Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-15)
Triệu Từ Truyền - hòn sỏi và giọt
08:41 | 16/10/2015

NGÔ ĐÌNH HẢI

Tôi gọi đó là nợ. Món nợ của hòn sỏi nhỏ Triệu Từ Truyền, trót mang trên người giọt nước mắt ta bà của văn chương.

Triệu Từ Truyền - hòn sỏi và giọt

Tập thơ Hạt sứ giả tâm linh(*) anh vừa đưa tặng có 79 bài, nhưng với tôi hầu như bài nào mang nặng một thứ. Cái thứ bồng bềnh như mây, lãng đãng như khói và mong manh như chút nắng chiều. Cái thứ là tiếng cười, là nước mắt, là những đêm thức trắng, ngày ngẩn ngơ. Là chiếc cầu bắc ngang qua con sông chữ, nhận chìm cả một đời Triệu Từ Truyền ngụp lặn trong đó, để có những vần thơ. Trước sau vẫn vậy, hồi nào tới giờ vẫn vậy, nó ở trong thơ và nó đi vào đời, bình thản như một chứng nhân, một cơn gió nhẹ thoảng buổi trưa hè… Một chữ TÌNH của Triệu Từ Truyền liệu có đủ chăng? Hay bởi tại cái đa mang của một tâm hồn nghệ sĩ, mà phó mặc cho con tim mình lên tiếng.

Thơ tình của chàng trai trẻ Triệu Từ Truyền từ ở thập niên 60 đã không đơn thuần là những rung cảm của đôi trai gái, nó là sự hòa quyện của con người với chung quanh, nó luôn có sự hiện diện của thế giới mênh mông trong cái không cùng của Trời đất, cái thênh thang của tự nhiên và đầy trăn trở của cuộc sống. Cái tình đó cũng “lớn” dần theo thời gian. Nó ám ảnh, nó làm thành những câu hỏi, và Triệu Từ Truyền buộc phải trả lời nó bằng những câu thơ. Những câu thơ luôn ẩn chứa những thắc mắc, những đè nén của cái tình không tuôn cùng một lúc:

đá chồng chất chân thành
phơi lòng ra nắng gió
sao không thấy xuân xanh
mãi bươi tìm dưới cỏ…

            (Vườn Xuân)

Và cũng từ rất sớm, Triệu Từ Truyền đã mang thơ với ý tưởng là một thứ ngôn ngữ cử động, nó chất chứa ý nghĩa, nhu cầu tâm hồn, u uất siêu hình, mà tiếng nói hằng ngày không biểu hiện, bộc lộ hết được. Khát vọng bày tỏ xuất hiện trong tâm trí như một nhu cầu tự thân:

Tiếng khóc là tiếng hát
Mỗi giọt nước rơi trầm lạnh
Giọt khô buốt giá bay theo
Uất hận hình thành mầm sống
Bi đát trong mỗi tế bào
Ào ra theo từng lời hát

            (Sao em khóc ra lời)

Nếu coi thơ là phản ánh của vô vàn hiện tượng, là của những ẩn dụ cho tâm trí, thì thơ Triệu Từ Truyền gần gũi hơn. Chuyện đời, chuyện người, chuyện đi qua thường ngày, nhưng với Triệu Từ Truyền nó ngồn ngộn chất nhân sinh, đầy màu sắc, nó xô đẩy con người về đúng với bản ngã của mình:

hòn sỏi tịnh tâm bên triền suối lạ
không nhận rong rêu quên hết cao xa
hòn sỏi làm tinh khôi giọt nước ta bà
ngấm hết vào tế bào thiếu phụ

 
cô gái ấy hồn nhiên giẫm lên suối cạn
tận bây giờ vẫn bước tới một lối xưa
vẫn chìm nổi giữa chốn sạch trơn giọt nước

            (Hòn sỏi và giọt nước mắt ta bà)

Con đường thơ đã định hình, những lý giải rất riêng về tình yêu và tồn vong sinh tử trong một triết thuyết cũng đã đầy ắp những suy tưởng, làm thành một tính nhất quán, đồng hành để chuyên chở và đào xới từng ngõ ngách của tâm thức nhà thơ, rộng hẹp không còn cần thiết nữa, nhưng chắc chắn nó không hề phẳng lặng:

Chắc chắn tế bào trong anh đầy ắp hạt sứ giả của em
Ngược lại tim em tràn ngập từ trường tình anh
Bông cúc vàng rải hạt xuống lòng anh
Mảnh đất lành muôn thuở
Em về đâu đi đâu vẫn không đành
Người tri kỷ xưa sau vẫn vậy
Lá luôn bên cành
Bông sao đành bỏ vườn, mình ơi

                        (Nói với mình)

Tư duy triết học vào thơ, bắt nguồn từ thực tại, từ những thành tựu của vật lý đương đại và đi từ “thức” tới “tâm” một cách mê hoặc, một cái nhìn mới về thế giới quan, cái ràng buộc giữa người và người, hạnh phúc hay khổ đau luôn có sẵn một tương quan và gắn kết hiển nhiên bằng những tương tác, tất nhiên là mọi chuyện còn ở phía trước và nhà thơ vẫn an nhiên đi tới:

mắt hoang dại và môi cười son nắng sớm
bàn tay nồng nàn bờ vai dốc đồi
em tương tác bóng với hình
cho quang tử đi hoang cuộc đời nắng ấm
giữa thung lũng cỏ xanh mướt tuổi
mùa hạ buồn tan vào khoảng không ngoài mắt lưới
còn lại mùa thu tiếc nuối
em nhả ra bóng em trong vũ trụ sáng
hình em trong vũ trụ tối phải không

