Tạp chí Sông Hương - Số Đặc Biệt (T.9-15)
Cây Bồ đề ở Huế
10:10 | 17/11/2015

ĐỖ XUÂN CẨM

TƯỞNG HAI LÀ MỘT, NHƯNG MỘT MÀ HAI

Nhắc tới cây Bồ đề, hầu như đa phần người dân xứ Huế có cảm giác rất thân thuộc.

Cây Bồ đề ở Huế
Cây bồ đề Ấn Độ ở chùa Từ Đàm

Như chúng ta đã biết, Huế là trung tâm Phật giáo lâu đời của miền Trung, nơi tọa lạc của hằng trăm ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng. Là Phật tử, ít ai không một lần chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Phật Thích Ca thiền định dưới gốc Bồ đề. Từ đó trong tâm thức của biết bao người, hình ảnh cây Bồ đề như một vật thể hằng định. Cũng từ đó, cây Bồ đề thiêng đã bị đánh đồng với một loại cây tương cận vốn hiện hữu rất phổ biến ở địa phương.

Đại đa số người dân đã đánh đồng hằng trăm, thậm chí hằng ngàn cá thể Bồ đề trên mảnh đất Huế nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung là Bồ đề Ấn Độ. Trong thực tế, số cá thể Bồ đề Ấn Độ (sau đây gọi gọn là Bồ đề Ấn) hiện có ở Huế chỉ đếm được trên đầu ngón tay và trong số đó, cá thể cổ thụ lão làng nhất cũng chỉ đạt tuổi 73 (cây Bồ đề Ấn ở sân chùa Từ Đàm). Trong lúc cây Bồ đề Việt Nam (sau đây gọi gọn là Bồ đề Việt) mà trong nhiều tài liệu thực vật học tiếng Việt gọi là Lâm vồ, Đa mít, Đề Lâm vồ, có số lượng cá thể lên tới hàng ngàn, có mặt khắp nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, từ vùng cát ven biển, tới vùng đồi núi, từ miền quê hẻo lánh đến các trung tâm đô thị, với hằng trăm cá thể cổ thụ có tuổi đời trên cả thế kỷ.

Về mặt thực vật học, cả 2 loài cây trên đều cùng chi Đa (Ficus), thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), nên có nhiều đặc điểm hình thái tương đồng, đã khiến cho nhiều người nhìn nhận bàng quan, xem xét đại khái rất dễ nhầm lẫn. Nhưng trong thực tế, 2 loài cây này vẫn có nhiều điểm dị biệt giúp cho chúng ta phân biệt được dễ dàng.

ĐẶC ĐIỂM NHẬN BIẾT CÂY BỒ ĐỀ ẤN VÀ CÂY BỒ ĐỀ VIỆT

Nếu nhìn nhận theo quan điểm Phân loại học thực vật thì 2 loài thực vật này có rất nhiều đặc điểm hình thái, cấu tạo khác biệt. Nhưng để có thể phân biệt một cách nhanh chóng mà không cần phải dùng đến các công cụ khoa học, thì chúng ta chỉ cần quan sát lá của chúng.



CÂY BỒ ĐỀ ẤN

Bồ đề Ấn đến từ Tích Lan

Cây Bồ đề Ấn đầu tiên đến với đất Huế là hậu duệ của cây Bồ đề Ấn ở Tích Lan (Srilanka). Theo sử liệu trên bia đá ở gốc Bồ đề Ấn trong sân chùa Từ Đàm, trong dịp đoàn Phật giáo Campuchia sang thăm Hội Phật học Trung phần và thành phố Huế năm 1939, Đại đức Narada (người Tích Lan) cùng với bà Karpeles đã lấy giống cây Bồ đề Ấn từ Tích Lan sang tặng và được trồng ở đây từ đó đến nay. Sử liệu này cũng cho biết cây Bồ đề Ấn ở Tích Lan mà Đại đức Narada lấy giống đưa đến Huế là do Thái tử Mahinda, con của vua Asoka đem từ Ấn Độ sang trồng ở Tích Lan trong thế kỷ thứ III trước Công nguyên (TCN).

Cơn bão 1995 đã làm cho cây trốc gốc, nhà chùa đã phải cắt đi nhiều cành lớn, thu hẹp vòm tán, giảm thiểu chiều cao cây để dựng lên giúp cây sống vững đến bây giờ. Đến nay, cây đã tròn tuổi 73, với thân hình đồ sộ, đường kính thân đạt 2,8m, đường kính tán trên 25m và chiều cao cây ngót 20m.

