Tạp chí Sông Hương - Số 37 (T.5&6-1989)
Vô thức trong văn học nghệ thuật
09:41 | 08/09/2015

NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG

Cách đây một thời gian có hai phóng viên báo Sông Hương đến gặp tôi, đó là hai người Huế. Vì thế tôi có ngay những tình cảm rất đẹp, tình đồng hương. Thứ nữa, tôi thầm nghĩ: Chắc là hai phóng viên này muốn trao đổi với mình về đề tài vô thức đây! Và quả thực như thế.

Vô thức trong văn học nghệ thuật
GSTS Nguyễn Hoàng Phương - Ảnh: 100years.vnu.edu.vn

... Là một người nghiên cứu khoa học tự nhiên, tôi xin trình bày những suy nghĩ, hiểu biết của mình về bài toán vô cùng hóc búa đó, với khả năng không chuyên về mặt văn học nghệ thuật của mình.

Đây là một vấn đề rất khó, phức tạp trong thời đại chúng ta, bao hàm cả mặt khoa học tự nhiên, cả mặt khoa học xã hội. Cho đến nay, rõ ràng đây là một hướng nghiên cứu đúng đắn. Trên thế giới đã có nhiều hội nghị, hội thảo về vô thức, như hội nghị quốc tế ở Bôxton năm 1910, hội thảo ở Tbilisi năm 1979. Trừ một vài ý kiến đi ngược dòng, đa số các nhà khoa học tự nhiên và xã hội trong các hội nghị, hội thảo đều nhất trí về sự tồn tại của vô thức và vai trò của nó trong sáng tạo khoa học tự nhiên hay xã hội. Vấn đề là cố phanh phui cho ra bản chất, cơ chế của vô thức và những vấn đề này càng được sáng tỏ, thì bản chất và sức mạnh của con người trong thế giới tự nhiên, trong xã hội sẽ được nâng lên rất nhiều. Và cũng chính vì sẽ có nhiều sự thay đổi trong quan điểm về con người, trong nhân sinh quan lẫn vũ trụ quan trong quá trình làm sáng tỏ cái vô thức - nên sự nghiên cứu về chủ đề này đã và sẽ vấp nhiều khó khăn. Nói cách khác, bản chất con người, tiềm năng con người càng vĩ đại bao nhiêu thì những khó khăn đó càng lớn bấy nhiêu. Và ngược lại.

Con người chúng ta không chỉ là một đống tế bào, và ngay cả cây cỏ cũng thế. Thành thử, sự chống đối lại với các chân lý về vô thức, vô tình hay hữu ý, đồng thời mang tính chất chống đối lại những thành tựu kỳ lạ nhất của chủ nghĩa nhân bản, nhân văn. Loài người đã dần dần lên tới những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật. Và tiếp theo, tất nhiên sẽ là những cuộc cách mạng về sinh học, tâm lý học. Bài toán vô thức và trường sinh học được đặt thành một thành phần của cuộc cách mạng đó.

***

Xã hội loài người vươn lên qua những lao động, sáng tạo. Hội đồng trao giải thưởng Nôben đã đặt thành quy chế là một bác học khi nhận được giải thưởng Nôben, phải viết một diễn văn trong đó kể lại hoàn cảnh, động cơ và quá trình sáng tạo của mình. Nhân dịp này, nhà toán học nổi tiếng thế giới H.Poăngcarê, đã viết: "Một hôm, tôi uống một cốc cà phê đen, trái với thói quen của tôi. Không ngủ được. Các ý nghĩ xô đến tấp nập, tôi có cảm giác chúng va chạm nhau cho đến khi có hai ý móc nối với nhau thành một tổ hợp vững. Sáng dậy, tôi xác nhận sự tồn tại của một lớp hàm số (mới)... Chỉ còn lại việc viết lại kết quả. Cần vài tiếng".

"Ở đây, có sự song song tồn tại của ý thức và vô thức. Tôi có cảm giác rằng tôi chứng kiến hành động vô thức của bản thân, ló ra trước ý thức bị kích thích cao độ. Tôi thấy một cách mơ hồ cái gì phân biệt hai cơ chế đó".

Mặt khác, trong tập IV "Vô thức, bản chất, chức năng và phương pháp nghiên cứu", viết sau hội thảo Tbilisi, trong bài Vô thức và quá trình sáng tạo, L.I.Stilinxkaia đã viết "Sáng tạo là hình thái cao nhất và phức tạp nhất của hoạt động tâm thức, từ đó là tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu vai trò của vô thức trong cấu trúc của sáng tạo nghệ thuật và cảm thụ nghệ thuật, không chỉ cho tâm lý học nghệ thuật mà cả cho những nghiên cứu các hoạt động tâm thức khác..."... "Cấu trúc của hình tượng nghệ thuật được hình thành ở mức độ vô thức".

Về những quan điểm này, sau này chúng ta sẽ trở lại, toàn diện và khái quát hơn. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đưa ra vài ý kiến cụ thể để mở đầu câu chuyện.

Bài viết chúng tôi gồm có nhiều phần: Hiện tượng, bản chất, chức năng trong sáng tạo, cảm thụ nghệ thuật và sơ lược về những vấn đề khoa học tự nhiên đang nghiên cứu xung quanh bài toán vô thức.

MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG VỀ VÔ THỨC TRONG CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY VÀ TRONG SÁNG TẠO, CẢM THỤ NGHỆ THUẬT

Khi đi xe đạp đã thành thạo, thì việc đạp và việc lái đã dần dần đi từ ý thức sang vô thức. Và nói chung, việc tránh né trên đường đi cũng thế, ngay trong những trường hợp đột biến.

Khi đánh máy chữ hay khi đánh đàn đã thạo thì vô thức dần dần trở thành nhân tố chủ đạo, bản nhạc dường như trở thành của riêng của người thể hiện, và không còn nằm trên các phím đàn...

Còn cơ chế của trí nhớ? Trong những vấn đề cuộc sống, chúng ta sử dụng các nội dung cất dấu trong trí nhớ như thế nào? Phải chăng đó cũng chỉ hoàn toàn là hình ảnh của những thông tin ghi trong các sách vở, trong các cuốn băng ghi âm? Đa số kinh nghiệm ghi vào trí nhớ được hoạt động và tham gia vào hành vi không thông qua con đường ý thức. Ý thức không thể chọn trong trí nhớ cái nội dung cần thiết tại từng thời điểm, và không giống như khi chúng ta lục lại một số chi tiết trong các hồ sơ... Chẳng hạn, khi ta chọn các từ cần thiết trong một câu dài, các từ đó "nhảy ra" như tự động và với một tốc độ khá lớn, không giống tốc độ sao lục hồ sơ trên.

Tương tự như thế, khi chúng ta xem phim, chúng ta chỉ có thể hiểu được hình ảnh đang hiện ra trên màn ảnh nhờ những hình ảnh đã qua từ trước, mặc dầu các hình ảnh này tại thời điểm đang xem phim là không nhận thức qua ý thức. Thành thử khi người xem có cảm giác về hình ảnh cuối cùng đang xảy ra trên màn ảnh, thì dường như tất cả các hình ảnh có trước đều cùng tham gia vào một cách vô thức. Nếu chúng hiện ra trong ý thức cùng một lần, ngay cùng một lúc, một cách toàn bộ, thì đây là một tình huống không thể tồn tại được, cũng như chúng không thể hiện ra cùng một lần trên màn ảnh. Ý thức về các hình ảnh khác nhau tại những thời điểm khác nhau của cuộn phim không thể tạo ra một hình ảnh toàn vẹn, một biểu tượng có hệ thống, hợp lý, nếu các hành động ý thức trải qua các thời điểm đó lại không dựa trên một cơ sở chung nào đó. Nhưng chúng ta lại không thể phát hiện cái cơ sở chung này bằng ý thức của chúng ta. Cơ sở này nằm ngoài ý thức của chúng ta. Đó là vô thức.

