Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-15)
Diễn trình 70 năm Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế
10:23 | 06/10/2015

HỒ ĐĂNG THANH NGỌC

Cách đây tròn 70 năm, tối 18/9/1945, hơn 50 văn nghệ sĩ Huế đã thống nhất thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên với Ủy ban Chấp hành Lâm thời do Hoài Thanh làm Chủ tịch, Thanh Tịnh, Hà Thế Hạnh làm Thư ký; “toàn thể hội nghị đã chấp thuận đề án ba bức điện văn cương quyết ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính quyền nhân dân, nhiệt liệt hưởng ứng anh chị em văn hóa Bắc Bộ, và tha thiết kêu gọi anh chị em văn hóa các tỉnh mau tổ chức liên đoàn văn hóa hàng tỉnh để đi đến sự thành lập Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Trung Bộ”.(1)

Diễn trình 70 năm Hội Văn Học Nghệ Thuật Thừa Thiên Huế

Liên đoàn cũng thành lập 4 ban: Văn học, Hội họa-Điêu khắc và Kiến Trúc, Âm nhạc, Ca kịch. Tối ngày 22/9/1975, Đại hội nghị của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên đã duyệt y điều lệ, chương trình hành động và bầu Ủy ban Chấp hành chính thức với Hoài Thanh làm Chủ tịch, Hoàng Hữu Xứng, Thanh Tịnh làm Thư ký. Liên đoàn dự định xuất bản một tờ tuần báo lấy tên là Đại Chúng và lập một đoàn tuyên truyền lưu động sẽ đi khắp các huyện trong tỉnh.(2)

Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên vừa mới hoạt động được ba tháng, do tình hình mới, một số cán bộ của Liên đoàn được điều động nhận công tác khác. Nhà phê bình Hoài Thanh chuyển ra Hà Nội, Liên đoàn quyết định tổ chức Đại hội nghị Đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên tối ngày 20/12/1945, bầu lại Ban Chấp hành gồm: Hải Triều: Chủ tịch; Nguyễn Xuân Dương: Phó Chủ tịch; Dương Kỵ: Thư ký; Vương Tứ Ba: Phó Thư ký…

Ngay sau khi Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc vừa ra đời, tại Huế, nhiều hoạt động VHNT đã diễn ra sôi động. Ban Hội họa đi tiên phong tổ chức triển lãm phòng tranh tuyên truyền vào ngày 23/9/1945. Đây là cuộc triển lãm đầu tiên của giới họa sĩ Huế nói riêng, Việt Nam nói chung sau Cách mạng tháng 8/1945. Tháng 11/1945, tờ báo văn hóa nghệ thuật của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên có tên Đại Chúng ra số đầu tiên. Các hoạt động văn nghệ, chiếu phim liên tục được tổ chức. Đặc biệt, Đoàn nghệ thuật Xây Dựng được thành lập. Đây là đặc điểm rất riêng, chỉ Huế mới có. Đoàn do Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu tổ chức, với phương châm “Dân tộc dân chủ”. Ban Chấp hành Đoàn được bầu ra bao gồm: Hoài Thanh, Đào Duy Anh, Lưu Trọng Lư, Lưu Quý Kỳ, Chế Lan Viên, Hải Triều...(3)

Trang bìa báo Đại Chúng số 2, ngày 1-4-1946 - Ảnh: Báo T.T.Huế


Lúc đó ở Huế tề tựu rất đông văn nghệ sĩ: Văn có Thanh Tịnh, Trịnh Xuân An, Bửu Tiến, Trần Thanh Địch, Hoàng Trọng Miên… Thơ có Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, Vĩnh Mai, Khương Hữu Dụng, Phan Văn Dật, Võ Quảng, Hoàng Yến, Nguyễn Đình Thư, Phan Thanh Phước… Đông nhất là lý luận, nghiên cứu phê bình: Hải Triều, Hải Thanh, Bội Lan, Phan Nhân, Hồng Chương, Dương Kỵ, Lưu Quý Kỳ, Đào Duy Anh, Trần Thanh Mại, Hoài Thanh... Mỹ thuật có Phạm Đăng Trí, Nguyễn Đức Nùng, Tôn Thất Đào... Âm nhạc có Nguyễn Hữu Ba, Phạm Duy, Hải Châu, Trần Hoàn, Lệ Minh…

