ quất vào cơ thể gầy còm của những hàn sĩ vốn đã bị những cơn động kinh hành hạ.

Chàng nghe trong sấm chớp liên hồi lời quở mắng thậm tệ của vô biên đến từ vô chung cùng với những đáp trả yếu ớt thường thấy ở bọn văn nhân hèn mọn và hay đổi thay như áo xống đàn bà. Sấm bảo: Như RiTô mà còn ca ngợi được thì đứng đường là hạng người gì? Chớp bảo: Chửi đúng. Nhưng không được xúc phạm gái đứng đường. Họ có thước tấc của riêng mình.

Khumorati chìm trong gió mưa. Trước âm thanh cuồng nộ của đất trời, chàng đáp trong cô đơn, thất thế. Nhưng còn quyền lực. Và sống. Chao ôi, những cái sống buồn đôi khi còn hơn chết. Gió rít, nghe như tiếng gầm từ muông thú sổng chuồng. Sinh ra văn nhân. Uống rượu, nói chuyện lộng giả thành chân.Viết chữ, phong mình là cao nhã. Phong gấm thì hả hê, đòn roi thì rút đầu rút cổ…

Không còn nghe thấy lời đáp cùng càn khôn của hàn sĩ. Lúc nầy, chàng nằm dài trên đất, thấm vào tận lòng mình cái lạnh và nỗi khắc khoải ghê gớm của sám hối. Khumorati, từ đó, bắt đầu cơn nôn thốc lớn nhất trong cuộc đời mình. Lợn cợn trong nước dãi là những con chữ không hồn vía, thẫn thờ trăng sao, hoa lá, ỏng ẹo vần điệu, bóng giai nhân, gươm vàng chén ngọc, đền đài, lăng tẩm…

Cũng từ bấy giờ, dù gió mưa sấm chớp vẫn không ngừng rền rĩ, Khumorati bắt đầu thấy mình nhẹ nhõm. Môi chàng hé nụ cười tiên. Chàng cởi đôi hài gấm đã ướt sủng nước mưa mà RiTô đã ban thưởng. Hàn sĩ chân trần, dẫm trên những con đường làng, nơi chàng đã sinh ra và lớn lên. Đá quê cứa lòng bàn chân tóe máu nhưng đó lại là máu chảy ra từ một cơ thể không bệnh tật.

Trăng sau mưa bao giờ cũng đẹp và rất trong. Trong như giếng Chùa HaMu quê chàng.

2.

Khumorati về lại ngôi nhà mà rất lâu chàng đã bỏ đi để lên kinh kỳ hoa lệ. Chàng gặp lại MaRô, người hàng xóm của mình.

MaRô vốn là một kiếm sĩ lừng danh dưới trướng của RiTô. Hồi Khumorati theo học chữ thánh hiền, thấy con mình vướng nghiệp kiếm, lòng đã không thuận. Một lần thấy Khumorati tung tăng cùng trẻ con trong làng ê a đọc chữ, ông đã cảm nhận ở MaRô một tai họa tiền kiếp. Cha của MaRô thường thở dài xa vắng: Chữ hiền nhưng kiếm ác.

Hai mươi năm vào núi học cùng thánh kiếm TaKi, người hàng xóm trở về quỳ bên mộ cha giữa một buổi chiều hoàng hôn tái nhợt. Trong khói nhang buổi về nghi ngút, MaRô đã cúi rạp mình hôn lên từng hòn đất viên đá quê hương: Thưa cha, kiếm chỉ ác khi ở trong tay mỗi người.

Từ đó, MaRô trở thành một tay kiếm kiệt xuất luôn ở bên cạnh RiTô, cách thánh thể đúng một bước chân. Người ta bảo rằng, mũi của RiTô là mũi của linh cẩu đã thành tinh. Mũi của y có thể đánh hơi tử khí ngoài mấy dặm. Mắt nhanh, tai thính và mũi thú rừng, cùng với kiếm thuật vô biên, MaRô đã nhiều lần cứu RiTô thoát chết từ những thích khách bậc thầy.

Nhiều người đã bị y biến thành những tượng đá hư huyễn.