Cơ chế vô thức đó được biểu hiện trong phong thái viết văn của Pautốpxki như sau: (xem báo Văn Nghệ, số Tết Mậu Thìn 1988). Ông đã nói với Iuei Gôntrarốp: "Khi bước vào viết truyện, ta cần phải thấy hoàn toàn tự do và thoải mái, không tìm cách tuân theo những cái gọi là "phép tắc" của văn chương, cái đó không có. Mỗi nhà văn tự tạo những quy tắc riêng của mình, những luật lệ riêng của mình. Điều chính yếu là làm rung động được trí óc và tâm hồn người đọc. Còn con đường đi, các cách làm, và phương tiện dẫn đến đó không quan trọng, miễn là đạt được mục đích đề ra. Không nên sợ sự tuôn trào tự do một thứ văn xuôi không có biên giới rõ ràng và không có cấu trúc chặt chẽ. Cũng không nên sợ những sự lan man lạc đề, mà phải viết theo những gì xuất hiện cùng một lúc, dưới tác động của những liên tưởng, và mở rộng tất cả "các cánh cửa đập" bên trong mình. Những nghệ sĩ chân chính chẳng làm việc theo cách nào khác, chỉ có cách đó mới nảy sinh một nghệ thuật chân chính. Sự vâng theo một cách nô lệ những luật lệ không biết ai bịa đặt ra, chỉ đẻ ra cái vớ vẩn".

Nếu chúng ta so sánh cách viết của Pautốpxki và hiện tượng chúng ta nói nhanh chóng một câu dài gồm nhiều từ không được chuẩn bị bằng ý thức - như đã trình bày trên đây - thì rõ ràng chúng ta thấy hai hiện tượng trên, tuy ở những mức độ trí tuệ, tình cảm... khác nhau, vẫn có một nét chung, đó là vô thức, dù Pautốpxki không nói rõ ra danh từ đó.

Thôi miên - Ảnh: internet


Còn có một loại hiện tượng sáng tạo nghệ thuật khác qua thôi miên. Hai nhà khoa học Mỹ là U. Đichkơ và H. Gri ngồi trên một chiếc xe chạy trên đường phố Matxcơva và dừng lại tại một căn nhà vắng vẻ, im lìm... Đây là nơi đâu? Đây chính là nơi làm việc của bác sĩ V.Raikốp, một trong những nhà thôi miên nổi tiếng ở Liên Xô. Một người ăn mặc quá bình thường đến đón họ, một người giữ cổng?

- Chúng tôi không nhầm địa chỉ, phải không? Họ hỏi người đó. Người đó tủm tỉm cười và giơ tay bắt: - Chúng tôi đợi các ông tại đây. Raikốp chính là tôi. Xin chào các ông...

Raikốp làm việc trong Viện sư phạm tại Matxcơva và cộng tác với nhà cận tâm lý trẻ tuổi V. Ađamenkô. Người lãnh đạo ông là A. Pêtrốpxki. Chuyên môn của Raikốp là tìm cách phát triển sự thông minh, trình độ sáng tạo qua vô thức với hình thức chuyên của ông là thôi miên… Trong phim Bảy bước ra khỏi chân trời, mà đạo diễn là con người bay bổng E. Zađăngxki, cố vấn là viện sĩ thông tấn A. Pêtrốpxki, bác sĩ Raikốp đứng trước những người sinh viên của ông, đang chìm trong giấc thôi miên ông tạo ra và nói: - Nào, anh là Rêpin, chị là Rakhmanhinốp... Hãy đứng lên mà vẽ đi... Hãy biểu diễn tác phẩm hay nhất của anh đi...

Khi những người này tỉnh dậy khỏi giấc thôi miên, theo sự chỉ bảo của Raikốp, họ mới biết họ đã làm được những gì về sáng tạo nghệ thuật mà họ chưa bao giờ ngờ đến. Phương pháp thôi miên đã khơi dậy ở họ những tiềm năng sáng tạo nghệ thuật...

Raikốp thường cho các học trò của ông tin rằng - tất nhiên trong khi họ đã bị thôi miên - họ là những họa sĩ nổi tiếng như Rêpin, Lêvitan, Xêrốp... Những người này được Raikốp gọi là những người cảm ứng trong sáng tạo bằng thôi miên. Và ông đã khẳng định được rằng qua thôi miên có thể làm cho chủ thể có nhân cách của người cảm ứng, và sử dụng tài năng của người cảm ứng để nâng cao tài năng của mình. Như thế, dưới tác dụng của thôi miên ở độ rất sâu, chủ thể đã mất nhân cách riêng của mình, và tâm trí của chủ thể, các kiến thức của chủ thể đều hoàn toàn lại là của người cảm ứng.

Một hôm, một nhà dương cầm trẻ tuổi sắp dự kỳ thi tuyển Sôpanh, đến gặp ông và nhờ ông giúp, vì cô ta cảm thấy quá lo lắng... Raikốp bảo:

- Chị biết không? Chính nhà dương cầm nổi tiếng Rakhmanhinốp cũng mắc phải tâm tư đó, và cũng đã được chữa bằng thôi miên.

Sau đó, trước một kỳ thi tuyển tại địa phương để chọn lựa đại diện của Liên Xô, Raikốp đã thôi miên người thiếu nữ đó, gợi ý cho cô biết rằng cô chính là nhà dương cầm giỏi nhất trong số các nhà dương cầm mà cô biết, và có khả năng chơi những bản nhạc rất hoàn mỹ... Sau đó, người thiếu nữ này đã trở thành người đại diện số một của Liên Xô, và sang Pari dự chung kết. Cô được xếp loại ba, sau hai người Liên Xô khác. Một chi tiết: người thiếu nữ đó trước kỳ chung kết, đã mất lòng tin mà Raikốp đã truyền cho cô.

Có một lần, Raikốp thôi miên một người và làm cho anh ta tin rằng anh đang sống ở thế kỷ trước... Sau đó, Raikốp nói với người "thế kỷ trước" đó rằng người ta có thể lên tới Mặt Trăng và có thể đi trên các cỗ xe không có ngựa kéo... Anh ta lắc đầu, không tin... Raikốp tủm tỉm cười.

Một câu hỏi làm hai người khách nước Mỹ băn khoăn:

- Phải chăng Raikốp đã có tài cho chủ thể quay lui về dĩ vãng và băng tới được các "tiền kiếp" khác? Và làm như thế, phải chăng, Raikốp muốn chứng minh cái gọi là "luân hồi"?

Raikốp lại cười:

- Tôi chờ đợi các ông đặt cho tôi câu hỏi đó. Tôi biết rằng báo chí phương Tây ban cho tôi vinh dự là một nhà chuyên môn về luân hồi. Tôi cũng cảm thấy hay hay, nhưng sự thực không phải như thế. Điều này hoàn toàn không có gì liên quan đến những việc tôi làm. Raikốp lại tiếp tục cười như trẻ thơ:

- Tôi chỉ là một nhà thôi miên, thuần túy như thế và đơn giản như thế. Và với sự giúp đỡ của ông A. Pêtrốpxki, có mặt ngay ở đây, tôi đã làm nhiều thực nghiệm mà tôi cho là mang được những tính chất khoa học. Tôi mong rằng các ông đến đây từ một nơi quá xa xôi không phải để xem tôi biểu diễn các chứng minh về luân hồi.

Người ta đề nghị Raikốp giải thích các hiện tượng trên. Phải chăng đã có một "vong linh" nào, "vong linh" của Anhxtanh, của Vanhxi... đã đột nhập vào tâm thức của chủ thể? Raikốp cho rằng đó chỉ là một ý nghĩ hời hợt. Đây chính là những thay đổi sâu xa trong tâm thức của chủ thể. Các phương pháp thôi miên chỉ gây nên những tác động làm gãy các khóa nằm trong não bộ con người. Và mở đường cho trí tuệ tràn vào. Từ tấm bé, theo Raikốp, mỗi người đều có cả một giải tầng tài năng, có thể bộc lộ ra ngoài được. Tuy nhiên, trong quá trình lớn lên, con người gặp phải nhiều chướng ngại có thể làm cho các tiềm năng đó chìm sâu đi. Và thuật thôi miên có khả năng giải phóng được các khả năng tự nhiên đó. Dần dần con người biết cách phân phối các khả năng đó sao mà tập trung được vào một lĩnh vực xác định, trong lúc các khả năng ở các lĩnh vực khác ở vào trạng thái mê ngủ. Do đó, chính con người đã làm chìm nghỉm một số tài năng của mình. Và mục đích của thuật thôi miên là phân phối lại các tiềm năng tâm thức của con người, tạo cho chủ thể điều kiện với tới được - mà không cần một cố gắng nào - các khả năng sẵn có của mình. Tất nhiên, bằng thôi miên, không thể làm cho họ trở nên có tài như nhau, nhưng mỗi người đều sẽ có tiến bộ. Các thực nghiệm của Raikốp và các cộng tác viên của ông đã chứng tỏ rằng các khả năng của con người vượt qua sự tưởng tượng của mình. Theo các giả thuyết của Raikốp, ắt phải có những mối liên hệ nào đó giữa thôi miên và tài năng. Thôi miên là một phạm trù sáng tạo toàn bộ. Tất nhiên, sau khi bị thôi miên xong, các học trò của Raikốp không còn nhớ những gì họ đã làm, sáng tạo. Họ không tin rằng trong phút chốc họ đã trở nên những nhà nghệ thuật nổi tiếng về hội họa, nhạc... Nhưng chỉ cần tiếp cho họ một trợ lực "bằng một cú đầu ngón tay" là có thể làm cho toàn bộ sự sáng tạo lại bắt đầu vận hành lại như lần trước. Và sau đó, họ đã có thể tự mình phát triển các khả năng của mình.