Văn nghệ sĩ Huế bấy giờ hoạt động sôi nổi. Họa sĩ Phạm Đăng Trí vẽ tranh tuyên truyền. Hoàng Trọng Miên giới thiệu thơ Maia trên báo Quyết Thắng, đó cũng là các bài viết về Maiakovsky sớm nhất sau Cách mạng tháng Tám. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba được hoan nghênh lớn vì Lửa rừng đêm. Đoàn kịch của Trọng Miên, Bửu Tiến diễn liên tiếp nhiều đêm “Lôi Vũ”, về diễn ở cả Sịa.

Cũng trong năm 1946, nhà văn Hải Triều cho tái bản lần thứ 2 cuốn Chủ nghĩa Mác xít phổ thông (lần 1 xuất bản năm 1938). Nhà thơ Tố Hữu với những bài thơ cách mạng nổi tiếng trong những năm 30, 40 được tập hợp in trong tập Thơ Tố Hữu do Hội Văn hóa Cứu quốc xuất bản năm 1946. Nhà văn Thúc Tề từ sau Cách mạng tháng Tám (1945) tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc. Tháng 12 năm 1946, Thúc Tề bị quân Pháp bắt cóc, giết chết và vứt xác ở ga Truồi (thuộc huyện Phú Lộc) khi ông chỉ mới tròn 30 tuổi và chưa lập gia đình. Ông được xem là nhà báo liệt sĩ cách mạng đầu tiên.(4)

Ngày 20/12/1946, Huế mở chiến dịch 50 ngày đêm bao vây đánh Pháp. Tháng 2/1947, Thừa Thiên Huế vỡ mặt trận do tương quan lực lượng quân ta và Pháp chênh lệch. Quân Pháp tái chiếm Huế và vùng nông thôn. Lực lượng cách mạng tập trung xây dựng chiến khu, tiến hành trường kỳ kháng chiến. Nhiều văn nghệ sĩ Huế tiếp tục tham gia cách mạng ở chiến khu Hòa Mỹ, chiến trường Bình Trị Thiên, Liên Khu 4…

Tháng 3/1949, theo lệnh của Thiếu tướng Nguyễn Sơn, một lớp Văn nghệ Quân đội được triệu tập ở Thanh Hóa gồm trên 70 chiến sĩ làm công tác văn nghệ. Học xong 3 tháng (3 - 6/1949), trên 15 văn nghệ sĩ trẻ của đội tuyên truyền Trung đoàn 77 và một số đoàn viên ở Phòng Chính trị Liên khu 4 xung phong vào phục vụ chiến trường Bình Trị Thiên. Đội văn công của nhạc sĩ Đình Quang có nhạc sĩ Phạm Duy đi kèm đã vào đến Dương Hòa, Hòa Mỹ. Đội thứ hai là một lực lượng hùng hậu chuyên diễn kịch do Bửu Tiến dẫn đầu. Bửu Tiến được ghi nhận là người có công với sân khấu với kịch Bình Trị Thiên và toàn quốc cái thuở ban đầu.

Bấy giờ ở Thừa Thiên Huế có nhiều trận đánh nổi tiếng. Đặc biệt là các trận Nam Đông, Thanh Hương (Phong Điền), Hói Mít (Phú Lộc), Thanh Lam Bồ (Hương Thủy)... Trung đoàn 101 chống giặc càn ở vùng phá Tam Giang để những tên đất Kế Môn, Đại Lược, Thanh Hương, Phong Chương vào nhạc, vào thơ.