Bồ đề Ấn là loài cây gắn liền với truyền thuyết Đức Phật Thích Ca chứng thành đạo quả Vô thượng giác, nên cũng có thể gọi là Bồ đề Phật giáo, tên khoa học là Ficus religiosa. Người công bố tên khoa học đã dùng tính ngữ Latin “religiosa” để nhấn mạnh sự liên quan của cây với truyền thuyết Đức Phật, vì religiosa có nghĩa là thuộc về tôn giáo. Loài cây này có rất nhiều tên thường gọi (common name), chẳng hạn như nhiều tài liệu tiếng Việt còn gọi tên là Đề hay Đa đề, tên tiếng Trung là 菩提树 (Bồ đề thụ), tên tiếng Anh là Bo tree, Bodhi tree, Peepal tree, Wisdom tree; tên tiếng Pháp là Arbres de la bodhi; tiếng Hindi là Pipal, tiếng Ấn là Ashwathya... Tên gọi Bồ đề có lẽ bắt nguồn từ tên tiếng Pháp hoặc tên tiếng Anh.

Cũng nên biết thêm rằng cây Bồ đề Ấn được trồng ở đền Mahabodhi trong làng Bodh Gaya, quận Gaya, Ấn Độ từ năm 288 TCN, là biểu tượng thiêng liêng của tín ngưỡng Phật giáo, là cây thiêng của Phật tử khắp năm châu. Huế là nơi có nền Phật giáo phát triển rất sớm và rộng rãi, trong lúc đó truyền thuyết đắc đạo của Đức Phật Thích Ca lại gắn liền với cây Bồ đề Ấn vừa nêu, nên sự có mặt của cây Bồ đề Ấn tại Huế đã trở thành cây thiêng của Phật tử Thừa Thiên Huế. Sau khi có mặt tại chùa Từ Đàm, cây Bồ đề Ấn đã dần dần được lấy giống để trồng thêm ở nhiều chùa (Từ Hiếu, Từ Lâm, Thiên Hưng, Tường Vân, Từ Hóa, Hải Đức, Hồng Đức, Thuyền Tôn, An Hòa...), và một số khuôn hội Phật giáo (Tịnh Bình...) ở Huế. Trong số đó có một số cây đã trở thành cổ thụ. Ngoài ra, ở vỉa hè đường Nguyễn Huệ (ngay cổng sau của Cung An Định) cũng có 2 cây Bồ đề Ấn cổ thụ xuất thân từ cây ở chùa Từ Đàm. Đây là trường hợp duy nhất trở thành cây che bóng tôn tạo cảnh quan đường phố ở Huế. Có lẽ do đường Nguyễn Huệ được mở rộng đã khiến 2 cây này vốn nằm trong khuôn viên của Cung An Định đã trở thành cây vỉa hè.

Cây Bồ đề Ấn đến từ Ấn Độ, Thái Lan

Ở một số chùa Phật giáo trong địa phận thành phố Huế (Thiền Lâm, Đông Thuyền, Từ Hóa, Hồng Đức, Thiên Hương,...) và vùng phụ cận còn hiện hữu hai giống (cultivar) Bồ đề Ấn khác nữa, chúng khác với cây Bồ đề Ấn ở chùa Từ Đàm cả về một vài đặc điểm hình thái lẫn xuất xứ. Giống cây thứ nhất có chồi ngọn và lá non màu hồng, thân cành màu trắng xám và giống cây thứ hai vẫn có chồi ngọn và lá non màu xanh nhạt như cây Bồ đề ở chùa Từ Đàm, nhưng lại có thân non và cành màu hồng sẫm, dọc thân có nhiều đám rễ khí sinh mọc ra chi chít.

Phải chăng cây Bồ đề Ấn đã có mặt ở hầu hết chùa Phật giáo?

Trong thực tế, hiện nay cây Bồ đề Ấn chỉ hiện hữu ở một số chùa Phật giáo, không phải có mặt ở hầu hết chùa. Trong số trên 40 chùa được khảo sát năm 2013, chúng tôi chỉ phát hiện được 14 chùa có cây Bồ đề Ấn, trong số đó, một số chùa có cây xuất xứ từ cây ở chùa Từ Đàm, vài chùa có cây xuất xứ từ Ấn Độ và có chùa có cây xuất xứ từ Thái Lan. Chính vì vậy đã có ít nhất đến 3 giống khác nhau như đã nêu.

Quê hương xứ sở và tính nết đặc thù của cây Bồ đề Ấn

Bồ đề Ấn có nguồn gốc ở Ấn Độ, Nepal, Thái Lan và phân bố ở nhiều nơi trên thế giới, ngoài châu Á ra còn có ở Isarel và châu Mỹ.