Người ta hỏi Raikốp: - Tại sao những người cảm ứng lại phải là những người đã mất: - Ông trả lời: - Tôi không muốn qua thuật thôi miên gây những điều khó khăn cho những người cảm ứng còn sống. Và ông kết luận:

Trong điều kiện bị thôi miên, con người có thể đạt được những quan niệm về sự vật và vũ trụ hoàn toàn mới.

Và cần nói thêm rằng với vô thức, nói riêng với thôi miên, không chỉ tăng cường các khả năng về tâm thức, có thể tăng gấp bao nhiêu lần cả các khả năng vật lý, tăng sức mạnh về bắp thịt cho các võ sĩ, các chiến sĩ trên các mặt trận, và cả cho các tình báo viên ở nước ngoài... Và cho cả từng đoàn binh nơi chiến trận. Từ tâm thức sang vật lý, dường như tại các mức sâu thẳm của vấn đề, chỉ cần thay đổi chiếc áo ngoài. Đối với chúng tôi, những người nghiên cứu khoa học tự nhiên khi suy nghĩ về điểm "chỉ cần thay đổi chiếc áo ngoài" này, đã tự nhiên cảm nhận được một định hướng vô cùng sâu sắc trong các sáng tạo của mình, và dường như không riêng gì trong một lĩnh vực khoa học xác định...

Xin tiếp tục với một số thực nghiệm tại các nước Tây phương. M.Maninh một người còn trẻ, là một nhà ngoại cảm Anh có một loạt quyền năng rộng lớn. Trong hàng ngũ các nhà ngoại cảm lớn của thế kỷ 20, anh đã chiếm một vị trí ưu tiên. Tiến sĩ Ôoen, chủ tịch hội nghiên cứu tâm thần ở Cămbritgiơ đã liên lạc với Maninh. Từ Maninh có khả năng phát ra những luồng năng lượng rất mạnh một cách vô thức, làm di chuyển mạnh các đồ vật trong nhà, như ghế, giường... Nhưng ở đây chúng ta hãy quan tâm đến khía cạnh sáng tạo qua vô thức. Trái với các trường hợp trên, chủ thể cần có một người khác thôi miên, ở đây Maninh tự thôi miên lấy, hay tự ám thị lấy, với một độ sâu khác thường. Dưới bàn tay anh là cả một chồng bức vẽ, đẹp, có bức vô danh, có bức lại ký là Vanhxi, Đurơ, Matidờ, Picaxô... Trong lúc đó thì các thầy giáo của anh đã nhận xét rằng anh "là một số không về hội họa trên thực tế".

Hai chuyên viên là tiến sĩ L. Giaghênô ở Bruxen và ông giám đốc nghệ thuật ấn tượng ở Xôdờbai (viện lớn nhất tại Luân Đôn) đã khẳng định rằng nhiều bức vẽ của anh đã giống hệt như các họa sĩ nói ở trên, chẳng hạn như các họa sĩ Đurơ. Người ta hỏi Maninh: - Anh làm thế nào để vẽ các bức tranh đó? Anh trả lời: - Tôi đã làm trống bộ não của mình càng nhiều càng tốt. Và trong trạng thái đó, tôi nghĩ đến người mà tôi muốn tiếp xúc. Tôi gửi đến họ tất cả năng lượng của mình... và từ đó tôi viết hay vẽ...

Anh nói tiếp: - Tôi cho rằng chính vô thức của tôi đã đóng vai trò chủ yếu trong các hiện tượng sáng tạo trên của tôi.

Một hiện tượng khác. A.Lơxagiơ là một thợ mỏ. Cha anh và tổ tiên của anh cũng đều là công nhân mỏ. Khi học ở trường tiểu học, anh không hề biểu hiện những tài năng gì về hội họa. Năm 14 tuổi, tốt nghiệp trung học phổ thông, anh đi theo con đường thợ mỏ - nghề nghiệp của cha ông - và đã trở thành một người thợ mỏ nghiêm túc, những giờ rỗi rãi thì vui chơi với gia đình hoặc sinh hoạt bình thường, không hề tiếp cận với một nghệ thuật nào.

Bỗng nhiên, năm 1911, khi 35 tuổi, tự nhiên anh thấy mình muốn... vẽ. Anh ngồi trước một cái bàn, cái bàn chao lên và tự nhiên anh thấy, tay anh rung chuyển và muốn viết. Bạn của anh là Lơcôngtơ đặt lên bàn một cây bút chì vàng và một tờ giấy. Anh cầm lấy cây bút chì và viết... Đó là những lời ghi cần phải đi mua bút, lụa, và hộp màu... Lúc đầu người ta chưa hiểu ra sao cả. Nhưng về sau, người ta hiểu rằng những cái đó là tự anh mà ra. Và Lơxagiơ đã bắt đầu vẽ sau những giờ làm việc.

Những bức tranh vẽ lụa của anh khá lớn: 3m x 3m, 3m x 2m,50… - Đó là những bức tranh vẽ trang trí, những bức vẽ có tính sáng tạo độc đáo và rất đa dạng. Một tác giả viết:

"Nổi tiếng với bức vẽ đầu tiên của anh, ở đó đã phát huy tài năng của anh ở mức cực đại", ta thấy một tổ hợp các hình rất đa dạng và có mức tinh vi rất cao. Ở phía trái và trên, chúng ta thấy có những đám màu rất tươi, nhắc đi nhắc lại các mô tip trang trí phương Đông. Về phía dưới, người ta tưởng rằng thấy được những tấm lụa thêu, các tấm thảm, các tấm "san" có nhiều sắc thái về tông và có những hình vẽ khéo léo. Ngoài ra, đó là cả một cấu trúc ra một uy quyền nào đó, tạo nên bởi một số lớn các bộ phận chồng chất lên nhau theo một phương hướng nào đó, và mỗi bộ phận đó lại là cái bắt đầu của một tác phẩm trang trí nhỏ, có diện mạo riêng của nó. Tại nhiều nơi khác, chúng ta lại thấy đứng trước một sự tụ tập các mô tip kiến trúc theo các phong cách kiểu xưa".

Tiến sĩ Ôxty, chuyên nghiên cứu các loại hiện tượng này, đã viết: "Người ta sẽ phải ngạc nhiên thấy rằng một con người không được học, không có di truyền nghệ thuật, không có khái niệm từ trước về hội họa, lại có những cảm hứng sâu sắc về các quan điểm trang trí các nền văn minh cổ, đặc biệt là của nền văn minh Đông phương. Và con người này không chỉ là một sự bắt chước theo kiểu một người đã thấm nhuần qua thị giác. Mà ngược lại, con người đó đã mang các phong cách cổ xưa vào trong sáng tạo riêng của mình."

Còn nhiều trường hợp sáng tạo khác qua vô thức của V. Xácđu, G. Trommilin, Gruzevxki. Đặc biệt nhà ngoại cảm Gruzevxki đã vẽ vô thức hoàn toàn trong bóng tối. Và còn biết bao nhiêu hiện tượng sáng tạo vô thức khác trong văn học (Automatic writting).

Tất nhiên, đó là những trường hợp hết sức đặc biệt, là những trường hợp giới hạn trong đó nhân tố vô thức trở nên quyết định hoàn toàn. Nhưng cái quan trọng là các hiện tượng đó tồn tại, và buộc chúng ta phải đau đầu để tìm cho ra cơ chế, còn rất bí hiểm. Đó là những hiện tượng trong đó ý thức và vô thức là không thống nhất với nhau, nên hiểu theo một cách cứng nhắc thuật ngữ "thống nhất". Trong vật lý học lượng tử cũng có những trường hợp cá biệt như thế.