Tháng 8/1949, đoàn cán bộ ở Sở Tuyên truyền Liên khu 4 đã được cử vào giúp Thừa Thiên Huế xây dựng phong trào văn nghệ. Đoàn đã làm việc với văn nghệ sĩ và các anh chị em văn công Thừa Thiên, các cán bộ chiến sĩ Trung đoàn 101... Cuối cùng, tổ chức được một cuộc họp văn nghệ toàn tỉnh Thừa Thiên gồm hơn năm chục người tại nhà thờ họ Lê, Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc. Đáng lý còn có thể đông hơn (dự kiến một trăm rưỡi) nhưng trước đó Pháp lùng ở Phú Vang nên một số người ở Bắc Thừa Thiên không vào dự được. Các đại biểu vừa nghe các phát biểu vừa chú ý theo dõi hướng nổ của đại bác. Cuộc họp diễn ra trong năm ngày, thảo luận về đủ các môn văn, thơ, nhạc, kịch, có phát giải thưởng, có tổ chức một đêm kịch (diễn cả Nhật Xuất) và sau đó có tổng kết và bầu Ban Chấp hành Phân hội Văn nghệ Thừa Thiên do Trịnh Xuân An làm Phân hội trưởng(5).

Nhiều tác phẩm kháng chiến ra đời trên mảnh đất Thừa Thiên Huế, nhạc sĩ Phạm Duy, năm 1950 còn là thiếu úy Đoàn văn công Quân khu 4, vai mang đàn ghi ta sáng tác và hát sôi nổi Bà mẹ Gio Linh, Bên ni bên tê ở Phong Điền và cả vùng Bao Vinh ngoại ô Huế… Bài hát Lúa vàng được nhạc sĩ Mặc Hy hoàn thành trong một đêm cuối năm 1949 ở vùng Kế Môn, Đại Lược, huyện Phong Điền, được dàn dựng, giới thiệu ở Đại hội Văn nghệ Quảng Trị 1950, do hai vợ chồng Nguyễn Hữu Thiết và Ngọc Cẩm trình bày. Ở đại hội này, bài hát Công nông liên minh của Mặc Hy được giải thưởng về nhạc. Phòng Chính trị Quân khu 4 cho in li-tô lấy tên là Hạt lúa phản công trong không khí chuẩn bị tổng phản công trong toàn quốc; sau đó được phổ biến rộng rãi toàn Bình Trị Thiên ra cả vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh. Tại cuộc Họp bạn Văn nghệ Thừa Thiên họp ở Mỹ Lợi (1950), Mặc Hy cũng đã giới thiệu Lúa vàng(6).

Văn nghệ sĩ trong thời điểm này tùy theo tình hình diễn biến của chiến trường mà hoạt động. Các bộ môn như kịch, nhạc, tấu vè phát triển rầm rộ. Tờ báo Giết Giặc của Thừa Thiên Huế, tờ báo Vệ Quốc Quân của Liên khu IV bao giờ cũng có đăng các bài ghi chép, phóng sự chiến tranh, thơ, ca dao, hò, vè, tấu, nhạc... Thừa Thiên Huế đã có một đội ngũ văn nghệ sĩ tương đối nhiều, ở các địa bàn huyện xã có Phan Nhân, Hoàng Tuấn Nhã, Trịnh Xuân An, Hoàng Liên, Thái Quang Ngoạn, Lê Trọng Sâm, Trần Xuân Dục...; ở các đoàn văn công có Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Hồng, Ngọc Lan, Mặc Hy, Vĩnh Cường...; ở đơn vị bộ đội có Hồ Vi, Phùng Quán, Văn Tôn (tức Hải Bằng), Viễn Tín, Trần Công Tấn, Nguyễn Ngọc Liễn… Những tác phẩm ra đời trong giai đoạn này khá  phong phú, phần nhiều sáng tác ngay tại chỗ, phục vụ tại chỗ. Nhiều tác phẩm còn có sức sống lâu bền như Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương, Lời quê của Hồ Vi, Trận Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ...

Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam lần thứ nhất 1951 - 1952 có hai tác giả Thừa Thiên - Huế được giải: Ký sự Trận Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ được giải nhì, các bài độc tấu của Thanh Tịnh được giải khuyến khích.