                        (Ảo giác mùa xuân)

Ngồi đọc “Hạt sứ giả tâm linh” như tự thưởng cho mình một ly nước mát. Những vô tri biến lặng, những phồn thực bốc hơi, những nghi toan gai góc nhường chỗ cho yêu thương dàn trải, cho ngôn ngữ thả rong bơi lội trên dòng sông chữ nghĩa:

mặt một khuôn mắt buồn môi ướt
giống hệt nhau nên cuốn hút không rời
tri kỷ tâm hồn tri âm thân xác
giữa hoang mạc đôi du tử long nhong
anh phiêu bạt không còn biết tuổi
em lăn tròn không đếm thời gian
hai ổ cỏ trên đường chân trời

                        (Cỏ long nhong)

Cái nhìn từ nguồn cội bao dung của thơ. Nó không phải nhìn từ những thứ ở trước mắt. Mà như ở một nơi cao và xa vời vợi, ở một nơi chỉ có ta và cô đơn làm bạn, ngửa mặt thấy trời, cúi xuống thấy cái tình rơi rụng, thấy cái bản ngã phơi bày, và những câu thơ lắc rắc như những hạt mưa phùn thấm lên áo những da diết yêu thương:

năm đi qua tôi còn đi lại
em đi ra khỏi câu chữ tới đây
rồi tặng tôi bầy từ hoang dại
lùa hết vào những tứ thơ bay

 
em viết như rải hạt muôn nơi
hạt tan ra sóng vỗ tim tôi
rồi tặng tôi bầy từ hoang dại
lớn ngược thời gian đường về nôi

 
em tặng mỗi bông hồng vàng hư thực
con chim khách buồn khóc với đàn én vây quanh
thẹn với tiếng hót chính mình

                        (Tình lạ)

Thơ có lúc như thầm thì, như kể, như tâm sự với chính mình, có lúc lại mênh mang, như soi rọi như nhắn nhủ với những tận cùng sâu thẳm nhất. Không có những mảng màu sặc sỡ, không có những điểm trang làm dáng, khuôn mặt thô mộc của chữ cứ hiện ra bủa vây, nặng trĩu và đỏ ối hạt cà phê ngày mùa trên cao nguyên:

cà phê chín đỏ vùng cao Đông bắc
từng bước đi đếm hạt nhớ em
sương lạnh túm chặt núi đồi
hiện ra đồng bằng Tây nam lạnh ngắt
ảo giác rồi rơi nước mắt

                        (Suối vô cảm)

Mộng du của yêu thương là hạnh phúc, là hành trình đi về của những bến bờ quen thuộc, không có nó thơ chỉ còn là con ngựa thồ già nua, mệt mỏi kéo chiếc xe chở đầy những ưu tư, khắc khoải. Không có nó thơ chỉ còn là người lữ khách cô độc trong bóng tối của con đường dài thăm thẳm, những giấc mơ đêm biến dạng, và ngày nhọn hoắc chực chờ những vết đâm đau nhói:

người đã tới dù không còn chim khách
bây giờ mỗi đốm hồng gặm nhấm trên nền xanh
tia lửa nào phát sáng từ anh
thắp một chân trời hoa trổ

                        (Trổ bông)

Quy luật của một kiếp người bày sẵn, muốn hay không muốn mà được đâu. Quay đầu nhìn lại chếnh choáng những cơn say, thơ mộng cũ nép mình nhường chỗ cho buồn vui, cho dằn vặt với những bước đi đầy rẫy những cung bậc thăng trầm, khi “Khép một vòng tròn”:

số không của sáu mươi năm
của thế kỷ phương đông
anh ném váo canh bạc đời sạch túi thời gian

 
ngày sinh nhật trong bảo tàng
anh đứng bên ngai vàng triển lãm
như nhốt một sinh vật vào Thảo cầm viên
con sư tử già rống lên đừng tuyệt vọng
chiếc ghế uy nghi mong hóa kiếp tro tàn…

                        (Khép một vòng tròn)

Và tiếng gào âm vọng của một thời:

đã tới lúc sải bước độc hành
sa mạc bao la thân mong manh
chút lệ này đừng cho là khóc
tiễn trần gian một kiếp tung hoành

                        (Sư tử độc hành)

Gấp tập thơ lại, trả cho không gian cái tĩnh lặng cố hữu. Và tôi cũng sẽ im lặng. Im lặng để soi rọi lại chính mình trong cái hổn quan thường nhật, để chia tay với phù phiếm và bỏ qua những lạc điệu vốn có. Im lặng để được trò chuyện với giới quan khác, với những hồi ức và trăn trở. Im lặng để được nhìn thấy ở đâu đó, có một hòn sỏi nhỏ nằm trơ vơ bên bờ suối cạn, đang cười ngạo nghễ với giọt nước mắt ta bà như có như không…

Tháng 3/2015
N.Đ.H  
(SDB18/09-15)

...........................................  
(*) Hạt sứ giả tâm linh - Tập thơ Triệu Từ Truyền - Nxb. Hội  Nhà văn, 2015.  



 


 

Các bài mới
“Đi chuồn” (16/11/2015)
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)
Cái hôn (19/10/2015)
Các bài đã đăng
Qua đò Tam Giang (14/10/2015)