Trong lịch sử nhân loại, có một hiện tượng rất đặc biệt người ta thường bàn đến, là hiện tượng Lêôna Đơ Vanhxi, một người có đầy tài năng nổi bật về nhiều mặt. Các nhà nghiên cứu Tây phương nói chung công nhận ở ông một khả năng vô thức sâu sắc, và liên tục. Còn các nhà nghiên cứu, dựa trên nền văn minh tài năng của Vanhxi dưới một góc độ khác, có liên quan đến hiện tượng thường gọi là bành trướng của ý thức (expansion de la conscience).

Chẳng hạn, nhà ngoại cảm Tây Tạng nổi tiếng Lôxăng Rămpa trong cuốn sách "Bí mật của hào quang" đã cho rằng cơ chế tài năng của Vanhxi là sự bành trướng của ý thức ông, cho phép ông tiếp cận thường xuyên với cái Trên-Tôi hay là Siêu-Tôi hay là TÔI. Cái Trên-Tôi này là nơi lưu trữ tất cả những gì chúng ta làm và suy nghĩ ở trên quả đất chúng ta, nó đóng vai trò một trí nhớ khổng lồ và vĩnh hằng.

Vậy cái Trên-Tôi đó thực chất là gì?

NGƯỜI TA CÓ THỂ HIỂU CHỨC NĂNG, THỰC THỂ CỦA VÔ THỨC NHƯ THẾ NÀO?

Ở đây, chúng tôi xin phép đưa ra đây những ý kiến khác nhau từ Tây sang Đông về vấn đề này mà chúng tôi được biết, với mong mỏi các bạn đọc theo dõi các hiện tượng và suy nghĩ... nhất là đối với các nhà khoa học và các nhà văn học nghệ thuật. Vì sao?

Thời đại vật lý đã lên tới đỉnh cao của nó, các quy luật vật lý cũng đang tiến dần đến những nguyên lý tối sơ của nó. Và khoa học loài người sẽ tất yếu chuyển sang một lĩnh vực khác là lĩnh vực tâm thức, mở đầu cho một khoa học tâm lý mới mẻ, tất nhiên sẽ không còn đóng khung trong một không gian thời gian bốn chiều của Anhxtanh. Và tâm thức là quan trọng biết bao cho văn học nghệ thuật... nếu không muốn nói rằng đó là đối tượng chính. Con người, ngoài cái ăn cái mặc để phục vụ cho cơ thể vật lý nói chung - cái cần thiết cấp một của con người - còn có tâm thức của nó. Và cả khoa học tự nhiên, cả văn học nghệ thuật phải nhằm phục vụ cho tâm thức đó được phong phú, phát huy dồi dào, đẹp đẽ hơn trước. Và đây là nhu cầu cấp hai. Con người đâu chỉ là một đống tế bào vật lý?

Nói chung, người ta thường bàn đến ba phạm trù sau, nêu lên bởi Phrớt, và ngay trong triết học Đông phương cũng đã có từ lâu: Nó, Tôi và Siêu-Tôi (tức là Id, Êgô, Super-êgô hay Sur-moi, Méta-moi, MOI)
 

Ảnh: internet

Về mặt sinh lý thần kinh thì Tôi (êgô) là tương ứng với vỏ bán cầu não trái. Nó là Siêu-Tôi là tương ứng với vỏ bán cầu não phải. Tuy nhiên, đã có nhiều tác giả nổi tiếng như K. Pribram nhà sinh lý thần kinh bậc thầy của thế giới - cũng đã phải cho rằng các hiện tượng về vô thức (Siêu-Tôi) không thể hoàn toàn quy về khoa học nơron thần kinh được. Thế là rắc rối rồi! Nhưng lại phải chấp nhận, và phải ôm đầu suy nghĩ và tìm tòi...

Trong tình yêu thì Nó với Tôi nhập lại thành một, và xuất hiện khái niệm siêu nhân cách (hyperpersonnalité). Hiện tượng ly dị thường thấy chứng tỏ cái siêu nhân cách này chưa được bền vững. Trong hiện tượng thôi miên thì qua khái niệm chuyển dời (transfert), ranh giới giữa Tôi và Nó bị mờ đi. Khi A thôi miên B thì B cũng lại thôi miên A, sự thôi miên là tương hỗ, và cứ đi qua đi lại như thế, và ngày càng sâu. Ta lại có hiện tượng siêu nhân cách. Nói chung hiện tượng siêu nhân cách nằm trên nguyên lý:... "họ không bao giờ tách nhau, luôn luôn gắn liền với nhau, tạo nên một thực thể duy nhất - siêu nhân cách - hay nói chính xác hơn, người này nằm trong người kia" (theo Rustăng).

Cái Siêu-Tôi liên quan đến vô thức, nói chính xác hơn, vô thức có thể xem như một phương pháp tâm lý để tiếp cận với cái Siêu-Tôi. Cũng có thể cho rằng vô thức dựa trên một thực thể là cái Siêu-Tôi. Về khái niệm Siêu-Tôi, từ Tây sang Đông, người ta quan niệm có phần thống nhất, có phần khác nhau. Nói chung, các nhà nghiên cứu phương Tây (trong phân tâm học chẳng hạn) cho rằng cái Siêu-Tôi hay là, nói cách khác, cái vô thức có các tính chất sau:

Một là tính chất nằm ngoài thời gian: đối với vô thức, hiện tại, quá khứ và tương lai nhập lại hay chập lại với nhau, chồng chất lên nhau. Hai là cái vô thức không cảm nhận được những mâu thuẫn, chẳng hạn chủ thể có thể tự đồng nhất với những sinh thể khác một cách trực tiếp, Ví dụ: nhiều bộ lạc ở Brazili trong khi vô thức tự đồng nhất với các con chim vẹt.

Hay là các sự đồng nhất của các chủ thể trong các quá trình thôi miên với các nghệ sĩ nổi tiếng. Tại sao? Một số tác giả cho rằng nguồn gốc của tính chất đó là khả năng của chủ thể hòa đồng được với thiên nhiên, kết với thiên nhiên thành một mà thế giới tự nhiên bao giờ cũng có quy luật nội tại của nó, hoặc là những quy luật chúng ta đã biết với vật lý học, hoặc là những quy luật khác chưa biết cho đến cuối thế kỷ chúng ta. Nhưng quy luật lại liên kết với logic (liên kết với từng loại quy luật). Thành thử, sự tồn tại của vô thức, ngoài ý thức, cho phép giả định rằng vô thức có một lôgic nào đó, khác với logic hình thức (Arixtốt). Ở đây cần nhấn mạnh rằng chủ nghĩa duy Châu Âu (Europocentrisme) thường buộc chúng ta phải tuân theo logic hình thức của họ, áp đặt nhân loại xem đó là khuôn mẫu lý tưởng của tư duy. Điều này hoàn toàn sai lầm, vì logic, cũng như sự phát hiện dần dần các loại quy luật tự nhiên khác nhau, là sản phẩm của văn hóa, với tính phát triển của nó. Nghĩa là trên nguyên tắc, có tồn tại nhiều logic khác nhau, mà nhân loại chúng ta sẽ phát hiện dần dần qua các nền văn hóa khác nhau.