Ở nội thành Huế, dưới sự kiểm soát gay gắt của Pháp và chính quyền sở tại, trí thức và văn nghệ sĩ ủng hộ kháng chiến vẫn tìm cách công bố các tác phẩm đề cao lòng yêu nước, hướng về ngọn cờ kháng chiến chống Pháp trên các tờ báo công khai (Công Lý, Tin Tức, Tiến Hóa, Hồn Trẻ) hoặc bí mật (Tin Tưởng)… Những bài thơ kháng chiến, bài ca, bài vè cách mạng từ vùng kháng chiến gởi về đã đi vào lòng người dân trong vùng còn bị chiếm đóng. Một số văn nghệ sĩ vẫn cố gắng tổ chức các hoạt động văn học nghệ thuật có ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc.

*

Năm 1954, phá bỏ Hiệp định Genèver, Mỹ gạt Pháp, trực tiếp nhảy vào miền Nam, thực hiện chính sách thực dân kiểu mới, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Thừa Thiên Huế bị đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên. Cuộc chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên - Huế dưới sự lãnh đạo của Đảng lại tiếp tục cùng với miền Nam và cả nước vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc.

Tỉnh ủy Thừa Thiên thành lập Chiến khu Thừa Thiên ở A Lưới. Về sau có những giai đoạn hợp nhất thành chiến khu Trị Thiên - Huế… Văn nghệ sĩ, trí thức cũng đã tham gia các hoạt động kháng chiến và có nhiều sáng tác VHNT tại đây.

Sau đồng khởi đồng bằng Thừa Thiên (cuối năm 1954), vùng giải phóng trong tỉnh được mở ra, tạo thế liên hoàn với thành phố.

Các văn nghệ sĩ trong ảnh. Ngồi: NS Trần Hoàn, HS Lê Khánh Thông, ca sĩ Thu Lưỡng, nhà văn Trần Phương Trà, Đ/c Lê Phương Thảo (Lê Công Cơ). Đứng trước: Nhà thơ Thanh Hải, Đ/c Hoàng Thị Mười, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, nhà thơ Thanh Huyền, Đ/c Nguyễn Thế Linh (trưởng đoàn Văn công Trị Thiên), nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thái. Đứng sau: Đ/c Trần Thân Mỹ, nhà báo Lê Khánh Căn, và nhạc sĩ Thuận Yến. Ảnh tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân.


Từ sau năm 1966, đội ngũ văn nghệ sĩ, báo chí ở Chiến khu Thừa Thiên đã hùng mạnh: Văn có Tô Nhuận Vỹ, Phan Cảnh Nhơn, Trần Vương, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Hà, Đặng Đình Loan, Thanh Phong, Lê Dự, Trần Nguyên Vấn, Nghiêm Sỹ Thái, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Phá Nhạc, Nguyễn Văn Đồng…. Thơ có Thanh Hải, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Ngàn Chi, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, Trần Vàng Sao, Hồ Ánh Kỷ, Quế Lâm… Mỹ thuật có Lê Khánh Thông, Lê Minh Trường, Nguyễn Trung Bảy…; viết kịch và đạo diễn có Thanh Huyền; Âm nhạc có Trần Hoàn (Hồ Thuận An), Văn Dung, Thuận Yến. Văn công có diễn viên Thu Lưỡng, Phương Nhi, Ku Lai (dân tộc Pa Kô)… Nhiếp ảnh có Trọng Thanh, Văn Thái…

Sau chiến dịch Xuân 1968, chiến trường Trị Thiên bị đánh phá ác liệt. Để bảo toàn lực lượng văn nghệ miền Nam, một số văn nghệ sĩ từ chiến trường miền Nam, trong đó có Trị Thiên được điều ra Bắc để an dưỡng và tiếp tục sáng tác, nhiều văn nghệ sĩ tiếp tục ở lại, kiên trì bám trụ(7).

