Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-15)
Thời vua Minh Mạng, Tự Đức, nước ta chế tạo được “thuyền bọc đồng”?
16:04 | 27/10/2015

NGUYỄN DƯ

Đại Nam thực lục, bộ sử của nhà Nguyễn, chép rằng:

Thời vua Minh Mạng, Tự Đức, nước ta chế tạo được “thuyền bọc đồng”?
Mông đồng thuyền (thuyền bịt đồng). Bản rập hình chạm khắc trên Chương đỉnh trong bộ Cửu đỉnh

Năm 1800, Nguyễn Ánh thấy người Hồng Mao quen thủy chiến, sắc cho thuyền trưởng là Khâm sai cai đội Ba La Di tập họp các thuyền buôn lại, khiến dự bị quân nhu và chiến cụ để đợi điều khiển.

Lại bắt 5000 binh Chân Lạp, hẹn ngày họp đủ để theo việc quân.

Sai Khâm sai thuộc nội cai đội Nguyễn Văn Chấn (Vannier) quản tàu đại hiệu Phương phi, Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) quản tàu đại hiệu Long phi, Lê Văn Lăng (De Forçant) quản tàu đại hiệu Bằng phi, theo Trung quân sai phái đánh giặc. (Bọn Chấn đều là người Phú Lãng Sa(1).

Nguyễn Ánh trao cho người Pháp điều khiển ba chiếc tàu lớn Phương phi, Long phi, Bằng phi.

Năm 1828, vua Minh Mạng định ngạch và đặt tên cho các loại thuyền.

Ở Kinh sư định ngạch thuyền 348 chiếc. Các nơi khác, số thuyền nhiều ít khác nhau (Gia Định 100 chiếc, Ninh Bình 8 chiếc…). Tổng cộng, số thuyền được định ngạch là 951 chiếc. Thuyền ngoại ngạch được 110 chiếc(2).

Năm 1829, định quy thức các thuyền ở Kinh, ở ngoài.

Bộ Công tâu: “Từ trước đến nay, chế tạo thuyền ghe, đều tùy tiện mà họp thợ để làm quy chế chưa đều. Nay thuyền trong ngoài đã định, thì dạng thức cũng nên phải thống nhất. Xin châm chước bàn rằng: Như hạng thuyền kim loại, thuyền lớn bọc đồng, và các thuyền Hải đạo (…) đã có định quy thức gửi đến thì thôi, còn các thuyền khác thì đều định quy thức (kích thước) như sau: (…)”.

Vua theo lời bàn (…) sai đóng 5 chiếc thuyền lớn bọc đồng…(3).

Đại Nam thực lục chép thời vua Minh Mạng nước ta đóng được thuyền kim loại, thuyền bọc đồng. Tiếp theo, thời vua Tự Đức có thuyền Bình Dương bọc đồng, thuyền máy bọc đồng Thuận Tiệp, tàu thủy bọc đồng, tàu bọc đồng Tĩnh Hải, Tường Nhạn(4)

Nguyễn Trường Tộ đề nghị ta tự mua sắm hỏa thuyền, tàu máy bằng sắt, có trang bị vũ khí của Pháp. Ban đầu phải thuê người Pháp lái tàu và huấn luyện cho ta cách dùng v.v.(5)

Nguyễn Trường Tộ biết rõ là thời Tự Đức nước ta chưa chế tạo được tàu kim loại, tàu bọc đồng. Sách Thực lục chép hẳn phải đúng!

Nếu mọi chuyện ngừng tại đây thì chả ai dám bênh Nguyễn Trường Tộ, cãi lại sử. Nhưng…

Năm 1835, vua Minh Mạng sai đúc Cửu đỉnh (9 cái đỉnh) đặt trước Thế miếu. Bộ đỉnh được trang hoàng bằng hình núi, sông, vật, tượng của Việt Nam.

L. Sogny có bài viết về bộ Cửu đỉnh này(6).

Mông Đồng trên Chương Đỉnh - Ảnh: wiki


Trên Chương đỉnh có vẽ hình Mông đồng thuyền. Sogny chú thích Mông đồng thuyền là thuyền (bateau) được chế tạo dưới thời vua Minh Mạng. Tiếc rằng thuyền ra sao, được làm bằng vật liệu gì thì Sogny không cho biết.

May thay, trong sách Văn minh vật chất của người Việt của Phan Cẩm Thượng có ảnh chụp Mông đồng thuyền trên Chương đỉnh.

Mông đồng thuyền
được Phan Cẩm Thượng dịch sang tiếng Việt là Thuyền bịt đồng(7). Mới xem lướt qua thì phải công nhận là thời vua Minh Mạng có thuyền bịt đồng, hay thuyền bọc đồng. Phải tò mò đọc ba chữ Mông đồng thuyền trong tấm ảnh mới thấy Phan Cẩm Thượng (và người dịch Đại Nam thực lục?) đã dịch sai hai chữ Mông đồng:

1) Chữ Mông (bộ Chu) của Mông đồng thuyền bị nhầm thành chữ Mông (bộ Cân, nghĩa là che, bao bọc, trùm lên). Hai chữ Mông nghĩa khác nhau.