Các nhà triết học và các chân sư Đông phương, nói riêng các nhà Yogi nổi tiếng ở Ấn Độ, như Maharisi Ramana (xem chẳng hạn cuốn Đông phương huyền bí của Nguyễn Hữu Kiệt, các nghiên cứu về Ramana của J. Hecbéc) quan niệm như sau: Họ thay danh từ Siêu-Tôi bằng danh từ Tôi và cho rằng giữa cơ thể thô thiển (vật lý) và cái Tôi có tồn tại một thực thể thứ ba là êgô, tức là cái Tôi (không viết hoa). Họ cho rằng cái Tôi này chỉ là một ảo tưởng, do những sự khác nhau giữa cơ thể thô thiển và cái Tôi. Liên quan đến ba thực thể đó là các trạng thái tâm thức sau: Trạng thái tỉnh, liên quan đến hoạt động của não bộ và của sự thông minh. Trạng thái mơ khi ngủ, khi đó chúng ta đồng nhất với êgô. Trạng thái không mơ khi ngủ, khi đó chúng ta đồng nhất với cái Tôi, nhưng chưa bỏ được cái êgô. Chỉ có trạng thái đại định (samadhi) của các nhà Yogi nổi tiếng mới hoàn toàn đồng nhất với cái Tôi, đồng thời gạt bỏ được cái êgô ở trạng thái này, chủ thể cảm nhận được một hạnh phúc trọn vẹn về tinh thần. Những quan điểm chúng ta đã xây dựng được hiện nay về con người và vũ trụ chỉ là một phần của chân lý, có liên quan đến cơ thể vật lý và êgô. Chúng ta lại có thói quen sử dụng phương thức nắm bắt chân lý bằng sự thông minh kết hợp với hoạt động não bộ. Nhưng cái gì chứng tỏ rằng phương thức tiếp cận đến chân lý đó là duy nhất? Cái TÔI là nguồn dự trữ của tất cả các kiến thức đã đạt được trên quả đất, cái TÔI là vĩnh hằng, nằm ngoài thời gian và tự nó chiếu sáng bản thân mình. Đó là Minh Triết và Thông Tuệ, đó là những cái khác với sự thông minh là sản phẩm của êgô. Còn êgô thì không vĩnh hằng, nằm trong thời gian và trong không gian vật lý. Phương pháp đi đến cái TÔI là phương pháp nội quan, hiểu được cái TÔI bằng nội quan sẽ hiểu được toàn bộ vũ trụ.

Với những người đứng trên quan điểm trường sinh học thì ngoài cơ thể vật lý và hệ Kinh Mạch, con người có trường sinh học bao quanh cơ thể vật lý. Có hai quan điểm. Trường sinh học chỉ là những trường vật lý. Sự tồn tại của trường sinh học trên thế giới đã hoàn toàn khẳng định, với các phát minh của Kilian (1939), các thực nghiệm của Smiếcnốp (Leningrad, 1983), các thực nghiệm của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô với viện sĩ Guliaep và tiến sĩ Gôdik (1986). Các tư tưởng, tình cảm của chúng ta tức là cái êgô - được biểu thị bằng những hình ảnh, những đường sức của trường sinh học đó. Chẳng hạn tình yêu giữa hai người là sự chồng chất hai trường sinh học thành một, bao trùm cả hai cơ thể vật lý của chàng và nàng... Ngoài ra, khái niệm Siêu - Tôi (Tiềm thức chung theo W. Caringtôn và K.Jung, Siêu cơ thể theo P. T. Đ. Sácdin) lại tương ứng với khái niệm trường sinh học thống nhất, tồn tại nhất thể với trường vật lý thống nhất. Nếu qua vô thức, nhà ngoại cảm - hiện nay được gọi là nghệ sĩ tâm thức - hay là chủ thể bị thôi miên, sở dĩ sáng tạo nghệ thuật được như Vanhxi (bằng phương pháp đồng thể hay đồng nhất), thì điều này xảy ra không phải là "vong linh" Vanhxi trở lại nhập vào chủ thể, mà lại do chủ thể tiếp cận được với các trường sinh học thống nhất đó, được xem như dự trữ của mọi thành quả văn hóa của nhân loại, trong đó có các thành quả nghệ thuật của Vanhxi. Mối quan hệ giữa tâm thức các chủ thể: Lơxagiờ, Maninh, các học trò của Raikốp với các thành quả dự trữ này phải chăng xảy ra với dáng dấp của một loại hiện tượng cọng hưởng nào đó! Hiện tượng cọng hưởng này trong kho tàng dự trữ vĩ đại của cái Siêu - Tôi sẽ có những phản hồi tất yếu đối với trường sinh học của những người cảm ứng (nghệ sĩ nổi tiếng chẳng hạn) đang còn sống và có khả năng gây những điều phức tạp không lợi, như Raikốp đã phát biểu.

Nhân tiện, xin trích những câu nói rất thâm thúy của Sácdin: "Như thế, cạnh chúng ta và ngay trong tầm tay chúng ta đã hiện diện cái Siêu cơ thể, mà chúng ta đã cố tìm kiếm từ lâu, và đã dự đoán sự tồn tại của nó. Loài người được xem như một tập thể, mà các nhà xã hội học cần đến để xây dựng các quan điểm lý thuyết và để diễn đạt. Cái tập thể này hiện ra trước mắt chúng ta như một khái niệm xác định, đúng thời điểm và đúng vị trí của nó, như một đối tượng hoàn toàn mới, và đồng thời đã được chờ đợi từ lâu trên các chân trời của cuộc sống. Chúng ta chỉ còn có việc là sử dụng ánh sáng của nó, để có thể nhận thức được vũ trụ, trong đó đã được làm sáng tỏ một cách lạ lùng tất cả các hiện tượng xảy ra hằng ngày, song song với những hiện tượng mà chúng ta đang sống, mà chúng ta chưa cảm nhận được tính hiện thực, cũng như chưa thấy được là chúng đang ở bên cạnh chúng ta, và cũng chưa cảm nhận được tính vĩ đại của chúng".

Chúng tôi có ý muốn đi sâu hơn. Vì vũ trụ là Một, nên muốn tăng lòng tin vào những nghiên cứu về tâm thức, cần nêu lên những thành quả cao nhất của vật lý học hiện đại, các thành quả này sẽ có dáng dấp như các thành quả trong tâm lý học về mặt nguyên lý. Nhưng điểm này chúng tôi đã trình bày trong tạp chí Triết học số 1 năm 1987. Ở đây chỉ xin nhắc lại vài chi tiết quan trọng. Thứ nhất, khi thôi miên (hay tự thôi miên, tự ám thị), chúng ta đưa bộ não chúng ta về số không nhưng đây lại là một số không không phải là không có gì... Trong vật lý học cũng thế, khái niệm chân không vật lý (không mang một thứ vật chất nào) cũng không phải là hoàn toàn không có gì, mà trái lại đó là một môi trường gồm tất cả những hạt vật chất ở dạng chưa biểu hiện, gọi là hạt ảo (particules virtuelles). Chân không vật lý được gọi là vacuum vật lý, và người ta đã chứng minh được rằng vacuum đó là người mẹ tạo dựng ra tất cả những vật chất được biết của vật lý học. Có lẽ đây cũng đồng thời là hình ảnh của cái Tôi, nếu chấp nhận quan điểm vũ trụ là Một. Mặt khác, D. Gabo đã phát minh được cái gọi là toàn đồ (holo-gramme) tức là một bức ảnh trong đó mỗi bộ phận đều có khả năng phục hồi lại mọi thông tin về toàn thể. Người ta chụp toàn đồ một hoa hồng, cắt toàn đồ ấy thành nghìn mảnh. Lấy một mảnh rồi cho chiếu (bằng phương pháp đặc biệt của lý thuyết toàn đồ) lên màn ảnh rộng. Cả cái hoa hồng trọn vẹn hiện ra! Lý thuyết toàn đồ của Gabo đã được giải thưởng Nôben. Và dễ thấy rằng quan điểm Đông phương Con Người là một Tiểu vũ trụ có dáng dấp với bức tranh toàn đồ. Tiếp theo là bức tranh siêu lưu, siêu dẫn trong vật lý học tức là hiện tượng chẳng hạn các hạt chất lưu cháy trong khối chất lưu mà không bị ma sát khi nhiệt độ hạ thấp dần đến 0 độ tuyệt đối (hay cao hơn). Có thể hình dung như sau: Khi nhiệt độ cao thì mỗi hạt có một số đặc trưng của chúng chẳng hạn là có tốc độ khác nhau... Đó là hình ảnh của nhân cách từng người của êgô. Bây giờ ta dần dần giảm nhiệt độ. Một số hạt bắt đầu mất tính cá thể của chúng và dần dần họp lại thành những quần thể gọi là giả hạt. Đây là dáng dấp của hiện tượng nhân cách bị xóa dần và xuất hiện hiện tượng đa nhân cách. Nếu hạ nhiệt độ xuống tận 0 tuyệt đối thì ta thu được một cái không mang tính cá thể nữa mà lại đồng nhất, đâu đâu cũng có tính chất như nhau. Cái đó gọi là ngưng tụ (condensat). Đó là dáng dấp của cái Siêu-Tôi. Tập hợp hai cái: ngưng tụ và các hạt (hay quần thể các hạt) đó gọi là hiện tượng hai dòng lưu. Nhiều tác giả cho rằng tâm thức con người gồm ý thức và vô thức cũng tương tự như hai dòng lưu đó (1).