Năm 1969, do nhu cầu phát triển của phong trào, tại chiến khu Thừa Thiên Huế đã tiến hành tổ chức thành công Đại hội Văn nghệ Trị Thiên - Huế. Đại hội đã quyết định thành lập Chi hội Văn nghệ giải phóng Trị - Thiên - Huế với Ban Chấp hành gồm 21 vị. Đại hội đã bầu vào Ban Chấp hành 15 vị, và để dành 6 chỗ cho các lực lượng văn nghệ khác sẽ tham gia Chi hội trong quá trình phát triển của phong trào. Ban Thường trực của Chi hội gồm 5 vị: nhạc sĩ Hồ Thuận An (Trần Hoàn) Chi hội trưởng; các Chi hội phó: nhà thơ Thanh Hải (kiêm Tổng Thư ký), Hoàng Phủ Ngọc Tường (lúc đó là Tổng Thư ký Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình thành phố Huế), Thanh Huyền, nhà viết kịch và đạo diễn. Ủy viên Thường trực kiêm Phó Tổng Thư ký: Nguyễn Tuyến Trung, nhà viết kịch.
 

Ngày 31/10/1971, Trại sáng tác văn học của Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị - Thiên - Huế được khai mạc, các văn nghệ sĩ Huế đã có hai cuốn sách: Tập ký và truyện Trị Thiên Huế, tập thơ Huế nổi dậy rồi do Chi hội ấn hành.(8)

Năm 1972, khi cơ sở ở nội thành bị vỡ, nhiều văn nghệ sĩ Huế đã lên chiến khu: Võ Quê, Thái Ngọc San…

Tháng 9/1972, cuộc họp mặt vận động thành lập Hội Văn nghệ Giải phóng Thừa Thiên Huế đã được tổ chức tại Khe Rùa chiến khu Thừa Thiên. Nhạc sĩ Trần Hoàn, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên Huế và ông Tống Hoàng Nguyên, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên chủ trì(9).
 

Một tiết mục văn nghệ ở chiến khu Thừa Thiên. Ảnh tư liệu của Trần Nguyên Vấn

Không khí văn nghệ ở chiến khu thời chống Mỹ rất sôi động, các kỳ đại hội thi đua đều có đọc thơ; các chuyến về cơ sở vùng tạm chiếm, các nhà thơ đều đọc thơ cho đồng bào nghe… Những năm 1964 - 1975, giới sáng tác âm nhạc và biểu diễn ở chiến trường càng gắn bó chặt chẽ hơn với các phong trào quần chúng: “Tiếng hát át tiếng bom”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”…

Riêng chuyên ngành Mỹ thuật: nhiều họa sĩ quân đội đã trực tiếp cầm súng chiến đấu hoặc công tác tại các cơ quan tuyên huấn của các đơn vị, họ đã tay súng, tay bút tham gia chiến đấu và các hoạt động mỹ thuật, nhiều họa sĩ đã có mặt ở đường Trường Sơn. Các ký họa từ quân khu Trị Thiên đã phục vụ trực tiếp các đơn vị với những cuộc trưng bày bên chiến hào và gửi ra Hà Nội tham gia các triển lãm Mỹ thuật. Từ chất liệu của cuộc sống, nhiều tác phẩm lớn đã ra đời tham dự các triển lãm mỹ thuật toàn quốc sau này…

Phong trào đô thị là một mũi giáp công chiến lược không thể tách rời trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược do Đảng lãnh đạo bắt đầu từ Hiệp định Genève ký kết.

Trong thời gian này, dưới sự lãnh đạo khéo léo của cách mạng, lực lượng văn nghệ sĩ ở đô thị Huế đã hình thành nhiều tổ chức nhằm tập hợp đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật với nội dung yêu nước, đấu tranh đòi hòa bình, thống nhất tổ quốc như nhóm “Việt Nam, Việt Nam”, “Nhóm Việt”, “Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung”, “Hội Sinh viên Sáng tác Huế”... Một số sách báo có nội dung đấu tranh chống Mỹ cũng xuất hiện rất phong phú trong các phong trào yêu nước tại thành phố Huế.