2) Chữ Đồng (bộ Chu) của Mông đồng thuyền bị nhầm thành chữ Đồng (bộ Kim, nghĩa là đồng, một kim loại). Hai chữ Đồng nghĩa khác nhau.

Mông Đồng thuyền thuyền chiến (8) hay tàu chiến (Tự điển Thiều Chửu) bị hiểu nhầm, dịch sai thành thuyền bịt đồng, thuyền lớn bọc đồng, thuyền kim loại.

Nguyễn Trường Tộ có lí. Thời Minh Mạng, Tự Đức nước ta chưa chế tạo được thuyền bọc đồng.

Cũng may, chỉ có thuyền Mông Đồng mới có vấn đề. Còn các thuyền, các tàu khác?

Thuyền, ghe, đò…

Nói chung thì ghe, thuyền, đò, tàu của nước ta giản dị, dễ thương hơn Mông Đồng.

Thuyền, đò là nguồn cảm hứng của văn học.

Thuyền tình bể ái… tràn trề, mê mệt, đắm đuối, chết người như chơi.

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
                        (Nguyễn Du, Kiều)

Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
                        (Hàn Mặc Tử, Đây thôn Vĩ Dạ)

Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng.
                        (Lưu Trọng Lư, Một mùa đông)

Mênh mông lả ơi!
Thuyền về tới bến Mê rồi!
Khoan khoan hò ơi!
Dặt dìu trong tiếng đàn tôi.
                        (Phạm Duy, Tiếng đàn tôi)

Những đoàn thuyền
Những đoàn thuyền rẽ sóng
Đi về dọc ngang
Ai biết đâu thuyền Bắc thuyền Nam
                        (Hoàng Trung Thông, Cửa Tùng)

Thuyền, đò, ghe được nhiều người dùng tùy hứng.
Và cứ thế, đò đầy rời khỏi bến,
Bác lái thuyền điềm tĩnh ngắm sương tan.
Sốt ruột nhất những người đi lỡ chuyến,
Đứng xếp hàng ngong ngóng đợi đò sang.
                        (Anh Thơ, Bến đò ngày phiên chợ)

Thầy me ra đi đò
Thuyền
mấp mênh bên bờ
Em nhìn sông nước chảy
Đưa cánh buồm lô nhô
                        (Nguyễn Nhược Pháp, Chùa Hương)

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây, cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.
(…)
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
“Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe”…
                        (Tế Hanh, Quê hương)

Thuyền, đò và ghe tuy tên gọi khác nhau nhưng có cùng công dụng là chở người trên sông hay biển. Một số nhà thơ tự cho phép dùng lẫn lộn, thoải mái.

Tuy nhiên, nếu muốn “chẻ sợi tóc làm tư” thì cũng tìm ra được điểm khác nhau giữa ghe, thuyền và đò.

Ghe, thuyền tha hồ chạy dọc, chạy ngang, thậm chí đứng một chỗ cũng được:

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
                        (Nguyễn Khuyến, Thu điếu)

Đò không chạy lung tung như ghe, thuyền.
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
                        (Tú Xương, Sông lấp Nam Định)

Đò chỉ chở người sang sông thôi. Thiệt sao?

Chữ Độ (bộ Thủy) của chữ Hán nghĩa là đi qua sông. Từ bờ này sang bờ kia.

Tế độ nghĩa là “lấy Phật pháp mà cứu tế để đem chúng sinh ra khỏi biển khổ” (Từ điển Đào Duy Anh).

Độ khẩu là bến đò, bến thuyền chở người sang sông.

Cầu Thệ thủy ngồi trơ cổ độ
Quán Thu phong đứng rũ tà huy
                        (Nguyễn Gia Thiều, Cung oán ngâm khúc)

Đò của người Việt là do Độ (chữ Hán) mà ra.

Đò
thuyền chở người qua sông. Ai muốn đi xa, đi dọc sông thì phải dùng thuyền. Đò là thuyền nhưng thuyền có lúc không phải là đò. Vớ vẩn!

Nói đến đò tự nhiên kỉ niệm ngày xưa lại chập chờn, lâng lâng…

Nhớ bạn “Ba Vân” trình diễn Ông lái đò giữa trưa hè miền Nam nước Pháp:

Tôi đã gặp một chiều trên bến nước
Ông lái đò ngồi đợi khách sang sông
Gió đưa nhẹ đôi hàng lau lả lướt
Ông lái buồn đưa mắt mỏi mòn trông…
Nhớ Cô lái đò của Nguyễn Bính:
Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông
                        (Nguyễn Bính, Cô lái đò)

Khách sang sông và người lái đò, ai nhớ ai, ai buồn hơn ai?