Theo những trình bày trên, rõ ràng thuật ngữ vô thức dùng không đúng. Trong một thực nghiệm của chúng tôi qua thôi miên ở miền Nam, khi chủ thể đang ở trong trạng thái đầu óc trống rỗng, nhân khi chúng tôi đang bàn với nhau danh từ vô thức, thì bỗng nhiên chúng tôi nghe chủ thể nói một cách đột ngột, một loại phản ứng khá tự nhiên:

- Vô thức! Sao lại vô thức? Không đúng! Không đúng!

Chúng tôi ngơ ngác... Nhân tiện chúng tôi hỏi:

- Thế thì chủ thể đang ở nhân cách nào?

- Nhân cách! Cũng không đúng, hoàn toàn sai! Sai!...

Những câu nói đó làm chúng tôi suy nghĩ... Một là đất nước miền Nam chúng ta đã có bao nhiêu nhà ngoại cảm rất giỏi… mang đến cho chúng tôi bao nhiêu thông tin quý báu. Hai là những danh từ ý thức, vô thức, chỉ là tương đối. Phải chăng đã có bao nhiêu logic khác nhau trong vũ trụ mênh mông, hoàn toàn đa dạng này, nghĩa là bao nhiêu hệ quy chiếu khác nhau đã được tạo dựng nên trong cả một quá trình phát triển dài dằng dặc của nhân loại chúng ta. Và thuật ngữ "TÔI, Siêu - Tôi, Trên - Tôi", cũng chỉ là thuật ngữ, để chỉ một "cuốn sách vô cùng dày", ghi nhận tất cả những gì chúng ta đã làm, một dự trữ của bao nền văn minh của nhân loại... Và cũng chẳng có nhân cách nào trong cuốn sách dày đó để xem như nhân cách của một cái gì đang sống. Chủ thể trong vô thức cũng chỉ làm cái việc đơn giản là giơ từng trang một của cuốn sách đó, chọn trang nào cần thiết cho thực nghiệm đang đặt ra với một cơ chế vô cùng linh hoạt, và theo một logic khác thường nào đó, và ghi chép lại những tình tiết của "người cảm ứng" của Raikốp.

***

Mối quan hệ giữa ý thức và vô thức như thế nào? Theo thuyết Phrớt thì ý thức và vô thức mâu thuẫn nhau (antagonisme). Còn theo trường phái Uznadzé tại Liên Xô thì mặt này thống nhất với nhau (sinergétisme), theo nghĩa là bổ sung như trong vật lý học lượng tử giữa khái niệm sóng và khái niệm hạt. Rõ ràng ở đây danh từ thống nhất không thể hiểu một cách thông thường được, mà phải hiểu theo nghĩa thống nhất âm - dương trong triết học Đông phương. Nói cho cùng, quan điểm thống nhất, nghĩa là tập hợp lại thành một tổng thể, dù đối với các mặt đối lập nhau, vẫn là quan điểm đúng đắn hơn và sâu xa hơn. Còn đường đi của khoa học và nhận thức loài người luôn luôn hướng vào một lối ngày càng hẹp nhưng càng sâu, đó là hướng thống nhất. Đó là cái hẹp về số lượng của chỉ một chân lý cuối cùng, nhưng bao trùm tất cả, cái hẹp mang trong bản thân nó cả vũ trụ...

Về khái niệm libiđô của Phrớt, trong mối quan hệ với khái niệm Cha, nếu xét về mặt y triết học Đông phương thì đó là một điều hợp lý, vì cả hai đều có liên quan đến khái niệm Mệnh môn mà nhà Y học đại tài Việt Nam Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác đã nhấn mạnh và xem như sợi chỉ đỏ của toàn bộ học thuyết của ông. Mệnh môn là nơi ẩn tàng nguyên khí, tiềm ẩn năng lượng tổ tiên của cha ông, cũng đồng thời là ngọn nguồn của sinh dục con người. Chúng tôi không hiểu học thuyết Phrớt thấu đáo, nên chỉ xin nêu lên chi tiết này để các bạn đọc tham khảo và thảo luận.

VÔ THỨC VỚI SỰ SÁNG TẠO VÀ CẢM THỤ NGHỆ THUẬT

Trước hết xin nêu lại một số ý kiến sau về mối quan hệ giữa vô thức và sáng tác, cảm thụ nghệ thuật, đã tổng kết tại hội thảo Vô thức ở Tbilisi:

"Sự nghiên cứu bài toán về mối quan hệ giữa hoạt động vô thức với nghệ thuật đã sản sinh ra một khối lượng mênh mông về sách báo, sáng tác phẩm. Điều này sở dĩ xảy ra vì sự nghiên cứu những vấn đề tương tự như vậy lại được tiến hành đồng thời với những quan điểm, không những thuộc những trường phái khác nhau và xu hướng khác nhau, mà còn thuộc cả những ngành khoa học khác nhau. Quan tâm đến sự phân tích những vấn đề đó là các nhà sinh lý thần kinh, các nhà điều khiển học, các nhà nghiên cứu lịch sử, các nền văn hóa, các nhà nhân chủng học, các nhà nghiên cứu văn học, các nhà ngôn ngữ học. Mặc dầu tư tưởng về vô thức chưa hoàn toàn được xây dựng, mặc dầu chưa hề có một sự nhất trí nào về quan niệm chức năng của vô thức và vai trò của nó trong cuộc sống tinh thần của con người, trải qua hàng chục năm mà không suy sút, đã có xu hướng đưa tư tưởng đó thành một phạm trù công cụ, và sử dụng tư tưởng này như một trong những khái niệm cơ bản để lý giải.

Trong một vài trường hợp, sự kêu gọi khái niệm vô thức đã mang một hình thái rõ nét đến nỗi khái niệm vô thức đã trở thành nhân tố quyết định hoàn toàn quá trình hình thành của hình tượng nghệ thuật, nhân tố độc nhất cho phép lý giải được quy luật và cơ chế tâm lý, làm cơ sở hình thành của hình tượng đó.

Người ta còn cho rằng nếu nhà nghệ thuật còn ngôn ngữ hóa (verbaliser) chủ đề mình sáng tạo, và lại xác định ý nghĩa của sáng tạo đó, thì nhà nghệ thuật đã phá hủy sáng tác của mình, hoặc làm sáng tác đó bị méo mó và sản phẩm này chỉ mang tính chất giả nghệ thuật.

Bài toán khó nhất đặt ra là tìm hiểu cấu trúc chức năng (structure fonctionnelle) của vô thức, tức là bài toán giải đáp các câu hỏi sau: Trong một hình tượng nghệ thuật thì chính cái gì là do vô thức sản sinh ra? Những nét nào của hình tượng nghệ thuật sẽ được chiều sâu hơn, nếu chúng ta hiểu được nguồn gốc vô thức của hình tượng đó? Liệu có tồn tại một mối liên hệ nào đó giữa sự sản sinh ra hình tượng nghệ thuật do hoạt động của vô thức và ảnh hưởng của hình tượng đó đến sự cảm thụ của khán giả?"

Một bác sĩ đứng trước một bệnh nhân có khá nhiều triệu chứng trái ngược nhau. Trước khi dùng duy lý dựa vào các kết quả đo đạc để chẩn đoán, người bác sĩ đó làm gì? Người bác sĩ đó không chia cắt cái tập hợp các triệu chứng đó, mà tự nhiên có một cảm nhận trực tiếp về nguyên nhân bệnh.

Đối với nhà lãnh đạo quân sự trong những tình huống phức tạp cũng thế.

Nhà nghệ thuật đang đứng trước một bức tranh. Người ấy sẽ đánh giá như thế nào? Cắt xén bức tranh ra từng mảnh, như nhà vật lý cắt xén một mẩu quặng ra từng mảnh nhỏ hơn - để tìm hiểu giá trị của bức tranh? Nhà vật lý và nhà nghệ thuật đã phải theo hai con đường về phương pháp luận khác nhau. Nhà nghệ thuật không duy lý, không đi theo phương pháp chia cắt rồi dựa vào logic hình thức để tìm kiểu như nhà vật lý. Để đánh giá qua sự cảm thụ nhà nghệ thuật đã đi theo con đường vô thức với logic riêng của nó, như thế nào đó!

Mà sự không thể chia cắt này có nguồn gốc ở đâu? Theo chúng tôi hiểu, đó chính là cái biểu hiện của cái Trên-Tôi, tức là của một thực thể nằm ngoài thời gian, nằm ngoài cả không gian và biểu thị cho những thực thể liên nhân cách, trong đó nhân cách của đối tượng đã bị xóa nhòa.