Các ấn phẩm văn nghệ của Tổng hội Sinh viên Huế được xuất bản như: Tủ sách đồng bào, tập thơ Ngày quật khởi, Nguồn mạch mới, tập ca khúc Tiếng ca giữ nước và các tác phẩm họa, thơ, nhạc được đăng tải trên các báo chí yêu nước cũng góp phần vào cuộc chiến đấu chung trên mặt trận văn học nghệ thuật. Qua phong trào văn nghệ đấu tranh đô thị Huế, đã xuất hiện một lực lượng sáng tác hùng hậu: Ngô Kha, Trần Duy Phiên, Trần Hữu Lục, Trần Hồng Quang, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Quang Long, Lê Minh Trường, Lê Văn Ngăn, Bửu Chỉ, Thái Ngọc San, Lê Nhược Thủy, Trần Phá Nhạc, Võ Quê, Đông Trình, Nguyễn Phú Yên, Nguyễn Đông Nhật, Lê Gành, Trần Đình Sơn Cước, Nguyễn Hoàng Thọ, Huỳnh Văn Trương, Huỳnh Ngọc Sơn, Nguyễn Công Thắng, Trần Văn Hội... Một số văn nghệ sĩ thành phố đã hy sinh như Trần Quang Long, Lê Minh Trường, Ngô Kha... thể hiện khí phách của giới văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tại một cuộc biểu tình của phong trào đô thị


Nhiều tên tuổi đóng góp cho văn nghệ Việt Nam đã xuất hiện trong phong trào đô thị. Thơ văn có Ngô Kha, Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Lê Văn Ngăn…; Hội họa có Vĩnh Phối, Bửu Chỉ…; Âm nhạc có Trịnh Công Sơn, Nguyễn Phú Yên… Đặc biệt là Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” phát triển từ Sài Gòn, nhưng trước đó đã manh nha ở Huế, chương trình “Hát cho dân tôi nghe” do văn nghệ sĩ tổ chức đầu tiên ở Huế và đó là cảm hứng cho Tôn Thất Lập sau này vào Sài Gòn sáng tác nên ca khúc hừng hực khí thế đấu tranh.

Cuộc đấu tranh công khai trên “mặt trận đường phố” của phong trào đô thị Huế đã khiến những người cầm bút là văn nghệ sĩ, trí thức, sinh viên học sinh lúc đó phải hết sức khôn khéo. Họ phải lách qua sự kiểm duyệt khắt khe để có thể cất tiếng nói tranh đấu, hướng nhận thức và tình cảm của quần chúng theo quỹ đạo cách mạng song lại tránh được việc bộc lộ lực lượng. Rất nhiều trường hợp, thông điệp được giấu kín giữa hai hàng chữ, là những ẩn dụ xa xôi. Nhưng khi có điều kiện trong mối tương quan lực lượng, các tác phẩm của họ đã trực diện tố cáo chế độ Mỹ ngụy; cất tiếng ca hy vọng về tương lai hòa bình, giải phóng đất nước, thống nhất non sông…

*

Ngày 26/3/1975, Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng. Chính quyền Cách mạng Lâm thời Thừa Thiên Huế tiếp quản cơ sở 26 Lê Lợi Huế làm trụ sở của Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế. Nhà thơ Thanh Hải làm thủ trưởng cơ quan Hội. Thời kỳ này Hội tập trung vào việc tập hợp đội ngũ văn nghệ sĩ từ chiến khu Thừa Thiên Huế về, từ miền Bắc vào và lực lượng tại chỗ...

Tối 14/4/1975, tại Viện Đại học Huế đã diễn ra cuộc họp mặt của giới văn nghệ sĩ tại thành phố Huế và văn nghệ sĩ Giải phóng Thừa Thiên Huế. Nhà văn, dịch giả Lê Khắc Cầm thay mặt văn nghệ sĩ thành phố Huế phát biểu cảm nghĩ về những năm tháng sống dưới chế độ Mỹ - Thiệu và niềm phấn khởi trong những ngày giải phóng. Sau đó nhiều văn nghệ sĩ khác của thành phố Huế và của Hội Văn nghệ Giải phóng phát biểu những cảm xúc của mình, xác định nhiệm vụ của người văn nghệ sĩ là đem tài năng, sức lực phục vụ đất nước, xây dựng lại thành phố Huế. Toàn thể văn nghệ sĩ có mặt đã thông qua danh sách Ban Điều hành công tác văn nghệ thành phố Huế thời gian trước mắt gồm 7 người, do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Trưởng ban(10).
 