“Thầy me ra đi đò. Bác lái đò của Nguyễn Nhược Pháp lặng lẽ chèo thuyền dọc theo suối, suốt từ Bến Đục vào tới Chùa Hương.

Con Bảy đưa đò chở khách sang ngang của Sơn Nam duyên dáng hơn người chèo Đò dọc của Bình Nguyên Lộc.

Tầu, Tàu…

Huỳnh Tịnh Của định nghĩa Tàu (chữ Hán, chữ Nôm) là thuyền lớn, thuyền đi biển. (Trước kia, người Bắc gọi là tầu. Bây giờ cả nước gọi là tàu).

Ngày An Nam tạp chí ra đời, Tản Đà ví von tờ báo với chiếc thuyền nhỏ bé:

Thả chiếc thuyền nan bé tẻo teo,
Cũng buồm, cũng cột, cũng giây lèo…
                        (Sông cái, chiếc thuyền nan)

Tạp chí được nhiều người ủng hộ, giúp sức. Tản Đà vui mừng khoe chiếc thuyền đã lớn mạnh như một con tàu:

Bốn bể năm châu náo cuộc đời,
Con tầu Bản quốc, chị em ơi!
Tấm thân dầm nước đà nên sắt,
Tiếng hiệu vang sông mới hét còi.
                                   (Chiếc tầu An Nam)

Gốc gác của danh từ Tàu ra sao?

Tự điển Alexandre de Rhodes (1651) có từ tàu của tiếng Việt.

Sách Tam thiên tự (của Ngô Thời Nhậm, thế kỉ 18?) có chữ Hán tàu (bộ Chu)(9).

Theo Génibrel thì Tàu của tiếng Việt là Tào (bộ Chu) của chữ Hán. Chữ Tào viết giống chữ Tàu của Tam thiên tự. Tào là cách phát âm khác của Tàu chăng?

Tự điển Thiều Chửu, Từ điển Đào Duy Anh không có chữ Tàu (bộ Chu).

Nói tóm lại, thuyền, tàu chữ Nôm viết giống chữ Hán.

Tàu (chữ Hán, chữ Nôm) còn có nghĩa là nước Trung Quốc vì người An Nam thấy tàu khách qua lại nhiều, lấy đó mà gọi là nước Tàu, người Tàu (Huỳnh Tịnh Của).

Tàu là tàu thuyền, người Tàu, nước Tàu. Coi chừng nhầm tàu nọ với tàu kia!

Điển hình là trường hợp của mực tàu. Có hai thứ Mực tàu khác nhau. Ủa!

a) Ngày nay, mực tàu là mực màu đen của Trung Quốc. Thậm chí mực đen làm tại Đức, tại Pháp cũng được gọi là mực tàu (encre chinois).

Cho tới năm 1954, mực tàu bán tại Hà Nội là một thỏi vuông cỡ 1x1cm, dài khoảng 6, 7cm. Lúc dùng, phải mài mực với nước.

b) Ngày xưa, thợ làm nhà muốn kẻ đường thẳng thì dùng một sợi dây nhúng vào mực (hay phẩm pha nước) đựng trong một cái máng trông giống cái tàu, cái thuyền.

Mực tàu mực đựng trong cái tàu của thợ làm nhà (charpentier) (Alexandre de Rhodes, Génibrel).

Tàu mực là cái tàu để đựng dây và mực của thợ làm nhà (Génibrel).

Alexandre de Rhodes không đả động gì đến mực tàu của Trung Quốc. Giữa thế kỉ 17, chưa có tên gọi người Tàu, nước Tàu.

Thành ngữ Thẳng mực tàu được Nguyễn Lực, Lương Văn Đang giải thích là dùng mực đen kẻ một đường thẳng(10).

Nguyễn Lân cũng cho rằng Thẳng mực tàu là mực đen thấm vào dây để nẩy đường thẳng trên mặt gỗ trước khi cưa. Thẳng mực tàu là thẳng lắm, không cong queo. Thường dùng với nghĩa bóng(11).

Ba học giả kể trên hiểu mực tàu là mực đen (của Trung Quốc?). Thế kỉ 17, thợ mộc nào có tiền mua mực tàu, mài ra mà dùng? Không sợ thánh hiền quở à? Dùng mực ta hay phẩm ta là được rồi. Thế kỉ 17, ai biết Tàu là nước nào?

*

Nguyễn Trãi gọi người Trung Quốc là người Ngô (Bình Ngô đại cáo). Các đời sau gọi là người Minh, người Thanh, rồi người Tàu (từ ngày có nhiều tàu buôn đi đường biển đến nước ta). Dân gian có thêm vài tên khác.