Có nhiều tác giả đã vận dụng các tính chất đó của cái Trên - Tôi để viết những tác phẩm trong đó lẫn lộn hiện tại quá khứ và tương lai, những kỷ niệm cũ lần lượt vụt qua rất nhanh, lẫn với những hình ảnh của hiện tại và tất cả được trộn lẫn một cách mờ ảo với những hình ảnh của tương lai... Và cũng có lúc tác giả viết một mạch đến hàng chục trang, không có dấu phẩy, dấu chấm, không qua dòng… Phải chăng đó là một biểu hiện của lập dị? Hay là trái lại, đó là một phản ảnh của vô thức, của cái Trên - Tôi?

Nếu chúng ta vận dụng logic hình thức, logic dựa trên sự cắt xén mà phê phán loại tác phẩm này thì sẽ xảy ra những gì hay và không hay? Tôi không phải là một nghệ sĩ, nên chỉ nêu vấn đề đó cho các bạn đọc suy nghĩ và tự trả lời lấy.

Trong hội thảo nói trên, đã có sự tổng kết: "vị trí ưu tiên của sự nhận thức cái không thể chia cắt đó chính là trong nghệ thuật sáng tạo. Trong quá trình tạo ra những hình tượng thẩm mỹ thì xảy ra cả một dãy những "quyết định" mà nhà nghệ thuật cần phải có, để làm hiện ra chủ đề thẩm mỹ của mình. Những quyết định này cho phép lựa chọn những hình dạng đúng đắn về mặt thẩm mỹ, chọn lựa các vận động, các màu sắc, âm thanh, các danh từ... Các môtip này được lựa chọn một cách vô thức. Vì nếu chúng ta gạt ra ngoài một cách chọn môtip như thế, thì những quyết định cuối cùng chỉ còn là một thứ hành động duy lý, được giải theo một cách logic hình thức, và chính cái này sẽ phá hủy bản chất của quá trình sáng tạo, đồng thời làm sụp đổ cái hiệu lực xuyên sâu cho sự cảm nhận... Một phong cách vô thức như thế đảm bảo được cho nhà nghệ thuật khả năng thu nhận, phản ánh trong các tác phẩm của mình các quan hệ phức tạp đến nỗi không còn có con đường nào khác.

Chính trên cơ sở này mà nghệ thuật tự tạo được cho mình sức mạnh của cái vĩnh hằng trong mọi nền văn minh mà con người đã tạo ra được trong cả quá trình phát triển của lịch sử nhân loại".

Chính vì thế mà trong bài toán liên lạc về các nền văn minh ngoài Quả đất - nếu các nền văn minh đó quả thực tồn tại - ở các hành tinh khác, có nhiều nhà khoa học đã giả định rằng liệu những tín hiệu mang nội dung các quy luật vật lý, các thành tựu toán học của nhân loại chúng ta (xem Sputnhich, 2-1984) đã là những tín hiệu có hiệu quả hay không? Vì sao? Vì các nội dung trao đổi phải có tính vĩnh hằng phải đảm bảo được một cái gì chung cho mọi nền văn minh, phải đảm bảo xóa được những cái cá biệt lúc đầu chưa cần thiết đến… Theo ý chúng tôi, phải chăng đó là cái đã tiếp cận được với cái bản thể sâu xa nhất là cái Trên - Tôi, cái trường sinh học vũ trụ đó, tức đó là nghệ thuật? Dựa vào vũ trụ hình ảnh của Giôcôngđơ của Vanhxi, cái hình ảnh cảm hứng từ cái Trên - Tôi sâu thẳm nhờ biệt tài vô thức của Vanhxi, để trao với các anh em trí tuệ ở các hành tinh khác, phải chăng sẽ có hiệu quả hơn là các quy luật vật lý và các công thức toán học?

Và phải chăng cũng vì tính chất cơ bản này của cái Trên - Tôi nên tốt nhất là tìm cách tìm hiểu tâm tư, tài năng của nhà nghệ thuật trong tâm trạng vô thức của mình. Chúng ta thừa biết rằng nghệ sĩ Dgiunna đã ngồi thầm lặng hằng giờ trước các bức tranh của các họa sĩ nổi tiếng. Để làm gì? Để dùng vô thức cảm thụ được tất cả các tâm tư của tác giả bức tranh, đang còn ghi sâu sắc trên từng phân tử, nguyên tử của bức tranh đó, chứ không riêng trên các đường nét và màu sắc....

Và bình thường hơn, chủ thể bị thôi miên sẽ là một nhà phê bình vô tư nhất đối với các tác phẩm. Với một nhà soạn nhạc, chẳng hạn, tình cảm phụ thuộc vào khả năng nhạy cảm, vào khả năng tinh tường, vào tâm trạng... Vào nhân cách nói chung. Mặt khác, khả năng biểu hiện tình cảm lại phụ thuộc vào mức vô thức của tác giả, sự kết hợp vô thức này với nhân cách sẽ dẫn đến tài năng. Nhưng làm thế nào để đánh giá tài năng đó, đánh giá tác phẩm sáng tạo tâm hồn người nghe? Người nghe tất nhiên sẽ có những thụ cảm khác nhau tùy theo nhiều nhân tố: quan điểm về nhạc, trình độ về nhạc, độ nhạy cảm tùy theo những tình cảm nào tiềm ẩn trong đáy tầm hồn sẽ được khơi dậy, kích động trước nhạc phẩm. Thành thử vấn đề đặt ra là tránh những sự phụ thuộc chủ quan đó là người nghe. Một trong những phương pháp tốt nhất là đưa người nghe về số không, tức là làm trống bộ não của họ, cho tiếp xúc với cái Trên - Tôi, khử cho được trong con người họ những tình cảm, định kiến sẵn có có thể làm cho cảm thụ của họ bị méo mó. Và trong trường hợp này, nét mặt, điệu bộ của họ sẽ biểu hiện rõ nét hơn, trung thực hơn những xúc động của họ trước tác phẩm. Những cái đó sẽ mô tả chính xác hơn trạng thái tâm hồn của họ. Và nhà soạn nhạc, - cũng như các nhà nghệ thuật khác - sẽ có điều kiện thẩm tra lại hoặc là toàn bộ hoặc là từng bộ phận của tác phẩm của mình, xét xem, phần nào của tác phẩm đã đạt, phần nào chưa đạt. Đối với những nghệ sĩ thực hiện cũng thế... Họ cần phải quên chính mình, quên các định kiến, các tình cảm cố hữu, quên cả những điều đã được giáo dục một cách duy lý... Người đó cũng phải làm trống bộ não của mình, tức là tự tạo cho mình điều kiện tiếp cận được với cái Trên - Tôi, như tác giả tác phẩm... Sau đó là tự đồng nhất với nhân vật đang đóng... tức là nhập vai.

Còn nếu chúng ta dùng vô thức để nắm bắt hào quang - tức là trường sinh học - thì rõ ràng bức tranh cảm thụ nghệ thuật sẽ hiện ra dồi dào hơn về bản chất... Ngoài các nét mặt, ngoài các điệu bộ của chủ thể cảm thụ, còn có những biểu hiện khác không phải trên cơ thể vật lý đó, mà còn cả những biểu hiện trên hình dạng và màu sắc đậm nhạt của hào quang như các thực nghiệm của Kialian đã chứng tỏ. Nhà văn, thi sĩ sẽ có nhiều phương tiện hơn để diễn đạt tình cảm trên hai thành phần khác nhau của con người với sắc thái khác nhau, nhưng lại đồng bộ với nhau, như trong một buổi hòa nhạc với nhiều dụng cụ âm nhạc khác nhau, có thể chúng ta chưa quen các hình ảnh như thế và còn cảm thấy ngỡ ngàng. Nhưng việc chưa quen và chân lý không phải khi nào cũng va vấp với nhau.

Một điểm lý thú là các anh hùng trong một tác phẩm thường lại là những biểu hiện nhân cách của tác giả, giữa các nhân vật này có những mối liên quan chặt hay lỏng. Nếu những mối liên quan quá chặt, thì bức tranh không có gì đặc sắc. Có những nhà phê bình đã nhận xét một cách sâu sắc những quan hệ này ở Đôxtôievxki. Gộp các nhân cách của các anh hùng khác nhau trong tác phẩm lại với nhau, chúng ta có một đa nhân cách, thường lại có dáng dấp của tác giả. Người ta nói tác giả khi viết tác phẩm đã phân thân. Từ đó người đạo diễn tác phẩm của tác giả đã phải tự đồng nhất với một đa nhân cách như thế, và tất nhiên cũng qua con đường vô thức là chủ yếu.