Cây mọc tự nhiên ở độ cao từ 1500 m trở xuống. Thích nghi với điều kiện nhiệt độ 16 - 35oC, lượng mưa hằng năm 500 - 50.000mm, ở trên nhiều loại nền đất nhưng thích nền đất sâu ẩm, cát pha thoát nước tốt.

Bồ đề Ấn thuộc loại cây gỗ rụng lá theo mùa, mọc nhanh, có nhiều rễ phụ mọc và phát triển dọc thân và cành nhánh. Lá đơn nguyên, phiến hình tam giác cân, dài 7 - 12cm, rộng 6,5 - 10cm, mặt trên màu xanh thẫm, bóng láng, mặt dưới màu xanh nhạt; hệ thống gân lá gồm 10 - 12 cặp nổi rõ ở cả 2 mặt, màu xanh vàng, 4 - 5 cặp gần gốc thường mọc gần đối; mép phiến lá gợn sóng theo các răng lõm lớn; đáy lá cắt ngang; đỉnh lá có mũi nhọn vuốt dài thành kim hơi cong, dài khoảng 2 - 4cm; cuống lá dài 6 - 11cm. Hoa tập hợp thành hoa tự hình chén kín kiểu sung tạo thành quả giả không cuống.
 

Ảnh Phạm Bá Thịnh

CÂY BỒ ĐỀ VIỆT

Cây Bồ đề Việt được trồng rất phổ biến ngoài đường phố, công viên, khuôn viên công sở, trường học, bệnh viện, bến bãi, đường làng, đền đài miếu mạo, cả ở nhiều khuôn viên chùa Phật giáo... trên nhiều vùng sinh thái của tỉnh Thừa Thiên Huế là một loài tương cận với loài Bồ đề Ấn, có ngoại hình tương tự Bồ đề Ấn, được nhiều tài liệu trong nước gọi là Lâm vồ hay Đề Lâm vồ, tên tiếng Trung là 心叶榕 (Tâm diệp dong), tên tiếng Anh là Rumpf’s Fig Tree hay Mock Bodhi tree (giả Bồ đề), tên khoa học là Ficus rumphii, là loài cây xuất hiện ở Huế trước cây Bồ đề một thời gian rất dài. Cây có hệ thống rễ khí sinh phát triển rất mạnh, hơn hẳn Bồ đề Ấn, thường gây thắt nghẹt cây chủ khi nó gửi gắm thân phận trên thân hoặc cành. Nhiều trường hợp rễ khí sinh của Bồ đề Việt phát triển bao trùm hết một công trình kiến trúc, thường là các am miếu, bình phong cổ, thậm chí cả một ngôi nhà bỏ hoang. Hệ thống rễ khí sinh cũng phát triển thành những cột chống dỡ hữu hiệu cho những cành mọc ngang, dần dần theo năm tháng, nhiều cây Bồ đề Việt cổ thụ có ngoại hình như một mái nhà đồ sộ được chống đỡ bởi hàng trăm cột thẳng đứng, tỏa bóng rộng vài ba chục mét đường kính. Một số cây tuy tuổi chưa cao, thân chính còn bé nhưng hệ thống rễ khí sinh đính kết nhau bao trùm toàn bộ thân chính tạo thành một thân giả nhiều rãnh có đường kính lên tới vài ba mét. Cây có lá hình tam giác hơi thuôn, đáy lá thường hình tim, đỉnh lá có mũi nhọn ngắn, phiến mỏng với mép nguyên phẳng; hệ gân lông chim có một cặp gân bên ở gốc mọc gần đối, các gân bên ít nổi rõ như Bồ đề Ấn.

Bồ đề Việt phân bố ở nhiều nước Đông Nam Á, bao gồm Bhutan, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Nepal, Thailand, Việt Nam. Đây là loài cây có phổ thích nghi rất rộng, chỉ cần một điểm tựa, với một ít chất mùn hay bột bụi cộng với chút ẩm độ thì một hạt bám vào cũng mọc thành cây, cho dù điểm tựa đó là một vết nứt vỏ của cành cây, một đám rêu phong trên bờ tường, nóc nhà, mái ngói…