- Thương những kẻ oan con, oan vợ
Thương gã chệt đêm nằm hồn chẳng ngủ (Hịch Trương Định).

- Lấy khách, thì khách về Tàu
Lấy nhà giàu, thì nhà giàu phải tội tiêu sưng…

Khoảng nửa sau thế kỉ 19, nhiều người nước ngoài đến buôn bán, trú ngụ tại Việt Nam. Tây trắng, Tây đen, Nhật, Tàu…, tất cả được gọi chung là trú khách. Trú khách Trung Quốc đông nhất. Chẳng bao lâu trú khách, nói gọn là khách, được dùng để gọi người Trung Quốc. Các giống dân khác được gọi bằng tên riêng.

Thời vua Tự Đức, miền biển nước ta bị bọn giặc Thanh dùng tàu màu đen đi ăn cướp. Dân ta gọi bọn này là tàu ô (ô là con quạ đen).

Năm 1945, Đồng Minh thỏa thuận cho Tàu đi tước khí giới quân đội Nhật. Trong đám quân Tàu của Lư Hán có nhiều người bị phù (thũng).

Ngày xưa, tàu của vua quan, binh lính tuy to lớn hơn thuyền đánh cá, thuyền buôn nhưng vẫn chỉ là tàu bằng gỗ.

Người Pháp đã đem tàu đồng, tàu sắt vào Việt Nam.

Nguyễn Đình Chiểu được chứng kiến cảnh:

Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã- tà, ma-ní hồn kinh;
Bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc tàu đồng súng nổ.
            (Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc).

Giăng dưới nước tàu đồng tàu sắt, súng nổ quá bắp rang;
Kéo trên bờ ma-ní mã-tà, đạn bắn như mưa vãi.
            (Nguyễn Đình Chiểu, Văn tế Trương Định).

Thời Pháp cai trị nước ta…
Anh Khóa ơi! Em tiễn anh đến tận bến tầu
Hai tay em đỡ cái khăn trầu em lấy đưa anh…
Anh Khóa ơi! Còi tu tu tầu sắp kéo cầu,
Đường trần em sắp sửa gánh sầu từ đây.
            (Trần Tuấn Khải, Tiễn chân anh Khoá, 1914)

Anh Khóa ơi! Ở trên đời này được mấy bạn tri âm,
Trời cao bể rộng, cái mối đồng tâm xin anh chớ hững hờ.
Còn non sông, em đây còn quyết chí đợi chờ,
Tầu bay, tầu lặn, đến bấy giờ ta sẽ gặp nhau…
            (Trần Tuấn Khải, Gửi thư cho anh Khoá, khoảng 1924)

Bước sang thời kì mở cửa, hội nhập, kinh tế toàn cầu…

Bây giờ thì tàu bè nhan nhản khắp nơi. Không phải chỉ có thuyền chạy trên sông, tàu chạy trên biển. Tàu ngày nay là tất cả các phương tiện vận tải lớn và hoạt động bằng máy móc phức tạp. Trên trời, dưới đất, mặt sông, lòng biển.

Tàu bay, tàu hỏa, tàu bò. Tàu nổi, tàu ngầm. Tàu chạy nhanh, tàu “đi” chậm. Tàu cánh ngầm, tàu há mồm…

Trong tất cả các loại tàu, có lẽ thú vị nhất là được “đi tàu bay giấy”. Không bảo đảm an toàn 100%. Nhưng bù lại, tha hồ du lịch, tham quan, mạo hiểm.

N.D
(SDB18/09-15)

-----------------
(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Giáo Dục, 2002, tr. 407.
(2) Đại Nam thực lục, tập 2, 2004, tr. 797-799.
(3) Đại Nam thực lục, tập 2, tr. 815- 816.
(4) Đại Nam thực lục, tập 7, 2007, tr. 1054, 1150, 1327, 1424.
(5) Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, Con người và di thảo, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, 1988, tr. 310-314).
(6) Bulletin des Amis du vieux Hue, số 1, tháng 1-3/1914.
(7) Phan Cẩm Thượng, Văn minh vật chất của người Việt, Tri Thức, 2011, tr. 90.
(8) Vũ Văn Kính, Khổng Đức, Ngũ thiên tự, Văn Hóa Thông Tin, 1998, tr. 50.
(9) Đoàn Trung Còn, Tam thiên tự, Văn Hóa Thông Tin, 1999, tr. 71.
(10) Nguyễn Lực, Lương Văn Đang, Thành ngữ tiếng Việt, KHXH, 1978.
(11) Nguyễn Lân, Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, Văn Hóa, 1989.








 

Các bài mới
“Đi chuồn” (16/11/2015)
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)
Các bài đã đăng
Cái hôn (19/10/2015)
Qua đò Tam Giang (14/10/2015)