Một lần, bạo chúa RiTô nghe lời tả hữu đích thân đi phát chẩn cứu tế một vùng đất xa gặp địa chấn. Trong tiếng tung hô giả tạo để kiếm lấy cái ăn của đám dân đen khốn khổ có cả những bông hoa ngụy tín ném về bạo chúa.

Mười mấy năm chỉ cách RiTô một bước chân, kiếm sĩ MaRô đã đánh hơi được trong mùi hoa có sát khí hừng hực.

Y vung kiếm dù có muộn mấy chớp mắt nhưng đủ để làm lệch hướng một ngọn tiểu đao bay thẳng về phía cổ họng RiTô. Tiểu đao hôm ấy vì thế chỉ làm sướt chỉ cầu vai long bào.

Đêm ấy, kiếm sĩ MaRô, người bảo vệ thánh thể lừng danh của vương triều RiTô suốt một thời gian dài nhận được chỉ dụ với vỏn vẹn sáu chữ. Kiếm đã không còn đủ nhanh.

Thấu hiểu nghiệp kiếm sĩ, MaRô quyết định ra đi. Đi với một thanh kiếm và về cũng với một thanh kiếm. Buổi đi, vẫn là chuyến đò từ phương Nam xa xôi của người lái đò gàn dỡ NuTi. Và buổi về, vẫn là NuTi mắt mờ tóc trắng. Gặp lại MaRô, không như lần trước, lần nầy NuTi hỏi tiền đò. Kiếm sĩ bảo: Sao lần đi không thấy ngươi hỏi điều ấy. NuTi không đáp chỉ ngửa mặt nhìn trời. Mây quê nhà vần vũ đượm mùi khói lam chiều. NuTi nói với kiếm sĩ mà như nói với thinh không: Đi là tử lộ. Về là sinh lộ. Đã là sinh lộ phải có tiền.

3.

Lửa lan nhanh từ những trang giấy Thạch Anh. Giấy nhiều nhưng miếu rộng. Miếu cháy nham nhở nhưng tượng gỗ hình RiTô chưa đủ ám khói đen…

Khumorati thẫn thờ nhìn trăng quê màu máu. Lúc nầy, chàng ao ước học kiếm như người hàng xóm MaRô. Bút ảo, giấy ảo không đủ cho một sám hối để thiêu cháy một hình nhân.

Nhớ buổi về gặp người hàng xóm MaRô. Thấu hiểu ý định của Khumorati, MaRô chỉ nhìn chàng thở dài. Y bảo: Hãy đi gom hết giấy trong thiên hạ.

Bây giờ, ngẫm lời nói ấy của MaRô, kẻ đã mười mấy năm chỉ cách RiTô một bước chân, kẻ đã bị RiTô khước từ do một vệt nắng quái chiều hôm làm lóa mắt để đưa ra một đường kiếm chậm. Dù chỉ chậm trong một phù du.

Ngẫm lời MaRô, Khumorat quyết định ngừng cuộc sám hối. Chàng quyết định đi.

Một cuộc đi có thể sẽ bất tận bởi bọn văn nhân trong thiên hạ thì nhiều vô kể…

4.

Người đầu tiên mà Khumorati gặp là quan Tư Đồ HiSu. Quan Tư Đồ là một nhà thơ nức tiếng kinh kỳ. Lúc còn tại vị, RiTô luôn tự đắc: Kiếm có MaRô. Thơ có HiSu.

Lúc ấy, HiSu được RiTô giao trọng trách gom tất cả thư liệu mà bọn văn nhân trong thiên hạ ca tụng về mình.

Giấy của HiSu vì thế chất cao bằng núi. Về già, HiSu có một bài thơ ca ngợi công đức của RiTô ngất ngưỡng như núi Mirako trường cửu. Không có cái gì là trường cửu kể cả Mirako kỳ vĩ. Đúng ngày sinh sáu mươi của RiTô, Mirako gặp cơn địa chấn. RiTô bảo HiSu: Thơ là lòng người hay ý trời?

HiSu không đáp. Thấu hiểu RiTô, HiSu cởi áo mão cân đai về quê, chấm dứt mấy mươi năm viễn mộng quan trường.