Từ tháng 3/1976, tạp chí Văn Nghệ Thừa Thiên - Huế được phát hành.

Tháng 5/1976, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và đặc khu Vĩnh Linh hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, nhạc sĩ Trần Hoàn được cử làm Trưởng ban Chỉ đạo hợp nhất lực lượng văn nghệ sĩ Bình Trị Thiên. Ban Vận động thành lập Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên do nhà thơ Thanh Hải làm Trưởng ban. Đại hội Văn nghệ Bình Trị Thiên lần thứ nhất tháng 5/1976, đã bầu Ban Thường trực Hội do nhạc sĩ Trần Hoàn làm Chủ tịch, các nhà thơ Thanh Hải, Xuân Hoàng, Lương An làm Phó Chủ tịch. Hội cũng lần lượt thành lập Phân hội Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Chi hội Nhà văn, Chi hội Kiến trúc. Từ tháng 6/1983, Tạp chí Sông Hương ra số đầu tiên, do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm làm Tổng Biên tập, thay thế cho tạp chí Văn Nghệ Bình Trị Thiên đã có từ tháng 7/1976, mở ra một sắc thái báo chí văn nghệ có “những dấu hiệu riêng” và “không ngừng vươn lên gắn bó với bước đi chung của đời sống văn nghệ đất nước”.

Từ năm 1976 đến 1989, Hội Văn nghệ BTT tiến hành ba kỳ đại hội, với các Chủ tịch Hội: Trần Hoàn (1978 - 1983), Nguyễn Khoa Điềm (1983 - 1986), Quyền Chủ tịch Hội Xuân Hoàng (1986 - 1988), Tổng Thư ký Hội (thay chức danh Chủ tịch) Tô Nhuận Vỹ (1988 - 1989). Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên đã để lại những dấu ấn khó phai của một thời kỳ đầy khó khăn của đất nước, từng bước đóng góp vào dòng chảy văn học Việt Nam.

Từ 15/7/1989, Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế được thành lập trở lại. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ tiếp tục làm Tổng Thư ký. Qua 6 kỳ đại hội từ 1990 đến 2010, tổ chức Hội đã chuyển đổi từ Hội Văn học Nghệ thuật (1990 - 2005) thành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật (2005 - 2010), Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (2010 - 2015). Các Phân hội đã chuyển đổi thành Hội Nhà văn, Hội Văn nghệ Dân gian, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Hội Âm nhạc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Hội Kiến trúc sư, Hội Nghệ sĩ Múa. Tạp chí Sông Hương luôn được đánh giá là một tạp chí văn nghệ có tầm vóc nổi bật. Trang mạng Sông Hương Online (tapchisonghuong.com.vn) đã thu hút hàng triệu người đọc từ 117 quốc gia.

Đời sống văn học nghệ thuật trên vùng đất Thừa Thiên Huế ngày càng sôi động. Một đội ngũ văn nghệ sĩ mới hình thành và đang ngày một phát triển. Hoạt động của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã gắn kết sâu rộng với đời sống xã hội của vùng đất văn hóa Huế, của thành phố Festival Huế cũng như văn nghệ sĩ trong và ngoài nước.

*

Sự phát triển của hoạt động VHNT từ khi có Hội đến nay có nhiều giai đoạn thăng trầm theo từng hoàn cảnh lịch sử của đất nước; điều đáng trân trọng là đội ngũ văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế trong từng thời kỳ, từng thế hệ luôn luôn giữ vững tư chất, phẩm hạnh, đạo đức, ý thức công dân của mình đề cao tinh thần yêu nước, góp tâm sức, tài năng xây dựng Tổ quốc, quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngày 30/5/2014, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 1082/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ngô Hòa ký, quyết định “Lấy ngày 18 tháng 9 năm 1945 - Ngày thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên là Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế”.

Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam có công văn số 308/CV-LH ngày 4/9/2014 nhất trí với quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 18/9/2015, Liên Hiệp Hội tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với các đặc điểm hết sức đáng tự hào:

- Hội ra đời sớm nhất (trước cả vùng Trung bộ và Trung ương), quy tụ những con người nổi tiếng tầm cỡ không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

- Hội ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng đã phát triển đồng đều các loại hình nghệ thuật. Văn nghệ sĩ ở chiến khu hay ở vùng đồng bằng đô thị đều có những đóng góp lớn trong công cuộc thống nhất đất nước. Nhiều tác giả, tác phẩm trong giai đoạn 1954 - 1975 đã khẳng định vị trí lớn lao trong nền VHNT Việt Nam như các tên tuổi của Trần Hoàn, Thanh Hải, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Đào, Nguyễn Khoa Lợi, Trần Quang Long, Phạm Đăng Trí, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Bửu Chỉ…
 

- Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ Huế đã làm nên vóc dáng của VHNT Huế đầy trí tuệ, nhân văn, mang tính tiên phong rõ nét, đóng góp rất lớn vào thành tựu chung của VHNT nước nhà.

- Hội có tờ tạp chí Sông Hương luôn có tinh thần tiên phong, mang tầm vóc quốc gia.

Với một vùng đất dày truyền thống văn hóa, ngồn ngộn sự kiện lịch sử như Huế, rất nhiều văn nghệ sỹ nhận ra mình đang mang nợ mảnh đất này. Nhiều người cũng đã tâm nguyện sáng tác để trả nợ cho xứ sở đã trao không gian đất mẹ thiêng liêng cho người cầm bút. Gần như mỗi hội viên đều bị ám ảnh điều đó và tự cật vấn rằng phải có những tác phẩm xứng đáng. Văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế mong muốn tiếp tục xây dựng Hội xứng tầm với vùng đất văn hóa đã lưu dấu ấn của rất nhiều tên tuổi lẫy lừng trong quá khứ; mong muốn có những tác phẩm khởi đi từ Huế với tầm cao tư tưởng, nghệ thuật, có sức lan tỏa rộng lớn, đóng góp vào dòng chảy VHNT Việt Nam.

H.Đ.T.N
(SDB18/09-15)


------------------
(1), (2) Dẫn theo Dương Phước Thu “Ngày ra đời tổ chức tiền thân của Liên hiệp các Hội VHNT Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Sông Hương, số 298 (12/2013).

(3) Dẫn theo “Lá rụng về cội”, Chế Lan Viên, Tạp chí Sông Hương số 21, 10/1986.

(4) Ai là “Nhà báo liệt sĩ đầu tiên của báo chí cách mạng Việt Nam”? (Nguyễn Văn Toàn, SĐB Sông Hương15/12-14).

(5) Dẫn theo “Thừa Thiên một thuở”, Bùi Hiển, Tạp chí Sông Hương số tết Nhâm Thìn, 1992.

(6) Hơn 50 năm bài hát “Lúa vàng” và lớp văn nghệ quân đội liên khu 4, Tạp chí Sông Hương, số 174, tháng 8/2003.

(7) Dẫn theo “Gửi lại” (tập truyện ký của Nguyễn Văn Đồng, Nxb. Hội Nhà văn, 2010, (tr 315, 2010).

(8) Dẫn theo: Sinh hoạt Văn nghệ, 4/1971.

(9) Dẫn theo “Nguyễn Văn Đồng, đường dài gánh cực” Trần Nguyên Vấn - “Gửi lại” (tập truyện ký của Nguyễn Văn Đồng, Nxb. Hội Nhà văn, 2010, (tr 6).

(10) Theo Biên niên hoạt động văn học Hội Nhà văn Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn 2013, (tr 1054).






 

Các bài mới
“Đi chuồn” (16/11/2015)
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)
Cái hôn (19/10/2015)
Các bài đã đăng