Rõ ràng khái niệm nhập vai, cũng như khái niệm đa nhân cách là những khái niệm đã "cổ" như quả đất chúng ta. Vấn đề ở đây chỉ đưa ra dưới một góc độ xác định: góc độ vô thức trên cơ sở của cái Siêu-Tôi, đã được nghiên cứu khá nhiều và đã được nhiều ngành khoa học khác nhau hỗ trợ hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp như vật lý học hiện đại.

Hiện nay, nhiều nhà toán học như Sapirô, Nalimốp, Gianphinkenstein... đã cố gắng đưa các mô hình toán học vào vô thức. Vô thức đã tràn vào đời sống con người và khoa học dần dần như một dòng thác mạnh mẽ, nhưng đầy hương hoa...

Để kết luận, xin trích vài lời của B. Bêlănggiê viết đề tựa cho cuốn sách Sư phạm ám thị học (Suggestologie) của nhà tâm lý học nổi tiếng Bungari, tiến sĩ G. Lôzanốp. Ám thị là gì? Theo Lôzanốp, ám thị là một phản xạ tâm thức phổ biến, trong đó, khi kích thích hoạt động vô thức, người ta có thể tạo ra trong chủ thể một tâm thể đặc thù (hiểu theo nghĩa uxtanovka của trường phái Uznadzé, Tbilisi) hướng theo chiều phát huy các dự trữ chức năng của con người. Nội dung của ám thị như thế bao gồm hai nội dung là vô thức và dự trữ. Điều này hoàn toàn phù hợp với quan điểm Trên-Tôi, là cái kho trí nhớ của nhân loại. Theo Lôzanốp, môi trường xung quanh chúng ta vừa mang tính xã hội, vừa mang tính tự nhiên, luôn luôn là một cái kho thông tin, trong đó một số đi vào chúng ta qua ý thức, còn một số lại theo con đường vô thức, được giữ lại dưới dạng tiềm thức và trong những điều kiện thuận lợi, các thông tin đó có thể vượt qua các giới hạn của chúng, trở thành những gì cảm nhận được qua ý thức và trở thành những nhân tố gây ra được những phản ứng tâm sinh lý của cơ thể. Từ đó, có thể đặt ra cho khoa sư phạm ám thị học một nhiệm vụ là nghiên cứu các quy luật có tác động làm cho các khả năng sáng tạo của con người hiện đại được khai mở một cách tối ưu.

Bêlănggiê viết:

"Nhưng tại sao lại phải đặt ra vấn đề đó hiện nay, trong hoàn cảnh phát triển khoa học kỹ thuật cuối thế kỷ chúng ta. Giai đoạn lịch sử hiện nay là một giai đoạn phát triển kinh hoàng của khoa học và kỹ thuật, của năng lượng nguyên tử, hạt nhân, của máy tính điện tử, của các chuyến bay vũ trụ... Nhưng những thành tựu này liệu đã mang đến cho con người hạnh phúc thực sự không? Mặc dù các thành tựu đó đã cung cấp những lợi ích rõ rệt trong cuộc sống vật chất hằng ngày. Nhưng dù sao, chúng ta cũng không thể làm ngơ trước những mặt tiêu cực như tiếng ồn, hiện tượng ô nhiễm môi trường, sự căng thẳng, hiện tượng mất an toàn và nhiều hệ quả khác, do sự vận hành máy móc, ngày càng phức tạp".

Xin trích một câu chuyện xưa vui vui như sau. Một nhà khoa học đi qua một vùng rừng núi, và thấy một ông già đang lao động trong một cái vườn. Ông muốn tăng lượng nước tưới cây trong vườn. Muốn thế, ông tụt xuống một cái giếng và lại trèo lên, hai tay mang một cái gàu nước nặng, để rồi trút nước vào các đường mương. Ông đã mất nhiều sức mà hiệu suất thì lại kém. Nhà khoa học liền nhẹ nhàng tiến đến cạnh ông và nói:

- Tôi có một phương pháp tưới cho trăm cái vườn như thế này trong chỉ một ngày. Chỉ mất một tí lao động mà lại được những hiệu quả lớn. Ông có thích dùng phương pháp đó không?

Ông già đứng dậy, nhìn nhà khoa học và hỏi: - Đó là phương pháp gì?

Nhà khoa học trả lời: - Người ta lấy một đòn bẫy bằng gỗ, nặng tại phần sau và nhẹ tại phần trước. Và nhờ cái đòn này, người ta có thể lấy nước rất dễ dàng.

Ông già tự nhiên đỏ mặt lên và cười gằn:

- Thầy giáo của tôi đã dạy tôi rằng: Người nào sử dụng máy móc sẽ giải quyết mọi vấn đề một cách máy móc. Người nào giải quyết mọi vấn đề một cách máy móc sẽ có một quả tim như máy. Người nào có quả tim như máy sẽ mất tính hồn nhiên. Người nào đã mất tính hồn nhiên sẽ bất định trong tâm trí. Và tính bất định trong tâm trí không thể hòa với lương tri. Không phải tôi không biết cái máy ông vừa nói. Tôi chỉ ghê tởm nó, mà không muốn sử dụng đó thôi!

Câu chuyện ngắn này mang cốt cách Đông phương. Và điều này phù hợp vào tâm sự sau đây của Bêlănggiê:

"Trước những khó khăn đó, cũng không gì đáng ngạc nhiên khi thấy nhiều người rời bỏ các tỉnh thành để về sống tại nông thôn trong một môi trường yên tĩnh, nhằm tạo được cho mình một cuộc sống đơn giản. Có nhiều người đương thời với chúng ta đã tránh dần những của cải vật chất của nền văn minh hiện đại, để hướng về những nghiên cứu khác và theo những con đường khác, không mang tính vật chất tầm thường, là con đường dẫn đến những thực nghiệm thuộc nội tâm. Chúng ta có thể tìm thấy bằng chứng của xu hướng đó khi quan tâm đến các khoa học cổ truyền Đông phương trong sự tập trung tâm thức, sự thư duỗi trong sự thiền định, nói chung trong các khoa học và sự luyện tập cho phép tiếp cận sát hơn với tâm thức. Điểm tụ của tất cả những kỹ thuật luyện tập đó, bề ngoài trông dường như khó hiểu, là ở chỗ người ta cảm nhận một hy vọng phát triển được các năng khiếu và các tiềm thể của con người, cho phép sống thoải mái hơn, và thích ứng tốt hơn với môi trường".

Giữa hai nền văn hóa Tây phương, và Đông phương, đến cuối thế kỷ huy hoàng của khoa học kỹ thuật hiện nay, chúng ta rồi sẽ chọn con đường nào? Con đường Tây phương, hay con đường Đông phương? Tôi còn nhớ một câu tâm đắc như sau:

"Và như thế, khi đã đến đỉnh cao đương thời và chốc lát của lịch sử loài người, chúng ta hãy quay trở lại..." (Tâyhađơ Sacđin).

Hà Nội, 18-4-1988
N.H.P
(SH37/05&06-89)


--------------
(1) Hiện nay nhiều nhà khoa học trên thế giới cho rằng vật lý học lượng tử sẽ đóng vai trò cầu nối về phương pháp luận, về công cụ để tiếp sang các học thuyết về tâm thức. Trong lịch sử vật lý, người ta đã đi từ cơ học lượng tử - cái lõi của vật lý lượng tử - để đến học thuyết về vacum, về siêu dẫn... Các lõi này cũng đồng thời là một phong thái nhận thức mới, khác với phong thái của cơ học cổ điển bình thường, "rắc rối" và trừu tượng đến nỗi các học trò của tôi đã phải đổi tên nó là... "Cơ học lộn cổ"... Chẳng hạn, ta thường quen với hiện tượng chuyển động có quỹ đạo, như quỹ đạo của quả đất khi chuyển động xung quanh mặt Trời. Nhưng trong cơ học lượng tử, khi xét đến chuyển động của điện tử quanh hạt nhân, thì điện tử lại không có quỹ đạo. Tại từng thời điểm một, điện tử có thể có mặt tại nhiều nơi... Có thể hình dung ở đây là một loại phân thân của điện tử…






 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Tình vờ (04/09/2015)
Cún (12/08/2015)