Gặp lại HiSu ngồi câu cá bên dòng NaSi xanh thẳm. Không quay lại nhìn Khumorati, HiSu nói mà như nói với dòng sông: Giấy đó. Hãy gom hết mà trở về. Thơ là lòng người hay ý trời?

Nghe câu nói của HiSu, Khumorati hiểu rằng trong cuộc đi mà chàng cho là bất tận tìm bọn văn nhân trong thiên hạ nầy chỉ gặp HiSu là đủ. HiSu là kẻ đầu tiên và cũng là người cuối cùng. Chàng nhất quyết trở về.

5.

Lửa lại cháy. Trầm viễn và hùng hậu. Lửa ôm lấy hình nhân RiTô. Đúng lúc ấy, Khumorati lại chìm vào cơn động kinh hào sảng lần thứ hai. Lúc này, chàng không còn gặp những đối thoại của sấm, chớp, gió, mưa. Lần này, Khumorat bắt gặp nàng SaTê mắt vạc sau mười mấy năm trở thành vương phi của RiTô.

SaTê tóc xõa, vai gầy. SaTê mắt vạc, áo vải thô, chân đi hài cỏ. Cỏ được lấy từ quê nhà Khumorati. Một SaTê mắt mờ lệ chia tay hàn sĩ trong một chiều nổi gió quê nhà để vào cung mà trở thành vương phi RiTô quyền quý.

SaTê bước ra từ lửa, từ tượng gỗ của RiTô sau lúc đã bị thiêu sống theo bạo chúa RiTô khi y qua đời theo tục BaSô.



Lúc này, vương phi không còn mắt mờ lệ như buổi đi. Lúc nầy, mắt vương phi có lửa. Lửa từ những tờ giấy Thạch Anh, lửa của mười mấy năm cung cấm. Nàng ném vào hàn sĩ những tờ giấy Thạch Anh xưa mà Khumorati đã gởi cho mình trong những buổi chiều thơ ấu quê nhà. Những buổi chiều trầm tích bóng yêu thương mà Khumorati yếu đuối đã không dám từ bỏ để trốn đi cùng nàng.

Trong lửa, lửa hình nhân, lửa mắt, Khumorati lại bắt đầu cơn nôn thốc lần thứ hai. Chàng nghe trong lửa, những lời lạnh giá của SaTê. Chàng không bao giờ thiêu hủy được RiTô. Không có sự sám hối nào cho tội lỗi của chữ nghĩa. Lửa có thể thiêu người nhưng chữ thì không. Về đi. Về đi Khumorati…

Khumorati co rúm người. Chàng lại nghe cơ thể như có trăm ngàn vết cứa từ lời của vương phi. Không còn gì cho lần nôn thốc lần hai. Chỉ có máu. Máu từ một cơ thể đã không còn bệnh tật. Trong cơn động kinh lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng của Khumorati. Cơn động kinh bi phẫn và tuyệt vời nhất của chàng, hàn sĩ nhảy vào ngọn lửa đã tự mình đốt lên. Ngọn lửa bây giờ ẩn chứa niềm hoan lạc, hiển lộ sự giải thoát.

Hỏa tâm.

Hỏa tâm đã thiêu cháy tất cả…

6.

Sáng hôm ấy, người giữ ngôi miếu làng dọc phá Tam Giang bảo với tôi rằng, người đi câu ấy đã chết không phải vì uống nhiều rượu, không phải vì gió hay bất cứ một tai nạn gì khác. Ông đoan chắc, trong trăm ngàn lí do để chết có người đã chết vì một giấc mơ. Giấc mơ đẹp hay xấu thì không biết.

Nghe ông nói, tôi lại thẫn thờ nghĩ rằng. Đúng, có lẽ người đi câu ấy chết bởi một giấc mơ. Nhưng đã chết vì một giấc mơ thì đâu cần đó là một giấc mơ như thế nào…

Tháng 5/2015
B.L.Q  
(SDB17/06-15)





 

Các bài đã đăng
Đời tóc (10/07/2015)