Ngoài việc trồng làm bóng ở nhiều nơi, Bồ đề Việt còn được sử dụng làm cây bonsai rất phổ biến ở Huế. Một số chùa Phật giáo không có cây Bồ đề Ấn hay Bồ đề Việt trồng đất thì cũng trưng bày vài ba chậu bonsai cây Bồ đề Việt. Trong dân gian, rất nhiều gia đình xem Bồ đề Việt là một loài cây dùng làm tiểu cảnh thích hợp, bởi lẽ nó dễ tính, sống được trong điều kiện khắc nghiệt, cây có thân cành mềm dẻo, dễ uốn nắn để tạo các dáng thế theo sở thích riêng của từng người. Nó cũng được chọn trồng ở các hòn non bộ từ trong các vườn nhà tư nhân đến các công sở và cả công viên. Theo điều tra của chúng tôi, cho đến thời điểm này, cây Bồ đề Ấn rất ít được trồng làm cây bonsai. Trong số gần 30 chùa Phật giáo được khảo sát, chúng tôi chỉ mới phát hiện được một cây bonsai Bồ đề Ấn ở chùa Từ Hóa (đường Tam Thai) có tuổi đời đến 20 năm (theo Hòa thượng Thích Thanh Liên).

Ở thành phố Huế, cây Bồ đề Việt đã trở thành cây quá quen thuộc, bởi lẽ rất nhiều vỉa hè đường phố từng thấp thoáng bóng Bồ đề Việt đã hằng trăm năm về trước. Hiện nay, vỉa hè đường Bạch Đằng, đường Huỳnh Thúc Kháng, đường Đào Duy Anh vẫn còn những cây Bồ đề Việt cổ thụ sừng sững như những người khổng lồ nối vòng tay lớn tỏa bóng rợp cả lòng đường và dòng sông Đông Ba khi ánh nắng soi chênh chếch. Đã một thời chúng là những trụ cột vững chãi cho dân vạn đò neo thuyền trú lũ. Trước khi hai bờ kè ở đường Bạch Đằng và Huỳnh Thúc Kháng được xây dựng, chính hệ thống rễ của những cây Bồ đề Việt này đã là lá chắn chống sạt lỡ hữu hiệu từ tháng này qua năm nọ. Nhiều cây Bồ đề Việt gắn liền với đền đài, miếu mạo, đình làng... lâu ngày đã trở thành nơi thiêng liêng bất khả xâm phạm, mặc dù có người vẫn cho rằng cây Bồ đề không phải là nơi trú ngụ của hồn ma bóng quế, ngay cả các loài chim chóc cũng không chịu làm tổ ở đó, vì cây rụng lá theo mùa, cứ đông về thì cây trụi lá trơ cành. Ngoài những con đường có nhiều cá thể Bồ đề Việt cổ thụ vừa nêu, còn rất nhiều đường phố, ngõ, hẻm, công viên và cả khuôn viên công sở, trường học cho đến những điểm di tích trong quần thể di tích Cố đô Huế ở nội thành và ngoại thành thành phố Huế hiện hữu cây Bồ đề Việt, từ những cây son trẻ đến những cây cổ thụ già cỗi, từ những cây thon gọn đến những cây đồ sộ tỏa bóng cả một không gian rộng vài ba chục mét đường kính.

TRÀNG HẠT BỒ ĐỀ

Có người khi nghe nói đến “Tràng hạt Bồ đề” đã vội quy nạp ngay rằng, tràng hạt này được làm từ những quả Bồ đề kèm thêm lời giải thích mối quan hệ giữa cây Bồ đề với truyền thuyết Phật giáo. Chúng tôi nghĩ rằng, đây cũng là một sự ngộ nhận rất thiếu căn cứ. Thực ra, quả của cây Bồ đề thuộc dạng quả giả, do trục hoa tự phì đại, uốn cong tạo ra một quả giả hình cầu, giấu kín toàn bộ hoa, quả bên trong. Khi hoa tàn, nhị rữa, quả chín dần cũng là lúc quả giả này thối rữa ra để phóng thích quả ra ngoài, giúp cho quá trình phát triển cá thể được tiến hành bình thường.

Với đặc điểm cấu tạo, sinh trưởng và phát triển của hoa quả Bồ đề như vậy làm sao có thể lấy loại quả giả này làm chuỗi hạt Bồ đề được. Nếu thu quả chưa chín phơi khô để làm tràng hạt thì sẽ có những hạt móp méo, nhăn nheo vô cùng xấu và cũng không thể giữ được lâu. Thực ra, từ “Bồ đề” trong tràng hạt Bồ đề chỉ mang ý nghĩa tượng trưng. Đạo Phật xem việc niệm Phật là pháp môn tu hành nhiếp tâm nhằm dưỡng tâm Bồ đề (nuôi dưỡng Phật tâm). Vì vậy, những tràng hạt để niệm Phật cũng được gọi là tràng hạt Bồ đề. Trong thực tế, những hạt trong tràng hạt đó có thể được làm từ nhiều vật liệu khác nhau (quả, hạt, gỗ, nhựa...). Đại Nam Nhất thống chí có ghi rằng “Hạt của cây Vô hoạn mộc được các nhà chùa dùng làm tràng hạt, lại gọi là hạt Bồ đề”. Cây Vô hoạn mộc chính là cây Bồ hòn chứ không phải cây Bồ đề, và có lẽ tục lấy hạt của cây này làm tràng hạt đã có lâu đời từ Trung Quốc nên trong tài liệu Khu hệ Thực vật Trung Quốc (Flora of China) ghi là Vô hoạn tử, có nghĩa là loại cây cho hạt không bị sâu bệnh.

BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN

Bảo tồn

Ở Huế, những cây Bồ đề Việt cổ thụ ven bờ sông Đông Ba, trên vỉa hè đường Bạch Đằng, Huỳnh Thúc Kháng, Đào Duy Anh đã có tuổi thọ cao, có cây đã trên trăm tuổi, đã phát huy khả năng phòng hộ che chắn cho khu vực, tỏa bóng mát và cải thiện tiểu khí hậu vào mùa hè, làm rào chắn vào những ngày bão lụt hằng năm, theo tôi không nên triệt hạ, thay thế mà cần bảo tồn theo phương thức bảo vệ, cắt tỉa định kì, loại bỏ những cành nhánh bị sâu hại, bộng ruột để ngăn ngừa tác động của gió bão có thể gây hại cho người và của trong mùa mưa gió. Trong thời gian gần đây, do không được quản lí chặt chẽ, khi phát hiện một vài cây (ở đầu đường Huỳnh Thúc Kháng) có hiện tượng xuống cấp, giảm thiểu chất lượng sống, cơ quan quản lí đã cắt tỉa quá mạnh tay làm cây bị tổn thương, mất sức rồi chết dần. Những cây Bồ đề cổ thụ ở những con đường này rất khó trốc gốc cho dù có bão dữ, vì hệ thống rễ của chúng ăn sâu và rộng, đan kết chằng chịt, bám giữ môi trường đất rất chắc, chỉ sợ khi gặp gió bão, một số cành nhánh lớn, lan tỏa ra quá xa có thể bị gãy ngang hoặc xé thân. Vì vậy nên có kế hoạch kèm theo bản thiết kế kĩ thuật cho công nhân cắt tỉa đúng kĩ thuật, đúng mức độ, để vừa đề phòng sự cố do thiên tai gây ra đồng thời vẫn bảo tồn được cây ở tình trạng khỏe mạnh, cân đối, có ngoại hình đẹp, phát huy được khả năng tôn tạo cảnh quan và phòng hộ môi trường tốt.

Tuy nhiên, trên các vỉa hè đường phố Đinh Tiên Hoàng, Hùng Vương, Lê Lợi... những cây Bồ đề Việt phát triển to lớn đã cản trở, che chắn tầm mắt người tham gia giao thông, phá hủy lề đường và công trình ngầm, một số cây bị chắn rễ mạnh do thi công công trình ngầm có thể đổ ngã gây tai nạn bắt kì lúc nào... cần có kế hoạch di dời thay thế bằng loại cây khác phù hợp hơn.

Phát triển

Thiết nghĩ, trong nội thành thành phố chỉ nên phát triển cây Bồ đề Việt ở những điểm xanh, công viên, không nên chọn làm cây trồng vỉa hè. Những nơi phù hợp thì cũng chỉ nên trồng điểm xuyết, ngoại trừ trường hợp trồng phòng hộ chống sạt lỡ bờ sông, che chắn gió, làm vành đai khử mùi, cản bụi, ngăn tiếng động chung quanh các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất như nhà máy vôi, nhà máy xi-măng chẳng hạn.

Đối với khuôn viên các chùa Phật giáo, nơi nào chưa có cây Bồ đề Ấn, nếu được thì nên trồng chí ít là một cây, nếu không gian không cho phép thì trồng chậu, chùa nào đã có cây Bồ đề Việt thì cũng nên trồng thêm cây Bồ đề Ấn. Để tạo nét riêng, theo chúng tôi các chùa Phật giáo cũng nên tạo “Bộ tam bonsai Phật giáo” đặc trưng, gồm cây Bồ đề Ấn (Ficus religiosa), cây Sa la (Couroupita guianensis) và cây Vô ưu (Saraca indica) để vừa trang trí tiền sảnh vừa khơi gợi ý nghĩa tín ngưỡng với Phật tử vãng lai và cả du khách viếng chùa.

Đ.X.C
(SDB18/09-15)




 

Các bài đã đăng
“Đi chuồn” (16/11/2015)
Thoáng Mỹ… (03/11/2015)
Cái hôn (19/10/2015)